TÂm sở VẤN ĐÁp tỳ khưu Chánh Minh LỜi nóI ĐẦU “Ý dẫn đầu các pháp”


- HỎI: Hãy giải thích rõ Như lý tác ý và nhân sanh của Như lý tác ý?



tải về 0.61 Mb.
trang6/9
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.61 Mb.
#30346
1   2   3   4   5   6   7   8   9

40- HỎI: Hãy giải thích rõ Như lý tác ý và nhân sanh của Như lý tác ý?.

Đáp:

Như lý tác ý là hướng tâm hay chú ý hiệp đúng theo phương pháp, tức là theo cách thức của trí tuệ. Cũng nên ghi nhận: “như lý tác ý không phải là trí tuệ”, khi tâm sở Tác ý hướng tâm vào cảnh một cách đúng đắn, đó là việc làm của Tác ý, không phải là việc làm của trí, chính Như lý tác ý này có khả năng làm sanh khởi những pháp đưa đến giải thoát như Giác chi, bát Chánh đạo. Còn khi nhận cảnh Níp Bàn cắt đứt nghiệp luân hồi, đó là việc làm của trí, đây là hai pháp khác nhau.

Ngài Nāgasena có trả lời vua Milanda rằng:

Chú ý đúng theo phương pháp có trong tâm của tất cả bàng sanh như trâu, bò, heo, ngựa… nhưng không có trí tuệ, chỉ nhân thiên mới có”2

Trí tuệ ở đây, Ngài Nāgasena (Na Tiên) ám chỉ trí tuệ chứng đắc thiền định hay Thánh Đạo.

Rõ ràng: “chú ý đúng phương pháp là khác, trí tuệ là khác”. Chú ý đúng theo phương pháp làm duyên cho trí tuệ sanh khởi và tăng trưởng vững mạnh.

Bàng sanh có trí tuệ không? Có chứ.

Vì sao Ngài Nāgasena không đề cập đến trí tuệ của bàng sanh?

- Vì bàng sanh không có khả năng nhận thức tam tướng, Ngài Nāgasena đề cập đến trí ở đây là nói đến trí chứng đắc thiền định hay Đạo quả, nếu Ngài trả lời theo cách thông thường, sẽ khiến vua Milanda bắt bẻ : “Vậy bàng sanh cũng đắc Đạo quả sao?”, hoặc khiến vua Milanda hiểu lầm: “Bàng sanh cũng có thể đắc Đạo quả”. Với mục đích chấm dứt sự hiểu sai có thể xảy ra cho vua Milanda, đồng thời khẳng định “súc sanh không thể chứng đạt thiền định hay Đạo quả”, nên Ngài Nāgasena xác định “chỉ có nhân, thiên mới có trí tuệ (thiền định hay Đạo quả)”.

Đức Phật có dạy:

Này các tỷ kheo, điềm đi trước là tướng báo trước bảy giác chi sanh khởi, tức là như lý tác ý. Tỷ kheo thành tựu như lý tác ý, này các tỷ kheo, được chờ đợi rằng: Bảy giác chi sẽ được tu tập, bảy giác chi sẽ được làm cho sung mãn”.1

Và: “Này các tỷ kheo, cái đi trước và điềm tướng báo trước Thánh Đạo tám ngành sanh khởi chính là đầy đủ như lý tác ý (yonisomanasikārasampadā)”.2

Hai đoạn kinh trên (S.v, 31 - 79) cho chúng ta thấy hai sự chú tâm của Như lý tác ý là: “Chú tâm làm sanh khởi Thất giác chi, chú tâm làm sanh khởi Bát chánh đạo”, hai điều này xem như là đỉnh cao của Như lý tác ý.

Sự chú tâm có hai loại:


  • Chú tâm đúng phương pháp hiệp theo trí tuệ.

  • Chú tâm đặc biệt.

Chú tâm đúng theo phương pháp trí tuệ thường xuất hiện ở “tác ý thành lộ và tác ý thành đổng lực”. Trong giai đoạn “tác ý thành lộ (do tâm Hướng ngũ môn đảm trách)” nếu có như lý tác ý thì cảnh không quá thô xấu hoặc sẽ tốt đẹp hơn, giúp cho những tâm quả thiện có cơ hội sanh khởi.

Trong giai đoạn “tác ý thành đổng lực (do tâm Hướng ý môn đảm trách)”, nếu có như lý tác ý thì tâm thiện sanh khởi, tâm bất thiện không có cơ hội hiện bày.



Thế nào là chú tâm đặc biệt?

Như đã giải thích: tâm sở Tác ý hướng tâm cùng các pháp đồng sanh với nó vào một khía cạnh của cảnh, đó chỉ là Như lý tác ý thông thường. cách này bàng sanh vẫn có.

Như lý tác ý làm hiển lộ tam tướng cho tâm nhận biết (làm thành cảnh đặc biệt cho tâm), là như lý tác ý đặc biệt. Chính loại như lý tác ý này không có nơi bàng sanh và cũng chính loại như ý tác ý này mới làm sanh khởi tuệ quán được.

Ví như người thợ mộc muốn khoan một cái lỗ trên thân gỗ, trước tiên y đặt mũi khoan vào nơi thích hợp (ví như “như lý tác ý thông thường”), rồi y ra sức khoan mũi khoan vào gỗ, những thớ gỗ bên trong theo mũi khoan trào ra ngoài, người thợ mộc nhận thấy màu sắc, chất gỗ… mà lớp gỗ bên ngoài che khuất đi. Cũng vậy, như lý tác ý đặc biệt là làm cho tam tướng ẩn bên trong cảnh lộ ra, giúp cho tuệ quán sinh khởi để quán sát ba tướng của hữu vi pháp.

Nên Ngài Nāgasena có trả lời câu hỏi của vua Milinda rằng:


  • Bạch Đại Đức, người không còn tái sanh nữa, là do pháp nào?

  • Tâu Đại vương, người không còn tái sanh nữa là do có ba pháp: Ý nghĩ đúng phương pháp (yonisomanasikāra), trí tuệ (paññā) và tích trữ thiện pháp đầy đủ.1

Ở câu hỏi thứ 8 của vua Milinda, Ngài Na Tiên cũng nêu lên tướng trạng của như lý tác ý là:

Tâu Đại vương, tướng trạng của như lý tác ý (yoni so manasikāra lakkhaṇa) có hai là:



  • Sự tinh tấn là tướng trạng (ussāhalakkhaṇ).

  • Cách thu tóm (các pháp đồng sanh) là tướng trạng (gaharalakkhaṇa)”

Trong ví dụ trên cho thấy người thợ mộc khoan vào gỗ là sự tinh tấn, mũi khoan đi sâu vào gỗ ví như các pháp đồng sanh gom lại một chỗ.

Như vậy như lý tác ý đặc biệt chỉ xuất hiện trong lúc hành giả tu tập Vipassanā (quán Minh).



Nhân sanh như lý tác ý.

Có năm nhân làm sanh khởi Như lý tác ý là:



  1. Tích trữ thiện nghiệp trong quá khứ (pubbecakutapuññatā).

  2. Ở nơi có Chánh pháp hay có bậc thiện trí thức (patirūpadesāvasa).

  3. Thân cận bậc thiện trí thức (sappurisapanissaya).

  4. Được nghe Chánh Pháp (saddhammasāvana).

  5. An trú thân, ngữ, ý trong thiện pháp (atthasammapanidhi).

Trong năm điều trên, điều 1 là do nghiệp thiện được tích lũy trong quá khứ, bốn điều sau là nghiệp trong hiện tại.

41- HỎI: hãy giải thích rõ ba loại tác ý?.

Đáp:

Có ba loại tác ý là: Tác ý trợ sanh tâm lộ, tác ý trợ sanh đổng lực và tác ý tạo thành cảnh cho tâm.

1- Tác ý trợ sanh tâm lộ (vīthipaṭipādaka manasikāra).

Việc trợ sanh tâm lộ là do tâm Hướng ngũ môn (pañcadvāravajjanacitta) nhận lãnh.

Thường thì chúng sanh khi tiếp xúc với năm cảnh trần bên ngoài, phát sanh sự thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng.

Dĩ nhiên khi ấy không có sự liên hệ với “nhập thiền hay nhập quả định”, dòng tâm hữu phần đang trôi chảy bằng cách sinh diệt liên tục, cảnh tiếp chạm vào sắc thần kinh như cảnh sắc chạm vào thần kinh Nhãn, cảnh thinh chạm vào thần kinh Nhĩ…. bấy giờ tâm hữu phần chạm vào cảnh làm nảy sanh “sự chú ý”, ví như con ruồi chạm vào mạng nhện, làm rung mạng lưới khiến con nhện chú ý về hướng ấy, đó là nhân khiến Tâm Hướng ngũ môn sanh lên.

Tâm này có phận sự nhận cảnh mới đồng thời dẫn dắt các pháp đồng sanh với nó hướng về cảnh mới từ bên ngoài vào, rồi từ đó một loạt những tâm lộ hình thành, do đó tâm Hướng ngũ môn còn có tên gọi là tác ý thành tâm lộ.

Pāli có giải như sau:

Vīthipatipādayatīti = vīthipatipādako.

Tác ý tạo điều kiện cho tâm lộ sanh lên, nên gọi tác ý thành lộ tâm”.

2- Tác ý trợ sanh đổng lực (javanapādaka manasikāra).

Việc trợ sanh tâm đổng lực (javanacitta) là do tâm Hướng ý môn (manodvāravajjanacitta) nhận lãnh.

Lẽ thường trong lộ tâm ngũ môn hay lộ tâm ý môn, xuất hiện những tâm đổng lực (javanacitta) để xử lý cảnh. Những tâm đổng lực này phải nương sanh vào tâm Hướng ý môn, nếu thiếu tâm Hướng ý môn thì dòng đổng lực không thể sanh khởi, cho dù đó là cảnh rất lớn, cảnh lớn, cảnh rất rõ, cảnh rõ (xem Quy trình tâm pháp).

Do đó tâm Hướng ý môn còn có tên gọi là “tác ý thành đổng lực” .

Pāli có giải như sau: “javanaṃpatipāyatīti = javanapādako: Tác ý tạo điều kiện cho tâm đổng lực sanh lên, gọi là tác ý thành đổng lực”.

Hai loại tác ý trên chính là điều kiện trợ sanh loại tâm “mới”, đặc biệt hơn loại tâm “cũ” là tâm hữu phần.

Nói cách khác, hai tâm Hướng môn làm duyên để các loại tâm “mới” sanh lên. Pāli có giải tự rằng:

Purimanavate vinadisaṃ manaṃ karotīti = manasikāra: Trợ cho tâm đặc biệt sanh khởi, gọi là tác ý.”

Chính Như lý tác ý có vai trò quan trọng nhất trong “tác ý thành đổng lực”, nếu không có Như lý tác ý thì tâm đổng lực bất thiện sẽ sanh lên ngay, cho dù tâm nhận cảnh cực tốt như: Nghe Đức Phật giảng pháp mà tâm nghi hoặc.., còn như có Như lý tác ý thì tâm thiện sanh lên, cho dù có cảnh rất xấu, như trường hợp vị tỷ kheo quán tử thi…

3- Tác ý thành cảnh (ārammaṇapādaka manasikāra).

Đảm nhận phận sự này chính là tâm sở Tác ý.

Bất kể thời gian nào, tâm luôn luôn có cảnh để nhận biết, đó là việc làm của tâm sở Tác ý.

Có hai loại cảnh: cảnh của tâm hữu phần (cảnh cũ) và cảnh lạ trợ cho những tâm mới sanh lên (cảnh mới).

Cảnh cũ cũng là pháp hữu vi, do đó chúng cũng phải hoại diệt, chính tâm sở Tác ý tái tạo lại cảnh đó giúp cho tâm hữu phần sanh lên. Điều này cũng dễ hiểu, nhưng đối với cảnh mới trong nội phần thì sao? Cũng chính do tâm sở Tác Ý tạo ra, bằng cách thu gom các “vật liệu” trong cảnh cũ để tạo ra cảnh mới, ví như người thợ lành nghề, gom những gì có sẳn tạo thành cái mới.

Thế còn những gì tiếp nhận từ bên ngoài thì sao? Đối với năm cảnh trần mà tâm nhận được chỉ là “hình bóng” của thực thể, như con mắt khi nhìn thấy cành cây chẳng phải cành cây đi vào con mắt mà là “hình bóng của cành cây”, còn những âm thanh, vật xúc chạm vào thân cũng vậy, khi tâm nhận thức thì “thực thể” đã diệt rồi, chỉ còn dư hưởng mà thôi. Một vật sắc bén như gươm, đao chẳng hạn, khi chạm mạnh qua thân vài giây phút sau ta mới có cảm giác đau đớn, chứng tỏ “vật xúc chạm” không còn nhưng dư hưởng đang tác động vào thân, khi nghe thì chính âm thanh ấy đã diệt chỉ còn dư hưởng “ngân ngân” của âm thanh tác động đến thần kinh nhĩ, khi ăn nhằm chất cay, tuy uống nước để làm trôi chất cay, nhưng dư hưởng cay vẫn kéo dài …

Nói cách khác, những “hình bóng, dư hưởng” của thực thể khi chạm vào các sắc thần kinh làm dao động luồng hữu phần, nảy sinh xúc “mới” và tâm sở Tác ý thu gom những “tàn dư” ấy tái tạo thành hình ảnh giống như “thực thể’ để cho tâm nhận biết (dĩ nhiên hình bóng ấy nhỏ hơn so với thực thể). Do đó, tâm sở Tác ý được gọi là “tác ý làm thành cảnh cho tâm”.

Tức là cho dù cảnh “mới” ở bên trong hay cảnh ở bên ngoài cũng do tâm sở Tác ý tạo thành.

Pāli có giải:

Ārammaṇaṃ manasi patipādayatīti = ārammaṇapatipādako.



Tác ý tạo thành cảnh (cho tâm), gọi là tác ý thành cảnh.”

Chính Như lý tác ý trong giai đoạn này cũng góp phần làm cho cảnh tốt đẹp để từ đó dễ dàng phát sanh tâm quả thiện, còn không Như lý tác ý thì cảnh tốt cũng trở thành xấu, cảnh xấu trở thành tệ hại khiến tâm quả bất thiện dễ dàng sanh khởi.



42- HỎI: Hãy trình bày tứ ý nghĩa của tâm sở Tác ý?

Đáp:

Tứ ý nghĩa của tâm sở Tác ý là:



  • Trạng thái: Dẫn dắt các pháp tương ưng hướng đến cảnh (sāranalakkhaṇa).

  • Phận sự : Làm cho các pháp tương ưng khắn khít với cảnh (sampayojanaraso).

  • Thành tựu : Luôn hướng đến cảnh (ārammaṇābhimukhībhava paccupaṭṭhāno).

  • Nhân cần thiết: Phải có cảnh (ārammaṇapadaṭṭhāno).

Giải thích:

- Trạng thái: Tâm sở Tác ý là pháp dẫn dắt tâm và tâm sở đồng sanh hướng đến cảnh. Như khi cảnh sắc tiếp xúc với thần kinh Nhãn, Nhãn thức phát sanh lên cùng với tâm sở Tác ý, chính tâm sở Tác ý lại hướng Nhãn thức cùng các pháp đồng sanh hướng đến cảnh như mình. Tâm sở Tácý cũng đóng vai trò tương tự khi cảnh khác tiếp xúc với các môn. Ví như người đánh xe điều khiển những con ngựa đến nơi mình muốn.

- Phận sự: Tâm sở Tác ý có phận sự làm cho các pháp đồng sanh khít khao trong cảnh, nghĩa là làm cho tâm cùng các tâm sở liên tục bám lấy cảnh không gián đoạn, do đó tâm và các tâm sở không hề gián đoạn trong sự biết cảnh, cho dù trong lúc ngủ dòng hữu phần vẫn liên tục sinh diệt và luôn luôn có cảnh cho chúng. Đồng thời những tâm sở đồng sanh với tâm hữu phần cũng luôn níu lấy cảnh. Đây là khả năng của tâm sở Tác ý.

- Thành tựu: Với trí tuệ, bậc trí hay hành giả thấy tâm luôn sanh diệt không gián đoạn, đồng thời cảnh luôn hiện khởi và tâm luôn hướg về cảnh. Đây là sự thành tựu của tâm sở Tác ý.

- Nhân cần thiết: Trợ sanh cho tâm sở Tác ý chính là cảnh trong thời trước đó, hoặc cảnh trong cả ba thời. Vì rằng không có cảnh thì tâm sở Tác ý mất phương hướng, không thể chú ý vào đâu được, chính cảnh dù là cảnh vị lai như trường hợp Đức Phật thọ ký cho những thiện nhân “trong tương lai, thiện gia tử này sẽ thành tựu như thế này… như thế này”, cũng là điều kiện giúp cho tâm sở Tác ý được tạo thành, đồng thời giúp cho tâm sở chú ý đến cảnh .

Ví như xe vừa lăn bánh không khí đồng thời chuyển động ngay cũng vậy, cảnh vừa xuất hiện thì tâm sở Tác ý hình thành để chú ý cảnh, sau đó Tác ý lại tiếp tục tạo thành cảnh khác cho tâm.

Bảy tâm sở: Xúc, Thọ, Tưởng, Tư, Nhất hành, Mạng quyền và Tác ý gom chung vào nhóm tâm sở Biến hành.
A-
TÂM SỞ
BIỆT CẢNH

Tâm sở Biệt cảnh gồm có sáu tâm sở là: Tầm, Tứ, Thắng giải, Cần, Hỷ và Dục.



43- HỎI: Thế nào là tâm sở Tầm (vitakkacetasika)?.

Đáp:

Từ ngữ vitakka là do vi + ngữ căn takk.



Vi là đặc biệt, ngữ căn takk là suy gẩm, suy tư, suy nghĩ.

Vitakka (tầm) nghĩa là tìm kiếm cảnh cho tâm.

Pāli có giải như sau: “vitakkanam. = vitakko: cách tìm kiếm(cảnh), gọi là tầm”.

Rất khó tìm một từ ngữ chính xác để dịch chữ vitakka, từ ngữ này có rất nhiều nghĩa sai biệt, khi dùng trong tạng Kinh (sutta pitaka) thì vitakka dùng theo nghĩa “ tư tưởng, tìm kiếm”, còn trong tạng Luận (abhidhamma pitaka) thì vitakka dùng theo nghĩa chuyên môn là “nâng cao các tâm sở đồng sanh” hay “áp đặt tâm và các tâm sở đồng sanh trên một đối tượng”.

Giữa hai tâm sở Tác ý (manasikāra cetasika) và tâm sở Tầm (vitakkacetasika) có nét giống nhau: “hướng về cảnh hay tìm đối tượng”, nhưng có nét khác nhau là: Tâm sở Tác ý hướng các pháp đồng sanh đến đối tượng, còn tâm sở Tầm thì “ném (pakkhipantoviya)” các pháp đồng sanh đến đối tượng. Học viên nên ghi nhận rõ hai đặc tính này.

Sách Atthasālinī có ghi rằng: “Đặt tâm và tâm sở đồng sanh trên đối tượng (abhiniropana) là đặc tính chánh của vitakka”.

Giữa Tác ý và Tầm , các Ngài Giáo Thọ Sư Ṭīkā có cho ví dụ để so sánh như vầy:

Một nông dân muốn yết kiến Đức vua, y đi đến Hoàng cung được vị đại thần sủng ái của Đức vua dẫn y vào yết kiến Đức vua.

Đức vua ví như cảnh, người nông dân ví như các danh pháp, đi đến Hoàng cung ví như hướng đến cảnh (Tác ý), vị đại thần sủng ái ví như Tầm. gặp được Đức vua ví như áp đặt các danh pháp vào cảnh.

Là một tâm sở Biệt cảnh, thông thường thì tâm sở Tầm chỉ “áp đặt” các pháp đồng sanh vào cảnh, nhưng khi phát triển cao thì trở thành chi thiền (jhānaṅga), tạo điều kiện cho các chi thiền khác hiển lộ sức mạnh, hoặc trở thành chi Đạo (sammā saṅkappa – chánh Tư duy) đưa các pháp đồng sanh tiến đạt cảnh Níp Bàn.

Trong Sơ thiền thì tâm sở Tầm trở thành appanāvitakka (an chỉ Tầm) vì đã trụ vững vào án xứ thiền.

Sự khác biệt giữa tâm sở Tầm và chi thiền Tầm là: tâm sở Tầm chỉ áp đặt các pháp đồng sanh vào cảnh, còn chi thiền Tầm có khả năng “làm cho” các pháp đồng sanh trú vững trong cảnh án xứ, đồng thời trấn áp được hôn trầm (ṭhīna). Ta có thể hiểu sự khác biệt giữa hai trạng thái ấy như sau:

Trên khung vải thêu, có một số cây kim nằm trên vải, một số cây khác được cắm vào vải, khi gió thổi qua những cây kim nằm trên vải rơi xuống, riêng những cây kim cắm vào vải vẫn còn. Những cây kim nằm trên vải ví như trạng thái của tâm sở Tầm, còn những cây kim cắm vào vải ví như trạng thái chi thiền Tầm.

Sở dĩ tâm sở Tầm được xếp vào tâm sở Biệt cảnh là vì:



  • Đối với năm thức: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt và thân thức thì chúng không có mặt.

  • Khi hành giả đạt từ Nhị thiền trở lên thì không còn tâm sở Tầm.

Có câu hỏi rằng: “ Những tâm không có tâm sở Tầm vì sao có khả năng trú trong cảnh như những tâm có tâm sở Tầm?”.

Đáp rằng:

- Đối với ngũ song thức trú trong cảnh mà không có tâm sở Tầm là vì: năm trần cảnh như cảnh sắc, cảnh thinh… tiếp xúc trực tiếp nơi năm sắc thần kinh và cảnh ấy cũng là cảnh hiện tại, nên không cần phải suy tư, xem xét cẩn thận. Cảnh ấy đã hiển lộ rõ ràng, cảnh và tâm lại cùng nương một vật (vatthu) nên không cần phải có tâm sở Tầm “ném” các pháp đồng sanh vào cảnh.

- Đối với tâm Nhị thiền không có tâm sở Tầm là vì: năng lực chứng đạt cảnh Quang tướng (patibhāganimitta) của Nhị thiền không phải do chi thiền Tầm “ném” các pháp đồng sanh vào cảnh, mà do năng lực của tâm đại thiện (mahākusalacitta) trong giai đoạn cận định (upacārasamādhi) của Nhị Thiền. Kể từ khi Quang tướng xuất hiện cho đến khi lộ tâm chứng Nhị thiền phát sanh, tâm Nhị thiền phát sanh là do những tâm Chuẩn bị (parikamma), Cận hành (upacāra), Thuận thứ (anuloma) và Chuyển tộc (Gotrabhū)1 dẫn nhập. Từ tâm Chuyển tộc (gotrabhū) trở về trước (trong lộ chứng Nhị thiền), những tâm này đều là những tâm đại thiện có Tầm, nhưng Tầm này là Tầm trong cận định của Nhị thiền, cảnh Quang tướng trong tâm lộ này với Quang tướng cận định Nhị thiền không khác nhau, giữa những lộ cận định và lộ đắc định không có một tâm lộ nào khác xen vào, do đó cảnh Quang tướng xem như chỉ là một.

Khi tâm Chuyển Tộc sanh lên tuy có Tầm, nhưng vì là “chuyển tộc” nên khi tâm Nhị Thiền sanh lên thì Tầm bị bỏ rơi để chuyển sang “họ (tộc)” mới.

Mặt khác, tuy không có Tầm, nhưng tâm Nhị thiền vẫn trú vững trong cảnh là do cảnh Quang tướng hiển lộ rõ ràng, đồng thời năng lực của chi Tầm trong những tâm Cận định (Chuẩn bị, cận hành, Thuận thứ, Chuyển tộc) có khả năng giúp cho tâm Nhị thiền trú vững trong cảnh mà không cần có chi Tầm hổ trợ.

Ví như những toa xe lửa, chỉ có một toa có máy móc, khi toa này chạy kéo theo những toa không có trang bị máy móc và những toa không có trang bị vẫn chạy được. Cũng vậy, toa có trang bị máy móc ví như tâm cận định trợ giúp tâm Nhị Thiền trú vững (ví như toa không có trang bị máy móc), máy móc ví như chi thiền Tầm trong tâm Cận định.

44- HỎI: Hãy trình bày tứ ý nghĩa của tâm sở Tầm?

Đáp:

Tứ ý nghĩa của tâm sở Tầm là:



  • Trạng thái: Là đem các pháp đồng sanh đi đến cảnh (ārammaṇābhini lakkhaṇo).

  • Phận sự: Là khởi đầu tiếp xúc với cảnh liên tục (āhanappariyāhana raso).

  • Thành tựu: Là tâm và các pháp đồng sanh đến cảnh (ānaya paccupaṭṭhāna).

  • Nhân cần thiết: Là phải có cảnh đáng tìm (ārammaṇapadatthāno) và 3 uẩn ngoài ra (sesakhandhattayapadaṭṭhāna).

Giải thích:

Trạng thái: Khi tâm có nhiều sự suy nghĩ sai khác, đó chính là đặc tính của tâm sở Tầm, vì làm cho tâm luôn tìm đến cảnh mới.

Người có nhiều suy nghĩ được gọi là người đa tầm hay người có tính Tầm. Người nằm không ngủ được là khi người ấy có nhiều suy tư, miên man, bắt hết cảnh này đến cảnh khác, do đó gọi chi Tầm đối trị hôn trầm (buồn ngủ).

Khi hành giả thực hành thiền tịnh thấy tâm mình không an tịnh cứ nhận bắt cảnh này, cảnh khác liên miên, nên hiểu rằng đó là trạng thái của tâm sở Tầm và cần phải đem Tầm vào khuôn khổ, an trú Tầm vào một cảnh (là đề mục) mà thôi.

Phận sự: Tâm sở Tầm có phận sự khởi đầu cho sự biết cảnh và liên tục tiếp xúc với cảnh.

Hành giả hành Chỉ tịnh hoặc Minh sát thường niệm “đất, đất” liên tục , hoặc theo dõi các cảnh liên tục. Trạng thái có Niệm vững vàng như thế chính là phận sự của Tầm, nó đang làm nhiệm vụ giúp cho tâm và tâm sở đồng sanh nhận biết (một) cảnh liên tục không gián đoạn.



Thành tựu: Hành giả quán xét cảnh, nhận biết cảnh qua nhiều khía cạnh, đây chính là thành tựu của tâm sở Tầm.

Vì khi ấy các tâm sở khác cũng nhận thức được cảnh rõ ràng, mỗi tâm sở nhận thức cảnh theo cách riêng, nhờ đó hành giả nhận biết nhiều khía cạnh của cảnh. Nên hiểu rằng “không phải trong một thời điểm mà hiểu nhiều khía cạnh, một thời điểm chỉ hiểu một khía cạnh, nhưng vì có tâm sở Tầm bắt (một) cảnh liên tục qua nhiều thời điểm, mỗi thời điểm lại có một tâm sở có sức mạnh vượt trội hơn các tâm sở khác và nó thực hiện phận sự riêng của mình rõ rệt hơn.

Ví như một cuộc hòa nhạc, một người nghe khi thì nhận thức tiếng dương cầm, lúc thì nhận ra tiếng trống, lúc nhận ra tiếng kèn…”

Nhân cần thiết: Cũng như tâm sở Tác Ý, nếu không có cảnh thì tâm sở Tầm không thể làm phận sự “ném các pháp đồng sanh vào cảnh”, ngay cả khi có cảnh mà không có phận sự này thì tâm sở Tầm cũng không sanh lên (như trong tâm Nhãn thức… hay trong các tâm từ Nhị thiền trở lên).

Lại nữa, phải có ba uẩn là: Thọ, Tưởng và Thức uẩn, vì không có ba uẩn này thì Hành uẩn không thể có mặt, đó là điều phổ thông.

Nhưng tại sao lại đề cập đến “phải có ba uẩn ngoài ra?”

Đề cập đến điều phổ thông này là ý nhấn mạnh đến sự thànnh tựu của tâm sở Tầm “làm cho các danh uẩn biết rõ cảnh”.



45- HỎI: Tâm sở Tầm khi phát triển ở cấp độ cao trở thành chánh Tư duy (sammā saṅkappa). Thế nào là là Tư duy? Thế nào là chánh Tư duy?

Đáp:

Tâm sở Tầm là pháp chủng có đặc tính đưa tâm cùng các tâm sở đồng sanh đến cảnh, khi tâm sở Tầm đưa các pháp đồng sanh đến các cảnh làm duyên cho dục lạc, sân hận hay sát hại sanh khởi, gọi là tà tầm. Khi tâm sở Tầm đưa các pháp đồng sanh đến những cảnh trợ sanh cho các pháp xa lìa dục ái, xa lìa sân hận, xa lìa sát hại, đó là chánh tầm hay chánh tư duy.

Thế nào là những cảnh không đưa đến dục lạc, sân hận, sát hại?

Chính là những cảnh “đây là khổ, đây là nhân sanh khổ, đây là khổ diệt, đây là con đường đưa đến khổ diệt”.

Đức Phật có dạy:

Này các tỷ kheo, chớ có suy tầm các tầm ác bất thiện (mā akusalaṃ cittakke cittakeyyā)1 như dục tầm, sân tầm, hại tầm. Vì cớ sao? Vì các tầm ấy, này các tỷ kheo, không liên hệ đến mục đích, chúng không phải là căn bản của phạm hạnh, chúng không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng tri, giác ngộ Níp Bàn.



Này các tỷ kheo, khi các thầy suy tầm hãy suy tầm “đây là khổ, đây là khổ diệt, đây là khổ tập, đây là con đường đưa đến khổ diệt”. Vì sao? “Vì các tầm ấy đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng tri, giác ngộ Níp bàn.”2

Đức Phật cũng nhắc lại khi Ngài còn là Bồ tát, trên con đường đi tìm pháp giải thoát khổ, chính khi ấy Bồ tát cũng phân ra hai loại tầm: tà tầm bao gồm dục tầm, sân tầm và hại tầm. Ba loại tầm này đưa đến hại mình, hại người, hại cả hai, đưa đến diệt trí tuệ là những loại tầm đi chung với phiền não, không dẫn đến Níp bàn.

Này các tỷ kheo, khi Ta suy nghĩ: (dục tầm này) đưa đến tự hại. Dục tầm tưởng này biến mất (paṭisañcikkhato abbhatthaṃ).

Này các tỷ kheo, khi Ta suy nghĩ (dục tầm này) đưa đến hại người, dục tầm tưởng được biến mất.

Này các tỷ kheo, khi ta suy nghĩ (dục tầm này) đưa đến hại cả hai, dục tầm tưởng này biến mất”3.

Tương tự như thế với sân tầm (byāpāda vitakka), hại tầm (vihiṃsa vitakka).

Như thế. chúng ta thấy rằng khi tâm sở Tầm đưa tâm đến những cảnh hấp dẫn liên hệ đến dục như suy nghĩ đến đối tượng yêu thích, suy nghĩ đến cảnh trác táng, trụy lạc… đưa tâm đến những cảnh dẫn đến sân hận như nghĩ đến kẻ thù, nghĩ đến những nỗi bất hạnh của mình…. đưa tâm đến những cảnh làm duyên cho sát hại như suy nghĩ đến phương thức trả thù, phương thức sát hại kẻ nghịch… đó là tà tầm, trong lãnh vực này luôn có sự trợ giúp của tà tưởng.

Đây là ý nghĩa của chánh Tư duy và tà Tư duy.

Chánh Tư duy có hai loại là: chánh Tư duy thông thường (như đã giải) và chánh Tư duy đặc biệt là loại Tầm đã thấy được tam tướng đang chuẩn bị hình thành chi Đạo đưa đến chứng đạt Níp Bàn.



tải về 0.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương