Tinh hoa và SỰ phát triển của ĐẠo phật buddhism- its Essence and Development



tải về 1.45 Mb.
trang26/38
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích1.45 Mb.
#37968
1   ...   22   23   24   25   26   27   28   29   ...   38

SỰ GIẢI THOÁT 


Sự giải thoát như Tân Phái Trí Tuệ hiểu, có thể thâu vào ba phủ định – Vô-đắc, Vô-thụ, Vô-sở-y và một thuộc từ khẳng định – Chính-biến-tri.  Người ta đã dùng rất nhiều lý lẽ để chứng minh rằng Niết Bàn không thể đạt tới, sự giải thoát không thể thực hiện và cuộc chiến đấu trường kỳ và lao khổ của Bồ tát thực sự không đưa đến đâu hết – “Trong không tính không có thủ đắc cũng như không có vô-đắc”.  Vô-vi-pháp theo định nghĩa không có bất cứ một liên lạc nào với bất cứ một sự vật gì, hay, như Kinh điển viết, Vô-vi-pháp tuyệt đối cô lập và cô độc.  Do đó không một ai có thể có bất cứ một thứ liên lạc nào với nó, đừng nói thủ đắc hay chiếm hữu được nó.  Hơn nữa, không bao giờ người ta có thể biết rằng mình đã đạt Niết Bàn.  Không tính không có đặc tính, không có dấu hiệu, không có bất cứ cái gì nhờ đó người ta có thể nhận ra, và như vậy, chúng ta không bao giờ có thể biết chúng ta có hay không có nó.

Vô đắc trong thực tế tương đương với diệt-ngã, hoặc quên mình trong một sư buông thả (xả ly) hoàn toàn.  Đặc tính của những đức tính cao cả nhất là người ta không thể ý thức về chúng mà không đánh mất chúng.  Tính đơn giản và khiêm tốn cũng vậy.  Người ta không thể chủ định tập thành tính đơn giản tự nhiên cũng như không thể suy nghĩ về tính khiêm nhường mà không sinh kiêu ngạo.  Người ta không thể nói rằng người ta đã đạt Niết Bàn mà không phân biệt giữa mình và Niết Bàn, giữa atrạng thái trước và trạng thái hiện thời của mình, giữa Niết Bàn và chẳng phải Niết-Bàn.  Và tất cả những phân biệt này là dấu hiệu của chính cái vô minh đã ngăn không cho người ta đạt tới bờ bên kia.

Quả thực ngay trong sự sử dụng ngôn ngữ đã hàm chứa một sự nguy hiểm cố hữu: bất cứ một phát biểu nào hình như cũng là sự khẳng định về một cái gì đó.  Trong một hệ thống trong đó Vô-thụ là một trong những dấu hiệu của giải thoát, người ta phải luôn luôn nhớ rằng nó không được đưa ra như một lý thuyết rõ ràng hay một hệ thống siêu hình: “Diệu Pháp này không phải là một đấu trường cho những luận lý gia”.  Học thuyết về không tính không được giảng dậy để ủng hộ một lý thuyết này chống lại những lý thuyết khác, nhưng để thoát ra ngoài tất cả những lý thuyết nói chung.  Vì vậy người ta sẽ rất bất công với ý hướng của Tân Phai Trí Tuệ nếu người ta coi không tính như một thứ Tuyệt Đối Thể đằng sau hữu vi thế gian, như một thứ nền tảng cho nó, như một thứ neo cho chúng ta.  Chắc chắn không phải như vậy – “Niết Bàn chẳng khác sinh-tử”.  Nó quyết không phải là một thực tại biệt lập.  Đồng thời mô tả nó như một Nhất Nguyện luận siêu hình chống lại đa nguyên luận của Nhất Thiết Hữu Bộ cũng là một lối ngụy biện.  Quả thực Trung Quán luận thường được trình bầy như vậy trong những cuốn Triết Học giáo khoa.  Nhưng đặt một Nhất thể chống lại Phức thể là đi ngược lại với tinh thần của một học thuyết đã cố tránh không để rơi vào nhị nguyên luận.  Tâm trí của Long Thụ tế vi hơn những lối triết lý này nhiều.  Không tính không-khác có và không, và chân lý sẽ thoát khỏi chúng ta khi chúng ta nói “nó là”, và chúng ta nói “nó không phải là”; nhưng nó nàm ở đâu đó giữa hai điều này.  Người nào trụ trong không tính không có một thái độ tích cực cũng như tiêu cực với bất cứ một sự việc gì.  Học thuyết của Long Thụ không phải là một học thuyết siêu hình nhưng nó tả một thái-độ thực nghiệm của vô-thụ (bất-quyết) duy nhất có thể bảo đảm một hòa bình lâu bền.  Không có gì xa lạ với tâm tính của một hiền triết hơn là tranh hay ủng hộ hoặc chống lại một điều gì.  Tính nhu hòa này của chân hiền triết là mầm mống của Trung luận biện chứng.  Nó đã được diễn tả rõ ràng ngay trong những kinh điển trước Long-Thụ.  Người ta đã tìm thấy nó rõ ràng và chắc chắn trong Kinh Tập (Suttà Nipata) (đoạn 796-803).  Và trong Tương Ứng Bộ (Samyutta Nikàya), Đức Phật thuyết: “Ta không tranh với thế gian, nhưng thế gian tranh với ta, bởi vì kẻ nào biết chính Pháp không bao giờ tranh với thế gian.  Và cái mà những bậc thức giả trong thế gian coi như vô-sinh, ta cũng giảng là vô-sinh.  Và cái mà thức giả trong thế gian coi như hữu sinh, cái đó, ta cũng giảng như hữu sinh”.  Mục đích của biện chứng pháp Long-Thụ là không đi đến bất cứ một kết luận xác định nào hết[13], nhưng phá hủy tấ tcả mọi ý kiến và giản lược tất cả mọi tin tưởng tích cực đến chỗ phi lý.



Tân Ước nói với chúng ta một cách vắn tắt trong một câu ngắn: “con của loài người không có chỗ tựa đầu.”  Với một lối diễn tả biến đổi gần như vô cùng, Tân Phái Trí Tuệ giảng thuyết về Vô-sở-y.  Đầu mối của giáo lý nằm trong sự quan trọng của nỗi xao xuyến trong cuộc đời chúng ta.  Nỗi xao xuyến này cưỡng bách chúng ta phải thường trực bám víu vào một cái gì khác chúng ta.  Chúng ta đeo hết người này đến người kia và không có điều gì làm chúng ta kinh hoàng hơn là hoàn toàn cô đơn, đối diện với mình, không có cả ý nghĩ về một điều gì đó để ẩn trốn.  Để được giải thoát, chúng ta phải lần lượt liệng những chiếc nạng này, và học nhìn mà không được run sợ không tính của tâm hồn chúng ta, như nó trần truồng với chính nó.  Khi chúng ta đi đến trạng thái như vậy, không có bất cứ một sự chống đỡ vững vàng nào, không có bất cứ một hy vọng cỏn con nào, lúc đó người ta sẽ nói với chúng ta “không được nương tựa vào bất cứ một điều gì ngoài trí tuệ viên mãn” hay vào không tính thì cũng vậy.

Trên một quan điểm tích cực, sự giải thoát được tả như Chính biến tri.  Tham vọng trở thành chính biến tri này khá lạ lùng đối với chúng ta và cần đôi lời giải thích.  Nó là kết quả của một sự phát triển song phương, mà một mặt, biến Niết Bàn tận cùng của Phật tính thành một mục đích mà tín đồ phải vươn tới, và mặt khác, đề cao chính biến tri như biểu hiệu chính yếu của một Đức Phật.  Khía cạnh thứ nhất, như chúng ta đã thấy, bao hàm trong lý tưởng Bồ tát.  Vậy theo ý nghĩa nào Đức Phật được coi như chính biến tri ? Đại Thừa tuyên bố rằng Đức Phật chính biến tri theo nghĩa hẹp nhất của danh từ. Bằng sự hiểu biết phóng khoáng, ngài biết tất cả những phương diện của đời sống, trong tất cả những chi tiết của nó, một cách đúng đắn.  Dĩ nhiên những tâm trí có giới hạn không thể hy vọng hiểu đưọc những việc làm của một trí tuệ vô biên.  Những tư tưởng của Đức Phật, về phương diện phẩm chất, quả thực, khác tư tưởng của chúng ta một trời một vực.  Đó là những tư tưởng tuyệt đối tư tưởng về một Tuyệt-Đối.  Xét kỹ, tư tưởng của Đức Phật đúng ra không phải là tư tưởng chút nào, bởi vì một tư tưởng vô vi không thể bị bao hàm trong uẩn của thức, và bởi vì nó không cách biệt với đối tượng của nó, nhưng đồng nhất với nó.  Trong tất cả mọi trường hợp, chính biến tri không thể gán cho Đức Phật chừng nào ngài chỉ là một con người, hay cả khi ngài còn ở trong “báo thân”, nhưng nó chủ yếu nối kết với Đức Phật với tư cách một nguyên lý tâm linh thuần túy, với Pháp thân của Đức Phật.  Không phải tất cả Phật-tử đều tin rằng chính biến tri chặt chẽ của Đức Phật cần phải có để phong cho tôn giáo của ngài thế giá cần thiết.  Nếu ngài biết tất cả những gì quan yếu cho sự giải thoát, điều đó đủ để làm ngài trở thành một người hướng đạo đáng tin cậy.  Trong một vài đoạn trong Kinh điển thuộc văn hệ Pàli, quả thực, Đức Phật công khai chối bỏ bất cứ một thứ toàn tri nào khác.  Đại Thừa, mặt khác, giải thích, rằng trong khi chính biến tri của Đức Phật trước hết hệ tại những phương tiện đạt Niết Bàn và giải thoát mà ngài biết, ngài cũng còn hiểu tất cả mọi sự việc không trừ điều gì, gồm cả những yếu tố không cần thiết như số lượng của côn trùng trên thế giới.  Nếu Đức Phật khuyết điểm về phương diện này, ngài sẽ bị bối rối bởi những sự vật bên ngoài lãnh vực hiểu biết của ngài và ngài sẽ không thể đồng nhất với Tuyệt-Đối.

Gạt ra ngoài những hàm ngụ triết lý của vấn đề này, sự tìm kiếm chính biến tri, theo một quan điểm thực dụng, đồng nhất với sự tìm kiếm diệt-ngã, và do đó đưa nó ra làm cứu cánh của đời sống tâm linh là một điều rất có ích.  Nếu đặt chúng ta vào điều kiện tự nhiên của chúng ta, có thể chúng ta phải đồng ý rằng chúng ta không có ước muốn đặc biệt trở thành hoàn toàn chút nào.  Với một người đi tìm chính Pháp trung bình, toàn-tri chắc chắn không phải là một trong những quả, nó không phải phần thưởng mà hắn thực sự tìm kiếm.  Tình trạng mà người ta thường mong đợi trong sự theo đuổi chính Pháp có thể vạch rõ, theo tôi, bằng ba đặc tính chính sau: 1. Ngăn ngừa đau đớn thể chất; 2. Giải thoát khỏi sợ hãi, xao xuyến, lo ngại bởi sự từ bỏ của tất cả những trói buộc vào tự ngã, và của những hậu quả của nó, như sự chết; 3. cuối cùng, một vài hy vọng trở thành trung tâm hay trụ sở của một sức mạnh bình thản và tinh tuyền có thể chế ngự xua đuổi được thế gian.  Sử liệu cho thấy rằng trong giáo hội Phật-giáo cổ thời ở Ấn-Độ, chúng là những động cơ thúc đẩy những cố gắng của một phần đáng để của tăng đoàn.  Trước tâm trí họ là một lý tưởng của trạng thái lãnh đạm, gần như lý tưởng apatheia của phái Khắc Kỷ.  Chính để chống lại họ mà Đại Thừa nhấn mạnh chủ trương Chính biến tri.  Nếu bạn luôn luôn bị ước muốn trốn thoát những xấu xa tội lỗi của thế gian chế ngự, ý tưởng của bạn về diệt ngã rất có thể đi đến chỗ giống như một giấc ngủ không mộng triền miên.  Nhưng Đức Phật là một người luôn luôn thức tỉnh, và trong Sanskrit ngữ căn BUDH biểu thị cả hai điều thức  giác.  Đó là lý do tại sao Đại Thừa nâng Chính biến tri lên hàng mục đích phổ quát.

Hơn nữa, đức tính của Chính biến tri rõ rệt nằm trong sự kiện tôi không có một mảy may ước muốn nào về nó.  Không có một bản năng nào bắt buộc chúng ta phải tìm toàn tri.  Với tư cách là một mục đích, nó hoàn toàn xa lạ với tính chất tự nhiên của chúng ta.  Hiển nhiên chúng ta đối diện với một mâu thuẫn: Mục đích của tôi, một tín đồ của Đạo pháp, bắt buộc phải hấp dẫn đối với tôi, bởi vì nếu không tôi sẽ cố gắng vươn tới nó.  Cái tôi hiện tại ở đâu, mục đích ở đó, và tất cả những gì nó đánh giá trị và hiểu, đã ngừng hiện hữu, và không thể thấu nhập.  Thực là một điều khôi hài cho tôi, cũng như cho bất cứ người nào khác, làm bộ nghiêm trang muốn biết tất cả mọi chi tiết của toàn thể vũ trụ.  So với vũ trụ bao la, toàn thể nhân loại không bằng một chấm rêu nhỏ trên hòn đá cuội trong Đại Tây Dương so với chính Đại Tây Dương.  Tôi còn nhỏ hơn thế biết bao nhiêu.  Chính biến tri và tôi không bao giờ có thể gặp nhau.  Nhưng khi tôi không còn là tôi nữa, tất cả đều có thể xẩy ra.

Bằng lòng chấp nhận mâu thuẫn này không phải là một việc dễ dàng, nó chống lại bản chất chúng ta.  Với những con người được cấu tạo như chúng ta, quan niệm mục đích của mình như một cái gì cần phải xâm chiếm – như một con bươm bướm bị bắt trong vợt, hay như một trương mục đẻ ra lời ở ngân hàng là một cám dỗ.  Chúng ta thích một sự giải thoát, theo lời Eckhart, chúng ta có thể “gói trong một tấm mền, và đặt dưới một chiếc ghế dài”.  Để sửa sai thái độ cố gắng đạt đến mục đích như một cái gì ở ngoài đó, người ta phải nói rằng mục đích không là gì hết, nghĩa là không tính hoặc sự đồng nhất của có và không.  Hoặc, ngược lại, người ta có thể nói nó là tất cả, không phải tổng số của các vật, nhưng toàn thể của các vật vừa bao gồm lại vừa loại trừ mỗi cá vật.  Hiển nhiên không thể suy tưởng được, nhưng trong toàn tri đối tượng đồng nhất với chủ thể của nó.  Làm tất cả mọi sự, không ý thức làm bất cứ điều gì.  Nghĩ tất cả mọi sự, và không có ý thức về bất cứ điều gì.  Tranh đấu cho tất cả mọi sự, và bằng lòng không bao giờ đạt tới chúng.  Đó là phép lạ chúng ta phải tựu thành để thoát khỏi chúng ta.  “Kẻ nào không tự luyện tập mình dể nắm lấy toàn tri, kẻ đó tự luyện tập mình trong toàn tri, kẻ đó sẽ tiến bộ trong toàn tri.” 

---o0o---



Каталог: downloads -> sach -> quoc-te
quoc-te -> LƯỢc sử thời gian (a brief History of Time) Tác Giả:-Steven Hawking
quoc-te -> ĐƯỜng mây qua xứ tuyếT
quoc-te -> Tâm Lý Và Triết Học Phật Giáo Áp Dụng Trong Đời Sống Hằng Ngày Nguyên tác: "Abhidhamma in daily life"
quoc-te -> Những Chuyện Luân Hồi Hiện Đại tt. Thích Tâm Quang Dịch o0o Nguồn
quoc-te -> ÐẠi thừa và SỰ liên hệ VỚi tiểu thừa nguyên tác: Nalinaksha Dutt ht. Minh Châu Dịch, Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh 1999
quoc-te -> Chuyển sang ebook
quoc-te -> LƯỢc sử thời gian (a brief History of Time) Tác Giả:-Steven Hawking
quoc-te -> SẮc tưỚng và thật tưỚng vấn Đề Nhị Đế Trong Tứ Đại Thuyết Phái của Phật Giáo Prof. Guy Newland, Ph. D
quoc-te -> Con đƯỜng đẾn tĩnh lặng -tuệ Giác Hằng Ngày

tải về 1.45 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   22   23   24   25   26   27   28   29   ...   38




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương