Tài liệu tuyên truyền lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam Lào (1930-2007)


III. GIÚP NHAU ĐẤU TRANH GIÀNH CHÍNH QUYỀN THẮNG LỢI (1939-1945)



tải về 0.7 Mb.
trang2/7
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích0.7 Mb.
#35407
1   2   3   4   5   6   7

III. GIÚP NHAU ĐẤU TRANH GIÀNH CHÍNH QUYỀN THẮNG LỢI (1939-1945)

Tháng 9 năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ở Đông Dương, chính quyền thuộc địa thẳng tay đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào, ra sức vơ vét sức người sức của phục vụ cuộc chiến tranh đế quốc.

Trước sự tồn vong của vận mệnh các dân tộc Đông Dương, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương liên tiếp tổ chức các cuộc hội nghị quan trọng để bàn chủ trương và biện pháp lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân đi đến thắng lợi. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tháng 5 năm 1941, diễn ra ở tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng trước tiên của cách mạng Đông Dương, giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước và thành lập ở mỗi nước một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi. Hội nghị khẳng định: sau khi đánh đuổi Pháp - Nhật thì các dân tộc sẽ tuỳ theo ý muốn có thể tổ chức thành liên bang cộng hoà dân chủ hoặc đứng riêng thành một quốc gia dân tộc. “Sự tự do độc lập của các dân tộc sẽ được thừa nhận và coi trọng”[6].

Những chủ trương đúng đắn trên đây của Đảng Cộng sản Đông Dương đã dẫn đường cho nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào phát huy mạnh mẽ tinh thần độc lập, tự chủ, phát huy sức mạnh của mỗi dân tộc, đồng thời tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân hai nước cùng tiến lên trong sự nghiệp đánh Pháp, đuổi Nhật.

Tại Lào, từ năm 1940, khi phong trào cách mạng gặp khó khăn, bị địch khủng bố, một số sĩ quan, cảnh sát, trí thức và công chức người Lào có tinh thần dân tộc đã lánh sang Thái Lan, tìm đường liên lạc với phe Đồng minh chống Nhật, Pháp. Họ liên lạc với tổ chức Việt kiều ở Thái Lan để hoạt động.

Bên cạnh sự hoạt động của lực lượng Lào yêu nước, bộ phận Việt kiều tại Lào cũng đẩy mạnh hoạt động phối hợp với nhân dân Lào đấu tranh nhằm thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc ở Việt Nam và Lào. Từ năm 1943, Ban Vận động Việt kiều Lào - Thái được thành lập và nhanh chóng tiến hành gây dựng cơ sở trên địa bàn Lào. Đến năm 1944, Ban Vận động Việt kiều chuyển thành Hội Việt kiều cứu quốc. Để thống nhất việc chỉ đạo phong trào cách mạng, phát triển lực lượng cách mạng, những đồng chí trung kiên trong Hội Việt kiều cứu quốc thành lập Đội Tiên phong[7] để chỉ đạo phong trào cách mạng ở Lào. Đội Tiên phong làm nhiệm vụ và đóng vai trò của Xứ uỷ lâm thời Ai Lao. Dưới sự lãnh đạo của Đội Tiên phong, các chi bộ đảng ở Viêng Chăn, Bò Nèng, Thà Khẹc, Xavẳnnakhệt lần lượt được củng cố. Phong trào yêu nước trong học sinh, viên chức Lào được nhen nhóm, phong trào yêu nước của Việt kiều ở hai bên bờ sông Mê Công phát triển mạnh. Đầu năm 1945, Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái - Lào, một chi nhánh của Mặt trận Việt Minh, được thành lập nhằm hưởng ứng và tham gia công cuộc giành độc lập của xứ sở.

Trong khi phong trào đấu tranh của nhân dân hai dân tộc Việt Nam và Lào đang phát triển mạnh mẽ thì ngày 9 tháng 3 năm 1945, phát xít Nhật tiến hành đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương. Chúng thực thi các chính sách cai trị thâm độc và tàn bạo ở cả Việt Nam và Lào. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp và sau đó ban hành Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” chủ trương phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa. Cao trào kháng Nhật, cứu nước phát triển rất mạnh mẽ ở Việt Nam đã tác động và hỗ trợ tích cực các lực lượng yêu nước Lào đấu tranh giành độc lập.

Tại Lào, sau ngày đảo chính lật Pháp, phát xít Nhật vẫn duy trì bộ máy thống trị cũ của thực dân Pháp, chỉ thay thế vị trí các quan chức người Pháp trước đây bằng các võ quan Nhật. Chúng kích động tinh thần dân tộc hẹp hòi, tuyên truyền thuyết Đại Đông Á để chia rẽ nhân dân Lào với nhân dân các nước Đông Dương. Chúng tiến hành vơ vét sức người, sức của ở Lào để phục vụ việc kéo dài chiến tranh xâm lược. Các tầng lớp nhân dân Lào ngày càng nhận rõ bộ mặt thật của phát xít Nhật, muốn vùng lên đánh đổ chúng, giành lại độc lập dân tộc. Bộ phận Việt kiều cũng đẩy mạnh hoạt động, cùng nhân dân Lào gấp rút chuẩn bị mọi mặt tiến tới mục tiêu khởi nghĩa giành chính quyền.

Thực hiện chủ trương của Đội Tiên phong, Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái - Lào nhanh chóng xây dựng và củng cố các chiến khu ở các tỉnh Xakôn Nakhon, Nakhon Phạnôm, Noỏng Khai, Mụcđahán (Thái Lan) để huấn luyện quân sự cho nam nữ thanh niên, cấp tốc xây dựng lực lượng vũ trang, bán vũ trang chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở Lào. Một chi bộ đảng cùng các đoàn thể Việt kiều cứu quốc được thành lập tại Viêng Chăn.

Cũng từ sau ngày phát xít Nhật đảo chính, nhiều tổ chức chính trị khác nhau đã được hình thành để mưu cầu nền độc lập cho dân tộc Lào.

Vào tháng 4 năm 1945, nhóm người Lào đang hoạt động tại Thái Lan thành lập tổ chức Lào Ítxalạ (Lào tự do). Tổ chức này tập hợp các công chức, học sinh có tinh thần yêu nước, chủ trương dựa vào phe Đồng minh chống phát xít Nhật để giành độc lập.

Tháng 5 năm 1945, một tổ chức yêu nước khác của người Lào cũng ra đời là Lào pên Lào (Nước Lào của người Lào), gọi tắt là Lo Po Lo, gồm những công chức, trí thức, sĩ quan người Lào tập hợp nhau để đấu tranh giành độc lập cho Lào.

Đội Tiên phong, Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái - Lào đã tiến hành liên hệ với các tổ chức Lào Ítxalạ và Lào pên Lào để bàn việc phối hợp hoạt động, thu hút và tổ chức huấn luyện chính trị, quân sự cho thanh niên Lào - Việt.

Giữa lúc cao trào kháng Nhật của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào đang phát triển vô cùng mạnh mẽ thì một sự kiện quan trọng diễn ra: Nhật Bản đầu hàng Đồng minh vô điều kiện vào ngày 14 tháng 8 năm 1945. Lực lượng quân đội phát xít Nhật ở Đông Dương mất tinh thần, hoang mang, rệu rã, các chính quyền tay sai của Nhật ở Việt Nam và ở Lào hoàn toàn bị tê liệt, tạo cơ hội ngàn năm có một cho nhân dân Đông Dương vùng lên giành độc lập.

Trong thời điểm lịch sử đó, Hội nghị của Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ ngày 14 đến 15 tháng 8 năm 1945 tại tỉnh Tuyên Quang (Việt Nam) phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ở Việt Nam, cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra sôi động và kết thúc thắng lợi hoàn toàn trên cả nước trong vòng 15 ngày. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt quốc dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập trịnh trọng tuyên bố với nhân dân cả nước và thế giới khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Việt Nam đã đập tan bộ máy thống trị đầu não của phát xít Nhật và thực dân Pháp ở Đông Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Lào.

Tuy nhiên, ở Lào tình hình diễn biến rất phức tạp. Các lực lượng cách mạng yêu nước chủ yếu mới được xây dựng và phát triển ở một số thành phố, thị trấn dọc sông Mê Công. Mặt khác, trong chính giới Lào cũng còn nhiều khuynh hướng khác nhau về con đường giành độc lập cho đất nước Lào. Trong khi đó, thực dân Pháp đã hiện diện trên đất Lào, đang ráo riết chuẩn bị lực lượng trở lại thay thế Nhật. Núp dưới danh nghĩa quân Đồng minh, thực dân Pháp còn cho người liên lạc với Hoàng thân Phếtxarạt để thương lượng cho chúng tiến vào Viêng Chăn.

Trong hoàn cảnh đó, Xứ uỷ Ai Lao nhanh chóng lập Ban Chỉ đạo khởi nghĩa Viêng Chăn và đề ra chủ trương phải hết sức khẩn trương vũ trang cho Việt kiều để có đủ sức mạnh đối phó với địch, rồi cùng toàn thể nhân dân Lào vùng dậy giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và đánh đuổi quân Pháp nếu chúng trở lại. Ban Chỉ đạo chủ trương phải tranh thủ cho được chính giới Lào, nhất là những người tiến bộ trong chính quyền, cảnh sát, bảo an,… tuyên truyền cho họ thấy rõ không có con đường nào khác là phải đấu tranh võ trang giải phóng đất nước; xúc tiến vận động Hoàng thân Phếtxarạt cho phép Việt kiều được tổ chức lại nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của mình, đồng thời góp sức cùng nhân dân Lào đứng dậy chống xâm lăng, giành độc lập.

Ban Chỉ đạo còn tập hợp Đoàn Thanh niên Việt kiều cứu quốc làm lực lượng xung kích, tổ chức động viên các tầng lớp Việt kiều cùng với những người yêu nước Lào hăng hái tham gia các hoạt động cách mạng; tiến hành tiếp xúc với Uỷ ban Lào pên Lào ở Viêng Chăn để thống nhất hành động. Ban Chỉ đạo và chi bộ đảng ở Viêng Chăn còn cử người vào lãnh đạo thắng lợi cuộc đấu tranh của hơn 500 công nhân Xưởng dệt Kapphạ đòi Nhật giao nhà máy cho Lào và trả nợ lương cho công nhân.

Trước những hoạt động của Ban Chỉ đạo khởi nghĩa, chính giới Lào nhận rõ thật tâm đoàn kết của Việt kiều đối với Lào. Uỷ ban Lào pên Lào và Tỉnh trưởng Viêng Chăn là Khăm Mạo rất tích cực phối hợp với Ban Chỉ đạo khởi nghĩa, vận động lực lượng quân đội, cảnh sát, bảo an đi theo cách mạng, tổ chức đội bảo an hỗn hợp Lào - Việt để tự vệ. Nhờ sự vận động tích cực của Tỉnh trưởng Viêng Chăn, Ban Chỉ đạo khởi nghĩa Viêng Chăn, Hoàng thân Phếtxarạt đã đồng ý cho Việt kiều được tổ chức các đội tự vệ để giữ gìn trật tự trị an; cho phép Hội Việt kiều cứu quốc được hoạt động công khai.

Ngày 23 tháng 8 năm 1945, một cuộc mít tinh lớn diễn ra tại khu vực chợ Mới có đông đảo nhân dân Lào và Việt kiều tham gia. Ông Khăm Mạo thay mặt Chính phủ Vương quốc và Uỷ ban Lào pên Lào Viêng Chăn tuyên bố Việt kiều được quyền tổ chức các đội tự vệ; kêu gọi Việt kiều đoàn kết với nhân dân Lào, giúp đỡ Chính phủ Lào, cùng nhau chống Pháp, giành độc lập dân tộc cho hai nước. Cuộc mít tinh đã tăng cường lòng tin và tình đoàn kết Lào - Việt Nam, làm cho các lực lượng Việt kiều và lực lượng Lào yêu nước càng thêm gắn bó.

Cuộc mít tinh ngày 23 tháng 8 năm 1945 đánh dấu cuộc khởi nghĩa Viêng Chăn giành được thắng lợi mà không tốn xương máu. Đó là do có sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời và khôn khéo của Xứ uỷ Ai Lao, mà trực tiếp là Ban Chỉ đạo khởi nghĩa, đã phát huy được sức mạnh đoàn kết của các lực lượng yêu nước Lào - Việt Nam, đặc biệt là đông đảo Việt kiều ở Viêng Chăn; tranh thủ được sự ủng hộ của chính giới Lào, kể cả những người trong chính quyền Vương quốc. Cuộc khởi nghĩa ở Viêng Chăn đã thúc đẩy và tạo điều kiện cho các địa phương khác trên đất Lào đứng lên khởi nghĩa thắng lợi.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Việt Nam và khởi nghĩa giành chính quyền ở Lào diễn ra gần như đồng thời và đều ít đổ máu, minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời, sáng tạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, thể hiện rõ tính hiệu quả của tình đoàn kết đấu tranh của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào, mở ra kỷ nguyên mới về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam cùng đoàn kết giúp đỡ nhau vì những mục tiêu chung của cả hai dân tộc.

Nhận rõ tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sang thiết lập quan hệ với Chính phủ Lào. Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Hoàng thân Xuphanuvông đang ở Vinh ra Hà Nội và tiếp Hoàng thân vào ngày 4 tháng 9 năm 1945. Cuộc gặp gỡ đã có tác động mạnh mẽ, quyết định đối với Hoàng thân trong việc chọn lựa con đường làm cách mạng. Ngày 3 tháng 10 năm 1945, tại cuộc mít tinh của hàng vạn nhân dân tỉnh Xavẳnnakhệt đón chào Hoàng thân Xuphanuvông trở về tham gia Chính phủ Lào, Hoàng thân tuyên bố: “Quan hệ Lào - Việt từ nay sẽ mở ra một kỷ nguyên mới...”. Hình ảnh, uy tín, quyết tâm làm cách mạng, cứu nước và những lời nói tốt đẹp của Hoàng thân về quan hệ Lào - Việt Nam đã tác động lớn lao đến sự hưởng ứng, tham gia cách mạng của các tầng lớp nhân dân Lào, càng tạo thêm chất keo gắn kết tình cảm của nhân dân Lào với Việt kiều cũng như với Việt Nam.

Sau khi khởi nghĩa ở Lào giành thắng lợi, Việt kiều và nhân dân Lào ở Viêng Chăn phát động phong trào quyên góp, mua sắm vũ khí, rèn giáo mác rất sôi nổi; tổ chức tuần tra canh gác các ngả đường, khu phố, làng bản, giữ gìn trật tự, trị an, ngăn ngừa trộm cướp, cảnh giới đối với quân Pháp đang lăm le tấn công vào thành phố.

Được sự giúp đỡ của Ban Chỉ đạo khởi nghĩa ở Viêng Chăn, sau một thời gian hiệp thương, hai tổ chức yêu nước là Lào pên Lào và Lào Ítxalạ đã hợp nhất thành lập Uỷ ban Khởi sự (Kháná Phù Còcan), gấp rút tiến hành thành lập Chính phủ Trung ương và dự thảo Hiến pháp tạm thời.

Sáng ngày 12 tháng 10 năm 1945, trong cuộc mít tinh lớn tại sân vận động thành phố Viêng Chăn, Chính phủ Lào Ítxalạ được thành lập đã làm lễ ra mắt và trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể nhân dân nền độc lập của quốc gia Lào. Hàng vạn nhân dân Lào, gồm công nhân, nông dân, học sinh, thanh niên, viên chức, người buôn bán và Việt kiều tham gia cuộc mít tinh đã phấn khởi hô vang các khẩu hiệu hoan nghênh nền độc lập của Lào, hoan nghênh Chính phủ mới, cổ súy tinh thần Lào - Việt Nam đoàn kết. Chính phủ Lào chủ trương: “… Nhân dân Lào thân thiện với nhân dân Việt Nam và quyết tâm cùng nhân dân Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương”[8]. Thủ tướng Khăm Mạo tuyên bố với Việt kiều: “mong rằng ba nước Việt, Miên, Lào bắt tay nhau để kiến thiết quốc gia”[9].

*

* *



Thời kỳ 1930-1945 là thời kỳ nhân dân hai nước Việt Nam và Lào nương tựa lẫn nhau trong quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Mối quan hệ đó xuất phát từ những điều kiện về địa lý, chính trị, kinh tế, văn hoá, đặc biệt từ yêu cầu khách quan của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, mang bản chất quốc tế vô sản, mang lại hiệu quả rõ rệt.

Trong tiến trình lịch sử đó, bộ phận nhân sĩ, trí thức tiến bộ và các tầng lớp nhân dân Lào có vai trò quyết định quá trình phát triển của phong trào cách mạng Lào cũng như trong việc duy trì và phát triển mối quan hệ giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào. Người Việt ở Lào là một lực lượng tích cực trong phong trào cách mạng Lào và là nhân tố quan trọng xây đắp mối quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc.

Sự ra đời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (ngày 2 tháng 9 năm 1945) và Chính phủ Lào Ítxalạ (ngày 12 tháng 10 năm 1945) cùng những mong muốn của hai bên về xây dựng mối quan hệ hòa hảo và vững chãi hơn trước là một trong những cơ sở đưa tình đoàn kết, giúp đỡ nhau lên tầm liên minh chiến đấu.

Nguồn: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007, Tài liệu tuyên truyền, Nxb. CTQG, H, 2012, tr.9-38.

[1]. Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục, Bản dịch, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1962, q.6, tr.361.

[2]. Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Bản dịch, Nxb. Khoa học, Hà Nội, 1964, q.4, tr.225.

[3]. Xem “Bản án chế độ thực dân Pháp” trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr.23-144.

[4]. Địa điểm mà Nguyễn Ái Quốc đặt chân đến Lào được xác định là bản Xiêng Vảng, huyện Noỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn. Xem Ban Chỉ đạo nghiên cứu lý luận và thực tiễn Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào: Lịch sử Đảng Nhân dân cách mạng Lào (tóm lược), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.18.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào nhân dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19 tháng 5 năm 1890 - 19 tháng 5 năm 2010), đồng chí Bun Nhăng Volachít, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và đồng chí Hồ Đức Việt, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã dự lễ động thổ xây dựng Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Xiêng Vảng, huyện Noỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn.

[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t.2, tr.94.

[6]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, 2000, t.7, tr.113.

[7]. Một số tài liệu viết là Đội Tiền vệ (Conlảvăngnạ).

[8]. Báo Cờ Giải phóng - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương, số 27, ngày 21 tháng 10 năm 1945.

[9]. Báo Cứu quốc - cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh (Việt Nam), số 68, ngày 16 tháng 10 năm 1945.




Chương II: LIÊN MINH CHIẾN ĐẤU VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM TRONG 30 NĂM CHIẾN TRANH GIẢI PHÓNG (1945-1975)

I. LIÊN MINH CHIẾN ĐẤU VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945-1954)

Sau khi giành lại được chính quyền, nhân dân hai nước Việt Nam, Lào hơn lúc nào hết, chỉ mong muốn được sống trong hòa bình, tiếp tục hợp tác, cùng nhau bảo vệ nền độc lập và xây dựng lại đất nước. Chính phủ hai nước đã ký Hiệp ước tương trợ Lào - Việt[1]Hiệp định về tổ chức liên quân Lào - Việt[2], đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự hợp tác giúp đỡ và liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt Nam - Lào.

Bất chấp nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước Việt Nam và Lào, thực dân Pháp ngang nhiên gây chiến tranh hòng áp đặt lại ách thống trị của chúng ở Đông Dương. Mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương luôn nêu cao thiện chí, tìm mọi cách ngăn chặn chiến tranh, nhưng thực dân Pháp hiếu chiến vẫn lấn tới, quyết chiếm lại Đông Dương.

Ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp được sự đồng lõa của quân Anh, nổ súng đánh chiếm thành phố Sài Gòn. Tiếp đó, chúng mở rộng chiến tranh ra toàn Nam Bộ, Nam Trung Bộ của Việt Nam, sang Campuchia, Hạ Lào, rồi toàn cõi Đông Dương.

Trước nguy cơ tồn vong của nền độc lập dân tộc của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, ngày 25 tháng 11 năm 1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc để chỉ đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc của ba nước Đông Dương. Chỉ thị chủ trương: “Thống nhất mặt trận Việt - Mên - Lào chống Pháp xâm lược”[3] và nêu rõ nhiệm vụ: “tăng gia công việc võ trang tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân ở thôn quê làm cho Mặt trận thống nhất kháng Pháp của Lào - Việt lan rộng và chiến tranh du kích nảy nở ở thôn quê đặng bao vây lại quân Pháp ở những nơi sào huyệt của chúng và quét sạch chúng khỏi đất Lào”2.

Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc của Đảng đã xác định những nét cơ bản về đường lối, chủ trương kháng chiến chống thực dân Pháp dựa trên cơ sở liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia.

Theo tinh thần đó, quân và dân các địa phương vùng giáp ranh biên giới Việt Nam - Lào phối hợp đánh quân Pháp ở nhiều nơi. Uỷ ban Kháng chiến hành chính và Bộ Chỉ huy Chiến khu 4[4] (Việt Nam) thành lập ban chỉ huy các mặt trận đường 8, đường 9 và cử một số đơn vị phối hợp với bộ đội Lào vừa đánh địch ở Na Pê, Xê Pôn, huyện lỵ Khăm Cợt,... vừa làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân gây dựng cơ sở, lực lượng kháng chiến. Hội Việt kiều cứu quốc ở các tỉnh, thành phố của Lào động viên, kêu gọi thanh niên tích cực gia nhập lực lượng liên quân Lào - Việt. Chỉ trong một thời gian ngắn, liên quân Lào - Việt được thành lập ở nhiều nơi, trở thành lực lượng vũ trang cách mạng, hăng hái chiến đấu chống quân xâm lược.

Tiêu biểu cho tình đoàn kết và liên minh chiến đấu của liên quân Lào - Việt trong năm đầu của cuộc kháng chiến là trận chiến đấu bảo vệ Thà Khẹc, ngày 21 tháng 3 năm 1946. Đây là trận đánh lớn nhất của liên quân Lào - Việt kể từ ngày thành lập, đã nêu một tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm, một biểu tượng cao đẹp về tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa quân và dân hai nước Việt Nam - Lào. Tinh thần chiến đấu và sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ liên quân Lào - Việt, trong đó có chiến sĩ Việt Nam Lê Thiệu Huy đã “nhắc nhở cho thanh niên Lào, cho nhân dân Lào, luôn luôn bền bỉ chiến đấu để diệt đế quốc xâm lăng và giành độc lập thực sự cho đất nước”[5].

Trước sức tiến công ồ ạt của quân Pháp, đại diện Chính phủ hai nước Việt Nam, Lào đã thống nhất chủ trương vừa chiến đấu tiêu hao sinh lực địch, ngăn cản bước tiến của chúng, vừa chủ động tổ chức cho nhân dân Lào và Việt kiều di tản ra khỏi thành phố. Để bảo toàn lực lượng, đầu tháng 4 năm 1946, một bộ phận các cơ quan của Chính phủ độc lập Lào Ítxalạ được chuyển lên Luổng Phạbang, đồng thời các lực lượng vũ trang cách mạng Lào và Việt kiều chuyển hướng về vùng nông thôn, rừng núi hoạt động, chuẩn bị kháng chiến lâu dài.

Từ giữa năm 1946, sau khi quân Pháp chiếm lại một số tỉnh ở bắc vĩ tuyến 16 của Lào, các lực lượng kháng chiến Lào chuyển sang phía đông tiến hành chiến tranh du kích. Được Ủy ban Kháng chiến hành chính Chiến khu 4 (Việt Nam) giúp đỡ, Hội nghị cán bộ các tỉnh Xavẳnnakhệt, Khăm Muộn, Xiêng Khoảng và Hủa Phăn họp tại Vinh, tỉnh Nghệ An (tháng 10 năm 1946) để thống nhất lực lượng và hành động. Hội nghị đã quyết định thành lập Uỷ ban giải phóng Đông Lào[6] để chỉ đạo cuộc đấu tranh tại vùng Đông Lào và đề ra phương hướng đẩy mạnh công tác vũ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở chính trị, củng cố các lực lượng vũ trang cách mạng Lào, phát triển chiến tranh du kích chống thực dân Pháp và tay sai.

Đáp ứng yêu cầu của cách mạng Lào, Bộ Tư lệnh Chiến khu 4 (Việt Nam) đã cử một số cán bộ và đơn vị sang phối hợp, hỗ trợ các địa phương ở Đông Lào xây dựng cơ sở kháng chiến. Đầu năm 1947, Khu uỷ và Uỷ ban Kháng chiến hành chính Chiến khu 4 thành lập Phòng Biên chính làm nhiệm vụ giúp Uỷ ban giải phóng Đông Lào củng cố, phát triển các lực lượng cách mạng và yêu nước Lào. Nhiều tỉnh thuộc Chiến khu 4 cũng tổ chức Ban Biên chính để liên hệ, phối hợp và giúp đỡ các địa phương Lào kề cận đẩy mạnh đấu tranh. Đồng thời, lực lượng vũ trang các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị phối hợp chặt chẽ với bộ đội Lào tăng cường hoạt động gây cơ sở trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở biên giới, tạo chỗ đứng chân để tuyên truyền, vận động nhân dân các bộ tộc Lào ủng hộ và tham gia kháng chiến.

Bằng mọi sự nỗ lực, các lực lượng vũ trang Việt - Lào đã từng bước tạo dựng được niềm tin trong nhân dân, xây dựng thêm nhiều cơ sở kháng chiến và mở rộng địa bàn hoạt động ra khắp các tỉnh của Đông Lào.

Quán triệt tinh thần Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương mở rộng (tháng 1 năm 1948) về những chủ trương mới và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam đối với cách mạng Lào, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam quyết định tăng cường lực lượng sang phối hợp và giúp đỡ nhân dân Lào đẩy mạnh kháng chiến. Thực hiện chủ trương trên, trong năm 1948, lãnh đạo hai nước Việt Nam và Lào đã thống nhất quyết tâm và tiến tới thành lập Mặt trận Tây Bắc Lào[7] nhằm xúc tiến việc xây dựng căn cứ địa Tây Bắc Lào, nối liền với khu Tây Bắc của Việt Nam; thành lập Ban xung phong Lào Bắc[8], để xây dựng căn cứ địa Lào Bắc vững chắc, làm chỗ dựa cho việc xây dựng và phát triển thế trận chiến tranh nhân dân; thành lập Đoàn vũ trang công tác miền Tây, làm nhiệm vụ giúp cách mạng Lào ở khu vực phía nam tỉnh Hủa Phăn, phía bắc tỉnh Xiêng Khoảng và thành lập Khu đặc biệt ở Quảng Nam (Việt Nam) để làm chỗ dựa xây dựng căn cứ ở Hạ Lào.

Hoạt động trong điều kiện vô cùng gian khổ, các lực lượng của Việt Nam tham gia chiến đấu trên khắp các mặt trận Lào đã lập nhiều chiến công, góp phần tạo ra bước phát triển mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân hai nước và để lại những ấn tượng tốt đẹp về tình đoàn kết Việt Nam - Lào.

Như vậy, trong những năm 1945-1948, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào từng bước được hình thành, phát triển và thu được nhiều kết quả, góp phần thúc đẩy quan hệ đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào gắn bó mật thiết hơn.

Vào đầu năm 1949, căn cứ vào sự phát triển của cách mạng ba nước Đông Dương, Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng lần thứ sáu (tháng 1 năm 1949), quyết định mở rộng mặt trận Lào - Miên, trong đó nhấn mạnh yêu cầu mở rộng mặt trận kháng chiến Lào và Campuchia, củng cố các lực lượng Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở hai nước này, tăng cường thêm cán bộ, xây dựng và mở rộng các căn cứ ở Lào... Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về mặt trận Lào - Miên, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam xác định nhiệm vụ hỗ trợ hai nước Lào, Campuchia giải phóng khỏi ách áp bức của thực dân Pháp theo phương châm: vận động nhân dân và để cán bộ Lào, Campuchia tự đảm trách công việc; cán bộ Việt Nam chỉ làm cố vấn; thành lập quân giải phóng Lào. Theo tinh thần đó, Việt Nam đã cử nhiều cán bộ phối hợp với lực lượng kháng chiến Lào mở lớp huấn luyện quân sự và học tập chính trị. Ngày 20 tháng 1 năm 1949, Đội Látxavông được thành lập tại vùng căn cứ Xiềng Khọ (Hủa Phăn), do đồng chí Cayxỏn Phômvihản làm tổng chỉ huy.

Sự kiện này đánh dấu một bước trưởng thành của lực lượng kháng chiến Lào, đồng thời khẳng định tính đúng đắn của phương châm đoàn kết, hợp tác giữa cách mạng hai nước Việt Nam và Lào.

Trước bước phát triển mới của cách mạng Lào, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (ngày 15 tháng 6 năm 1949) ra nghị quyết về sự giúp đỡ của Việt Nam đối với cách mạng Lào. Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc tăng cường thực hiện nhiệm vụ quốc tế ở Lào dựa trên một số nguyên tắc chủ yếu như: thực hiện quyền dân tộc tự quyết đi đôi với đẩy mạnh đoàn kết, liên minh trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của Lào; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ; củng cố, nâng cao sức mạnh chiến đấu của bộ máy lãnh đạo kháng chiến Lào; cán bộ, chiến sĩ Việt Nam công tác ở Lào phải phục tùng Chính phủ Lào, phải tôn trọng và đoàn kết với cán bộ Lào. Trong các hoạt động phối hợp chung, phải có sự thống nhất của lãnh đạo cả hai bên Việt Nam và Lào.

Các quan điểm, nguyên tắc nêu trên của Đảng là những định hướng quan trọng cho sự hợp tác và hỗ trợ cách mạng Lào, góp phần quyết định tạo sự thống nhất trong tư tưởng và hành động của cán bộ, chiến sĩ Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Lào.

Dựa trên những biến chuyển mới của cách mạng hai nước Việt Nam và Lào, ngày 30 tháng 10 năm 1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định các lực lượng quân sự của Việt Nam được cử làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện. Quan hệ chiến đấu giữa Quân đội Việt Nam và Quân đội Lào Ítxalạ được quy định rõ theo nguyên tắc: chỉ huy và tác chiến thì Việt Nam làm chỉ huy trưởng; vũ trang tuyên truyền thì làm chung, phối hợp chỉ huy.

Việc xác định danh nghĩa quân tình nguyện Việt Nam tại Lào đã đánh dấu bước phát triển và trưởng thành của các lực lượng quân sự Việt Nam chiến đấu trên chiến trường Lào; đồng thời tạo cơ sở quan trọng để tăng cường quan hệ đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa quân đội hai nước Việt Nam và Lào trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung.

Căn cứ vào thực tiễn phát triển của cách mạng Lào, Hội nghị toàn quốc lần thứ ba bàn về việc chuyển mạnh sang tổng phản công (từ ngày 21 tháng 1 đến 3 tháng 2 năm 1950) nhận định: kháng chiến ở Lào đã tạo được thế và lực mới, có cơ sở chính trị, lực lượng vũ trang, có căn cứ kháng chiến và chính quyền địa phương. Để giành thắng lợi to lớn hơn nữa, Hội nghị chủ trương: đẩy mạnh cuộc kháng chiến và xây dựng cương lĩnh chính trị của cách mạng Lào; đồng thời nhấn mạnh một số yêu cầu cụ thể như: xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, thành lập Chính phủ Kháng chiến Lào, tăng cường lực lượng vũ trang, tích cực phối hợp tác chiến với chiến trường chung, chú trọng công tác xây dựng đảng và phát triển đảng viên là công nông, trí thức tiến bộ người Lào,...

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Đại hội quốc dân Lào (Mặt trận Lào kháng chiến) họp từ ngày 13 đến 15 tháng 8 năm 1950, tại Tuyên Quang (Việt Nam) quyết định thành lập Chính phủ Kháng chiến Lào, lập Mặt trận dân tộc thống nhất Lào, tức Neo Lào Ítxalạ, do Hoàng thân Xuphanuvông làm chủ tịch kiêm thủ tướng Chính phủ. Đại hội đã đề ra Cương lĩnh chính trị 12 điểm, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tăng cường đoàn kết quốc tế, trước hết là với Việt Nam và Campuchia, cùng nhau đánh đuổi kẻ thù chung là thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, góp phần bảo vệ hòa bình thế giới.

Thành công của Đại hội quốc dân Lào chứng tỏ đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Đông Dương về nhiệm vụ xây dựng thực lực cách mạng Lào đã đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo ra bước phát triển mới cho cuộc kháng chiến ở Lào, làm cho thế và lực của cách mạng Lào được tăng cường, liên minh chiến đấu giữa hai nước Lào và Việt Nam được củng cố vững chắc hơn.

Tóm lại, sự phối hợp, giúp đỡ, liên minh đoàn kết chiến đấu giữa Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong những năm 1945-1950 đã góp phần đưa đến những thắng lợi căn bản cho sự nghiệp cách mạng của hai nước, tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mối quan hệ liên minh, đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào trong những năm tiếp theo của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Bước sang năm 1951, cục diện chiến tranh biến chuyển ngày càng có lợi cho cách mạng Việt Nam, Lào và Campuchia, tạo điều kiện đưa quan hệ đoàn kết, phối hợp chiến đấu giữa nhân dân ba nước Đông Dương sang một giai đoạn mới. Song, thực dân Pháp được sự trợ giúp của đế quốc Mỹ vẫn tăng cường chiến tranh, gây khó khăn cho cuộc kháng chiến ở mỗi nước, làm cản trở quá trình phối hợp chiến đấu giữa nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia.

Trước tình hình đó, Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp từ ngày 11 đến 19 tháng 2 năm 1951, tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang (Việt Nam). Đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Trưởng Đoàn đại biểu Lào tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội.

Bàn về quan hệ đoàn kết, hợp tác giữa cách mạng ba nước Đông Dương, Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày trước Đại hội nhấn mạnh: Việt Nam kháng chiến, Lào, Campuchia cũng kháng chiến; thực dân Pháp và can thiệp Mỹ là kẻ thù chung của cả ba dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia. Do đó, Việt Nam phải ra sức giúp đỡ Lào, Campuchia kháng chiến và đi đến thành lập Mặt trận thống nhất các dân tộc Việt Nam - Lào - Campuchia.

Đại hội đã thông qua Nghị quyết về đường lối, nhiệm vụ chung và đề ra chủ trương xây dựng ở mỗi nước Việt Nam, Lào, Campuchia một đảng cách mạng, có cương lĩnh riêng phù hợp với hoàn cảnh cụ thể để lãnh đạo cuộc kháng chiến ở từng nước đến thắng lợi hoàn toàn. Ở Việt Nam, Đại hội quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Đảng Lao động Việt Nam có nghĩa vụ phối hợp và giúp đỡ các tổ chức cách mạng Lào, Campuchia xây dựng chính đảng mácxít để lãnh đạo cuộc kháng chiến của hai nước giành lấy thắng lợi cuối cùng.

Trong Đại hội, các báo cáo tập trung phân tích: Đông Dương là một chiến trường, làm rõ âm mưu ra sức củng cố Lào, Campuchia làm căn cứ kéo dài chiến tranh để chống lại cách mạng Việt Nam của thực dân Pháp và yêu cầu thống nhất lực lượng, thống nhất hành động giữa ba dân tộc để đẩy mạnh kháng chiến đến toàn thắng. Đại hội thống nhất về phương châm chiến lược trên chiến trường toàn Đông Dương là: Việt Nam đảm trách chiến trường chính vì đại bộ phận binh lực của địch đóng ở Việt Nam, còn Lào và Campuchia là nơi địch sơ hở, lực lượng khá mỏng, nên giữ vai trò chiến trường kiềm chế, phối hợp. Để tăng cường sự phối hợp chiến đấu giữa ba nước Đông Dương, Đại hội khẳng định: Việt Nam có nhiệm vụ giúp đỡ nhân dân Lào và nhân dân Campuchia cả về vật chất và tinh thần, nhất là giúp đào tạo cán bộ, kinh nghiệm tổ chức đấu tranh, phát triển chiến tranh du kích, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa.

Với việc xác định rõ thêm vị trí, vai trò của cách mạng mỗi nước và đề ra phương hướng, biện pháp tăng cường liên minh chiến đấu, Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương đã mở ra chặng đường phát triển mới của quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Theo sáng kiến của Đảng Lao động Việt Nam, ngày 11 tháng 3 năm 1951, Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Đông Dương khai mạc tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Các đại biểu đại diện Mặt trận Liên Việt của Việt Nam, của Mặt trận Lào Ítxalạ, của Mặt trận Khơme Ítxarắc đã thảo luận và nhất trí thành lập khối liên minh nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau, cùng nhau đánh đuổi bọn thực dân, đế quốc xâm lược, giành độc lập thực sự cho nhân dân Đông Dương. Hội nghị đề ra chương trình hành động chung và cử ủy ban liên minh gồm đại diện của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Việc thành lập khối liên minh nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, tạo cơ sở nâng cao quan hệ đoàn kết và phối hợp chiến đấu giữa nhân dân ba nước Đông Dương, giáng một đòn mạnh mẽ vào chính sách “chia để trị” của bọn thực dân, đế quốc.

Chấp hành Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng, các đồng chí Lào là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương đã tổ chức thành Nhóm Nhân dân Lào làm nòng cốt lãnh đạo phong trào và chuẩn bị cho việc thành lập đảng chính trị của Lào. Đồng thời, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định cho các đảng viên của mình đang hoạt động ở Lào thành lập các tổ chức đảng của Đảng Lao động Việt Nam để vừa lãnh đạo lực lượng Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Lào, vừa giúp Nhóm Nhân dân Lào giữ vững sinh hoạt và lãnh đạo kháng chiến. Phối hợp với Nhóm Nhân dân Lào, các tổ chức đảng của Đảng Lao động Việt Nam ở khắp Thượng, Trung, Hạ Lào triển khai giáo dục đảng viên - cả Việt Nam và Lào - nắm vững mục tiêu, yêu cầu xây dựng chính đảng mácxít của Lào để lãnh đạo kháng chiến thắng lợi. Nhờ đó, công tác phát triển đảng ở Lào có nhiều tiến bộ, bước đầu tạo cơ sở về mặt tổ chức cho việc tiến tới thành lập đảng cách mạng của Lào.

Thực hiện ý đồ giành lại quyền chủ động chiến lược trên chiến trường, từ năm 1951, thực dân Pháp tăng cường khủng bố, càn quét gây nhiều khó khăn cho lực lượng kháng chiến của Việt Nam và Lào, nhất là làm cho hiệu quả liên minh chiến đấu giữa hai nước bị hạn chế, không phát huy mạnh mẽ được khả năng phối hợp chiến trường.

Trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi nhiệm vụ giúp cách mạng Lào như mình tự giúp mình để cùng phối hợp chiến đấu, đánh đuổi kẻ thù chung, giành độc lập tự do cho mỗi nước trên bán đảo Đông Dương. Thấm nhuần quan điểm quốc tế cao cả của Đảng Lao động Việt Nam và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam từ tiền tuyến đến hậu phương sẵn sàng chia sẻ những thuận lợi, cùng khắc phục khó khăn, cử nhiều người con yêu dấu của mình sang phối hợp cùng bạn Lào đẩy mạnh chiến tranh du kích, phát triển lực lượng kháng chiến. Trong năm 1951, đã có hơn 12.000 cán bộ, chiến sĩ Việt Nam tình nguyện sang hoạt động ở chiến trường Lào.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa của nhiệm vụ quốc tế: “Giúp bạn là mình tự giúp mình”, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam từ Thượng, Trung đến Hạ Lào đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, sát cánh cùng quân và dân Lào đẩy mạnh chiến đấu và công tác. Với các phương thức hoạt động chủ yếu như ban xung phong công tác, đội vũ trang tuyên truyền, đại đội độc lập, bộ đội Việt Nam cùng cán bộ Lào đi sâu vào các làng bản, thực hiện “ba cùng” với dân, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia kháng chiến, xây dựng cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang địa phương. Dựa vào sự ủng hộ của nhân dân các bộ tộc Lào, quân tình nguyện Việt Nam cùng bộ đội Lào Ítxalạ tổ chức tập kích, phục kích, đập tan nhiều cuộc càn quét, lấn chiếm của địch, giữ vững các khu căn cứ kháng chiến, góp phần làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng Lào, tạo điều kiện thuận lợi cho hai nước phối hợp đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi.

Ngày 14 tháng 9 năm 1952, Hội nghị cán bộ Mặt trận liên minh nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia họp tại Việt Bắc (Việt Nam) để kiểm điểm tình hình thực hiện các nghị quyết của Hội nghị liên minh tháng 3 năm 1951 và đề ra phương hướng phối hợp chiến đấu trong thời gian tới. Đến dự và nói chuyện với Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ là sự nghiệp chung của ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia. Sự đoàn kết chặt chẽ giữa ba nước nhất định sẽ đi tới thắng lợi, nhất định sẽ giành được độc lập tự do cho mỗi nước. Gặp gỡ các đại biểu của quân tình nguyện Việt Nam tại Lào về dự hội nghị, Người căn dặn: phải chấp hành sự lãnh đạo của Chính phủ Kháng chiến Lào, tuyệt đối không được tự cao, tự đại, bao biện; phải luôn luôn đoàn kết với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Lào.

Hội nghị cán bộ Mặt trận liên minh nhân dân Đông Dương, tháng 9 năm 1952 đã góp phần thắt chặt và thúc đẩy tình đoàn kết hợp tác, tương trợ lẫn nhau giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia lên một bước phát triển mới, trở thành nhân tố quan trọng đưa cuộc kháng chiến của ba dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn.

Với sự cố gắng, nỗ lực của bản thân và cùng với sự đoàn kết và phối hợp của Việt Nam, trong hai năm 1951-1952, cuộc kháng chiến của nhân dân Lào đã giành được kết quả quan trọng về mọi mặt chính trị, quân sự, văn hóa - xã hội, ngoại giao. Trong các vùng giải phóng và khu du kích, chính quyền các cấp được thành lập từ trung ương đến địa phương với đội ngũ cán bộ ngày càng phát triển và trưởng thành. Uy tín và hiệu lực của ủy ban quân, dân, chính được nâng cao, đông đảo nhân dân các bộ tộc Lào tích cực tham gia kháng chiến. Lực lượng vũ trang cách mạng Lào lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, phối hợp chặt chẽ với bộ đội tình nguyện Việt Nam chiến đấu liên tục, dẻo dai trên khắp các địa bàn Thượng, Trung và Hạ Lào. Trong vùng địch kiểm soát, phong trào đấu tranh chính trị nổ ra ở nhiều nơi, các cơ sở cách mạng phát triển ở Viêng Chăn, Xavẳnnakhệt, Pạc Xê,… Kết quả hoạt động phối hợp đấu tranh giữa Việt Nam và Lào trong hai năm 1951-1952 đã góp phần tạo thêm thế và lực mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân hai nước, đồng thời chuẩn bị các yếu tố cần thiết để phát huy sức mạnh liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Đầu năm 1953, sau thất bại ở mặt trận Tây Bắc (Việt Nam), thực dân Pháp tăng cường lực lượng ở Sầm Nưa để bảo vệ khu vực Thượng Lào. Do đó, có đập tan được căn cứ Sầm Nưa, giải phóng Thượng Lào, Việt Nam mới có điều kiện phối hợp với Lào mở rộng khu căn cứ, xây dựng hậu phương kháng chiến và phá thế bố trí chiến lược của địch ở miền Bắc Đông Dương.

Tháng 4 năm 1953, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Kháng chiến Lào quyết định mở chiến dịch Thượng Lào. Quân đội Việt Nam (gồm 10 trung đoàn chủ lực và các đoàn quân tình nguyện đang hoạt động ở Thượng Lào) phối hợp với quân đội Lào Ítxalạ (gồm năm đại đội và hàng nghìn dân quân du kích) phối hợp tiến công theo hướng chủ yếu là Sầm Nưa, hướng phối hợp ở đường 7, lưu vực sông Nặm U và giành thắng lợi (tháng 5 năm 1953), giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần Xiêng Khoảng và Phôngxalỳ.

Với thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào, hậu phương kháng chiến của Lào đã nối thông với vùng tự do của Việt Nam, tạo thế phối hợp chiến lược giữa Việt Nam và Lào, góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương tiến lên một bước mới.

Từ sau chiến thắng Thượng Lào, Ban Cán sự Đảng Lao động Việt Nam ở Lào đã phối hợp và giúp Bạn thành lập Ban Vận động thành lập Đảng Nhân dân Lào. Công tác xây dựng đảng ở Lào tiến thêm một bước mới, đạt được kết quả căn bản về chính trị, tổ chức, tạo điều kiện cho việc thành lập chính đảng cách mạng của Lào. Trên thực tế, Ban Vận động thành lập Đảng Nhân dân Lào đã cùng Mặt trận Lào Ítxalạ lãnh đạo quân và dân Lào đẩy mạnh kháng chiến, phối hợp chặt chẽ với nhân dân Việt Nam, Campuchia chiến đấu, đánh bại các thủ đoạn chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Bước vào Đông - Xuân 1953-1954, quân và dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia tiếp tục đẩy mạnh tiến công trên khắp các chiến trường, buộc thực dân Pháp phải thực thi kế hoạch Nava (tháng 7 năm 1953), hy vọng sau 18 tháng sẽ giành lại thế chủ động trên chiến trường.

Trước tình hình trên, tháng 9 năm 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đề ra phương châm: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và thông qua kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954 nhằm đẩy mạnh kháng chiến ở Việt Nam và tăng cường phối hợp với quân và dân Lào giải phóng Phôngxalỳ, đánh địch ở Trung, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia.

Tháng 12 năm 1953, một bộ phận quân chủ lực Việt Nam gồm ba trung đoàn phối hợp với bộ đội Lào Ítxalạ và quân tình nguyện Việt Nam tại Lào mở chiến dịch Trung, Hạ Lào. Chiến thắng của liên quân Việt - Lào góp phần làm phá sản kế hoạch tập trung quân của Nava, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó trên nhiều chiến trường, tạo điều kiện củng cố, phát triển thế phối hợp chiến lược giữa hai nước Việt Nam và Lào.

Trên chiến trường chính, từ đầu tháng 12 năm 1953, trước sức tiến công của bộ đội chủ lực Việt Nam, quân Pháp phải bỏ Lai Châu, rút về cố thủ ở Điện Biên Phủ và tăng cường lực lượng, biến nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương.

Cuối năm 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm giải phóng hoàn toàn vùng Tây Bắc Việt Nam, tạo điều kiện cho quân và dân Lào giải phóng vùng cực Bắc Lào. Do địch ngày càng tăng cường lực lượng phòng thủ Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định thay đổi phương châm, từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Từ cuối tháng 1 năm 1954, quân đội Việt Nam gồm một đại đoàn, một trung đoàn và quân tình nguyện ở Thượng Lào phối hợp với đại đội Chămpaxắc, đại đội địa phương tỉnh Luổng Phạbang và bốn trung đội bộ đội địa phương huyện của Lào tiến công phòng tuyến sông Nặm U, cắt đứt “con đường liên lạc chiến lược” của địch với Điện Biên Phủ. Thắng lợi của chiến dịch đã đẩy tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp vào thế hoàn toàn bị cô lập, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Việt Nam thực hiện trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ.

Ngày 13 tháng 3 năm 1954, quân và dân Việt Nam mở cuộc tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Phối hợp với chiến trường chính Việt Nam, quân và dân Lào liên tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự từ Bắc xuống Nam Lào để kiềm chế lực lượng địch, đồng thời ủng hộ mặt trận Điện Biên Phủ 300 tấn gạo chiến lợi phẩm thu được sau chiến thắng Thượng Lào và 400 viên đạn pháo 105 ly thu được của địch ở Bạn Naphào.

Trải qua 55 ngày đêm chiến đấu gian khổ, quyết liệt và anh dũng, ngày 7 tháng 5 năm 1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt hoàn toàn. Chiến công đó đã đánh bại cố gắng chiến tranh cao nhất của thực dân Pháp được Mỹ viện trợ, giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của bọn thực dân, đế quốc, góp phần thúc đẩy quá trình tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Đó là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam và cũng là thắng lợi của khối đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa quân đội và nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, mà Việt Nam là trụ cột trong sự nghiệp kháng chiến chống kẻ thù chung. Từ đây, cục diện chiến tranh Đông Dương chuyển sang thế có lợi cho cuộc đấu tranh của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia tại Hội nghị Giơnevơ.

Ngày 8 tháng 5 năm 1954, Hội nghị quốc tế về chấm dứt chiến tranh Đông Dương khai mạc tại Giơnevơ. Hội nghị có chín bên tham dự, gồm Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia. Các đại diện lực lượng kháng chiến Pathết Lào và Khơme Ítxarắc cũng có mặt tại Giơnevơ nhưng không được mời tham gia Hội nghị, vì đại biểu Pháp, Mỹ phản đối. Do đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đại diện cho lập trường, tiếng nói của Chính phủ Kháng chiến Lào và Campuchia.

Tại Hội nghị, đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố lập trường có tính nguyên tắc của việc lập lại hòa bình ở Đông Dương, phải thừa nhận lực lượng kháng chiến của Lào và Campuchia do chính phủ kháng chiến hai nước đó lãnh đạo; các lực lượng kháng chiến Lào, Campuchia phải có khu tập kết của mình… Cuộc đấu tranh giữa đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện Pháp về phân chia giới tuyến tạm thời, khu vực tập kết và địa vị chính trị của lực lượng kháng chiến Lào, Campuchia diễn ra gay gắt và kéo dài trong nhiều phiên họp.

Do những thắng lợi vang dội của quân và dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia trong Đông - Xuân 1953-1954, mà đỉnh điểm là chiến thắng Điện Biên Phủ, cùng với phong trào đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh đang sôi sục trên toàn thế giới, ngày 21 tháng 7 năm 1954, đối phương phải ký tuyên bố chung và các hiệp định về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Nước Pháp và các nước tham gia Hội nghị cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia. Đó là cơ sở pháp lý quốc tế rất quan trọng để nhân dân ba nước Đông Dương tiến lên giành độc lập, hoàn thành thống nhất đất nước ở mỗi nước.

Hội nghị Giơnevơ công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Lào; Pathết Lào là lực lượng chính trị độc lập, hợp pháp, có quân đội, có vùng tập kết ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ; các nhà chức trách hai phái (Pathết Lào và Chính phủ Vương quốc Lào) sẽ cùng thương lượng để giải quyết vấn đề chính trị trên cơ sở bảo đảm quyền tự do, dân chủ của nhân dân, thành lập chính quyền liên hiệp, hòa hợp dân tộc thông qua tổng tuyển cử tự do,…

Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, việc ký kết Hiệp định Giơnevơ là một thắng lợi quan trọng của sự nghiệp đoàn kết kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương nói chung, của hai nước Việt Nam, Lào nói riêng trong cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Thắng lợi đó thể hiện nghị lực, quyết tâm của Việt Nam và Lào trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, kết tinh sức mạnh đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu giữa nhân dân và quân đội hai nước, tạo nền móng vững chắc cho sự phối hợp, liên minh chiến đấu giữa Việt Nam và Lào ngày càng nâng cao trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975).


Каталог: files -> thong bao -> 2012
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung
2012 -> Quyết định số 220-QĐ/tw ngày 17/4/2009 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

tải về 0.7 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương