Thánh Kinh và Huấn Luyện Lãnh Đạo Muối Đất Mở Rộng LÃnh đẠo theo phong cách thánh phao-lô Giêrônimô Nguyễn Văn Nội



tải về 1.33 Mb.
trang5/20
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1.33 Mb.
#8020
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   20


I. CẦU NGUYỆN MỞ ĐẦU

1.1 Gợi ý của người hướng dẫn

Trong khuôn khổ Năm Thánh Phao-lô, linh mục Minh Huy, thuộc Hội Xuân Bích, giáo sư Đại Chủng Viện, đã trình bày với các tu sĩ liên dòng một đề tài có tựa đề Chúa Ki-tô và Hội Thánh theo Giáo Huấn của Thánh Phao-lô. Tôi nghĩ cha Minh Huy sẵn sàng cho phép bất cứ ai sự dụng lại bài soạn của ngài để giúp người khác học hỏi về Chúa Ki-tô! Vì thế nội dung đề tài IV mà chúng ta sẽ cùng nhau nghiên cứu hôm nay là công trình của cha Minh Huy.

Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn để đón nhận Chúa Giê-su Ki-tô vào trong lòng và cuộc sống của chúng ta, để Người biến đổi chúng ta thành những người em, những người bạn thân thiết của Người. Thật ra Chúa đã ghi dấu ấn của Người trong tâm hồn chúng ta. Trách nhiệm của chúng ta là làm cho dấu ấn ấy hiển hiện trong tư tưởng, lời nói và việc làm của mình.

1.2 Cùng hát

DẤU ẤN TÌNH YÊU

1. Chúa ghi vào hồn con dấu ấn của ngài. Chúa đi vào đời con êm ái tuyệt vời. Mấy cung đàn tơ tấu lên trìu mến. Khúc ca cuộc đời con thơm ngát hương trời.

ĐK: Hồng ân Chúa tràn trề tháng năm, tay con nhỏ bé đón sao cho vừa. Hồng ân Chúa vô biên vô tận, tim con nhỏ bé nhưng hãy còn vơi.

2. Ôi ân huệ tình yêu cao quý khôn lường. Chúa dắt dìu con đi qua tháng năm trường. Sớt chia buồn vui ủi an phù giúp. Dẫu con là tôi tớ tây trắng khôn cùng.

3. Xin cho đời con như cây sáo của Ngài. Chúa gieo vào giai khúc thanh khiết muôn đời. Chúa cho đầy vơi mát tươi cuộc sống. Khi tay Ngài âu yếm ngay ngất tâm hồn
II. CHIA SẺ KHÁM PHÁ / CẢM NGHIỆM / QUYẾT TÂM / THAY ĐỔI LIÊN QUAN TỚI ĐỀ TÀI III VỀ CÔNG CUỘC, CHIẾN THUẬT VÀ PHƯƠNG THẾ TRUYỀN GIÁO CỦA THÁNH PHAO-LÔ

Bạn muốn chia sẻ khám phá, cảm nghiệm, quyết tâm hay thay đổi gì mới hoặc muốn nêu ý kiến hay thắc mắc gì liên quan tới đề tài III về Công cuộc, Chiến thuật và Phương Thế Truyền giáo của Thánh Phao-lô mà bạn đã học lần trước, xin mời bạn chia sẻ hay phát biểu.


III. ĐẶT VẤN ĐỀ

3.1 Chúa Giê-su Ki-tô quan trọng như thế nào đối với Thánh Phao-lô?

3.2 Trong giáo huấn về Chúa Giê-su Ki-tô, Thánh Phao-lô nhấn mạnh những điểm/nét nào nhất? Tại sao?
3.3 Thánh Phao-lô nêu gương gì cho chúng ta về mối quan hệ của ngài với Chúa Giê-su Ki-tô?
3.4 Chúng ta phải làm gì để tiếp nối công việc của Thánh Phao-lô là làm cho Chúa Giê-su Ki-tô được nhận biết và yêu mến bởi những người sống chung quanh chúng ta?
IV. HỌC HỎI

[Sách Thánh cần đọc: 1 Cr 4,15; 15,1-45; 2 Cr 5,16; Cl 1,1.16.19; Rm 1,1; 5,19; Gl 1,1; 2,19-20; 4,4; Pl 1,1.27; Ep 1,7-8; 1 Tx 2,13; Pl 2,6-8 ]
4.1 Chúa Ki-tô là trung tâm điểm

Đối với Thánh Phao-lô, tâm điểm của lịch sử cứu độ là cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-su (x. 1 Cr 15). Tất cả những gì Thánh Phao-lô làm và rao giảng đều xuất phát từ trung tâm ấy (x. Cl 1,1; Rm 1,1; Gl 1,1; Pl 1,1.27; 1 Cr 4,15). Ngài khẳng quyết: “Tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương và hiến mình vì tôi” (Gl 2,20).  

Khi nói “mọi sự đều do Ngài mà được tạo dựng…” (Cl 1,16.19), Thánh Phao-lô khẳng định thần tính của Chúa Ki-tô (Gl 1,1); và ngài cũng khẳng định nhân tính của Chúa Ki-tô khi viết: “Khi thời gian viên mãn, Thiên Chúa sai Con của Người đến, sinh làm con một người phụ nữ” (Gl 4,4).

Cả cuộc đời Thánh Phao-lô sau khi trở lại là Chúa Ki-tô: Tôi sống nhưng không còn là tôi sống nữa, mà Chúa Ki-tô sống trong tôi (Gl 2, 19b-20). Đối với Thánh Phao-lô, Chúa Ki-tô là người mang lại ơn cứu độ cho chúng ta qua việc tha thứ tội lỗi bởi ân sủng phong phú của Ngài: “Trong Ngài chúng ta được ơn cứu độ, được tha thứ tội lỗi theo sự phong phú ân sủng Ngài đổ xuống trên chúng ta.” (Ep 1,7-8). Do đó, như Thánh Phao-lô, cả cuộc đời chúng ta phải là một lời rao giảng Phúc âm, rao giảng Đức Ki-tô là Chúa và là Đấng cứu độ. 



4.2 Thánh Phao-lô chia sẻ kinh nghiệm gặp Chúa Ki-tô  Ngài thú nhận: “Mặc dầu trước kia tôi đã biết Chúa Ki-tô theo xác thịt, nhưng bây giờ tôi không còn biết Người như thế nữa” (2 Cr 5,16). Biết theo xác thịt có nghĩa là chỉ biết vẻ bề ngoài, chứ không thể biết thật sự cái tâm của con người: Tri nhơn, tri diện, bất tri tâm (Biết người, biết mặt mà không biết lòng). Chỉ có con tim với con tim mới thật sự biết được một con người. Người Do-thái đã biết Chúa Giê-su theo cách bề ngoài ấy: họ biết Người là người Na-da-rét, con bà Ma-ri-a và bác thợ mộc Giu-se, v.v. nhưng không thật sự biết Người và chân lý của Người. Trái lại, Nhóm Mười Hai đã hiểu đúng về Thầy mình, như thánh Phê-rô đã tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa hằng sống, khi Chúa Giê-su hỏi họ: Các con nói Thầy là ai? 

Ngày nay cũng có những người học rộng biết nhiều điều cao cả về Chúa Ki-tô, nhưng Chúa Ki-tô đã không ảnh hưởng gì vào cuộc đời họ.

Trái lại nhiều người chất phác không biết những chi tiết cao siêu ấy, nhưng họ lại biết Chúa Ki-tô với tất cả con tim, và chân lý của Người đi vào cuộc đời họ, tác động họ, biến đổi họ và hướng dẫn họ (x. 1 Tx 2,13). Thánh Phao-lô thật sự biết Chúa Ki-tô theo cách ấy, biết thật sự con người và chân lý của Chúa Ki-tô trước, rồi dần dần học biết thêm các chi tiết về Người, nhờ đó ngài say yêu Người, rao giảng về Người và sống chết cho Người. Thánh Phao-lô đã học được những chi tiết về Chúa Ki-tô từ các Tông Đồ trước ngài, từ Hội Thánh Sơ Khai, và nhất là được chính Chúa mạc khải cho.

Qua các thư của ngài, Thánh Phao-lô tỏ ra biết chắc chắn về cuộc sống, lời nói, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su, nhưng không như những gì thuộc về quá khứ, mà là những biến cố thực tại của một con người vẫn còn đang sống. Những lời nói và hành động của Chúa Giê-su đối với Thánh Phao-lô luôn luôn là hiện tại. 

Phải, Chúa Giê-su hiện vẫn đang sống, đang nói với chúng ta, và hướng dẫn chúng ta. Đó là cách biết đích thực về Chúa Giê-su, không phải như một người trong quá khứ, nhưng là Chúa đang ở với chúng ta, đang đồng hành với chúng ta, đang chỉ cho chúng ta biết phải sống thế nào, làm việc thế nào, yêu thương thế nào, chịu đau khổ thế nào, tha thứ làm sao, vượt lên thử thách và khủng hoảng làm sao để tái định hướng, tiếp tục và tiến lên trong đời sống ơn gọi và sứ vụ của chúng ta. 

4.3 Chúa Ki-tô là A-đam mới : Đối với Thánh Phao-lô, Chúa Ki-tô là A-đam mới của thời cánh chung (1 Cr 15,45): A-đam cũ đầu tiên vì kiêu ngạo muốn bằng Thiên Chúa mà phạm tội khiến nhân loại phải chết, còn A-đam cuối cùng tự hủy chính mình, mang lấy thân phận tôi đòi, trở nên giống người phàm, hạ mình vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá (Pl 2,6-8), để trở nên căn nguyên cứu rỗi đời đời cho những ai tin. 

Bởi hành động bất tuân của mình, A-đam cũ đã mang lại cái chết. Chúa Giê-su, A-đam mới, cũng bởi hành động vâng phục của mình, đã tiêu diệt sự chết và mang lại sự sống (1 Cr 15,54-55). Quả thế, “Do sự bất tuân của một người (A-đam) mà nhiều người thành tội, thì do sự vâng phục của một người (Chúa Ki-tô) mà nhiều người được nên công chính” (Rm 5,19).  

Nhưng Chúa Giê-su cũng đến phục hồi sự sống và phẩm giá cho thân xác nữa. Thánh Phao-lô viết: “Gieo xuống trong hư hoại chỗi dậy trong bất diệt; gieo xuống trong nhục nhã chỗi dậy trong vinh quang; gieo xuống trong yếu đuối chỗi dậy trong quyền năng; gieo xuống trong xác phàm chỗi dậy trong xác thiêng” (1 Cr 15,42-44).  

Thánh Phao-lô dạy rằng Chúa Ki-tô trở nên người phàm để hóa giải mối bất hòa do tội A-đam đã gây nên giữa Thiên Chúa và con người, và cũng do chính tội riêng của chúng ta nữa. Nhờ cái chết và phục sinh của Người, Chúa Giê-su mang lại ơn cứu độ cho chúng ta qua việc gánh lấy tội chúng ta: “Vì chúng ta, Thiên Chúa đã làm cho Ðấng không hề biết tội là gì thành tội, để chúng ta được trở nên sự công chính của Thiên Chúa trong Người” (2 Cr 5,21).  

Chớ gì trót cả cuộc đời chúng ta trở thành lời rao giảng Chúa Ki-tô, bằng chứng tá cuộc sống và việc làm hằng ngày của chúng ta, trong mọi hoàn cảnh và biến cố của cuộc đời, dù được vui mừng hay phải buồn phiền, dù thành công hay thất bại, dù được cảm thông hay bị hiểu lầm, dù cảm thấy hạnh phúc hay phải đau khổ:

Biết rằng đời hiểu hay không                                           

Uống cho bằng cạn chén hồng Chúa giao

Thương ai Chúa mới gọi vào                               

Kèm trong thử thách dạt dào đỡ nâng. 

4.4 Chúng ta phải làm gì để tiếp nối công việc của Thánh Phao-lô là làm cho Chúa Giê-su Ki-tô được nhận biết và yêu mến bởi những người sống chung quanh chúng ta?

[Xem phần ỨNG DỤNG].
V. ỨNG DỤNG [SỐNG LINH ĐẠO]

5.1 Noi gương bắt chước Thánh Phao-lô, chúng ta hãy đi sâu vào Huyền Nhiệm Giê-su Ki-tô bằng cách sống mật thiết với Người, vừa với tư cách Người là Thiên Chúa vừa với tư cách Người là một người Thầy, một người Anh, một người Bạn.

5.2 Noi gương bắt chước Thánh Phao-lô, chúng ta hãy nỗ lực hết khả năng của mình, để làm cho những người chung quanh nhìn nhận và tôn thờ Chúa Giê-su Ki-tô như chúng ta.
VI. CHUẨN BỊ ĐỀ TÀI V: GIÁO HUẤN CỦA THÁNH PHAO-LÔ VỀ HỘI THÁNH

6.1 Câu hỏi gợi ý chia sẻ

Nhờ đề tài IV về Chúa Giê-su Ki-tô theo Giáo huấn của Thánh Phao-lô bạn có khám phá, cảm nghiệm, quyết tâm hay thay đổi gì mới?

Xin ghi nhật ký để chuẩn bị chia sẻ vào lần học tới với các anh chị em khác.
6.2 Câu hỏi gợi ý tìm hiểu

1) Ngoài Giáo huấn về Chúa Giê-su Ki-tô mà chúng ta vừa tìm hiểu trong đề tài III, Thánh Phao-lô còn có Giáo huấn nào khác đáng chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi?

2) Giáo Huấn của Thánh Phao-lô về Hội Thánh là “Hội Thánh của Thiên Chúa” và “Hội Thánh là Thân Thể Chúa Ki-tô” phải được hiểu như thế nào?

3) Giáo Huấn của Thánh Phao-lô về Hội Thánh là “Hội Thánh của Thiên Chúa” và “Hội Thánh là Thân Thể Chúa Ki-tô” phải được các Ki-tô hữu - với tư cách là chi thể của Chúa Ki-tô và của nhau - sống như thế nào ?


6.3 Sách Thánh cần đọc

1 Cr 1,1-2.12-13; 12,12-31


VII. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

7.1 Gợi ý của người hướng dẫn

Chúng ta vừa tìm hiểu giáo huấn của Thánh Phao-lô về Chúa Giê-su Ki-tô là

- Đấng mà ngài đã gặp trên đường Đa-mát và đã sống thân mật trong những giờ phút cầu nguyện chiêm niệm ;

- Đấng mà ngài đã rao giảng không biết mệt mỏi để làm cho người ta đón nhận yêu mến và tôn thờ Người, vì Người là Thiên Chúa Ngôi Hai làm người.

Chớ gì mỗi anh chị em chúng ta xây đắp một tương quan mật thiết với Đấng đã chết và đã phục sinh vinh hiển và hiện đang sống trong tâm hồn và cuộc đời chúng ta để chúng ta càng ngày càng thuộc về Người và nên giống Người.

Chúng ta cùng nhau dâng lên Người những tâm tình yêu mến của chúng ta.


7.2 Cùng cầu nguyện
XIN KẾT HỢP VỚI CHÚA GIÊ-SU
Lạy Chúa Giê-su,

xin hãy đến với con và chiếm lấy linh hồn con.

Xin ngự vào lòng con và thấm nhập vào hồn con.

Xin giúp con yên lặng với Chúa

để Ngài hoạt động trong con.

Con là của Chúa để Ngài chiếm lấy.

Con thuộc về Chúa để Ngài xử dụng.

Xin cho con đẩy xa tất cả cái tôi trong con,

để lòng con được trống rỗng cho Chúa đổ đầy.

Xin cho con được chết đi chính mình,

để con chỉ sống vì Chúa.

Xin hãy dùng con như Ý Ngài.

Xin giúp con đừng chú ý tới bản thân mình,

mà chỉ muốn hành động như có Chúa đang ở trong con.

Lạy Chúa, con là của Chúa,

con muốn được sống trong Chúa.

Con muốn làm theo Thánh Ý Chúa.

Xin ban cho con sức mạnh để gạt bỏ thế gian ra ngoài

và để chính Chúa hoạt động trong con.

Xin làm cho con nên mạnh mẽ để con thoát khỏi sức mạnh của ma quỷ hằng làm cho con sao lãng công việc của Chúa.

Ngay khi con lo lắng là lúc con thôi nhìn Chúa mà nhìn vào chính mình.

Xin đừng để con muốn người khác phải vội biến đổi, nhưng là chính con cần phải thay đổi những gì Chúa đã tỏ cho con biết.

Con thờ lạy Chúa, con yêu mến Chúa.

Ngay giờ phút này xin Chúa hãy đến và ngự vào lòng con. Amen.


7.3 Cùng hát

CHÚA LÀ TÌNH YÊU

ĐK: Chúa là Tình Yêu, Ngài đã đến cứu thế giới khỏi chốn lưu đầy. Chúa là Tình Yêu, Ngài đã thương ban Con Một cho trần thế. Để đem muôn ơn lành, để loan tin vui mừng, khắp thế giới cho mọi người, Ngài đã chết trong đau thương để ta sống bình an.

PK 1: Còn tình yêu nào cao vời vợi bằng tình Chúa đã thương ta. Dù rằng đất trời mãi đổi thay, nhưng tình Chúa vẫn yêu ta đến muôn muôn đời.

PK 2: Ngài hằng mong chờ luôn mời gọi người người sống yêu thương nhau. Để tình yêu Ngài mãi tràn lan trong tình chúng ta yêu nhau sống vui an bình.




ĐỀ TÀI V

GIÁO HUẤN CỦA THÁNH PHAO-LÔ

VỀ HỘI THÁNH



I. CẦU NGUYỆN MỞ ĐẦU

1.1 Gợi ý của người hướng dẫn

Hôm nay chúng ta sẽ học cùng Thánh Phao-lô, về Hội Thánh: Hội Thánh là Hội Thánh của Thiên Chúa và Hội Thánh là Thân Thể Chúa Ki-tô. Đây là giáo huấn rất quan trọng cho đời sống Đức Tin của chúng ta.

Vậy chúng ta hãy tập trung tâm trí vào buổi học và trước hết hãy cầu xin Thiên Chúa sai Thánh Thần xuống trên mỗi anh chị em chúng ta để Người ban cho chúng ta ơn biết nghe và hiểu Lời Thiên Chúa qua giáo huấn của Thánh Phao-lô.

1.2 Cùng hát

LẮNG NGHE LỜI CHÚA

1. Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài gọi con trong đêm tối. Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con lúc lẻ loi. Xin cho con cất tiếng lên trả lời vừa khi con nghe Chúa. Xin cho con biết thân thưa: lạy Ngài, Ngài muốn con làm chi.

ĐK.- Lời Ngài là sức sống của con. Lời Ngài là ánh sáng đời con. Lời Ngài làm chứa chan hy vọng, là đường để con hằng dõi bước. Lời Ngài đượm chất ngất niềm vui, trọn vẹn ngàn tiếng hát đầy vơi. Lời Ngài đổi mới cho cuộc đời. Lời Ngài hạnh phúc cho đời con.

2. Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài gọi con trong cuộc sống. Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài từng theo bước đời con. Xin cho con biết sẵn sàng chờ đợi và vâng nghe theo Chúa. Xin cho con biết sẵn sàng thực hành Lời Chúa đã truyền ban.



II. CHIA SẺ KHÁM PHÁ / CẢM NGHIỆM / QUYẾT TÂM / THAY ĐỔI LIÊN QUAN TỚI ĐỀ TÀI IV LÀ CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ THEO GIÁO HUẤN CỦA THÁNH PHAO-LÔ

Bạn muốn chia sẻ khám phá, cảm nghiệm, quyết tâm hay thay đổi gì mới hoặc muốn nêu ý kiến hay thắc mắc gì liên quan tới Đề Tài IV về Chúa Giê-su Ki-tô theo giáo huấn của Thánh Phao-lô mà bạn đã học lần trước, xin mời bạn chia sẻ hay phát biểu.


III. ĐẶT VẤN ĐỀ

3.1 Ngoài Giáo huấn về Chúa Giê-su Ki-tô mà chúng ta vừa tìm hiểu trong đề tài III, Thánh Phao-lô còn có Giáo huấn nào khác đáng chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi?


3.2 Giáo Huấn của Thánh Phao-lô về Hội Thánh là “Hội Thánh của Thiên Chúa” và “Hội Thánh là Thân Thể Chúa Ki-tô” phải được hiểu như thế nào?
3.3 Giáo Huấn của Thánh Phao-lô về Hội Thánh là Hội Thánh của Thiên Chúa và Hội Thánh là Thân Thể Chúa Ki-tô phải được các Ki-tô hữu - với tư cách là chi thể của Chúa Ki-tô và của nhau - sống như thế nào ?
IV. HỌC HỎI

[Sách Thánh cần đọc: 1 Cr 1,1-2.12-13; 12,12-31]
4.1 Không chỉ là người rao giảng Tin Mừng, Thánh Phao-lô còn là một bậc thầy chuyên về công việc dậy dỗ, khuyên nhủ, chỉ bảo các Ki-tô hữu, với những Giáo Huấn vừa sâu sắc vừa hợp thời. Đó chính là điều đáng chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi về Thánh Phao-lô, sau khi chúng ta đã biết qua về cuộc trở lại hay đổi đời diệu kỳ và về thân thế sự nghiệp lẫy lừng của ngài. Thật vậy, Thánh Phao-lô đã đóng góp rất lớn cho Ki-tô giáo trong việc đào sâu và trình bày Giáo Lý Đức Tin. Do đó, sau khi chúng ta đã tìm hiểu Đức Giê-su Ki-tô theo giáo huấn của Thánh Phao-lô (trong đề tài III), thì chúng ta không thể không tìm hiểu về các giáo huấn khác của ngài.

Trong các Giáo huấn của Thánh Phao-lô thì chúng ta nên đặc biệt quan tâm đến một số Giáo huấn quan trọng và cần thiết cho đời sống Đức Tin ngày hôm nay, như:



- Giáo huấn của Thánh Phao-lô về Hội Thánh: Hội Thánh là Hội Thánh của Thiên Chúa và Hội Thánh là Thân Thể Chúa Ki-tô,

- Giáo huấn của Thánh Phao-lô về Thánh Thần,

- Giáo huấn của Thánh Phao-lô về các ơn huệ của Thần Khí hay đặc sủng,

- Giáo huấn của Thánh Phao-lô về Thánh Thể,

- Giáo huấn của Thánh Phao-lô về Đức Ái,

- Giáo huấn của Thánh Phao-lô về sự Phục Sinh của Chúa Giê-su và sự sống lại của loài người,

- Giáo huấn của Thánh Phao-lô về Thân Xác và về Hôn Nhân Gia Đình,

- Giáo huấn của Thánh Phao-lô về Ơn trở nên Công Chính,

Trong các Giáo huấn quan trọng nêu trên của Thánh Phao-lô, trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu Giáo huấn về Hội Thánh: Hội Thánh là Hội Thánh của Thiên ChúaHội Thánh là Thân Thể Chúa Ki-tô.



4.2 Giáo huấn của Thánh Phao-lô về Hội Thánh là Hội Thánh của Thiên Chúa và Hội Thánh là Thân Thể Chúa Ki-tô phải được hiểu như thế nào?

(a) Bối cảnh của Giáo huấn của Thánh Phao-lô về Hội Thánh là Hội Thánh của Thiên Chúa là quan điểm thần học và giáo hội căn bản của Thánh Phao-lô, về Hội Thánh chống lại xu huớng tự nhiên của các Ki-tô hữu và của các cộng đoàn Ki-tô hữu muốn cục bộ hóa và làm chủ Hội Thánh.
(a’) Bối cảnh của Giáo huấn của Thánh Phao-lô về Hội Thánh là Thân Thể Chúa Ki-tô là sự chia rẽ, bè phái xẩy ra trong cộng đoàn Ki-tô hữu Cô-rin-tô mà Thánh Phao-lô nghe biết từ người nhà của bà Khơ-lô-ê:

12 Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: "Tôi thuộc về ông Phao-lô, tôi thuộc về ông A-pô-lô, tôi thuộc về ông Kê-pha, tôi thuộc về Đức Ki-tô." 13 Thế ra Đức Ki-tô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư? Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh vào khổ giá vì anh em chăng? Hay anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phao-lô sao?” (1 Cr 1,12-13).


(b) Nội dung của Giáo huấn của Thánh Phao-lô về Hội Thánh gồm 2 nội dung đáng chúng ta lưu ý. Thứ nhất là Thánh Phao-lô luôn xem Hội Thánh ở bất cứ địa phương nào là Hội Thánh của Thiên Chúa. Thứ hai là Thánh Phao-lô quan niệm và trình bày Hội Thánh là Thân Thể Chúa Ki-tô.
(1o) Hội Thánh là Hội Thánh của Thiên Chúa

- Lời Thánh Phao-lô

* «1Tôi là Phao-lô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su, và ông Xốt-thê-nê là người anh em của chúng tôi, 2 kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô, những người đã được hiến thánh trong Đức Ki-tô Giê-su, được kêu gọi làm dân thánh...» (1 Cr 1,1-2)

* «1Tôi là Phao-lô, bởi ý Thiên Chúa được làm Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su, và Ti-mô-thê là người anh em, kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô, cùng với mọi người trong dân thánh trong khắp miền A-khai-a. 2 Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.» (2 Cr 1,1-2).


- Giải thích chữ Hội Thánh của Thiên Chúa, nhà chú giải William Barclay viết những dòng như sau: «Phao-lô nói về Hội Thánh Chúa tại Cô-rin-tô. Đây không phải là Hội Thánh của Cô-rin-tô mà là Hội Thánh của Thiên Chúa. Theo Phao-lô, một cộng đoàn riêng lẻ dầu bất cứ ở đâu vẫn là một thành phần thuộc Hội Thánh duy nhất của Thiên Chúa. Ông không muốn nói về Hội Thánh của một xứ nào, một quốc gia nào, cũng không đặt tên cho một Hội Thánh bằng tên của địa phương đó. Với Phao-lô Hội Thánh là Hội Thánh của Chúa. Nếu nghĩ về Hội Thánh như vậy, chắc chúng ta sẽ nhớ lại Hội Thánh như là một thực tại kết hợp, thống nhất chúng ta với nhau nhiều hơn và sẽ bớt nhìn thấy những dị biệt có tính địa phương vẫn hay chia rẽ chúng ta» (William Barclay, Thư gửi tín hữu Cô-rin-tô, NXB Tôn giáo 2008, trang 5).
(2º) Hội Thánh là Thân Thể Chúa Ki-tô

- Giáo huấn của Thánh Phao-lô

«12 Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. 13 Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. 14 Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi. 15 Giả như chân có nói: "Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể", thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. 16 Giả như tai có nói: "Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể", thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. 17 Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi?

«18 Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. 19 Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được? 20 Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. 21 Vậy mắt không có thể bảo tay: "Tao không cần đến mày"; đầu cũng không thể bảo hai chân: "Tao không cần chúng mày".

«22 Hơn nữa, những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết nhất; 23 và những bộ phận ta coi là tầm thường nhất, thì ta lại tôn trọng hơn cả. Những bộ phận kém trang nhã, thì ta lại mặc cho chúng trang nhã hơn hết. 24 Còn những bộ phận trang nhã thì không cần gì cả. Nhưng Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhiều hơn. 25 Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. 26 Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung.

«27 Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận. 28 Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ. 29 Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ? Chẳng lẽ ai cũng là ngôn sứ, ai cũng là thầy dạy sao? Chẳng lẽ ai cũng được ơn làm phép lạ, 30 ai cũng được ơn chữa bệnh sao? Chẳng lẽ ai cũng nói được các tiếng lạ, ai cũng giải thích được các tiếng lạ sao? 31 Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả.» (1 Cr 12,12-31).

- Hình vẽ biểu tượng

Vẽ hình một người với đầu, mình và chân tay. Trên đầu có tai, mắt, miệng..... Trên mình có trái tim và lá phổi. Rồi ghi chú các chức năng của mỗi cơ quan được gọi tên là các Thừa Tác Vụ (thừa tác vụ lãnh đạo - thừa tác vụ lắng nghe (tiếng Thiên Chúa và tiếng con người - thừa tác vụ nhìn ra (nhận ra Chúa và nhận ra anh em) - thừa tác vụ nói Lời Chúa – thừa tác vụ yêu thương – thừa tác vụ chăm sóc – thừa tác vụ đi đến (những nơi/người cần mình) v.v...


- Giải thích Giáo huấn Hội Thánh là Thân Thể Chúa Giê-su Ki-tô chúng ta thấy được các nội dung giáo lý của Giáo huấn như sau:

- Như thân thể gồm nhiều cơ quan (hay chi thể) khác nhau nhưng vẫn chỉ là một thân thể, Hội Thánh của Thiên Chúa cũng gồm nhiều phần tử khác nhau là các Ki-tô hữu, nhưng vẫn chỉ là một Hội Thánh duy nhất;

- Cũng như mỗi cơ quan (hay chi thể) của một thân thể có chức năng, phận vụ riêng, mỗi Ki-tô hữu trong Hội Thánh có vai trò, chức năng, ơn gọi và sứ mạng riêng;

- Cũng như các chi thể của một thân thể phải hài hòa với các chi thể khác của thân thể, các Ki-tô hữu trong Hội Thánh phải sống hài hòa, liên đới, tương trợ, bổ sung với các Ki-tô hữu khác;

- Cũng như một chi thể nào của thân thể bị đau thì sẽ khiến cả thân thể bị đau, một Ki-tô nào của Hội Thánh không mạnh khỏe sẽ làm cả Hội Thánh phải yếu đau;

- Cũng như tất cả mọi chi thể của một thân thể đều được nuôi dưỡng bằng một dòng máu xuất phát từ trái tim, tất cả các Ki-tô hữu của Hội Thánh đều được nuôi sống bằng Dòng Máu Tình Yêu và Ân Sủng xuất phát từ chính Thiên Chúa, Cha Con và Thánh Thần;

- Cũng như tất cả mọi chi thể của một thân thể đều phải tuân theo mệnh lệnh của cái đầu là cơ quan chỉ huy, tất cả các Ki-tô hữu của Hội Thánh đều phải thực thi mệnh lệnh của Chúa Giê-su Ki-tô là đầu Hội Thánh và của các mục tử hợp pháp và có năng quyền lãnh đạo Dân Chúa.



tải về 1.33 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   20




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương