Thánh Kinh và Huấn Luyện Lãnh Đạo Muối Đất Mở Rộng LÃnh đẠo theo phong cách thánh phao-lô Giêrônimô Nguyễn Văn Nội



tải về 1.33 Mb.
trang8/20
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1.33 Mb.
#8020
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   20


I. CẦU NGUYỆN MỞ ĐẦU

1.1 Gợi ý của người hướng dẫn

Mọi người chúng ta đều biết rằng Ki-tô giáo là Đạo Yêu Thương và giới răn riêng của Chúa Giê-su Ki-tô là yêu tha nhân như chính bản thân mình, yêu người khác như chính Chúa Ki-tô đã yêu thương họ (x.Ga 15,12). Biết là một chuyện và là chuyện tương đối dễ. Sống là chuyện khác và mới là chuyện khó. Hôm nay chúng ta sẽ học cùng Thánh Phao-lô về Đức Ái, để thấy được sự tối cần thiết và cao trọng khôn lường của Đức ấy. Có thể nói được rằng trong đời sống của người công giáo, chỉ có Đức Ái mới đáng kể mà thôi.

Chúng ta hãy cầu nguyện với bài hát Đâu có tình yêu thương để xin Thiên Chúa đổ tràn Đức Ái vào lòng chúng ta, xuống trên mọi người của giáo xứ, giáo phận chúng ta.
1.2 Cùng hát

ĐÂU CÓ TÌNH YÊU THƯƠNG

ĐK.- Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời. Đâu có lòng từ bi ở đấy có ân sủng Người.

Đâu có tình bác ái thì Chúa chúc lành không nguôi. Đâu ý hợp tâm đầu ở đấy chứa chan niềm vui.

1. Nài xin tha thiết Thượng đế muôn tình lân ái. Xin hãy đổ đầy linh hồn tình yêu thiết tha. Yêu Chúa hết lòng, hết sức, hết cả trí khôn. Cùng yêu anh em như Chúa mến yêu chúng con.

2. Nguyện xin Thiên Chúa đoàn kết muôn người một ý. Xin hãy duy trì trí lòng hòa hợp mến yêu. Diệt tan căm thù, chia rẽ, oán hờn, ghét ghen. Gìn giữ Đức Ái: yêu Chúa mến thương anh em.

II. CHIA SẺ KHÁM PHÁ / CẢM NGHIỆM / QUYẾT TÂM / THAY ĐỔI LIÊN QUAN TỚI ĐỀ TÀI VII VỀ GIÁO HUẤN CỦA CÁC ƠN HUỆ CỦA THẦN KHÍ HAY ĐẶC SỦNG

Bạn muốn chia sẻ khám phá, cảm nghiệm, quyết tâm hay thay đổi gì mới hoặc muốn nêu ý kiến hay thắc mắc gì liên quan tới đề tài VII là giáo huấn của Thánh Phao-lô về các ân huệ của Thần Khí hay đặc sủng mà bạn đã học lần trước, xin mời bạn chia sẻ hay phát biểu.


III. ĐẶT VẤN ĐỀ

3.1 Thánh Phao-lô có giáo huấn quan trọng nào gắn liền với giáo huấn về các ân huệ của Thần Khí hay đặc sủng?


3.2 Giáo huấn của Thánh Phao-lô về Đức Ái phải được hiểu như thế nào?
3.3 Giáo huấn của Thánh Phao-lô về Đức Ái phải được các Ki-tô hữu sống như thế nào?
IV. HỌC HỎI

[Sách Thánh cần đọc: Ga 13,34-35; 1 Cr 13,1-13]
4.1 Giáo Huấn về Đức Ái 

Gắn liền với giáo huấn về các ân huệ của Thần Khí hay đặc sủng Thánh Phao-lô có giáo huấn rất quan trọng về Đức Ái. Chúng ta cần phải tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi, vì Đức Ái chính là nét riêng của các môn đệ Chúa Giê-su Ki-tô như chính Người đã nói: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).


4.2 Tìm hiểu Giáo Huấn của Thánh Phao-lô về Đức Ái

(1°) Bối cảnh của Giáo Huấn của Thánh Phao-lô về Đức Ái

là sự tranh cãi và so bì giữa các Ki-tô hữu Cô-rin-tô về đặc sủng nào là cao trọng nhất và là thái độ vêng vang tự đắc của một số ít Ki-tô hữu được đăc sủng nói tiếng lạ. Trước tình trạng ấy Thánh Phao-lô thấy cần phải soi sáng, hướng dẫn để các Ki-tô hữu Cô-rin-tô biết đặc sủng nào là cơ bản và cao trọng nhất: Đó là Đức Ái hay Đức Mến.


(2°) Bản văn của Thánh Phao-lô về Đức Ái

13/1 Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. 2 Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. 3 Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. 4 Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, 5 không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, 6 không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. 7 Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. 8 Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng ? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư ? Rồi cũng chẳng còn. 9 Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. 10 Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi. 11 Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con. 12 Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi. 13 Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13,1-13).


(3°) Ý nghĩa bản văn của Thánh Phao-lô về Đức Ái

Xin dựa vào các lời chú giải của William Barclay để tìm hiểu 1 Cr 13:

«Với nhiều người, đây là đoạn kỳ diệu nhất trong toàn bộ Tân Ước, nên chúng ta sẽ dành nhiều thì giờ hơn để tìm tòi, nghiên cứu những lời đầy ý nghĩa. Thật ra, nếu trọn đời nghiên cứu, chúng ta cũng chưa thể khám phá hết được… Không có chương nào trong cả Kinh Thánh đòi hỏi con người thánh thiện phải tự xét mình cho bằng 1 Cr 13 này.»
(3/1) Trong các câu 1-3, Phao-lô bắt đầu bằng lời tuyên bố: dầu con người được bất cứ loại ân huệ nào, nhưng ân huệ ấy sẽ vô dụng nếu không có tình yêu thương đi kèm.

(a) Ân huệ nói các thứ tiếng

rất đáng được mong muốn, nhưng chẳng hơn gì tiếng ồn ào (trống, kèn) nếu không có tình yêu thương.



(b) Ơn nói tiên tri

tương ứng gần gũi với ơn giảng dậy.



(c) Ơn trí thức

Cơ nguy thường trực của người nổi tiếng về tri thức là lòng hiếu danh. Người học thức thường gặp nguy cơ trầm trọng là nuôi dưỡng tinh thần khinh dể người khác. Chỉ có sự hiểu biết có lửa tình yêu mới thật sự cứu người.



(d) Một đức tin thành khẩn, nhiệt tình

lắm lúc đức tin có thể trở thành tàn nhẫn.



(e) Làm việc bố thí, phân phát gia tài

cho kẻ nghèo. Trên đời này không gì đáng xấu hổ hơn là làm phước mà không có tình thương. Bố thí như một bổn phận gây khó chịu, bố thí với thái độ khinh bỉ, như một kẻ đứng trên cao ném xuống một chút của thừa cho một con chó, bố thí kèm theo bài diễn thuyết về đạo đức, luân lý, thì hoàn toàn không phải là làm việc thiện – đó là sự kiệu ngạo, mà kiêu ngạo bao giờ cũng tàn nhẫn, vì kẻ kiêu ngạo chẳng có chút yêu thương.



f) Nộp thân xác để chịu đốt

Có thể Phao-lô nghĩ đến các Ki-tô hữu trải qua cơn bách hại. Nếu động cơ thúc đầy một người phó mạng sống mình vì danh Chúa lại là động cơ do kiêu ngạo, khoe mình, tự cao tự đại, thì ngay đến việc tử đạo của người ấy cũng chẳng giá trị gì. Thiết tưởng chúng ta không nên bi quan hay cay cú khi nhớ lại nhiều việc làm thoạt nhìn có vẻ như một hy sinh, nhưng chỉ là sản phẩn của lòng kiêu ngạo chứ không phải là sự dâng hiến do yêu thương.


(3/2) Trong các câu 4-7, Phao-lô liệt kê 15 đặc điểm của tình yêu Ki-tô giáo:

(a) Yêu thương là nhẫn nhục

tức kiên nhẫn, nhịn nhục đối với con người như chính Chúa đối với chúng ta (chứ không phải lòng kiên trì chịu đựng hoàn cảnh).



(b) Yêu thương là nhân từ, tử tế

có nghĩa là «ngọt ngào, êm dịu với tất cả», là «phước hạnh» của tình yêu thương. Nhiều Ki-tô hữu rất tốt nhưng không nhân từ, tử tế (thái độ hay chỉ trích, chê bai hoặc khắt khe).



(c) Yêu thương là không ghen tương

Có 2 loại ghen tỵ. Có loại thèm khát của cải người khác, loại ghen tị này rất khó tránh vì sự thèm muốn đó gắn liền với bản tính con người ; loại thứ hai tệ hơn nhiều, nó nghiến ngầm ngay sự kiện kẻ khác có cái mà chính mình không có. Muốn được cái kẻ khác có, không gì tai hại bằng muốn kẻ khác đừng có cái mà họ đang có. Một tâm hồn bần tiện nhất cũng không thể sa vào điều gì thấp kém hơn thế.



(d) Yêu thương là chẳng vênh vang

Trong tình yêu thương có đức tính giấu mặt. Tình yêu thương chân chính bao giờ cũng cảm thấy tính cách chẳng ra gì của mình hơn là công lao thành tích của mình. Người thật sự yêu thương chẳng bao giờ nghĩ việc mình yêu thương là điều phi thường. Yêu thương là giữ thái độ khiêm hạ, ví ý thức chẳng bao giờ tặng được cho người mình yêu thương một món quà hoàn toàn vừa ý.



(e) Yêu thương là chẳng tự đắc

Người thật sự vĩ đại không bao giờ nghĩ đến tính cách quan trọng của mình. Chẳng ai thích con người tự cho là mình quan trọng.



(f) Yêu thương chẳng làm điều bất chính

nghĩa là không có những hành động trắng trợn, tàn nhẫn mà có những hành động đẹp đẽ, lịch lãm và duyên dáng.



(g) Tình yêu thương chẳng tìm tư lợi

nghĩa là không nằng nặc đòi cho được các quyền lợi của riêng mình. Nói cho cùng trên đời này chỉ có hai hạng người : những người luôn nghĩ đến quyền lợi của mình và những người luôn nghĩ đến bổn phận; những người cứ nằng nặc đòi đặc quyền và những người luôn nhớ đến bổn phận, trách nhiệm; những kẻ chỉ nghĩ đến những gì cuộc đời mắc nợ mình và những người không bao giờ quên mình mắc nợ cuộc đời. Có lẽ chiếc chỉa khóa giải đáp mọi bài toán cho các vấn đề đang vây quanh chúng ta ngày nay, ấy là con người nghĩ đến quyền lợi ít hơn, nhưng quan tâm nhiều hơn về nghĩa vụ của mình. Khi chúng ta bắt đấu nghĩ tới «địa vị» của mình, chính là lúc chúng ta bị trôi lạc khỏi tình yêu thương của một Ki-tô hữu.



(h) Tình yêu thương chẳng nóng giận

tức không bao giờ tức giận người khác. Người chế ngự được tính nóng giận của mình sẽ vùng lên và có thể làm chủ bất cứ việc gì.



(i) Tình yêu thương chẳng chất chứa trong trí nhớ bất cứ việc sai quấy nào người khác đã làm cho mình

Có thể hiểu là tình yêu thương không muốn hận thù.



(k) Tình yêu thương không mừng khi thấy sự gian ác, đúng hơn là chẳng vui về bất cứ việc gì sai quấy. Ở đây có ý đề cập đến sự vui thích tinh quái chúng ta thường có khi nghe người khác mắc lầm lỗi nào đó. Bản tính con người thích nghe về những bất hạnh của người khác hơn là về những điều may mắn của họ. Khóc với kẻ khóc bao giờ cũng dễ hơn là vui với kẻ vui. Chúng ta thích nghe câu chuyện chê bai kẻ khác hơn là câu chuyện nhằm khen ngợi kẻ khác. Tình yêu thương Ki-tô hữu không có sự tinh quái, ấy là vui mừng khi nghe một chuyện xấu, chuyện bất hạnh của người khác.

(l) Tình yêu thương vui khi thấy điều chân thật

Việc này không dễ dàng nhu thoạt nghe. Nhiều khi chúng ta không dứt khoát muốn cho chân lý chiến thắng, nhất là sự thật, chính là điều cuối cùng chúng ta cần phải nghe. Tình yêu thương Ki-tô hưu không hề muốn che giấu sự thật, đối diện vớu sự thật là can đảm. Chẳng việc việc gì giấu được mãi, vì thế chúng ta phải vui mừng khi được biết sự thật.



m) Tình yêu thương tha thứ tất cả, có nghĩa là tình yêu thương «che đậy mọi sự» tức là chẳng bao giờ lôi các lỗi lầm của kẻ khác ra ánh ánh sáng. Trái lại tình yêu thương tìm cách dàn xếp êm đẹp và kín đáo mọi việc hơn là đem phơi bày quở trách. Càng có lý hơn nữa, tình yêu thương chịu đựng sỉ nhục, chửi mắng, bạc đãi. Đó là loại tình yêu thương vốn có trong lòng Chúa Giê-su.

(n) Tình yêu thương tin tưởng tất cả

Đặc điểm này của tình yêu thương gồm 2 phương diện: (1o) Trong mối liên hệ với Chúa, đó là tình yêu thương, bắt ngay lấy Lời Chúa, tin tuyệt đối vào các lời hứa của Ngài, nhận tất cà những lời hứa bắt đầu bằng «hễ ai» và nói «câu đó ám chỉ tôi». Đó là tình yêu thương bắt nguồn từ đức tính «đánh cuộc với đời sống rằng có một Chúa». (2o) Trong mối liên hệ với đồng bào, đó là tình yêu thương luôn luôn tin vào điều tốt nhất nơi kẻ khác. Chúng ta thường khiến kẻ khác trở thành như điều chúng ta tin về họ. Nếu chúng ta hành động chứng tỏ không tin cậy họ, nếu nghi ngờ họ, ta sẽ khiến họ trở thành người không đáng tin cậy. Nếu chúng ta hành động chứng tỏ mình tuyệt đối tin cậy họ, và nếu họ không cố ý đánh mất danh dự, chúng ta đã biến họ thành người đáng tin cậy. Tình yêu thương có thể khiến kẻ vô lại thành người cao thượng, nếu chúng ta tin tưởng vào những gì tốt nhất nơi họ.



(o) Tình yêu thương hy vọng tất cả

Chúa Giê-su tin chẳng có một người nào là hoàn toàn tuyệt vọng.



(p) Tình yêu thương kiên trì chịu đựng mọi sự

bằng tinh thần dũng cảm, tin vào chiến thắng, không có nghĩa là khoanh tay bó gối thụ động mà là vừa chịu đựng, vừa cố gắng để thắng, để lật ngược thế cờ.


Ghi chú

Còn một điều nữa cần nói đây. Khi suy nghĩ về các đặc điểm của tình yêu thương như Phao-lô mô tả trên, chúng ta có thể thấy rõ chúng ta được thực hiện, được biến thành hành động, được nhập thể trong đời sống của chính Chúa Giê-su!


(3/3) Trong các câu 8-13, Phao-lô nêu lên ba điểm cuối cùng nói về tình yêu thương của Ki-tô hữu:

(a) Ông nhấn mạnh tính cách trường tồn tuyệt đối của tình yêu thương. Sau khi mọi điều người ta dùng để tự tôn vinh và hãnh diện đều qua đi, chỉ tình yêu thương còn lại.

(b) Ông nhấn mạnh tính cách trọn vẹn tuyệt đối của tình yêu thương. Mọi sự việc chỉ được nhìn thấy như những hình ảnh trong một tấm gương (thấy lờ mờ). Con đường yêu thương sẽ đưa chúng ta đến ngày cuối củng, khi tấm màn được vén lên và chúng ta sẽ thấy mặt đối mặt, được biết mọi sự như cách chúng ta phải biết. Nếu không có tình yêu thương, chúng ta sẽ chẳng bao giờ đạt đến ngày đó vì Thiên Chúa là tình yêu và chì người có tình yêu thương mới có thể thấy được Thiên Chúa.

(c) Ông nhấn mạnh tính cách ưu việt tuyệt đối của tình yêu thương. Tuy đức tin và hy vọng đều hết sức quan trọng, nhưng tình yêu thương còn quan trọng hơn. Đức tin không có tình yêu thương thì lạnh nhạt, hy vọng không có tình yêu thương thì buồn tẻ. Tình yêu thương là ngọn lửa đun nóng đức tin và là ánh sáng đem hy vọng đến đích chắc chắn.


4.3 Giáo huấn của Thánh Phao-lô về Đức Ái phải được các Ki-tô hữu sống như thế nào?

[Xem phần ỨNG DỤNG]
V. ỨNG DỤNG [SỐNG LINH ĐẠO]

5.1 Nhận thức sấu sắc về tầm quan trọng của Đức Ái Ki-tô giáo.


5.2 Tha thiết cầu xin Chúa Thánh Thần ban Đức Ái cho mình và cho những người khác, nhất là những người có liên hệ mật thiết.
5.3 Nỗ lực sống Đức Ái trong đời sống cá nhân và cộng đoàn của mỗi người.
VI. CHUẨN BỊ ĐỀ TÀI IX: GIÁO HUẤN CỦA THÁNH PHAO-LÔ VỀ THÁNH THỂ

6.1 Câu hỏi gợi ý chia sẻ

Nhờ đề tài VIII là giáo huấn của Thánh Phao-lô về Đức Ái, bạn có khám phá, cảm nghiệm, quyết tâm hay thay đổi gì mới?

Xin ghi nhật ký để chuẩn bị chia sẻ vào lần học tới với các anh chị em khác.
6.2 Câu hỏi gợi ý tìm hiểu

1) Giáo Huấn của Thánh Phao-lô về Thánh Thể quan trọng như thế nào?

2) Giáo Huấn của Thánh Phao-lô về Thánh Thể phải được hiểu như thế nào?

3) Giáo Huấn của Thánh Phao-lô về Thánh Thể phải được các Ki-tô hữu chúng ta sống như thế nào trong đời sống cộng đoàn?


6.3 Sách Thánh cần đọc

1 Cr 11,17-22.23-34; Mt 26,26-29; Mc 14,22-25, Lc 22,14-20


VII. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

7.1 Gợi ý của người hướng dẫn

Chúng ta vừa học giáo huấn của Thánh Phao-lô về Đức Ái. Nhiều lần chúng ta chúng ta đã nghe nói hay nghe giảng về Đức Yêu Thương Ki-tô giáo, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên chúng ta có dịp tìm hiểu cặn kẽ, suy nghĩ thấu đáo về đức Yêu Người nhờ giáo huấn của Thánh Phao-lô. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa là Tình Yêu, cảm tạ Chúa Giê-su đã để lại cho chúng ta Giới Răn riêng và cũng là Giới Răn Mới của Người là “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em!” (Ga 15,12).


7.2 Cùng cầu nguyện:

[Mỗi người cầu nguyện trong thinh lặng]

7.3 Cùng hát lại bài

ĐÂU CÓ TÌNH YÊU THƯƠNG

ĐK.- Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời.

Đâu có lòng từ bi ở đấy có ân sủng Người.

Đâu có tình bác ái thì Chúa chúc lành không nguôi.

Đâu ý hợp tâm đầu ở đấy chứa chan niềm vui.

1. Nài xin tha thiết Thượng đế muôn tình lân ái. Xin hãy đổ đầy linh hồn tình yêu thiết tha. Yêu Chúa hết lòng, hết sức, hết cả trí khôn. Cùng yêu anh em như Chúa mến yêu chúng con.

2. Nguyện xin Thiên Chúa đoàn kết muôn người một ý. Xin hãy duy trì trí lòng hòa hợp mến yêu. Diệt tan căm thù, chia rẽ, oán hờn, ghét ghen. Gìn giữ Đức Ái: yêu Chúa mến thương anh em.

ĐỀ TÀI IX

GIÁO HUẤN CỦA THÁNH PHAO-LÔ

VỀ THÁNH THỂ



tải về 1.33 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   20




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương