Thánh Kinh và Huấn Luyện Lãnh Đạo Muối Đất Mở Rộng LÃnh đẠo theo phong cách thánh phao-lô Giêrônimô Nguyễn Văn Nội



tải về 1.33 Mb.
trang11/20
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1.33 Mb.
#8020
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   20

- Đoạn văn thứ hai là Ep 5,22-32

«22 Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, 23 vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. 24 Và như Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy.

25 Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; 26 như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, 27 để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. 28 Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. 29 Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Ki-tô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, 30 vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. 31 Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. 32 Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh. 33 Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng.»
(c) Giáo huấn của Thánh Phao-lô về Hôn Nhân Gia Đình

* Từ đoạn văn 1 Cr 7,2-11

1°) Tính hợp pháp của Hôn Nhân: sống độc thân là một lý tưởng tốt lành, nhưng không phải ai cũng có thể sống độc thân, vì nó đòi hỏi một ân sủng, một hồng ân đặc biệt của Thiên Chúa (c 7). Như vậy hôn nhân được coi như một phương thuốc chữa trị tình tư dục, một lối phòng vệ dành cho những người vì không nhận được hồng ân đó nên không thể giữ mình (c 2). Từ quan điểm này, hôn nhân là hoàn toàn hợp pháp; kết hôn không hề là điều tội lỗi (cc 28,36). Đôi khi hôn nhân trở thành một nghĩa vụ luân lý (cc 8-9).


2°) Tính không thể tháo gỡ của Hôn Nhân: Cả chồng cả vợ không được bỏ người phối ngẫu. Có thể ly thân tức là sống tách ra nhưng không được lấy người khác (1 Cr 7, 4-5.10-11.39 xem Rm 7,2-3).
3°) Tính duy nhất của Hôn Nhân: “nhất phu nhất phụ” (xem Rm 7,2-3).
4°) Sự thánh thiện của Hôn Nhân: được biểu thị qua

* Mục tiêu của Hôn Nhân: sinh sản và giáo dục con cái con cái (nhân bản /đức tin) là việc tiếp nối công trình của Đấng Tạo Hóa, tiếp diễn và mở rộng gia đình con cái Thiên Chúa.

* Tính biểu tượng thánh thiêng của Hôn Nhân Ki-tô giáo:

- Hôn Nhân, một biểu tượng: “22 Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, 23 vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. 24 Và như Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy.” (Ep 5,22-24)

- Hôn Nhân, một Bí Tích: Giáo hội đặt hôn nhân trong số 7 bí tích Chúa Giê-su Ki-tô thiết lập.

- Tính ưu việt của khiết tịnh hoàn hảo: đời sống khiết tịnh vì Chúa ưu việt hơn đời sống vợ chồng, vì người sống khiết tịnh được giải phóng khỏi những lo toan trần thế và những trở ngại đủ loại đi kèm theo hôn nhân.


5°) Những quyền lợi và nghĩa vụ hỗ tương của các đôi vợ chồng:

* bình đẳng về quyền lợi: Người phụ nữ không còn là đồ vật của đàn ông, nhưng là bạn đời: người vợ bình đẳng với người chồng trong mọi quyền lợi chính yếu, người chồng cũng có những bổn phận đối với vợ y như bổn phận của người vợ đối với chồng, và điều đó có được nhờ sự cho đi không lấy lại, vốn nối kết người này với người kia. Mỗi người không còn thuộc về riêng mình, nhưng thuộc về người mình đã trao hiến: 3 Chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. 4 Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng; cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ. 5 Vợ chồng đừng từ chối nhau, trừ phi hai người đồng ý sống như vậy trong một thời gian, để chuyên lo cầu nguyện; rồi hai người lại ăn ở với nhau, kẻo vì hai người không tiết dục nổi mà Xa-tan lợi dụng để cám dỗ.... 10 Còn với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa: vợ không được bỏ chồng, 11 mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân hoặc phải làm hoà với chồng; và chồng cũng không được rẫy vợ.” (1 Cr 7,3-5.10-11)

* phẩm trật các vai trò: “Nhưng tôi muốn anh em biết rằng thủ lãnh của người nam là Đức Ki-tô, thủ lãnh của người nữ là người nam, và thủ lãnh của Đức Ki-tô là Thiên Chúa.... 8 Thật vậy, không phải người nam tự người nữ mà có, nhưng người nữ tự người nam. 9 Cũng chẳng phải người nam được dựng nên vì người nữ, nhưng người nữ vì người nam. 11 Tuy nhiên, trong Chúa, không nam thì chẳng có nữ, và không nữ thì chẳng có nam. 12 Thật thế, như người nữ tự người nam mà có, thì người nam cũng bởi người nữ mà sinh ra, và mọi sự đều tự Thiên Chúa mà có.” (1 Cr 11,3.8-9.11-12).
* Từ đoạn văn Ep 5,22-32

1°) Đối chiếu giữa Hôn Nhân con người với sự kết hiệp giữa Đức Ki-tô và Giáo Hội (cc 22-31).


2°) Mầu nhiệm này là cao cả (c 32).

Mầu Nhiệm Chúa Ki-tô kết hiệp với Hội Thánh là “mẫu”, “mô hình” và “lý tưởng” cho sự kết hiệp phu phụ. Sự kết hiệp phu phụ là “hình bóng”, “dấu chỉ” của Mầu Nhiệm Chúa Ki-tô kết hiệp với Hội Thánh.


4.3 Giáo huấn của Thánh Phao-lô về Thân Xác và về Hôn Nhân Gia Đình phải được sống như thế nào ?

[xem phần ỨNG DỤNG]
V. ỨNG DỤNG [SỐNG LINH ĐẠO]

5.1 Liên quan tới giáo huấn về Thân Xác

1°) Làm vinh danh Thiên Chúa bằng/nơi thân xác: “Anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.» (1 Cr 6,20).


2°) Tránh tội gian dâm làm hoen ố thân xác: «Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình.» (1 Cr 6,18).
3°) Tránh gương mù gương xấu: Phải đau buồn về tình trạng tội lỗi trong cộng đoàn và loại trừ người phạm tội loạn luân ra khỏi cộng đoàn, để tránh gây gương mù gương xấu cho người khác (1 Cr 5,2).
5.2 Liên quan tới giáo huấn về Hôn Nhân Gia Đình

1°) Kính trọng gia đình là quà tặng của Thiên Chúa.


2°) Làm nổi bật những tính chất của hôn nhân gia đình Ki-tô giáo: yêu thương, tha thứ, gắn bó, thủy chung, phò sự sống, thánh thiện.
3°) Làm cho gia đình chúng ta thành Hội thánh nhỏ, Hội thánh tại gia với sứ mạng truyền giáo.
VI. CHUẨN BỊ ĐỀ TÀI XII: GIÁO HUẤN CỦA THÁNH PHAO-LÔ VỀ ƠN TRỞ NÊN CÔNG CHÍNH

6.1 Câu hỏi gợi ý chia sẻ

Nhờ đề tài XI bạn đã có dịp học hỏi giáo huấn của Thánh Phao-lô về Thân Xác và về Hôn Nhân Gia Đình bạn có khám phá, cảm nghiệm  hay quyết tâm gì mới?

Xin ghi nhật ký để chuẩn bị chia sẻ vào lần học tới với các anh chị em khác.
6.2 Câu hỏi gợi ý tìm hiểu

1) Ngoài các giáo huấn về Hội Thánh, về Thánh Thần, về Thánh Thể, về Đức Ái, về Thân Xác và Hôn Nhân Gia Đình” Thánh Phao-lô còn có Giáo Huấn nào khác đáng chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi?

2) Giáo huấn của Thánh Phao-lô về Ơn được nên công chính phải được hiểu như thế nào?

3) Giáo huấn của Thánh Phao-lô về Ơn được nên công chính phải được các Ki-tô hữu sống như thế nào?


6.3 Sách Thánh cần đọc

Cv 13,38-39; Gl 2,15-21; 3,23-29; Rm 1,16-17; 3,21-31; 7,4; 2 Tx 2,13; 1 Cr 1,30
VII. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

7.1 Gợi ý của người hướng dẫn

Chúng ta vừa học hỏi, chia sẻ về giáo huấn của Thánh Phao-lô về Thân Xác và về Hôn Nhân Gia Đình. Kinh nghiệm bàn thân mỗi người cho thấy chúng ta đã nhiều lần bị tổn thương và còn rất dễ bị tổn thương trong lãnh vực này. Chúng ta biết Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người, đã chịu chết trên cây thập giá để mang lại sự phục sinh và đời sống mới cho con người. Chúng ta hãy cầu xin Người chữa lành chúng ta về những bệnh tật thể xác.


7.2 Cùng cầu nguyện
LỜI CẦU NGUYỆN CHỮA LÀNH BẢN THÂN

Lạy Chúa Giê-su, con cảm tạ Chúa vì Chúa là Đấng Chữa Lành cao cả. Có Lời Chúa phán rằng: "Tội lỗi của con, chính Cha đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, con sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà con đã được chữa lành".

Con ca ngợi Chúa vì Chúa muốn con được trọn vẹn.

Con cảm tạ Chúa vì Chúa quá thân thiện, quá yêu thương và quan tâm đến nhu cầu của con.

Chúa muốn chữa lành con về tâm linh, tâm lý, tình cảm, mối quan hệ và thể xác của con.

Con ca ngợi Chúa là Thiên Chúa quyền năng đã ban Thánh Thần cho con.

Con xin thành tâm thống hối ăn năn và nhận Chúa Giê-su là Đấng Cứu độ của con. Ngài là nguồn Nước Hằng sống cung cấp cho con nhờ sự chết và sự sống lại của Ngài.

Lạy Chúa Giê-su, hôm nay con mời Chúa bước vào cuộc đời con, vào căn nhà tâm linh của con, xin ánh sáng Phục sinh của Chúa chiếu soi vào những nơi tăm tối trong tâm hồn con, để nhờ Ánh sáng của Chúa con được thanh tẩy và chữa lành.

Lạy Chúa, xin chữa lành mối quan hệ của con với Chúa: do tội lỗi, do thiếu lòng tin đã làm cho mối quan hệ của con với Chúa không khắng khít, không tốt đẹp, và xa cách. Con muốn hàn gắn lại mối quan hệ của con với Chúa như ngày con mới chịu phép rửa được tinh tuyền, trong sạch, lòng hân hoan và tràn đầy ân sủng làm con cái Chúa.

Xin Chúa cắt đứt mối quan hệ của con với bóng tối như mê tín dị đoan, bói toán, tử vi, lên đồng...

Xin Chúa chữa lành quan hệ bị sứt mẻ hay đỗ vỡ của con với ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em, họ hàng, bạn bè, ông chủ, bạn làm ăn, chủ chiên, người trong cộng đoàn, trong hội đoàn, trong nhóm nhỏ. Con xin tha thứ cho người làm con buồn lòng, đau khổ và chúc lành cho người đó, nếu như con đã chúc dữ, nguyền rủa họ, xin nhờ Danh Chúa bẻ gẫy và vô hiệu hóa những lời chúc dữ, nguyền rủa đó.

Xin Chúa bẻ gẫy và làm vô hiệu hóa những lời nguyền rủa, chúc dữ trên con bất cứ đến từ ai.

Xin Chúa chữa lành mặt tâm lý của con như: luôn có ý nghĩ xấu về người khác, mặc cảm sợ hãi, lo lắng, mặc cảm bị ghét bỏ, bị thua kém, tư tưởng và ước muốn thiếu trong sạch. Xin Nước và Máu từ cạnh sườn Chúa tẩy rửa tâm trí con.

Xin Chúa chữa lành những tật xấu của con: tật nói xấu, ganh tỵ, chia rẽ, nóng nảy, giận hờn, khoe khoang, nói tục, cờ bạc, rượu chè, hút sách, tham ăn, gian lận, thèm muốn vợ chồng người... Xin Chúa cắt bỏ những tật xấu ấy khỏi con người con. 

Xin Chúa giúp con hoàn toàn tha thứ được cho người làm con đau khổ nhất. Xin cho con không còn nhớ tới chuyện đau khổ ấy, và lấy ra khỏi tiềm thức của con.

Con cảm tạ, ngợi khen Chúa Giêsu đã chữa lành cho con. Xin Chúa đổ tràn Thánh Thần trên con, trong con. Xin đổ Thần Khí khôn ngoan vào tâm trí con, Thần Khí yêu thương vào trái tim con, Thần Khí trong sạch vào đôi mắt con, Thần Khí hiểu biết vào đôi tai con, Thần Khí bình an và hoan lạc trong tâm hồn con. Con chúc tụng, ngợi khen và cám ơn Chúa. Amen.

Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần.

Như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen.



(Trích tập “GIỜ BÊN CHÚA” của Hội Thánh Linh Seattle, WA/USA)

 

7.3 Cùng hát: CHÚA KHÔNG LẦM

3. Chúa không lầm khi Ngài gọi con theo.

Dù đời dạt trôi như cánh bèo.

Vì Chúa đã biết từ ngàn xưa:

Một khi hởi thở chưa tàn,

là đời chưa qua khỏi sầu oán.
ĐK. NHƯNG LÒNG CHÚA VẪN BAO LA,

DÙ CHO BAO PHEN CON YẾU ĐUỐI,

THÀNH TÂM XIN ĂN NĂN THỐNG HỐI,

LÀ NGÀI LẠI THỨ THA.


4. Chúa không lầm khi Ngài dìu con lên.

Dù rằng đời con bao thấp hèn.

Vì Chúa đã biết từ ngàn xưa:

Nhiều khi con chẳng trung thành,

là vì con đâu phải thần thánh.


ĐỀ TÀI XII

GIÁO HUẤN CỦA THÁNH PHAO-LÔ

VỀ ƠN ĐƯỢC NÊN CÔNG CHÍNH



I. CẦU NGUYỆN MỞ ĐẦU

1.1 Gợi ý của người hướng dẫn

Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu đề tài được xem là khó nhất trong các giáo huấn quan trọng của Thánh Phao-lô: đó là giáo huấn về Ơn được nên công chính. Ơn được nên công chính là ơn mà Thiên Chúa, vì lòng thương, đã ban cách “nhưng không” cho những ai tin vào Con của Người là Chúa Giê-su Ki-tô.

Hiểu được giáo huấn này, chúng ta có sẽ có thái độ biết ơn đối với Thiên Chúa, khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa và anh chị em trong cộng đoàn.

Hiểu được giáo huấn này, chúng ta sẽ sống đạo một cách vô vị lợi và truởng thành hơn.

Chúng ta hãy cùng nhau dâng lời chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ lên Thiên Chúa là Tình Yêu vô cùng giầu có và hào phóng!

1.2 Cùng hát

CHÚA LÀ TÌNH YÊU

ĐK: Chúa là Tình Yêu, Ngài đã đến cứu thế giới khỏi chốn lưu đầy. Chúa là Tình Yêu, Ngài đã thương ban Con Một cho trần thế. Để đem muôn ơn lành, để loan tin vui mừng, khắp thế giới cho mọi người, Ngài đã chết trong đau thương để ta sống bình an.

PK 1: Còn tình yêu nào cao vời vợi bằng tình Chúa đã thương ta. Dù rằng đất trời mãi đổi thay, nhưng tình Chúa vẫn yêu ta đến muôn muôn đời.

PK 2: Ngài hằng mong chờ luôn mời gọi người người sống yêu thương nhau. Để tình yêu Ngài mãi tràn lan trong tình chúng ta yêu nhau sống vui an bình.


II. CHIA SẺ KHÁM PHÁ / CẢM NGHIỆM / QUYẾT TÂM / THAY ĐỔI LIÊN QUAN TỚI ĐỀ TÀI XI LÀ GIÁO HUẤN CỦA THÁNH PHAO-LÔ VỀ THÂN XÁC VÀ VỀ HÔN NHÂN GIA ĐÌNH

Bạn muốn chia sẻ khám phá, cảm nghiệm, quyết tâm hay thay đổi gì mới hoặc muốn nêu ý kiến hay thắc mắc gì liên quan tới đề tài XI là giáo huấn của Thánh Phao-lô về Thân Xác và Hôn Nhân Gia Đình mà bạn đã học lần trước, xin mời bạn chia sẻ hay phát biểu.


III. ĐẶT VẤN ĐỀ

3.1 Ngoài các giáo huấn về Hội Thánh, về Thánh Thần, về Thánh Thể, về Đức Ái, về Thân Xác và Hôn Nhân Gia Đình..., Thánh Phao-lô còn có giáo huấn quan trọng nào khác đáng chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi?


3.2 Giáo huấn của Thánh Phao-lô về Ơn được nên công chính phải được hiểu như thế nào?
3.3 Giáo huấn của Thánh Phao-lô về Ơn được nên công chính phải được các Ki-tô hữu sống như thế nào?
IV. HỌC HỎI

[Sách Thánh cần đọc: Cv 13,38-39; Gl 2,15-21; 3,23-29; Rm 1,16-17; 3,21-31; 7,4; 2 Tx 2,13; 1 Cr 1,30]
4.1 Giáo huấn của Thánh Phao-lô về Ơn được nên công chính 

Ngoài các giáo huấn về Hội Thánh, về Thánh Thần, về Thánh Thể, về Đức Ái, về Thân Xác và Hôn Nhân Gia Đình..., Thánh Phao-lô còn có giáo huấn về Ơn được nên công chính là một giáo huấn rất quan trọng và được xem là khó hiểu nhất trong các giáo huấn quan trọng của Thánh Phao-lô. Nhưng hiểu được giáo huấn này chúng ta sẽ biết sách sống đạo một cách khiêm tốn và trưởng thành hơn, nhờ thoát khỏi não trạng giữ đạo (hay đi đạo) để lập công với Thiên Chúa hay để được vào Nước Thiên Đàng và tránh được tội kiêu ngạo về những công trạng mà mình đã thực hiện được.


4.2 Giáo huấn của Thánh Phao-lô về Ơn được nên công chính phải được hiểu như thế nào?

Giáo huấn của Thánh Phao-lô về Ơn được nên công chính gồm những yếu tố sau đây:



(1o) Thiên Chúa ban ơn được nên công chính cho những ai tin vào Đức Giê-su là Đấng đã chết trên thập giá để xóa tội trần gian

«38 Thưa anh em, xin biết cho điều này: chính nhờ Đấng ấy mà ơn tha tội được loan báo cho anh em ; 39 và trong khi anh em không thể được giải thoát khỏi tội lỗi mà trở nên công chính nhờ tuân giữ Luật Mô-sê, thì nhờ Người, mọi kẻ tin đều được nên công chính» (Cv 13,38-39).

- «15Chúng ta bẩm sinh là người Do-thái chứ không phải hạng người tội lỗi xuất thân từ dân ngoại. 16Tuy nhiên, vì biết rằng con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô, nên chúng ta cũng tin vào Đức Ki-tô Giê-su, để được nên công chính, nhờ tin vào Đức Ki-tô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy. Quả thế, không phàm nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì Luật dạy. 17 Nhưng nếu khi tìm cách nên công chính trong Đức Ki-tô mà chúng ta vẫn bị liệt vào hàng tội lỗi, thì chẳng hóa ra Đức Ki-tô là người phục vụ tội lỗi sao? Không phải thế! 18 Thật vậy, nếu tôi xây lại những gì tôi đã phá, thì tôi tỏ ra mình là kẻ phạm pháp. 19Quả thế, tại vì Lề Luật mà tôi đã chết đối với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa. Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá. 20Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. 21Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu, vì nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Ki-tô đã chết vô ích.» (Gl 2,15-21).


(2o) Thiên Chúa ban ơn được nên công chính một cách nhưng không «21Nhưng ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Mô-sê. Điều này, sách Luật và các ngôn sứ làm chứng. 22Quả thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai. 23Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, 24nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Ki-tô Giê-su. 25Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính. Trước kia, trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm. 26Nhưng bây giờ, Người muốn cho thấy rằng Người vừa là Đấng Công Chính, vừa làm cho kẻ tin vào Đức Giê-su được nên công chính. 27Vậy thì hãnh diện ở chỗ nào? Chẳng còn gì để hãnh diện! Dựa vào luật nào mà hãnh diện? Vào việc làm chăng? Không, nhưg dựa vào lòng tin. 28Thật vậy, chúng tôi nghĩ rằng: người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy. 29Hay là Thiên Chúa chỉ là Thiên Chúa của người Do-thái thôi? Thiên Chúa không là Thiên Chúa của các dân ngoại nữa sao? Có chứ! Người cũng là Thiên Chúa của các dân ngoại nữa, 30vì chỉ có một Thiên Chúa, Đấng làm cho người được cắt bì nên công chính vì họ tin, và làm cho người không được cắt bì nên công chính cũng bởi họ tin. 31Vậy có phải là chúng ta dựa vào đức tin mà hủy bỏ Lề Luật chăng? Không phải thế! Trái lại, chúng ta củng cố Lề Luật.» (Rm 3,21-31).

(3o) Tin Mừng là sức mạnh cứu độ và là mạc khải sự công chính của Thiên Chúa «16Vâng, tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng. Quả thế, Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp. 17Vì trong Tin Mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép: Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống.» (Rm 1,16-17).

(4o) Được giải thoát khỏi Lề Luật cũ, người tín hữu được ơn được nên công chính và được làm con cái Thiên Chúa «23Trước khi đức tin đến, chúng ta bị Lề Luật giam giữ, cho tới khi đức tin được mạc khải. 24Như thế Lề Luật đã thành người quản giáo dẫn chúng ta tới Đức Ki-tô, để chúng ta được nên công chính nhờ đức tin. 25Nhưng khi đức tin đến, thì chúng ta không còn ở dưới quyền giám hộ nữa. 26Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô» (Gl 3,23-26).
(5o) Người tín hữu được nên công chính cũng có nghĩa là người ấy được thánh hóa và cứu dộ

Ơn được nên công chính nhắm mục đích làm cho tín hữu thông phần vào một phẩm tính khác của Thiên Chúa: đó là sự thánh thiện: “Thiên Chúa đã chọn anh em ngay từ lúc khởi đầu, để cứu độ anh em nhờ Thần Khí Thánh Hóa và nhờ lòng tin vào chân lý” (2 Tx 2,13). Sự thánh thiện nằm ở chỗ tín hữu, nhờ tác động của Thần Khí, thanh luyện mình dần dần khỏi tội lỗi và kết hiệp mỗi ngày một hơn với Thiên Chúa chí thánh. Sự công chính đi liền với sự thánh thiện và phúc cứu độ: “Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan xuất phát từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hóa và cứu chuộc anh em…” (1 Cr 1,30).


4.3 Giáo huấn của Thánh Phao-lô về Ơn được nên Công Chính phải được sống như thế nào?

(Xem phần ỨNG DỤNG).
V. ỨNG DỤNG [SỐNG LINH ĐẠO]

Sống giáo huấn của Thánh Phao-lô về Ơn được nên công chính không thể không thực hiện 4 điều quan trọng dưới đây:



5.1 Thứ nhất là tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa là Cha và là Vị Đại Ân Nhân của chúng ta

Thánh Phao-lô đã nói: “Có gì chúng ta có mà chúng ta không lãnh nhận.” Vậy thì tâm tình biết ơn phải là tâm tình của những người đã nhận tất cả từ Thiên Chúa: sự hiện hữu, ơn gọi Ki-tô hữu với những Ơn được nên công chính, được thánh hóa và được cứu chuộc. Từ nay chúng ta sẽ làm mọi việc lành phúc đức để làm đẹp lòng Thiên Chúa và tỏ lòng biết ơn, thay vì chúng ta làm mọi việc để được Thiên Chúa ban ơn như trước đây!


5.2 Thứ hai là thể hiện lòng tin sâu sắc, cá vị, dấn thân vào Chúa Giê-su Ki-tô

tức thể hiện mối tương quan liên-ngôi-vị với Chúa Ki-tô, phó thác thân mình và cuộc đời của mình cho Người. Đức tin là thái độ nội tâm, nhưng được biểu lộ ra bên ngoài bằng lời tuyên xưng trên môi miệng trong bí tích Thánh Tẩy. Hậu quả của đức tin, tức cũng là của bí tích Thánh Tẩy, là tạo nên những tương quan mới giữa người tín hữu với Chúa Ki-tô, với Chúa Thánh Thần và với Chúa Cha.


5.3 Thứ ba là tìm mọi cách xa lánh tội lỗi

Do lòng thương mà Thiên Chúa xóa hết mọi tội lỗi cho chúng ta, nên không có lý do gì mà chúng ta quay trở lại với tội lỗi để sống dưới ách nô lệ của nó như trước kia.


5.4 Thứ bốn là cố gắng trở nên một với Chúa Ki-tô Giê-su

Thánh Phao-lô nói: «Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô…đều mặc lấy Đức Ki-tô… Mà nếu anh em thuộc về Đức Ki-tô thì anh em là dòng dõi ông Áp-ra-ham, những người thừa kế theo lời hứa.» (Gl 3,27-29; Rm 7,4). Người ta có thể nói tới một sự đồng hóa với Đức Ki-tô, vì người tín hữu được Chúa Cha hoạch định là nên “đồng hình đồng dạng với Con của Người” (Rm 8,29).


VI. CHUẨN BỊ ĐỀ TÀI XIII : LINH ĐẠO KI-TÔ HŨU THEO GIÁO HUẤN CỦA THÁNH PHAO-LÔ

6.1 Câu hỏi gợi ý chia sẻ

Nhờ đề tài XII bạn đã có dịp học hỏi giáo huấn của Thánh Phao-lô về Ơn được nên công chính bạn có khám phá, cảm nghiệm, quyết tâm hay thay đổi gì mới?

Xin ghi nhật ký để chuẩn bị chia sẻ vào lần học tới với các anh chị em khác.
6.2 Câu hỏi gợi ý tìm hiểu

1°) Từ các giáo huấn về Ki-tô giáo của Thánh Phao-lô các nhà nghiên cứu Thánh Kinh và Thần Học Tu Đức có thể xây dựng một nền linh đạo (cách sống hay con đường nên thánh) cho các Ki-tô hữu không ?

2°) Linh đạo hay cách sống hay con đường nên thánh của Ki-tô hữu theo Thánh Phao-lô phải được hiểu như thế nào?

3°) Linh đạo hay cách sống hay con đường nên thánh của Ki-tô hữu theo Thánh Phao-lô phải được sống như thế nào ?



tải về 1.33 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   20




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương