Thánh Kinh và Huấn Luyện Lãnh Đạo Muối Đất Mở Rộng LÃnh đẠo theo phong cách thầy giê-su trong tin mừng mác-cô Giêrônimô Nguyễn Văn Nội



tải về 1.46 Mb.
trang20/21
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích1.46 Mb.
#33087
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   21

CUỘC KHỔ NẠN
Vài ngày sau khi vào thành Giê-ru-sa-lem, một lần nữa và là lần cuối cùng, Chúa Giê-su đã cùng các môn đệ của Ngài cử hành Bữa Tiệc Ban Chiều như thông lệ. Trong bữa tối cuối cùng, Ngài đã bày tỏ toàn vẹn Con Người và sứ mệnh của Ngài trong một nghi thức vô cùng đơn sơ nhưng lại sâu sắc. Ngài cầm lấy bánh trong tay, be ra và trao cho các môn đệ và nói: «Hãy cầm lấy mà ăn. Này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con.». Sau bữa ăn tối, Ngài cầm lấy chén rượu. Cũng thế, Ngài trao cho các môn đệ và nói: «Tất cả các con hãy cầm lấy mà uống. Này là Máu Ta, Máu Tân Ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con. Hãy làm lại việc này mà nhớ đến Ta.» (Mc 14,22-24; Lc 22,17; 1 Cr 11,24-25). Giao ước mà các tiên tri đã loan báo giờ này đã được thực hiện. Chúa Giê-su chính là hiện thân và là tác gỉa của giao ước mới. Hy tế của Ngài mang lại hòa bình và hiệp nhất giữa Thiên Chúa và con người.

Sau bữa ăn tối ấy, Chúa Giê-su và các môn đệ đến vườn Giệt-si-ma-ni. Tại đây, trong đêm tối dày đặc, Chúa Giê-su cảm thấy lo sợ trước cái chết. Ngài quì gối van xin với Chúa Cha: «Áp-ba, Lạy Cha, mọi sự đều có thể đối với Cha. Xin hãy cất chén này khỏi con. Nhưng không phải là ý con, mà là Ý Cha» (Mc 14, 36). Chúa Giê-su cảm nghiệm được tất cả những gì một con người có thể trải qua, ngay cả nỗi hãi sợ trước cái chết, Tuy nhiên, ngay trong những giây phút đớn đau tốt cùng ấy, câu nói trên môi miệng Ngài vẫn là «Lạy Cha, xin cho Ý Cha được nên trọn! » Khi Ngài vừa cầu nguyện xong thì Giu-đa xuất hiện với một số binh lính và hầu cận. Họ trói Ngài lại và dẫn Ngài đến trước Công nghị của các tư tế. Tại đây, án xử của Ngài chỉ còn là một trò hề của tư pháp. Các quan tòa đã thỏa thuận với nhau về án tử hình của Ngài trước khi xét xử Ngài (Ga 11, 50). Tuy nhiên, giữa cái phiên xử khôi hài ấy, vẫn còn có một phút đáng nhớ. Cai-pha, vị thượng tề đang chủ tọa phiên xử, hỏi Chúa Giê-su một cách trang trọng như sau: «Ngươi có phải là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống không?» Mặc dù vẫn còn đớn đau vì những thương tích trên thân thể Ngài, Chúa Giê-su vẫn đứng vững giữa những vị thẩm phán, 71 thành viên của Công nghị và Ngài dõng dạc trả lời: «Đúng thế! Và các ngươi sẽ thấy Con Người ngồi bên hữu Đấng Toàn Năng và sẽ đến trên mây trời.» (Mc 14, 61-62). Cho đến lúc đó, Chúa Giê-su chưa bao giờ nói thẳng thừng như thế trước đám đông. Tuy nhiên, giờ đây Giờ của Ngài đã đến, Ngài không hề muốn chết vì những lời cáo gian. Ngài công khai tuyên bố Ngài là ai và tại sao Ngài đến trong thế giới này. Đó chính là lý do Ngài bị kết án. Vị thượng tế liền tuyên bố: “hắn đã nói lộng ngôn”. Tên tù với khuôn mặt đầy máu me, đã dám ngang nhiên khẳng định không những Hắn là Vị Cứu Tinh của Dân Tộc mà còn tự cho là ngang hàng với Thiên Chúa Tối Cao. Tự cho mình ngồi trên Ngai Trời bên hữu Đấng Toàn Năng, quả là một lời lộng ngôn không thể tha thứ được. Tất cả Công nghị đều đồng thanh phán quyết : «Hắn đáng chết!»

Tuy nhiên, tại Giê-ru-sa-lem, kết án tử hình một người là quyền dành riêng cho chính quyền La-mã. Do đó, Công nghị của người Do-thái cho điệu Chúa Giê-su đến dinh của Phi-la-tô, quan tổng trấn La-mã. Chính ông này mới là người có quyền đọc bản án tử hình. Lý do để họ biện minh cho sự kiện Ngài bị giải đến cho quan tổng trấn Phi-la-tô là: Ngài là một tên dấy loạn. Đây là một cáo buộc hoàn toàn không có nền tảng (Lc 23,2). Thoạt tiên, Phi-la-tô không muốn kết án Chúa Giê-su. Ông đoán rằng Ngài chỉ là một người vô tội. Nhưng khi nhận thấy rằng sự nghiệp chính trị của ông có thể bị lung lay nếu ông không làm theo ý muốn của các nhà lãnh đạo Do-thái, do đó, Phi-la-tô đành chiều theo họ. Sau một cố gắng hòa hoãn, cuối cùng ông đã đọc bản án qua đó Ngài phải bị treo trên thập gía. Binh sĩ đến lôi Chúa Giê-su đi. Họ đánh đập Ngài và dẫn Ngài lên đồi Gôn-gô-ta ở ngoài thành Giê-ru-sa-lem và đóng đinh Ngài vào một cậy thập gía.

Trong ba giờ liền, Chúa Giê-su phải quằn quại trên thập gía. Dường như tất cả mọi bỉ ổi nhất của con người đều trút xuống trên Ngài. Thiên Chúa giữ thinh lặng. Ngài không hề can thiệp. Ngài ẩn dấu mặt Ngài. Cơn cám dỗ trong những giây phút ấy khủng khiếp biết chừng nào! Ma quỉ, theo như Thánh Kinh ghi lại, đã cám dỗ Chúa Giê-su ngay từ lúc Ngài khởi sự sứ vụ công khai của Ngài. Ma quỉ đã dụ dỗ Ngài hãy xử dụng quyền năng làm phép lạ của Ngài vì lợi ích của riêng Ngài. Nó khuyến dụ Ngài bày tỏ cho đám đông thấy những đặc ân của Ngài để đạt cho kỳ được quyền bính của thế trần. Nhưng Chúa Giê-su đã thẳng thừng bác bỏ những cơn cám dỗ ấy, ngay cả sau này khi nhiều người cũng lặp lại. Ngài đã sống như một người nghèo, nghĩa là một cách đơn sơ và khiêm tốn. Ngài đã phản ảnh ý muốn của Thiên Chúa và thể hiện Tình yêu hoàn toàn vô vị lợi đối với con người. Nhưng giờ đây, Ngài phải chịu một cơn cám dỗ hoàn toàn khác hẳn. Ngài đã tuyên bố: «Hãy yêu thương thù địch của ngươi.» và giờ đây kẻ thù đang giết Ngài một cách đớn đau và bỉ ổi. Làm sao người ta có thể yêu thương kẻ thù như thế? Ngài luôn luôn nhấn mạnh đến lòng tín thác vào Thiên Chúa và Ngài đã hoàn toàn phó thác vào Thánh Ý Thiên Chúa. Nhưng giờ đây chính Thiên Chúa ấy lại để cho kẻ thù giết hại Ngài mà không muốn lấy một ngón tay để cứu thoát Ngài. Làm sao có thể tin tưởng ở một Thiên Chúa như thế? Đó là cơn cám dỗ mà Chúa Giê-su phải trải qua trong những giờ phút cuối cùng. Ngài đã đáp trả: «Lạy Cha, xin hãy tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm.» (Lc 23,24). Đó là những lời đầu tiên của Ngài khi vừa bị treo lên thập giá. Đó là phản ứng của Ngài đối với cơn cám dỗ thứ nhất. Ngay cả lúc đó, Ngài vẫn tiếp tục yêu thương. Ngài đã yêu thương những kẻ kết án Ngài. Ngài đã yêu thương những kẻ hành hạ Ngài. Ngài đã yêu thương tất cả và yêu thương cho đến cùng. Ngài đã yêu thương và tha thứ. «Không có tình yêu nào lớn hơn mối tình của người thí mạng sống vì bạn hữu của mình», chính Ngài đã nói như thế trước đó. Và giờ đây, Ngài trao ban mạng sống Ngài cho tất cả mọi người. Bởi vì đối với Ngài, mỗi người đều là một người bạn, ngay cả những kẻ phản bội Ngài, những kẻ thù ghét và loại trừ Ngài. Những lời cuối cùng của Ngài trên thập gía chính là câu đáp trả của Ngài đối với cơn cám dỗ thứ hai. Hướng lên Chúa Cha, Đấng mà Ngài cảm thấy như đang bỏ rơi Ngài, Chúa Giê-su thưa: «Lạy Cha, trong tay Cha, con xin phó thác hồn con.» (Lc 23,46). Với tin tưởng và phó thác, với sự vâng phục của một người con ngoan, Ngài đã cúi đầu và trút hơi thở cuối cùng.

Cả cuộc sống của Chúa Giê-su là một bài tình ca đối với Thiên Chúa và đối với con người. Cái chết của Ngài là tuyệt đỉnh của Tình Yêu ấy. Cái chết ấy mạc khải một cách hoàn hảo Tình Yêu của Thiên Chúa. Thế là «Con của Thiên Chúa hằng sống» giờ đây được tỏ hiện một cách trọn vẹn. Ngài đã quên mình, phó thác cho Chúa Cha. Ngài đón nhận mọi sự như từ bàn tay của Chúa Cha. Ngài trả lại mọi sự cho Chúa Cha với tất cả yêu thương và hiệp nhất với Trái Tim Yêu Thương của Chúa Cha. Ngay cả viên sĩ quan người La Mã đứng dưới chân thập gía cũng cảm nhận được điều đó. Chứng kiến cái chết của Chúa Giê-su, ông thốt lên: «Quả thật, người này là Con Thiên Chúa.» (Mc 15,39).

Đối với các môn đệ, cái chết nhục nhã của Chúa Giê-su trên thập gía chỉ là tận cùng của một kiếp người không hơn không kém. Ngài đã không thể tự cứu lấy mình. Thiên Chúa cũng chẳng cứu Ngài khỏi chết. Tất cả phải chăng không là một ảo tưởng? Đó là ý tưởng đang xâm chiếm tâm hồn khiếp đảm của các môn đệ. Trong cơn sợ hãi, họ đã bỏ chạy và lẩn trốn. Đối với họ, sứ mệnh của Chúa Giê-su xem như đã kết thúc bằng một thất bại ê chề.


VÀ PHỤC SINH CỦA CHÚA GIÊ-SU
Nhưng một bất ngờ đã xẩy ra. Đây là điều mà Tân Ước đã không ngừng làm chứng. Biến có6 này đã làm phát sinh một phong trào lan rộng khắp thế giới mà chúng ta gọi là Ki-tô giáo. Ngày thứ ba sau khi Chúa Giê-su chết, những người môn đệ khiếp đảm đang tụ họp nhau trong một căn nhà cửa ngõ đóng kín. Thình lình, họ nhận thức rằng Chúa Giê-su đang đứng giữa họ. Ngài nói với họ: “Bình an cho các con. Tại sao các con bối rối như thế?….Chính Thày đây!” (Lc 24,36-39; Ga 20,19-23). Thoạt tiên các môn đệ không biết phải làm gì? Họ ngỡ ngàng đến sợ hãi. Tuy nhiên, không mấy chốc, tâm hồn họ bỗng tràn ngập niềm xác tín rằng Chúa Giê-su đã sống lại, Ngài đang thực sự sống giữa các ông. Dấu hiệu đầu tiên của sự sống lại của Chúa Giê-su đó là ngôi một trống mà một số phụ nữ từng theo Ngài khi còn sống, đã phát hiện trong ngày thứ ba lúc đến thăm mộ. Nhưng những điều các phụ nữ này nói đã không thuyết phục được các tông đồ mà còn làm cho các ông thêm bấn loạn là khác (Lc 24,22-23). Tuy nhiên, “khi Ngài xuất hiện một cách sống động sau cuộc khổ nạn bằng nhiều bằng chứng, cũng như hiện ra với họ trong vòng 40 ngày và nói về Nước Thiên Chúa cho họ (Cv 1,3), thì tâm hồn họ được tràn ngập bởi một niềm tin không lay chuyển rằng «Đức Ki-tô đã thực sự sống lại từ cõi chết, Ngài là hoa quả đầu mùa của những kẻ đã yên giấc» (1 Cr 15,20). Từ đó, nẩy nở trong lòng họ một niềm hy vọng kiên vững rằng “trong Đức Ki-tô mọi người đều được sống” (1 Cr 15,22). Không những chỉ có Đức Ki-tô, nhưng tất cả những ai tin tưởng và hy vọng nơi Ngài, tất cả những ai yêu mến Ngài, cũng đều có thể làm cho chúng ta sống lại.

Lá thư đầu tiên của Thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu ở Cô-rin-tô đã đưộc viết khoảng 25 năm sau những biến cố Phục Sinh. Trong lá thư, Thánh Phao-lô trình bày chính chứng từ của những người đã mắt thấy tai nghe là Phê-rô, Gia-cô-bê và các tông đồ khác và 500 môn đệ, cũng như kinh nghiệm bản thân của Ngài trên đường đi đến Đa-mát (1 Cr 15). Ngài đã tiếp xúc rộng rãi với các nhân chứng (Gl 1,18). Đọc lại bài tường thuật của Thánh Phao-lô, ai cũng đều có thể cảm nhận được niềm vui đã làm rung động tâm hồn các môn đệ khi họ nhận biết rằng Chúa Giê-su, người đã bị xem là kẻ chiến bại trong một thời gian ngắn ngủi, nay đã trở thành kẻ chiến thắng. Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại từ cõi chết. Chúa Giê-su quả thực là Đấng Ki-tô, Đấng Cứu Tinh, Vị Thiên Sai hằng được mong đợi. Ngài là Chúa uy quyền hơn các chúa, mạnh hơn cả sự chết. Ngài sồng với Chúa Cha, nhưng đồng thời cũng sống với chúng ta cho đến tận thế, tuy một cách vô hình (Mt 28,20). Sự Phục sinh của Chúa Giê-su là trọng tâm của niềm tin Ki-tô. Sự Phục sinh này có một ý nghĩa hoàn toàn khác biệt với ý nghĩa sự sống lại của La-da-rô, kẻ dã được Ngài cho ra khỏi mồ sau 4 ngày được tống táng (Ga 11,11-45). La-da-rô đã có thể kéo dài cuộc sống của ông vài năm nữa. Nhưng Đức Ki-tô Phục sinh sẽ không bao giờ chết nữa. Sự chết không còn quyền hành trên Ngài (Rm 6,9). Sự Phục sinh của Chúa Giê-su chính là sự chiến thắng chung cục của Thiên Chúa trên sự chết. Thiên Chúa không là bạn của sự chết mà là của sự sống. Ngài đã không tạo dựng một thế giới để rồi tất cả những gì là thiện mỹ phải trở thành tro bụi. Không có gì cao quí và tốt đẹp hơn Tình Yêu. Do đó, Tình Yêu và tất cả những gì được tạo dựng vì yêu thương, cũng sẽ tồn tại mãi mãi. Trong sự chết của Chúa Giê-su, Tình Yêu đã đạt đến tuyệt đỉnh. Nếu có một Thiên Chúa và nếu Thiên Chúa đó là Tình Yêu, nếu Thiên Chúa đó đã sai Chúa Giê-su và đã đáng cho Chúa Giê-su tin tưởng phó thác, thì cái chết của Chúa Giê-su không thể nào là một thất bại và là một tận cùng. Cái chết đó không gì khác hơn là khởi đầu của sự sống vĩnh cửu. “Ta phải bỏ thế gian này mà về cùng Cha Ta” (Ga 16,28). Với những lời này, Chúa Giê-su có ý ám chỉ đến cái chết và sự Phục sinh của Ngài. Ngài trở về với Chúa Cha, nguồn mạch của mọi sự sống.

Theo Thánh Kinh, Chúa Giê-su đã sống lại trong thân xác của Ngài. Tuy nhiên Thánh Kinh cũng nói rằng những đặc tính của Thân Xác Phục sinh của Ngài khác hẳn với thân xác hay chết của Ngài (1 Cr 15,35-49).

Những định luật của không gian và thời gian không còn chi phối trên Thân Xác Phục sinh của Ngài nữa. Chúa Giê-su đã có thể đi xuyên qua những cánh cửa đóng kín và biến mất liền sau đó. Giới hạn trong những phạm trù của không gian và thời gian, óc tưởng tượng của chúng ta không thể nào vẽ ra được một Thân Xác Phục sinh như thế nào. Do đó, niềm tin vào sự Phục sinh trong thể xác của Chúa Giê-su là điều rất quan trọng, bởi vì niềm tin này nói lên rằng Đức Ki-tô đã chết trên thập gía và Đức Ki-tô đã sống lại, là một. Chúa Giê-su Na-da-rét, Đấng đã đi qua trên cõi đời này như hiện thân của Tình Yêu Tinh Ròng của Thiên Chúa đối với loài người và đã chết, nay đang sống mãi như Đức Ki-tô Phục sinh. Tình Yêu của Ngài vẫn dõi theo chúng ta. Đó cũng chính là Tình Yêu đã gia tăng xuyên qua cuộc sống tại thế của Ngài và đã đạt đến tuyệt đỉnh trong cái chết của Ngài. Thân xác là dụng cụ thông đạt giữa con người với nhau. Do đó, sự Phục sinh trong thân xác của Chúa Giê-su có nghĩa là- dù một cách vô hình- Ngài vẫn luôn thông hiệp với chúng ta. Chúa Giê-su Phục sinh là người bạn đồng hành trong cuộc lữ hành của chúng ta. Trong sự Phục sinh của Ngài, lịch sử của nhân loại đã được hoàn tất. Trong ánh sáng của Đức Ki-tô Phục sinh, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của toàn thể lịch sử nhân loại cũng như ý nghĩa của công cuộc tạo dựng. Trong Chúa Giê-su Phục sinh, nhờ Thần Khí của Ngài, tất cả mọi người, một cách tự do và tự đáy lòng, đều tin vào Tình Yêu của Thiên Chúa và sống trong Tình Yêu của Ngài, đến độ “Thiên Chúa sẽ cư ngụ trong tất cả mọi người” và “Ngài trở nên mọi sự cho mọi người” và Tình Yêu có thể là tất cả cho mọi người (1 Cr 15,28).



CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Các môn đệ đã bắt đầu cảm nghiệm được sức mạnh của Chúa Thánh Thần ngay từ ngày đầu tiên sau khi Chúa Giê-su sống lại. Chúa Thánh Thần đã không nhập thể. Do đó, khó có thể có được một quan niệm đúng đắn về Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần thường tự bày tỏ qua những biểu trưng sâu sắc. Ngài được nhắc đến như thần khí hoặc hơi thở của Thiên Chúa. Các tiên tri trong Cựu Ước loan báo rằng Thánh Thần sẽ hiện diện một cách sung mãn trong Đấng Cứu Thế (Is 11,2) và tất cả mọi thành phần của dân Chúa cũng sẽ được tràn đầy Thánh Thần (Gr 3,1-5).

Trong buổi chiều ngày Phục sinh, Chúa Giê-su đã hiện ra với các tông đồ và khi thở hơi trên các ông, Ngài đã nói: “Các con hãy lãnh nhận Chúa Thánh Thần” (Ga 20,22). Năm mươi ngày sau, nhân ngày Lễ Ngũ Tuần, các môn đệ đã cảm nghiệm được sức mạnh của Chúa Thánh Thần tràn ngập tâm hồn họ. Do Thánh Thần thúc đẩy, lần đầu tiên kể từ sau khi Chúa Giê-su chết, họ đã xuất hiện trước đám đông và công bố: “Thiên Chúa đã cho Đức Giê-su sống lại và tất cả chúng tôi làm chứng cho điều đó” (Cv 2,32). Do đó “xin mọi người hãy biết rằng Thiên Chúa đã tôn phong Ngài làm Chúa và Đấng Ki-tô, chính Ngài là Giê-su mà các người đã đóng đinh” (Cv 2,36).

Với những lời này, các môn đệ đã sẵn sàng để hoán cải cả thế giới. Họ đã chịu tử đạo vì lời rao giảng của họ. Tuy nhiên, sau cùng, lòng tin của họ đã cải hóa cả đế quốc La Mã. Các sứ giả của Đức Ki-tô ngày nay cũng mang cùng một ‘Tin Mừng’ đến cho mọi dân tộc trên trái đất: Tin Mừng đó là: “Đức Ki-tô đã sống lại”. Cái chết của Ngài không phải là một lời gĩa biệt mà là một gặp gỡ. Cái chết ấy không là một thối rữa, mà là một trổ sinh mới. Cái chết ấy không là một cái chết vĩnh viễn, mà là một cuộc sống vinh hiển.
CHÚA GIÊ-SU CON MỘT CỦA CHÚA CHA
Chỉ trong ánh sáng của Phục sinh mà cuối cùng các tông đồ đã hiểu được Chúa Giê-su là Ai. Trong cuộc sống tại thế của Ngài, khi lắng nghe lời của Ngài và chứng kiến những việc Ngài làm, các ông đã linh cảm rằng Ngài là một con người trổi vượt hơn tất cả mọi tiên tri đến trước Ngài và mối liên kết giữa Ngài và Chúa Cha là một tương quan chỉ có giữa Cha và Con mà thôi. Nếu không thì làm sao sự xuất hiện của Ngài có thể được xem như là dấu chỉ của thời viên mãn, là khởi đầu của Nước Thiên Chúa? Nếu không thì làm sao Ngài dám tha tội cho tội nhân? Nhưng chỉ sau khi Ngài sống lại thì bí ẩn của con người Chúa Giê-su mới được tỏ lộ một cách rõ ràng cho các tông đồ. Chúa Giê-su, Đấng Phục Sinh ngồi bên hữu Thiên Chúa Cha, Đấng liên kết toàn thế giới với Thiên Chúa như là Vị Trung Gian duy nhất, Chúa Giê-su, Đấng sai Thánh Thần đến với chúng ta như là hơi thở của chính Ngài, một Chúa Giê-su như thế không thể chỉ là một tạo vật. Dĩ nhiên, Ngài là một con người. Ngài đã được sinh ra từ một người mẹ trần thế. Ngài cũng lớn lên như mọi người. Ngài cũng có lúc vui khi buồn. Ngài đã lao động và cũng đã biết thế nào là mỏi mệt. Cũng có lúc, đôi mắt Ngài phóng ra những tia giận dữ. Cũng chính đôi mắt ấy đã nhìn về một người thanh niên với tất cả trìu mến. Có lúc Ngài vui vỡ lở, có lúc Ngài run rẩy lo sợ. Ngài đã chết như một con người. Ngài đã sống lại như một con người và đề sống mãi như một con người. Nhưng cũng chính Chúa Giê-su ấy lại là một cái gì hơn cả một con người. Ngài là Thần Linh. Ngài là chiếc cầu nối liền giữa Thiên Chúa và con người, Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Ngài là Đấng Trung Gian duy nhất (1 Tm 2,5). Ngài không đồng nhất với Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha gọi Ngài là ‘Con Yêu Dấu’ (Mc 1,11) và Ngài gọi Thiên Chúa là Cha. Nhưng bản chất đích thực của Ngài là Thiên Linh cho nên Ngài cũng là Thiên Chúa đích thực.

Ngài là Thiên Chúa không chỉ vào lúc cuối đời, mà ngay từ lúc đầu. Thánh Phao-lô, Thánh Gio-an và nhiều người khác, khi tuyên xưng niềm tin này, đã xử dụng những kiểu nói của Cựu Ước. Họ gọi Ngài là Ngôi Lời, là Đấng Khôn Ngoan, là Đấng Uy Dũng: Ngôi Lời vẫn hiện hữu từ đời đời với Thiên Chúa Cha. Ngôi Lời là Con Một của Chúa Cha, là Sự Khôn Ngoan của Chúa Cha từ đời đời (Ga 1,1-13; Pl 2,6; Cl 2,15-20). Ngôi Lời là Thiên Chúa thật bởi vì Chúa Cha sinh ra Ngài, không ngừng thông ban cho Ngài Sự Sống Thần Linh. Ngôi Lời đã nhập thể vì chúng ta để cứu rỗi chúng ta (Ga 1,14). Thiên Chúa đã sai Người Con Một của Ngài đến sống dưới hình thức một con người. Đón nhận tất cả từ Chúa Cha, Ngài cũng mang lại mọi sự cho Chúa Cha.


THIÊN CHÚA BA NGÔI
Chân lý mầu nhiệm về Chúa Ba Ngôi mang lại cho chúng ta một chiều kích mới trong sự hiểu biết về bản chất của Thiên Chúa: Thiên Chúa là Một, nhưng Ngài không đơn độc. Bản chất đích thực của Thiên Chúa là một nguồn suối bất tận của yêu thương giữa Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Cha sinh ra Chúa Con, thông ban cho Chúa Con mọi sự. Chúa Con yêu thương Chúa Cha, đáp trả lại tất cả mọi sự. Chúa Thánh Thần là hoa quả của sự trao ban hỗ tương ấy giữa Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Thánh Thần chính là Tình yêu của Thiên Chúa. Đó là Chân Lý được diễn tả trong Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa là Một, nhưng bản chất của Ngài là Tình Yêu hỗ tương giữa Ba Ngôi Vị. Ngôi thứ nhât là Cha, Nguồn Mạch của mọi sự. Ngôi thứ Hai là Con, Hình Ảnh đích thực của sự Thiện Hảo của Chúa Cha. Ngôi thứ Ba là Thánh Thần, Mối Tương Quan Yêu Thương giữa Chúa Cha và Chúa Con. Nhờ Chúa Con nhập thể làm người và Chúa Thánh Thần được sai đến, chúng ta được tham dự vào sự sống của Ba Ngôi. Chúng ta trở thành anh em của Đức Ki-tô. Chính Chúa Giê-su sống trong chúng ta và Thánh Thần sinh động chúng ta bằng hơi thở của Chúa Giê-su. Thiên Chúa Cha chấp nhận chúng ta như dưỡng tử của Ngài. Nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy, chúng ta có thể gọi Thiên Chùa là ‘Cha chúng ta’.

SỰ CỨU RỖI
Niềm tin này của các Ki-tô hữu tiên khởi, nhờ Thánh Thần linh ứng, chiếu rọi một nguồn sáng mới trên cái chết của Chúa Giê-su. Cái chết đó không phải là một tai ương tự nhiên. Nó cũng không là một tất định của lịch sử. Trái lại, đó là một sự biểu lộ hoàn hảo của Tình Yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. “Bởi vì Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài để bất cứ ai tin Người Con Một đó đều không phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Thiên Chúa “không dung tha Người Con Một của Ngài, nhưng trao nộp Ngài cho chúng ta” (Rm 8,32) “trong khi chúng ta còn là tội nhân” (Rm 5,8).

Tất cả quyền lực của tăm tối gào thét để dập tắt ngọn lửa yêu thương trong Chúa Giê-su. Nhưng tất cả mọi thứ tội lỗi: sự tham quyền cố vị của những kẻ đang cầm quyền tại Giê-ru-sa-lem, lòng ích kỷ tự phụ và cố chấp của họ, sự hèn nhát cùa Phi-la-tô, một người chỉ nghĩ đến lợi ích riêng của mình, sự phản bội của Giu-đa, sự đào thoát của các tông đồ, lòng nhẹ dạ của đám đông, sự độc ác của những người thừa hành quyền bính, khi hành hạ Ngài trong thể xác lẫn tâm hồn: tất cả những điều đó, Chúa Giê-su biến thành tình yêu vô biên và tha thứ. Cầu nguyện cho những kẻ đang hành hạ mình, tiến đến cái chết với tất cả yêu thương, vì yêu thương: đó là cách thế mà Con Thiên Chúa đã thể hiện cuộc sống của Ngài trong thế giới thụ tạo. Qua cách thế ấy, Ngài đã làm sáng tỏ trong thế giới Tình Yêu vô biên của Thiên Chúa. Thiên Chúa chê ghét tội lỗi bởi vì nó đối nghịch lại với sự Thánh Thiện của Ngài cũng như hủy diệt con người. Tuy nhiên, Người Con Một yêu dấu của Ngài đã đến giữa thế giới tội lỗi ấy để bị giết bởi tay người tội lỗi mà vẫn yêu thương và cầu nguyện cho họ. Chúa Giê-su là Đấng Trung Gian hoàn hảo; Ngài là Đại Diện của toàn thể nhân loại. Ngài là người thợ kiến tạo hoàn hảo của một giao ước mới với Thiên Chúa Cha. Trong Chúa Giê-su, Thiên Chúa đã tìm thấy một sự đáp trả hoàn toàn cho tiếng gọi của Ngài. Giờ đây, Thiên Chúa nhìn đến nhân loại xuyên qua Đức Ki-tô, Đấng đã sống, đã chết và đã sống lại vì chúng ta.

Điều này cho chúng ta hiểu tại sao Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài, tại sao Ngài muốn cho Chúa Giê-su chỉ sống cho công bằng và yêu thương. Đây là một cách sống đương nhiên dẫn đến cái chết trên thập giá. Nhưng cuối cùng, chúng ta cũng hiểu được tại sao Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại từ cõi chết. Thiên Chúa muốn vĩnh viễn nhìn thấy chúng ta qua Chúa Giê-su, Đấng đã chịu đóng đinh và đã sống lại. Thiên Chúa cũng đổ tràn Thánh Thần trên chúng ta. Chính Thánh Thần là Đấng thổi ngọn gió mát vào đám sương mù tội lỗi của chúng ta và soi sáng tâm hồn chúng ta bằng mặt trời Tình Yêu của Ngài.

Cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giê-su cũng giống như một món tiền chuộc, nhờ đó Thiên Chúa giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi và làm cho chúng ta thuộc trọn về Ngài (1 Pr 1,18; 2,9). Ngài đóng ấn trên chúng ta bằng Dấu Ấn của Thánh Thần (Ep 1,13).

Cả cuộc sống của Chúa Giê-su đã trở thành con đường dẫn chúng ta về với Chúa Cha, về với Sự Sống và về với nhau. Chúa Giê-su đi trước và chúng ta đi theo Ngài. Cái chết và sự phục sinh của Ngài là sức mạnh đưa chúng ta lên đường và dẫn chúng ta đi đến cùng. “Tình Yêu của Đức Ki-tô hướng dẫn chúng ta….Ngài đã chết cho chúng ta để tất cả những ai sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và đã sống lại vì họ” (2 Cr 5,14-15).
[Lm Phê-rô Nemesheygi, SJ, Ý NGHĨA CỦA KI-TÔ GIÁO (THE MEANING OF CHRISTIANITY), NXB Tôn giáo 2008, Chương Một “ĐỨC GIÊ-SU ĐƯỢC GỌI LÀ ĐẤNG KI-TÔ” (Mt 1,16) trang 28-45].

LIÊN QUAN TỚI ĐỀ TÀI IX
BÀI ĐỌC THÊM (24)

NGÔI MỘ TRỐNG

(Gioan 20,1-9 – CN PHỤC SINH - Ban ngày)

1.- Ngữ cảnh

Chúng ta đã sang phần ii của TM Ga, gọi là “Sách về Giờ của Đức Giêsu” với hai phần chính: (1) Đức Giêsu cáo biệt khi đến Giờ (tại Bữa tối cuối cùng) (Ga 13–17); (2) Giờ của cuộc Khổ Nạn-Chết-Sống lại của Đức Giêsu (18,1–20,29).

Phần ii có cấu trúc như sau:

A (18,1-14+) : Đức Giêsu uy nghi toàn năng trước Giuđa kẻ phản bội và nhóm đi bắt Người.

B (18,12-27) : Đức Giêsu bị xử trước thượng tế và các lần Phêrô chối tư cách môn đệ.

C (18,28–19,16b) : Cuộc xử án và kết án Đức Giêsu, vua dân Do-thái, do Philatô thực hiện.

C’ (19,16c-42) : Vua dân Do-thái chịu đóng đinh, chết và được an táng trên đồi Gôngôtha.

B’ (20,1-18) : Phêrô và người môn đệ Chúa yêu tại mồ trống và Đức Giêsu hiện ra với Maria Mácđala.

A’ (20,19-29) : Các lần Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và Tôma người không tin.

2.- Bố cục

Bản văn Ga 20,1-10 có thể chia thành hai phần:

1) Thời gian: Sáng sớm ngày thứ nhất, Maria Mácđala ra mộ (20,1-2);

2) Hành động chính: Phêrô và Gioan ra mộ (20,3-10).



3.- Vài điểm chú giải

- lúc tảng sáng (1): Prôi, dịch sát là “lúc sớm trong buổi sáng”. Đây là canh cuối theo cách chia của người Rôma, từ 3-6 giờ sáng (người Rôma tính giờ bắt đầu từ nửa đêm).

- Maria Mácđala (1): TM Ga chỉ nêu tên một mình bà Maria Mácđala; Mt nêu tên hai bà; Mc nêu ra ba bà; còn Lc (24,10) nêu tên ba bà “cùng với các phụ nữ khác”. Có lẽ truyền thống Nhất Lãm sát thực tế hơn, bởi vì khó mà cho rằng một phụ nữ lại dám đi một mình trong lúc trời còn nhá nhem đến nơi hành hình ở bên ngoài tường thành. Với lại chính câu nói của bà: “Và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” gợi ý là có nhiều phụ nữ ở với bà. Ngoại trừ Lc 8,2 đã đặt bà Maria Mácđala vào thời gian Đức Giêsu hoạt động công khai và giới thiệu như là người được trừ khỏi bảy quỷ, bà chỉ được nhắc đến trong liên hệ với cuộc đóng đinh và với mộ trống mà thôi. Biệt danh của bà cho thấy là rất có thể bà xuất thân từ thành Mácđala, ở về phía bờ biển tây bắc của Hồ Galilê, cách Caphácnaum khoảng bảy dặm về phía tây nam.

- đi đến  mộ (1): Ga không xác định lý do. McLc cho biết là các phụ nữ mang dầu thơm đến để tẩm liệm thi hài Đức Giêsu. Mt chỉ nói là các bà đến để nhìn xem mộ, có lẽ vì Mt đã kể là mộ có lính canh nên các bà không thể vào mộ được.

- bà … thấy (1): TM IV có bốn động từ để diễn tả cái nhìn, từ cái nhìn thể lý nhất đến cái nhìn chiêm ngưỡng sâu sắc nhất, đó là: blepein, theôrein, theasthai, horan [idein]. Các chuyên viên cho rằng “thấy” ở đây là blepein, cấp thấp nhất, nói về cái nhìn mang tính vật chất, cái nhìn bằng mắt thịt (x. ch. 9; 21,9), và như thế blepein không có một ý nghĩa đặc biệt. Dù vậy, vẫn có những ngoại lệ: 5,19 (Đức Giêsu thấy Chúa Cha) và 9,39 (hẳn là tác giả có ý chơi chữ ở đây: dùng một động từ với hai nghĩa).

Theôrein có nghĩa là nhìn tập trung, tức là phải có nhiều thì giờ hơn blepein, do đó cũng hàm ý một sự hiểu biết sâu xa hơn; cái nhìn này đưa đến chỗ chấp nhận Đức Giêsu là một con người đặc biệt, có khả năng làm các việc kỳ diệu, nhưng chưa phải là đức tin tròn đầy (x. 2,23; 4,19; 6,2.19;20,12.14). Tuy nhiên cũng có ngoại lệ: 6,40; 17,24; còn 14,17 có lẽ là một kiểu chơi chữ với hai nghĩa.

Horan (idein) có nghĩa là cái nhìn kèm theo sự hiểu biết đích thực, tức đưa tới đức tin (20,8.25). Câu 16,16 có cách dùng các động từ như thế: “Một ít nữa, anh em sẽ không thấy Thầy (= theôrein), rồi một ít nữa, anh em sẽ xem thấy (= horan) Thầy”. Xem thêm 1,34.50.51; 3,11.32; 11,40; 14,7.9; 19,35.37; 20,29. Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ, khi horan được dùng theo nghĩa thể lý: 1,39; 5,6; 4,45.48; 6,14.22.24.30.36; 7,52; 12,9 (horan = theôrein).

Theasthai được một vài nhà chú giải dịch là “chiêm ngưỡng”, với nghĩa là hiểu ý nghĩa sâu xa của các sự việc đang xảy ra (x. 1,14; 4,35) và nếu dựa vào 1 Ga 1,1, dường như horan là cấp thấp hơn theasthai (“điều chúng tôi đã thấy [horan] tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng [theasthai]”). Tuy nhiên, ở 1,38  và 6,5, theasthai dường như chỉ có nghĩa là nhìn thấy thể lý; ở 1,32 (= 1,34); 11,45, theasthai lại được dùng đồng nghĩa với horan. Bởi vì theasthai không được dùng nhiều và phong phú như horan, chúng tôi tạm xếp theasthai vào cấp thứ ba.

- tảng đá (1): Tác giả viết y như thể độc giả biết rõ tảng đá này. Cũng như tác giả Lc, tác giả Ga không nói đến việc niêm phong tảng đá (x. Mt 27,66) hay niêm phong ngôi mộ bằng một tảng đá.

- đã cất khỏi mồ (1 - NTT): Các TMNL nói là “đã được lăn ra” (Mc 16,4; Mt 28,2; Lc 24,2 dùng động từ apokyliô, “lăn đi xa”, ở thái bị động); Ga thì nói “đã được cất (êrmenos] khỏi mồ”. Ngành khảo cổ xứ Paléttina cho thấy là có những ngôi mộ nằm ngang và cửa vào các ngôi mộ này nhỏ hẹp, có khi cao chỉ gần một thước, nên người lớn thì phải trườn mà vào. Người ta có thể niêm mộ bằng một tảng đá chắn ngay cửa vào. Nhưng cũng có những ngôi mộ rộng hơn thì cửa được chắn bằng một tảng đá có thể lăn tròn theo một cái rãnh ở ngang cửa vào, giống như một cánh cửa lùa. Ngôi mộ rộng bên trong có thể có một gian ngoài; gian trong mới dành để mai táng người quá cố. Có nhiều cách mai táng: có khi người ta khoét những cái hầm đục vào sâu trong vách đá và đẩy thi hài vào trong đó, đầu đi trước; có khi người ta lại đẽo vào đá để làm thành những tầng có những cái ổ bán cung (như một cái kệ) cách mặt đất chừng nửa thước để đặt thi hài vào; có khi người ta đặt một băng bằng đá sát vách và đặt thi hài lên. Dường như Đức Giêsu được mai táng trong một ngôi mộ rộng và theo cách cuối cùng.

- Bà liền chạy về (2): Maria Mácđala đã nhìn vào mộ nên phát hiện ra là thi hài không còn ở đó nữa, hay là bà suy diễn ra từ sự kiện ngôi mộ không còn bị niêm phong? Người ta thường theo giả thuyết thứ nhất vì hiểu theo lẽ thường; nhưng cứ theo bản văn TM IV thì phải hiểu theo giả thuyết thứ hai, bởi vì trời còn tối và bởi thông tin là đến c. 11, bà mới “cúi xuống nhìn vào trong mộ”. Nhiều người giải quyết khó khăn này bằng cách cho rằng lúc đầu c. 11 đi theo c. 1.



- gặp ông Simôn Phêrô (2): Người ta thường cho rằng Maria đi tìm Phêrô vì ông là thủ lãnh các môn đệ Đức Giêsu. Nhưng đơn giản hơn, nên nhớ rằng Phêrô không chạy trốn với các ông khác và ông ở gần Đức Giêsu khi Người bị giới chức Do-thái thẩm vấn (Ga 18,27).

- người môn đệ Đức Giêsu thương mến (2): Dung mạo bí ẩn “người môn đệ Chúa thương mến” được đưa vào đột ngột ở Ga 13,23, lúc mà truyện sắp lên tới cao đỉnh, lúc mà Đức Giêsu quy tụ các môn đệ thân tín lại để chia sẻ một bữa ăn tạ từ và ban những giáo huấn cuối cùng (x. Ga ch. 13–17). Điều này khiến ta hiểu rằng người môn đệ Chúa thương mến là một dung mạo được cộng đoàn tác giả quen biết. Là người không được nêu tên và cứ tiếp tục ở trong tình trạng vô danh cho đến hết Tin Mừng, người môn đệ này được sống một tình thân mật với Đức Giêsu đặc biệt hơn cả nhóm: ông được mô tả là người môn đệ Đức Giêsu yêu thương, người nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu (en tô kolpô tou Iêsou, Ga 13,23; x. 13,25; 21,20 [epi to stêthos]). Kiểu thân mật này gợi nhớ tình thân mật giữa Đức Giêsu và Chúa Cha: Đức Giêsu, được Chúa Cha yêu thương (Ga 15,9; 18,26), là người Con Một, ở trong lòng Chúa Cha (ho hœn eis ton kolpon tou patros, Ga 1,18). Đến Ga 18,15, thì xuất hiện “một môn đệ khác”, có lẽ cũng vẫn là người môn đệ Đức Giêsu yêu thương đã được Simôn Phêrô làm hiệu hỏi Đức Giêsu trong bữa tối cuối cùng (Ga 13,24). Tại chương 19, người môn đệ ấy xuất hiện bên cạnh thân mẫu Đức Giêsu (Ga 19,26). Đến chương 20, tác giả đồng hóa “người môn đệ Đức Giêsu thương mến” (20,2) với “người môn đệ kia” (20,4.8). Simôn Phêrô và “người môn đệ Đức Giêsu thương mến” lại xuất hiện bên nhau trong chương cuối cùng (21,7.20).

Người môn đệ này là ai? Tác giả Ga đã nhấn mạnh 5 lần rằng nguồn của ngài chính là “người môn đệ Đức Giêsu thương mến” (13,23; 19,26; 20,2; 21,7.20). Các học giả đã nghĩ tới nhiều nhân vật: Gioan, con ông Dêbêđê; Ladarô; Gioan Máccô (x. Cv 12,12); Trưởng lão Gioan; một dung mạo tượng trưng. Cho đến nay giả thuyết mạnh nhất (R.E. Brown) vẫn là coi người môn đệ ấy là Gioan, con ông Dêbêđê và là tác giả TM IV (trừ hoặc kể cả chương 21)[1]. J.A. Grassi[2] đã viết một quyển sách nhỏ để chứng minh: (1) Dựa vào TM Ga, người môn đệ này là một người có thật, nhưng không phải là Gioan, con ông Dêbêđê và một trong Nhóm Mười Hai. (2) Đây là một dung mạo vừa có những nét giống với Giacóp vừa có những điểm giống với Giuse con yêu quý của Giacóp. (3) Đây là người môn đệ trẻ vô danh đã cùng với Anrê đến với Đức Giêsu bên bờ sông Giođan. (4) Người môn đệ này xuất thân từ miền Giuđê, có lẽ thuộc một gia đình tư tế ở Giêrusalem. (5) Người môn đệ này là “em bé” đã tặng năm chiếc bánh và hai con cá. (6) Người môn đệ này có vị trí ưu tiên trong bữa tối cuối cùng, biết trước bí mật thâm sâu của Đức Giêsu về chuyện bị phản bội và phải chết, vì ông là người kế thừa thầm kín có sứ mạng giúp cho thế gian hiểu thật sâu cuộc sống và đặc biệt cái chết của Người. (7) Bản văn trọng yếu là vào lúc đứng dưới chân thập giá, người môn đệ này chứng kiến và hiểu ý nghĩa của cái chết của Đức Giêsu. Dù thế nào, có thể nói người môn đệ này là người thừa kế đích thực của Đức Giêsu. Chương 21 này khiến ta nhớ lại những bản văn có nhân vật này, và nhắc lại các điểm này: người nào phải kế tục Đức Giêsu thì phải được chọn phù hợp với ý muốn của Đức Giêsu và tương ứng với sự chọn lựa bằng tình yêu. Đến cuối chương 21 này, ta thấy rõ ơn gọi của hai người môn đệ: người môn đệ Chúa thương mến có ơn gọi làm chứng, còn Phêrô có ơn gọi điều khiển cộng đoàn hoặc ơn gọi chăn dắt đoàn chiên.

Các học giả chưa đạt tới tiếng nói chung về nhân vật này. Dù sao, chúng tôi nghĩ kiểu gọi “người môn đệ Chúa thương mến” hẳn không phải là kiểu gọi của chính người môn đệ ấy, nhưng của các môn đệ của người ấy[3]. Đến đây cứ cho đi là một người có thật, nhưng khi không có tên như thế, người môn đệ ấy đã trở thành biểu tượng cho mọi môn đệ của Đức Giêsu. Điều này được diễn tả rõ ràng trong hoạt cảnh trên Đồi Sọ, khi Đức Giêsu ký thác “người môn đệ mình thương mến” cho thân mẫu: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Đặc biệt được đặt tương phản trong tình thế đầy kịch tính với Phêrô, người môn đệ Chúa thương mến tượng trưng đức tin tinh trong của cộng đoàn tác giả, còn Phêrô của TM IV tượng trưng các môn đệ của Đức Giêsu trong tình trạng hàm hồ về tư cách môn đệ, một đức tin còn pha trộn nơi các Họi Thánh thời các tông đồ.  

- đem Chúa (2): Có lẽ bây giờ viết trong giai đoạn hậu Phục Sinh, tác giả đã sử dụng danh hiệu “Chúa” (kyrios) này như một cách diễn tả niềm tin của cộng đoàn Kitô hữu.



- và chúng tôi (2): Chỉ có một mình Maria Mácđala ở ngoài mộ. Thế mà bà lại nói là “chúng tôi”. Người ta giải thích nhiều cách: (1) Có các bà khác, nhưng tác giả đơn giản hóa, chỉ nói đến bà Maria Mácđala thôi; (2) Từ “chúng tôi” là để dung hòa TM IV với các TMNL (Wellhausen và Spitta); nhưng vấn đề là vì sao TM IV khác các TMNL ở rất nhiều chi tiết, mà lại ráng dung hòa tại một chi tiết nhỏ, tinh tế như thế? (3) Bultmann và vài tác giả khác nghĩ rằng từ “chúng tôi” chỉ là một cách diễn tả Sê-mít để nói “tôi”; nhưng dù sao chúng ta cũng lấy làm lạ là trong truyện tiếp theo, Maria lại nói lại câu này, mà lần này ở số ít (c. 13).

Có lẽ cách giải thích đầu tiên là tốt nhất và tự nhiên nhất.  



- chạy mau hơn (4): Cha Lagrange cho rằng vì “người môn đệ kia” còn trẻ hơn và nhanh nhẹn hơn Phêrô nên chạy mau hơn. Ishodad de Merv cho rằng vì ông chưa lập gia đình! Có tác giả cho rằng vì tình yêu đã làm cho ông chạy nhanh. Nhưng hợp lý là cho rằng vì ông biết cách chạy hơn Phêrô.

- nhưng không vào (5): Nhiều nhà chú giải cho rằng “người môn đệ Chúa thương mến” không vào vì kính trọng Phêrô là đàn anh, hay là vì kinh ngạc, hoặc vì sợ hãi (sợ ma!), hoặc muốn tránh sự lây nhiễm theo nghi thức khi chạm vào một xác chết. Những kiểu giải thích như thế không hòa hợp được với dung mạo đã được lý-tưởng-hóa của người môn đệ này trong TM. Có lẽ cách giải thích tốt nhất là nói rằng tác giả đã ghi lại một chi tiết không đáng kể như thế, là vì đã xảy ra đúng như thế. Khi kể lại một biến cố quan trọng, ngài lại nhớ lại cả một chi tiết nhỏ bé như thế, và ghi lại trong TM của ngài để gợi lên trung thực điều ngài đã sống (Guillemette).  

- Ông cúi xuống và nhìn thấy (5): “Thấy” ở đây là blepœ.

- Phêrô theo sau (6): Phêrô bước theo (akolouthôn) người môn đệ Chúa thương mến như là môn đệ? Động từ “bước theo” rất hiếm khi được dùng theo nghĩa này; thông thường người ta chỉ “bước theo” Đức Giêsu. Ai muốn đặt đối lập Phêrô với người môn đệ Chúa thương mến thì nhắm vào cách sử dụng trên. Nhưng thật ra như thế là phóng đại.

- Ông vào … thấy (6): Simôn Phêrô “thấy”: động từ được dùng là theoreô, tương tự  người môn đệ Chúa thương mến.

- khăn che đầu (7): Soudarion là một cái khăn giống như nhưng có lẽ to hơn cái khăn tay. Có thể người ta dùng chiếc khăn này để bọc lấy cằm và thắt lại trên đầu để cho miệng người chết khỏi mở ra.

- các băng vải (7): Khác với Ladarô (11,43), khi sống lại, Đức Giêsu không cần ai giúp cả. Sự kiện “băng vải để ở đó, và khăn che đầu xếp riêng ra một nơi” loại trừ giả thuyết là có một cuộc đánh cắp thi hài, bởi vì không kẻ nào lại còn nghĩ đến việc lột trần thi hài ra.

- Ông đã thấy và đã tin (8): “Thấy” ở đây là horan, một cái nhìn đưa tới đức tin. Từ cấp “thấy thấp nhất bằng cặp mắt thể lý (blepô, c. 5), người môn đệ khác đã đạt tới cấp “thấy” cao nhất (horan) bằng đức tin. Câu văn hẳn cho phép được hiểu: đã thấy (eiden, aor của horan) = đã tin (episteusen, aor của pisteuô).  


tải về 1.46 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương