THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam



tải về 212.33 Kb.
trang3/3
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích212.33 Kb.
#31290
1   2   3

KHỦNG HOẢNG UKRAINE
Ukraine: Lực lượng nổi dậy "rút lui chiến thuật" để chuẩn bị cho chiến lược lâu dài?

TTXVN (Paris 7/7) - Theo báo Le Figaro ngày 7/7, thất bại ở "thành trì" Sloviansk đã giáng một đòn nặng nề cho phe nổi dậy thân Nga ở miền Đông Ukraine nhưng phe này vẫn quyết tâm tập hợp lực lượng ở Donetsk. Hành động này được các nhóm ly khai tuyên bố là một cuộc "rút lui chiến thuật" nhằm chuẩn bị cho một chiến lược mới, khiến tình hình miền Đông Ukraine còn lâu mới đạt được một giải pháp hòa bình.

Từ cuối tuần trước, lá cờ Ukraine đã xuất hiện trở lại ở các thành trì của lực lượng ly khai Sloviansk (130.000 dân) và Kramatorsk (170.000 dân). Đầu tuần này, các binh sĩ của Igor Strelkov, thủ lĩnh quân sự của phe nổi dậy thân Nga, đã quyết định rút lui khoảng 100 km theo phía Nam, về thủ phủ khu vực (Donetsk, một triệu dân). Với vẻ mệt mỏi và chán nản, cuối tuần qua Igor Strelkov đã giải thích trên kênh truyền hình Nga Lifenews rằng phe nổi dậy đã thực hiện chiến dịch "rút lui chiến thuật" đối với 90% lực lượng "nhằm bảo toàn cho người dân địa phương và các binh sĩ của mình", đồng thời khẳng định việc "tái tập hợp lực lượng kháng chiến" là nhằm "biến Donetsk thành một pháo đài".

Sloviansk đã trở thành biểu tượng của phe nổi dậy thân Nga và chống chính phủ từ 12/4, khi một đội "đặc nhiệm" đeo mặt nạ, hiện rõ vẻ được huấn luyện đầy đủ và được trang bị vũ khí hạng nặng, giành được quyền kiểm soát toàn bộ thành phố. Chính từ nơi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân này phe nổi dậy đã triển khai lực lượng ra hầu hết lãnh thổ vùng Donetsk trong suốt tháng 5 vừa qua.

Tại Donetsk, nơi sự ủng hộ của dân chúng không mạnh mẽ như ở Sloviansk, các đường phố đã trở nên vắng vẻ trông thấy vào cuối tuần. Duy trì quyền kiểm soát sân bay từ đầu cuộc xung đột, các lực lượng Ukraine đã dần mở thế trận ra các vùng phụ cận ở phía Tây và Nam thành phố. Theo nhật báo Nga Komsomolskaïa Pravda, Strelkov đang nắm quyền chỉ huy đối với khoảng 2.000 binh sĩ, một con số bổ sung cho khoảng 5.000 tay súng khác thuộc hai nhóm vũ trang "Oplot" và "tiểu đoàn Vostok" đóng quân ở Donetsk. Strelkov có thể sẽ gặp khó khăn trong việc điều phối giữa các nhóm, một phần lý do là chia rẽ nội bộ được bộc lộ rõ rệt trong những tuần qua.

Sức ép của quân đội Ukraine đối với các nhóm ly khai đã gia tăng đáng kể sau khi lệnh ngừng bắn kết thúc cuối tuần qua. Đã có nhiều cuộc giao chiến dữ dội diễn ra xung quanh các thành phố Sloviansk và Lougansk (vùng lân cận). Kể từ khi bùng nổ cuộc nổi dậy vũ trang, Igor Strelkov đã liên tục lên tiếng kêu gọi Vladimir Putin để tìm kiếm sự ủng hộ quân sự của Moskva. Tuy nhiên, sau khi huy động ồ ạt 40.000 lính xung kích đến dọc biên giới Ukraine cuối tháng 3, có vẻ như Moskva đã quyết định từ bỏ lựa chọn này. Quyền sử dụng quân đội can thiệp vào Ukraine mà Vladimir Putin yêu cầu Thượng viện Nga ngày 1/3 (thời điểm sáp nhập Cremia vào lãnh thổ Nga) đã bị bãi bỏ vào tuần trước.

Chưa có bất cứ quan chức Nga nào có phản ứng với sự thất thế của các lực lượng thân Nga. Sergueï Markov, một cựu nghị sĩ và là chuyên gia chính trị học, người không che giấu sự thất vọng trước sự sụp đổ của Slovians, đã lưu ý rằng tại Nga, phe dân tộc chủ nghĩa đang tỏ nhẫn nhịn: "Hiện đang có một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ đối với ban lãnh đạo Nga do không có hành động can thiệp vào Ukraine". Tuy nhiên, không có ai ở Moskva cũng như trong giới lãnh đạo ly khai tại miền Đông Ukraine dám lên tiếng chỉ trích trực tiếp Putin.

Các phương tiện truyền thông chính thức tại Nga cho đến nay vẫn tiếp tục bày tỏ quan điểm ủng hộ hoàn toàn chủ nghĩa ly khai tại Ukraine, đồng thời lên án Kiev thảm sát dân sự và chịu thao túng của các phần tử phát xít được phương Tây ủng hộ. Vốn rất có ảnh hưởng tại miền Đông Ukraine, các kênh truyền hình Nga đã đóng một vai trò đáng kể trong việc khích lệ phong trào nổi dậy, mang lại cho các nhóm kháng chiến một sự ủng hộ quan trọng của dân chúng địa phương.

Tại Kiev, phản ứng với sự thất thủ của Sloviansk chỉ được thể hiện một cách chừng mực. Youri Romanenko, một chuyên gia chính trị Ukraine, nhấn mạnh rằng "trên thực tế, việc rút quân khỏi Sloviansk là quyết định của phe ly khai chứ không phải là thắng lợi của quân đội Ukraine". Ông cũng lấy làm ngạc nhiên trước việc một phần lớn quân nổi dậy đã có thể rút lui bình an khỏi một thành phố được cho là bị bao vây kín để tái tập hợp lực lượng ở Donetsk mà không ghi nhận tổn thất đáng kể nào.

Về phần mình, cuối tuần trước Tổng thống Ukraine Petro Porochenko đã tuyên bố trên truyền hình: "Tâm trạng của tôi còn lâu mới được giải tỏa… Nhiệm vụ nặng nề vẫn chờ đợi chúng ta ở phía trước và mệnh lệnh của tôi vẫn không hề thay đổi: siết chặt gọng kìm đối với các phần tử khủng bố, giải phóng các vùng Donetsk và Lougansk". Andreï Lysenko, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, khẳng định quân đội Ukraine loại trừ hoàn toàn việc oanh tạc hàng loạt ở hai địa phương này. Nhưng cho đến nay, các cuộc thương lượng vẫn chưa mang đến một kết quả nào và Kiev chỉ có thể chắc chắn ở thái độ "thù địch thụ động" của Moskva.
Ukraine tuyên chiến với Gazprom?

TTXVN (Moskva 7/7) - Báo mạng Gazeta.ru cho rằng Ukraine có cơ hội thực sự để từ bỏ khí đốt Nga. Để làm điều này họ cần thực hiện chương trình phát triển điện hạt nhân. Kiev đủ tài nguyên cho chương trình đó. Vấn đề nằm ở nguồn đầu tư và ý chí chính trị.

Hồi cuối tháng 6, Thứ trưởng Năng lượng và Công nghiệp than Ukraine, Vadym Ulida tuyên bố: "Chúng ta sẽ thực hiện các dự án sản xuất nhiên liệu hạt nhân ở Ukraine, dựa trên thực tế chúng ta sở hữu nguyên liệu thô và những phát triển của riêng mình".



Chiến lược phi chiến thuật

Đây chỉ là một kịch bản trong chương trình phát triển hạt nhân qui mô lớn để Ukraine có thể độc lập hoàn toàn về năng lượng (được xác định trong Chiến lược Năng lượng của Ukraine tới năm 2030). Ngoài nhà máy sản xuất nhiên liệu nhiệt hạch cho các lò phản ứng, kế hoạch này còn xây dựng cơ sở bảo quản tập trung thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng cũng như 11 lò phản ứng hạt nhân mới.

Chi phí xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới, được hoạch định trong chiến lược là 265 tỷ hryvnia (22,5 tỷ USD theo tỷ giá hiện hành). Tổng chi phí phát triển hạt nhân trong giai đoạn này dự kiến là hơn 380 tỷ hryvnia (32,5 USD).

Dự án xây cơ sở bảo quản, bị ngừng năm 2005, đã được khôi phục cuối tháng 6/2014. Còn việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân vẫn chưa rõ. Thỏa thuận với công ty Holtec International của Mỹ để xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Khmelnitsky giữa công ty quốc doanh Energoatom của Ukraine và Rosatom của Nga được ký năm 2010, song việc thực hiện vẫn bị treo. Tuy nhiên theo Phó tổng giám đốc tập đoàn của Nga, Kirill Komarov, Rosatom sẽ không từ bỏ dự án và trông chờ thực hiện nó.



Thứ 5 châu Âu

Ukraine xếp thứ 10 trên thế giới và thứ 5 tại châu Âu vế số lượng với 15 lò phản ứng hạt nhân. Hiện các tổ máy hạt nhân đảm bảo gần 50% tổng sản lượng điện toàn Ukraine (số liệu Energoatom).

Chuyên gia lâu năm của Viện Nặng lượng và Tài chính Sergey Kondratyev cho rằng các tổ máy phát điện hạt nhân của Ukraine chưa vận hành hết công suất. Theo lời chuyên gia phân tích này, tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia chỉ 4/6 tổ máy hoạt động. Ông Kondratiev cho rằng chỉ cần vận hành các tổ máy không hoạt động, Ukraine có thể tăng tỷ lệ năng lượng hạt nhân lên 60%.

Nếu chương trình xây dựng các tổ máy mới được thực hiện, công suất điện hạt nhân của Ukraine sẽ tăng thêm từ 2-7 GW so với mức 13,9 GW hiện nay, đưa tỷ trọng năng lượng hạt nhân lên từ 70-90%.

Tuy nhiên thậm chí các tác giả của chiến lược cũng xem kịch bản này là "lạc quan". Theo ông Kondratiev, "tính tới mong muốn đoạn tuyệt với Nga trong các ngành công nghiệp chiến lược, nếu xây dựng (tổ máy điện hạt nhân) từ con số không và tìm cách thay đổi cách tổ chức, một tổ máy 1.000 MW sẽ có giá từ 3-4 tỷ USD". Tiền đầu tư xây nhà tổ máy điện hạt nhân thường được chính phủ bảo lãnh và đảm bảo chắc chắn, đồng thời nhà đầu tư cần biết rõ tiền sẽ được hoàn trả như thế nào. Hiện giá điện của Energoatom rất thấp trên thị trường nội địa, và công ty cần tính giá điện cao hơn song chúng ít hấp dẫn người tiêu dùng Ukraine.

Thiếu hụt nhiên liệu

Hiện tất cả các kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân của Ukraine đề không tính tới nhà máy sản xuất nhiên liệu nhiệt hạch. Thêm vào đó, sản lượng khai thác urani chỉ đáp ứng 30% nhu cầu. Thứ trưởng Ulida cho rằng để lấp lỗ hổng này cần dự án tự sản xuất nhiên liệu hạt nhân.

Khoản sản urani được phát hiện tại Ukraine năm 1945. Trong giai đoạn 1946-1947 đã bắt đầu khai thác urani tại khu rừng Nước Vàng. Hiện tại Ukraine đã xác định 12 mỏ urani, ngoài ra còn có một loạt điểm được xem là tiềm năng. Theo nhiều nguồn khác nhau, trữ lượng urani của Ukraine là khoảng từ 135-200.000 tấn.

Công ty quốc doanh "Liên hiệp Khái thác-Xử lý miền Nam " (VostGOK) đảm nhiệm việc khai thác và chế biến khoảng sản urani. Năm 2013, công ty này sản xuất được 922 tấn urani tự nhiên tuyển - chiếm khoảng 30% tổng nhu cầu.

Chiến lược Năng lượng của Ukraine đặt mục tiêu sản xuất 3.500 tấn urani tự nhiên tuyển, theo các tác giả của chiến lược, con số trên sẽ hoàn toàn đáp ứng nhu cầu. Các mỏ urani tiềm năng của Ukraine đủ trữ lượng để khai thác trong khoảng 100 năm.

Từ lâu, Ukraine đã tìm cách độc lập về năng lượng với Nga. Vì vậy, các kế hoạch xây dựng một chu trình sản xuất nhiên liệu hạt nhân khép kín ra đời từ năm 2006, cùng lúc với việc thông qua Chiến lược Năng lượng.

Khi đó khu mỏ Novokonstantinovskaya, gồm 6 mỏ trong đó có mỏ trữ lượng urani lớn nhất châu Âu Konstantinovsky (3 triệu tấn khoáng sản), được chuyển giao cho VostGOK trong một thực thể quốc doanh mới. Thực thể này bao gồm nhà máy sản xuất nhiên liệu nhiệt hạch cho các lò phản ứng hạt nhân. Tuy nhiên, năm 2009 khu mỏ được giao trở lại cho VostGOK, và năm 2010 thành lập liên doanh Ukraine-Nga để xây dựng nhà máy tại tỉnh Kirovograd sản xuất nhiên liệu nhiệt hạch. Tuy nhiên, dự án này đã không thành công. Theo thỏa thuận, mỗi bên cần góp 50% vốn. Phía Nga đã thực hiện song Ukraine thì không. Mặc dù vậy, đại diện của Rosatom tuyên bố họ chưa từ bỏ dự án này. Theo ông Komarov, Ukraine ban đầu không muốn sản xuất nhiên liệu hạt nhân trong đó có chu trình làm giàu urani.

Phương án Mỹ

Tuy nhiên, rõ ràng Ukraine có ý định giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu hạt nhân Nga. Từ năm 2008 đã có nỗ lực phần nào sử dụng nhiên liệu Mỹ thay thế nhiên liệu của Nga. Tuy nhiên, hệ thống của công ty Westinghouse Electric về cấu trúc không tương thích với các lò phản ứng được chế tạo từ thời Liên Xô trước đây khiến cho Energoatom thiệt hại gần 200 triệu USD. Bất chấp điều này, đầu tháng 6, hợp đồng với Westinghouse vẫn được gia hạn.

Chuyên gia Kondratyev bình luận: "Dù chưa rõ liệu Westinghouse có khai thác urani ở Ukraine hay không song khai thác ở Ukraine sẽ có lợi nếu xây dựng nhà máy làm giàu urani". Trong trường hợp ngược lại, chi phí vận chuyển sẽ khiến dự án này không thể hoàn vốn.

Viktor Murogov, cựu Phó tổng giám đốc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và là thành viên hội đồng chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Nga nghi ngờ sự quan tâm của Westinghouse với các mỏ urani của Ukraine. Ông nói: "Thị trường urani rất lớn, các trữ lượng lớn nằm không xa, không phải tại Ukraine, mà là ở Kazakhstan và Canada. Tất cả những gì còn lại đơn giản là thảo luận. Sản xuất nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân là một việc, song khai thác lại là việc khác".


TÌNH HÌNH ANH QUÝ II/2014
TTXVN (London 4/7) -

I/ Tình hình nội trị

1- Về đối nội

Các sự kiện nổi bật trong quý II tại Anh là cuộc bầu cử địa phương diễn ra cùng ngày 22/5 với cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Trong cuộc bầu cử địa phương, liên minh cầm quyền giữa đảng Bảo thủ và đảng Dân chủ Tự do (LibDem) đã để mất hàng trăm ghế vào tay Công đảng đối lập và đảng Độc lập Anh (UKIP) với chủ trương bài Liên minh châu Âu (EU) và chống nhập cư. Để giành lại uy tín, liên minh cầm quyền đã đưa ra một chương trình nghị sự chi tiết cho năm cuối cùng của nhiệm kỳ trong bài phát biểu của Nữ hoàng đọc trước Quốc hội Anh ngày 4/6, theo đó công bố 11 điều luật mới đề cập nhiều vấn đề, từ cải cách hưu trí, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, xử lý tham nhũng trong chính trị cho tới bảo hiểm, năng lượng...

Ở cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, đảng UKIP đã tạo ra một "cơn động đất" trên chính trường Anh khi dễ dàng đứng đầu tại cuộc bầu cử châu Âu, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại vị trí này không thuộc về một trong hai chính đảng truyền thống lừng lẫy là Công đảng hay đảng Bảo thủ. Trong 73 ghế mà Anh có tại Nghị viện châu Âu (EP) ở cuộc bầu cử năm nay, UKIP giành được 24 ghế (tăng 11 ghế so với ở cuộc bầu cử năm 2009), Công đảng được 20 ghế (tăng 7 ghế), đảng Bảo thủ được 19 ghế (giảm 6 ghế) và đảng LibDem chỉ còn giữ được 1 ghế (giảm 10 ghế). Thất bại của LibDem trút áp lực lên Phó Thủ tướng Nick Clegg về vai trò lãnh đạo của ông, trong khi chiến thắng của UKIP khiến đảng này trở thành yếu tố quyết định cán cân quyền lực trong trường hợp tổng tuyển cử năm tới tại Anh dẫn tới kết quả là một quốc hội "treo".

2- Về đối ngoại

Thủ tướng David Cameron đã thất bại trong việc ngăn cản ông Jean-Claude Juncker làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) nhiệm kỳ 2014-2019 tại hội nghị thượng đỉnh ngày 27/6 tại Brussels (Bỉ) khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đề cử cựu Thủ tướng Luxembourg này vào vị trí quyền lực trên. Trong số 28 nước thành viên EU, chỉ có Anh và Hungary bỏ phiếu phản đối đề cử. Ông Cameron đã gọi sự việc này là một khoảnh khắc buồn của châu Âu khi cho rằng liên minh 28 thành viên đang cần những cải tổ mạnh mẽ theo hướng giảm bớt sự tập trung quyền lực vào Ban lãnh đạo EC và cho rằng việc ông Juncker làm Chủ tịch EC có thể đẩy nước Anh gần hơn tới khả năng rời khỏi EU.

Quan hệ Anh- Iran đã có cải thiện tích cực trong quý II với tuyên bố của Ngoại trưởng Anh William Hague mở lại Đại sứ quán Anh tại Iran, chấm dứt khoảng thời gian đình trệ trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước kể từ khi xảy ra vụ tấn công của một số phần tử quá khích nhằm vào Đại sứ quán Anh ở thủ đô Tehran hồi tháng 11/2011.

3- Về kinh tế - xã hội

Quá trình phục hồi kinh tế tại Anh tiếp tục cải thiện khi thống kê của Cơ quan thống kê quốc gia Anh (ONS) cho biết đầu tư thương mại tại nước này trong quý đầu của năm nay đã tăng 2,7% so với quý trước đó và cao hơn 8,7% so với một năm trước đây. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2008. Ông David Tinsley, nhà kinh tế Anh tại tập đoàn BNP Paribas, nói rằng số liệu đầu tư thương mại này là "một điểm cộng lớn" giúp "tạo ấn tượng rằng quá trình phục hồi đang mở rộng ở mức độ nào đó". Sự phục hồi khá mạnh mẽ của nền kinh tế Anh đang được tiếp thêm đà khi mà hoạt động ngành chế tạo trong tháng 6 vừa qua ghi nhận tháng thứ 16 tăng trưởng liên tiếp và có nhịp độ tăng trưởng nhanh nhất trong 7 tháng trở lại đây. Chỉ số quản lý sức mua (PMI) ngành chế tạo trong tháng 6 tăng từ mức 57 điểm trong tháng 5 lên 57,5 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 12/2013. Markit - công ty tư vấn cung cấp số liệu khảo sát - nhận định ngành chế tạo là một trong những yếu tố giúp nền kinh tế Anh có nhịp độ tăng trưởng nhanh trong quý II/2014. Các chỉ số phụ cũng cho thấy ngành chế tạo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những tháng tới khi mà số lượng các đơn đặt hàng mới đứng ở mức cao nhất kể từ tháng 11/2013, trong khi các đơn hàng xuất khẩu cũng tăng mạnh. Ngoài ra, các nhà chế tạo cũng có thêm niềm tin để tuyển dụng thêm công nhân, với chỉ số tạo việc làm đứng ở mức cao nhất trong 39 tháng qua.

Trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục phục hồi, thị trường việc làm ở Anh ghi nhận thêm những tín hiệu tích cực với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, còn số người có việc làm tăng lên mức cao nhất trong hơn 43 năm qua. Số liệu của ONS ngày 14/5 cho biết số người thất nghiệp ở nước này trong quý I/2014 giảm 133.000 xuống còn 2,2 triệu người, tương đương 6,8% lực lượng lao động - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009.

II/ Quan hệ giữa Anh với Việt Nam và Trung Quốc

Sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng thềm lục địa của Việt Nam gây căng thẳng trong quan hệ hai nước, Chính phủ Anh cho biết nước này ủng hộ tuyên bố của Liên minh châu Âu (EU) đưa ra ngày 8/5 và đã nêu vấn đề này với Chính phủ Trung Quốc ở cấp Bộ trưởng.

Một số tổ chức hữu nghị với Việt Nam như Hội Hữu nghị Anh-Việt, Mạng lưới Việt Nam - Anh đều đã ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về hành động đơn phương của Trung Quốc và kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, thực hiện các biện pháp nhằm giảm căng thẳng và không có bất cứ hành động đơn phương nào có thể đe dọa đến hòa bình và ổn định trong khu vực, giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình khác trên tinh thần hữu nghị và hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc.

Theo đánh giá của phóng viên TTXVN tại London, căng thẳng Việt Nam - Trung Quốc vẫn được báo giới Anh quan tâm trong thời gian gần đây nhưng về cách đặt tít đã cho thấy có sự "thiên vị" Trung Quốc khi nhiều bài cùng rút tít "Trung Quốc cáo buộc Việt Nam..." thay vì ngược lại như thời gian đầu xảy ra khủng hoảng.

Trong tháng 6, Anh đã dành sự tiếp đón trọng thị đối với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Ke Qiang) sang thăm Anh lần đầu tiên kể từ khi lên nhậm chức hồi tháng 3 năm ngoái. Trong chuyến thăm này, Anh và Trung Quốc đã ký kết và công bố hàng loạt thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, tài chính - ngân hàng, đầu tư, văn hóa, giáo dục, công nghệ cao... trị giá hơn 14 tỉ bảng Anh. Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh, ông Lý Khắc Cường tuyên bố Trung Quốc và Anh sẽ phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỉ USD vào năm 2015.
PHỤ LỤC
Báo Wall Street Journal: Không nhiều kỳ vọng tại đối thoại Mỹ-Trung

TTXVN (New York 7/7) - Đánh giá về đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ-Trung lần thứ 6 (S&ED6) diễn ra vào ngày 9-10/7 tại Bắc Kinh, nhật báo Wall Street Journal (Mỹ) số ra ngày 7/7 cho rằng S&ED6 sẽ không tạo ra được tiến triển đáng kể nào trong quan hệ song phương Mỹ-Trung, và nó chỉ giúp ngăn chặn sự đi xuống của mối quan hệ đang căng thẳng giữa hai nước.

Theo WSJ, vào thời điểm này năm ngoái, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đang ca tụng về một kỷ nguyên mới của các mối quan hệ song phương hợp tác dựa trên sự hòa hợp cá nhân trong cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình (Xi Jin Ping) tại California tháng 6/2013. Nhưng trước thềm S&ED lần này, không nước nào dự đoán sẽ có những tiến triển trong các vấn đề an ninh cốt yếu như an ninh mạng, chương trình hạt nhân của Triều Tiên và các vấn đề tranh chấp trên biển ở châu Á.

Các quan chức và các nhà phân tích cho rằng các cuộc đối thoại định kỳ lần này cũng sẽ không kỳ vọng mang lại một đột phá lớn nào trong các vấn đề hai bên cùng có chung lợi ích là kinh tế, chẳng hạn như sự tiếp cận thị trường và việc định giá đồng nhân dân tệ (NDT). Dù vậy, một số chuyên gia và quan chức kỳ vọng rằng các cuộc đối thoại về hiệp định đầu tư song phương (BIT) có thể sẽ đạt một bước tiến trong S&ED lần này.

WJS cho rằng với ít kỳ vọng như vậy, các nhà phân tích và một số quan chức Mỹ nhận định, có lẽ Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew và đội ngũ cấp phó sẽ có chuyến đi hơn 11.000 km tới Bắc Kinh để ngăn chặn mối quan hệ không tiếp tục đi xuống. Hy vọng của cả hai bên lần này là họ có thể bình ổn các mối quan hệ một cách kịp thời để phục vụ cho cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama tại hội nghị thượng định các nhà lãnh đạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Bắc Kinh vào tháng 11 tới.

David Dollar, cựu đại diện của Bộ Tài chính Mỹ tại Bắc Kinh, người đã từng tham gia đối thoại S&ED, nhận định: "Có vẻ như đang có vòng xoáy đi xuống trong mối quan hệ. S&ED có thể giúp tạm dừng vòng xoáy đi xuống đó". Theo WSJ, sự đi xuống trong các mối quan hệ Mỹ-Trung trong năm qua phần lớn là do sự bất đồng sâu sắc về an ninh mạng và những nỗ lực gần đây của Trung Quốc trong việc thực thi các tuyên bố chủ quyền tại châu Á có tranh chấp với một số quốc gia, trong đó có hai đồng minh hiệp ước của Mỹ là Nhật Bản và Philippines.

Một số quan chức Mỹ và chuyên gia phân tích cho rằng sự đi xuống trong các mối quan hệ song phương cũng phản ánh sự thiếu định hướng trong chính sách Trung Quốc tại Washington, nơi chính quyền đương nhiệm trong hai năm cuối đang phải bận tâm về ngoại giao với Syria, Iraq và Ukraine. Phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes tuần trước nói rằng mối quan hệ Mỹ-Trung định hình tại cuộc gặp thượng đỉnh năm ngoái vẫn tồn tại những khác biệt, và Mỹ vẫn kỳ vọng sẽ có tiến triển trong cuộc đối thoại tuần này.

Một số quan chức khác trích dẫn tiến triển trong một số lĩnh vực bao gồm biến đổi khí hậu và đối thoại quân sự, và cho rằng họ đang thúc đẩy để có thêm tiến triển trên các lĩnh vực này, trong đó có một phiên bản cải tổ của Thỏa thuận Công nghệ Thông tin (ITA), một hiệp ước thương mại toàn cầu theo đó sẽ xóa bỏ những hàng rào thuế quan đối với hàng hóa công nghệ cao. Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman cho biết việc đạt được tiến triển vững chắc về ITA sẽ có những tác động tích cực tới các lĩnh vực hợp tác khác. Tiến triển vững chắc đó nằm trong tầm với của Trung Quốc nhưng vấn đề là Trung Quốc có muốn đạt được hay không.

Các quan chức cao cấp Trung Quốc ngày 7/7 nói rằng động lực tích cực vẫn tiếp diễn kể từ cuộc gặp của lãnh đạo hai nước năm ngoái. Các thành tựu đạt được gồm có việc mở rộng đầu tư và thương mại song phương, cùng hợp tác trong các vấn đề hạt nhân của Bán đảo Triều Tiên và việc Trung Quốc lần đầu tiên tham gia tập trận hải quân do Mỹ dẫn đầu tại Hawaii. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Trịnh Trạch Quang (Zheng Zeguang) nói rằng những khác biệt và bất đồng vẫn tồn tại và ông trích dẫn những "tuyên bố sai lầm" của Mỹ về các vấn đề an ninh mạng và hàng hải. Ông Trịnh cũng cho biết một trong những vấn đề quan trọng nhất của Mỹ là an ninh mạng không nằm trong chương trình nghị sự chính thức tại Bắc Kinh, dù các quan chức Mỹ nói rằng họ sẽ nêu vấn đề này ra tại đối thoại.

Một trong những kết quả tại S&ED năm ngoái là thỏa thuận tái khởi động đàm phán về hiệp định đầu tư song phương (BIT). Tuy nhiên, theo các nhà đàm phán Mỹ, các cuộc đối thoại về BIT bấy lâu nay vẫn chậm chạp do Trung Quốc đặt ra nhiều lĩnh vực hạn chế đầu tư. Các quan chức Trung Quốc nói rằng lập trường của họ là một bước đi đầu tiên bởi các quan chức Trung Quốc phải làm quen với ý tưởng từ giảm bớt quyền kiểm soát đối với các quyết định đầu tư. Các nhà phân tích cho rằng gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng những hạn chế đầu tư tại khu thương mại tự do Thượng Hải, và đây có thể là tiền đề cho những bước đi tương tự trong hiệp định đầu tư.
Xung quanh quan hệ quân sự Trung - Nga

TTXVN (Hong Kong 8/7) - Theo báo mạng Wantchinatimes của Đài Loan, thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc Đại lục vừa trích dẫn một bài viết trên ấn phẩm của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ có trụ sở tại Moskva cho biết, các quả ngư lôi của Trung Quốc hầu hết đều được thiết kế dựa trên những bộ phận hợp thành của Nga.

Bài viết dẫn lời chuyên gia phân tích người Nga Maksim Klimov cho biết, Liên Xô đã bắt đầu cung cấp ngư lôi cho các đồng minh của mình – bao gồm Trung Quốc, Indonesia, Ai Cập, Triều Tiên và các thành viên của khối Hiệp ước Warsaw - trong những năm 50 của thế kỷ trước. Mặc dù số lượng chính xác vẫn chưa rõ ràng, nhưng số ngư lôi này hầu hết là các quả ngư lôi 533mm Type 53-59.

Bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ trước, Indonesia và Nam Tư đã trở thành hai thị trường bổ sung lớn của các nhà xuất khẩu vũ khí Liên Xô. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CST) ở Thượng Hải đã ký một hợp đồng với hãng Rosvooruzhenie có trụ sở ở Moskva, tiền thân của Tập đoàn Rosoboronexport nổi tiếng, để nhập những thành phần hợp thành của những quả ngư lôi 211 TT1 do Nga sản xuất. Với những thành phần hợp thành này, Trung Quốc đã có thể thiết kế loại ngư lôi 533mm Yu-6 cho hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Tuy nhiên, loại ngư lôi Yu-6 không sử dụng thiết bị tự động quay về giống như loại ngư lôi 211 TT1.

Công nghệ tự động quay về của ngư lôi 211 TT1 không được Trung Quốc mua lại bởi vì hải quân PLA không tin tưởng vào thiết bị này. Thay vào đó, hải quân PLA sử dụng công nghệ phóng ngư lôi điện tử đa mục đích hiện đại dùng cho ngư lôi USET-80 533mm, được thiết kế bởi hãng Gidropribor, và được trang bị cho các tàu ngầm lớp Kilo Type 636.

Ngư lôi 66 UETT, một phiên bản xuất khẩu của các quả ngư lôi USET-80, đã được xuất khẩu cho Trung Quốc cùng với các tàu ngầm. Những quả ngư lôi này sẽ rất quan trọng đối với Trung Quốc trong việc phát triển những phiên bản thế hệ tiếp theo của riêng Trung Quốc.

Cũng liên quan quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Nga, báo mạng Wantchinatimes cho biết, Trung Quốc đã chấp nhận lời mời của Nga tham gia một cuộc thao diễn xe tăng được tổ chức ở thị trấn Alabino vào tháng 8 năm nay với những chiếc xe tăng do chính Trung Quốc sản xuất. Thông tin này được Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy Huấn luyện tác chiến thuộc Các lực lượng vũ trang Nga, Tướng Ivan Buvaltsev thông báo trên Đài Phát thanh Tiếng Vang Moskva của Nga.

Tướng Buvaltsev nói rằng tổng cộng 13 quốc gia sẽ tham gia vào cuộc thao diễn xe tăng được tổ chức từ 26/7 đến 16/8 tới, bao gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Angola, Venezuela, India, Mongolia, Serbia, Trung Quốc, Kuwait và Nga. Do hầu hết các quốc gia này đều không phải là các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây hay là các đồng minh của Liên bang Xô Viết trước đây, nên dự kiến chỉ có Trung Quốc và Kuwait sẽ mang xe tăng của riêng họ đến dự cuộc thao diễn này. Các đội nước ngoài khác sẽ tranh tài bằng xe tăng của Nga, hầu hết là loại xe tăng T-72B.

Nói về cuộc thao diễn, Tướng Buvaltsev cho biết: “Đây sẽ là những quốc gia sử dụng những chiếc xe tăng của chúng tôi và chúng tôi đã giành cho họ quãng thời gian huấn luyện trong 6 tuần, hoàn toàn vì mục đích tạo ra các cơ hội bình đẳng cho toàn bộ những nước tham gia tranh tài. Họ có thể làm quen với những cỗ máy và tập luyện tại một khu vực đặc biệt trong khi những nước khác đang huấn luyện ở trong nước”.

Tướng Buvltsev nhấn mạnh: “Chúng tôi đã tạo ra nhiều trở ngại hơn cho các đội – chặng đường thi đấu dài hơn với độ dài là 7km, một ngã tư nghiêng dốc gây khó khăn cho hoạt động di chuyển của các xe tăng và một số trở ngại khác. Các đội sẽ được chấm điểm với mức điểm cao nhất, nhưng sẽ chỉ có 4 đội vào tới chung kết”.

Hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ gửi lọai xe tăng nào tới Nga để tham gia cuộc tranh tài lần này. Trong một cuộc họp báo hồi tháng 5 vừa qua, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Cảnh Nhạn Sinh (Geng Yan Sheng) đã xác nhận rằng Trung Quốc sẽ bắt đầu tham gia cuộc thao diễn xe tăng này từ ngày 4/8 ở phía Tây Nam thủ đô Moskva./.







Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 212.33 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương