THÔng tấn xã việt nam



tải về 227.27 Kb.
trang2/2
Chuyển đổi dữ liệu26.11.2017
Kích227.27 Kb.
#34582
1   2

Đài RFI (đêm 28/8) - Lãnh đạo Trung Quốc là “bọn vô luật pháp, nổ súng bắn giết dân của chính họ và âm mưu xâm chiếm nước Australia”. Lời tuyên bố này của nhà tỷ phú, dân biểu Clive Palmer, người từng ủng hộ Trung Quốc, trên đài ABC đã gây sóng gió trong quan hệ giữa Canberra - Bắc Kinh trong một tuần lễ.


Ngày 26/8 vừa qua, dân biểu Australia Clive Palmer, tỷ phú, chủ nhân công viên khủng long Palmer Saurus đã gửi một bức thư đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra. Trong thư, ông xin lỗi đã có “ngôn từ” xúc phạm đến nhân dân Trung Quốc và trong tương lai sẽ tìm cách phát huy sự “cảm thông và hòa bình” giữa hai quốc gia. Những lời xin lỗi này có lẽ phát xuất từ tình thế bắt buộc: Trước tiên là để chuộc lỗi với công luận Australia vì lời lẽ khiếm nhã làm mất mặt chính giới Australia, thứ hai là để xoa dịu Trung Quốc. Vì cách đây một tuần, trong chương trình truyền hình tại Australia rất đông người xem, dân biểu tỷ phú Clive Palmer, 60 tuổi, làm giàu qua hợp tác với các đối tác Trung Quốc trong ngành than đá, đã tố cáo “chính quyền cộng sản Trung Quốc quỵt của ông 500 triệu AUD (khoảng 467 triệu USD)”. Ông Clive Palmer cho biết đã kiện đối tác tại tòa án Australia vì ông không tin vào Tư pháp Trung Quốc. Ông sử dụng ngôn từ rất nặng nề nào là Trung Quốc là chế độ “vô pháp luật” là bọn “lai căng”, là “cộng sản bắn giết dân của chính họ”.

Đối với công luận thì mọi người hiểu ngay là ông ám chỉ đến tình trạng tham ô, tư pháp thiếu độc lập tại Trung Quốc và vụ thảm sát Thiên An Môn 1989, đấu tố cải cách ruộng đất đẫm máu trong thập niên 1950. Tuy nhiên, ngôn từ bình dân thô bạo này đã gây một làn sóng phản đối không kém thô bạo trong báo chí nhà nước tại Hoa lục. Thời báo Hoàn Cầu viết nhiều bài xã luận kêu gọi chính phủ “phải có biện pháp mạnh trừng phạt” Clive Palmer và “cho Canberra một bài học”. Chưa đủ, tờ báo đại diện cho phe diều hâu trong Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn giải các lời tuyên bố của dân biểu Australia Clive Palmer biểu hiện cho xu hướng “du côn” đang lên tại Australia cũng như thái độ “thù nghịch Trung Quốc trong xã hội Australia”. Nhiều nhóm lợi ích của Trung Quốc tại Australia khẩn cấp lên tiếng và huy động được 200 người phần đông là du học sinh biểu tình phản đối trước trụ sở Quốc hội.

Lo ngại Trung Quốc sẽ nhân cơ hội này để gây sức ép vào lúc hai bên đang ở giai đoạn cuối cùng trong cuộc thương lượng một Hiệp ước tự do thương mại song phương, chính quyền Australia và đối lập đều phản bác Clive Palmer. Ngoại trưởng Julie Bishop cho rằng những lời bình luận bốc lửa trên Đài truyền hình là “vô ích và không thế chấp nhận được”, nhất là nó đến từ một vị dân biểu Quốc hội.

Bản thân dân biểu này chắc chắn là có nhiều kinh nghiệm hợp tác với Trung Quốc. Các con khủng long biết cử động, gầm thét trong công viên giải trí của ông tại SunshineCoast, bang Queenlands được chế tạo tại Trung Quốc và mới khai trương hồi cuối năm 2013.



RFI đặt câu hỏi với nhà báo Lưu Tường Quang từ Sydney, vấn đề then chốt là trong lúc Bắc Kinh không che giấu “giấc mơ” bá chủ tại châu Á - Thái Bình Dương, liệu quan điểm với Chủ tịch Đảng Palmer United Party có được đa số dân Australia chia sẻ như Thời báo Hoàn Cầu lo ngại hay không? Thái độ xoa dịu của chính phủ Australia là đồng tình với Bắc Kinh hay chỉ là chiến thuật? Theo nhà phân tích Lưu Tường Quang từ Sydney thì Clive Palmer đang có tranh chấp với đối tác quốc doanh Trung Quốc và đang kiện cáo. Sai lầm của ông là dùng lời lẽ “kỳ thị” để nói lên một phần lớn sự thật về chế độ Trung Quốc mà ai cũng biết:

“Chuyện thứ nhất, nếu ông Clive Palmer nói chế độ Trung Quốc là độc tài, độc đảng giết hại dân lành thì không ai chỉ trích ông vì thí dụ Thiên An Môn đã quá rõ ràng, quân đội Trung Quốc đem xe tăng cán nát hàng trăm sinh viên biểu tình. Phần thứ hai, khi ông nói Trung Quốc có tham vọng xâm chiếm tài nguyên của Australia như họ có tham vọng tương tự đối với Mông Cổ và Việt Nam thì điều này không đúng theo dữ kiện thực tế nhưng đúng theo cách nhìn của công chúng… đầu tư của Trung Quốc vào Australia thấp hơn so với đầu tư của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) nhưng 57% dân Australia chỉ trích chính phủ để cho Trung Quốc đầu tư quá nhiều tại Australia, có thể làm mất đi nguồn tài nguyên thiên nhiên. Còn điểm thứ ba về mối đe dọa xâm lăng của Trung Quốc thì các chuyên gia quốc phòng Australia tuy không lên tiếng bênh vực ông Clive Palmer, nhưng về thực chất thì chính sách của Australia là thắt chặt quan hệ với Mỹ, nới rộng hợp tác với Nhật, Indonesia, Philippines, Singapore và Việt Nam… vì Australia xem Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất trong 20 năm tới…. Phát biểu của dân biểu Clive Palmer thể hiện hoạt động dân chủ tại Australia. Tuy chính phủ Australia không ủng hộ nhưng đây là cái quyền phát biểu của ông, của một dân biểu….

Theo thăm dò ý kiến mới đây thì 1/3 công luận Australia xem Trung Quốc và Nhật Bản là bạn tốt. Nhưng điểm quan trọng là người ta phân biệt Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy 1/3 dân Australia xem Trung Quốc là bạn nhưng phân nửa lại coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất, trong khi không một ai xem Nhật Bản là mối đe dọa cho an ninh và sự tồn tại của nước Australia.…. Tại Việt Nam cũng có nhiều nhà trí thức, bảo vệ chủ quyền lên tiếng chỉ trích Trung Quốc xâm lược nhưng lời nói của họ bị chính quyền Việt Nam diễn giải sai đi…”.

KHỦNG HOẢNG UKRAINE
Xung quanh thông tin quân Nga được điều động tới tham chiến ở Ukraine

Đài BBC (đêm 28/8) - Tổng thống Petro Poroshenko hủy chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ với lý do “quân Nga đã triển khai” ở miền Đông Ukraine. Ông Poroshenko nói vai trò của ông là ở Kiev nhằm làm giảm căng thẳng ở khu vực Donetsk. Thông báo của ông được đưa ra trong lúc phe nổi dậy thân Nga chiếm giữ thành phố ven biển Novoazovski và đe dọa sẽ đánh chiếm thành phố cảng Mariupol, có vị trí chiến lược. Phe nổi dậy đã thành công trong việc lập nên một mặt trận mới trong cuộc xung đột.

Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel yêu cầu lời giải thích từ Tổng thống Nga Vladimir Putin trước thông tin quân đội Nga tiến hành xâm lược miền Đông Nam Ukraine. Ukraine nói binh lính Nga đã vượt qua biên giới và đang hỗ trợ cho các đợt tấn công của phe ly khai. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói nước này nghi ngờ một đợt phản công do Nga chỉ đạo đang được tiến hành. Nga đã nhiều lần phủ nhận vũ trang hoặc ngầm hỗ trợ cho quân nổi dậy. Ông Denis Pushilin, một lãnh đạo ly khai ở thành phố Donetsk, nói tại một buổi họp báo rằng Nga không có vai trò trong đợt phản công hiện nay. Ông Denis Pushilin nói: “Nếu Nga tham chiến thì có lẽ cuộc phản công đã tiến đến Kiev. Hiện nay, chúng tôi không cần sự giúp đỡ từ bên ngoài”.

Ông này cho biết phe ly khai đang tiếp nhận thêm quân tình nguyện từ nhiều nơi. Ngày 27/8, người đứng đầu chính quyền thị trấn Novoazovsk - có cảng nằm trên Biển Azov, nói xe tăng và xe thiếp giáp của quân ly khai đã tiến vào thị trấn. Quân ly khai đã tìm cách phá vỡ vòng vây ở phía Bắc vùng Donetsk từ nhiều tuần nay. Giới quan sát nói bằng việc mở ra một mặt trận ở phía Đông Nam, phe ly khai có thể đang tìm cách kiểm soát vùng lãnh thổ nối liền giữa Nga và Crimea cũng như Biển Azov. Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào tháng 3.

Hậu thuẫn công khai

Tin về các cuộc đụng độ mới được loan đi chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Petro Poroshenko hứa hẹn một lộ trình hòa bình cho miền Đông Ukraine. Tuyên bố của ông Poroshenko được đưa ra sau cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên về khủng hoảng với Tổng thống Putin kể từ tháng 6. Người phát ngôn của bà Merkel cho biết, trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Nga, bà Merkel đã yêu cầu làm rõ thông tin về việc quân đội Nga vượt qua biên giới để tiến vào lãnh thổ Ukraine. Phát ngôn viên Steffen Seibert nói: “Nga cần giải thích những thông tin mới nhất về sự hiện diện của quân đội nước này trên lãnh thổ Ukraine. Bà Merkel đã nhấn mạnh trách nhiệm của Nga trong việc tháo gỡ khủng hoảng và kiểm soát đường biên giới của mình”.

Điện Kremlin xác nhận cuộc gọi trên nhưng không công bố thêm chi tiết. Một nhà ngoại giao cao cấp của NATO nói Nga ngày càng trở nên công khai hơn trong việc hậu thuẫn phe ly khai. Nhà ngoại giao giấu tên này nói với báo giới tại Brussels: “Tôi nghĩ gần đây chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi, từ các hoạt động hậu thuẫn ngầm, mập mờ và có thể chối bỏ sang một sự hậu thuẫn rõ ràng, công khai”.

Hoa Kỳ cũng đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước những diễn biến mới nhất. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói với các phóng viên: “Hành động xâm lược này cho thấy nhiều khả năng một cuộc phản công do Nga chỉ đạo đang diễn ra ở Donetsk và Lugansk”.

Bà nói Washington để ý thấy “chính phủ Nga không sẵn sàng nói ra sự thật ngay cả khi các binh sỹ của nước này bị phát hiện bên trong lãnh thổ Ukraine”. Vào đầu tuần, 10 lính dù của Nga đã bị bắt giữ bên trong lãnh thổ Ukraine, cách biên giới Nga 20km. Điện Kremlin nói các binh sỹ này đã tiến vào Ukraine do sơ suất. Thị trưởng Novoazovsk, ông Oleg Sidorkin, nói với hãng thông tấn AP ngày 27/8 rằng quân ly khai đã tiến vào thị trấn và ông đã chứng kiến “hàng chục” xe tăng và xe thiết giáp chạy trên đường. Ukraine nói quân đội nước này vẫn đang kiểm soát thị trấn, nhưng cũng cho biết 7 ngôi làng ở phía Bắc đã rơi vào tay phe ly khai. Thị trấn Novoazovsk nằm ở phía Nam vùng Donetsk, gần thành phố cảng Mariupol, nơi quân đội Ukraine đã chiếm lại từ tay phe ly khai vào tháng 6. Sau cuộc gặp với Tổng thống Poroshenko hôm 26/8, ông Putin nói Nga sẽ trợ giúp cho các vòng đàm phán ngừng bắn, nhưng việc chấm dứt giao tranh là trách nhiệm của riêng Ukraine.

Đài VOA (đêm 28/8) - Ukraine tố cáo quân đội Nga xâm phạm lãnh thổ, một ngày sau khi các vị tổng thống của cả hai nước đồng ý hợp tác để chấm dứt cuộc nổi dậy của phe đòi ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine. Kiev nói rằng lính Nga trên xe tăng hôm 27/8, đã vượt biên sang miền Đông Ukraine, gần nơi Ukraine bắt giữ một nhóm lính nhảy dù của Nga hôm 26/8.

Giao tranh ác liệt tiếp tục diễn ra giữa các lực lượng chính phủ và các phiến quân đòi ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine, mặc dù hai vị tổng thống của Ukraine và Nga hôm 27/8 đã đồng ý hợp tác để chấm dứt vụ giao tranh. Ông Denis Pushilin, một thủ lĩnh phiến quân ở Donetsk tuyên bố phe đòi ly khai nhất định sẽ tách khỏi Kiev.

"Giờ đây, việc thảo luận về liên bang hóa là một tội phạm. Khi nói tới con số nạn nhân của phía chúng tôi, tôi muốn nói đó là những thường dân vô tội. Bây giờ chúng ta nên nói về một cuộc ly hôn trong hòa bình, chứ không nói tới việc là một phần của một nước Ukraine thống nhất. Nó không còn tồn tại nữa và sẽ không bao giờ trở lại."

Chính phủ ở Kiev cho biết một số xe tăng chở lính của Nga đã tiến vào Ukraine hôm 27/8, gần nơi Ukraine bắt giữ một nhóm lính nhảy dù của Nga hôm 25/8. Ông Andrey Lisenko của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine phát biểu như sau.

"Năm chiếc xe bọc sắt chở lính và một xe tải chở phiến quân đã tiến vào Amvrosivka. Nếu nhóm này đi lạc và đã vô tình đi vào lãnh thổ Ukraine, như các binh sĩ thuộc Sư đoàn lính dù 98 của Liên bang Nga đã làm, thì việc duy nhất mà chúng tôi có thể làm là nhắc nhở cho họ biết họ có thể trở lại Nga bằng cách đi về hướng Bắc. Đó là con đường duy nhất cho họ."

Các binh sĩ nhảy dù Nga nói rằng họ vô tình đi vào lãnh thổ Ukraine trong lúc tiến hành một cuộc diễn tập. Một thượng sĩ Nga bị bắt ở Ukraine, ông Vladimir Savosteyev, cho biết như sau.

"Súng ống của chúng tôi không lắp đạn. Chúng tôi không muốn bắn ai. Chúng tôi chỉ muốn tẩu thoát. Không ai trong nhóm chúng tôi biết được chuyện gì đang xảy ra.'

Ông Steven Pifer, một nhà phân tích ở Washington, cho đài VOA biết rằng Nga vẫn chưa từ bỏ những tham vọng lãnh thổ ở Ukraine.

"Người Nga có quá nhiều phương tiện: phương tiện quân sự, phương tiện kinh tế, phương tiện năng lượng – để gây bất ổn cho Ukraine, để làm cho cuộc sống của Ukraine bị khó khăn. Nếu Ukraine muốn quay lại với một cuộc sống bình thường hơn, thì phải có một giải pháp nào đó để làm cho Nga lùi bước để họ không gây ra những vấn đề khó khăn."

Ông Pifer cho rằng áp lực của phương Tây có thể góp phần làm cho Nga chấp nhận một giải pháp như vậy. Tuy nhiên, ông Anders Aslund, một cựu viên chức ngoại giao Thụy Điển đang làm việc ở Washington, nói rằng các biện pháp chế tài phải một thời gian khá lâu để phát huy tác dụng. Hôm 27/8, ông nói với đài VOA rằng Tổng thống Putin đang đối mặt với những vấn đề ở trong nước, nơi xác của lính Nga đã bắt đầu được đưa về từ miền Đông Ukraine.

"Các bà mẹ của những người lính ngày hôm nay đã đưa ra danh sách thương vong của 400 lính Nga, những người lính bị thiệt mạng hoặc bị thương. Ngoài ra còn có những mối quan tâm là những người này sẽ được đối xử như thế nào, vì không có một cuộc chiến tranh chính thức. Những quyền lợi hoặc sự đối xử với các quân nhân thường là một vấn đề rất quan trọng và đặc biệt là ở Nga. Do đó, vấn đề này có thể là một vấn đề lớn, và ngày hôm nay, chúng tôi thấy một hàng tít lớn trên báo chí Nga là “Phải chăng chúng ta đang có chiến tranh?”

Ông Aslund nói rằng tổng thống nào không trả lời được câu hỏi đó sẽ là một nhà lãnh đạo không được dân chúng ủng hộ.'



Đài RFI (đêm 28/8) - Đại sứ Mỹ tại Ukraine ngày 28/8, đã tố cáo Nga “trực tiếp can dự” vào các cuộc đụng độ quân sự giữa phe ly khai thân Nga và quân đội Ukraine tại miền Đông nước này. Trên mạng xã hội Twitter, Đại sứ Mỹ Geoffrey Pyatt viết: “Ngày càng có nhiều lính Nga can thiệp trực tiếp vào các trận chiến tại Ukraine. Từ nay, Moskva đã trực tiếp dính líu đến các vụ đụng độ và đã đưa đến miền Đông Ukraine hệ thống phòng không mới nhất, bao gồm cả hệ thống phòng không Pantsir-S1”.

Về phần mình, Tổng thống Pháp François Hollande, trong buổi gặp đại sứ các nước tại Paris sáng nay, nhấn mạnh rằng sự hiện diện của binh lính Nga ở miền Đông Ukraine là điều “không thể chấp nhận được”. Thông tin về khả năng lính Nga tham chiến trực tiếp ở miền Đông Ukraine được đưa ra gây lo ngại cho gia đình các binh sĩ, cho dù Moskva ra sức cải chính. Từ thủ đô Nga, thông tín viên RFI Muriel Pomponne gửi về bài tường trình:

“Theo một tờ báo ở Moskva, gia đình các lính dù Nga bị bắt tại Ukraine, đã được một sĩ quan quân đội tiếp đón. Họ được thông báo là ngoài 9 tù binh ở Ukraine, có 2 binh sĩ bị thiệt mạng và khoảng 10 người khác bị thương và được chữa trị tại các bệnh viện ở Rostov. Ủy ban các bà mẹ chiến sĩ khẳng định, các binh lính Nga lên đường từ ngày 20/8 và nghĩ rằng họ chỉ tham gia vào các cuộc tập trận thông thường. Dường như cấp trên của họ, vào giờ phút chót, mới cho các biết là hoạt động quân sự này sẽ kéo dài, và bảo gia đình gửi cho quần áo mùa Đông. Giờ đây, gia đình các binh sĩ tố cáo là quân đội đã nói dối.

Mặt khác, bà Ella Polakova, thành viên Hội đồng Nhân quyền cho rằng một số đông các binh sĩ Nga bị thương đang được điều trị tại Saint Petersburg. Bà cũng đề nghị Ủy ban điều tra tìm hiểu về cái chết của 9 binh sĩ người gốc Daghestan; theo thông báo chính thức, các binh sĩ này thiệt mạng trong khi luyện tập ở vùng Rostov, ngày 9 và 11/8. Nhiều nhà báo muốn tiến hành điều tra tại một nghĩa địa gần Pskov, phía Bắc nước Nga, nơi các lính dù thiệt mạng được an táng ngày 25/8. Thế nhưng, các nhà báo nhận được những lời đe dọa và người ta khuyên họ không nên tìm hiểu thêm về hoàn cảnh thiệt mạng của các binh sĩ”.



Đài TNNN (đêm 28/8) - Kiev và phương Tây liên tục cáo buộc Nga can thiệp vào Ukraine để biện minh cho sự thất bại mà quân đội Ukraine đang vấp phải nhiều ngày qua trong trận chiến với dân quân tự vệ.

Ông Alexander Zaharchenko, Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DNR) chỉ ra điều này hôm 28/8. Ông cũng lưu ý là trong số các dân quân tự vệ có những tình nguyện viên từ Nga, đặc biệt là các cựu quân nhân và họ có mặt ở Donbass bởi không thể thờ ơ với số phận người gốc Nga tại đây. Trả lời phỏng vấn của truyền thông Nga, ông Zakharchenko cho biết, dân quân tự vệ "chẳng bao giờ che giấu thực tế trong chúng tôi có nhiều người Nga, thiếu sự giúp đỡ của họ hôm nay chúng tôi sẽ vô cùng khó khăn."

"Suốt thời gian qua, trong hàng ngũ của chúng tôi có khoảng 3-4 nghìn người. Khá nhiều trong số họ đã trở về Nga. Số đông hơn vẫn còn ở đây. Đáng tiếc, đã có những trường hợp hy sinh," – ông Zakharchenko cho biết.

Đứng trong hàng ngũ của dân quân tự vệ DNR không chỉ có các tình nguyện viên người Nga. Ví dụ như người Hy Lạp. Báo Người đưa tin Athens cho biết cộng đồng đông đảo người Hy Lạp sống ở phía Đông Ukraine, tại Mariupol có cả trường đại học Hy Lạp Biển Đen. Tờ báo lưu ý, Novorossia chiến đấu "cho các giá trị nhân ái truyền thống", hàng ngũ của dân quân tự vệ có đại diện từ nhiều các quốc gia khác nhau. Đặc biệt, 2 tiểu đoàn người Serbia và thậm chí 25 người Mỹ, có cả người Hy Lạp. "Trong cuộc phản công được mở ngày 22/8 lãnh đạo các dân quân tự vệ người Nga đột phá hướng biển Azov là chỉ huy chiến đấu Fostiropulo" - tờ báo cho biết.



PHỤ LỤC
Sự thiếu logic đằng sau chiến lược châu Á của Nga

TTXVN (Washington 28/8) - Ngày 21/8, Tờ Thời báo Eo biển (The Straits Times) đăng bài bình luận của tác giả Jonathan Eyal với tựa đề "Sự thiếu lôgích đằng sau chiến lược châu Á của Nga". Tác giả nhận định rằng Nga đang thực hiện một chiến lược châu Á với lôgích khác thường vì cho rằng sự cạnh tranh quyết liệt giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ định hình đặc điểm của châu Á trong những năm tới, và châu Á sẽ không thể tạo ra được các cấu trúc an ninh khu vực chặt chẽ hơn. Từ đó, Nga đi đến quyết định thực hiện một vai trò chiến lược độc nhất với mục tiêu cuối cùng là Nga đều được tất cả các quốc gia quan trọng ở châu Á cần đến trong việc sử dụng làm đòn bẩy chống lại quốc gia khác. Tác giả cho rằng người thiệt hại lớn nhất từ trò chơi chính sách đối ngoại này chính là nước Nga. Nga sẽ không thể gặt hái được điều mà họ mong muốn nhất, đó là trở lại vị thế của một cường quốc. Kết quả tương tự rồi sẽ đến với các nỗ lực mới nhất của Nga trong việc hướng tới châu Á. Nó sẽ kết thúc giống như tất cả các cuộc xâm nhập vào châu Á trước đây của Moskva.

Nội dung bài bình luận như sau:

Người ta có thể cho rằng điều cuối cùng, Nga cần làm khi bị lôi kéo vào cuộc đối đầu lớn nhất với phương Tây kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, là xa lánh các nước láng giềng hơn. Tuy nhiên, đó lại chính là những gì mà Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đã và đang làm hiện nay thông qua việc cho phép tiến hành các cuộc tập trận trên quy mô lớn ở quần đảo tranh chấp Kuril, nơi Nga đã chiếm đóng vào năm 1945, chưa từng được Nhật Bản công nhận.

Người Nhật đang giận dữ. Thủ tướng Shinzo Abe nói: "Điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận đối với đất nước chúng ta". Các quan chức Nhật Bản cũng cho biết rằng năm ngoái đã có hơn 235 vụ, lực lượng không quân của Nhật Bản quần thảo với các máy bay chiến đấu của Nga. Tuy nhiên, sự thực là các động thái quân sự mới nhất của Nga chỉ vô tình liên quan đến Nhật Bản. Chúng là một phần trong trò chơi lớn và phức tạp hơn của Nga nhằm củng cố thế đứng vững chắc ở châu Á.

Chiến lược mới của Nga cố gắng nhân rộng mạng lưới các đồng minh song phương theo kiểu "trung tâm và nan hoa", điều mà Mỹ đã tạo ra tại khu vực. Tuy nhiên, không giống như hệ thống các liên minh của Mỹ được thiết kế nhằm tối đa hóa sức mạnh Mỹ, chính sách châu Á vừa chớm nở của Nga được thiết kế để che giấu sự yếu kém hiện nay của nước này. Điều này khó có thể thành công, tuy nhiên, nó có thể làm cho Nga trở thành một "kẻ phá bĩnh" tiềm tàng ở châu Á.

Nga luôn tuyên bố rằng mình là một cường quốc châu Á. Phần lớn lãnh thổ của nước này nằm ở châu Á như người Nga luôn tự hào nói biểu tượng quốc gia đại bàng hai đầu của họ trông về cả hai hướng Đông-Tây. Giống như câu chuyện con đại bàng hai đầu là một huyền thoại lịch sử, sự tin cậy của Nga ở châu Á cũng là như vậy.



Triển vọng châu Âu

Phần lớn dân số Nga sống ở châu Âu và tất cả các nhà lãnh đạo nước này cũng là người châu Âu vậy mà họ không có hiểu biết hay quan tâm đến các vấn đề châu Á. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên mỗi khi Nga cố gắng nhúng tay vào các vấn đề của châu Á thì kết quả lại là một thất bại đau đớn. Nga là cường quốc châu Âu hiện đại đầu tiên bị đánh bại hoàn toàn về mặt quân sự bởi một quốc gia châu Á trong cuộc chiến với Nhật Bản năm 1905. Giới lãnh đạo Xôviết tiếp theo cũng ở trong tình trạng không có gì khá hơn. Nga đã nắm lấy quần đảo Kuril từ Nhật Bản vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ Hai và nước này đã bí mật thúc đẩy các mối liên hệ với Trung Quốc. Điều cuối cùng, như Giáo sư Sergey Radchenko gần đây đã chỉ ra trong một một nghiên cứu về các nỗ lực ngoại giao gần đây của Moskva, cho rằng Nga đã tiếp tục thất bại trong các nỗ lực can dự của mình với các cường quốc châu Á sau sự sụp đổ của Liên Xô và đã bị đẩy ra "bên lề của thế kỷ Thái Bình Dương".

Các đặc điểm tồn tại liên tục trong chính sách của Nga qua nhiều thế kỷ là: xu hướng kinh niên coi châu Á chỉ đơn thuần là một phần bổ trợ cho các vấn đề châu Âu; mong muốn chuyển hướng sang châu Á chỉ khi tất cả các lựa chọn khác đã được thử nghiệm và thất bại; và chối từ những bài học rút ra từ những sai lầm trong quá khứ. Quyết định mới đây của Putin trong việc ký một thỏa thuận năng lượng khổng lồ trị giá 400 tỷ USD với Trung Quốc không nằm ngoài cái định dạng lịch sử này: nó được thực hiện chỉ trong tình trạng tuyệt vọng sau khi mối quan hệ của Putin với phương Tây trở nên chua chát. Nó đã chứng tỏ là một thỏa thuận thua thiệt so với những gì mà Nga có thể làm nếu họ ký kết vào những năm trước khi Trung Quốc ở vào vị thế cần hơn. Đây là lý do tại sao các chi tiết tài chính trong thỏa thuận Nga-Trung này vẫn là một bí mật được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, nhìn xa một chút, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều bằng chứng cho thấy thỏa thuận với Trung Quốc là nền tảng cho việc mở cánh cửa mới hướng tới châu Á, điều mà các nhà lãnh đạo Nga đang lo lắng về việc trở nên quá phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Họ cảm thấy bực bội với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Á và mang một nỗi sợ hãi gần có tính cố hữu về sức mạnh của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc toàn cầu. Nhiều nhà ngoại giao Nga ngày nay vẫn còn nhớ lời của Bộ trưởng Ngoại giao kỳ cựu Andrei Gromyko thời Liên bang Xôviết, khi ông cảnh báo các đồng nghiệp của mình rằng "bạn có thể đang ở tâm trạng phấn khích về Trung Quốc nhưng rồi thời gian sẽ làm tất cả các bạn phải rơi lệ". Do đó, Putin rất muốn đa dạng hóa chính sách châu Á của mình để tránh chỉ tập trung một mình vào Trung Quốc. Thay vì phải xử lý điểm bất lợi này, Putin lại cho rằng, sự vắng mặt của Nga trong một thời gian dài ở khu vực này là một nguồn sức mạnh.



Phương pháp tiếp cận có chọn lọc

Moskva chọn lọc những lập trường khác nhau mà nó sẽ thể hiện đối với các vấn đề an ninh chính của châu Á. Ví dụ, đối với các tranh chấp lãnh thổ gai góc ở Biển Đông, Moskva ủng hộ đàm phán đa phương để làm hài lòng Việt Nam hay Philippines, song cũng lập luận rằng các quốc gia nên giải quyết riêng rẽ với Trung Quốc nhằm làm hài lòng Bắc Kinh. Trong thực tế, Nga cố gắng để có được miếng bánh của riêng mình.

Điều tương tự như vậy cũng được Nga áp dụng đối với quan hệ song phương của nước này với từng nước châu Á khác. Nga cung cấp vũ khí cho Trung Quốc và hy vọng ngày càng bán được nhiều hơn. Bên cạnh đó, Nga cũng là người bán vũ khí chính cho Ấn Độ và Việt Nam, những nước mua vũ khí này chủ yếu là để đáp ứng trước điều mà họ cho là mối đe dọa từ Trung Quốc.

Putin cũng không tiếc lời ca ngợi Hàn Quốc và mời chào các bản hợp đồng năng lượng mới tại Seoul, trong đó có một dự án đường ống năng lượng trong mơ mà thực tế sẽ không bao giờ được xây dựng. Bên cạnh đó, ông cũng đã bỏ qua tất cả các khoản nợ mà Triều Tiên đã có với Nga, đồng thời, tự nâng mình lên như một người bảo vệ mới của Triều Tiên ngay khi Trung Quốc bắt đầu gây áp lực kinh tế đối với Bình Nhưỡng hồi đầu năm nay.

Quan hệ với Nhật Bản thậm chí còn dễ thấy hơn. Một mặt, Putin thường xuyên thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với nguồn vốn và công nghệ khoan nước sâu của Nhật Bản để khai thác năng lượng ở Siberia, đồng thời, nhà lãnh đạo Nga này đã lên kế hoạch chính thức thăm Tokyo vào tháng tới để ký kết các hợp đồng như vậy. Mặt khác, cũng chính ông là người đã ra lệnh tiến hành một cuộc tập trận quân sự làm nhấn chìm chuyến đi này và phần nhiều mối quan hệ vừa mới chớm nở với Nhật Bản.

Tuy nhiên, đằng sau chính sách đối ngoại thất thường trên là một lôgích khác thường của Nga. Nga cho rằng sự cạnh tranh quyết liệt giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ định hình đặc điểm của châu Á trong những năm tới. Bên cạnh đó, người Nga cũng tin rằng châu Á sẽ không tạo được các cấu trúc an ninh khu vực chặt chẽ hơn. Hai giả định này đã đưa Moskva đến kết luận rằng Nga có thể đóng một vai trò chiến lược độc nhất với kết quả cuối cùng là Nga đều được tất cả các quốc gia quan trọng ở châu Á cần đến trong việc sử dụng làm đòn bẩy chống lại quốc gia khác.

Việc bán vũ khí của Nga cho Ấn Độ và Việt Nam không chỉ với mục đích kiếm tiền, mà còn được sử dụng như là một lời cảnh báo gián tiếp đối với Trung Quốc không được xâm phạm quá xa vào Trung Á hay các vùng ảnh hưởng khác của Nga. Tương tự như vậy, sự liên kết chặt chẽ giữa Nga với Hàn Quốc và Nhật Bản không chỉ thu hút nguồn đầu tư đang rất cần với nền kinh tế Nga, mà còn được thiết kế để nhắc nhở Bắc Kinh rằng nước Nga có nhiều lựa chọn khác ở châu Á.

Đối với trường hợp Hàn Quốc và Nhật Bản, Moskva sẵn sàng chơi con bài Triều Tiên để chống lại Seoul, hay chơi con bài quần đảo Kuril để chống lại Nhật Bản. Các cuộc tập trận mới nhất tại quần đảo Kuril được tiến hành như một lời cảnh báo với Nhật Bản không được tham gia các biện pháp trừng phạt kinh tế do Mỹ dẫn đầu chống lại Nga.



Làm một người chơi thực sự ở châu Á

Cho đến nay, Nga chưa có đủ sức nặng kinh tế hoặc các khả năng quân sự lâu dài để biến mình trở thành người chơi thực sự ở châu Á. Thậm chí, với thế mạnh nguồn dầu khí của mình, trong bối cảnh nhu cầu nguồn năng lượng này vẫn còn rất mạnh, Nga vẫn còn cần nhiều năm đầu tư lớn vào các đường ống dẫn mà ở thời điểm hiện tại vẫn chưa hiện hữu, trước khi nước này trở thành một điều gì đó liên quan đến chiến lược trong toàn cảnh châu Á.

Tuy vậy, các trò chơi hiện tại của Nga vẫn có thể làm phức tạp các sắp đặt an ninh ở châu Á. Chính phủ Nhật Bản dường như đã tự thuyết phục rằng mình có thể sử dụng Nga để đối trọng với Trung Quốc. Các quan chức Triều Tiên phát biểu gần đây cho biết họ đã dành một vị trí quan trọng cho việc Nga "trở lại" châu Á. Tất cả chỉ là ảo tưởng và nó càng phủ thêm một lớp bất định và không thể dự báo lên châu Á.

Tuy nhiên, cuối cùng, người thiệt hại lớn nhất từ trò chơi này sẽ là chính nước Nga. Cho dù chính sách ngoại giao châu Á của Nga là tháo vát và giàu sức tưởng tượng, nhưng họ sẽ không thể gặt hái được điều mà họ mong muốn nhất, đó là sự trở lại vị thế của một cường quốc. Ông Viktor Chernomyrdin, vị Thủ tướng tại vị lâu nhất của Nga, một lần đã cố giải thích tại sao ông và các chính trị gia khác không thành công trong việc chặn đứng sự xuống dốc của đất nước mình. Ông nói: "Chúng tôi đã nỗ lực hết khả năng. Tuy nhiên, các vấn đề chẳng bao giờ được cải thiện". Kết quả tương tự rồi sẽ đến đối với các nỗ lực mới nhất của Nga nhằm hướng tới châu Á. Nó sẽ kết thúc như tất cả các cuộc xâm nhập vào châu Á trước đây của Moskva.

Đài RFI (đêm 28/8) - Ngày 26/8, Nhật Bản đã đình hoãn chuyến thăm Tokyo của Tổng thống Vladimir Putin, từng được dự trù vào mùa Thu này. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Nga đã nhiều lần khẳng định rằng nước Nga là một cường quốc châu Á. Nhưng chính sách đó được cho là không lôgích?

Trong một bài phân tích ngày 21/8, Jonathan Eyal, Thông tín viên tại châu Âu của nhật báo Singapore, The Straits Times, đã nêu bật tính chất được gọi là phi lôgích trong chiến lược châu Á của Moskva. Trong bài phân tích khá dài này có đoạn nói về chính sách Nga đối với Biển Đông trong tương quan với Việt Nam và Trung Quốc.

“Trên những hồ sơ an ninh thiết yếu tại vùng châu Á, Moskva thường gạn lọc những gì có lợi cho mình. Trong hồ sơ gai góc là tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông chẳng hạn, Nga ủng hộ việc đàm phán đa phương - một điều làm Việt Nam hay Philippines hài lòng - nhưng đồng thời lại lập luận rằng bản thân từng quốc gia phải đàm phán riêng lẻ với Trung Quốc, điều khiến Bắc Kinh rất thỏa mãn. Trong thực tế, Nga tìm cách được cả chì lẫn chài”.

Theo Jonathan Eyal chủ trương, có thể gọi là việc ăn cả hai đầu đó của Moskva cũng được thấy trong quan hệ song phương của Nga với từng nước châu Á: “Nga cung cấp vũ khí cho Trung Quốc và hy vọng sẽ bán được nhiều hơn. Tuy nhiên, họ cũng là nguồn cung cấp vũ khí chủ chốt cho Ấn Độ và Việt Nam, những nước mua các loại vũ khí đó chủ yếu là để đối phó với những gì mà hai nước này cho là mối đe dọa đến từ Trung Quốc. Putin cũng không ngớt lời ca ngợi Hàn Quốc và giương cao các hợp đồng năng lượng mới với Seoul, trong đó có một dự án đường ống dẫn dầu tuyệt vời nhưng nó sẽ không bao giờ được xây dựng. Tuy nhiên đồng thời, Putin lại xóa bỏ toàn bộ các khoản nợ mà Triều Tiên còn thiếu Nga, và tự phô trương mình trong tư cách là người bảo vệ mới của Triều Tiên, ngay vào lúc Trung Quốc bắt đầu gây sức ép kinh tế đối với Bình Nhưỡng hồi đầu năm nay.

Quan hệ với Nhật Bản thậm chí còn trồi sụt nhiều hơn nữa. Một mặt, Putin thường xuyên thể hiện một mối quan tâm gần như là thèm khát đối với tiền mặt đến từ Nhật Bản và công nghệ khoan nước sâu của nước láng giềng này, để có thể khai thác nguồn năng lượng dưới vùng Siberia. Về mặt chính thức, lãnh đạo Nga vẫn muốn thực hiện chuyến thăm Tokyo dự kiến ​​vào tháng 9, để ký kết một hợp đồng như vậy. Nhưng sau đó, ông lại cho tiến hành một cuộc tập trận mà tác dụng là phá vỡ chuyến đi Nhật Bản cũng như quan hệ vừa chớm nở với Tokyo”.

Theo thông tín viên của báo The Straits Times, quả là những người yếu tim không thể chịu đựng nổi nhịp độ lúc này lúc khác đó của ngành ngoại giao Nga. Tuy vậy, nhà báo cũng nhận thấy một lôgích nhất định trong đường lối ngoại giao lộn xộn đó của Nga: “Nga cho rằng một sự cạnh tranh mang tính chất sử thi giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ là đặc trưng của châu Á trong những năm tới đây. Người Nga cũng tin rằng châu Á sẽ không phát triển được một cấu trúc an ninh chặt chẽ hơn trong khu vực. Hai giả định đó đã đưa Moskva đi đến kết luận rằng Nga có thể đóng một vai trò chiến lược độc nhất vô nhị, và rốt cuộc, nước quan trọng nào ở châu Á cũng cần đến Nga, và họ có thể dùng nước này chống lại nước kia. Việc Nga bán vũ khí cho Ấn Độ và Việt Nam không chỉ nhằm mục đích kiếm tiền, mà còn có vai trò như một lời cảnh báo gián tiếp gửi tới Trung Quốc, yêu cầu nước này đừng dấn thân quá sâu vào vùng Trung Á hay các khu vực khác nằm trong vòng ảnh hưởng của Nga.

Tương tự như vậy, việc liên kết chặt chẽ giữa Nga với Hàn Quốc và Nhật Bản không chỉ nhằm thu hút đầu tư vốn rất cần thiết vào nền kinh tế Nga, mà cũng có tác dụng là một lời nhắc nhở Bắc Kinh rằng nước Nga có nhiều lựa chọn khác ở châu Á. Nhưng để hai nước như Hàn Quốc hay Nhật Bản đừng tưởng lầm là có thể vĩnh viễn dựa vào Nga, Moskva đã sẵn sàng đi nước cờ Triều Tiên để chống lại Seoul, hoặc nước cờ quần đảo Kuril để chống lại Nhật Bản. Cuộc tập trận gần đây nhất tại vùng Kuril đã được tổ chức để cảnh cáo Nhật Bản là không nên tham gia chiến dịch trừng phạt kinh tế chống lại Nga do Mỹ dẫn đầu”.

Đối với Jonathan Eyal, các chuyên gia phân tích phương Tây, vốn quen thuộc với trò chơi ngoại giao phức tạp tương tự như vậy của Nga ở châu Âu thường xem nhẹ những gì mà Moskva đang làm ở châu Á. Theo các phân tích gia này, suy cho cùng, Nga không có sức nặng kinh tế hoặc năng lực quân sự lâu dài để có thể trở thành tác nhân chủ chốt trong bàn cờ tại châu Á. Thậm chí, nguồn dầu khí của Nga mà nhiều nước đang rất cần, cũng chưa phát sinh tác dụng vì cần phải có nhiều nguồn đầu tư lớn, trong nhiều năm trời để thiết lập các đường ống dẫn dầu khi có giá trị chiến lược đối với Nga. Tuy nhiên, theo Jonathan Eyal, những gì mà Nga đang làm không phải là không có tác dụng, vì các hành động của Nga có thể làm phức tạp các thỏa thuận an ninh châu Á./.





Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 227.27 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương