Thức Thứ Tám Lâm Như Tạng Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc pl. 2549 dl 2005



tải về 3.01 Mb.
trang17/26
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích3.01 Mb.
#35588
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   26

V- TÂM BẤT TƯƠNG ƯNG HÀNH PHÁP

Theo nguồn gốc tư tưởng của pháp TÂM BẤT TƯƠNG ƯNG HÀNH thì Pháp nầy không thuộc về Vật cũng không thuộc về Tâm nên gọi là “tâm bất tương ưng hành”. Nhiều luận gia Phật Giáo cho rằng đây là một khái niệm đứng giữa Tâm và Vật. Nhiều luận gia còn liệt nó vào Vô Vi Pháp. Nhiều luận gia quy nạp vào nhân duyên.


Riêng theo nhận xét của chúng tôi thì “tâm bất tương ưng hành” nằm trong trăm pháp, mà theo quan niệm của Duy Thức Học thì ngoài tâm không có Pháp nào tồn tại trong ý nghĩa “tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Do đó trong mục nầy chúng tôi nghiên cứu và giải thích “tâm bất tương ưng hành” theo quan niệm Duy Thức Học, nghĩa là Pháp nầy cũng là những hành tướng biểu hiện của THỨC THỨ TÁM.
Vì khi đề cập đến một Pháp thì luôn luôn phải có 2 phần là thức năng phân biệt và Pháp sở phân biệt. Thế nên dù có những giả thuyết cho rằng “Tâm bất tương ưng hành Pháp” không phải Tâm không phải Vật đi chăng nữa nhưng nó không thể nằm ngoài Thức. Vì nếu nó nằm ngoài Thức thì chủ thể nhận thức để quyết đoán nó có hiện hữu là gì? Chủ thể nhận thức đó chính là Thức năng phân biệt, là công năng của Thức Thứ Tám.
A- Theo Luận Bộ Nam Phương
Trong Phẩm Loại Túc Luận của Nam Phương, khi phân loại vạn hữu vũ trụ theo nhân duyên luận, ngoài việc phân biệt Tâm và Vật còn thêm phần nữa gọi là “Thi Thiết’’ để giải thích về “tâm bất tương ưng hành’’ pháp. Trong A Tỳ Ðạt Ma đã đi từ phương diện Ý Thức mà bắt đầu luận chứng. Theo đó “Thi Thiết’’ có nghĩa là Quan niệm, hay là Khái Niệm, chính là khái niệm có liên quan đến hình thức tồn tại của một Pháp. Trong A Tỳ Ðạt Ma Pháp Yếu Luận của A Nậu Lâu Ðà thì “Thi Thiết’’ được chia làm hai loại đó là Danh Thi Thiết và Nghĩa Thi Thiết.

Nghĩa Thi Thiết là đối tượng của “khái niệm”. Danh Thi Thiết là chỉ cái đương thể của khái niệm đó.


Theo A-Ô-Ân-Thị thì nghĩa “Thi Thiết” nói trên gồm có 12 loại như sau:
1- Chân NhưThi Thiết: Liên quan đến quan niệm tồn tại, tức là đối với sự tồn tại của Ðệ Nhất Nghĩa.
2- Chấp Thi Thiết: Là quan niệm dẫn xuất từ sự tồn tại của Ðệ Nhất Nghĩa, đại khái là quan niệm đi vào nhận thức của con người mà tồn tại.
3- Tập Hợp Thi Thiết: Là quan niệm thích ứng với sự tập hợp của sự vật.
4- Loại Thi Thiết: Quan niệm về Chủng hay Loại.
5- Hình Thi Thiết: Quan niệm đối với hình thái của vật.
6- Phương Thi Thiết: Quan niệm về địa vị hay phương hướng của vật.
7- Thời Thi Thiết: Quan niệm về thời gian.
8- Không Thi Thiết: Quan niệm về không gian.
9- Tướng Thi Thiết: Quan niệm đối với các hiện tượng.
10- Phi Hữu Thi Thiết: Quan niệm đối với sự không tồn tại của vật.
11- Tương Tục Thi Thiết: Quan niệm đối với sự tương tục của vật.
12- Thế Tục Thi Thiết: Quan niệm đối với sự biểu thị thông tục.
Ðó là những tư tưởng của các luận sư Nam Phương triển khai về Thi Thiết, thế nhưng những tư tưởng nầy đã phát triển theo thuận tự như thế nào? Cái nào trước, cái nào sau, cho đến nay chưa thể kiểm chứng được.
---o0o---
B- Theo Luận Bộ Bắc Phương

Luận Bộ Bắc Phương lấy Hữu Bộ làm trung tâm. Bắc Phương rất chú trọng trong việc nghiên cứu về “tâm bất tương ưng hành pháp” nầy. Tiêu biểu trong các bộ luận như Pháp Uẩn Túc Luận, Xá Lợi Phất A Tỳ Ðàm, Phát Trí Luận, Phẩm Loại Túc Luận v.v... đã trình bày rất rõ ràng.


Theo luận bộ nầy thì Tâm Bất Tương Ưng Hành Pháp là các Pháp không đồng với những tác dụng Tâm Lý của con người và tính chất của những tác dụng đó cũng khác với những tác dụng Vật Chất. Do đó họ cho rằng nó ở giữa Tâm và Vật.
Tuy về thuyết Thực Hữu, Kinh Bộ đã phản đối chủ thuyết “tâm bất tương ưng hành pháp”. Nhưng các hệ phái về Duy Tâm Luận lại thái dụng thuyết nầy như trong Thành Duy Thức Luận và Duy Thức Luận.
Khái niệm được thu dụng sớm nhất có lẽ là đi từ Sinh, Trụ, Lão. Kế đến là Mệnh, Ðắc và được tiếp tục thêm vào đến chỗ rất phức tạp.
Trong mục “cộng xứ sở nhiếp pháp” của luận “Xá Lợi Phất A Tỳ Ðàm” cùng một lúc với Tâm Sở và Vô Vi đã đề cập đến Sinh, Lão, Tử, Mệnh, Kết, Vô Tưởng Ðịnh, Ðắc Quả, Diệt Tận Ðịnh v.v... (Xá Lợi Phất A Tỳ Ðàm Luận, quyển 1, Ðại Chánh, 28, trang 526, hạ; nghiên cứu A Tỳ Ðạt Ma Luận, trang 129).
Trong Pháp Uẩn Túc Luận cùng lúc đề cập đến các loại Tâm Sở và ba Vô Vi, đã kể đến Ðắc, Vô Tưởng Ðịnh, Diệt Tận Ðịnh, Vô Tưởng Sự, Mệnh Căn, Chúng Ðồng Phận, Y Ðắc, Sự Ðắc, Xứ Ðắc, Sinh, Lão, Trụ, Vô Thường, Danh Thân, Cú Thân và Văn Thân (Pháp Uẩn Túc Luận, quyển 10, Ðại Chánh, 26, trang 500).
Trong Phẩm Loại Túc Luận cũng lược kê các món như: Ðắc, Vô Tưởng Ðịnh, Diệt Tận Ðịnh, Vô Tưởng Sự, Mệnh Căn, Chúng Ðồng Phận, Y Ðắc, Xứ Ðắc, Sự Ðắc, Sinh, Lão, Trụ, Vô Thường Tính, Danh Thân, Cú Thân, Văn Thân, đó là những Pháp không tương ứng với Tâm nên được gọi là “Tâm bất tương ưng hành pháp” (Phẩm loại Túc Luận quyển 1, Ðại Chánh, 26, trang 692).

Ha Lê Bạt Ma trong Thành Thật Luận quyển 7, Bất Tương Ưng hành phẩm 190 (Ðại Chánh 32, trang 289) đã chỉnh lý lại các pháp nói trên và quy định thành 15. Tức là: Ðắc, Phi Ðắc, Vô Tưởng Ðịnh, Diệt Tận Ðịnh, Vô Tưởng Sự (hoặc là Vô Tưởng Quả), Mệnh Căn, Chúng Ðồng Phận, Dị Sinh Tính, Sinh, Trụ, Dị, Diệt, Danh Thân, Cú Thân và Văn Thân.


Trong Câu Xá Luận thì không kể đến Dị Sinh Tính nên chỉ còn 14 “Tâm bất tương ưng hành Pháp” các học giả Nhật Bản và Trung Hoa đều theo con số nầy.
Trong Phẩm loại Túc Luận lại mở ra như sau: “... nếu có những loại Pháp như thế, không tương ưng với Tâm, thì tóm lại đều gọi là “Tâm bất tương ưng hành” do đó “Tâm bất tương ưng hành pháp” quyết định không chỉ hạn định ở con số 14 hay 15.
Theo quan điểm nầy, phái Ðại Thừa Duy Thức luận tiêu biểu là trong Ðại Thừa A Tỳ Ðạt Ma luận của Vô Trước (quyển 1, Ðại Chánh, 31, trang 665) Tâm bất Tương Ưng hành Pháp đã tăng lên đến 24 như sau:
Ðắc, Phi Ðắc, Vô Tưởng Ðịnh, Diệt Tận Ðịnh, Vô Tưởng Dị Thục, Mệnh Căn, Chúng Ðồng Phận, Sinh, Lão, Trụ, Vô Thường, Danh Thân, Cú Thân, Văn Thân, Dị Sinh Tính, Lưu Chuyển, Ðịnh Dị, Tương Ưng, Thế Tốc, Thứ Ðệ, Thời, Phương, Số, Hòa Hợp (xem cách giải thích các pháp nầy trong sách Ðại Thừa A Tỳ Ðạt Ma Tạp Tập Luận quyển 2 của An Huệ, Ðại Chánh, 31, trang 700).
Theo Hữu Bộ chủ trương các pháp nầy cũng tồn tại như Tâm và Vật. Chẳng hạn khi một hiện tượng nào đó phát sinh, trong đó đương nhiên là đã có nhân duyên nhưng phải kể thêm Tâm bất tương hành là để hoàn thành cái nguyên nhân của sự vật đó.
Thế nhưng các phái như Kinh Bộ, Thành Thật Luận, Duy Thức Luận cho đó là giả lập (“Ðại thừa A Tỳ Ðạt Ma tạp tập luận” quyển 1, Ðại Chánh, 31, trang 665, hạ); trong Thành Thật Luận quyển 5, Pháp Tụ Phẩm 18, lại định nghĩa cho nó là “Vô Tác Nghiệp” (Ðại Chánh 32, trang 252, trung, hạ).
Dù được tán thành hay bị phản đối nhưng sự nghiên cứu về “Tâm bất tương ưng hành pháp” của Hữu Bộ đã giúp chúng ta có thể khảo sát về vạn hữu trở nên tinh mật hơn.

---o0o---


C- Ý nghĩa của các pháp tâm bất tương ưng hành
Ở đây chúng ta không thể giải thích một cách tường tận từng Pháp một vì nó rất phức tạp và cực kỳ khó khăn và tốn nhiều thì giờ. Chúng tôi chỉ xin lược qua một cách đại cương để quí độc giả tiện việc theo dõi.
1- Ðắc:
Ðắc là “được”, là chỉ trạng thái đã đạt đến một cảnh giới nào đó. Lúc đầu ví dụ được “Vô tưởng định” hay là Diệt Tận Ðịnh v.v... Do nơi tâm mà được một tập quán nhất định, không mất. Do đó Ðắc được thành lập thành một Pháp trong “Tâm bất tương ưng hành Pháp”. Hơn nữa khi phải phân tách một hiện tượng nào đó, ta phải tách rời các yếu tố và các yếu tố đó sẽ trở thành những yếu tố độc lập, nhưng khi phải kết hợp để tạo ra một hiện tượng mới tức là ta có khái niệm về Ðắc tức là được một cái gì đó rồi.
Theo luận Ðại Tỳ Bà Sa: Thánh Nhân và Phàm Phu khi còn trụ ở tâm vô ký thì không khác nhau đó là trên phương diện tạm thời mà nói về bề ngoài. Thế nhưng trong Tâm Thánh Nhân thì đã thành tựu Trí Vô Lậu “không mất” còn tâm phàm phu thì còn phiền não. Do đó nếu bỏ tâm vô ký đi thì tâm Phàm phu sẽ hoạt động khiến cho Phàm Phu và Thánh Nhân khác nhau. Như thế pháp Ðắc ở Thánh Nhân là trí vô lậu “không mất” khác với Phàm Phu là phiền não chưa dứt sạch. Ðắc theo các luận gia còn chia thành 3 loại đó là: “Pháp tiền đắc”, “pháp câu đắc” và “pháp hậu đắc”.
Tác dụng của Ðắc chỉ áp dụng cho những trạng thái tâm lý mà thôi không áp dụng trong những trường hợp “được” vàng, được “tiền” v.v... về phương diện vật chất. (Tham khảo luận Bà Sa quyển 158, Ðại Chánh, 27, trang 801; và Luận Câu Xá quyển 4).
2- Thứ hai là “Phi Ðắc”
Khi nói đến Ðắc không thể không đề cập đến Phi Ðắc là trạng thái tâm lý ngược lại với đắc, nó cũng là một Pháp được nhắc nhở đến.
3- Vô Tưởng Định
4- Diệt Tận Định
5- Vô Tưởng Quả:
Là những trạng thái hoạt động tuyệt diệt của tâm. Ðó là những trạng thái không thuộc về Tâm hay Vật nên chúng được liệt vào “Tâm bất tương Ưng hành Pháp”. Ðại Chúng Bộ và Hóa Ðịa Bộ lại liệt chúng vào Vô Vi Pháp.
6- Mệnh Căn:
Nghĩa là thọ mệnh, nguyên lý sống còn. Hóa Ðịa Bộ gọi là “cùng sinh tử uẩn”. Ðộc Tử Bộ gọi là “Phi tức phi ly uẩn ngã”. Hữu Bộ gọi đó là trạng thái hoàn toàn do Tâm, Thân tương tục mà thành một nguyên lý trừu tượng. Nó không mang một ý nghĩa của linh hồn (Nam Phương cho nó là một Pháp thuộc về vật chất).
7- Chúng Ðồng Phận:

Ðó là những khái niệm nguyên lý về đồng loại: Có 2 là Vô Sai Biệt và Hữu Sai Biệt.


Vô Sai Biệt: Chẳng hạn như bất luận là đàn ông hay đàn bà hay trẻ con nếu đứng trên phương diện người mà nói thì là nó có tính đồng nhất về chủng loại là loài người .
Hữu Sai Biệt: Giữa đồng loại với nhau nhưng lại có đàn ông khác với đàn bà... Phái Thắng Luận lại chia đồng phận thành cao-đẳng-đồng và liệt-đẳng-đồng.
8- Dị Sinh Tính:

Giải thích về địa vị trừu tượng của phàm phu do Hữu Bộ thành lập nhưng Câu Xá Luận lại không thừa nhận.



9- Sinh
10- Trụ
11- Dị
12- Diệt
Là bốn tướng thuộc về pháp hữu vi. Nó được các phái luận gia tranh luận một cách rất sôi nổi. Phát Trí Luận và Phẩm loại Túc Luận xem 4 tướng Sinh, Trụ, Dị, Diệt là nguyên lý của vạn hữu. Luận Bà Sa quyển 39 (Ðại Chánh 27, trang 200) ngoài Tứ Tướng kể trên họ còn cố tìm đến nguyên lý của Sinh, Trụ, Dị, Diệt là gì. Ngoài Sinh, Trụ, Dị, Diệt ra họ còn muốn biến Sinh, Trụ, Dị, Diệt thành nguyên lý của chính Sinh, Trụ, Dị, Diệt. Ðể vượt qua những khó khăn đó họ đã đề xướng ra thuyết “Tiểu Tứ Tướng” hay “Tùy Tướng”, vấn đề càng trở nên phức tạp nhưng không làm sáng tỏ thêm được phần nào.
13- Danh
14- Cú
15- Văn (theo Luận Bà Sa quyển 14, Ðại Chánh 27, trang 70)
Nhiều luận sư cho rằng Danh Thân, Cú Thân và Văn Thân không thật có. Các nhà Thanh Luận thì bảo rằng Danh, Cú, Văn lấy tiếng (thanh) làm tự tính, Tông nầy cũng xếp chúng vào “Tâm bất tương ưng hành Pháp”.
Danh có nghĩa là Danh Từ (danh thuyên tự tính).
Cú là câu văn, câu nói, dùng nó để diễn tả ý tưởng của con người hay là diễn tả một Pháp nào đó... (cú thuyên sai biệt). Văn là mẫu tự như: a, i, u, e ... Nhờ mẫu tự mà pháp ra thành tiếng nói để truyền đạt ý tưởng, nhờ danh từ mà chỉ ra được sự vật, các Pháp... Nhờ câu mà diễn tả ra nghĩa lý, ý tưởng... Cách giải thích những nguyên lý nầy giống như cách giải thích của Văn Ðiển Phái.
Ðó là những lý luận mà Hữu Bộ thường áp dụng.
Bắt nguồn từ những lý luận của Bà Sa Luận những phần sau đây chủ yếu là do Duy Thức Luận Phái thành lập.
16- Lưu Chuyển:
Nói lên tính liên tục bất đoạn của luật nhân quả.
17- Ðịnh dị:
Giải thích về luật nhân quả của những điều sai biệt.
18- Tương Ưng:
Giải thích về mối quan hệ bất tương ly của luật nhân quả .
19- Thế Tốc:
Giải thích về sự lưu chuyển nhanh chóng của luật nhân quả.
20- Thứ Ðệ:
Giải thích về sự lưu chuyển rất nhanh chóng nhưng diễn ra theo thứ tự.
21- Thời:
Giải thích về nhân quả lưu chuyển trong ba đời.
22- Phương:
Giải thích về sự lưu chuyển của luật nhân quả không bị giới hạn trong không gian nào cả.
23- Số:
Nói về số mục như: một, hai, ba, bốn ...
24- Hòa Hợp:
Giải thích về nhân quả do nhiều duyên hòa hợp mà thành (tham khảo A Tỳ Ðạt Ma tạp tập luận quyển 2, Ðại Chánh, 31, trang 700 , 701).

D- Dưới cái nhìn của nhân duyên quan về sự tương quan giữa tâm bất tương ưng hành và vô vi pháp


Nhân Duyên Quan được thành lập để thuyết minh sự tương quan của vạn hữu trong quy luật “Ðộng” của vạn hữu. Nhưng Vô Vi được thành lập theo tiêu chuẩn bất động bất biến, hoàn toàn trái ngược lại với Nhân Duyên Quan.
Như thế “Tâm bất tương ưng hành Pháp” đứng trên cương vị nào? Nó đứng ở vị trí trung gian giữa Vô Vi và Nhân Duyên. Mặc dầu như trên đã nói khi giải thích từng Pháp nó vẫn tuân theo qui luật nhân quả nhưng xét về bản chất thì không động bằng Nhân Duyên.
Vì “Tâm bất tương ưng hành” đứng giữa nên tùy theo mỗi luận sư giải thích có lúc được quy kết vào Nhân Duyên có lúc được qui kết vào Vô Vi pháp.
Theo Ðông Sơn Bộ chủ trương rằng Ðắc thuộc về Vô Vi pháp. Ðại Chúng Bộ và Hóa Ðịa Bộ lại cho rằng Tứ Vô Sắc là Vô Vi, về điểm nầy rất có thể là Vô Tưởng Ðịnh, Diệt Tận Ðịnh, Vô Tưởng Sự v. v... đã được xếp vào loại Vô Vi pháp.
A-Tỳ-Ðạt-Ma-pháp-yếu luận của Nam Phương lại xếp toàn bộ “Tâm bất tương ưng hành pháp” vào bộ Nhân Duyên Luận.
Tóm lại nếu quan niệm rộng rãi thì trong “Tâm bất tương ưng hành pháp” nầy có bao gồm cả Nhân Duyên và Vô Vi pháp. Hay ngược lại nếu Nhân Duyên được mở rộng thì sẽ thu nhiếp cả “Tâm bất tương ưng hành” và Vô Vi vào trong đó mà không ngăn ngại gì. Như thế ta có thể quan niệm tổng hợp được rằng “Tâm bất tương ưng hành”, Vô Vi và Nhân Duyên rất có liên hệ mật thiết với nhau về mặt tâm lý.

---o0o---




Каталог: downloads -> duy-thuc-tong -> hoc-duy-thuc
downloads -> Ủy ban nhân dân tỉnh bà RỊa vũng tàU
downloads -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam thành phố CẦn thơ Độc lập Tự do Hạnh phúc
downloads -> BỘ y tế Số: 19/2011/tt – byt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
downloads -> THỦ TƯỚng chính phủ CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
downloads -> THÔng tư Ban hành Quy chế công nhận trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia
hoc-duy-thuc -> TÂm lý HỌc phật giáo ht. Chơn Thiện o0o Nguồn
hoc-duy-thuc -> Chúng Tôi Học Duy Thức
hoc-duy-thuc -> TÂm lý HỌc phật giáo thích Tâm Thiện Xuất bản: Ban Văn hóa Trung ương ghpgvn o0o Nguồn

tải về 3.01 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   26




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương