Thức Thứ Tám Lâm Như Tạng Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc pl. 2549 dl 2005



tải về 3.01 Mb.
trang15/26
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích3.01 Mb.
#35588
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   26

II- LUẬN VỀ BỐN DUYÊN

Theo Tứ Duyên Luận thì những điều kiện thành lập vạn hữu gồm có 4 loại đó là: Nhân Duyên, Thứ Ðệ Duyên (còn gọi là đẳng vô gián duyên), Sở Duyên Duyên (còn gọi là cảnh giới duyên), và Tăng Thượng Duyên.


A- Sự liên hệ giữa 4 duyên và 10 Duyên
Khác với Lục Nhân Luận nói trên không những chỉ Tiểu Thừa Luận bộ mà ngay cả Ðại Thừa Luận bộ giáo cũng áp dụng Tứ Duyên Luận này.
Tứ Duyên Luận được nói đến trong kinh Phân-biệt-duyên-khởi-sơ-thắng-pháp-môn, quyển hạ thuộc kinh tạng Ðại Thừa.
Trong Thức-thân-tức-luận quyển ba (Ðại Chính, 26, trang 547, trung) của Ðề Bà Thiết Ma (theo truyền thuyết Ngài ra đời vào khoảng 100 năm sau Phật nhập diệt) đã có đề cập danh mục Tứ Duyên. Trong Thi Thiết Túc Luận cũng có bàn đến Tứ Duyên và được Luận Bà Sa dẫn dụng (Bà Sa quyển 21, Ðại Chính 27, trang 108, hạ). Theo các bộ luận đã dẫn thì Tứ Duyên Luận, theo truyền thuyết, được hình thành sau Phật nhập diệt độ trăm năm.
Ngoài ra trong Xá Lợi Phất A Tỳ Ðàm Luận (quyển 25-26, Ðại Chính 28, trang 679-687) có nói về Thập Duyên, vậy ta thử xem Thập Duyên và Tứ Duyên có liên hệ gì nhau không ? Thập Duyên đó là: 1/ Nhân Duyên, 2/ Vô Dáng Duyên, 3/ Cảnh Giới Duyên (Sở Duyên Duyên), 4/ Y Duyên, 5/ Nghiệp Duyên, 6/ Báo Duyên, 7/ Khởi Duyên, 8/ Dị Duyên, 9/ Tương Tục Duyên, 10/ Tăng Thượng Duyên.
Khi xét về luận lý của sự phát triển tư tưởng Ấn Ðộ và nguyên lý về sự biến thiên của tư tưởng, thông thường đi từ hình thức nhận thức đơn thuần tức là Tứ Duyên có trước rồi mới phát triển thành Thập Duyên. Bộ luận Xá Lợi Phất A Tỳ Ðàm có liên hệ sâu xa nhất với luận tạng Pali của Phật Giáo Nam Truyền. Bộ luận này có gắn liền với các bộ luận Tỳ Bà Băng Già và Bổ Ðặc Già La Thi Thiết Luận của Nam Phương. Như thế bộ luận Xá Lợi Phất A Tỳ Ðàm kể trên đã được xây dựng trên nền tảng của các tài liệu cộng thông giữa Nam Phương và Bắc Phương Phật Giáo mà thành.
Theo cách lý luận thông thường của Luận Lý thì ta có thể hiểu là cái đơn giản có trước rồi mới phát triển đến cái phức tạp hơn. Nếu chỉ nói một cách chung chung như vậy ta có thể kết luận rằng thuyết 4 Duyên đơn giản có trước rồi mới phát triển đến thuyết 10 Duyên rồi đến thuyết 24 Duyên. Nhưng theo sự lý luận và những dẫn chứng sau đây ta lại thấy ngược lại là thuyết 24 Duyên có trước rồi từ thuyết 24 Duyên phức tạp đó thuyết 10 Duyên mới được thành lập để đơn giản hóa và thiết thực hơn. Và cũng theo thực tế đó từ thuyết 10 Duyên phức tạp, thuyết 4 Duyên giản lược thực tế hơn được thành lập. Ðó là những bước tiến thực tiễn về sự phát sinh thuyết 4 Duyên có thể chứng minh được ở những đoạn sau.
Thuyết 10 Duyên không phải thoát thai từ thuyết 4 Duyên mà ngược lại thuyết bốn duyên là sự ra đời để phản đối lại thuyết 10 Duyên và được chỉnh lý để cho gọn nhẹ hơn và sát thực tế hơn là sự dài dòng không cần thiết của thuyết 10 Duyên. Ðiều đó được chứng minh qua các bộ luận của Nam Phương Phật Giáo. Theo luận A-Tỳ-Ðạt-Ma-Pháp-Yếu của A-Nậu-Lâu-Ðà, sau khi đã liệt cử 24 Duyên lại đem thu nhiếp thành 4 loại là: Sở Duyên Duyên, Ðẳng Vô Gián Duyên, Tăng Thượng Duyên, và Nhân Duyên.
---o0o---
B- Sự liên hệ giữa 10 duyên và 24 Duyên
Trong Ðại Phẩm Loại Luận cũng lại có đề cập đến Nhân Duyên Luận.
Trong Luận Sự có liệt kê Nhân Duyên gồm có 9 loại như sau:
1/ Nhân Duyên, 2/ Tăng Thượng Duyên, 3/ Câu Sanh Duyên, 4/ Căn Duyên, 5/ Thực Duyên, 6/ Ðạo Duyên, 7/ Cảnh Giới Duyên, 8/ Vô Gián Duyên, 9/ Tương Tục Duyên.
Số mục Nhân Duyên trong Ðại Phẩm Loại Luận là 24 và các Bộ Phái Nam Phương thường áp dụng con số nầy. Ðó là:
1/ Nhân Duyên, 2/ Cảnh Giới Duyên (Sở Duyên Duyên), 3/ Tăng Thượng Duyên, 4/ Vô Gián Duyên, 5/ Ðẳng Vô Gián Duyên, 6/ Câu Sinh Duyên, 7/ Hỗ Vi Duyên, 8/ Y Duyên, 9/ Cận Duyên, 10/ Tiền Sinh Duyên, 11/ Hậu Sinh Duyên, 12/ Tương Dục Duyên, 13/ Nghiệp Duyên, 14/ Báo Duyên (Dị Thục Duyên), 15/ Thực Duyên, 16/ Căn Duyên, 17/ Thiền Duyên, 18/ Ðạo Duyên, 19/ Tương Ứng Duyên, 20/ Bất Tương Ứng Duyên, 21/ Hữu Duyên, 22/ Phi Hữu Duyên, 23/ Ly Duyên, 24/ Phi Ly Duyên (tham khảo trong sách Compendium of Philosophy pp. 191-5, Visuddhumagga vol. II, p. 532).
Về hai bộ luận trên có lẽ Luận Sự được ra đời sau Ðại Phẩm Loại Luận nghĩa là Cửu Duyên nói trên được thành lập sau Nhị Thập Tứ Duyên trên đây mà thôi, vì được ra đời sau nên đó chỉ là sự thâu gọn lại từ 24 Duyên có trước. Nếu toàn bộ Luận Sự đã được chỉnh lý vào thời A-Dục Vương thì có thể nói thuyết 24 Duyên đã được thành lập vào thế kỷ thứ tư trước Tây lịch.
Thử tìm hiểu xem thuyết 24 Duyên có liên hệ gì đến thuyết 10 Duyên trong Xá Lợi Phất A Tỳ Ðàm không?
Thuyết 24 Duyên bao hàm toàn bộ thuyết 10 Duyên.
Trong 10 Duyên, thứ 7 là Khởi Duyên và thứ 8 là Dị Duyên mới đọc qua dường như không có liên hệ gì đến 24 Duyên, nhưng nếu nhận xét về tính chất của chúng thì Khởi Duyên tương đương với Cận Duyên còn Dị Duyên tương đương với Hỗ Vi Duyên của Nam Phương. Như thế giữa thuyết 10 Duyên của Bắc Phương và thuyết 24 Duyên của Nam Phương đã có liên hệ hỗ tương.
Vấn đề là thuyết nào có trước thuyết nào có sau? Trong sách Nghiên cứu A-Tỳ-Ðạt-Ma-Luận trang 127-132 của Kimura Taiken có phân tích thuyết 10 Duyên trong luận Xá-Lợi-Phất-A-Tỳ-Ðàm đã thoát thai từ thuyết 24 Duyên trong Ðại-phẩm-loại-luận. Vì thuyết 24 Duyên quá rộng rãi, có nhiều điểm mơ hồ trùng lặp không thiết thực do đó thuyết 10 Duyên ra đời là để đãi lọc và đưa ra thuyết 10 Duyên cho cô đọng và thiết thực hơn của luận Xá-Lợi-Phất-A-Tỳ-Ðàm. Ðó là một thực tế hiển nhiên mà trong giới học giả Phật Giáo ai cũng phải công nhận.
---o0o---
C- Sự liên hệ giữa 24 duyên và 4 duyên
Trong phần A đã đề cập đến sự liên hệ giữa 24 Duyên và 4 Duyên. A Nậu Lâu Ðà trong sách A-Tỳ Ðạt-Ma Pháp Yếu Luận sau khi liệt kê 24 Duyên lại qui kết thành ra 4 Duyên.
Sự phát triển của thuyết 4 Duyên đi từ thuyết 24 Duyên rồi đến thuyết 10 Duyên và sau cùng là thuyết 4 Duyên được thành lập.
Ðó là: Nhân Duyên, Thứ Ðệ Duyên (Ðẳng Vô Gián Duyên), Sở Duyên Duyên (Cảnh Giới Duyên) và Tăng Thượng Duyên.
Sau khi thuyết 4 Duyên được thành lập và được phổ thông hóa, các phái chủ trương thuyết 10 Duyên và 24 Duyên vẫn giữ vững lập trường không thay đổi.
Các phái Nam Phương vẫn cố chấp và tiếp tục lưu truyền thuyết 24 Duyên trong Ðại Phẩm Loại Luận.
Phái nào theo thuyết 10 Duyên trong luận Xá Lợi Phất A Tỳ Ðàm vẫn tiếp tục duy trì không thay đổi.
Phái chủ trương thuyết 4 Duyên dẫn dụng Kinh Phân Biệt Duyên Khởi Sở Thắng Pháp Môn và kết luận là Phật đã nói 4 Duyên. Cũng từ trong Kinh vừa nói phái nầy dẫn dụng “Bát Môn Duyên Khởi” để cho phù hợp với chân ý phân loại của Ðức Phật.
Ðó là:
1/ Cảnh Giới Duyên Khởi (nói cho đủ là: Thụ Dụng Thế Tục Cảnh Giới Duyên Khởi).
2/ Nhậm Trì Duyên Khởi.
3/ Thực Nhân Duyên Khởi.
4/ Tương Tục Duyên Khởi (còn gọi là: Nhất Thiết Sinh Thân Tương Tục Duyên Khởi).
5/ Y Trì Duyên Khởi (Nhất Thiết Sinh Thân Y Trì Duyên Khởi).
6/ Sai Biệt Duyên Khởi (còn gọi là: Nhất Thiết Sinh Thân Sai Biệt Duyên Khởi).
7/ Thanh Tịnh Duyên Khởi.
8/ Tự Tại Duyên Khởi
(Tham khảo “Phân Biệt Duyên Khởi Sơ Thắng Pháp Môn Kinh”, Ðại Chánh, 16, quyển hạ, trang 841, Huyền Trang dịch).
Nhận xét về nội dung của Bát Môn Duyên Khởi có quan hệ mật thiết với 24 Duyên và 10 Duyên kể trên, nó được liệt vào Phương Ðẳng Bộ có tính chất của Tiểu Thừa Luận Bộ.
Về sau Du Già Ðịa Luận tuy là áp dụng 4 Duyên thế nhưng luận sư lại cảm thấy chỉ dùng 4 Duyên để giải thích mọi hiện tượng trong vũ trụ dường như không thoải mái cho lắm cho nên mặc dầu dùng thuyết Tứ Duyên, Ngũ Quả (Dị Thục Quả, Tăng Thượng Quả, Ðẳng Lưu Quả, Sĩ Dụng Quả, Ly Hệ Quả) nhưng mặt khác lại lập ra thuyết 10 Nhân.
Thuyết 10 Nhân đó là: (1) Tùy Thuyết Nhân, (2) Quan Ðãi Nhân, (3) Khiên Dẫn Nhân, (4) Sinh Khởi Nhân, (5) Nhiếp Thụ Nhân, (6) Dẫn Phát Nhân, (7) Ðịnh Dị nhân, (8) Ðồng Sự Nhân, (9) Tương Vi Nhân, (10) Bất Tương Vi Nhân (Tham khảo: “Du Già Sư Ðịa Luận, quyển 5, Ðại Chánh, 30, trang 301). Thuyết 10 Nhân Luận nầy tuy khác hẳn với thuyết 10 Duyên luận về phương pháp thành lập nhưng vẫn lấy con số 10, và xét về nội dung của hai thuyết ta thấy có ít nhiều liên hệ với nhau.
Khi đứng trên lập trường Duy Thức Học mà nhận xét thì tất cả các thuyết kể trên đều là những điều kiện Trùng Trùng Duyên Khởi có lúc là Nhân có lúc là Duyên tất cả đều là những điều kiện cần thiết để Thức Thứ Tám có thể biểu biệt hoạt động được trước đối tượng của nó.
---o0o---
D- Luận về bốn duyên
Bốn Duyên đó là:
Nhân Duyên,
Thứ Ðệ Duyên (còn gọi là Ðẳng Vô Gián Duyên hay Vô Gián Duyên).
Sở Duyên Duyên (còn gọi là Cảnh Giới Duyên), và
Tăng Thượng Duyên.
1- Nhân Duyên
Tất cả các pháp đều do chủng tử làm nhân mới sinh ra quả. Dù là chủng tử sinh ra hiện hành hay hiện hành huân trở lại thành chủng tử cũng đều do chủng tử làm nhân mới sinh ra quả nên gọi là Nhân Duyên.
Trong các Duyên thì Nhân Duyên có một ý nghĩa trọng đại nhưng vì có những ý kiến bất đồng của các luận gia nên nó không có một ý nghĩa nhất định. Theo A Tỳ Ðạt Ma Pháp Yếu luận thì nhân là tham, sân, si, xả, từ bi và trí, tức là những hoạt động tâm lý chủ yếu. Từ những hoạt động tâm lý chủ yếu mà khởi lên một hiện tượng.
Nhưng theo Xá Lợi Phất A Tỳ Ðàm luận (quyển 25, Ðại Chính 29, trang 679) thì lại lấy đó làm hoạt động tâm lý mà chiêu cảm quả báo không ngừng, và tiến đến xa hơn nữa là thu nhiếp cả tứ đại vật chất vào trong đó. Họ cho rằng “nhân nghĩa là sinh, như mẹ đối với con’’. Duy Thức luận phái lại giải thích rằng “nhân nghĩa là chủng tử của Thức Thứ Tám, những chủng tử triển khai quan hệ vạn hữu’’.
Như vậy có thể nói NHÂN DUYÊN gồm cả tư liệu cộng thêm động lực vào nữa mà thành. Ví dụ khi xây cất một công trình thì vật liệu đương nhiên là NHÂN DUYÊN nhưng nhân công cũng là NHÂN DUYÊN nữa.
Theo thuyết nầy thì tất cả những sự vật được thành lập trong vũ trụ, không trực tiếp thì gián tiếp, đều bao gồm ý nghĩa nhân duyên trong đó. Ðó là sự giải thích của Bà Sa và Câu Xá. Hai bộ luận trên dựa vào Lục Nhân Luận của Hữu Bộ mà giải thích Nhân Duyên.
Theo Câu Xá luận thì NHÂN DUYÊN (trừ Năng Tác Nhân ra) bao gồm cả năm nhân kia là Câu Hữu Nhân, Ðồng Loại Nhân, Tương Ứng Nhân, Biến Hành Nhân, và Dị Thục Nhân.
Tại sao ở đây Câu Xá lại trừ Năng Tác Nhân ra. Vì Năng Tác Nhân lấy nguyên nhân “tiêu cực vô chướng ngại’’ làm chủ thể nên chỉ dùng năm nhân kia mà giải thích cho Nguyên Nhân. Nguyên nhân ở đây được hiểu là tác nhân tạo thành của tất cả mọi hiện tượng từ tâm lý đến vật lý trong vũ trụ.
Nguyên nhân là những yếu tố quan trọng chủ yếu, những điều kiện, những động lực thúc đẩy để những sự vật hay các pháp sanh thành, tồn tại và biến đổi. Nguyên nhân còn bao gồm cả nghĩa của Nhân Duyên nữa.
Như vậy Nhân Duyên là một từ rất tổng quát chỉ những nguyên nhân, điều kiện chủ yếu, những yếu tố quyết định không thể thiếu hoặc quá trình thành lập hiện tượng tâm lý hay vật lý nào đó quanh ta hoặc trong vũ trụ.
Trường hợp nầy có thể giải thích được là Nhân Duyên bao gồm những món như sau:
a- Tùy Thuyết Nhơn:
Các pháp đều có tên gọi của nó tùy theo đặc tính và công năng của từng loại. Cũng tùy theo đặc tính và công năng đó mà nó có thể gây ra những hậu quả riêng biệt.

b- Quán Ðãi Nhơn:
Thể theo sự quan sát, nghiên cứu một hiện tượng, một vật chất, tìm ra công năng và sử dụng công năng đó vào một việc gì.
c- Kiên Dẫn Nhơn:
Tất cả các pháp đều tiềm tàng động lực có thể tạo ra dẫn lực làm phát sanh ra những phản ứng dây chuyền tức là Kiên Dẫn Nhơn, cái trước làm nhân sanh ra cái sau.
d- Nhiếp Thọ Nhơn:
Những yếu tố bên ngoài hoặc bên trong hợp lại khiến cho chủng tử tiềm tàng của các pháp khởi ra hiện hành.
e- Sanh Khởi Nhơn:
Từ những chủng tử tiềm tàng trong Thức Thứ Tám nhờ những nhân duyên trợ lực phát khởi ra hiện tượng, mầm sanh khởi đó đã có sẵn trong hạt giống.
f- Dẫn Phát Nhơn:
Là nguyên nhân ngoại tại hoặc tiềm tàng trong chủng tử khiến cho các pháp phát sinh cái mới hoặc tăng trưởng.
g- Ðịnh Biệt Nhơn:
Từ một chủng tử nhất định hoặc là cái nhân nhất định sinh ra một quả nhất định; ví dụ hạt bắp chỉ sinh ra cây bắp chứ không thề sinh ra cây đậu được.
h- Ðồng Sự Nhơn:
Chỉ rõ công năng của các nhơn Quán Ðãi, Khiên Nhẫn, Nhiếp Thọ, Sanh Khởi, Dẫn Phát và Ðịnh Biệt, sáu nhân nầy có những công năng hỗ tương làm phát khởi ra hiện tượng mới, nghĩa là làm nhân phát sanh ra các hiện tượng tâm lý và vật lý mới tiếp diễn nhau không ngừng.

i- Tương Vi Nhơn:
Là những nghịch duyên của các pháp; ví dụ lúa non gặp nắng hạn nên bị tàn lụn đi.
j-Bất Tương Vi Nhơn:
Là những thuận duyên của các hiện tượng...
---o0o---
2- Thứ Đệ Duyên (còn gọi là Vô Gián Duyên hay Ðẳng Vô Gián Duyên)
“Ðây là nói Tám Thức cùng với các Tâm Sở mỗi niệm sanh diệt luôn không có gián đoạn. Hình trạng sanh diệt của nó là khi niệm trước vừa diệt, thì nó tránh đường để dắt dẫn niệm sau sanh ra. Vì sanh diệt tiếp tục như vậy, trước sau bình đẳng, không có vật gì chen vào làm gián đoạn nên gọi là “Ðẳng Vô Gián Duyên’’ (Duy Thức Phương Tiện Ðàm của Ðường Ðại Viên, HT Thiện Hoa - Việt dịch).
Chữ “thứ đệ’’ có nghĩa là trước sau, còn “duyên’’ là nhân duyên. Cái trước làm nhân cho cái sau sanh khởi nên gọi là “thứ đệ duyên’’.
Ví dụ như khi thắp ngọn đèn cầy gần tàn lụn vì muốn giữ cho nguồn sáng tiếp tục nên ta phải lấy đèn dầu châm vào cho nguồn sáng được tiếp tục, trước là đèn cầy sau là đèn dầu hai loại đèn khác nhau nhưng ngọn lửa không gián đoạn, nguồn sáng không gián đoạn, đèn trước là nhân của đèn sau.
Trong thuyết 24 Duyên thỉ Vô Gián Duyên đứng hàng thứ tư. Trong Xá Lợi Phất A Tỳ Ðàm luận thì Ðẳng Vô Gián Duyên đứng hàng thứ năm. Trong thuyết Tứ Duyên thì Ðẳng Vô Gián Duyên đứng hàng thứ hai. Trong thuyết 10 Duyên thì Vô Gián Duyên lại đứng hàng thứ hai. Như vậy Vô Gián Duyên đồng nghĩa với Ðẳng Vô Gián Duyên. Chủ yếu ở đây là chỉ sự quan hệ trước sau trong sự liên hệ tồn tại của các pháp. Ðây là chỉ cho sự chuyển biến không ngừng của chủng tử trong Thức Thứ Tám. Mặc dầu chuyển biến không ngừng nhưng không bao giờ gián đoạn. Khi niệm trước qua đi thì niệm sau liền sanh khởi không gián đoạn. Niệm trước làm nhân cho niệm sau không gián đoạn nên gọi là Ðẳng Vô Gián Duyên.
Niệm của Tâm hay Tâm Sở tuy là trước sau có khác nhau nhưng bản thể của Tâm đều phát xuất từ Căn Bản Thức là Thức Thứ Tám đều cùng một thể nên gọi là Ðẳng (bằng nhau) không khác nhau.
Trong Xá Lợi Phất A Tỳ Ðàm luận gọi đó là sự thay thế chỗ trống hay điền vào chỗ trống giữa tiền niệm và hậu niệm.
Còn “Vô Gián’’ nghĩa là không gián đoạn. Mặc dầu chủng tử trong Thức Thứ Tám chuyển biến luôn thành những dòng tâm thức nhưng không bao giờ gián đoạn ví như những giọt nước chuyển động liên tục thành một thác nước không gián đoạn mà ở xa ta có thể trông thấy như một dải lụa trắng.
Như thế Vô Gián Duyên hay Ðẳng Vô Gián Duyên chủ yếu là chỉ rõ quan hệ trước sau tương tục tồn tại của các pháp. Theo tâm lý học Phật Giáo thì tâm của chúng ta luôn luôn chuyển biến không lúc nào dừng nghỉ, không một lúc nào tâm ở trạng thái ngơi nghỉ hay dừng lại. Nguyên nhân dẫn khởi giữa hai niệm trước dứt và sau khởi đó là Duyên Khởi hay là Vô Gián Duyên.
Vì giữa niệm trước diệt và niệm sau sanh khởi không có một yếu tố nào khác xen vào nên gọi là Ðẳng Vô Gián Duyên, đây là sự giải thích của luận Câu Xá (quyển 7). Theo sự giải thích của Câu Xá luận và Bà Sa luận thì sự tương tục của các pháp là ở điểm tiến hành không gián đoạn, cái trước là Vô Gián Duyên của cái sau nhưng số lượng tiền hậu không nhất thiết là bằng nhau.
Ðẳng Vô Gián Duyên ở đây chỉ rõ bản thể sự chuyển động của chủng tử làm nhân, làm duyên lẫn nhau mà tồn tục mà sinh ra các pháp về tâm lý và vật chất trong vũ trụ.
---o0o---
3- Sở Duyên Duyên (còn gọi là Cảnh Giới Duyên)
Mỗi thức đều có Kiến phần là phần chủ thể và Tướng phần là khách thể. Khi chủ thể làm công việc nhận xét về đối tượng của nó thì theo Duy Thức Học gọi chủ thể là Kiến Phần Năng Duyên và khách thể là Tướng Phần Sở Duyên. Vì có hai chữ Duyên nên hai phần nầy hợp lại thành Sở Duyên Duyên.
Căn (tức là các cơ quan của con người) chỉ phát sinh THỨC sau khi nó đối diện, nhận xét về đối tượng của nó. Nếu không có đối tượng thì Thức không phát sinh được. Khi nói nhận xét thì phải nói là nhận xét về cái gì...
Nói một cách thông thường thì TÂM sinh khởi ắt phải nhờ vào cảnh, không có CẢNH thì TÂM không sinh... Trong luận Xá Lợi Phất A Tỳ Ðàm (quyển 25, Ðại Chánh 28, trang 680) lại giải thích như là cái đích và mũi tên được bắn đi, mũi tên chỉ nhắm vào đích mà bắn.
Trường hợp nầy được hiểu khi mắt xem hoa mới phân biệt được màu sắc và chủng loại của hoa, nếu trong phòng hoàn toàn tối thì có mắt cũng chẳng thấy được vật gì. Như vậy ta thấy có chủ thể và khách thể không chưa đủ mà cần phải có những điều kiện trợ duyên nữa thức mới phát sinh được.
Trong Duy Thức Học còn phân biệt thành hai phần là “Thân Sở Duyên Duyên’’, và “Sơ Sở Duyên Duyên’’.
a- Thân Sở Duyên Duyên:
Khi Kiến phần của một Thức Duyên qua Tướng phần của chính nó thì gọi là Thân Sở Duyên Duyên, đó là sự sinh hoạt bên trong nội thức chưa đả động gì đến đối tượng bên ngoài.
b- Sơ Sở Duyên Duyên:
Trong Duy Thức Học chủ trương rằng mọi hiện tượng quanh ta đều do thức biểu hiện, trong đó các cảnh vật, hoa lá... Những cảnh vật ta thấy được đó đều là Tướng Phần của Thức Thứ Tám. Mắt của ta nhìn ngắm cảnh vật đó và đưa ra nhận xét. Như thế là nhãn thức đã gián tiếp duyên tướng phần của Thức Thứ Tám. Trường hợp nầy Tướng phần của Thức Thứ Tám là Sở Duyên Duyên hay là Cảnh Giới Duyên của nhãn thức.
---o0o---
4- Tăng Thượng Duyên
Tăng Thượng Duyên là những điều kiện nội tại và ngoại tại hay chủ quan và khách quan khiến cho một hiện tượng nào đó tăng trưởng phát triển nhanh chóng hoặc tàn lụn nhanh chóng. Có hai loại đó là Thuận Tăng Thượng Duyên và Nghịch Tăng Thượng Duyên. Thuận thì tăng trưởng phát triển nhanh chóng nhưng nếu nghịch thì có tác dụng ngược lại.
Theo luận A Tỳ Ðạt Ma Pháp Yếu và Xá Lợi Phất A Tỳ Ðàm thì Tăng Thượng Duyên nói cho cùng không ngoài ý nghĩa chỉ cái tác dụng tinh thần mạnh mẽ. Có nghĩa là lòng ham muốn, tinh tiến, cho đến tư duy... những chí hướng mãnh liệt muốn đạt đến mục tiêu đã đặt ra. Trường hợp nầy Tăng Thượng Duyên là động cơ chính yếu làm trung tâm chi phối mọi hành vi của con người. Luận Xá Lợi Phất A Tỳ Ðàm muốn nói Tăng Thượng Duyên như là một ý chí chủ chốt tự tại có quyền năng chi phối phát xuất từ Căn Bản Thức (Thức Thứ Tám) làm động lực chính dắt dẫn các hành động khác để đưa đến một kết quả mong muốn nhưng còn phải tùy vào những trợ duyên khách quan nữa mới hội đủ điều kiện đưa đến một mục tiêu mong muốn.
Theo luận Câu Xá, Bà Sa giải thích thì Tăng Thượng Duyên trong thuyết bốn duyên với Năng Tác Nhân trong thuyết Lục Nhân luận không khác nhau. Ðó là tất cả các pháp trừ tự thể, các nguyên nhân hay điều kiện dù là tích cực hay tiêu cực chỉ cần trợ duyên cho một hiện tượng nào đó được thành lập thì đều thuộc về Duyên nầy. Nó là những động cơ trung tâm cộng với những điều kiện nội tại và bên ngoài để đưa đến kết quả thành lập hoặc thăng tiến của một hiện tượng. Trong trường hợp gặp Nghịch Tăng Thượng Duyên thì thay vì một hiện tượng mới được thành lập hay tăng trưởng ngược lại một hiện tượng sẵn có bị suy tàn sụp đổ.
Cũng theo luận Xá Lợi Phất A Tỳ Ðàm sau khi nghiên cứu thuyết minh từng Duyên một và tổng hợp lại thành sự hỗ tương và nói rõ tính chất dị đồng của các Duyên, chủ trương rằng vì tất cả mọi hiện tượng là do nhân duyên sinh. Những điều kiện khiến cho các hiện tượng được thành lập đó là DUYÊN. Do đó kết quả chung cùng sẽ là trùng trùng hay vô tận duyên khởi.
Thế nhưng nói như vậy không hẳn là đã rõ vấn đề. Vì theo A Tỳ Ðạt Ma luận đã hạn định rõ số mục các Duyên, theo đó giải rõ các Duyên đặc tính để thuyết minh về sự thành lập hiện tượng.
Ví dụ như trong thuyết 24 Duyên sự quan hệ giữa “tiền niệm tâm, tâm sở’’ và “hậu niệm tâm, tâm sở’’ là y cứ vào Vô Gián Duyên, Ðẳng Vô Gián Duyên, Phi Hữu Duyên, Ly Duyên, Tương Tục Duyên, và Tương Ứng Duyên. Ðứng trên thuyết Bốn Duyên mà nói thì tác dụng của Tâm và Tâm Sở tuy là y cứ vào toàn thể bốn duyên nhưng trong “Vô Tâm Ðịnh’’ thuộc “Vô Tưởng Ðịnh’’ thì thiếu mất một Sở Duyên Duyên mà y vào ba duyên còn lại, khi bàn đến tác dụng của vật chất thì chỉ bàn đến sự liên quan của hai duyên là Nhân Duyên và Tăng Thượng Duyên mà thôi (Câu Xá luận quyển thứ 7).
Thế nhưng theo nhận định hay quan niệm thông thường thì Tăng Thượng Duyên là tất cả những điều kiện kể cả thuận và nghịch xảy ra có liên quan đến sự thành lập, tăng trưởng, hay suy tàn của một hiện tượng.
---o0o---


Каталог: downloads -> duy-thuc-tong -> hoc-duy-thuc
downloads -> Ủy ban nhân dân tỉnh bà RỊa vũng tàU
downloads -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam thành phố CẦn thơ Độc lập Tự do Hạnh phúc
downloads -> BỘ y tế Số: 19/2011/tt – byt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
downloads -> THỦ TƯỚng chính phủ CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
downloads -> THÔng tư Ban hành Quy chế công nhận trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia
hoc-duy-thuc -> TÂm lý HỌc phật giáo ht. Chơn Thiện o0o Nguồn
hoc-duy-thuc -> Chúng Tôi Học Duy Thức
hoc-duy-thuc -> TÂm lý HỌc phật giáo thích Tâm Thiện Xuất bản: Ban Văn hóa Trung ương ghpgvn o0o Nguồn

tải về 3.01 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   26




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương