Thức Thứ Tám Lâm Như Tạng Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc pl. 2549 dl 2005



tải về 3.01 Mb.
trang12/26
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích3.01 Mb.
#35588
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   26

Bài tụng thứ ba:
Cực hỉ sơ tâm, bình đẳng tánh
Vô công dụng hạnh ngã hằng thôi
Như Lai hiện khởi tha thọ dụng
Thập Ðịa Bồ Tát sở bị côi (cơ)
Dịch:
Sơ tâm Cực Hỷ, Bình Ðẳng Tánh
Hạnh Vô Công Dụng, Ngã liền rơi
Thành Phật hiện thân Tha Thọ Dụng
Mười Ðịa Bồ Tát được độ rồi.
(Như Tạng Việt dịch)
Khi hành giả chứng được Sơ Ðịa tức là Sơ Tâm Hoan Hỷ Ðịa, Thức Mạt Na chuyển thành Bình Ðẳng Tánh Trí.
Khi chứng đến Ðịa Thứ Tám tức là Bất Ðộng Ðịa cũng gọi là Vô Công Dụng Hạnh các chủng tử ngã chấp trong Thức Thứ Tám mới được tẩy sạch. Lúc bấy giờ Thức Thứ bảy nầy cũng không còn tạo ra nghiệp lực nữa.
Khi hành giả chứng đến bậc Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác thành Phật, Thức Mạt Na đã chuyển thành Trí, lúc ấy hành giả hiện thân Tha Thọ Dụng để giáo hóa hàng Thập Ðịa Bồ Tát.
---o0o---
E- Năm thức cảm giác và hành trình tạo nghiệp của chúng

1- Năm Thức Cảm Giác
Năm Thức Cảm Giác còn gọi là Năm Thức Trước trong tám món Tâm Vương. Ðó là:
Nhãn Thức : Caksur-vijnãna
Nhĩ Thức : Srota-vijnãna
Tỉ Thức : Ghrãna-vijnãna
Thiệt Thức : Jihvã-vijnãna
Thân Thức : Kayã-vijnãna
Sở dĩ năm thức này được gọi là Năm Thức Cảm Giác vì chúng có liên hệ mật thiết với lĩnh vực sinh lý và vật lý của cơ thể và môi trường chung quanh.
Năm thức này cũng chỉ là những biểu hiện của Căn Bản Thức (tức Thức Thứ Tám) như trong Duy Thức Tam Thập Tụng có bài tụng:
Do nơi Thức Căn Bản
Năm Thức tùy duyên khởi
Hoặc cùng hoặc không cùng
Như sóng sinh từ nước
Do nương vào Thức Căn Bản tức là Thức Thứ Tám, năm Thức Cảm Giác này nếu hội đủ điều kiện chúng sẽ phát khởi ra phân biệt nhận xét về đối tượng của chúng. Hoặc cùng chung khởi hoặc chỉ phát khởi riêng lẻ nhưng tất cả năm thức này cũng chỉ là những biểu hiện của Thức Thứ Tám. Sự liên hệ của chúng với Thức Thứ Tám giống như NƯỚC (Thức Thứ Tám) và SÓNG (Năm Thức Cảm Giác).
Ngược dòng lịch sử để truy nguyên nguồn gốc của học thuyết Duy Thức, theo Giáo sư Takakusu người Nhật Bản trong sách The Essentials of Buddhism Philosophy có đoạn nói về nguồn gốc đó như sau: Bộ luận đầu tiên và căn bản nhất của học thuyết Duy Thức là Nhiếp Ðại Thừa Luận (Mahãyãna-samparigraha) do Vô Thức (Asangha) viết vào thế kỷ thứ V tại Ấn Ðộ, do người em là Thế Thân (Vasabandhu) chú giải. Phật Thủ (Buddhasanta) dịch ra Hán văn vào năm 531. Chân Ðế (Paramãrtha) vào năm 563, và Huyền Trang một lần nữa dịch ra Hán văn vào khoảng 648-649. Bản dịch của Chân Ðế được xem là mẫu mực nên nó trở thành bản văn căn bản của Nhiếp Luận Tông tại Trung Hoa.
Bộ luận này đặt trọng tâm vào 10 điểm như sau:
(1) / A Lại Ya Thức, từ đó tất cả các pháp hiện khởi.
(2) / Học Thuyết về Duy Thức, tất cả các pháp không có tương hệ tánh, phân biệt tánh cũng không có cả chân thực tánh.
(3) / Sự đắc ngộ trí tuệ Duy Thức.
(4) / Lục Ðộ Ba La Mật.
(5) / Thập Ðịa Bồ Tát (*)
(6) / Giới
(7) / Ðịnh
(8) / Huệ
(9) / Vô Phân Biệt Trí
(10) / Tam Thân Phật:
(a) Pháp Thân: Bản tính là lý thể và Trí Tuệ (Dharmakãya);
(b) Báo Thân: Hay thọ dụng thân chỉ thị hiện để độ hàng Bồ Tát (Sambhogakãya);
(c) Hóa Thân: Thị hiện để giáo hóa nhân loại, và các loài chúng sinh (Nirmãnakãya).
(*) Thập Ðịa Bồ Tát gồm có: 1) Hoan Hỷ Ðịa, 2) Ly Cấu Ðịa, 3) Phát Quang Ðịa, 4) Diệm Huệ Ðịa, 5) Nam Thắng Ðịa, 6) Hiện Tiền Ðịa, 7) Viễn Hành Ðịa, 8) Bất Ðộng Ðịa, 9) Thiện Huệ Ðịa, 10) Pháp Vân Ðịa.
Ngoài bộ luận khởi đầu của học thuyết Duy Thức nói trên còn có Duy Thức Hai Mươi Bài Tụng do Thế Thân viết và giảng giải và Duy Thức Ba Mươi Bài Tụng của Thế Thân mà chúng tôi đã nhiều lần đề cập ở những phần trên.
Trong Nhiếp Ðại Thừa Luận cho rằng “A Lại Ya Thức, từ đó tất cả các pháp hiện khởi’’ cũng như trong Duy Thức Tam Thập Tụng có câu “Do nơi Thức Căn Bản, Năm Thức tùy duyên khởi...“. Ý nghĩa không khác nhau mấy. Từ đó ta có thể hiểu các luận sư Duy Thức đã đưa ra học thuyết về Duy Thức là tất cả Ngã và Pháp đều do thức biểu hiện nghĩa là do thức biến hiện ra chứ không có tự tánh thật sự.
Theo Giáo sư Stcherbatsky có nêu ra những giai đoạn phát triển của triết lý Ðại Thừa như sau:
(1)/ Thế kỷ thứ I: Mã Minh (Asvaghosa) khởi xướng phong trào hưng khởi Ðại Thừa A Lại Ya Thức và Chân Như. Viết sách Ðại Thừa Khởi Tín Luận...
(2)/ Thế kỷ thứ II: Long Thọ (Nãgãrjuna) và Ðề Bà khởi lập học phái Tánh Không Duyên Khởi Luận.
(3)/ Thế kỷ thứ III và IV: Có hai vị nổi bật là Kiên Huệ (Saramati) và Di Lặc (Maitreya). Di Lặc là vị thầy trực tiếp hay gián tiếp của Vô Trước và tính cách lịch sử của ông thì không thể nghi ngờ gì được mặc dù có những huyền thuyết về ông nên có một số học giả cho rằng ông chỉ là một nhân vật tưởng tượng.
(4)/ Thế kỷ thứ V: Lập trường Duy Tâm (cũng gọi là Duy Thức) của hai anh em Vô Trước (Asangha) và Thế Thân (Vasubandhu).
(5)/ Thế kỷ thứ VI: Luận tranh giữa các trường phái Duy Tâm và Tánh Không, An Huệ (Sthiramati) và Trần Na (Dingnãga) đại biểu cho trường phái Duy Tâm, Phật Hộ (Buddhapalita) và Thanh Biện (Bhãvaviveka) đại biểu cho trường phái Tánh Không.

(6)/ Thế kỷ thứ VII: Nguyệt Xứng (Candrakĩrti) xiển dương hệ thống Trung Quán... (theo Giáo sư Takakusu trong sách The Essentials of Buddhism Philosophy đã dẫn).


Trong sách Ðại Thừa Khởi Tín Luận của Mã Minh đã nói về A Lại Ya Thức như sau: “Tâm Sanh Diệt, Y theo không sanh diệt của Như Lai Tạng, mà có tâm sanh diệt, tức là nói không sanh, không diệt của Như Lai Tạng và có sanh có diệt của tâm ô nhiễm tương ứng, không phải một không phải khác, tên gọi là A Lại Ya Thức. A Lại Ya Thức này có hai nghĩa, có thể chứa nhóm tất cả các pháp tập nhiễm và thanh tịnh, cũng có thể nảy sanh ra tất cả các pháp tập nhiễm và thanh tịnh, thế nào là hai? Một là nghĩa GIÁC (Giác ngộ), hai là nghĩa Bất Giác (chưa giác ngộ, còn mê)’’.
Trở lại Năm Thức Cảm Giác nói trên mỗi thức đều nương vào hai phần Phù Trần Căn là phần vật chất thô phù bên ngoài chúng ta có thể xúc chạm cảm giác được và phần vi tế ẩn tàng bên trong cơ thể gọi là Tịnh Sắc Căn cũng gọi Thắng Nghĩa Căn.
Ví dụ Nhãn Thức muốn phân biệt được đối tượng của nó, nó cần phải có tác dụng hỗ tương của hai phần: Phù Trần Căn là cơ quan của cặp mắt phía bên ngoài và Thắng Nghĩa Căn là hệ thống thần kinh bên trong cơ thể. Về phần Thắng Nghĩa Căn theo Thái Hư pháp sư và Thiền sư Nhất Hạnh thì đó là hệ thần kinh cảm giác và trung tâm tiếp nhận ấn tượng cảm giác trong não bộ.
“Hãy lấy ví dụ con mắt THẤY cái hoa. Con Mắt là phù trần căn, còn cái hoa, một hiện tượng của thế giới tánh cảnh, là đối tượng của con mắt. Sự XÚC CHẠM (xúc) tạo nên một hình ảnh của cái hoa in trên võng mô của con mắt; ấn tượng của hình ảnh này được lập tức chuyền tới trung tâm cảm giác của não bộ. Trong giai đoạn đầu chúng ta có mắt (phù trần căn) và hoa. Trong giai đoạn hai, chúng ta có võng mô, thị giác thần kinh (thắng nghĩa căn) và hình ảnh của cái hoa in trên võng mô ấy. Trong giai đoạn thứ hai này, chúng ta vẫn còn nằm trong phạm vi sinh lý và vật lý. Chỉ khi nào vượt đến giai đoạn thứ ba thì mới thực là có thức phát sinh. Năm thức trước và Ý thức vì vậy liên hệ mật thiết với sinh lý và vật lý, và không thể phát hiện và tồn tại ngoài sinh lý và vật lý. Vì vậy không thể nói là thế giới thực chất nằm trong các thức ấy.

“Vào giai đoạn thứ ba, thức được phát sinh. Và điều hệ trọng nhất là thức bao gồm trong đó cả phần chủ thể lẫn phần đối tượng. Kiến phần (darsanabhãga) và tướng phần (nimittabhãga) tức là hai phần thiết yếu không thể không có của thức, của nhận thức. Cảm giác luôn luôn phải là cảm giác về một cái gì; tri giác phải luôn luôn là tri giác về một cái gì; ý thức phải luôn luôn là ý thức về một cái gì; không thể có chủ thể riêng biệt với đối tượng. Cái ý niệm cho rằng có một cái thức tồn tại độc lập ngoài đối tượng của nó và đi tìm để cảm, để thấy để biết từ đối tượng này sang đối tượng khác là một điều sai lầm căn bản đối với Duy Thức Học.


“Thức, như vậy, là những dòng tiếp nối của cảm giác (nếu ta nói về năm thức đầu) hay của tri giác hoặc phân biệt (nếu ta nói về Ý Thức). Thức được phát hiện theo luật nhân duyên (điều kiện hóa) như bất cứ một hiện tượng hữu vi nào khác. Nhãn thức (thị giác) không thể tồn tại nếu không có nhãn căn tức là thị quan và sắc trần, tức là hình sắc. Sự tiếp nối của những chuỗi xúc chạm (sparsas) giữa các cảm quan sinh lý và đối tượng vật lý của chúng tạo nên tiếp nối của những chuỗi cảm giác mà ta gọi là thức. Vì luôn luôn chuyển biến, thức là những dòng cảm giác hay tri giác mà không phải là một cái gì bất biến có tính cách đồng nhất ... (theo sách Vấn Ðề Nhận Thức Trong Duy Thức Học của Nhất Hạnh)’’.
---o0o---
2- Tính chất và điều kiện của năm thức cảm giác

a- Tính chất:
Bài tụng thứ tám trong Duy Thức Ba Mươi Bài Tụng của Thế Thân nói về Thức Năng Biến thứ ba như sau:
Dvitiyah parinãmo yam trtĩyah sadvidhasya yã
Visayasyopalabdhih sã kusálãdvayã
Thứ đệ tam năng biến
Sai biệt hữu lục chủng
Liễu cảnh vi tánh tướng
Thiện bất thiện cu phi
(Huyền Trang dịch ra Hán văn)

Dịch:
Thức năng biến thứ ba


Sai biệt gồm sáu loại
Tánh, Tướng đều biểu biệt
Ðủ Thiện, Ác, Vô Ký
(Như-Tạng Việt dịch)
Thức năng biến thứ nhất là Thức Thứ Tám, Thức năng biến thứ hai là Mạt Na Thức. Sau cùng là Thức năng biến thứ ba gồm có sáu loại là: Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỹ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức và Ý Thức. Về Ý Thức đã khảo sát ở những phần trước, đây chỉ nói về năm thức còn lại.
Bài tụng nói Tánh và Tướng đều biểu biệt nghĩa là mỗi thức đều có lãnh vực hoạt động riêng biệt, thức này không thể làm công việc của thức khác. Ví dụ Nhãn Thức chỉ có thể phân biệt đối tượng của nó là những vật thể hữu hình cùng với những điều kiện trợ duyên cho nó như ánh sáng, khoảng cách... Nó không thể nghe và phân biệt được âm thanh là thuộc lãnh vực của Nhĩ Thức... chỉ trừ thức thứ sáu có thể tham dự vào các sự biểu biệt của năm thức còn lại dưới danh nghĩa là Tác Ý.
Từ những bài tụng kế tiếp trong Duy Thức Tam Thập Tụng của ngài Thế Thân và Bát Thức Qui Củ của Huyền Trang, Hòa Thượng Thích Thiện Hoa đã tóm lược như sau:
Trong năm mươi mốt món Tâm Sở (caitasika-dharma), năm thức này chỉ tương ứng với 34 món mà thôi.
Ðó là 5 món Biến Hành (sarvatraga): Xúc (cảm xúc, sparsa), Tác Ý (sự móng tâm, chú ý, Manaskãra), Thọ (lãnh thọ, vedanã), Tưởng (tưởng tượng, samjinã), Tư (suy tính, cetanã).
5 món Biệt Cảnh (viniyata): Dục (mong muốn, hy vọng, chanda), Thắng Giải (nhận định chắc chắn, adhimoksa), Niệm (nghĩa nhớ, smrti), Ðịnh (chuyên chú, samãdhi), Huệ (quan sát, hiểu biết, prajnã).
11 món Thiện (kusala): Tín (tin, sraddha), Tàm (tự thẹn, hri), Quí (hổ với người, apatrãpya), Vô Tham (không tham lam, alobha), Vô Sân (không giận, advesa), Vô Si (không si mê, amoha), Tinh Tấn (siêng năng, hăng hái không ngừng, virya), Khinh An (nhẹ nhàng an tĩnh, prasrabdhi), Bất Phóng Dật (không buông lung, apramãda), Hành Xả (vô tâm, upeksã), Bất Hại (không hại, ahimsã).
3 món căn bản Phiền Não (klesa): Tham (rãga), Sân (pratigha), Si (mũdhi).
2 món trung Tùy Phiền Não (upaklesa): Vô Tàm (không thẹn, ãhrĩkya), Vô Quí (không hổ, anapatrãpya).
8 món đại tùy phiền não: Trạo Cử (không yên, auddhatya), Hôn Trầm (hôn muội, styãna), Bất Tín (không tin, ãsraddhya, Giải Ðãi (biếng nhác, kausĩdya), Phóng Dật (buông lung, pramãda), Thất Niệm (quên, musitasmrtitã), Tán Loạn (lưu lãng, viksepa), Bất Chánh Tri (biết sai, asamprajanya).
Nói về Thể thì năm thức này chỉ có tự tánh phân biệt không có tùy niệm phân biệt và kế đạt phân biệt.
Ðó là những hành tướng, những biểu hiện hay cũng có thể gọi là bản tính, tính chất vừa thiện vừa ác của năm Thức Cảm Giác khi hoạt động phân biệt ngoại giới cũng gọi là đối tượng của chúng mà phát hiện ra.
Trong Ba Cảnh thì năm thức này chỉ duyên tánh cảnh (còn độc ảnh cảnh và đới chất cảnh thì chúng không có tác dụng đến), nghĩa là trong trường hợp cảm giác chúng trực nhận đến tánh cảnh của sự vật.
Trong ba lượng thì hình thức nhận thức của chúng là hiện lượng (còn tỷ lượng và phi lượng không thuộc hình thái nhận thức của chúng). Vì là Năm Thức Cảm Giác nên chúng chỉ tác dụng phân biệt đối tượng bằng trực giác Hiện Lượng không qua trung gian lý luận so sánh loại suy nên không bị rơi vào sai lầm trong nhận thức kiểu phi lượng.
Trong ba tánh thì chúng có đủ là thiện, ác và vô ký không thiện không ác.
Trường hợp tánh ác này là nguyên nhân chính khiến chúng tạo ra tội lỗi nghiệp lực.
Trong năm thọ thì chúng chỉ có khổ, lạc và xả thọ.
b- Ðiều kiện:
Trong Bát Thức Qui Củ Tụng của Huyền Trang có bài tụng nói về những điều kiện cần thiết để năm thức này có thể hoạt động được như sau:
Ngũ thức đồng y tịnh sắc không
Cửu duyên, bát, thất hảo tương lân
Hiệp tam, ly nhị, quán trần thế
Ngu giả nan phân thức dữ căn

Dịch:
Năm Thức cùng nương Tịnh Sắc Căn


Chín, tám, bảy duyên cùng phối hợp
Ba hiệp, hai rời, quán trần thế
Người dại khó phân Thức với Căn
(Như-Tạng Việt dịch)

Sở dĩ có được nhận thức hay cảm giác phân biệt được đối tượng mà ta thường gọi là Thức là nhờ CĂN (gồm có phù trần căn và tịnh sắc căn) xúc chạm (xúc) với đối tượng của nó trong những điều kiện mà CĂN ấy có thể hợp tác với thức để đưa đến phán đoán hay cảm giác về đối tượng đó.


Như vậy cả năm thức, thức nào cũng có CĂN mới có sự biểu biệt của Thức hay nói cách khác nếu không có CĂN là không có sự nhận thức hay cảm giác vế đối tượng tức là không có THỨC.
Nhãn Thức cần chín duyên nghĩa là 9 điều kiện mới hoạt động được, đó là: Hư Không, Ánh Sáng, Cơ Quan tức là CĂN (phù trần căn và tịnh sắc căn), Cảnh (cảnh vật chung quanh ta là đối tượng của nhãn thức), Tác Ý, Thức Thứ Tám, Thức Thứ Bảy, Thức Thứ Sáu, những Bản Hữu Chủng Tử của Nhãn Thức nằm trong A Lại Ya Thức. Nếu thiếu một điều kiện nào trong 9 yếu tố kể trên Nhãn Thức cũng không thể hoạt động được.
Nhĩ Thức chỉ cần có tám điều kiện đó là tất cả những điều vừa kể trên nhưng chỉ trừ ÁNH SÁNG, vì tai không cần đến ánh sáng vẫn nghe và phân biệt được những âm thanh, tiếng động.
Ba Thức còn lại là: TỶ, THIỆT và THÂN chỉ cần 7 điều kiện giống như Nhãn Thức kể trên nhưng trừ đi Hư Không và Ánh Sáng. Vì mũi không cần đến hư không và ánh sáng vẫn có thể phân biệ được hương vị của đối tượng. Sự nếm mùi của lưỡi và sự xúc chạm của thân cũng không cần đến hư không và ánh sáng.
Kể cả ba TỶ, THIỆT và THÂN phải tiếp xúc trực tiếp với đối tượng mới phân biệt được. Ví dụ mùi hương của bông hoa phải lọt vào hai mũi chúng ta mới cảm nhận được mùi hương ấy, lưỡi phải trực tiếp nếm đồ ăn chúng ta mới phân biệt được mặn, lạt, ngon, dở... Tương tự thân ta phải xúc chạm một vật mới biết vật ấy nóng hay lạnh v.v... Ba cơ quan này phải trực tiếp xúc chạm với đối tượng mới sinh ra được cảm giác phân biệt nghĩa là Thức mới phát sinh nên gọi là BA HIỆP.
Mắt và Tai phải cần một khoảng cách tương ứng với vật muốn nhìn và tiếng động muốn nghe thì hai cơ quan này mới có thể cảm giác phân biệt được đối tượng nên gọi là HAI RỜI.

Như trên đã nói CĂN (là các cơ quan gồm có phần cơ quan bên ngoài là Phù Trần Căn và hệ thần kinh bên trong gọi là Tịnh Sắc Căn hay Thắng Nghĩa Căn) phải tiếp xúc với TRẦN (tức là đối tượng của từng cơ quan) và phải đầy đủ những điều kiện cần thiết thì những cơ quan ấy mới nhận thức phân biệt được đối tượng của nó. Chỉ khi nào những cảm giác, phân biệt hiểu biết về đối tượng phát sinh mới gọi là Thức mà thôi. Những giai đoạn trước đó chưa có thức gì cả. Ðó là những điều hơi khó hiểu khi phải phân biệt Thức với Căn.


---o0o---
3- Hành trình tạo nghiệp của Năm Thức Cảm Giác
a- Các loại nghiệp
Khi đề cập đến Nghiệp các nhà Phật Học thường đứng trên hai phương diện để phân loại Nghiệp. Ðó là về Thời Gian và Tánh Chất của Nghiệp.
Về phương diện Thời Gian Nghiệp được chia làm bốn loại: Theo Kinh Nhân Quả thì bốn loại đó như sau:
(1)/ Thuận hiện Nghiệp: Ðời nay tạo Nghiệp, hiện đời nay thọ quả báo.
(2)/ Thuận sinh Nghiệp: Ðời nay tạo Nghiệp, đời sau mới thọ quả báo.
(3)/ Thuận hậu Nghiệp: Ðời nay tạo Nghiệp, cách mấy đời sau mới thọ quả báo.
(4)/ Thuận bất định Nghiệp: Nghiệp quả xảy đến không nhất định thời nào, có khi trong đời này, có khi đời sau, có khi nhiều đời sau mới xảy đến.
Trên phương diện Tánh Chất trong các Kinh, Luận thường phân thành bốn loại Nghiệp như sau:
(1)/ Tích lũy Nghiệp: Là những Nghiệp đã tạo ra từ nhiều đời trước tích tập lại.

(2)/ Tập quán Nghiệp: Là những Nghiệp tạo ra trong đời hiện tại, luôn luôn tiếp diễn, nên thành thói quen, thành tập quán, thành nếp sống riêng biệt.


(3)/ Cực trọng Nghiệp: Là những Nghiệp rất nặng có năng lực tác động mãnh liệt hơn cả các Nghiệp khác và chi phối tất cả. Nó phát khởi nghiệp quả ngay trong đời hiện tại, hay trong đời kế tiếp. Nó có thể là kết quả của những hành vi tốt đẹp nhất như hành vi của bậc tu hành chân chánh. Nó cũng có thể là kết quả của những hành vi xấu xa, vô đạo nhất như tội ngũ nghịch: Giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, làm hại Phật và chia rẽ Tăng đoàn.
(4)/ Cận tử Nghiệp: là những Nghiệp lực gần lâm chung, cũng rất mãnh liệt và chi phối rất nhiều trong sự đi đầu thai.
Khi nói về Nghiệp nặng nhẹ không phải do nơi hình thức bên ngoài mà là do có chủ mưu hay vô tình mà phân chia nặng nhẹ.
Trong kinh Ưu Bà Tắc có phân làm bốn trường hợp như sau:
(1)/ Hành động nặng mà Ý nhẹ: Như ném đá để dọa người mà lỡ tay làm người bị chết.
(2)/ Hành động nhẹ mà Ý nặng: Như ban đêm khi thấy một tượng đá tưởng là kẻ thù của mình cầm dao đến đâm, kết quả là tượng đá bị sứt mẻ, nhưng Ý thì nặng là muốn giết người.
(3)/ Hành động và Ý đều nhẹ: Ví dụ không thích một người nào đó nên dùng lời lẽ châm biếm người ấy.
(4)/ Hành động và Ý đều nặng: Ví dụ vì thù người nào đó cố Ý chủ mưu lập kế hoạch để giết người ấy và kết quả là đã phạm tội chủ mưu giết người.
Ði sâu vào chi tiết hơn về việc phân loại tội nặng nhẹ, kinh Ưu Bà Tắc có chia ra làm tám loại như sau:
(1)/ Phương tiện nặng như dụng Ý và kết quả nhẹ: Ví dụ dùng dao định để dọa người thôi nhưng chẳng may khiến họ bị thương.

(2)/ Dụng Ý nặng nhưng phương tiện và kết quả đều nhẹ: Ví dụ vì thù muốn giết người nhưng chỉ lấy đá ném nên kết quả chỉ làm người bị thương thôi.


(3)/ Kết quả nặng nhưng dụng Ý và phương tiện đều nhẹ: Ví dụ như ném đá chơi nhưng chẳng may trúng vỡ sọ người.
(4)/ Phương tiện và dụng Ý đều nặng nhưng kết quả nhẹ: Ví dụ muốn giết người dùng dao chém mạnh vào yết hầu nhưng may thay người ấy tránh được nên chỉ bị thương nhẹ thôi.
(5)/ Phương tiện và kết quả đều nặng nhưng dụng Ý nhẹ: Ví dụ vô Ý lái xe cán chết người.
(6)/ Dụng Ý và kết quả đều nặng nhưng phương tiện nhẹ: Ví dụ ác ý nói dối vu cáo người đến nỗi họ phải bị tù tội.
(7)/ Dụng Ý, kết quả và phương tiện đều nặng: Ví dụ muốn giết người và đã dùng dao chém người đến chết.
(8)/ Dụng Ý, kết quả và phương tiện đều nhẹ: Ví dụ muốn hù dọa bạn bè chơi nên dùng bộ da cọp giả làm cọp để vồ người, kết quả là khiến người ấy chỉ sợ trong chốc lát.
Ðọc những trường hợp phân loại Nghiệp một cách chi li rất khoa học và hợp lý như trên có thể nói Luật Hình Sự của các nước tiên tiến trên thế giới hiện nay cũng chỉ đi đến trình độ phân loại tội hình sự như thế là tột cùng rồi.
b- Hành trình tạo nghiệp
Ðể đi vào hành trình tạo Nghiệp của năm Thức Cảm Giác tưởng không gì chính xác bằng tổng hợp những tính chất của chúng từ đó truy nguyên ra việc tạo Nghiệp của chúng.
Thức nào cũng có cơ quan (tức là Căn) trên thân thể do đó khi nói THÂN tức là nói tất cả các CĂN của Năm Thức kể trên, hơn nữa CĂN là phần căn bản nhất của Thức. Do đó trong khi tạo Nghiệp hễ nói đến Căn là đương nhiên có cả Thức hiện khởi mới tạo nên Nghiệp.

Ngoài ra những phần trên đã liệt kê các tính chất của năm thức này như Tham, Sân, Si là ba món kịch độc đã là nguyên động lực dắt dẫn Thân, Khẩu, Ý vào vòng tội lỗi tạo ra đủ cả các loại Nghiệp như vừa nêu trên.


Ngoài ra hai món Vô Tàm, Vô Quí và 8 món đại tùy phiền não kể trên cũng là những động lực mãnh liệt dắt dẫn năm thức ấy vào vòng oan nghiệt tạo ra những Nghiệp không thể lường được nếu người ấy buông lung theo những dục vọng thấp hèn cho ba món độc dắt dẫn vào ác đạo.
Thế nhưng chúng ta vẫn có phương pháp đối trị hữu hiệu vì trong những bản tính xấu vừa kể năm thức ấy vẫn có 11 món thiện trong đó có Vô Tham, Vô Sân, Vô Si để đối trị hay triệt tiêu ba món Tham, Sân, Si vừa kể. Ðể đối trị Tham, Sân, Si còn có Niệm, Ðịnh, Huệ để trừ khử chúng.
Lại nữa để đối trị lại Vô Tàm, Vô Quí ta còn có Tàm, Quí nên chẳng hề chi.
Như thế theo phương pháp đối trị vừa nêu hành giả lo gì không trừ khử được Nghiệp xấu ác để tiến tu thành Bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác sau này nếu chúng ta tinh tấn không thối chuyển trên đường Chánh Niệm.
Nói đến đây chúng ta có đi xa ngoài Thức Thứ Tám không? Xin thưa là hoàn toàn không vì Năm Thức này cũng từ Thức Căn Bản tức là Thức Thứ Tám mà ra. Hơn nữa trong những điều kiện để cho chúng có thể hoạt động được Thức nào cũng cần phải có Thức Thứ Tám chỉ đạo (vì là “chủ soái trong nhà cậu đảm đang...". Nói đến tạo Nghiệp, tàng trữ Nghiệp và dẫn Nghiệp qua các đời sau cũng tức là nói đến công năng của Thức Thứ Tám...
---o0o---
F- Phân loại Nghiệp theo luận Xá Lợi Phất A Tỳ Ðàm
Trong luận Xá Lợi Phất A Tỳ Ðàm, Do Ngài Xá Lợi Phất viết, quyển 7, có phân biệt thành 90 loại Nghiệp như sau:
1- Tư nghiệp, tư dĩ nghiệp.
2- Cố tác nghiệp, phi cố tác nghiệp.
3- Thụ nghiệp, phi thụ nghiệp (nhận chịu hay không nhận chịu quả báo).
4- Thiểu thụ nghiệp, đa thụ nghiệp (chịu quả báo nhiều hay ít).
5- Thục nghiệp, phi thục nghiệp (báo gần hay xa).
6- Sắc nghiệp, phi sắc nghiệp (sắc là thân, khẩu, phi sắc là ý).
7- Khả kiến nghiệp, bất khả kiến nghiệp (sắc nhập có thể thấy, pháp nhập không thể thấy).
8- Hữu đối nghiệp, vô đối nghiệp (thanh sắc nhập có đối, pháp nhập không có đối).
9- Thánh nghiệp, phi thánh nghiệp (vô lậu và hữu lậu).
10- Hữu lậu nghiệp, vô lậu nghiệp.
11- Hữu ái nghiệp, vô ái nghiệp (hữu cầu và vô cầu).
12- Hữu cầu nghiệp, vô cầu nghiệp.
13- Ðương thủ nghiệp, phi đương thủ nghiệp.
14- Hữu thủ nghiệp (hữu thắng), vô thủ nghiệp (vô thắng).
15- Hữu thắng nghiệp, vô thắng nghiệp (hữu thượng và vô thượng).
16- Thụ nghiệp, phi thụ nghiệp (nội nghiệp, ngoại nghiệp).
17- Nội nghiệp, ngoại nghiệp (thụ và phi thụ).
18- Hữu báo nghiệp, vô báo nghiệp.
19- Tâm tương ưng nghiệp, phi tâm tương ưng nghiệp.
20- Tâm số nghiệp, phi tâm số nghiệp (y vào duyên và phi duyên).
21- Duyên nghiệp, phi duyên nghiệp (y vào tâm số và phi tâm số).
22- Cộng tâm nghiệp, phi cộng tâm nghiệp (y vào tùy tâm chuyển và bất tùy tâm chuyển).
23- Tùy tâm chuyển nghiệp, bất tùy tâm chuyển nghiệp (y vào cộng tâm và bất cộng tâm).
24- Phi nghiệp tương ưng nghiệp, phi nghiệp tương ưng, phi phi nghiệp tương ưng nghiệp (tương ưng với tư hay không tương ưng).
25- Cộng nghiệp, bất cộng nghiệp (y vào tùy chuyển nghiệp và bất tùy chuyển nghiệp).
26- Tùy nghiệp chuyển nghiệp, bất tùy nghiệp chuyển nghiệp (y vào cộng nghiệp và bất cộng nghiệp).
27- Nhân nghiệp, phi nhân nghiệp (y vào duyên nghiệp và bất duyên nghiệp).
28- Hữu nhân nghiệp, hữu duyên nghiệp ( hữu nhân=hữu duyên=hữu duyên chuyển nghiệp cộng nghiệp).
29- Hữu duyên nghiệp, hữu vi nghiệp (hữu duyên=hữu vi) .
30- Tri nghiệp, phi tri nghiệp (tri như sự tri kiến và bất tri như sự tri kiến).
31- Thức nghiệp, phi thức nghiệp (y vào hết thảy nghiệp thức, ý thức, như sự thức, và không).
32- Giải nghiệp, phi giải nghiệp (y vào tri như sự tri kiến và bất tri như sự tri kiến).
33- Liễu nghiệp, phi liễu nghiệp.
34- Ðoạn trí tri nghiệp, phi đoạn trí tri nghiệp (y vào bất thiện nghiệp và thiện nghiệp).
35- Ðoạn nghiệp, phi đoạn nghiệp (y vào bất thiện và thiện).
36- Tu nghiệp, bất tu nghiệp (y vào thiện bất thiện, vô ký).
37- Chứng nghiệp, phi chứng nghiệp (y vào chứng như sự tri kiến và bất chứng như sự tri kiến).
38- Giáo nghiệp, vô giáo nghiệp (thân, khẩu là giáo nghiệp, ý là vô giáo nghiệp; hay, sắc nhập giáo nghiệp, pháp nhập vô giáo nghiệp).
39- Thân hữu giáo nghiệp, thân vô giáo nghiệp.
40- Khẩu hữu giáo nghiệp, khẩu vô giáo nghiệp.
41- Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp.
42- Giới nghiệp (thiện, bất thiện, vô ký).
43- Thân giới nghiệp, thân vô giới nghiệp, thân phi giới phi vô giới nghiệp.
44- Khẩu giới nghiệp, khẩu vô giới nghiệp, khẩu phi vô giới nghiệp.
45- Ý giới nghiệp, ý vô giới nghiệp, ý phi giới phi vô giới nghiệp.
46- Thiện nghiệp, bất thiện nghiệp, vô ký nghiệp.
47- Học nghiệp, vô học nghiệp, phi học phi vô học nghiệp.
48- Báo nghiệp, báo pháp nghiệp, phi báo, phi báo pháp nghiệp.
49- Kiến đoạn nghiệp, tư duy đoạn nghiệp, phi kiến đoạn, phi tư duy đoạn nghiệp.
50- Kiến đoạn nhân nghiệp, tư duy đoạn nhân nghiệp, phi kiến đoạn nhân nghiệp, phi tư duy đoạn nhân nghiệp.
51- Tỳ nghiệp, trung nghiệp, thắng nghiệp.
52- Thô nghiệp, tế nghiệp, vi nghiệp.
53- Thụ lạc nghiệp, thụ khổ nghiệp, thụ xả nghiệp (tam thụ tương ưng nghiệp).
54- Lạc thụ nghiệp, khổ thụ nghiệp, xả thụ nghiệp (nói về phương diện quả báo).
55- Lạc thụ nghiệp, khổ thụ nghiệp, phi lạc phi khổ nghiệp (y vào quả báo thiện, bất thiện, vô ký) .
56- Hỷ xứ nghiệp, ưu xứ nghiệp, xả xứ nghiệp.
57- Hỷ xứ nghiệp, ưu xứ nghiệp, phi hỷ xứ, phi ưu xứ nghiệp.
58- Hiện pháp thụ nghiệp, sinh thụ nghiệp, hậu thụ nghiệp (tam thời nghiệp).
59- Dữ lạc nghiệp, dữ khổ nghiệp, bất dữ lạc bất dữ khổ nghiệp.
60- Lạc quả nghiệp, khổ quả nghiệp, bất lạc quả, bất khổ quả nghiệp.
61- Lạc báo nghiệp, khổ báo nghiệp, bất lạc bất khổ báo nghiệp.
62- Quá khứ nghiệp, vị lai nghiệp, hiện tại nghiệp.
63- Quá khứ cảnh giới nghiệp, vị lai cảnh giới nghiệp, hiện tại cảnh giới nghiệp, phi quá khứ, phi vị lai, phi hiện tại cảnh giới nghiệp.
64- Dục giới hệ nghiệp, Sắc giới hệ nghiệp, Vô sắc giới hệ nghiệp, bất hệ nghiệp.
65- Tứ nghiệp (1/ Hắc nghiệp, hắc báo . 2/ Bạch nghiệp, bạch báo . 3/ Hắc bạch nghiệp, hắc bạch báo . 4/ Phi hắc phi bạch nghiệp, phi hắc phi bạch báo).
66- Tứ thụ nghiệp (1/ Hiện khổ hậu hữu khổ báo. 2/ Hiện lạc hậu hữu khổ báo. 3/ Hiện khổ hậu hữu lạc báo. 4/ Hiện lạc hậu hữu lạc báo).
67- Ngũ bố (phạm ngũ giới mà có hiện bố, hậu bố).
68- Ngũ khủng (như trên).
69- Ngũ vô gián nghiệp.
70- Ngũ giới việt (phá năm giới) .
71- Ngũ giới.
72- Nhân tham nghiệp, nhân huệ nghiệp, nhân si nghiệp.
73- Nhân bất tham nghiệp, nhân bất huệ nghiệp, nhân bất si nghiệp.
74- Thú địa ngục nghiệp, thú súc sinh nghiệp, thú ngạ quỉ nghiệp, thú nhân nghiệp, thú thiện nghiệp, thú Niết Bàn nghiệp.
75- Thất bất thiện pháp.
76- Thất thiện pháp.
77- Bát thánh ngữ.
78- Bát phi thánh ngữ.
79- Nhân tham thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp; nhân huệ thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp; nhân si thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp.
80- Nhân bất tham thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp; nhân bất huệ thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp; nhân bất si thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp.
81- Thập bất thiện đạo nghiệp.
82- Thập thiện đạo nghiệp.
83- Thập pháp thành tựu, đọa địa ngục nhanh như tên.
84- Thập pháp thành tựu, sinh thiện xứ (cõi trời), nhanh như tên.
85- Nhị thập pháp thành tựu, đọa địa ngục nhanh như tên.
86- Nhị thập pháp thành tựu , sinh thiện xứ, nhanh như tên.
87- Tam thập pháp thành tựu, đọa địa ngục, nhanh như tên.
88- Tam thập pháp thành tựu, sinh thiện xứ, nhanh như tên.
89- Tứ Thập Pháp Thành Tựu, đọa địa ngục, nhanh như tên.
90- Tứ Thập Pháp Thành Tựu, sinh thiện xứ, nhanh như tên.
---o0o---
Каталог: downloads -> duy-thuc-tong -> hoc-duy-thuc
downloads -> Ủy ban nhân dân tỉnh bà RỊa vũng tàU
downloads -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam thành phố CẦn thơ Độc lập Tự do Hạnh phúc
downloads -> BỘ y tế Số: 19/2011/tt – byt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
downloads -> THỦ TƯỚng chính phủ CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
downloads -> THÔng tư Ban hành Quy chế công nhận trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia
hoc-duy-thuc -> TÂm lý HỌc phật giáo ht. Chơn Thiện o0o Nguồn
hoc-duy-thuc -> Chúng Tôi Học Duy Thức
hoc-duy-thuc -> TÂm lý HỌc phật giáo thích Tâm Thiện Xuất bản: Ban Văn hóa Trung ương ghpgvn o0o Nguồn

tải về 3.01 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   26




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương