SÁch giáo lý CỦa giáo hội công giáo sách giáo lý CỦa giáo hộI



tải về 4.7 Mb.
trang39/68
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích4.7 Mb.
#11671
1   ...   35   36   37   38   39   40   41   42   ...   68

1696 1970.

Đường của Đức Ki-tô "dẫn đến sự sống", trong khi con đường đối nghịch "đưa đến diệt vong" (Mt 7,13) ( x. Đnl 30,15-20 ). Dụ ngôn Tin Mừng về hai con đường luôn luôn hiện diện trong huấn giáo của Hội Thánh. Nó cho thấy những quyết định luân lý quan trọng thế nào đối với phần rỗi của chúng ta. "Có hai con đường, một dẫn đến sự sống, một dẫn đến sự chết : hai bên khác nhau một trời một vực (Didaché 1,1 )".


1697.

Trong huấn giáo, cần phải làm nổi bật niềm vui gặp được cũng như những đòi hỏi mà con đường của Đức Ki-tô đặt ra (x. CT 29 ). Huấn giáo về "đời sống mới" (x. Rm 6,4 ) trong Đức Ki-tô phải là :



737tt

- Một huấn giáo về Chúa Thánh Thần, vị Thầy nội tâm về đời sống theo Đức Ki-tô, người khách trọ dịu hiền và người bạn soi sáng, hướng dẫn, sữa chữa và củng cố đời sống mới này.



1938tt.

- Một huấn giáo về ân sủng, vì chính nhờ ân sủng mà chúng ta được cứu độ, cũng chính nhờ ân sủng mà các hoạt động của chúng ta mang lại hoa trái cho đời sống vĩnh cửu.


1716tt

- Một huấn giáo về các mối phúc thật : Các mối phúc thật tóm tắt con đường của Đức Ki-tô, con đường duy nhất dẫn đến hạnh phúc đời đời mà lòng người hằng khao khát.


184tt.

- Một huấn giáo về tội lỗi và ơn tha thứ. Nếu không nhận biết mình là tội nhân, con người không thể nhận ra chân lý về bản thân. Chân lý này là điều kiện để hành động đúng. Nếu Thiên Chúa không ban ơn tha thứ, con người không thể chấp nhận nổi chân lý này.


1803t.t

- Một huấn giáo về các đức tính nhân bản giúp con người nhận ra nét đẹp và hấp dẫn của việc sẵn sàng làm điều tốt.


1812.

- Một huấn giáo về các nhân đức Ki-tô giáo : tin cậy, mến - được khởi hứng cách tuyệt vời bằng gương mẫu các thánh.


2067.

- Một huấn giáo về giới răn mến Chúa yêu người được khai triển trong Thập Giới.


946tt.

- Một huấn giáo về Hội Thánh, vì chính nhờ những trao đổi đa dạng "các gia sản thiêng liêng" trong mầu nhiệm "các thánh thông công" mà đời sống Ki-tô hữu được tăng trưởng, phát triển và thông truyền cho nhau .



1698 426.

Điểm qui chiếu đầu tiên và cuối cùng của một huấn giáo như vậy luôn luôn phải là chính Đức Giê-su Ki-tô, Đấng là "con đường, là sự thật, và là sự sống" (Ga 14,6). Khi lấy đức tin mà nhìn Đức Ki-tô, các tín hữu có thể hy vọng chính Người sẽ thực hiện nơi họ những điều Người đã hứa. Còn khi yêu mến Người bằng tình yêu Người đã yêu mến họ, họ thực hiện được những việc phù hợp với phẩm giá của mình :


"Tôi xin anh em hãy coi Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, là thủ lãnh thật của anh em và anh em là chi thể của Người. Người thuộc về anh em như đầu thuộc về các chi thể. Mọi sự của Người là của anh em. Tinh Thần của Người, trái tim của Người, thân thể của Người, linh hồn và tất cả khả năng của Người. Anh em phải sử dụng những gì của Người như của riêng anh em để phục vụ, ca ngợi, yêu mến và tôn vinh Thiên Chúa. Anh em thuộc về Người, như chi thể thuộc về đầu. Cũng vậy, Người ao ước sử dụng tất cả những gì của anh em, như thể là của riêng Người để phục vụ và tôn vinh Cha của Người (T.Gioan Eude,Thánh Tâm Chúa Giêsu, 1,5)".
"Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô"(Pl 1,21)

ĐOẠN THỨ NHẤT
ƠN GỌI CỦA CON NGƯỜI -

SỐNG TRONG THÁNH THẦN

1699.

Đời sống trong Thánh Thần kiện toàn ơn gọi làm người (chương một). Đó là sống trong tình yêu mến Thiên Chúa và liên đới với mọi người (chương hai). Thiên Chúa ban tặng đời sống này để đưa ta đến ơn cứu độ (chương ba).


CHƯƠNG MỘT
PHẨM GIÁ CỦA NHÂN VỊ CON NGƯỜI

1700 356 1439.

Phẩm giá con người bắt nguồn từ việc con người được sáng tạo theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (mục 1). Phẩm giá này được kiện toàn trong ơn gọi đến hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa (mục 2). Con người có trách nhiệm dùng tự do đạt tới sự viên mãn ấy (mục 3). Bằng những hành vi có ý thức (mục 4), con người quy hướng, hay không, vào những gì tốt đẹp. Thiên Chúa hứa ban và lương tâm công nhận (mục 5). Con người sử dụng toàn thể đời sống giác quan và tinh thần làm chất liệu để xây dựng bản thân và tăng trưởng nội tâm (mục 6). Nhờ ân sủng trợ giúp, con người tiến triển trên đường nhân đức (mục 7), xa lánh tội lỗi và nếu lỡ phạm tội như người con hoang đàng (x. Lc 15,11-31 ), biết phó thác vào lòng thương của Cha Trên Trời (mục 8). Nhờ đó, con người đạt tới đức ái hoàn hảo.


Mục 1
CON NGƯỜI HÌNH ẢNH CỦA THIÊN CHÚA
1701 359.

"Khi mặc khải mầu nhiệm Chúa Cha và tình yêu của Người, Đức Ki-tô đã cho con người biết rõ về chính bản chất của họ và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ" (x. GS 22,1). Trong Đức Ki-tô "hình ảnh của Thiên Chúa vô hình"(Cl 1,15) (x. 2Cr 4,4), con người được tạo dựng "theo hình ảnh và giống" Đấng Sáng Tạo. Hình ảnh này đã bị nguyên tội làm biến dạng, nay được phục hồi vẻ đẹp nguyên thủy trong Đức Ki-tô. Đấng Cứu Chuộc và Cứu Độ, và còn được ân sủng Thiên Chúa làm tăng thêm vẻ rực rỡ (x. GS,2 ).


1702 1878.

Mỗi con người đều mang hình ảnh Thiên Chúa. Hình ảnh ấy rực sáng trong sự hiệp thông nhân vị, giống sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa (xem chương hai).


1703 363 2258.

Được ban cho một "linh hồn bất tử" ( x. GS 14 ), con người là "thụ tạo duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ" ( x. GS 24,3 ). Ngay từ lúc tượng thai, con người được Thiên Chúa tiền định để hưởng hạnh phúc đời đời.


1704 339 30.

Con người được tham dự vào ánh sáng và sức mạnh của Thánh Thần Thiên Chúa. Nhờ lý trí, họ hiểu được trật tự muôn loài do Đấng Sáng Tạo thiết lập. Nhờ ý chí, họ có khả năng hướng tới sự thiện hảo đích thực. Con người đạt tới sự viên mãn của mình bằng cách "tìm kiếm và yêu mến những gì là chân, là thiện" ( x. GS 15,2 ).


1705 1730.

Nhờ có linh hồn với các khả năng tinh thần là lý trí và ý chí, con người được hưởng tự do, "dấu chỉ rõ ràng nhất con người là hình ảnh Thiên Chúa" ( x. GS 17 )


1706 1776.

Nhờ lý trí, con người nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa thúc đẩy mình "làm lành lánh dữ" ( x. GS 16 ). Mỗi người phải vâng theo lề luật ấy, luật đang âm vang trong lương tâm mình, và thực hiện trong tình yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Việc thực thi đời sống luân lý chứng nhận phẩm giá của con người.


1707 397.

"Ngay từ đầu lịch sử, con người bị thần Dữ cám dỗ nên đã lạm dụng tự do của mình" ( x. GS 13,1 ). Họ đã sa chước cám dỗ và làm điều ác. Dù vẫn còn ước muốn điều thiện, nhưng bản tính họ đã bị thương tổn vì nguyên tội. Con người nghiêng chiều về sự dữ và có thể sai lầm :


"Trong chính con người đã có sự chia rẽ. Vì thế, tất cả cuộc sống con người, cá nhân hay tập thể, đều biểu hiện như một cuộc chiến bi thảm, giữa tốt và xấu, giữa ánh sáng và tối tăm" ( x. GS 13,2 ).
1708 617.

Nhờ cuộc khổ nạn, Đức Ki-tô giải thoát chúng ta khỏi Xa-tan và tội lỗi; nhờ đó, chúng ta đáng được hưởng đời sống mới trong Chúa Thánh Thần. Ân sủng của Người phục hồi những gì tội lỗi đã làm hư hỏng nơi chúng ta.


1709 1265 1050.

Ai tin vào Đức Ki-tô thì trở nên con cái Thiên Chúa. Ơn nghĩa tử này biến đổi con người bằng cách giúp họ sống theo gương Đức Ki-tô. Nhờ đó, họ có khả năng hành động đúng đắn và thực thi điều lành. Sống kết hiệp với Đấng Cứu Độ, người môn đệ đạt tới đức ái hoàn hảo, tới sự thánh thiện. Đời sống luân lý được trưởng thành trong ân sủng, sẽ triển nở thành đời sống vĩnh cửu trong vinh quang Nước Trời.


TÓM LƯỢC
1710.

"Đức Ki-tô cho con người biết trọn vẹn về chính họ và thiên chức rất cao cả của họ" ( GS 22,1).


1711.

Được ban cho một linh hồn với các khả năng tinh thần là lý trí và ý chí, ngay từ lúc tượng thai, con người được Thiên Chúa tiền định để hưởng hạnh phúc đời đời. Con người cố gắng đạt tới sự viên mãn của mình bằng cách "tìm kiếm và yêu mến những gì là chân, là thiện" ( GS 15,2 ).
1712.

Tự do đích thực là "dấu chỉ rõ ràng nhất con người là hình ảnh Thiên Chúa" ( GS 17 ).
1713.

Con người phải vâng theo luân lý thúc đẩy họ "làm lành, lánh dữ" (GS 16). Luật này âm vang trong lương tâm mỗi người.
1714.

Bản tính con người đã bị thương tổn vì nguyên tội, nên khi sử dụng tự do, họ có thể sai lầm và nghiêng chiều về sự dữ.
1715

Ai tin vào Đức Ki-tô sẽ sống cuộc đời mới trong Thánh Thần. Đời sống luân lý được lớn lên và trưởng thành trong ân sủng, sẽ triển nở trong vinh quang Nước Trời.
Mục 2
ƠN GỌI HƯỞNG VINH PHÚC CỦA TA
I - CÁC MỐI PHÚC THẬT
1716.

Các mối phúc là trọng tâm của những lời Chúa Giê-su rao giảng. Khi công bố các mối phúc, Người lặp lại các lời Thiên Chúa hứa với dân tuyển chọn từ thời Áp-ra-ham. Người kiện toàn những lời hứa này bằng cách hướng chúng về Nước Trời, chứ không còn là việc chiếm một vùng đất nào nữa.


"Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,

vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay ai hiền lành,

vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Phúa thay ai sầu khổ,

vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc thay ai khát khao nên người công chính,

vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.

Phúc thay ai xót thương người,

vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,

vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Phúc thay ai xây dựng hoà bình,

vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,

vì Nước Trời là của họ.

Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.

Anh em hãy vui mừng hớn hở,

vì phần thưởng dành cho anh em

ở trên trời rất lớn lao"(Mt5,3-12).


1717 459 1820.

Các mối phúc phản ánh dung mạo và đức ái của Chúa Giê-su Ki-tô. Chúng cho thấy ơn gọi của các tín hữu là được liên kết với vinh quang cuộc khổ nạn và phục sinh của Người, soi sáng những hành động và thái độ đặc trưng của nếp sống Ki-tô giáo. Các mối phúc là những lời hứa, có vẻ ngược đời, nâng đỡ niềm hy vọng khi con người gặp hoạn nạn. Chúng công bố những phúc lộc và ân thưởng các môn đệ đã được âm thầm hưởng nhận. Chúng đã biểu hiện công khai trong đời sống Đức Trinh Nữ Ma-ri-a và chư thánh


II - KHÁT VỌNG HẠNH PHÚC
1718 27, 1024.

Các mối phúc đáp ứng khát vọng tự nhiên của con người là muốn được hạnh phúc. Khát vọng này bắt nguồn từ Thiên Chúa. Người đã đặt nó trong tâm hồn con người để lôi kéo họ đến với Người, Đấng duy nhất có thể thỏa mãn khát vọng này :


-"Mọi người đều muốn sống hạnh phúc. Chẳng ai phủ nhận điều này, dù họ không nói ra (Thánh Âu-tinh, luân lý Hội Thánh Công Giáo 1,3,4)."

2541

-"Lạy Chúa, con phải tìm Chúa thế nào ? Vì khi con tìm Chúa là Thiên Chúa của con, là con tìm hạnh phúc. Con muốn tìm Chúa để linh hồn con được sống vì thân xác sống nhờ linh hồn và linh hồn con sống nhờ Chúa" (FThánh Âu-tinh, tự thuật 10,29 )


"Chỉ có Chúa mới làm con no thỏa" (Thánh Tô-ma Aquinô, kinh Tin Kính 1 )
1719 1950.

Các mối phúc cho thấy mục đích của đời sống con người, cùng đích của các hành vi nhân linh : Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đến hưởng hạnh phúc của Người. Ơn gọi này được ban cho từng cá nhân, cũng như cho toàn Hội Thánh, Dân Mới gồm những kẻ đón nhận và sống lời hứa đó trong đức tin.


III - HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC THEO KI-TÔ GIÁO
1720 1027.

Tân Ước dùng nhiều cách để diễn tả hạnh phúc đích thực mà Thiên Chúa mời gọi con người đến hưởng : Nước Thiên Chúa đến ( x. Mt 4,17 ); hưởng nhan thánh Chúa : "Phúc thay ai có lòng trong sạch ngay thẳng, vì họ sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa" (Mt 5,8) ( x.1Ga 3,2; 1Cr 13,12 ); được vào hưởng niềm vui của Chúa ( Mt 25,21.23 ); được an nghỉ trong Chúa (Dt 4,7-11).


"Nơi đó chúng ta sẽ an nghỉ và chiêm ngắm, chiêm ngắm và yêu mến, yêu mến và ca ngợi. Cuối cùng là như vậy, mãi mãi như vậy. Chúng ta còn có cùng đích nào khác ngoài việc đạt vương quốc vô tận" ? (Thánh Âu-tinh - Thành Đô Thiên Quốc ).
1721 260.

Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta để nhận biết, phục vụ, yêu mến Người và nhờ đó được hưởng phúc Thiên Đàng. Hạnh phúc đích thực là được thông phần bản tính Thiên Chúa (2 Pr 1,4) và sự sống đời đời ( x. Ga 17,3 ); nhờ đó, con người được đi vào trong vinh quang của Đức Ki-tô và hưởng cuộc sống của Ba Ngôi.


1722 1028.

Hạnh phúc đích thực vượt quá trí tuệ và sức lực con người. Đó là kết quả của hồng ân nhưng không của Thiên Chúa. Vì thế, ta gọi hạnh phúc này, cũng như ân sủng chuẩn bị con người vào hưởng sự hoan lạc của Thiên Chúa là ân huệ siêu nhiên.



294

"Phúc thay ai có lòng trong sạch ngay thẳng, vì họ sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa". "Không ai trông thấy Thiên Chúa mà còn sống" vì Người cao cả và vinh quang vô biên. Chúa Cha là Đấng con người không thể thấu hiểu được. Vì lòng yêu thương nhân hậu đối với nhân loại, với quyền năng tuyệt đối, Thiên Chúa ban cho những ai yêu mến Người được đặc ân chiêm ngắm Người. "Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được" (Thánh Irênê, chống lạc giáo 4,20,5 ).


1723 2519 227.

Hạnh phúc Thiên Chúa hứa đặt chúng ta trước những lựa chọn luân lý quyết định, mời gọi ta thanh luyện tâm hồn khỏi những bản năng xấu và tìm kiếm tình yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự. Hạnh phúc Chúa hứa dạy ta biết rằng hạnh phúc đích thực không ở nơi của cải hay tiện nghi, cũng không phải trong vinh quang trần thế hay quyền lực, cũng không ở trong bất cứ một công trình nào của con người, dù hữu ích như khoa học, kỹ thuật và nghệ thuật, cũng không ở trong bất cứ thụ tạo nào, nhưng chỉ ở nơi Thiên Chúa, nguồn mạch mọi thiện hảo và tình yêu :


"Ngày nay, giàu sang là vị thần vĩ đại, được đông đảo quần chúng sùng bái tôn thờ. Họ đo lường hạnh phúc bằng tài sản; danh dự cũng đo bằng tài sản....Tất cả đều do quan niệm : có tiền mua tiên cũng được. Giàu sang là một trong những ngẫu tượng của thời đại. Một ngẫu tượng nữa là danh vọng.....Danh vọng, được mọi người biết đến, được tiếng tăm lừng lẫy trên thế giới. Được các phương tiện truyền thông nói đến, danh vọng đã trở thành như điều thiện hảo tuyệt đối, điều thiện hảo tối thượng, đối tượng được người ta tôn thờ sùng bái" (Newman, diễn văn về sự thánh thiện, 5 ).
1724.

Thập giới, bài giảng trên núi và giáo huấn các tông đồ vạch cho chúng ta con đường đến Nước Trời. Nhờ ơn Thánh Thần nâng đỡ, chúng ta tiến tới từng bước một qua các hành vi hằng ngày. Nhờ lời Đức Ki-tô tác động, chúng ta dần dần sinh hoa kết quả trong Hội Thánh để tôn vinh Thiên Chúa (x. dụ ngôn người gieo giống Mt 13,3-23).


TÓM LƯỢC
1725.

Các mối phúc lặp lại và kiện toàn những lời Thiên Chúa hứa từ thời Áp-ra-ham bằng cách hướng chúng về Nước Trời. Chúng đáp ứng khát vọng sống hạnh phúc Thiên Chúa đặt trong tâm hồn con người.
1726.

Các mối phúc dạy chúng ta biết cùng đích mà Thiên Chúa mời gọi con người đạt tới : Nước Trời, hưởng nhan thánh Chúa, thông phần bản tính Thiên Chúa, sự sống đời đời, ơn nghĩa tử, an nghỉ trong Chúa.
1727.

Hạnh phúc được sống đời đời là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa. Ta gọi hạnh phúc này cũng như ân sủng dẫn đưa ta đến đó, là ân huệ siêu nhiên.
1728.

Các mối phúc đặt chúng ta trước những chọn lựa quyết định về những của cải trần thế, thanh luyện tâm hồn để chúng ta học biết yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.
1729.

Hạnh phúc thiên đàng ấn định tiêu chuẩn để chúng ta nhận định cách sử dụng của cải trần thế sao cho phù hợp với luật Thiên Chúa.
Mục 3
TỰ DO CỦA CON NGƯỜI
1730 30.

Thiên Chúa đã sáng tạo con người có lý trí và ban cho họ phẩm giá của một nhân vị để hành động có sáng kiến và biết làm chủ các hành vi của mình. "Thiên Chúa muốn để con người tự định liệu, hầu con người tự mình đi tìm Đấng Sáng Tạo và nhờ tự do kết hiệp với Người, con người tiến tới sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc" ( x. GS 17 ).


"Con người có lý trí, nên giống Thiên Chúa; con người được dựng nên có tự do và làm chủ các hành vi của mình" (T. Irênê, chống lạc giáo 4,4,3 ).
I. TỰ DO VÀ TRÁCH NHIỆM
1731 1721.

Tự do là khả năng bắt nguồn từ lý trí và ý chí, để hành động hay không hành động, làm việc này hoặc việc nọ; nhờ đó, con người có thể thực hiện những hành vi có ý thức. Nhờ có ý chí tự do, con người tự quyết định về bản thân. Nhờ tự do, con người phát triển và trưởng thành trong chân lý và sự thiện. Tự do đạt tới mức hoàn hảo khi quy hướng về Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc của chúng ta.


1732 396 1849 2006.

Bao lâu chưa dứt khoát gắn chặt vào Thiên Chúa là sự thiện hảo tối hậu của mình, thì tự do còn bao hàm khả năng )lựa chọn giữa thiện và ác; do đó, con người có thể tiến tới trên đường hoàn thiện hoặc thoái lui và phạm tội. Tự do là đặc tính của hành vi nhân linh. Vì có tự do, nên con người được khen ngợi hay bị chê trách, có công hay có tội.


1733 1803.

Càng làm điều thiện, con người càng trở nên tự do. Chỉ có tự do đích thực khi con người phục vụ cho điều thiện và công bằng. Khi bất tuân ý Chúa và chọn điều ác, con người lạm dụng tự do và trở nên "nô lệ tội lỗi "(x. Rm 6,17 ).


1734 1036,1804.

Có tự do, con người phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình theo mức độ chủ ý. Người càng đức hạnh, hiểu biết về sự thiện và sống khổ hạnh, ý chí càng làm chủ được các hành vi.


1735 597.

Việc quy lỗi và trách nhiệm về một hành động có thể được giảm bớt hay xóa bỏ do thiếu hiểu biết, sơ suất, do áp lực, sợ hãi, do thói quen, do tâm lý bất ổn, do các nhân tố tâm lý hay xã hội.
1736.

Con người phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi trực tiếp chủ ý của mình :


2568.

-Trong vườn địa đàng, sau khi con người phạm tội, Thiên Chúa chất vấn E-và : "Ngươi đã làm gì thế ?" ( St 3,13). Chúa cũng hỏi Ca-in như vậy (x. St 4,10 ). Sau khi Vua Đa-vít phạm tội ngoại tình với vợ U-ri-a và ra lệnh giết ông này (x. 2V 12,7-15 ), ngôn sứ Na-than cũng đặt câu hỏi tương tự với vua.


- Một hành động có thể là gián tiếp chủ ý khi nó là hậu quả của sự chểnh mảng đối với điều phải biết hay phải làm; ví dụ : gây ra một tai nạn vì không biết luật đi đường.
1737 2263.

Một hậu quả, không do tác nhân cố tình gây nên, có thể được dung thứ; ví dụ : người mẹ kiệt sức vì chăm sóc đứa con đau yếu. Một hậu quả xấu sẽ không bị quy lỗi nếu nó không phải là mục đích hay phương tiện chủ ý của tác nhân; ví dụ : một người bị thiệt mạng vì muốn cứu người khác. Tác nhân bị quy lỗi khi có thể thấy trước hậu quả xấu và có thể tránh được; ví dụ : người say rượu lái xe cán chết người.


1738 2106 210.

Tự do được thể hiện trong các mối tương quan giữa người với người. Vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, mỗi người đương nhiên có quyền được nhìn nhận như một con người tự do và có trách nhiệm. Mọi người có bổn phận tôn trọng quyền đó.)Quyền sử dụng tự do là một đòi hỏi không thể tách rời khỏi phẩm giá con người, đặc biệt trong lãnh vực tâm lý và tôn giáo. Luật dân sự phải công nhận và bảo vệ quyền này, trong giới hạn công ích và trật tự công cộng.


II. TỰ DO CỦA CON NGƯỜI TRONG KẾ HOẠCH CỨU ĐỘ
1739 387 401.

Tự do và tội lỗi. Tự do của con người có giới hạn và có thể lầm lạc. Quả thực, con người đã sa ngã, đã tự ý phạm tội khi từ chối ý định yêu thương của Thiên Chúa, con người tự lừa dối mình và trở thành nô lệ tội lỗi. Sự tha hóa đầu tiên này kéo theo vô số những tha hóa khác. Ngay từ đầu, lịch sử nhân loại cho thấy nhiều tai họa và áp bức phát xuất từ tâm địa con người lạm dụng tự do.
1740 2108 1887.

Tự do bị đe dọa. Tự do không phải là muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm. Quan niệm "con người là một chủ thể tự do, tự túc tự mãn, chỉ cần lo cho lợi ích riêng mình bằng cách lo hưởng thụ các lạc thú trần thế ( CDF, tự do tín ngưỡng )" là điều sai lầm. Mặt khác, những điều kiện về kinh tế và xã hội, chính trị và văn hóa cần thiết để thực thi tự do cách chính đáng, lắm khi bị phủ nhận và vi phạm. Những sự mù quáng và bất công này làm băng hoại đời sống luân lý và tạo dịp cho kẻ mạnh cũng như người yếu phạm tội nghịch đức ái. Khi xa lìa luật luân lý, con người làm thương tổn tự do của chính mình, làm nô lệ cho tính ích kỷ, cắt đứt tình huynh đệ với đồng loại và nổi loạn chống lại ý Chúa.
1741 782.

Giải thoát và cứu độ. Nhờ thập giá vinh hiển, Đức Ki-tô đã cứu độ tất cả mọi người. Người cứu chuộc họ khỏi ách nô lệ tội lỗi. "Chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta" (Gl 5,1). Trong Người, chúng ta được hiệp thông với "sự thật nhờ đó chúng ta được tự do" (Ga 8,32). Thiên Chúa đã ban Thánh Thần cho chúng ta và như thánh Phao-lô dạy : "Ở đâu có Thánh Thần thì ở đó có tự do" (2Cr 3,17). Ngay từ bây giờ, chúng ta tự hào về "tự do của con cái Thiên Chúa" (Rm 8,21).
1742 2002 1784.

Tự do và ân sủng. Ân sủng Đức Ki-tô không hề chèn ép tự do của chúng ta, khi tự do đi đúng hướng của Thiên Chúa và điều thiện mà Thiên Chúa đã đặt trong lòng con người. Trái lại, kinh nghiệm Ki-tô giáo, đặc biệt trong sự cầu nguyện, cho thấy : càng ngoan ngoãn vâng theo sự thúc đẩy của ân sủng, chúng ta càng được gia tăng tự do nội tâm và lòng quả cảm trước thử thách, cũng như những áp lực và ràng buộc của thế giới bên ngoài. Nhờ tác động của ân sủng, Thánh Thần dẫn chúng ta đến sự tự do thiêng liêng để chúng ta trở thành những người tự nguyện cộng tác vào công trình của Người trong Hội Thánh và thế giới :
"Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, xin đẩy xa những gì cản bước tiến của chúng con trên đường về với Chúa, để một khi xác hồn thanh thản, chúng con được hoàn toàn tự do thực hiện ý Chúa" (x. MR, Lời nguyện CN 32 ).
TÓM LƯỢC
1743.

" Thiên Chúa đã để con người tự quyết định lấy” (Hc 15,14), để con người được tự do gắn bó với Đấng sáng tạo của mình, và như vậy đạt tới sự toàn hảo diễm phúc. (xem GS 17, b1)
1744.

Tự do là khả năng để hành động hay không hành động; nhờ đó con người có thể thực hiện những hành vi có ý thức. Tự do đạt tới mức hoàn hảo khi quy hướng về Thiên Chúa là sự thiện tối thượng.
1745.

Tự do là đặc tính của những hành vi nhân linh. Con người phải chịu trách nhiệm về các hành vi mình chủ ý làm. Hành động chủ ý thuộc về chính tác nhân .
1746.

Việc quy lỗi và trách nhiệm về một hành động có thể được giảm bớt hay xóa bỏ do thiếu hiểu biết, bạo lực, sợ hãi, và các nhân tố tâm lý hay xã hội khác.
1747.

Quyền sử dụng tự do là một đòi hỏi không thể tách rời khỏi phẩm giá con người, đặc biệt trong lãnh vực tôn giáo và luân lý. Thực thi quyền tự do không có nghĩa là muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm.

1748.

"Chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta"( Gl 5,1).
Mục 4
TÍNH LUÂN LÝ CỦA CÁC

HÀNH VI NHÂN LINH
1749 1732.

Tự do làm cho con người thành một chủ thể luân lý. Khi hành động có chủ ý, con người nói được là cha đẻ các hành vi của mình. Các hành vi nhân linh, nghĩa là đã được tự do lựa chọn theo phán đoán lương tâm, đều có tính luân lý : có thể tốt hoặc xấu.


I. NGUỒN GỐC CỦA TÍNH LUÂN LÝ
1750.

Tính luân lý của các hành vi nhân linh tùy thuộc :

- đối tượng được lựa chọn;

- mục đích nhắm tới hay ý hướng;

- các hoàn cảnh của hành động.
Đối tượng, ý hướng và các hoàn cảnh tạo nên "nguồn gốc", hay yếu tố cấu thành tính luân lý của các hành vi nhân linh.



tải về 4.7 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   35   36   37   38   39   40   41   42   ...   68




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương