SÁch giáo lý CỦa giáo hội công giáo sách giáo lý CỦa giáo hộI



tải về 4.7 Mb.
trang47/68
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích4.7 Mb.
#11671
1   ...   43   44   45   46   47   48   49   50   ...   68

2125 1535.

Chủ nghĩa vô thần là một tội nghịch nhân đức thờ phượng, vì từ chối hay phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa ( x. Rm 1,18 ). Trách nhiệm tinh thần về lỗi nầy có thể giảm bớt nhiều ít, tùy ý định và hoàn cảnh mỗi người. "Người tín hữu có thể chịu phần trách nhiệm không phải là nhỏ trong việc khai sinh vô thần, hoặc bởi xao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội. Phải nói rằng họ che giấu hơn là bày tỏ chân dung đích thực của Thiên Chúa và tôn giáo" ( x. GS 19,3 ).


2126 396 154.

Chủ nghĩa vô thần thường đặt nền tảng trên một quan niệm sai lạc về quyền tự lập của con người, đến độ phủ nhận mọi lệ thuộc vào Thiên Chúa ( x. GS 20,1 ). "Hội Thánh cho rằng nhìn nhận Thiên Chúa không có gì nghịch lại với phẩm giá con người, vì phẩm giá ấy đặt nền tảng và nên hoàn hảo trong chính Thiên Chúa" ( x. GS 21, 3 ). "Hội Thánh biết rõ sứ điệp của mình phù hợp với những khát vọng thầm kín nhất của lòng người" (GS 21,7).


Chủ nghĩa bất khả tri
2127 36.

Chủ nghĩa bất khả tri có nhiều dạng thức. Trong một số trường hợp, người theo chủ nghĩa này không phủ nhận Thiên Chúa, nhưng tin có một Đấng siêu việt không tự mặc khải nên không ai nói được gì về Người. Trong những trường hợp khác, người theo chủ nghĩa này không đề cập đến Thiên Chúa, vì cho rằng không thể chứng minh, xác nhận hay phủ nhận về Người.


2128 1036.

Đôi khi chủ nghĩa bất khả tri ẩn chứa một cố gắng tìm kiếm nào đó về Thiên Chúa, nhưng cũng có thể biểu hiện một thái độ thờ ơ, một cách trốn thoát trước vấn đề tối hậu của con người, và một sự lười biếng của lương tâm. Chủ nghĩa bất khả tri thường đồng nghĩa với chủ nghĩa vô thần thực hành.


1159-1162

IV. "NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC LÀM CHO MÌNH BẤT CỨ HÌNH TƯỢNG NÀO VỀ THIÊN CHÚA..."
2129 300 2500.

Mệnh lệnh của Thiên Chúa cấm mọi hình thức tạc tượng vẽ hình Thiên Chúa. Sách Đệ Nhị Luật giải thích:"Anh em đã không thấy hình bóng nào, ngày Đức Chúa phán với anh em tại núi Kho-rép từ trong đám lửa, vì thế đừng có ra hư hỏng mà làm cho mình một tượng mang hình ảnh bất cứ cái gì..." (x.Đnl 4,15-16). Chính Thiên Chúa tuyệt đối siêu phàm đã tự mặc khải cho Ít-ra-en. "Người là mọi sự" nhưng đồng thời, "vượt trên tất cả các công trình Người làm" (Hc 43,27-28). Người là "nguồn mạch mọi vẻ đẹp" (Kn 13,3).


2130.

Tuy nhiên, từ thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã truyền lệnh hay cho phép làm những hình tượng biểu trưng ơn cứu độ nhờ Ngôi Lời nhập thể : ví dụ con rắn đồng ( x. Nb 21,4-9, Kn 16,5-14, Ga 3,14-15 ), khám giao ước và các Kê-ru-bim ( x. Xh 25,10-22; 1V 6,23-28; 7,23-26 ).


2131 476.

Dựa vào mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể mà Công Đồng chung thứ bảy, ở Nixêa (năm 787), đã biện minh cho việc tôn kính ảnh tượng thánh, như ảnh tượng Đức Ki-tô, Mẹ Thiên Chúa, các thiên thần và tất cả các thánh, để chống lại chủ trương bài ảnh tượng. Khi nhập thể, Con Thiên Chúa đã mở ra một "kế hoạch" mới cho ảnh tượng.


2132.

Việc các Ki-tô hữu tôn kính ảnh tượng, không nghịch lại điều răn thứ nhất cấm thờ ngẫu tượng. Thực vậy, "khi tôn kính một ảnh tượng, chúng ta hướng tâm hồn lên đến nguyên ảnh" (FT. Basile, Spir.18,45 ) và "tôn kính một ảnh tượng là tôn kính chính Đấng được miêu tả" ( x. Cđ Nixêa II, DS 601; Cđ Trente : Ds 1821-1825; Cđ Va-ti-can II, SC 126, LG 67 ). Đối với ảnh tượng thánh, chúng ta chỉ tôn kính" chứ không thờ phượng như Thiên Chúa :


"Chúng ta không thờ các ảnh tượng như những thực tại, nhưng như những hình ảnh đưa dẫn chúng ta đến cùng Thiên Chúa nhập thể. Việc tôn kính không dừng lại ở ảnh tượng, nhưng vươn tới chính thực tại được biểu thị" (T.Tô-ma A-qui-nô. s.th. 2-2, 81,3 ad 3 ).
TÓM LƯỢC
2133.

"Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em hết lòng, hết dạ, hết sức anh em" (Đnl 6,5).
2134.

Điều răn thứ nhất kêu gọi con người tin vào Thiên Chúa, trông cậy nơi Người và yêu mến Người trên hết mọi sự.
2135.

"Ngươi phải thờ lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi" (Mt 4,10). Thờ lạy Thiên Chúa, kêu cầu Người, dâng lên Người việc phụng thờ xứng hợp, chu toàn các lời khấn hứa cùng Người, là những hành vi thuộc nhân đức thờ phượng theo điều răn thứ nhất.


2136.

Cá nhân cũng như xã hội đều phải tôn thờ Thiên Chúa cách xứng hợp.
2137.

Con người "phải có quyền tự do bày tỏ tôn giáo của mình cách thầm kín và công khai" ( x. DH 15 ).
2138.

Mê tín là lệch lạc trong việc thờ phượng Thiên Chúa chân thật, chẳng hạn thờ ngẫu tượng hay trong các hình thức bói toán và ma thuật.
2139.

Điều răn thứ nhất cấm các hành vi vô đạo như thử thách Thiên Chúa bằng lời nói hay hành động, phạm thánh và mại thánh.
2140.

Vô thần là tội nghịch với điều răn thứ nhất, vì từ chối hay phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa.
2141.

Việc tôn kính các ảnh tượng thánh đặt nền tảng trên mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa và không nghịch lại điều răn thứ nhất.

Mục 2

ĐIỀU RĂN THỨ HAI
“Ngươi không được kêu tên Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi mà làm điều bất xứng” (Xh 20,7; Đnl 5,11).
"Anh em còn nghe luật dạy người xưa rằng : "Ngươi chớ bội thề... còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết, đừng thề chi cả" (Mt 5,33-34).
2807-2815

I. DANH THIÊN CHÚA LÀ THÁNH
2142.

Điều răn thứ hai dạy phải tôn kính danh Thiên Chúa. Cũng như điều răn trước, điều răn này thuộc về nhân đức thờ phượng và đặc biệt quy định việc sử dụng ngôn từ để diễn đạt các sự thánh.


2143 203 435.

Trong các lời mặc khải, lời mặc khải về Danh Thiên Chúa chiếm vị trí hàng đầu. Thiên Chúa bày tỏ Danh Người cho những kẻ tin, mặc khải cho họ chính mầu nhiệm bản thân Người. Điều này cho thấy Thiên Chúa tín nhiệm và thân thiết với con người. "Danh của Thiên Chúa là Thánh", nên con người không được lạm dụng. Họ phải ghi nhớ Danh Thánh ấy trong kính cẩn tôn thờ và yêu mến (Gcr 2,17). Chỉ được kêu cầu Danh Thánh để chúc tụng, ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa mà thôi (x. Tv 29,2 ; 96, 2; 113,1-2 ).


2144.

Tôn kính Danh Thiên Chúa là tôn kính chính Thiên Chúa và mọi thực tại thánh. Cảm thức về sự thánh thiêng thuộc nhân đức thờ phượng :


"Những tâm tình kính sợ và cảm thức về linh thánh có phải là những tâm tình Ki-tô giáo không ? Không ai có thể nghi ngờ điều đó. Đó chính là tâm tình mà chúng ta phải có, và sẽ tăng lên mãnh liệt, nếu chúng ta thấy được Thiên Chúa uy linh. Đó là những tâm tình mà chúng ta phải có, nếu chúng ta nhận ra sự hiện diện của Người. Chúng ta sẽ có những tâm tình ấy, tùy mức độ chúng ta tin vào sự hiện diện của Người. Không có những tâm tình ấy, tức là không nhận ra, không tin Người hiện diện" ( Newman, par. 5,2 ).

2145 2472 427.

Người tín hữu phải làm chứng cho Danh Thiên Chúa, bằng cách can đảm tuyên xưng đức tin (x. Mt 10,32; 1Tm 6,12). Việc rao giảng và huấn giáo phải được thực hiện trong tinh thần thờ phượng và tôn kính đối với Thánh Danh Đức Giê-su, Chúa chúng ta.


2146.

Điều răn thứ hai cấm lạm dụng Danh Thiên Chúa, nghĩa là sử dụng bất xứng đối với danh của Thiên Chúa, của Đức Giê-su Ki-tô, Đức Trinh Nữ Ma-ri-a và toàn thể các thánh.)



2147 2101.

Những lời hứa với tha nhân nhân danh Thiên Chúa, đều liên hệ đến danh dự, sự trung thành, sự chân thật và uy quyền của Thiên Chúa, nên phải được tôn trọng theo lẽ công bình. Thất hứa là lạm dụng danh Thiên Chúa, và biến Thiên Chúa thành kẻ nói dối (1Ga 1,10).


2148.

Lộng ngôn vi phạm trực tiếp điều răn thứ hai. Lộng ngôn là xúc phạm đến Thiên Chúa trong lòng hay ngoài miệng bằng những lời hận thù, than trách, thách thức; là nói xấu Thiên Chúa, bất kính trong lời nói, và lạm dụng Danh Thánh Thiên Chúa. Thánh Gia-cô-bê khiển trách những kẻ nói xúc phạm đến Danh Thánh cao đẹp "của Chúa Giê-su" đã được kêu khấn trên họ (Gcb 2,7). Luật cấm nói lộng ngôn, cũng cấm nói phạm đến Hội Thánh Chúa Ki-tô, các thánh và những sự thánh. Người ta cũng phạm tội lộng ngôn khi lạm dụng danh Thiên Chúa để che đậy những hành vi tội ác, để bắt các dân tộc làm nô lệ, để tra tấn hoặc giết người. Lạm dụng danh Thiên Chúa để phạm tội ác là gây cớ cho người ta ghét đạo.

1756.

Lộng ngôn nghịch lại với bổn phận tôn trọng Thiên Chúa và Danh thánh Người. Lộng ngôn là một tội trọng ( x. CIC, 1369 ).


2149.

Kêu tên Chúa vô cớ, dù không có ý xúc phạm cũng là thiếu tôn kính Thiên Chúa. Điều răn thứ hai cấm sử dụng Danh Thiên Chúa vào việc ) ma thuật.
“Danh Thiên Chúa thật cao cả, khi được kêu cầu cách tôn kính, xứng với sự vĩ đại và uy nghi của Người. Danh của Chúa thật thánh thiện, khi được kêu cầu với lòng sùng mộ và sợ )xúc phạm tới Người’ ( T.Âutinh, bài giảng. Dom 2,45-19 ).
II. KÊU DANH THIÊN CHÚA VÔ CỚ
2150.

Điều răn thứ hai cấm thề gian. Thề là lấy Chúa làm chứng cho điều mình xác quyết, là kêu cầu Thiên Chúa chân thật để bảo đảm mình nói thật. Lời thề là lời cam kết nhân danh Thiên Chúa "Chính Thiên Chúa là Đấng anh em phải kính sợ, là Đấng anh em phải phụng thờ; anh em sẽ nhân danh Người mà thề" ( x. Đnl 6,13 ).


2151 215.

Người tín hữu có bổn phận phải bài trừ thói thề gian. Vì Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo và là Đức Chúa, nên Người là mẫu mực mọi sự chân thật. Lời nói của con người có thể phù hợp hay trái nghịch với Thiên Chúa là chính Sự Thật. Lời thề chân thật và chính đáng cho thấy lời nói con người phù hợp với chân lý của Thiên Chúa. Thề gian là kêu cầu Thiên Chúa làm chứng cho một lời nói dối.


2152 2476 1756.

Bội thề là thề hứa một điều gì, nhưng không có ý giữ hay không giữ lời thề. Người bội thề thiếu lòng tôn kính nghiêm trọng đối với Thiên Chúa, họ làm một việc xấu là phạm đến thánh danh Thiên Chúa.
2153 2466.

Trong Bài Giảng Trên Núi: Đức Giê-su đã nói đến điều răn thứ hai : "Anh em nghe luật dạy người xưa rằng : "Chớ bội thề nhưng hãy giữ trọn lời thề với Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết, đừng thề chi cả... Nhưng hễ "có" thì phải nói "có"; "không" thì phải nói "không". Thêm thắt điều gì là do ma quỉ" (Mt 5,33-34.37) ( x. Gcb 5,12 ). Như thế Đức Giê-su dạy rằng, mọi lời thề luôn qui chiếu về Thiên Chúa, và trong mọi lời nói của ta, phải tôn trọng sự hiện diện cũng như sự chân thật của Thiên Chúa. Cẩn trọng khi kêu cầu danh Thiên Chúa, là cách chúng ta tỏ lòng tôn kính sự hiện diện của Người : lời chân thật tôn vinh sự hiện diện của Chúa, lời nói dối xúc phạm đến Người.


2154

Theo gương thánh Phao-lô ( x. 2Cr 1,23; Ga 1,20 ), truyền thống Hội Thánh vẫn hiểu lời của Đức Giê-su là không cấm thề nếu có lý do nghiêm trọng và chính đáng (ví dụ trước tòa án) "Lời thề là kêu cầu đến danh Thiên Chúa để làm chứng cho sự thật, nên chỉ được thề khi nói sự thật, có suy xét và theo công lý" (x. CIC 1199,1).


2155 1903.

Vì danh Thiên Chúa là thánh, không được kêu tên Chúa vô cớ, hoặc thề trong những hoàn cảnh có thể bị cắt nghĩa là đồng tình nhà cầm quyền đòi hỏi một cách không chính đáng. Khi chính quyền bất hợp pháp buộc thề thì có quyền từ chối. Phải từ chối, khi bị bắt buộc thề vì những mục đích trái với nhân phẩm hay nghịch với sự hiệp thông của Hội Thánh.


III. DANH HIỆU KI-TÔ HỮU
2156 232 1267.

Chúng ta nhận bí tích Thánh Tẩy "nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (Mt 28, 19). Trong bí tích này, danh Thiên Chúa thánh hóa con người và người này nhận được một tên riêng trong Hội Thánh. Tên riêng này có thể là tên của một vị thánh, nghĩa là của một môn đệ đã sống đời trung thành mẫu mực với Chúa. Vị thánh bổn mạng nêu gương sống đức mến và luôn chuyển cầu cho ta. "Tên thánh" cũng có thể nêu lên một mầu nhiệm Ki-tô giáo hay một nhân đức. "Cha mẹ, người đỡ đầu và cha xứ cần lưu tâm đừng đặt tên không phù hợp với ý nghĩa ki-tô giáo" ( x. CIC, 855 ).


2157 1235 1668.

Người Ki-tô hữu khi thức dậy, khi bắt đầu kinh nguyện và việc làm, đều làm dấu Thánh Giá "Nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. A-men". Người tín hữu dâng trọn vẹn ngày sống để tôn vinh Thiên Chúa và kêu cầu Đấng Cứu Thế ban ân sủng giúp họ hành động trong Thánh Thần như con thảo của Chúa Cha. Dấu Thánh Giá giúp ta mạnh sức, để vượt qua các cơn cám dỗ và những lúc khó khăn.


2158.

Thiên Chúa gọi từng người bằng chính tên của họ ( x. Is 43,1; Ga 10,3 ). Tên của mỗi người là thánh thiêng. Tên là người, nên phải được tôn trọng như dấu chỉ nhân phẩm của người mang tên đó.


2159.

Mỗi người sẽ mang tên của mình mãi mãi. Chỉ trong Nước Trời, tính độc đáo và huyền nhiệm của những ai đã được ghi dấu bằng Danh Thiên Chúa mới được bộc lộ trọn vẹn trong ánh sáng "Ai chiến thắng ... Ta sẽ ban cho một viên sỏi trắng, trên đó có khắc một tên mới mà chẳng ai biết được, ngoài người lãnh nhận nó" (Kh 2,17). "Kìa Con Chiên hiện ra trước mắt tôi, đứng trên núi Xi-on, cùng với một trăm bốn mươi bốn ngàn người mang danh của Con Chiên và của Cha Con Chiên ghi trên trán" (Kh 14,1).



TÓM LƯỢC
2160

"Ôi lạy Chúa, Thiên Chúa chúng con, cao cả thay danh Chúa khắp trên hoàn cầu" (Tv 8,2).
2161

Điều răn thứ hai dạy phải tôn kính danh Thiên Chúa. Danh Thiên Chúa là thánh.
2162

Điều răn thứ hai cấm mọi lạm dụng danh Chúa. Lộng ngôn là tội xúc phạm đến Danh của Thiên Chúa, của Đức Giê-su Ki-tô, Đức Trinh Nữ Ma-ri-a và các thánh.
2163

Thề gian là kêu cầu Thiên Chúa làm chứng cho một lời nói dối. Bội thề là một tội trọng xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng luôn trung thành giữ lời đã hứa.
2164

"Đừng thề nhân danh Đấng Sáng Tạo, cũng đừng lấy thụ tạo mà thề, ngoại trừ khi thề cách chân thật, vì cần thiết và với lòng tôn kính" (T.I-nhã, Linh Thao 38).
2165

Qua bí tích Thánh Tẩy, người Ki-tô hữu nhận được một tên riêng trong Hội Thánh. Cha mẹ, người đỡ đầu và cha xứ cần lưu tâm để đặt cho họ một tên ki-tô giáo. Vị thánh bổn mạng nêu gương sống đức bác ái và luôn chuyển cầu cho ta.
2166

Người Ki-tô hữu bắt đầu các kinh nguyện và việc làm bằng dấu Thánh Giá "nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. A-men".
2167

Thiên Chúa gọi từng người bằng chính tên của họ ( x. Is 43,1 ).
Mục 3
ĐIỀU RĂN THỨ BA
"Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào" (Xh 20,8-10) ( Đnl 5,12-15.)
"Ngày sa-bát được lập ra vì loài người chứ không phải loài người được dựng nên vì ngày sa-bát". Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát (Mc 2,27-18).
346-348

I. NGÀY SA-BÁT
2168

Điều răn thứ ba của Thập Giới nhấn mạnh việc thánh hóa ngày sa-bát. "Ngày thứ bảy là một ngày sa-bát, một ngày nghỉ hoàn toàn để dâng cho Đức Chúa" (Xh 31,15).


2169 2057.

Về ngày Sa-bát, Thánh Kinh gợi cho Dân Chúa tưởng nhớ công trình sáng tạo. "Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh" (Xh 20,11).


2170

Trong ngày của Đức Chúa, Thánh Kinh còn giúp Dân Chúa) tưởng nhớ biến cố giải phóng Ít-ra-en khỏi ách nô lệ Ai Cập. "Ngươi hãy nhớ ngươi đã làm nô lệ tại đất Ai Cập và Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi. Bởi vậy Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi cử hành ngày sa-bát" (Đnl 5,15).


2171

Thiên Chúa ban cho Ít-ra-en ngày sa-bát, để họ tuân giữ như một) dấu chỉ giao ước vững bền ( x. Xh 31,16 ). Ngày sa-bát được hiến dâng cho Thiên Chúa, là ngày thánh dành để chúc tụng Thiên Chúa, ca ngợi công trình sáng tạo và những kỳ công Người đã thực hiện để cứu Ít-ra-en.

2172 2184

Hành động của Thiên Chúa là mẫu mực cho đời sống con người. "Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã ngưng các việc và nghỉ ngơi" (Xh 31,17), thì con người cũng phải "ngưng làm việc" để những người khác, nhất là kẻ nghèo "lấy lại sức" (Xh 23,12). Ngày sa-bát ngắt quãng các công việc hằng ngày và cho tạm nghỉ ngơi. Ngày sa-bát phản kháng khía cạnh nô lệ của công ăn việc làm và thái độ tôn thờ tiền bạc ( x. Nh 13,15-22; 2Sbn 36, 21 ).



2173 582.

Tin Mừng ghi lại nhiều lần Đức Giê-su bị tố cáo đã phạm luật ngày sa-bát, nhưng chưa bao giờ Người lỗi phạm sự thánh thiện của ngày này ( x. Mc 1,21; Ga 9,16 ). Người dùng uy quyền đưa ra ý nghĩa đích thực của ngày này: "Ngày sa-bát được lập ra vì loài người chứ không phải loài người vì ngày sa-bát" (Mc 2,27). Đức Ki-tô tuyên phán "Ngày sa-bát phải làm điều lành hơn là làm điều dữ, cứu sống hơn là giết chết" (Mc 3,4). Ngày sa-bát là ngày của Đức Chúa giàu lòng thương xót và là ngày tôn vinh Thiên Chúa ( x. Mt 12,5; Ga 7,23 ). "Con người làm chủ luôn cả ngày sa-bát" (Mc 2,28).


II. NGÀY CỦA CHÚA
“Này là ngày Thiên Chúa đã làm, ta hãy reo vui mừng rỡ” (Tv 118, 24)
Ngày Phục Sinh : công trình sáng tạo mới
2174 638 349.

Chúa Giê-su đã sống lại từ trong kẻ chết vào "ngày thứ nhất trong tuần" ( x. Mt 28, Mc 16,2, Lc 24,1, Ga 20,1 ), ngày phục sinh của Đức Ki-tô. Vì là "ngày thứ nhất" nên nhắc đến cuộc sáng tạo đầu tiên; vì là "ngày thứ tám" liền sau ngày Sa-bát ( x. Mc 16,1; Mt 28,1 ), nên mang ý nghĩa một công trình sáng tạo mới đã được khai mở với biến cố Đức Ki-tô phục sinh. Đối với các Ki-tô hữu, đây là ngày thứ nhất của mọi ngày, ngày lễ quan trọng nhất trong các lễ, ngày của Đức Chúa, ngày "Chúa nhật" :


“Tất cả chúng tôi tụ họp nhau, ngày của mặt trời, vì đó là ngày thứ nhất (liền sau ngày sa-bát Do Thái, mà cũng là ngày thứ nhất) ngày mà Thiên Chúa đưa vật chất ra khỏi tối tăm để tạo dựng vũ trụ, và cũng cùng ngày ấy, Đức Giê-su Ki-tô Đấng cứu độ chúng tôi sống lại từ trong kẻ chết” (FT.Justin, Apol 1,67 )
Chúa Nhật - ngày sa-bát viên mãn
2175 1166

Chúa nhật khác hẳn ngày sa-bát và được Ki-tô hữu mừng hằng tuần thay cho ngày sa-bát. Qua cuộc phục sinh của Đức Ki-tô, Chúa nhật hoàn tất ý nghĩa thiêng liêng của ngày sa-bát Do Thái, và báo trước sự an nghỉ đời đời của con người trong Thiên Chúa. Phụng tự theo lề luật chuẩn bị cho mầu nhiệm Đức Ki-tô, và những nghi thức của luật cũ đều qui hướng về Chúa Ki-tô ( x. 1Cr 10,11 ):


"Những ai sống theo luật cũ, nay đạt tới niềm hy vọng mới, họ sẽ không còn giữ ngày sa-bát nữa, nhưng giữ ngày của Chúa, vì trong ngày đó đời sống chúng ta được chúc phúc nhờ Người và nhờ cuộc tử nạn của Người" (T.Inhace d'Antioche, Magn 9,1).
2176

Việc cử hành ngày Chúa nhật tuân theo qui định luân lý tự nhiên đã được ghi khắc trong lòng con người, "Thờ phượng Thiên Chúa cách hữu hình, công khai, và đều đặn, để nhớ đến ơn huệ phổ quát Thiên Chúa ban cho toàn thể nhân loại" ( T.Tô-ma Aquinô,S th 2-2, 122,4). ). Việc cử hành ngày Chúa nhật chu toàn giới luật của Cựu Ước.


Thánh lễ ngày Chúa nhật
2177 1167.

Việc giữ ngày Chúa nhật và cử hành Thánh thể, là trung tâm đời sống của Hội Thánh ."Theo truyền thống các tông đồ, ngày Chúa Nhật, ngày cử hành mầu nhiệm vượt qua, phải được giữ trong toàn thể Hội Thánh như ngày lễ buộc" ( x. CIC, 1246,1 ).


2043

"Ngoài ra còn phải giữ các ngày lễ : Sinh Nhật Chúa Giê-su Ki-tô, lễ Hiển Linh, lễ Chúa Lên Trời, lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô, lễ Đức Ma-ri-a Mẹ Thiên Chúa, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, lễ Đức Mẹ Lên Trời, lễ Thánh Giu-se, lễ các Thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ, lễ Các Thánh" (CIC, 1246,1).


2178 1343.

Từ thời các tông đồ, các Ki-tô hữu đã có thói quen tập họp ngày Chúa nhật ( x. Cv 2,42-46; 1Cr 11,17). ). Thư gởi người Do Thái nhắc lại rằng: "Chúng ta đừng bỏ các buổi hội họp như vài người quen làm, trái lại phải khuyến khích nhau" (Dt 10,25)


"Truyền thống còn giữ được một vài giảng huấn luôn hợp thời : Hãy tới nhà thờ sớm, lại gần Chúa và xưng thú tội lỗi, hãy sám hối bằng kinh nguyện ... Tham dự vào phụng vụ thánh đến hết lời nguyện hiệp lễ và đừng ra về trước khi có lời giải tán ... Như chúng tôi thường nói : ngày này được ban cho anh em để cầu nguyện và nghỉ ngơi. Đây là ngày Thiên Chúa đã tạo nên, ta hãy phấn khởi và mừng vui trong ngày ấy"( x. Auteur anonyme,serm.dom ).
2179 1567 2691 2226.

"Giáo xứ " là một cộng đồng tín hữu nhất định được thiết lập cách bền vững, trong một Giáo Hội địa phương, và việc săn sóc mục vụ được ủy thác cho linh mục chính xứ, như vị mục tử riêng của giáo xứ, dưới quyền của giám mục giáo phận" ( x. CIC 313,1 ). Giáo xứ là nơi mọi tín hữu có thể tập họp để cử hành Thánh Thể mỗi Chúa Nhật. Giáo xứ hướng dẫn dân Chúa vào đời sống phụng vụ, và tập họp họ để cử hành Phụng Vụ, truyền cho họ giáo lý cứu độ của Đức Ki-tô, thực thi đức ái qua các công việc từ thiện và huynh đệ:
"Ở nhà, bạn không thể cầu nguyện như ở nhà thờ được, vì ở nhà thờ có đông người cùng chung tấm lòng dâng lời cầu khẩn lên Thiên Chúa. Hơn nữa, còn có sự hiệp ý đồng tâm, có dây liên kết đức mến và kinh nguyện của các linh mục." ( T.Gio-an Kim khẩu, incomprihens, 3,6 )
Luật giữ ngày Chúa Nhật
2180 2042 1348.

Một điều răn của Hội Thánh xác định rõ luật của Chúa : "các tín hữu buộc phải dự Thánh Lễ vào ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc"( x. CIC, 1247 ). "Ai tham dự thánh lễ theo nghi thức công giáo vào chính ngày lễ hoặc chiều hôm trước, là chu toàn luật buộc dự lễ" ( x. CIC, 1248, 1 ).


2181

Thánh lễ Chúa Nhật đặt nền tảng và xác định toàn bộ cuộc sống người tín hữu. Do đó, mọi tín hữu phải tham dự thánh lễ vào ngày lễ buộc, trừ khi có một lý do quan trọng (như bệnh hoạn, chăm sóc trẻ sơ sinh) hay được cha sở miễn chuẩn ( x. CIC,1245 ). Ai cố tình vi phạm sẽ mắc tội trọng .


2182 815

Khi cùng tham dự thánh lễ Chúa Nhật, người tín hữu minh chứng sự gắn bó và trung thành với Đức Ki-tô và Hội Thánh, bày tỏ sự hiệp thông trong đức tin và đức mến. Họ cùng nhau làm chứng cho sự thánh thiện của Thiên Chúa và cho niềm hy vọng của họ vào ơn cứu chuộc. Họ nâng đỡ nhau dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần.


2183

"Nếu như không có thừa tác viên thánh hay vì lý do khẩn trọng mà người tín hữu không thể tham dự thánh lễ, thì Hội Thánh khuyên họ tham dự vào cử hành Phụng Vụ Lời Chúa trong nhà thờ giáo xứ hay một nơi thánh khác theo qui định của giám mục giáo phận, hoặc dành một thời gian thích hợp để cầu nguyện cá nhân hay cùng với cả gia đình, và nếu có thể cùng với một nhóm gia đình" ( x. CIC 1248.2 )


Ngày hồng ân - ngày nghỉ
2184 2172.

Như Thiên Chúa "nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy, sau khi hoàn tất cả công trình" ( x. St 2,2 ), đời sống con người cũng theo nhịp như thế giữa lao động và nghỉ ngơi. Khi lập ra ngày Chúa Nhật, Thiên Chúa muốn mọi người có thời giờ nghỉ ngơi và giải trí, để có thể chăm lo đời sống gia đình, văn hóa, xã hội và tôn giáo (GS 67,3).


2185 2428

Ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc, các tín hữu tránh lao động và các sinh hoạt ngăn trở việc thờ phượng Thiên Chúa, việc hưởng niềm vui trong ngày của Chúa, việc bác ái và tịnh dưỡng thể xác cũng như tinh thần. Luật giữ ngày Chúa Nhật có thể được miễn chuẩn, khi có trách nhiệm gia đình hay nghĩa vụ xã hội quan trọng. Nhưng tín hữu cũng phải coi chừng, đừng để những miễn chuẩn này dẫn đến thói quen thờ ơ với việc thờ phượng, với cuộc sống gia đình hay sức khỏe của mình.

"Ai yêu chuộng chân lý sẽ tìm kiếm sự nhàn rổi thánh thiện; Ai yêu mến sẽ sẵn sàng đón nhận khó nhọc chính đáng"( Âu-tinh, Thành Đô Thiên quốc 19,19).



tải về 4.7 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   43   44   45   46   47   48   49   50   ...   68




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương