SÁch giáo lý CỦa giáo hội công giáo sách giáo lý CỦa giáo hộI



tải về 4.7 Mb.
trang38/68
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích4.7 Mb.
#11671
1   ...   34   35   36   37   38   39   40   41   ...   68

1649 2383.

Có những hoàn cảnh thực tế hai vợ chồng không thể tiếp tục sống chung được vì nhiều lý do khác nhau. Trong những trường hợp này, Hội Thánh chấp nhận để họ ly thân và không sống chung nữa. Họ vẫn là vợ chồng trước mặt Thiên Chúa và không được tự do để kết hôn. Trong hoàn cảnh khó khăn, giải pháp tốt nhất, nếu có thể, là hòa giải với nhau. Cộng đoàn tín hữu được mời gọi giúp họ sống đời Ki-tô hữu trong hoàn cảnh ấy, trung thành với dây liên kết hôn nhân không thể tháo gỡ được (x. Tông Huấn Gia Đình 83; CIC, khoản 1151-1155).




1650 2384.

Nhiều người Công Giáo, ở một số quốc gia, đã ly dị và tái hôn theo luật đời. Hội Thánh trung thành với lời của Đức Ki-tô: "Ai bỏ vợ và cưới người khác, là phạm tội ngoại tình; ai bỏ chồng để lấy người khác thì cũng phạm tội ngoại tình" (x. Mc 10, 11-12). Nếu hôn nhân lần đầu đã thành sự, Hội Thánh không thể công nhận liên kết mới là thành sự. Nếu những người đã ly dị, tái hôn theo luật đời, họ rơi vào tình trạng khách quan đi ngược lại luật Thiên Chúa. Vì thế, bao lâu còn sống trong tình trạng này, họ không được rước lễ. Cũng vậy, họ không thể đảm nhận một số trách nhiệm trong Hội Thánh. Chỉ những người hối hận vì mình đã vi phạm đến dấu chỉ giao ước và sự trung thành với Đức Ki-tô, và cam kết sống tiết dục trọn vẹn, mới được giao hòa nhờ bí tích Thống Hối.


1651.

Đối với những tín hữu đang sống trong hoàn cảnh như vậy, vẫn giữ đức tin và ao ước giáo dục con cái theo tinh thần công giáo, linh mục và cộng đoàn phải có thái độ ân cần đặc biệt, để họ đừng coi như bị tách lìa khỏi Hội Thánh và nếp sống tín hữu mà họ có thể và phải giữ vì đã được rửa tội:


"Họ được mời gọi nghe Lời Chúa, tham dự hy tế thánh lễ, kiên trì cầu nguyện, góp phần vào các công cuộc bác ái và các sáng kiến của cộng đoàn để phục vụ công lý, giáo dục con cái trong đức tin công giáo, vun trồng tinh thần sám hối và làm các việc đền tội, để ngày qua ngày thành khẩn nài xin ân sủng Thiên Chúa (x. Tông Huấn Gia Đình 84).
2366-2367

Sẵn sàng đón nhận con cái Chúa ban
1652 972.

"Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu lứa đôi quy hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh hoàn thành hôn nhân" (x. GS 48, 1):


"Con cái là ân huệ cao quý nhất của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ. Thiên Chúa đã phán : "Đàn ông ở một mình không tốt" (St 2,18). Người là Đấng: "... từ buổi đầu, đã dựng nên một người nam và một người nữ" (Mt 19,4); chính Người muốn thông ban cho con người cộng tác một phần đặc biệt vào công việc tạo dựng của Người, Người đã chúc lành cho người nam và người nữ rồi nói: "Các ngươi hãy tăng gia, sinh sản" (St 1,28). Do đó, việc thể hiện đích thực tình yêu vợ chồng cũng như toàn thể tổ chức đời sống gia đình phát sinh từ việc thể hiện ấy, đều nhằm giúp đôi vợ chồng can đảm sẵn sàng cộng tác với tình yêu của Đấng Tạo Hóa và Cứu Thế, mặc dù không loại bỏ các mục đích khác của hôn nhân. Nhờ đời sống lứa đôi, Người làm cho gia đình của Người ngày càng tiến triển và phong phú" (x.GS 50, 1).
1653 2231.

Tình yêu vợ chồng còn phong phú nhờ những hoa quả của đời sống luân lý, tinh thần và siêu nhiên được cha mẹ truyền cho con cái qua việc giáo dục (x. GE 3). Theo nghĩa này, mục tiêu nền tảng của hôn nhân và gia đình là phục vụ cho sự sống (x. Tông Huấn Gia Đình 28).


1654.

Những cặp vợ chồng không được Thiên Chúa ban cho có con cái, cũng vẫn có thể có được cuộc đời phu phụ đầy ý nghĩa, xét về nhân bản cũng như xét theo kitô giáo. Cuộc hôn nhân của họ có thể toả sáng bằng sự phong phú của bác ái, đón nhận và hy sinh.


VI. GIA ĐÌNH LÀ HỘI THÁNH THU NHỎ
1655 759

Đức Ki-tô đã muốn sinh ra và lớn lên trong gia đình thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a. Hội Thánh là "gia đình của Thiên Chúa". Ngay từ đầu, Hội Thánh được hình thành thường từ những người "cùng với cả gia đình", trở thành tín hữu (x. Cv 18,8). Khi theo đạo, họ ao ước cho "cả nhà" được ơn cứu độ (x. Cv 16,3; 11,14). Những gia đình tín hữu này là những hòn đảo mang sự sống Ki-tô giữa một thế giới ngoại giáo.


1656 2204

Ngày nay, trong một thế giới thường hững hờ và có khi thù nghịch với đức tin, các gia đình tín hữu có tầm quan trọng hàng đầu, vì đó là những lò đức tin sống động và toả sáng. Bởi vậy, công đồng Vaticanô II đã gọi gia đình với danh xưng cổ xưa là “Giáo Hội tại gia”. Chính trong các gia đình, các bậc làm cha mẹ “bằng lời nói và gương sáng (…) đang là những vị rao giảng đức tin đầu tiên, cho con cái họ, phục vụ cho ơn gọi riêng của mỗi đứa con, đặc biệt là ơn gọi linh thánh. (LG 11).


1657 1268 2214 2685.

Gia đình là nơi thể hiện đặc biệt chức tư tế cộng đồng của người cha, người mẹ, con cái và mọi phần tử trong gia đình, "nhờ lãnh nhận các bí tích, kinh nguyện và tạ ơn, chứng từ đời sống thánh thiện, hy sinh và đức ái hữu hiệu" (x. LG 10). Gia đình là trường học đầu tiên về đời sống Ki-tô giáo và là "một trường học phát triển nhân tính" (x. GS 52,1). Chính trong gia đình, người ta học biết làm việc với sự nhẫn nại và niềm vui, yêu thương huynh đệ, quảng đại tha thứ luôn, nhất là phụng thờ Thiên Chúa qua kinh nguyện và hy lễ đời sống.


1658 2231 2233.

Chúng ta cũng phải nhớ đến một số người, vì những hoàn cảnh sống cụ thể - thường là không muốn - phải sống hết sức gần gũi với Trái Tim Chúa Giê-su và đáng được Hội Thánh nhất là các mục tử, yêu thương cũng như đặc biệt quan tâm chăm sóc; đó là số đông những người sống độc thân. Nhiều người trong số này thường vì nghèo đã không thể lập gia đình. Có người đảm nhận cuộc sống này trong tinh thần Tám Mối Phúc Thật, phụng sự Thiên Chúa và anh em một cách gương mẫu. Tất cả những người này phải được các gia đình là "Hội Thánh thu nhỏ" và gia đình lớn là "Hội Thánh" mở rộng cửa nhà đón tiếp. Trên đời này, không ai là không có gia đình : "Hội Thánh là nhà và là gia đình của tất cả mọi người, đặc biệt của những người "lao nhọc và gánh nặng" (Mt 11,28)" (x. Tông huấn Gia Đình 85).


TÓM LƯỢC
1659.

Thánh Phao-lô nói : "Người làm chồng hãy yêu thương vợ như Đức Ki-tô đã yêu thương Hội Thánh ... Mầu nhiệm này thật cao cả, Tôi muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh" (Ep 5,25.32).
1660.

Hôn ước mà nhờ đó người nam và người nữ tạo nên một cộng đồng sự sống và tình yêu, đã được Đấng Sáng Tạo thiết lập và phú cho những luật riêng. Tự bản chất, hôn nhân hướng đến thiện ích của đôi vợ chồng, việc sinh sản và giáo dục con cái. Hôn nhân giữa những người đã chịu phép thánh tẩy được Chúa Ki-tô nâng lên hàng bí tích (x. GS 48,1; CIC 1055, 1).
1661.

Bí tích Hôn Phối biểu thị sự hợp nhất giữa Đức

1662.

Hôn nhân đặt nền tảng trên sự ưng thuận của cả hai bên kết ước, nghĩa là trên ý muốn dứt khoát hiến thân cho nhau để sống giao ước tình yêu chung thủy và phong phú.
1663.

Hôn nhân đưa những người phối ngẫu vào một bậc sống trong Hội Thánh. Vì thế, nên cử hành hôn nhân cách công khai trong khung cảnh của một cử hành phụng vụ trước sự chứng kiến của linh mục (hay chứng nhân theo qui định của Hội Thánh), những người làm chứng và cộng đoàn tín hữu.
1664.

Đặc tính chính yếu của hôn nhân là đơn nhất, bất khả phân ly và đón nhận con cái. Tục đa thê nghịch lại tính đơn nhất của hôn nhân. Ly dị là phân ly điều Thiên Chúa phối hợp. Từ chối sinh sản, đời sống hôn nhân mất đi "hồng ân cao quý nhất" là con cái (x. GS 50,1).
1665.

Việc tái hôn của những người đã ly dị khi người phối ngẫu còn sống, nghịch lại ý định và lề luật của Thiên Chúa mà Chúa Ki-tô đã dạy. Những người này không bị tách ra khỏi Hội Thánh, nhưng không được rước lễ; họ vẫn sống đời Ki-tô hữu, nhất là giáo dục con cái trong đức tin.
1666.

Gia đình tín hữu là nơi con cái tiếp nhận nền móng đức tin. Vì vậy, gia đình được gọi rất đúng là Hội Thánh thu nhỏ" hay "Hội Thánh tại gia", cộng đồng ân sủng và cầu nguyện, trường học phát triển các đức tính tự nhiên và đức mến Ki-tô giáo.

CHƯƠNG BỐN
NHỮNG CỬ HÀNH PHỤNG VỤ KHÁC
Mục 1
CÁC Á BÍ TÍCH
1667.

"Mẹ Hiền Hội Thánh đã thiết lập những á bí tích. Đây là những dấu chỉ thánh, vì một phần nào phỏng theo những bí tích, nhờ đó biểu trưng những hiệu quả - nhất là những hiệu quả thiêng liêng - và thông ban hiệu quả đó nhờ lời bầu cử của Hội Thánh. Nhờ các á bí tích, con người chuẩn bị lãnh nhận hiệu quả chính yếu của các bí tích và thánh hóa những hoàn cảnh khác biệt trong cuộc sống" (x. SC 60; CIC 1166; CCEO 867).


Những đặc điểm của Á bí tích
1668 699,2157.

Hội Thánh thiết lập các á bí tích để thánh hoá một số thừa tác vụ trong Hội Thánh, một số bậc sống, những hoàn cảnh rất đa dạng của đời ki-tô hữu, và cả việc sử dụng những vật hữu ích cho con người. Theo quyết định mục vụ của các giám mục, á bí tích còn được dùng để đáp ứng với những nhu cầu, với văn hóa và lịch sử riêng của dân Ki-tô giáo trong một vùng hay một thời đại. Á bí tích luôn luôn gồm một kinh nguyện, kèm theo thường là một dấu chỉ xác định như đặt tay, dấu thánh giá, rẩy nước thánh (để nhắc lại bí tích Thánh Tẩy).


1669 784 2626.

Các á bí tích bắt nguồn từ chức tư tế cộng đồng : mọi Ki-tô hữu đều được mời gọi trở nên một lời "chúc lành" (x. St 12,2) của Thiên Chúa và có khả năng chúc lành (x. Lc 6,28; Rm 12,14; 1Pr 3,9). Vì thế, người giáo dân có thể chủ sự một số nghi thức chúc lành (x. SC 79; CIC 1168). Các nghi thức chúc lành càng liên quan đến đời sống Hội Thánh và bí tích, càng dành riêng cho các thừa tác viên có chức thánh chủ sự ( giám mục, linh mục và phó tế (x. Gv 16;18).


1670 1218,2001.

Các á bí tích không ban ơn Thánh Thần như các bí tích, nhưng nhờ lời cầu của Hội Thánh, chuẩn bị chúng ta đón nhận ân sủng và giúp chúng ta "cộng tác với ân sủng". "Đối với các tín hữu đã được chuẩn bị chu đáo, hầu hết mọi biến cố trong cuộc đời đều được thánh hóa nhờ thánh ân xuất phát từ mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Ki-tô, Đấng đã chịu nạn, chịu chết và sống lại. Chính người là nguồn mạch ban năng lực cho tất cả các bí tích và á bí tích. Hầu như không có việc sử dụng của cải vật chất chính đáng nào lại không thể đưa tới mục đích thánh hóa con người và ca ngợi Thiên Chúa" (x. SC 61).


Những hình thức đa dạng của á bí tích
1671 1078.

Trong số các á bí tích, đứng đầu là các sự chúc lành (cho con người, cho bàn ăn, cho các sự vật và các nơi chốn). Bất cứ sự chúc lành nào cũng đều là lời ngợi khen Thiên Chúa và là lời cầu xin các hồng ân của Ngài. Trong Chúa Kitô, các kitô hữu được chúc lành bởi Thiên Chúa Cha “bằng tất cả mọi thứ chúc lành thiêng liêng” (Ep 1,3). Bởi vậy Giáo hội ban phép lành bằng cách kêu cầu Danh thánh Chúa Giêsu và thường có kèm dấu Thánh Giá của Chúa Kitô.


1672 923 925, 903.

Một số những chúc lành có tầm vóc lâu dài: đó là để thánh hiến cho Thiên Chúa những con người, và để dành một số đồ vật và nơi chốn cho việc cử hành phụng vụ. Trong số những chúc lành cho con người (đừng lộn với sự truyền chức thánh là một bí tích) có: sự chúc lành cho một viện phụ (hoặc một nữ viện phụ) của một đan viện, - sự thánh hiến các trinh nữ, - nghi thức tuyên khấn dòng, - và những chúc lành cho một số thừa tác vụ trong Giáo Hội (chức đọc sách, chức giúp lễ, các giáo lý viên…). Về sự chúc lành cho các đồ vật, có thể nêu ra sự cung hiến hoặc làm phép một nhà thờ hay một bàn thờ, làm phép các dầu thánh, các quả chuông, v.v.


1673 395 550 1237.

Trong nghi thức Trừ Tà, nhân danh Chúa Ki-tô, Hội Thánh công khai và có thẩm quyền cầu xin để một người hay một sự vật được Thiên Chúa bảo vệ khỏi quyền lực của ác thần Xa-tan và giải thoát khỏi ách thống trị của nó. Chúa Giê-su đã từng trục xuất thần dữ (x. Mc 1,25 tt); chính Người ban cho Hội Thánh quyền và nhiệm vụ trừ tà (x. Mc 3, 15;6,7.13;16,17). Nghi thức cử hành bí tích Thánh Tẩy có công thức Trừ Tà đơn giản. Nghi Thức Trừ Tà trọng thể phải do một linh mục cử hành với phép của giám mục. Linh mục trừ tà phải thận trọng và giữ nghiêm ngặt các qui định của Hội Thánh. Nghi thức Trừ Tà nhằm trục xuất ác thần Xa-tan và giải thoát khỏi ảnh hưởng của nó, nhờ quyền thiêng liêng Chúa Giê-su đã ủy thác cho Hội Thánh. Mục đích này khác hẳn với các việc chữa bệnh, nhất là các bệnh tâm thần : chữa bệnh là công việc của y khoa. Do đó, trước khi cử hành nghi thức Trừ Tà, phải điều tra cẩn thận để chắc chắn đây là trường hợp quỷ ám chứ không phải một dạng bệnh lý (x. CIC 1172).


1674 688 2669,2678.

Ngoài phụng vụ bí tích và các á bí tích, huấn giáo còn phải kể đến những hình thức đạo đức của các tín hữu. Trong mọi thời, cảm thức của dân thánh được diễn đạt bằng những hình thức đạo đức đa dạng, quy tụ quanh đời sống bí tích của Hội Thánh, như tôn kính các thánh tích, viếng các thánh điện, hành hương, rước kiệu, đàng thánh giá, các vũ điệu tôn giáo, lần chuỗi, đeo ảnh thánh... (x. CĐ Ni-xê-a 2: DS 601;603; CĐ Trentô: DS 1822)


1675

Những hình thức đạo đức này nối dài chứ không thay thế đời sống phụng vụ của Hội Thánh : "Phải chiếu theo các mùa phụng vụ mà xếp đặt các việc ấy hòa hợp với Phụng Vụ Thánh, để có thể coi là phát xuất từ phụng vụ và tiến dẫn dân chúng đến với phụng vụ; vì tự bản chất, phụng vụ vượt xa các việc ấy" (x. SC 13).


1676 426.

Các mục tử phải nhận định để nâng đỡ và cổ vũ những việc đạo đức; trong trường hợp cần thiết, phải thanh luyện và điều chỉnh cảm thức tôn giáo ẩn tàng dưới những hình thức này, để dân thánh hiểu rõ hơn mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Khi thi hành những hình thức đạo đức này, phải tuân theo các chỉ thị của giám mục và hợp với những tiêu chuẩn chung của Hội Thánh (x. CT 54).

"Các việc đạo đức chủ yếu là một tập hợp những giá trị nhằm đáp ứng các vấn nạn lớn của cuộc sống, theo sự khôn ngoan Ki-tô giáo. Óc thực tiễn của người dân Ki-tô có khả năng nhận định tổng quát về cuộc sống. Do đó, họ có thể hòa hợp một cách sáng tạo những gì thuộc về Thiên Chúa và những gì thuộc về con người, Chúa Ki-tô và Đức Ma-ri-a, tinh thần và thể xác, hiệp thông và định chế, cá nhân và cộng đoàn, đức tin và tổ quốc, lý trí và tình cảm. Nguồn khôn ngoan này là một nền nhân bản Ki-tô giáo khẳng định triệt để phẩm giá con Thiên Chúa của từng người, xây dựng một tình huynh đệ căn bản, dạy chúng ta sống hòa hợp với thiên nhiên, cũng như hiểu giá trị lao động, đem lại cho ta những lý do để sống vui và thoải mái ngay giữa các cam go của cuộc đời. Đối với dân thánh, nguồn khôn ngoan này còn là một nguyên lý để nhận định, một "bản năng Tin Mừng" giúp dân thánh nhận ra ngay tức khắc. Khi nào Hội Thánh phục vụ cho Tin Mừng và khi nào Hội Thánh dùng Tin Mừng để phục vụ cho những bận tâm khác" (x. Văn kiện Puebla; x. EN 48).
TÓM LƯỢC
1677.

Á bí tích là những dấu chỉ thánh, được Hội Thánh thiết lập để chuẩn bị cho con người đón nhận hiệu quả của các bí tích và thánh hóa những hoàn cảnh đa dạng của cuộc sống.
1678.

Trong những á bí tích, các phép lành có một vị trí đặc biệt : vừa là lời ca ngợi Thiên Chúa vì những kỳ công và hồng ân Người dành cho chúng ta; vừa là lời Hội Thánh chuyển cầu để chúng ta sử dụng những hồng ân của Thiên Chúa theo tinh thần Tin Mừng.
1679.

Ngoài phụng vụ, đời sống Ki-tô hữu còn được nuôi dưỡng bằng những việc đạo đức đa dạng, bắt nguồn từ những nền văn hóa khác biệt. Hội Thánh luôn tỉnh thức, dùng ánh sáng đức tin soi sáng những việc đạo đức này. Hội Thánh cổ vũ những việc đạo đức có tinh thần Tin Mừng và sự khôn ngoan nhân bản, góp phần làm phong phú đời sống Ki-tô hữu.

Mục 2
LỄ NGHI AN TÁNG KITÔ GIÁO
1680 1525.

Tất cả các bí tích, nhất là các bí tích khai tâm Ki-tô giáo, đều hướng tới mục tiêu là cuộc Vượt Qua cuối cùng dẫn đưa người con Thiên Chúa vượt qua sự chết, vào Đời Sống trong Nước Trời. Những điều người tín hữu tuyên xưng trong đức tin và hy vọng"tôi đợi trông ngày kẻ chết sống lại, và sự sống đời sau", lúc đó được hoàn tất trọn vẹn (x. Kinh Tin Kính của CĐ Ni-xê-a Công-tăng-ti-nô-pô-li).


I. CUỘC VƯỢT QUA CUỐI CÙNG CỦA KI-TÔ HỮU
1681 1010-1014.

Đối với Ki-tô hữu, ý nghĩa sự chết được mặc khải trong ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Ki-tô, Đấng đem lại cho chúng ta niềm hy vọng duy nhất. Người ki-tô hữu được cùng chết với Đức Ki-tô, "lìa bỏ thân xác này để được ở bên Chúa" (x. 2 Cr 5,8).


1682.

Đối với Ki-tô hữu, chết là kết thúc đời sống bí tích, là khởi đầu sự viên mãn của cuộc tái sinh đã bắt đầu nơi bí tích Thánh Tẩy, là nên "giống" hoàn toàn với "hình ảnh Con Thiên Chúa" nhờ Thánh Thần xức dầu và nhờ tham dự Bàn Tiệc Nước Trời đã được tiền dự trong bí tích Thánh Thể; cho dù người đó còn cần thanh luyện trước khi được mặc áo tinh tuyền vào dự tiệc cưới Con Chiên.


1683 1020 627.

Như người mẹ hiền, Hội Thánh đã dùng các bí tích cưu mang người tín hữu suốt cuộc lữ hành trần thế, nay cũng đồng hành đến cuối đường để trao họ lại "trong tay Chúa Cha". Trong Đức Ki-tô, Hội Thánh dâng lên Chúa Cha đứa con của ân sủng, và trong hy vọng gửi lại lòng đất hạt giống thân xác sẽ chỗi dậy vinh quang (x. 1Cr 15,42-44). Nghi thức phó dâng này được cử hành long trọng trong thánh lễ; kèm theo các á bí tích là những nghi thức làm phép trước và sau thánh lễ.


II. CỬ HÀNH LỄ NGHI AN TÁNG
1684.

Lễ an táng theo nghi thức Ki-tô giáo là một cử hành phụng vụ của Hội Thánh. Chính vì vậy Hội Thánh muốn vừa diễn tả sự hiệp thông hữu hiệu với người đã qua đời, vừa giúp cộng đoàn tham dự mầu nhiệm hiệp thông này và công bố niềm tin vào sự sống đời sau.


1685.

Trong Hội Thánh, để diễn tả đặc tính Vượt Qua nơi cái chết của Ki-tô hữu, có những lễ nghi an táng khác nhau, tùy theo những hoàn cảnh và truyền thống từng miền, ngay cả về màu sắc phụng vụ (x. SC 81).


1686.

Sách Lễ Nghi An Táng của Phụng vụ Rô-ma đề ra ba mẫu cử hành, tương ứng với ba địa điểm (tại nhà tang, tại nhà thờ và ở nghĩa trang), và để tùy theo tâm tình của gia đình, theo các phong tục địa phương, theo văn hóa và lòng đạo đức. Tuy nhiên, tất cả các truyền thống phụng vụ đều có chung diễn tiến, gồm bốn thì chính :


1687.

Đón Tiếp. Khởi đầu nghi thức là một lời chào đầy lòng tin tưởng. Vị chủ sự đón tiếp thân nhân người quá cố bằng một lời "an ủi" (theo Tân Ước : Sức mạnh của Thánh Thần đem lại niềm an ủi trong hy vọng) (x. 1Tx 4,18). Cộng đoàn tập họp để cầu nguyện, chờ đợi "những lời ban phúc trường sinh" (x. Ga 6,68). Cái chết của một thành viên trong cộng đoàn (hay ngày giỗ tính theo tuần, tháng, hay năm của người đó) là một biến cố nhắc nhở các tín hữu phải vượt qua những cách nhìn của "thế gian này" và hướng đến những viễn ảnh chân thực trong đức tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh.
1688.

Phụng vụ Lời Chúa trong lễ nghi an táng, cần được chuẩn bị chu đáo, vì cộng đoàn hiện diện có thể gồm các tín hữu ít tham dự phụng vụ, và cả những thân hữu của người quá cố không phải Ki-tô hữu. Đặc biệt, bài giảng "không được theo hình thức điếu văn" (x. Sách Lễ Nghi An Táng 41), và phải trình bày mầu nhiệm sự chết dưới ánh sáng Đức Ki-tô Phục Sinh.
1689 1371 958.

Phụng vụ Thánh Thể khi lễ nghi an tang cử hành trong nhà thờ, bí tích Thánh Thể là tâm điểm của thực tại Vượt Qua nơi cái chết của Ki-tô hữu (x. Sách Lễ Nghi An Táng 1). Trong thánh lễ, Hội Thánh bày tỏ sự hiệp thông hữu hiệu của mình với người quá cố : khi dâng lên Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần, hy tế cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Ki-tô, Hội Thánh cầu xin Cha cho người con của mình được thanh luyện khỏi mọi tội lỗi, được tha mọi hình phạt, và được nhận vào bàn tiệc trong nước Chúa (x. Sách Lễ Nghi An Táng 57). Nhờ bí tích Thánh Thể, cộng đoàn tín hữu, nhất là gia đình người quá cố, học sống hiệp thông với người "đã an nghỉ trong Chúa", bằng cách rước Mình Thánh Chúa mà người đó đang là một chi thể sống động, để rồi cầu nguyện cho và cùng với người đó.


1690 2300.

Nghi thức từ biệt người quá cố lần cuối cùng là lời Hội Thánh "phó dâng người này cho Chúa". "Cộng đoàn Ki-tô hữu chào từ biệt lần cuối cùng một chi thể của mình, trước khi xác người đó được mai táng" (x. Sách Lễ Nghi An Táng 10). Truyền thống By-zan-tin diễn tả ý nghĩa này bằng cái hôn từ biệt người quá cố :


"Bằng lời chào cuối cùng này, chúng tôi hát tiễn người ra đi khỏi cuộc đời này và hát bài chia ly, cũng là bài hiệp thông và tái ngộ. Đúng vậy, cái chết không hề chia lìa chúng tôi, vì tất cả chúng tôi đang đi cùng một đường và sẽ gặp lại nhau ở cùng một nơi. Chúng tôi sẽ không bao giờ bị chia cách, vì đang sống cho Đức Ki-tô và giờ này đang được kết hiệp với Người, đang đi gặp Người...Tất cả chúng tôi sẽ đoàn tụ trong Đức Ki-tô" (x. Thánh Si-mê-on thành Thê-xa-lô-ni-ca, Sep. ).

PHẦN THỨ BA
SỰ SỐNG TRONG CHÚA KITÔ
Phần chính của thạch mộ Junius Bassus được tìm thấy phía dưới tòa giải tội của đền thờ thánh Phê-rô tại Rô-ma, đề năm 359.
Đức Ki-tô vinh hiển, được trình bày rất trẻ (dấu chỉ thiên tính của Người), ngồi trên ngai trời, đạp trên thần trời Ouranos của dân ngoại. Vây quanh Người là hai tông đồ Phê-rô và Phao-lô. Cả hai hướng về Đức Ki-tô và nhận lãnh hai cuốn Luật mới.
Như xưa ông Mô-sê đã nhận lãnh Luật cũ nơi Thiên Chúa trên núi Xi-nai, nay các tông đồ, được đại diện bởi hai vị đứng đầu, nhận nơi Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Chúa trời đất, Luật Mới, không còn được viết trên những bia đá nữa nhưng được Thánh Thần khắc ghi trong tâm hồn các tín hữu. Đức Ki-tô ban cho ta sức mạnh để sống "đời sống mới" (k. 1697). Người đến để kiện toàn trong ta điều Người đã dạy vì thiện ích của ta (x. k 2074)
1691 790.

"Hỡi các Ki-tô hữu, hãy nhận biết phẩm giá của mình. Nay anh em đã được tham dự vào bản tính Thiên Chúa, đừng quay lại cuộc sống thấp hèn trước kia. Hãy nhớ Thủ Lãnh của anh em là Đức Ki-tô và anh em là chi thể của Hội Thánh. Đừng quên anh em đã được giải thoát khỏi quyền lực tối tăm và được đưa vào trong ánh sáng Nước Thiên Chúa" (T. Lê-ô cả, bài giảng 21, 2-3).


1692.

Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng công trình sáng tạo là hồng ân cao cả Thiên Chúa ban cho con người, nhưng hồng ân cứu chuộc và thánh hóa còn cao cả hơn nữa. Các bí tích thông ban cho chúng ta điều chúng ta tin tưởng tuyên xưng : nhờ "các bí tích tái sinh", các ki-tô hữu trở nên "con cái Thiên Chúa" (x. Ga 1,12; 1Ga 3,1 ), "tham dự vào bản tính Thiên Chúa"(x. 2Pr 1,4). Khi lấy đức tin mà nhìn nhận phẩm giá mới của mình, các Ki-tô hữu được mời gọi "ăn ở xứng đáng với Tin Mừng" (x. Pl 1,27 ). Nhờ các bí tích và kinh nguyện, họ nhận được ân sủng của Đức Ki-tô và các hồng ân Chúa Thánh Thần, để có thể sống đời sống mới này.


1693.

Đức Giê-su Ki-tô luôn làm điều đẹp lòng Chúa Cha (x. Ga 8,29 ). Người luôn sống hiệp thông trọn vẹn với Cha. Cũng vậy, Người mời gọi các môn đệ sống trước thánh nhan Cha, "Đấng thấu suốt những gì bí ẩn" (x. Mt 6,6 ), để trở nên "hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện" (Mt 5,48).


1694 1267.

Nhờ bí tích Thánh Tẩy ( x. Rm 6,5 ), các Ki-tô hữu được tháp nhập vào Đức Ki-tô; họ "chết đối với tội lỗi nhưng sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su" ( x. Rm 6,11 ). Như thế, họ tham dự vào sự sống của Đấng Phục Sinh. Khi bước theo Đức Ki-tô và kết hiệp với Người (x. Ga 15,5 ), các tín hữu "bắt chước Thiên Chúa, vì là con cái được Người yêu thương và sống trong tình bác ái" (Ep 5,1), bằng việc uốn nắn ý nghĩ, lời nói và việc làm của mình theo "những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su" (Pl 2,5) và noi gương bắt chước Người ( x. Ga 13,12-16 ).


1695.

Các Ki-tô hữu được "nên công chính nhờ danh Đức Giê-su Ki-tô và nhờ Thánh Thần của Thiên Chúa" ( x 1Cr 6,11 ), được "thánh hóa" và "được kêu gọi nên thánh" ( x. 1Cr 1,2 ), họ trở nên "đền thờ Chúa Thánh Thần" (1Cr 6,19). Chính "Thánh Thần của Chúa Con "dạy họ cầu nguyện với Chúa Cha ( x. Ga 4,6 ). Khi trở nên sự sống của họ, Người thúc đẩy họ hành động ( x. Ga 5,25 ) để mang lại "hoa quả của Thánh Thần" (Gl 5,22) nhờ thể hiện đức ái. Khi Chúa Thánh Thần chữa chúng ta khỏi các vết thương do tội lỗi, Người canh tân nội tâm chúng ta "trong Thần Khí" ( x. Ep 4,23 ), soi sáng và củng cố để chúng ta sống như "con cái sự sáng" ( x. Ep 5,8 ), nhờ "lương thiện, công chính và chân thật" trong mọi chuyện (Ep 5,9).



tải về 4.7 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   34   35   36   37   38   39   40   41   ...   68




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương