SỔ tay hành hưƠng kỷ niệM 400 NĂm dòng têN ĐẾn việt nam loan báo tin mừNG


CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN, MỘT CUỘC ĐỜI HOÀN THÀNH (1625-1644)



tải về 0.52 Mb.
trang4/6
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích0.52 Mb.
#9903
1   2   3   4   5   6

CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN, MỘT CUỘC ĐỜI HOÀN THÀNH (1625-1644)



I. THÂN THẾ

1. Tên gọi và năm sinh

Tên gọi dân sự của thầy cho đến nay vẫn chưa tìm thấy bút tích nào để lại. Được nhận tên Thánh Anrê khi chịu phép rửa tội. Tên thánh rửa tội Anrê cùng với quê quán là tên gọi của Anrê Phú Yên. Tên gọi Anrê Phú Yên là tên chính thức được Tòa Thánh công nhận.

Căn cứ vào năm thầy tử đạo, năm 1644, Cha Đắc Lộ xác nhận lúc ấy thầy 19 tuổi, chúng ta biết được thầy đã chào đời năm 1625.

2. Nơi lãnh nhận Bí tích Rửa tội

Theo lời cha Đắc Lộ xác nhận: “Đúng 03 năm trước khi chết, mẹ thầy dẫn thầy đến cho tôi, và tôi được hạnh phúc rửa tội cho thầy16. Như vậy Anrê Phú Yên được rửa tội năm 1641.

Nơi thầy được rửa tội ở đâu ?

Cũng theo tài liệu của cha Đắc Lộ, Anrê Phú Yên là một trong 90 người được cha Đắc Lộ rửa tội trong dịp tĩnh tâm bốn ngày liền tại nhà nguyện của bà Mađalêna Ngọc Liên trong Dinh Trấn Biên Phú Yên.

Dinh Trấn Biên Phú Yên được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên thành lập năm 1629 và giao cho con rễ là phó tướng Nguyễn Phúc Vinh trấn giữ. Vợ Nguyễn Phúc Vinh là Ngọc Liên, trưởng nữ của chúa Sãi. Bà được rửa tội năm 1636. Bà lập nhà nguyện tại Dinh Trấn Biên. Đây là nhà nguyện đầu tiên trên đất Phú Yên.

Xác định vị trí Dinh Trấn biên:

Trong “Bản đồ Vương Quốc Annam” của cha Đắc Lộ, in năm 1651, có vẽ tỉnh “Province de Ranran”. Bắc giáp Quinhin ( Qui Nhơn ), Nam giáp Chiêm thành. Đó chính là tỉnh Phú Yên ngày nay. Trên bản đồ nầy, Phú Yên có ba con sông. Theo các nhà sử học, con sông nhỏ ở phía Bắc là sông Cầu; con sông lớn hơn ở giữa là sông Cái; con sông lớn nhất ở phía Nam là sông Đà Rằng. Thủ phủ của tỉnh được ghi là “Dinh Phoan” tọa lạc bên phía Bắc con sông ở giữa, tức sông Cái, ở chỗ gần cửa biển. Đây chính là Dinh Trấn biên được chúa Sãi lập năm 1629. Do những tác động của thiên nhiên, ngày nay toàn bộ Dinh Trấn Biên nằm dưới nước dòng sông Cái.

Dinh Trấn Biên ngày nay được gọi là Thành Cũ, thuộc thôn Bình Thạnh, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An. Tên gọi nầy xuất hiện như để phân biệt với Thành An Thổ được vua Minh Mạng (1820-1840) thành lập vào thế kỷ 19. Thành An Thổ ngày nay thuộc thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An. Về năm thành lập thành An Thổ thì các sử liệu ghi chép khác nhau. Cuốn Phương Đình dư địa chí của Nguyễn Siêu thì ghi là năm 1832; cuốn Đại Nam thực lục chính biên thì ghi là năm 1836; cuốn Đại Nam nhất thống chí thì ghi là năm 1838.

3. Nơi sinh

Thời điểm thầy Anrê Phú Yên chào đời là thời điểm Phú Yên đang còn trong giai đoạn bắt đầu khai phá, khẩn hoang. Lực lượng khẩn hoang nầy là những đoàn di dân từ Thuận Quảng, phía Bắc Phú Yên, như Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Ông cha của thầy Anrê Phú Yên thuộc những người di dân nầy.

Lúc bấy giờ Phú Yên là vùng đất mới được chúa Nguyễn ổn định an ninh chính trị. Tuy nhiên việc khai khẩn đất hoang, lập làng vẫn còn nhiều yếu tố trở ngại, như về an ninh trật tự ở biên giới phía Nam với Chiêm Thành, khí hậu khắc nghiệt, nước độc, chướng khí từ rừng hoang cỏ rậm và ác thú ở miền núi. Do đó chỉ còn vùng đồng bằng ven biển, đặc biệt vùng châu thổ sông Cái (châu thổ vùng Bà Đài), khí hậu hiền hòa, dễ bắt con cua con cá, trồng được lúa nước, cách xa biên giới phía Nam, là vùng “đất vàng” được các di dân ưu tiên chọn lựa định cư. Dinh Trấn Biên cũng được thành lập tại vùng châu thổ nầy. Xét những điều kiện nầy, có thể gia đình của Anrê đã chọn vùng châu thổ sông Cái để định cư. Toàn bộ vùng châu thổ nầy, ngày nay thuộc giáo xứ Mằng Lăng và giáo xứ Chợ Mới.17

Đầu năm 1639, toàn bộ các thừa sai Dòng Tên ở Đàng Trong đã bị chúa Nguyễn trục xuất. Lúc bấy giờ Cha Đắc Lộ đang ở Ma Cao. Cha tận dụng ảnh hưởng của các thương nhân người Bồ đối với chúa Nguyễn để cha được ra vào Đàng Trong tất cả bốn lần. Lần thứ nhất (02/1640 - 8/1640), lần thứ hai (12/1640 - 7/1641), lần thứ ba (01/1642 – 9/1643), lần thứ tư (01/1644 – 03/7/1645). Trong chuyến trở lại Đàng Trong lần thứ hai, cha Đắc Lộ đã tận dụng cơ hội để thăm viếng tín hữu Phú Yên. Nhân dịp nầy cha rửa tội cho Anrê Phú Yên tại nhà nguyện của bà Mađalêna Ngọc Liên trong Dinh Trấn Biên Phú Yên.

Xét hoàn cảnh sự hiện diện của cha Đắc Lộ tại Dinh Trấn Biên lúc nầy, có thể cha chỉ thăm viếng các tín hữu và qui tụ các tân tòng trong phạm vi những làng lân cận Dinh Trấn Biên. Học giả Phạm Đình Khiêm đã viết: “ Xét vì cuộc viếng thăm của giáo sĩ chỉ thâu hẹp trong các làng phụ cận dinh Trấn Biên, mà phương tiện truyền tin và giao thông thời ấy lại rất hạn chế, người ta có lý do để tin rằng những giáo hữu tân tòng kia không phải từ ở nơi xa đến, mà chính là những người ở ngay chỗ trấn lỵ và phụ cận”.18

Từ nhận định nầy, Học giả Phạm Đình Khiêm đi đến một nhận định khác: “Như vậy sinh quán của anh hùng Anrê Phú Yên, không đâu khác ngoài các làng Hội Phú và lân cận là Long Uyên, Diêm Điền, Hội Tín, Phú Thọ, Minh Chính… Tại Long Uyên ngày nay có một ngôi nhà thờ nhỏ lợp lá, với một họ đạo non vài trăm nhân danh, gọi là họ “Lò giấy”. Theo lời truyền tụng, đó là họ đạo xưa nhất trong cả miền, đã cống hiến cho Giáo hội mấy chục người tử đạo đời Văn thân. Phải chăng đó chính là làng quê của thầy giảng Anrê ? ”.19

Học giả Phạm Đình Khiêm đã đặt vấn đề “Phải chăng (Lò Giấy) đó chính là làng quê của thầy giảng Anrê ? ”. Và vì chỉ là nghi vấn không thể chứng minh được nên ngay sau đó ông khẳng định: “Dầu sao thì tất cả miền này đều thuộc địa sở (họ chính) Mằng Lăng, một địa sở tôn giáo rất quan trọng, gồm 12 họ nhánh, 3.000 giáo hữu, với ngôi nhà thờ nguy nga đẹp đẽ nhất tỉnh. Vậy nếu không định rõ được đích xác làng, thôn nào đã sản xuất vị anh hùng, ít nhất ta cũng được biết chắc chắn Mằng Lăng là “xứ đạo quê hương” (paroisse natale) của người, và đó là một nhận định quan trọng, vì “xứ đạo” (địa sở tôn giáo) là đơn vị căn bản của địa dư Giáo hội”.20

Thật ra, Lò Giấy là một giáo họ được thành lập sau năm 1747 và trước năm 1850. Trong thống kê của các thừa sai năm 1747, Phú Yên có 06 nhà thờ và 67 nhà nguyện của các giáo họ liên hệ, trong đó Chợ Mới là nhà thờ chính trong vùng, là trú sở của các thừa sai.21 Trong số 06 nhà thờ và 67 nhà nguyện của thống kê năm 1747 chưa thấy có tên giáo họ Lò Giấy, và ngay cả Mằng Lăng cũng chưa có trong thống kê nầy.

Trong thống kê năm 1850 của Thánh Giám mục Cuênot Thể, Phú Yên được chia làm hai xứ, xứ phía Bắc và xứ phía Nam. Trong đó, Lò Giấy và Mằng Lăng thuộc xứ phía Bắc. 22

Với các chứng cứ trên đây cho thấy việc xác định Lò Giấy là nơi sinh của Anrê Phú Yên là một khẳng định chưa đủ chứng cứ lịch sử. Nói cách khác, không thể xác định Lò Giấy là nơi sinh của Anrê Phú Yên. Do đó, quan điểm của Học giả Phạm Đình Khiêm dễ được chấp nhận: “nếu không định rõ được đích xác làng, thôn nào đã sản xuất vị anh hùng, ít nhất ta cũng được biết chắc chắn Mằng Lăng là “xứ đạo quê hương” (paroisse natale) của người, và đó là một nhận định quan trọng, vì “xứ đạo” (địa sở tôn giáo) là đơn vị căn bản của địa dư Giáo hội”.



4. Nơi tử đạo :

Chân phước Anrê Phú Yên tử đạo tại Gò Xử, Thành Chiêm, Điện Bàn, Quảng Nam. Nay thuộc giáo họ Phước Kiều, giáo xứ Hội An, giáo phận Đà nẵng.



5. Tuyên phong Chân phước :

Thầy giảng Anrê Phú Yên được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong Chân phước vào ngày 05 tháng 3 năm 2000.

Sau đó, để bày tỏ tâm tình tạ ơn Chúa cách long trọng và để tôn vinh Chân phước Anrê Phú Yên, vị tử đạo tiên khởi của Hội Thánh Việt Nam, giáo phận Qui Nhơn đã tổ chức ngày hội trại đầu tiên của giảng viên giáo lý giáo phận Qui Nhơn từ ngày 25 đến ngày 26/7/2000 tại giáo xứ Mằng Lăng, quê hương của Chân phước Anrê Phú Yên. Đỉnh điểm của tâm tình tạ ơn là Thánh lễ đồng tế do Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn chủ sự.

Tại Đại Hội Giới Trẻ thế giới lần thứ 17 ở Toronto, Canada, (23-28/7/2002), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nêu Chân Phước Anrê Phú Yên ở vị trí thứ hai trong số 10 vị thánh trẻ tiêu biểu làm mẫu gương cho cuộc sống.

Tại Hội Nghị thường niên ở Bãi Dâu từ ngày 25 đến ngày 27/3/2008, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chính thức chấp thuận chọn ngày làm chứng của Chân Phước Anrê Phú Yên, 26/7, làm Ngày Giảng Viên Giáo Lý Việt Nam.

II. SỰ NGHIỆP

Nói đến Anrê Phú yên, là nói đến một người trẻ 19 xuân xanh can trường sống chết vì Chúa Giêsu.

Nói đến Anrê Phú Yên, là nói đến một mẫu gương về các kĩ năng sống cho giới trẻ.

Nói đến Anrê Phú Yên là nói đến một mẫu gương phục vụ dân Chúa của các giảng viên giáo lý.

Như thế, nói đến Anrê Phú Yên là nói đến một cuộc đời đã hoàn thành. Chúng ta rút được bài học nào trong con người đã hoàn thành cuộc đời mới có 19 xuân xanh đó không ?

Cuộc đời hoàn thành đã được sách Khải huyền diễn tả“ CHIỀU DÀI, CHIỀU RỘNG VÀ CHIỀU CAO ĐỀU BẰNG NHAU ”(Kh 21,16).



1. CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN VỚI CHIỀU DÀI CUỘC ĐỜI :

Mỗi người có thời gian sống ngắn, dài khác nhau. Mỗi người có những khả năng làm việc khác nhau. Theo chỉ dẫn của dụ ngôn những nén bạc trong Tin mừng ( Mt 25, 14-30 ), mỗi người có trách nhiệm khám phá sứ mạng, khả năng của mình trong suốt chiều dài cuộc sống. Phải làm hết sức mình để thực hiện sứ mạng và những khả năng của mình. Phải hành động như thể Thiên Chúa đã giao cho mình chính công việc nầy, vào lúc nầy. Chiều dài cuộc đời là chuỗi dài các nỗ lực của mỗi người để đạt được hạnh phúc trong suốt chiều dài cuộc đời của mình.

Năm 1642, Anrê Phú Yên khăn gói lên đường với cha Đắc Lộ về Hội An. Tại trường “thầy giảng Hội An” do cha Đắc Lộ thành lập, Anrê được nhập đoàn với 09 người anh ưu tú trong cộng đoàn thầy giảng, Anrê là người em út.

Ngoài việc luyện tập nhân đức, học giáo lý bằng quốc ngữ, chữ nôm, chữ hán, các thầy giảng còn được học kinh sử cổ điển. Về môn học nầy đã có sẳn một thầy giáo trong cộng đoàn là thầy Inhaxiô, từng là một cựu quan ở Chính Dinh. Cha Đắc Lộ nói về Anrê: “Tôi giao thầy Anrê cho một trong những thầy giảng khác của tôi là Inhaxiô, là người rất khôn ngoan, thông thái để học văn chương Trung Hoa; Anrê học hành có kết quả đến nỗi Inhaxiô phải nói với tôi rằng: Trong tất cả các môn sinh, không một người nào đọ kịp trí tuệ của Anrê, thầy linh lợi thông minh, học đâu hiểu đó”. 23

Nơi trường thầy giảng, Anrê theo đuổi việc tu đức và học vấn nhưng không bỏ qua những việc cần làm để giúp đỡ người khác, như Cha Đắc lộ nhận xét người học trò nhỏ của mình: “Người thầy không khỏe mạnh gì lắm, thế mà việc khó mấy trong nhà, thầy cũng làm luôn, nhiều khi lại làm quá sức mình; thầy quên mình để giúp kẻ khác”.

- Làm hết sức mình, làm cách hoàn hảo nhất những gì có thể làm:

Lễ Chúa Giáng Sinh năm 1643, nhóm thầy giảng đang có mặt tại kinh đô mừng lễ Giáng Sinh ngay trong dinh Tổng Trấn Nguyễn Phúc Khê. Không có linh mục, không có Thánh lễ, Thầy Anrê Phú Yên làm hang đá, một điểm qui tụ tín hữu trong vùng lân cận và chính Tổng Trấn Nguyễn Phúc Khê cùng con cháu và gia nhân đến triều bái, thờ lạy Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Cha Đắc Lộ tóm tắt công việc của thầy Anrê trong những tháng ngày làm việc ở vùng truyền giáo này: “Thầy Anrê đặc biệt chăm chỉ đi theo thầy Inhaxiô trong mọi hoạt động vì lòng bác ái, thầy đến tận kinh đô xứ Đàng Trong, ở đó riêng mình thầy làm việc bằng nhiều người khác”. Thầy giảng đạo cho người ngoại giáo, dạy dỗ kẻ tân tòng…, dọn dẹp nhà thờ rất sạch sẽ, trang hoàng nhà thờ trong những ngày lễ lớn, khéo léo đến nỗi làm cho bổn đạo tăng thêm lòng sốt sắng và cả người ngoại giáo cũng phải trọng kính mầu nhiệm của đạo”. 24



2. CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN VỚI CHIỀU RỘNG CUỘC ĐỜI

Chiều rộng cuộc đời là việc mưu cầu hạnh phúc cho người khác.

Cha Đắc Lộ tóm tắt hoa quả về cách đối nhân xử thế của Anrê: “Anrê ở nhà tôi chỉ ít lâu, nhân đức trong linh hồn thầy đã biểu lộ ra ngoài; thầy sống giữa chúng tôi như một vị thánh nhỏ; thầy có tư thái hiền hậu, đức vâng lời mau lẹ, rất kính trọng mọi người, khiến ai ai cũng đều cảm phục”. Sự thông minh và những khả năng của thầy chẳng làm hại chút nào đến đường tu đức của thầy: “Tất cả những lợi điểm đó chẳng làm cho thầy có chút vẻ gì là kiêu ngạo hay tự mãn: Thầy coi mình như kém hết mọi người, và không có gì làm cho thầy bằng lòng hơn là được dịp phục vụ người khác”. 25

Quả vậy, Anrê nhỏ con, nhỏ người, ốm yếu, làm những việc nhỏ: Dọn bàn thờ, làm hang đá, chăm sóc bệnh nhân..., nhỏ nhất trong nhóm thầy giảng Đàng Trong, nhỏ tuổi đời, nhỏ tuổi đạo, nhỏ tuổi tu: Sinh năm 1625, rửa tội năm 1641, nhập đoàn thầy giảng năm 1642, khấn trọn năm 1643, tử đạo năm 1644.

Dưới bóng cha Đắc Lộ và một số thầy giảng từng là ông cử, ông quan, thầy Anrê trẻ tuổi, quê mùa, chơn chất không có gì đáng kể. Tuy nhiên, mặt trời chiếu soi ban ngày, vầng trăng soi chiếu ban đêm, sao hôm, sao mai dù leo lét nhưng là một dấu chỉ đường, một ngọn hải đăng trên bầu trời. Có đường Quốc lộ 1, cũng có những con đường bờ ruộng, những con đường làng nhỏ hẹp; có cầu Ngân Sơn26 với những kỷ thuật cao cho bộ hành Nam Bắc, cũng có những cầu bê tông giản đơn, cầu khỉ, cầu tre cho cư dân và du khách về các xóm làng; có giòng sông Ngân27 với dòng nước trong xanh phát nguyên từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, cũng có những dòng suối nhỏ nên thơ, hữu tình, nước róc rách góp lại cho dòng sông. Ai cũng có gì để cho, ai cũng có gì để đóng góp cho anh chị em, cho Hội Thánh. Trọn tâm, trọn ý, trọn tình từ trong công việc nhỏ, đơn điệu, âm thầm, đó là đạo lý của Tin Mừng: “Khá lắm, hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành! Trong việc nhỏ mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ đặt anh lên coi việc lớn, hãy vào hưởng niềm vui của chủ anh” (Mt 25, 21).

Ngày 25 tháng 7 năm 1644, ông Nghè Bộ cho lính đến Cư sở Dòng Tên tại Hội An tìm bắt thầy Inhaxiô theo lệnh bà Tống Thị. Hôm ấy Cha Đắc Lộ và thầy Inhaxiô cùng với 04 thầy khác đang đi làm việc tông đồ, thầy Anrê Phú Yên ở nhà săn sóc 04 thầy trong nhóm đang bị bệnh. Toán lính không tìm thấy thầy Inhaxiô, Thầy Anrê bạo dạn nói với toán lính: “Nếu các ông muốn bắt thầy Inhaxiô thì vô ích vì Inhaxiô không có ở đây. Còn muốn bắt tôi thì rất dễ dàng, tôi là tín hữu, hơn nữa là thầy giảng. Tôi có cả hai tội mà các ông khép cho thầy Inhaxiô để bắt thầy ấy. Nếu thầy ấy có tội thì tôi làm sao vô tội được”. 28

Toán lính không bỏ lỡ cơ hội, họ bắt và trói thầy Anrê như chiên hiền lành không chống cự. Sau đó toán lính xúc phạm đến các ảnh thánh, thầy khuyên can họ: “Nếu các ông quyết định lấy những ảnh thánh ấy, thì cứ để tôi sắp xếp cẩn thận cho, càng dễ mang đi”. Thầy Anrê được cởi trói để làm điều thầy nói, sau đó thầy đưa tay cho lính trói thầy trở lại. Đã làm những điều ấy nhưng lính chưa thỏa mãn, lính lôi một thầy đang đau nằm trên giường, định bắt giải đi. Thầy Anrê dịu ngọt thuyết phục, họ để cho thầy ấy được tự do, còn chính người van xin biện hộ cho anh em thì lên đường khổ nạn.

Quả vậy, ơn thánh không hủy diệt bản tính tự nhiên nhưng đón nhận, thánh hóa, và trợ giúp để bản tính tự nhiên tiến đến hoàn thiện viên mãn. Với đức nhân, với lòng dũng cảm, với trí khôn ngoan cùng với ơn thánh, thầy Anrê quyết định để cho lính bắt thầy mau chóng như thế; có thể vì thầy đã nghĩ rằng: Thầy là người em út trong nhóm thầy giảng, thầy có mất đi cũng không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt, đến sự sống còn của nhóm thầy giảng và lớn hơn nữa là sự sống còn của một giáo đoàn còn non yếu. Trong khi nếu thầy Inhaxiô, người anh cả khôn ngoan, bản lĩnh...mất đi thì sẽ ảnh hưởng lớn đến nhóm, đến giáo đoàn. Cha Đắc Lộ là sư phụ, là linh hồn của nhóm, của giáo đoàn. Tuy nhiên sự hiện của cha có tính cách bấp bênh, vì theo lệnh chúa Nguyễn, hết hạn “tạm trú” cha phải lên tàu với các thương nhân về lại Áo Môn.29 Lại nữa, lệnh trục xuất của ông Nghè Bộ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó sự hiện diện của thầy Inhaxiô luôn luôn cần thiết cho anh em, cho công cuộc truyền giáo. Để cho lính bắt thầy như một ‘chiến lợi phẩm’, điều đó có thể làm dịu đi việc truy tìm thầy Inhaxiô, đồng thời là tiếng chuông báo động nguy hiểm cho thầy Inhaxiô, thầy Inhaxiô có thể trốn thoát. Lời tiên tri của Cai-Pha “thà một người chết cho cả dân được nhờ” (Ga 11,50) xưa đã ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu, nay được ứng nghiệm nơi thầy Anrê.

Quả vậy, trong lúc tấn bi kịch xảy ra tại Hội An thì Cha Đắc Lộ và các thầy giảng sắp vào Dinh Trấn thăm hữu nghị ông Nghè Bộ. Vừa lúc ấy, ý Chúa nhiệm mầu sai khiến ông Horace Massa, một thương gia người Ý chạy đến cấp báo cho cha Đắc Lộ biết sự việc xảy ra tại Hội An. Cha Đắc Lộ vội vàng cho các thầy giảng trở về tìm nơi ẩn núp. Còn thầy Anrê đã chọn hy sinh, quên mình làm hướng đi và thầy đã trung thành đến hơi thở cuối cùng với lựa chọn của mình.

3. CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN VỚI CHIỀU CAO CUỘC ĐỜI

- Chiều cao cuộc đời là hướng đi lên tới Thiên Chúa.

Được biết Chúa Giêsu, yêu mến Chúa Giêsu và làm chứng cho Chúa Giêsu là hành trình đức tin thánh Tông Đồ Anrê đã đi. Sau 17 thế kỷ, cũng từ miền sông nước, một Anrê khác theo gương vị Bổn mạng của mình, đã từ bỏ Sõng lưới, từ bỏ ruộng vườn, từ bỏ gia đình...để dành trọn vẹn tình yêu cho Chúa Giêsu. “Hãy giữ nghĩa cùng Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời” là châm ngôn sống của Chân phước Anrê Phú Yên.

Trong sân nhà lao, thầy Anrê Phú Yên đã khẳng định lòng tín thác đó khi nói với đám đông lương giáo vây quanh mình : “Các anh em thấy rõ tôi đây đã bị bắt và sắp phải chết, chẳng phải vì ăn cướp, giết người hay làm thiệt hại ai, mà chỉ vì tôi đã nhìn nhận Chúa tể trời đất và Con Một Người xuống thế chuộc tội cho ta. Mọi sự ta có đều do Người. Thế mà người ta lại muốn tôi phạm đến Người. Tôi chẳng sợ bất cứ hình phạt nào người ta có thể bắt tôi chịu, tôi chỉ sợ lửa hoả ngục đời đời. Hỡi anh em, anh em hãy coi chừng, đừng từ chối ơn Đức Chúa Trời đã ban cho anh em30

Cha Đắc Lộ kể lại những giây phút cuối cùng của Chân phước Anrê Phú Yên đã hoàn thành cuộc đời vào chiều hôm 26/07/1644: :“ Tôi mê hồn nhìn thấy người thanh niên chân phước kia, lúc ấy quỳ gối, và đã bị đâm ba lần ở sau lưng, chẳng những không ngã quỵ, mà lại không hề lay chuyển; Thầy được vững mạnh như vậy trong ơn thánh sủng nâng đỡ Thầy; Thầy vẫn luôn luôn không chuyển động, và tôi thấy diện mạo của Thầy không mất chút nào về vẻ bình thản cũng như về màu sắc… Người thanh niên thánh thiện nầy vẫn không ngớt đọc Thánh Danh Chúa Giêsu; ngay khi đầu của thầy đã rời khỏi cuống họng, và nằm ngả trên vai bên phải, tôi nghe thấy rỏ ràng tên cực trọng Giêsu phát ra từ vết thương nơi cổ, cùng một giọng giống hệt như từ cửa miệng phát ra lúc trước; tôi nghe thấy thế rất rõ ràng và tất cả những người gần tôi lúc ấy đều nói như vậy, vừa vui mừng, lại vừa kinh ngạc. Thánh Danh Giêsu không thể phát ra từ miệng thầy nữa, thì lại phát ra từ trái tim thầy, ngay đang lúc thôi đập, để tỏ rằng trái tim nầy dầu có chết, cũng còn giữ mãi Thánh Danh kia, và khi không thể dùng miệng lưỡi mà ca ngợi Danh Thánh Giêsu được, thì thầy dùng chính vết thương mình mà ca ngợi Danh Chúa...” 31.

Cùng với Thánh Phaolô, Chân Phước Anrê Phú Yên đã tiếp tục minh định : “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (phil. 3,8).



III. MẢNH ĐẤT TỐT CHO HẠT GIỐNG NẨY MẦM

1. Nơi Chân phước Anrê Phú Yên: sự tự do của con người được kết hợp hài hòa với ân sủng.

Chúng ta thử nghĩ xem, vào lúc hạt giống Tin mừng mới vừa được gieo trên quê hương chúng ta, làm sao một chàng thanh niên mới 15 tuổi đã dứt khoát chọn lựa theo Chúa và dám đem cái chết của mình ra để minh chứng lòng tín trung của mình ? Chết vào lúc 19 tuổi, chết quá trẻ, sống đức tin hơn 3 năm. Quả vậy, không có ơn Chúa chúng ta không làm được việc gì. Do đó phải nói được rằng nơi Chân phước Anrê Phú Yên là chuỗi dài sự tự do của con người được kết hợp hài hòa với ân sủng. Chân phước Anrê Phú Yên đã tự do quyết định hướng đi cho đời mình và dù ơn Chúa là một kho tàng bất tận luôn có đó, nhưng Anrê Phú Yên phải ra sức mò mẫm hy sinh trong cố gắng của cả một đời người để hoàn thành cuộc đời, mặc dù ngắn ngủi.



2. Môi trường sinh thái của nhân bản và đạo đức

Anrê Phú Yên đã quảng đại hy sinh cuộc đời mình và tự nguyện lãnh lấy trách nhiệm trong cuộc sống. Việc này có được không phải là một sớm một chiều. Nó có bề dày nền tảng của nó. Đó là nhờ có một bà mẹ đạo đức, một người thầy uyên thâm và một mẫu gương tông đồ giáo dân sáng ngời.



2.1. Bà Gioanna

Bà Gioanna, mẹ của Anrê, góa chồng sớm, nhưng đã dạy con chu đáo. Chính bà đã đến xin cha Đắc lộ cho con mình làm đệ tử của cha. Yếu tố người mẹ trong việc giáo dục nhân cách và đức tin rất quan trọng. Chúa sáng tạo và quan phòng đã phú ban cho người nữ tấm lòng của người mẹ, lòng mẹ thì bao như biển Thái Bình, lòng mẹ hy sinh, lòng mẹ yêu thương. Cha Philipphê Bỉnh viết : “Bà rất chăm sóc việc giáo dục cho Anrê về đường đức hạnh và đường học vấn”. (truyện Đàng Trão, trang 46).



2.2. Cha Đắc Lộ

Cha Đắc Lộ, vị truyền giáo tài tình đã nhờ ơn Chúa soi sáng và kết hợp với sáng kiến cá nhân của ngài mà Nhà Đức Chúa Trời đã được lập nên, phỏng theo đời sống đại gia đình Việt Nam, ngài lấy tinh thần gia đình để huấn luyện các học trò của mình. Các thầy giảng đã được huấn luyện nhuần nhuyễn từ nền lễ giáo Đông Phương về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, và sau đó trong cái gốc đầy sức sống ấy, cha Đắc Lộ đã cấy ghép Đức tin Kitô giáo vào. Nhờ vậy đạo Công giáo mà cha và các thầy rao giảng không xa lạ đối với đồng bào chúng ta. Tất cả chúng ta từ nhiều địa phương, từ nhiều dòng họ khác nhau được mời gọi sống chung thành đại gia đình con cái Chúa. Tình Gia đình đó là một tình cảm sâu nặng mà mỗi người chúng ta phải phát huy trong đại gia đình chúng ta đang sống, cộng đoàn dân Chúa.

Năm 1642 Cha Đắc Lộ có dịp đến Phú Yên lần thứ hai, Anrê Phú Yên ngỏ lời với cha Đắc Lộ, xin theo Cha giúp việc truyền giáo. Lúc đầu cha Đắc Lộ từ chối vì Anrê còn trẻ, hơn nữa trong thời buổi cấm đạo việc di chuyển của đoàn truyền giáo có đông người là điều nên tránh. Tuy nhiên sự kiên trì nài nỉ của Anrê và của người mẹ đạo đức, đến không để van xin cho con út quý yêu của mình được ‘ngồi bên tả hay bên hữu’ mà đến để van xin được đồng hành yêu mến và làm chứng cho Chúa Giêsu. Thiện chí đó đã khiến Cha Đắc Lộ gạt sang một bên cái lôgíc rất hợp tình hợp lý, rất khôn ngoan, rất “máu thịt” kia, để nhường chỗ cho cái lôgíc tình yêu quan phòng của Thiên Chúa chiếm hữu và hướng dẫn. Hoan hô Cha Đắc Lộ ! Bài giáo lý bao đồng cha truyền lại cho Anrê Phú Yên không phải là những lời nói suông mà là một thái độ sống ấn tượng. Anrê đã nhập tâm bài giáo lý bao đồng ấy : Tín thác hoàn toàn vào tình yêu quan phòng của Cha trên trời. Lòng tín thác ấy đã được tỏ lộ mạnh mẽ trong cuộc đời, nhất là lúc đối diện với đau khổ và cái chết.

2.3. BÀ NGỌC LIÊN CÔNG CHÚA

Đặc tính của người nữ là yêu thương phục vụ, có rất nhiều ơn gọi phục vụ không kèn không trống đang diễn ra từng ngày, trong gia đình, trong giáo xứ, trong các môi trường hoạt động thiện ích xã hội. Việc những người nữ tham gia vào việc hoạt động truyền giáo đã đem lại nhiều hiệu quả. Trường hợp bà Maria Ngọc Liên là một điển hình. Dựa vào lòng bao dung sẳn có nơi người nữ, lại nữa như một folklore của dân tộc, các vị thừa sai khơi sáng lòng bao dung hướng tới những người nghèo, những người bị bỏ rơi. Cha Đắc Lộ ghi nhận : “Một bà nhân đức tên là Maria Madalena, vợ quan trấn thủ, đã làm nhiều việc thiện trong tỉnh Phú Yên, bà còn là một người sáng lập một bệnh viện để chăm sóc tất cả giáo dân và người tân tòng bị chứng bất trị. Trong đám bệnh nhân có mấy người cùi sẵn sàng chịu phép rửa tội, để được trong sạch trong linh hồn. Mỗi ngày người ta giảng dạy những điều cần thiết để chuẩn bị phép bí tích ban ơn thánh, có mấy người bổn đạo cũ đến giúp và dự vào việc huấn giáo”. 32

Bà Ngọc Liên chẳng những đã bảo trợ cho các bệnh nhân mà còn là người bảo trợ cho các dự tòng và tân tòng. Có bà bảo trợ, các dự tòng và tân tòng mới có thể ra vào được nhà nguyện trong dinh Trấn Biên. Gương sống đạo, lòng rộng lượng, sự thơm thảo, thởi lởi của bà bảo trợ chắc hẳn đã để lại trong lòng Anrê Phú Yên một ấn tượng sâu sắc. Chính ấn tượng nầy đã ảnh hưởng đến những chọn lựa và quyết định định hướng cuộc đời của Anrê.

Gương sống đạo của cha Đắc Lộ, của bà Gioanna, của bà Maria Madalêna Ngọc Liên và Chân phước Anrê Phú Yên là một lời nhắn nhủ chúng ta: Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có bổn phận rao giảng Tin Mừng, nhưng lời giảng hùng hồn nhất là chính cuộc sống chúng ta.

BÀI SỐ 2
NƯỚC MẶN, CẢNG THỊ VÀ TRUNG TÂM TRUYỀN GIÁO

1. THIÊN NHIÊN MỘT VÙNG ĐẤT:

Mãn vui Hương Thủy Ngự Bình,



Ai vô Bình Định với mình thì vô

Chẳng lịch bằng kinh đô,

Bình Định không đồng khô cỏ cháy.

Năm dòng sông chảy,

Sáu dãy non cao,

Biển Đông sóng vỗ dạt dào,

Tháp xưa làm bút ghi tiếng anh hào vào mây xanh.”

Những lời mộc mạc ấy của người học trò xứ ‘nẫu’ ngỏ lời với người học trò sông Hương núi Ngự đã giới thiệu được khái quát thủy thổ của tỉnh Bình Định. Tỉnh Bình Định có bờ biển dài trên 100 km. Từ Nam ra Bắc có nhiều dòng sông lớn nhỏ với dòng nước trong xanh ngoằn ngoèo uốn lượn trong đất Bình Định trước khi ra biển cả hòa mình với đại dương. Năm dòng sông lớn cắt ngang địa hình Bình Định theo hướng Tây – Đông : Sông Hà Thanh, Sông Côn, Sông La Tinh, Sông Lại Giang, Sông Tam Quan. Năm dòng sông nầy trước khi chảy ra biển quần tụ thành những đầm vịnh, cửa biển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu từ vùng biển vào đồng bằng, lên miền núi và ngược lại. Sông Hà Thanh và Sông Côn vào đầm Thị Nại ra cửa biển Thị Nại. Sông La Tinh vào đầm Đề Gi 33 ra cửa biển Đề Gi. Sông Lại Giang chảy ra cửa biển An Giũ 34. Sông Tam Quan chảy ra cửa biển Kim Bồng.



2. CẢNG THỊ NƯỚC MẶN:

Ngoài năm dòng sông chính ấy còn có những phụ lưu song song hoặc giao nhau với các tỉnh lộ, huyện lộ. Dọc theo các điểm bờ sông giao nhau với đường bộ và tại các cửa biển, các cụm dân cư đã được hình thành. Các làng nghề, các cảng thị sông biển cũng sớm ra đời cùng với các cụm cư dân. Trong số các cảng thị được hình thành tại Bình Định, Nước Mặn là một cảng thị sầm uất được hình thành bên bờ sông Hà Bạc, một chi nhánh của sông Côn.

Cha Borri, một trong các thừa sai Dòng Tên đầu tiên đến Nước Mặn đã viết : “ Chúng tôi leo lên lưng voi ngay để cùng đoàn tuỳ tùng đi tới Nước Mặn, một địa điểm dài chừng hai dặm và rộng tới một dặm rưỡi ”. 35 Cha Borri không nói đến cảnh buôn bán ở Nước Mặn nhưng đã cho thấy sự rộng lớn của cảng thị nầy.

Vào thế kỷ XVIII, Pierre Poivre đã đến Đàng Trong và viết trong hồi ký của ông : "Tại tỉnh Qui Nhơn có một thương cảng khác gọi là Nước Mặn là một cảng tốt, an toàn, được thương nhân lui tới nhiều nhưng kém hơn Faifo, lại không thuận tiện vì quá xa kinh thành mà các thuyền trưởng thì nhất thiết phải đi đến kinh thành nhiều lần và phải đi ròng rã 6 ngày đường" . 36

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí, tỉnh Bình Định, bản chép thời Tự Đức, mục thị tập có ghi tên 118 chợ lớn nhỏ trong toàn tỉnh Bình Định nhưng không thấy có Nước Mặn dù chỉ là một chợ nhỏ. 37 Như thế, bước sang thế kỷ XIX, cảng thị Nước Mặn vang bóng một thời đã suy tàn, các thương nhân đến các nơi khác hoặc về Qui Nhơn buôn bán, tạo tiền đề phát triển cho thành phố Qui Nhơn ngày nay. 38

Cho đến nay việc khảo sát cảng thị Nước Mặn chưa được đi sâu. Vào tháng 4 năm 2006, Bảo tàng tổng hợp Bình Định đã tổ chức khảo sát nhưng không quy mô.

 “Hố khảo sát chỉ có diện tích 6m², lại mới đào khoảng 50cm, nhưng các nhà khoa học đã tìm thấy hàng vài trăm mảnh gốm sứ các loại: gốm Gò Sành (gốm Chăm thế kỷ XIV-XV), gốm Chu Đậu (Việt Nam, thế kỷ XIV-XVIII), Nhật Bản, Trung Quốc (thế kỷ XVII), thậm chí cả gốm vùng Trung Cận Đông, gốm Thái Lan. Nhiều nhất vẫn là gốm Chăm, Trung Quốc và Nhật Bản. Gốm Trung Quốc và Nhật Bản cùng mang màu xanh trắng, nhưng có thể phân biệt khá rõ về sắc độ và sự tinh xảo. Có mặt tại điểm khảo sát, TS Roxana M. Brown (một chuyên gia về gốm Đông Nam Á, hiện là Giám đốc Bảo tàng Gốm Đông Nam Á thuộc Đại học Bang Kok - Thái Lan), nhận xét: "Niên đại của các hiện vật gốm Trung Quốc và Nhật Bản nằm khoảng thời gian từ 1620 đến 1680".

Còn Tiến sĩ Đinh Bá Hòa - Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, đánh giá: "Sự phong phú các mảnh gốm trên cùng một lớp địa tầng cho thấy sự giao lưu, buôn bán thời kỳ này rất phồn thịnh. Những mảnh gốm Nhật khá nhiều, chứng tỏ các thương gia Nhật đã tìm đến Nước Mặn giao lưu, buôn bán rất nhiều. Những hiện vật này làm sáng tỏ thêm hiểu biết của chúng ta về cảng thị Nước Mặn thuở phồn vinh và cũng chứng tỏ rằng, cảng thị này chỉ tồn tại đến thế kỷ XVII". 39

Sự ra đời của một cảng thị, sự hưng thịnh, suy vong, lụi tàn đều có những lý do tất yếu của nó. Cảng thị Nước Mặn ngày xưa bao gồm các thôn An Hòa, thôn Lương Quang, xã Phước Quang và thôn Kim Xuyên thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước ngày nay. Trải qua thời gian dài dâu bể và do sự bồi đắp tự nhiên của phù sa, cảng thị ngày càng biến dạng và suy tàn.

Vào thế kỷ XVII – XVIII, cửa khẩu đi vào Nước Mặn được gọi là Kẻ Thử.40 Cửa khẩu nầy dẫn vào phía Bắc đầm Thị Nại, phân biệt với cửa Thị Nại ở phía Nam. Cửa Kẻ Thử đã bị bồi lấp, nối liền núi Bà ở phía Bắc và núi Đơn ở phía Nam tạo nên một trảng cát dài hơn 8km. Ngày nay tại vùng đất nầy vẫn còn tên gọi chợ Kẻ Thử thuộc thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát.

Theo truyền tụng dân gian, vào thời Gia Long, trời nổ sấm, mở cửa Qui Nhơn và lấp cửa Kẻ Thử . Theo bản đồ địa chất Nghĩa Bình, từ Đề Gi qua núi Bà đến Qui Nhơn có mạch đứt gãy hoạt động từ 500 năm nay, mạch đứt gãy chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Cửa Kẻ Thử nằm ngay trên mặt đứt gãy nầy nên đành chịu sự vùi lấp của nó. Cách nay khoảng hơn 200 năm, mạch đứt gãy nầy có sự kiến tạo đột biến ở phía Nam núi Bà làm cho vùng nầy trồi lên cách bất thường. Cửa Kẻ Thử bị lấp. Nó đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình. 41

3. CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN ĐẦU TIÊN ĐẾN ĐÀ NẴNG VÀ NƯỚC MẶN

Đoàn thừa sai Dòng Tên đầu tiên đến Đà Nẵng vào ngày 18/01/1615 gồm có cha Francesco Buzomi, cha Diogo Carvalho và trợ sĩ Antonio Dias. Đoàn thừa sai đến Đà Nẵng trước nhưng lại lập cư sở tại Hội An. Từ những thập niên cuối thế kỷ 16, Hội An như một đặc khu được chúa Nguyễn Hoàng dành cho người ngoại quốc trú ngụ và buôn bán.42 Lúc bấy giờ tại Hội An đã có một số kitô hữu Nhật kiều.

Từ Hội An, cha Buzomi tiếp cận đến Thành Chiêm, thủ phủ trấn Quảng Nam. Tại đây, cha được nhà quan đón tiếp tử tế và nhận được nhiều sự giúp đỡ, đặc biệt là sự giúp đỡ của người em gái Quan trấn thủ. “Không mấy chốc người ta đã chỉ cho cha một nơi để dựng nhà thờ. Mọi người đều rất mực chuyên chú bắt tay vào việc, kẻ góp công người góp của cùng làm theo khả năng của mình. Người ta cũng dựng một nhà khá rộng để làm nơi thường trú cho các cha… Tất cả công việc được thực hiện chính yếu là do sự giúp đỡ của một bà quý tộc đã trở lại đạo và lấy tên rửa tội là Gioanna”.43 Bà Gioanna là em gái của Quan trấn thủ, “Ông (Quan trấn thủ) là anh bà lớn Phanxica, mà theo thói tục gọi tên của xứ đó thì gọi bà là Gioanna, tên thánh của con gái bà. Một cha dòng thánh Phanxicô đã rửa tội cho bà cụ cách đây chừng 30 năm, còn cô con gái của bà do một cha Dòng Thánh Agostinô rửa tội”. 44 Lúc bấy giờ những cơ sở nầy chưa phải là cư sở (residentia) của các thừa sai. Theo báo cáo thường niên được viết ngày 12/12/1621, cha Gaspar Luis xác nhận các thừa sai dòng Tên chỉ có hai cư sở: Hội An và Nước Mặn. 45

Lúc bấy giờ việc truyền giáo trong vùng tam giác Đà Nẵng – Hội An – Thành Chiêm có kết quả tốt. Đầu năm 1617, từ Macao cha Pina đến Đàng Trong để tiếp sức với cha Buzomi. Tưởng chừng công việc truyền giáo như đang thuận buồm xuôi gió, nhưng gió đã đổi chiều. Mùa thu năm 1617, trời hạn hán. Dân không có nước làm mùa, nạn đói đe dọa. Họ cho rằng thần phật nổi giận, không cho mưa vì mấy người ngoại quốc truyền bá một thứ đạo hoàn toàn trái ngược với việc thờ cúng thần phật. Họ yêu cầu chúa Nguyễn phải trục xuất những người ngoại quốc nầy. Dù chúa Nguyễn nhận định được vấn đề, nhưng để hợp lòng dân trong lúc nầy, chúa Nguyễn đành ra lệnh trục xuất các thừa sai. Các thừa sai xuống thuyền nhưng trời ngược gió, không thể nhổ neo, đành lên bờ tá túc trên một cánh đồng xa cách dân chúng. Trong cảnh tạm bợ thiếu thốn mọi bề, cha Buzomi lâm bệnh, kiệt sức.

Trong lúc các thừa sai đang gặp nạn, ông Trần Đức Hòa, quan Tuần phủ khám lý Qui Nhơn, một người thân cận với chúa Nguyễn, đang có mặt tại Đà Nẵng. Ông nghe biết mọi chuyện, ông động lòng thương, ông đưa cha Buzomi xuống thuyền về Qui Nhơn với ông và tìm thầy thuốc chữa bệnh cho cha. Cha Pina và hai thầy người Nhật được các giáo dân Nhật bí mật đưa về Hội An.

Cha Bề trên tại Macao nhận được tin các thừa sai gặp nạn. Nhân chuyến tàu buôn xuất bến từ Macao vào đầu năm 1618, Cha Bề trên cử cha Pedro Marques và cha Christoforo Borri đến Đàng Trong tiếp sức anh em và đưa cha Buzomi về Macao chữa bệnh. Trong khi đó cha Buzomi đã bình phục và trở lại Đà Nẵng cùng với ông Trần Đức Hòa.46

Theo lời mời của ông Trần Đức Hòa, vào một ngày trong tháng Bảy năm 1618, các thừa sai Dòng Tên từ Hội An đã đến Nước Mặn. Cha Christoforo Borri, người trong cuộc, kể lại câu chuyện thuở ban đầu ngày xưa ấy:

“Chúng tôi bỏ Hội An, cha Buzomi, cha De Pina và tôi, để đi Qui Nhơn theo quan trấn thủ của tỉnh đó. Suốt cuộc hành trình, ông đối đãi với chúng tôi rất lịch sự và tỏ ra hết sức tử tế. Ông luôn luôn để chúng tôi ở cùng nhà với ông và đối xử với chúng tôi một cách rất đặc biệt. Ông dành một chiếc thuyền để phục dịch riêng cho một mình chúng tôi và các người thông ngôn, không muốn cho chúng tôi để đồ đạc ở đó, vì đã có một thuyền khác dành riêng cho việc này. Chúng tôi trẩy đi suốt mười hai ngày với đầy đủ tiện nghi, sáng chiều đậu bến.”

“Không ngày nào chính ông không thân chinh sang thuyền chúng tôi. Ông rất thích trao đổi với chúng tôi, nhất là khi chúng tôi nói về sự cứu rỗi đời đời và về đức tin đạo thánh của chúng tôi. Cứ thế, rồi chúng tôi tới tỉnh Qui Nhơn. Nhưng chúng tôi còn phải đi mấy ngày đường nữa mới về được tới dinh quan trấn thủ. Ông muốn cho chúng tôi đi đường bộ để được thoải mái và vui thú. Thế là ông truyền đưa bảy cỗ voi tới, tất cả đều đã sẵn sàng. Ông còn muốn dành cho chúng tôi  cái danh dự đặc biệt là mỗi người chúng tôi có riêng một cỗ voi, kèm theo một trăm người, một phần đi bộ, một phần đi ngựa. Vì cuộc hành trình này chỉ là để tiêu khiển, nên chúng tôi đi mất tám ngày, tới đâu cũng được tiếp đón và đối xử như một ông hoàng, nhất là ở nhà một bà chị của ông, người ta tiếp chúng tôi rất long trọng trong một bữa tiệc rất linh đình.”

“Rồi sau cùng, chúng tôi tới tư dinh. Sau tất cả những cuộc vui và cỗ bàn trong cuộc hành trình, chúng tôi được tiếp đón một cách rất trịnh trọng và đặc biệt thường chỉ dành cho các ông hoàng bà chúa. Tám ngày tiệc tùng liên tiếp và cỗ bàn linh đình, ông còn để chúng tôi ngồi ngai của chúa. Chính ông, bà vợ và con cái ông săn sóc chúng tôi, ăn chung với chúng tôi, làm cho cả dinh đều bỡ ngỡ. Ai cũng đồng thanh quả quyết rằng người ta chỉ dành những danh dự này cho bản thân các chúa mà thôi. Đó là cơ hội cho mấy người nói và đồn thổi khắp xứ này rằng chúng tôi là những bậc đế vương tới xứ này để bàn những việc rất quan trọng. Nghe lời đồn đó, quan trấn thủ rất lấy làm hài lòng và tuyên bố trong cuộc họp chung các quan trong phủ rằng: thật ra các cha là con vua con chúa, tức là các thiên sứ đến những vùng đất này, không phải vì thiếu thốn hay cần thiết thứ gì, vì ở nước các cha không thiếu gì, trái lại, mọi của cải đều dư dật, nhưng chỉ vì các cha hăm hở sốt sắng cứu vớt các linh hồn.”

“ Tám ngày qua đi, chúng tôi cho ông biết là chúng tôi thích ở trong thành để dễ bề rao giảng Phúc âm hơn, còn nếu ở trong tư dinh thì không dễ dàng cho công việc chúng tôi, vì ở xa tỉnh chừng một dặm rưỡi, trong miền thôn quê, theo kiểu ở đây. Quan trấn đã vui lòng giữ chúng tôi ở lại với ông vì rất quý chuộng chúng tôi, và ông đã buồn phiền khi phải xa chúng tôi: thế nhưng vì trọng công ích hơn tư lợi nên ông nghe theo điều chúng tôi sở nguyện và tức khắc truyền cho người ta chọn cho chúng tôi một địa điểm rất tiện để làm nhà cho chúng tôi ở, trong vùng gọi là Nước Mặn. Ông còn thêm, trong tư dinh của ông có tới hơn một trăm nhà, chúng tôi có thể chọn một nhà nào xứng đáng nhất để làm nhà thờ và chúng tôi cứ cho ông biết thì tức khắc ông sẽ định liệu cho đủ sự cần thiết. Chúng tôi khiêm tốn cảm tạ ông về tất cả những ơn huệ ông đã ban cho chúng tôi trong cuộc hành trình và những việc ông vẫn còn tiếp tục làm cho chúng tôi, và sau khi từ biệt, chúng tôi leo lên lưng voi ngay để cùng đoàn tuỳ tùng đi tới Nước Mặn, một địa điểm dài chừng hai dặm và rộng tới một dặm rưỡi.”

“ Ở đây chúng tôi cũng được tiếp đãi với tất cả sự sang trọng, quan trấn đã truyền phải dành cho chúng tôi. Nhưng vì không chịu được vắng mặt lâu hơn, ngay ngày hôm sau, ông thân hành đến thăm chúng tôi và kiểm tra xem người ta có sửa soạn nhà chúng tôi tươm tất và thuận tiện không. Ông còn nói với chúng tôi rằng chúng tôi là người ngoại quốc không có nhiều tiền bạc, không có nhiều của cải, không có đủ sự cần dùng, nên ông nhận cung cấp cho chúng tôi mọi sự cần thiết. Thế là ông truyền mỗi tháng người ta đem đến cho chúng tôi một món tiền khá lớn và mỗi ngày người ta đưa tới nào là thịt thà, cá mú, thóc gạo, không phải chỉ đủ cho chúng tôi mà còn cho các người thông ngôn và người làm nữa. Không chỉ có thế, ngày nào ông cũng gửi cho chúng tôi quà bánh, rất đầy đủ, không kể các đồ vật khác để bồi dưỡng chúng tôi một cách hậu hĩ. Để tỏ lòng trọng kính chúng tôi và tạo uy tín cho chúng tôi trước mọi người, một ngày nọ, ông mở một phiên tòa ngay trong sân nhà chúng tôi, theo cách thức được thực hiện ở Đàng Trong như chúng tôi đã nói. Trong phiên tòa này, ông phải xử mấy người phạm trọng tội, mỗi người đều được xử theo tính chất của tội phạm. Trong số các phạm nhân có hai người bị xử tử bằng vũ khí và phải chịu hình tên bắn. Nhưng trong khi người ta trói các người này thì chúng tôi can thiệp để xin ân xá cho họ. Ông liền tha ngay và truyền cho cởi dây trói tức thì. Ông tuyên bố lớn tiếng là chưa bao giờ ông ban ân xá này cho một người nào cả. Nhưng vì những vị nhân đức này, ta không thể khước từ được.”

“Rồi quay về phía chúng tôi, ông giục chúng tôi quyết định về nơi chúng tôi thấy thuận tiện để dựng một nhà thờ. Chúng tôi liền chỉ cho ông thấy một địa điểm chúng tôi cho là rất hợp và rất tiện để làm việc đó. Ông chấp thuận ngay, rồi ông trở về tư dinh ở ngoài thành phố. Ba ngày sau, người ta đến cho chúng tôi biết là nhà thờ đã được đem đến. Được tin đó chúng tôi rất vui mừng và sung sướng, chúng tôi ra khỏi nhà, hăm hở tới coi sự lạ lùng này, chúng tôi cũng muốn biết xem nhà thờ có thể đem đến bằng cách nào. Chúng tôi biết là nhà thờ phải được làm bằng ván lắp, theo họa đồ đã vẽ. Chúng tôi cũng được biết là tòa nhà này rất lớn và rất cao, phải được đặt trên những cột cao và lớn. Tức thì chúng tôi phát hiện ra trong cánh đồng một đạo quân trên một nghìn người khuân vác các bộ phận của nhà thờ. Mỗi cột có ba mươi người lực lưỡng và khoẻ mạnh nhất khênh. Còn những người khác thì vác xà, người khênh ván, người khênh nóc, kẻ mang sàn, người khuân cái này kẻ mang cái khác. Tất cả đều trật tự mang đến, mỗi người một bộ phận. Sân nhà chúng tôi chật ních người. Chúng tôi niềm nở đón tiếp họ với niềm hân hoan các bạn có thể nghĩ được là như thế nào. Chỉ có một điều làm cho chúng tôi buồn phiền là trong nhà không có gì để ít ra cho họ ăn qua loa. Đám người rất đông này tuy được quan trấn trả công hậu hĩ nhưng chúng tôi cũng thấy xấu hổ và bẽ mặt nếu để họ ra đi mà không cho họ chút gì lót dạ. Nhưng chúng tôi không phải lo lắng lâu khi thấy mỗi người ngồi trên đồ vật người ta căn dặn phải kỹ càng giữ lấy và khi đã sẵn sàng họ mở khăn gói ra, trong đó có tất cả dụng cụ nhà bếp gồm có nồi, thịt, cơm và cá. Họ nhóm lửa và tự mình từ từ nấu nướng. Không ồn ào dức lác. Không xin xỏ gì. Khi họ ăn xong thì một người chủ thầu lấy dây đo địa điểm, đo khoảng giữa hai cột, rồi ông cho gọi người đem tới dựng vào chỗ. Sau đó ông gọi tất cả lần lượt khuân các bộ phận khác tới và mỗi người đem lắp xong là ra về ngay. Cứ thế, tất cả đều làm việc trong trật tự không nhầm lẫn. Ai cũng làm đúng cách thức, và tất cả khối lớn lao đó được dựng nội nhật trong một ngày, làm cho chúng tôi rất mực sung sướng. Nhưng hoặc là vì người ta làm quá vội vã, hoặc là vì người lắp đặt không cẩn thận nên ngôi nhà không đứng thẳng lắm, trái lại hơi nghiêng một chút. Người ta kể cho quan trấn biết, thế là ông cho gọi kiến trúc sư tới và truyền cho phải làm lại ngay, nếu không sẽ bị cắt gân chân và phải gọi tất cả ngần ấy thợ trở lại để làm cho xong. Kiến trúc sư tuân lệnh và cho dỡ hết, rồi với tất cả khéo léo và thận trọng hơn, ông cho làm lại thật đúng và trong không bao lâu công việc đã hoàn thành.”

“Để biết rõ về quan trấn đạo hạnh đã tận tâm lo việc của chúng tôi và rất quý trọng công việc đó, thì tôi sẽ kể một việc rất đặc biệt để kết thúc chương này. Số là có những làn gió Nam rất nồng nực thường nổi lên và thổi liên tục vào các tháng sáu, bảy và tám gây nên một sức nóng bức lạ lùng làm cháy, làm khô héo và thiêu huỷ nhà cửa vì chỉ làm bằng gỗ. Do đó chỉ một tia lửa nhỏ vì vô ý hay do cách nào khác rơi vào thì cũng có thể làm lửa bốc lên ngay lập tức như châm diêm đốt vậy. Vì thế, thường xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn lớn ở khắp lãnh thổ trong ba tháng đó. Một khi lửa đã bén vào một nhà thì trong nháy mắt ngọn lửa từ nhà này sẽ lan sang hết các nhà khác, lần lượt thẳng tắp theo hướng gió thổi và biến tất cả thành tro một cách thảm hại. Để tránh nguy cơ này, nhất là tránh cho nhà thờ chúng tôi ở ngay giữa thành phố và cũng để cho người ta biết chúng tôi được quan trên quý trọng đến mức nào, ông ra sắc lệnh bắt tất cả các nhà ở cùng hàng với nhà chúng tôi, theo hướng luồng gió nóng thổi, phải dỡ mái xuống trong hai tháng đó. Và số nhà phải để trống mái đó nhiều đến độ có thể chiếm một khoảng rộng ít là hai dặm Ý. Và ông đã chủ ý ra lệnh như vậy để nếu lửa bén vào một nhà nào trong những nhà ấy thì dễ ngăn cản không cho nó bén sang nhà chúng tôi. Mọi người đều nghiêm chỉnh thi hành vì danh dự và sự trọng kính họ dành cho ông” 47 .



4. TRUNG TÂM TRUYỀN GIÁO NƯỚC MẶN

- THỜI CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN

Ngày 18/01/1615, các thừa sai Dòng Tên đặt chân lên cửa biển Đà Nẵng, sau đó không lâu, các cha thành lập cư sở (residentia) Hội An. Nước Mặn là cư sở thứ hai được thành lập vào tháng 7/1618. Cư sở thứ ba được thành lập tại Thành Chiêm vào năm 1623. Cư sở nầy là hai ngôi nhà cha Pina đã mua của mẹ bà Gioanna.48

Đây là ba trung tâm truyền giáo được các thừa sai Dòng Tên thiết lập làm nền cho công cuộc loan báo Tin Mừng tại Đàng Trong. 49

Báo cáo thường niên năm 1620, các thừa sai tại Nước Mặn đã rửa tội được 180 người. Các thừa sai thường xuyên ở tại Nước Mặn trong những năm đầu : Cha Francesco Buzomi (quốc tịch Ý), Cha Cristoforo Borri (Ý), Cha Francisco de Pina (Bồ Đào Nha), Tu huynh Antonio Dias (Bồ Đào Nha). 50

Lúc bấy giờ, Nước Mặn chẳng những là một trung tâm truyền giáo mà còn là nơi các thừa sai nghiên cứu và sáng chế chữ Quốc ngữ trong giai đoạn thô sơ nhất (giai đoạn phiên âm).51 Nói như thế vì theo Linh mục Joaõ ROIZ, năm 1620 đã có hai thừa sai nói thạo tiếng Việt đó là cha Pina và cha Borri.52 Trong đó cha Borri chỉ làm việc tại Nước Mặn từ 1618 đến khi ra khỏi Đàng Trong vào năm 1622;53 Cha Francisco de Pina đến Hội An năm 1617 trong thời kỳ các thừa sai bị chúa Nguyễn trục xuất, cha phải hoàn toàn ẩn trú dưới sự giúp đỡ của các giáo hữu Nhật,54 cha chỉ tiếp xúc được nhiều với người Việt khi làm việc tự do tại Nước Mặn từ 1618-1620. Trong khoảng thời gian từ 1620-1623, cha đi về giữa Nước Mặn và Hội An. Năm 1623, cha lập cư sở tại Thành Chiêm. Ngoài ra, Cư sở Nước Mặn cũng là “Trường Quốc Ngữ” đầu tiên cho các thừa sai đến sau như cha Emmanuel Borges (1622) và cha Giovanni di Leira (1622),55 cha Gaspar Luis (1624),56 cha Girolamo Majorica (1624) … Trong ký sự truyền giáo của cha Francisco Cardim có viết: “Cha Francisco Buzomi không hề ra khỏi xứ Đàng Trong, vì quan Trấn thủ tỉnh Pulocambi (Qui Nhơn) giữ ngài trong tỉnh mình. Ngài ở đó cho tới khi bề trên sai mấy bạn đồng liêu đến học tiếng với ngài. Bấy giờ lòng giận giữ của vua quan và dân chúng đã nguôi, các giáo sĩ ấy mới đến thăm chúng tôi ở Cacciam (Quảng Nam)…”57

- THỜI CÁC THỪA SAI HỘI TRUYỀN GIÁO PARIS (M.E.P)

Trung tâm truyền giáo Nước Mặn được các thừa sai Dòng Tên phụ trách cho đến khoảng tháng 02 năm 1665. Sau khi các thừa sai Dòng Tên không còn làm việc ở vùng nầy, các thừa sai M.E.P. nối tiếp công việc của các thừa sai Dòng Tên.

Trong chuyến kinh lý mục vụ đầu tiên tại Đàng Trong vào cuối năm 1671 đến đầu năm 1672, Nước Mặn là điểm dừng chân của Đức Cha Lambert de la Motte. Tại Nước Mặn, Đức cha Lambert lâm bệnh, liệt giường suốt 6 tuần lễ, cha Vachet phải ban bí tích xức dầu cho ngài. Ngày 01.11.1671, lễ Các Thánh, Đức cha Lambert de La Motte rời Nước Mặn, lên đường đi Quảng Ngãi, sau đó đi Hội An.

Vì sự nài nĩ chí tình với những lời lẽ rất cảm động của giáo dân Nước Mặn, trên đường từ Hội An trở về Thái Lan, Đức cha Lambert de la Motte đã ghé lại Nước Mặn. Đức cha ở đây 08 ngày, thăm viếng, ban các bí tích và ban 06 bài sai cắt đặt các thầy giảng và một số giáo dân đứng đầu một số nhà thờ. Và để cho niềm vui của giáo dân Nước Mặn được trọn vẹn, Đức cha Lambert de la Motte đặt cha Giuse Trang58, linh mục người Việt, ở tại Nước mặn, có quyền hạn như một cha sở. Ngoài nhiệm vụ đặc biệt trên, Đức cha còn ban cho cha Giuse quyền cai quản tổng quát toàn vùng (Nước Mặn). Cha Vachet59 nhận định: “Người thợ đáng kính này là người được vinh dự làm linh mục tiên khởi xứ Đàng Trong. Chắc hẳn, ngài nhận được những hoa quả đầu mùa trong sứ vụ linh mục. Ngài mang trong mình một lòng nhiệt thành cháy bỏng, một sự cẩn thận hiếm có, và một sức làm việc dẻo dai. Lòng bác ái của ngài làm cho ngài vui vẻ chịu đựng mọi khiếm khuyết của dân tộc. Tính hiền hòa của ngài khiến cho mọi người dễ cảm mến ngài. Đức khiêm nhường của ngài làm cho ngài rất khổ cực khi phải chấp nhận chính con người mình. Đức vâng lời của ngài làm ngài phục tùng tuyệt đối các bề trên của ngài ; cho dù nhiều nơi đã tha thiết muốn được ngài làm vị mục tử chăn dắt họ, nhưng ngài không hề bao giờ tỏ ra ước muốn nào khác hơn là được thi hành ý muốn Giám mục của ngài”. 60

Sau cha Giuse Trang, trong khoảng thời gian 1683-1709, một mình Cha Ausiès de Fonbone (MEP) ở Nước Mặn phụ trách từ Bình Định đến Phú Yên.

Trong thống kê của Đức Cha Cuénot Thể năm 1850, Bình Định được chia làm bốn giáo xứ. Nước Mặn thuộc giáo xứ Tam Thuộc: Đại An 71 ; Tân Hội 98 ; Nước Mặn 44 ; Xóm Bắc 327 ; Xóm Nam 280 ; Vườn Vông 50 ; Mi Cang 78 ; Gò Thị 750 ; Gò Dài 442 ; Quán Ngỗng 83 ; Kẻ Thử 45 ; Diêm Điền 193 ; Xóm Quán 244 ; Làng Sông 265 ; Cây Da 128 ; Sông Cát 175 ; Hội Lộc 40.61



- MỘT DẤU TÍCH XƯA

Trải qua thời gian lịch sử khá dài, các cơ sở vật chất của trung tâm truyền giáo Nước Mặn không còn. Cư sở truyền giáo Nước Mặn được xác định tại vườn nhà ông Võ Cự Anh, thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước. Sau khi được gia đình ông Võ Cự Anh đồng ý, ngày 17 tháng 9 năm 2009, bằng văn thư số 3170/UBND-NC, UBND tỉnh Bình Định chấp thuận cho Tòa Giám Mục Qui Nhơn được xây dựng một hòn non bộ với diện tích 64 m², có dòng chữ kỷ niệm việc các thừa sai Dòng Tên đầu tiên đến lập cơ sở truyền giáo. Ngày 09 tháng 04 năm 2010, Sở Tài Nguyên Môi Trường Bình Định cấp Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất cho Tòa Giám Mục. Ngày 01 tháng 11 năm 2010, Sở Xây Dựng Bình Định đã cấp cho Tòa Giám Mục Qui Nhơn Giấy Phép Xây Dựng số 215/GPXD để xây dựng ‘hòn non bộ’ nầy.

Để dâng công trình xây dựng cho Thánh cả Giuse và cũng để ghi nhớ ngày người con Linh mục đầu lòng của Giáo hội Việt Nam được Đức cha Phêrô Lambert de la Motte truyền chức tại Thái Lan, Tòa Giám Mục đã khởi công dọn mặt bằng vào ngày 31 tháng 3 năm 2011 và khởi công đào móng vào ngày thứ Tư, ngày 04 tháng 5 năm 2011. Khi đào móng, dưới phần đất tự nhiên khoảng 60 phân, có một phần móng gạch đất nung đã mềm gần như đất tự nhiên. Phải chăng đây là “chút gì để nhớ để thương” của người xưa gởi lại ?. Tại đây còn một giếng xưa, nước rất tốt, trong, mát và ngọt. Trong vùng Nước Mặn, tất cả giếng đều bị nhiễm phèn trừ “giếng xưa” nầy. Từ xưa tới nay, trước khi có hệ thống nước công cộng, bà con trong vùng thường đến lấy nước từ “giếng xưa” nầy về dùng trong những dịp quan hôn tang tế của gia đình.

Ngày 15 tháng 7 năm 2011, dòng chữ sau đây 62 đã khắc vào đá được đặt vào công trình:



ĐỂ MUÔN ĐỜI GHI NHỚ

Tại nơi đây, Nước Mặn

- Ba linh mục Dòng Tên: Francesco Buzomi người Ý, Francisco de Pina người Bồ Đào Nha, Cristoforo Borri người Ý, và tu huynh António Dias người Bồ Đào Nha, đã đến lập cơ sở truyền giáo đầu tiên vào tháng 7 năm 1618, do lời mời của quan Trần Đức Hòa, Khám lý phủ Qui Nhơn.

- Đức Giám mục Phêrô Lambert de La Motte, Đại diện Tông tòa tiên khởi Giáo phận Đàng Trong, tiền thân của Giáo phận Qui Nhơn, đã đến vào tháng 10 năm 1671. Đầu năm 1672, khi trở lại, ngài bổ nhiệm một linh mục Việt Nam đầu tiên như là quản xứ; đó là cha Giuse Trang, quê Quảng Ngãi, vị linh mục Việt Nam tiên khởi, do chính ngài truyền chức vào ngày 31-3-1668 tại Juthia, Thái Lan; cũng chính ngài lập Dòng Mến Thánh Giá ở Đàng Trong, tại An Chỉ, Quảng Ngãi, vào cuối năm 1671.

Qui Nhơn, ngày 15 tháng 7 năm 2011

Phêrô NGUYỄN SOẠN



Giám mục Giáo phận Qui Nhơn

Ngày 31 tháng 7 năm 2011, lễ thánh Inhaxiô Lôyôla, tổ phụ Dòng Tên, công trình đã được hoàn thành.

Ngày 05 tháng 8 năm 2011, lễ Cung hiến Đền thờ Đức Bà, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám mục giáo phận Qui Nhơn đã làm phép công trình.

Tạ ơn Chúa.

-------------------------------------------

* Hai hiện vật nầy tìm được tại nền Cư Sở Truyền Giáo Nước Mặn.



- Chút móng xưa bằng gạch đất nung. (khi đào móng làm công trình bia kỷ niệm thì gặp nền móng nầy).

- Ngày Đức cha Phêrô làm phép cho công trình



- Đức TGM Leopoldo Girelli viếng Đài kỷ niệm Trung Tâm Truyền Giáo Nước Mặn ngày 08/9/2011

- Dòng chữ tiếng Việt tại Đài kỷ niệm






tải về 0.52 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương