Phòng Thống kê – Trung tâm Tin học và Thống kê


Biểu đồ 1: Giá lúa bình quân tháng 9



tải về 308.68 Kb.
trang2/4
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích308.68 Kb.
#15735
1   2   3   4

Biểu đồ 1: Giá lúa bình quân tháng 9

tại ĐBSCL trong các năm 2007 và 2008



Nguồn: Vinafood 2
Thực phẩm

Trong tháng, giá thực phẩm cả nước nhìn chung ổn định, có biến động nhưng không đáng kể. Tại Hà Nội, giá bán lẻ thịt lợn (nạc vai) phổ biến từ 65.000 – 70.000 đồng/kg, thịt bò thăn từ 120.000-140.000 đồng/kg, gà ta làm sẵn 100.000 đ/kg, trứng gà công nghiệp 1.500 đ/quả, trứng gà ta 2.200 đ/quả. Tại thành phố Hồ Chí Minh, giá thịt lợn hơi (loại 1) giá 36.000 đ/kg, giảm 3.000 đ/kg; thịt lợn mông giá 69.000 đ/kg; thịt bò thăn giá 140.000 đ/kg, cá diêu hồng (loại 0,7 kg/con) giá 40.000 đ/kg, cá nục 35.000 đ/kg.

Đường

Giá bán đường trắng loại I đã có thuế VAT tại kho nhà máy tại các tỉnh miền Bắc có giá trung bình từ 7.400 - 7.600 đ/kg; miền Trung và Tây Nguyên từ 7.800 - 8.000 đ/kg; miền Nam từ 8.000 - 8.250 đ/kg. Giá đường nhập lậu bán tại biên giới Tây Nam từ 8.400 đ/kg đến 8.500 đ/kg.

Tại khu vực miền Tây Nam Bộ đã có 4 nhà máy đường bắt đầu sản xuất vụ mới gồm: Phụng Hiệp, Vị Thanh, Long Mỹ Phát và NIVL. Các nhà máy đang mua mía 10 CCS với giá tại nhà máy là 540.000 đồng/tấn. 

Cà phê

Giá cà phê tháng 9/08 trong xu hướng giảm. Giá cà phê nhân xô bình quân tháng này tại tỉnh Đắk Lắk đạt mức 32.900đồng/kg, thấp hơn tháng trước 2.700 đ/kg (7,6%). Mức giá này so cùng kỳ năm trước tăng 6.200 đ/kg (23,3%). Giá ngày 30/9/08 giảm, chỉ còn 31.000 đ/kg. Dự báo giá cà phê có thể tiếp tục giảm do ảnh hưởng chung của tình sụt giảm giá nông sản trên thế giới hiện nay.


Biểu đồ 2: Giá cà phê nhân xô bình quân

tại Đắk Lăk



Nguồn: Trung tâm xúc tiến Thương mại Đắk lắk
Hạt tiêu

Giá tiêu sau khi đạt mức kỉ lục 62.000 đ/kg (ngày 3/3/08) đã sụt giảm liên tục cho đến nay. Ngày 16/9/08 giá tiêu xuống mức thấp nhất (37.000đ/kg), nhưng sau đó đã hồi phục ở mức 42.000 đ/kg (29/9/08). Giá hạt tiêu bình quân tháng 9/08 ở mức 38.700 đ/kg, giảm so với tháng trước 3.700 đ/kg và thấp hơn vùng kì năm trước 16,3% (tương đương 7.500đ/kg). Khả năng giá tiêu còn tiếp tục giảm nhẹ trong thời gian tới.



Biểu đồ 3: Giá hạt tiêu tại Đăk Lắk



Nguồn: Trung tâm xúc tiến Thương mại Đắk lắk
Urê

Giá urê giảm mạnh trong tháng. Tại nhà máy, đạm Phú Mỹ bán với giá 9.200 đ/kg, giảm 300 đ/kg. Giá bán lẻ urê hiện nay trên thị trường từ 9.600 – 9.700 đ/kg. Giá urê nhập khẩu bán buôn khoảng 8.000 đ/kg, bán lẻ từ 8.500 - 9.000 đ/kg.


Giá urê trong nước giảm mạnh do giá phân bón nhập khẩu giảm, sau khi đạt mức cao nhất 451 USD/tấn vào tháng 7/08, nay đã hạ xuống còn 427 USD/tấn, nhưng với mức giá này vẫn còn cao hơn mức giá hồi tháng 1/08 khoảng 69 USD/tấn.

THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI

Cà phê



Do chịu tác động của nhiều nhân tố tiêu cực, giá cà phê thế giới sụt giảm khá mạnh trong tháng 9/08. Sự biến động của giá dầu thô và tỷ giá đồng đôla được xem là hai nhân tố chính dẫn dắt thị trường. Ngoài ra, dự báo của Tổ chức cà phê thế giới (ICO) nâng mức sản lượng cà phê niên vụ 2008/09 lên 131 triệu bao (60 kg/bao) từ mức 128 triệu bao dự báo trước đây đã khiến cho thị trường càng thêm ảm đạm vì lo ngại dư cung.

Trong suốt tháng, giá cà phê chỉ tăng nhẹ trong một vài phiên với mức tăng không nhiều. Giao dịch nhìn chung kém sôi động vì tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư chờ đợi kết quả bàn thảo kế hoạch cứu trợ tài chính của Mỹ. Cuối tháng 9/08, giá cà phê thế giới đã giảm tới mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua sau khi chính phủ Mỹ công bố kế hoạch cứu trợ ngành tài chính bị sụp đổ. Ngày 29/9, trên thị trường Luân Đôn, giá cà phê robusta đã đi xuống do các thông tin về khủng hoảng của hệ thống ngân hàng đưa ra. Giá càng giảm mạnh khi giá dầu thô giảm hơn 10USD/thùng xuống còn 96,37 USD/thùng - mức giảm nhiều nhất kể từ ngày 17/01/1991 đối với dầu thô. Tại New York, giá cà phê arabica giao dịch giảm 2,9% khi kết thúc phiên giao dịch, ở mức 2.873 USD/tấn, trong bối cảnh các quỹ hàng hoá bán ồ ạt do lo sợ nền kinh tế kinh tế Mỹ tiếp tục ảm đạm.



Biểu đồ 4: Giá cà phê thế giới tháng 9/08 có so với tháng 8/08



Nguồn: Reuters

Vào thời điểm hiện nay, cây cà phê tại Braxin đang bước vào thời kỳ trổ hoa trong điều kiện thời tiết thuận lợi, các thông tin về khô hạn giảm không còn gây nguy hại đến vụ  mùa; Việt Nam cũng bắt đầu vào vụ chính; sản xuất cà phê của Mêhicô đang trên đà phục hồi nhờ diện tích được mở rộng, sau khi lượng xuất khẩu giảm 20%. Những yếu tố trên có thể sẽ tác động tiêu cực tới diễn biến giá cà phê trong thời gian tới, cùng với tác động của khủng hoảng tài chính đang diễn ra trên toàn cầu.

Các nhà giao dịch đặc biệt thận trọng theo dõi diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay. Vì thế, diễn biến của thị trường tài chính sẽ tác động đến các thị trường hàng hoá, trong đó có cà phê. Xét về kỹ thuật, thị trường cà phê vẫn đang trong kênh suy giảm, khó tìm được xu hướng tích cực trong bối cảnh tài chính thế giới hiện nay.

Đường

Thị trường đường thế giới tháng 9/08 biến động phức tạp, với xu hướng chủ đạo là giảm giá. Tình hình chỉ được cải thiện trong một vài phiên cuối tháng khi nhận được sự hỗ trợ từ yếu tố cung cầu.

Theo giới chuyên môn, nguyên nhân khiến giá đường suy giảm là do thị trường phải chịu những áp lực từ xu thế giảm giá chung trên thị trường các hàng hoá, cùng với việc giá dầu thô tiếp tục giảm do ảnh hưởng của cơn bão Gustav và đồng đôla Mỹ phục hồi.

Một nhà phân tích thuộc Futures One ở Chicago cho biết, nhu cầu đường có thể sẽ bị ảnh hưởng do tác động của tình trạng bất ổn kinh tế toàn cầu. Sự chao đảo của thị trường tài chính, bắt đầu từ sự sụp đổ của Lehman Brothers, tiếp đến là Merrill Lynch và công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới đang đứng bên bờ vực phá sản (AIG), sẽ khiến nhu cầu về đường giảm.

Biểu đồ 5: Giá đường thế giới tháng 9/08 có so với tháng 8/08



Nguồn: Reuters

Vào giữa tháng, giá đường thô giao dịch tại thị trường New York đã có lúc rơi xuống mức thấp nhất trong 11 tuần gần nhất, còn 256 USD/tấn. Kết thúc phiên cuối tuần vào ngày 19/9 tại Luân Đôn, giá đường trắng giao tháng 12/08 đã giảm chỉ còn 376USD/tấn, giảm 21 USD/tấn so với đầu tháng.



Vào những ngày giao dịch của tuần cuối tháng 9/08, theo xu hướng chung của các thị trường hàng hoá khác, giá đường phục hồi và tăng mạnh trên cả thị trường Niu Yoóc và Luân Đôn. Kết thúc phiên cuối tuần vào ngày 26/9 tại Luân Đôn, giá đường trắng giao tháng 12/08 đã tăng từ 376 USD/tấn trong tuần trước đó lên 388 USD/tấn. Còn tại New York, giá đường thô giao trong tháng 10/08 đã tăng từ 257 USD/tấn lên 289 USD/tấn.

Giới phân tích nhận định, thị trường đường sẽ sớm bình ổn vì nhu cầu mua đường vẫn cao trong tương lai. Ngoài ra, thị trường đường sẽ được nâng đỡ bởi khả năng Mỹ có thể sẽ phải nhập khẩu đường sau khi một báo cáo của chính phủ nước này cho biết, tỷ lệ dự trữ của nước này đã giảm mạnh, xuống chỉ còn 4,6%, so với mức 15% trước đây. Trong dài hạn, các nhà phân tích cho biết giá đường sẽ tăng mạnh, nhờ sản lượng giảm ở Ấn Độ và Braxin, cùng với sự tăng mạnh nhu cầu về đường ở khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.

Gạo

Thị trường gạo châu Á tăng nhẹ và tương đối ổn định trong tháng 9/08. Đầu tháng, giá gạo trắng 100% loại B của Thái Lan tăng 2,9% lên 720 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 3/9, do nhu cầu xuất khẩu gạo gia tăng, trong khi nguồn cung trong nước bị hạn chế.

Đây được xem là lần đầu tiên trong vòng 3 tuần các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan nâng được giá bán gạo, nhưng mức giá 720 USD/tấn vẫn còn cách khá xa mức đỉnh 1.080 USD/tấn đạt được trong tháng 4 vừa qua.

Những tuần tiếp theo, nhờ được hậu thuẫn bởi nhu cầu tiêu thụ mạnh từ Nhật Bản và Trung Đông, giá gạo tiêu chuẩn của Thái Lan đã tăng thêm 2% lên mức 735 USD/tấn. Tuy nhiên, những ngày cuối tháng, khi nhu cầu mua ít dần, loại gạo này chỉ còn 720 USD/tấn, bằng mức hồi đầu tháng. Các nhà xuất khẩu cho biết nhu cầu gạo Thái từ nước ngoài đã giảm xuống sau khi những khách hàng chính từ Iran và Nigeria đã mua đủ lượng họ cần.

Diễn biến trên thị trường kỳ hạn Chicago cũng khá tương đồng. Trong 3 tuần đầu tháng 9/08, giá gạo Mỹ tăng hơn 10% do chịu ảnh hưởng từ những thiệt hại mà các trận bão Gustav và Ike gây ra cho mùa màng và việc các hoạt động thu hoạch diễn ra muộn làm giảm nguồn cung trên thị trường.

Dự báo nhu cầu gạo Thái Lan sẽ còn tiếp tục trì trệ trong vài tuần tới, bởi các thương gia Nigeria đang chờ chính phủ của họ có quyết định rõ ràng về chương trình nhập khẩu gạo miễn thuế. Tuy nhiên, giá gạo tiêu chuẩn của Thái Lan được dự đoán sẽ giữ ở mức trên 700 USD cho đến hết năm nay nhờ chương trình can thiệp giá của chính phủ. Được biết, chính phủ nước này đã thông qua kế hoạch mua lúa của nông dân với giá 14.000 bạt/tấn, tương đương 700 USD/tấn gạo đã xát.

Về lâu dài, theo báo cáo mang tên “Triển vọng 2008” của Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo, mặt bằng giá mới đối với mặt hàng gạo sẽ là 500 – 600 USD/tấn, chứ không phải 300 – 400 USD/tấn như mấy năm trước đây do chi phí sản xuất cao và diện tích trồng lúa không thể tăng nhiều. Giống như gạo, mặt bằng giá mới đối với các loại lương thực, thực phẩm khác cũng sẽ duy trì ở mức cao hơn mấy năm trước đây, đồng thời giá lương thực và dầu mỏ sẽ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nếu giá dầu cao thì giá lương thực cũng sẽ cao. Trong mấy thập kỷ trước, khi giá lương thực tăng mạnh, nguồn cung sẽ theo kịp nhu cầu, song đến nay điều này trở nên khó khăn hơn, bởi quỹ đất trồng trọt có giới hạn và giá dầu mỏ lại duy trì ở mức cao.

Cao su

Thị trường cao su thế giới biến động mạnh trong tháng 9, với các nhân tố tiêu cực là dấu hiệu đi xuống của nền kinh tế Mỹ và các nhân tố tích cực là nguồn cung cao su của Thái Lan và một số nước châu Á khác giảm mạnh do bất ổn chính trị hoặc cây cao su phải ngừng khai thác khi vào mùa thay lá.

Đầu tháng 9, giá cao su giảm tương đối mạnh do sự suy yếu đồng loạt của các thị trường hàng hoá trước các hoạt động bán tháo trên thị trường cổ phiếu Mỹ khi dư luận lo ngại nền kinh tế này suy thoái. Trên thị trường cao su kỳ hạn Tôkyô (TOCOM), giá hợp đồng benchmark giao tháng 2/09 ngày 5/9 giảm 7,9 yên/kg còn 308,6 yên/kg, với mức thấp trong ngày là 308,2 yên/kg và mức cao là 312,6 yên/kg.

Giá cả được cải thiện trong 2 tuần tiếp theo khi giá dầu thô tăng trở lại. Cao su RSS3 của Thái Lan tăng 0,06 USD/kg lên 2,98 USD/kg; SMR20 của Malaysia tăng 0,05 USD/kg lên 2,95 USD/kg; SIR20 của Inđônêxia tăng 0,04 USD/kg lên 1,32 USD/kg.

Tuy nhiên, vào những ngày cuối tháng 9, giá cao su thiên nhiên có chiều hướng giảm nhanh. Tại Singapore, giá cao su RSS2 giao ngay ngày 26/9 lúc mở cửa chỉ còn 4.095 SGD/tấn, FOB, giảm 3,1% (130 SGD/tấn) so với một tuần trước đó. Tại Thượng Hải, giá cao su RSS3 giao ngay đã giảm 2,5%, còn 22.060 NDT/tấn; tại Bangkok, giá cao su RSS1 giao ngay giảm 2,7%, còn 97,8 Baht/kg. Cũng trong ngày 26/9, giá cao su kỳ hạn trên thị trường Tokyo đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tháng nay do các nhà đầu tư lo ngại nhu cầu cao su và sản phẩm cao su toàn cầu suy giảm, mặc dù dự trữ cao su ở Tokyo đã giảm xuống mức kỷ lục kể từ ngày 31/7.

Theo dự báo của giới phân tích, giá cao su sẽ còn tiếp tục xu thế giảm trong thời gian tới. Tuy nguồn cung cao su của Indonesia hiện vẫn hạn chế bởi mùa cây cao su thay lá, nhưng thời tiết thuận lợi hơn ở Thái Lan và Malaysia sẽ đẩy nhanh tiến độ khai thác làm cho nguồn cung cao su nguyên liệu tăng. Trong khi đó, thị trường tài chính bất ổn, kinh tế Mỹ, Nhật Bản và EU đều yếu kém, thu nhập của dân cư giảm nên nhu cầu mua ôtô tiếp tục giảm và kéo theo là sự suy giảm của cầu về cao su trong sản xuất săm lốp. Đây là nhân tố chủ yếu làm giá cao su đã và sẽ còn tiếp tục suy giảm.

Theo Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), tiêu thụ cao su thiên nhiên thế giới tháng 9/2008 ước tính chỉ đạt 779.800 tấn, giảm hơn 5% so với mức tiêu thụ tháng trước.

Hạt tiêu

Xu thế giảm giá với giao dịch ảm đạm của thị trường hạt tiêu thế giới đã diễn ra trong nửa đầu tháng 9/08. Theo các chuyên gia, hạt tiêu thế giới thời gian qua thấp không phải do thừa cung mà do thiếu cầu. Thông thường, tháng 8 là tháng giao dịch hạt tiêu ít sôi động và xu hướng này đã kéo dài sang tháng tiếp theo.

Trên thực tế, nguồn cung hạt tiêu thế giới đang rất hạn hẹp. Lượng bán ra mỗi ngày trên thị trường rất ít, chủ yếu từ Ấn Độ; Indonexia mới vào vụ thu hoạch; Việt Nam cũng chỉ còn khoảng 10.000 tấn tồn kho từ vụ trước. Vì thế, giá hạt tiêu thế giới trong những ngày cuối tháng 9 đã tăng trở lại.

Theo dự báo của Uỷ ban Hạt tiêu Quốc tế (IPC), thị trường hạt tiêu thế giới năm nay sẽ thiếu hụt 54.000 tấn. Indonexia đã bắt đầu thu hoạch tiêu trong tháng 9 này, song sản lượng sẽ chỉ khoảng 15.000 tấn, giảm 10 – 15% so với mức trung bình là 20.000 – 25.000 tấn. Sản lượng hạt tiêu Braxin dự báo sẽ đạt khoảng 25.000 – 30.000 tấn trong năm nay. Sản lượng tiêu của Việt Nam vụ thu hoạch tới cũng sẽ giảm khoảng 10% xuống khoảng 90.000 tấn.

Với nguồn cung bổ sung ít ỏi từ Indonexia, tình trạng khan hàng như hiện nay khả năng sẽ còn kéo dài tới khi Việt Nam thu hoạch vụ mới, vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 4/2009.

Hiện nay, đồng Rupi của Ấn Độ đang tăng giá mạnh so với Đôla Mỹ khiến cho hạt tiêu của nước này trở nên cao giá hơn so với nhiều nước khác. Việc giá hạt tiêu Ấn Độ cao hơn giá ở Brazil có thể sẽ khiến cho dòng chảy hạt tiêu Brazil đổ vào Ấn Độ, bởi các nhà chế biến hạt tiêu Ấn Độ cần phải nhập khẩu thêm hạt tiêu nguyên liệu để chế biến và tái xuất khẩu. Sri Lanka đang đề nghị Ấn Độ xoá bỏ hạn ngạch nhập khẩu 2.500 tấn hạt tiêu từ Sri Lanka. Nếu đề nghị này được chấp thuận, nhập khẩu tiêu vào Ấn Độ sẽ còn mạnh hơn nữa.

Xuất khẩu hạt tiêu Ấn Độ giai đoạn tháng 4-7/2008 đã giảm xuống 9.500 tấn, so với 12.050 tấn cùng kỳ năm ngoái, trị giá 1.600 triệu Rupi, cũng giảm so với 1.730 triệu Rupi cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù đơn giá hạt tiêu xuất khẩu tăng từ 143 Rupi/kg lên 169 Rupi/kg, song khối lượng xuất khẩu giảm đã làm giảm doanh thu từ xuất khẩu loại gia vị này.

Xuất khẩu hạt tiêu từ Ấn Độ sang Mỹ 6 tháng đầu năm nay giảm 1.619 tấn xuống còn 4.924 tấn so với 6.543 tấn trong 6 tháng đầu năm 2007. Tuy nhiên, tình trạng cạn hàng từ Việt Nam và Inđônêsia hiện nay có thể sẽ khiến các nhà nhập khẩu phải tìm đến tiêu Ấn Độ cho dù giá có cao hơn.

Trên thị trường thế giới, hạt tiêu Ấn Độ, hiện đang có giá 3.475 USD/tấn, C&F châu Âu; giá 3.525 USD/tấn, C&F Mỹ. Hạt tiêu L Asta của Inđônêsia đang được chào với giá 3.500-3.600 USD/tấn. Giá tiêu Braxin hiện khoảng 3.000 USD/tấn. Hạt tiêu Việt Nam hiện ở mức giá từ 2.850 - 3.025 USD/tấn. Với cơ hội tăng giá đang tới gần, dự báo từ tháng 10 đến tháng 12 tới, giá hạt tiêu các loại sẽ tăng thêm từ 100-300 USD/tấn.



DỰ BÁO GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG

Sẽ không có bùng nổ giá hàng hoá trong 6 tháng cuối năm

Giá hàng hoá thế giới đã kết thúc nửa đầu năm 2008 ngoạn mục với tốc độ tăng giá cao nhất kể từ 35 năm song dự báo sẽ không lặp lại kỷ lục này trong nửa cuối năm bởi giá dầu mỏ, giá đồng và giá hàng chục nguyên liệu khác đã tăng kỷ lục cao làm giảm mức tiêu thụ và khuyến khích gia tăng nguồn cung.

Chỉ số giá 19 mặt hàng trong Chỉ số CRB Reuters/Jefferies đã tăng 29% trong 6 tháng đầu năm 2008, mức tăng cao nhất kể từ năm 1973, và hơn một nửa trong số hàng hoá đó đạt mức tăng cao chưa từng có trong 6 tháng đầu năm nào từ ít nhất 5 thập kỷ nay.

Giá hàng hoá nguyên liệu cao đang làm giảm nhu cầu xăng ở Mỹ, trong khi sức mua vàng ở Ấn Độ - nước tiêu thụ vàng nhất thế giới- cũng giảm 50% so với một năm trước đây. Về nguồn cung, các nhà sản xuất lúa mì ở Mỹ đang tăng cường cung cấp loại lương thực quan trọng số một này, trong khi các nhà sản xuất thép ở Trung Quốc cũng tăng mạnh cung kim loại này.

Các nhà phân tích cho rằng hiện tượng bong bóng giá khủng khiếp này không thể xảy ra thường xuyên, có thể phải

hàng trăm năm mới thấy một lần. Giá dầu đã tăng gấp đôi trong năm qua, đạt kỷ lục cao 147,27 USD/thùng vào ngày 11/7/2008. Chi phí năng lượng cao làm suy giảm tiêu dùng và dẫn tới giảm giá hàng hoá vào nửa cuối năm nay.

Tại Mỹ, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, số người đi du lịch trong dịp Quốc khánh (ngày 4/7) lần đầu tiên giảm kể từ hàng chục năm nay, sau khi giá xăng tăng vượt 4 USD/gallon. Giá nhiên liệu tăng mạnh đã khiến hàng chục hãng hàng không rơi vào cảnh kinh doanh thua lỗ trong những tháng qua tháng qua. Nhu cầu giảm và triển vọng kinh tế thế giới, nhất là Mỹ suy yếu đang ép giá dầu giảm xuống gần mức 100 USD/thùng.

Theo hãng sản xuất đồng lớn thứ 2 thế giới, Freeport-McMoran Copper & Gold Inc., nhu cầu tiêu thụ kim loại đồng cũng đang chậm lại sau khi giá tăng 28% trong năm nay, đạt 4,2605 USD/lb vào ngày 5/5, mức cao chưa từng có từ trước tới nay, một phần do sự gián đoạn tạm thời nguồn cung ở Chilê, Peru và Mêhicô. Ngày 10/6, Trung Quốc thông báo nhập khẩu đồng vào nước này tháng 5/2008 giảm 19% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Các khách hàng ở Trung Quốc, nước nhập khẩu kim loại lớn nhất thế giới, rất nhạy cảm với giá.

Nhu cầu vàng trang sức – lĩnh vực tiêu thụ nhiều vàng nhất – đã suy yếu từ tháng 9 năm ngoái. Sau khi đạt kỷ lục 1.033,90 USD/ounce vào ngày 17/3/2008, giá vàng đã giảm xuống hiện chỉ 766 – 768 USD/ounce vào sáng 10/9, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2007. Vào ngày 20/5, Uỷ ban Vàng Thế giới đã thông báo nhu cầu vàng toàn cầu trong quý I đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ 5 năm nay. Theo nhà phân tích John Reade thuộc hãng UBS AG, giá vàng sẽ ở mức trung bình 850 USD/ounce trong năm nay, và 750 USD/ounce trong năm tới.

Không chỉ nhu cầu giảm, giá hàng hoá tăng đang khuyến khích người sản xuất gia tăng sản lượng. Hãng Katanga Minging Ltd. đã khôi phục hoạt động mỏ đồng dưới lòng đất lớn nhất ở nước Cộng hoà Congo. Tập đoàn Nghiên cứu Đồng Quốc tế ở Lisbon dự báo thị trường đồng thế giới sẽ dư thừa cung trong năm nay và năm tới.

Sản lượng nông sản thế giới đặc biệt tăng mạnh sau khi giá tăng kỷ lục vào đầu năm. Giá lúa mì đã tăng lên mức cao chưa từng có vào tháng 2 năm nay. Theo Uỷ ban Ngũ cốc Quốc tế, nông dân trên toàn cầu sẽ tăng sản lượng lúa mì thêm 8,2% lên 658 triệu tấn trong 12 tháng tới.

Xuất khẩu gạo Thái lan năm 2009 sẽ giảm 15%

Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, Chookiat Ophaswongse dự báo, sang năm 2009, nước này có thể chỉ xuất khẩu được 8,5 triệu tấn gạo, thấp hơn 15% so với mức khoảng 10 triệu tấn năm 2008, do Ấn Độ đã nối lại hoạt động xuất khẩu gạo và các nước nhập khẩu cũng mở rộng diện tích trồng lúa, tăng sản lượng.

Ngày 4/9, Ấn Độ tuyên bố nới lỏng các quy định về hạn chế xuất khẩu gạo. Theo kế hoạch, trong tài khóa kết thúc vào tháng 9/09, nhà sản xuất gạo lớn thứ hai thế giới này sẽ xuất khẩu 1 triệu tấn gạo thơm, hạt dài, loại Pusa-1121. Như vậy, Ấn Độ là một trong những nước cuối cùng nới lỏng các hạn chế về buôn bán gạo -một trong những nguyên nhân đẩy giá gạo thế giới lên các mức cao kỷ lục hồi đầu năm nay. Động thái này của Ấn Độ đã làm dịu đi các mối lo về nguồn cung trên thị trường, nhưng đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất khẩu gạo của Thái Lan.

Hoạt động xuất khẩu gạo của Thái Lan sang thị trường châu Phi (đặc biệt là loại gạo đồ, với khách mua chủ lực là Nigiêria) sẽ phải vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của Ấn Độ.

Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho rằng lượng gạo xuất khẩu của nước này trong quý IV/08 có thể sụt giảm khi thị trường có thêm nguồn cung từ Ấn Độ, nhưng kế hoạch can thiệp của Chính phủ Thái Lan sẽ bảo vệ hoạt động bán hàng trong ngắn hạn.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã điều chỉnh nâng dự báo về sản lượng gạo thế giới trong niên vụ 2007/08 lên 425,29 triệu tấn (tăng 2,4 triệu tấn so với dự báo ban đầu), trên cơ sở sản lượng của Inđônêxia, Mianma và Braxin tăng.



Braxin sẽ bội thu ngũ cốc và cà phê niên vụ 2007/08

Theo Bộ Nông nghiệp và Công ty Cung ứng Quốc gia Braxin (CONAB), trong niên vụ 2007/08, nước này sẽ thu hoạch mức kỷ lục 143,87 triệu tấn ngũ cốc, tăng 9,2% so với niên vụ trước, trong đó sản lượng cà phê có thể đạt 45,85 triệu bao (loại 60 kg/bao), mức kỷ lục kể từ năm 2003, tăng 27,1%.

Trong dự báo mới nhất về sản lượng ngũ cốc niên vụ 2007/08, CONAB cho hay so với niên vụ, sản lượng ngô và đậu tương niên vụ này đã tăng lần lượt 7,22 triệu tấn và 1,66 triệu tấn, hai mức tăng cao nhất về khối lượng. Riêng sản lượng đậu tương và ngô đạt tổng cộng 118,64 triệu tấn, chiếm 82,76% tổng sản lượng ngũ cốc của Braxin, trong đó đậu tương đạt 60,052 triệu tấn (tăng 2,8%) và ngô đạt 58,586 triệu tấn (tăng 14%). Tuy nhiên, xét về tỷ lệ, sản lượng lúa mỳ tăng cao nhất, với mức tăng 71,2%, đạt 3,824 triệu tấn. Hiện Braxin chủ trương tăng cường trồng loại ngũ cốc này để giảm bớt lệ thuộc vào thị trường Áchentina.

Theo CONAB, diện tích gieo trồng trong niên vụ 2007/08 đã tăng 2,5% so với vụ trước, đạt 47,359 triệu ha, trong đó diện tích trồng đậu tương chiếm 21,334 triệu ha, tăng 3,1%, và diện tích trồng ngô chiếm 14,709 triệu ha, tăng 4,7%.

Trong khi đó, Braxin dự kiến cũng sẽ bội thu cà phê trong mùa thu hoạch năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, người nông dân áp dụng nhiều biện pháp canh tác hiện đại và kiểm soát tốt dịch bệnh.

Cà phê chè, loài có giá trị kinh tế cao nhất trong số các loài cây cà phê, đạt tới 35,27 triệu bao và cà phê vối đạt 10,58 triệu bao. Các bang Minas Gerais, Espiritu Santo và Sao Paulo, thuộc miền đông nam Braxin, sản xuất tới 84% lượng cà phê nước này. Hiện diện tích canh tác cà phê của quốc gia lớn nhất Nam Mỹ đạt khoảng 2,32 triệu ha.

Theo Hội đồng Xuất khẩu Cà phê Braxin (Cecafe), trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cà phê của nước này đã đạt 2,772 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù có giảm 6% về khối lượng. Xuất khẩu cà phê của Braxin năm 2007 đạt 28 triệu bao, đạt giá trị 3,9 tỷ USD, chủ yếu sang các thị trường Đức, Mỹ, Italia và Bỉ.

Nhật Bản thắt chặt các quy định về nhập khẩu gạo

Nhật Bản đã thắt chặt các quy định về nhập khẩu gạo, sau khi xảy ra vụ bê bối liên quan đến việc một lượng gạo nhiễm bẩn sử dụng cho công nghiệp đã được bán để làm lương thực và đồ uống có cồn.

Đây là vụ mới nhất trong một loạt vụ bê bối thực phẩm ở Nhật Bản trong những năm gần đây, từ đồ ngọt truyền thống đến các sản phẩm sữa, khiến người tiêu dùng nước này mất lòng tin vào các công ty Nhật Bản.

Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Nhật Bản ngày 10/9 cho hay, ba công ty nhỏ của Nhật Bản là Mikasa Foods, Ohta Industry và Asai Ltd sau khi mua gạo nhiễm bẩn giá rẻ từ chính phủ đã bán chúng như là "gạo ngon" với giá cao.

Nhật Bản - quốc gia đã tự túc được gạo - hiện mua 770.000 tấn gạo mỗi năm từ thị trường nước ngoài theo các thỏa thuận thương mại quốc tế, song cũng kiểm soát rất chặt chẽ hoạt động này thông qua các cơ quan của chính phủ.

Các quy định mới nói trên có nghĩa là bất cứ lô gạo nào không được sử dụng làm lương thực tại các cảng của Nhật Bản đều phải quay trở lại nơi nó xuất phát.

Trước đó, các nhà giao dịch gạo phải lựa chọn hoặc bán gạo nhiễm bẩn để sử dụng cho công nghiệp, như sản xuất keo dán, phân bón hay thức ăn gia súc, hoặc tiêu hủy chúng tại Nhật Bản. Nhưng ông Kajishima, giám đốc phụ trách bộ phận buôn bán ngũ cốc thuộc Bộ Thương mại Nhật Bản, nói rằng lựa chọn duy nhất hiện nay là vận chuyển chúng trở lại nơi xuất phát.

Theo Bộ Thương mại Nhật Bản, một số lượng gạo nhất định liên đến vụ việc trên đã được bán cho một vài nhà sản xuất đồ uống có cồn và các hãng sản xuất bánh. Một khối lượng gạo - được chính phủ tích trữ trong thời gian 2 năm - đã bị nhiễm các loại sâu mệnh và bị mốc.

Bộ Thương mại Nhật Bản đã tiến hành điều tra đối với 19 công ty bán gạo ngoại sử dụng cho công nghiệp và phát hiện ra rằng có ít nhất 3 hãng đã vi phạm khi bán chúng bán chúng cho những công ty khác. Công ty Mikasa Foods đã công khai xin lỗi vì liên dính líu vụ bê bối, trong khi Bộ Thương mại ngày 10/9 đã nêu danh tính hai công ty khác là Ohta Industry và Asai Ltd.

tải về 308.68 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương