Phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm 1976-1980



tải về 482.61 Kb.
trang4/7
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích482.61 Kb.
#13401
1   2   3   4   5   6   7


 

Quản lý tốt việc sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, ra sức tiết kiệm ngoại tệ.

 

Nghiên cứu để chuyển một phần chế độ cấp phát tài chính không hoàn lại hiện nay sang chế độ cấp phát dưới hình thức tín dụng, nhằm nâng cao trách nhiệm của các ngành, các đơn vị sản xuất đối với việc sử dụng có hiệu quả tiền vốn.



 

Vai trò của ngân hàng trong hệ thống quản lý kinh tế là hết sức quan trọng. Ngân hàng cần phát huy hết các chức năng của mình để thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng cường chế độ hạch toán kinh tế trong mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

 

Công tác quan trọng nhất của ngân hàng là sử dụng mạnh mẽ đi đôi với cải tiến chế độ tín dụng. Cần nâng cao hơn nữa tỷ lệ vốn tín dụng trong vốn lưu động của xí nghiệp quốc doanh, thực hiện chế độ lãi suất có phân biệt, có thưởng, phạt, để khuyến khích các tổ chức quốc doanh và hợp tác xã quay vòng vốn nhanh và thanh toán đúng thời hạn. Từng bước thực hiện cho vay vốn đầu tư đối với các công trình dưới hạn ngạch, cũng như đối với một số công trình trên hạn ngạch. Mạnh dạn cho vay đối với các thành phần kinh tế tập thể và tư doanh để mở mang sản xuất và lưu thông theo đúng kế hoạch nhà nước.



 

Ra sức vận động cán bộ và nhân dân gửi tiền tiết kiệm, cải tiến thủ tục gửi và rút tiền tiết kiệm.

 

Quản lý chặt chẽ tiền mặt và việc lưu thông tiền tệ nói chung, bảo đảm sự cân đối tích cực giữa khối lượng tiền lưu hành với nhu cầu sản xuất và lưu thông, ổn định tiền tệ và giữ vững sức mua của đồng tiền.

 

Là trung tâm thanh toán, ngân hàng cần tăng cường quản lý và đề cao kỷ luật thanh toán, thông qua đồng tiền để giám đốc sát các hoạt động của mọi cơ sở kinh tế, góp phần thúc đẩy quay vòng vốn nhanh và đưa lại hiệu quả lớn của tiền vốn.



 

Trong công tác quản lý ngoại tệ, ngân hàng cần phát huy chức năng của mình nhằm tác động tốt đến việc mở rộng các quan hệ kinh tế đối ngoại.

 

5. Mở rộng hơn nữa quan hệ kinh tế với nước ngoài



 

Trong khi dựa vào sức mình là chính để phát huy tới mức cao nhất năng lực sản xuất hiện có, chúng ta ra sức tăng cường quan hệ kinh tế với các nước xã hội chủ nghĩa anh em và với các nước khác.

 

Muốn nhập được những thiết bị và vật tư cần thiết cho việc phát triển sản xuất và đẩy mạnh nhịp độ xây dựng trong nước, phải chủ động có kế hoạch, có chính sách, có tổ chức tốt để tạo nguồn hàng xuất khẩu có khối lượng lớn, giá trị cao, mở rộng khả năng hợp tác kinh tế của nước ta với nước ngoài. Thực hiện đúng các hiệp nghị và hợp đồng kinh tế giữa nước ta với các nước.



Tất cả các ngành, các địa phương, các cơ sở sản xuất phải phấn đấu hết sức mình đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu, coi đó là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của mình trong kế hoạch 5 năm này. Để hỗ trợ cho việc đẩy mạnh xuất khẩu, Nhà nước phải bổ sung hàng loạt chính sách khuyến khích xuất khẩu.

 

Nguồn xuất khẩu chủ yếu là các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, thuỷ sản, lâm sản, hàng công nghiệp tiêu dùng và hàng mỹ nghệ, hàng may mặc, đồ thêu ren, thảm len, thảm đay, một phần khoáng sản và hàng công nghiệp nặng.

 

Coi trọng phát triển kinh doanh du lịch, tổ chức tốt việc cung ứng cho tàu biển nước ngoài và các dịch vụ khác.



 

Đi đôi với việc đẩy mạnh xuất khẩu, phải quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu, sử dụng nguồn ngoại tệ của chúng ta một cách hợp lý, tập trung vào việc nhập những vật tư kỹ thuật và hàng hoá thiết yếu nhất cho sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa. Dùng thiết bị, vật tư nhập khẩu phải tính toán chặt chẽ hiệu quả kinh doanh, phải xem xét thời gian thu hồi vốn đầu tư và khả năng trả nợ. Cần nghiên cứu, lựa chọn nhập đúng những thiết bị kỹ thuật hiện đại cần thiết cho nền kinh tế quốc dân. Đối với những loại nguyên liệu, vật liệu, thiết bị mà trong nước có khả năng vươn lên sản xuất được, Nhà nước và các ngành cần phải có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất để giảm nhập hoặc tiến tới không phải nhập.

 

Trong giai đoạn mới, chúng ta phải ra sức tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế và khoa học, kỹ thuật với các nước xã hội chủ nghĩa anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Chúng ta rất coi trọng tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, và giúp đỡ lẫn nhau với các nước láng giềng anh em Lào và Campuchia. Chúng ta mở rộng quan hệ kinh tế và kỹ thuật với các nước dân tộc chủ nghĩa và với các nước khác trên cơ sở giữ vững độc lập, chủ quyền và các bên cùng có lợi.



 

6. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phát huy vai trò then chốt của cách mạng khoa học - kỹ thuật

 

Gắn liền với cách mạng quan hệ sản xuất và cách mạng tư tưởng và văn hoá, cách mạng khoa học - kỹ thuật là một nhân tố góp phần quyết định sự phát triển của lực lượng sản xuất, quyết định quá trình từ sản xuất nhỏ tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, quá trình xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở nước ta.



Công tác khoa học và kỹ thuật phải phục vụ đắc lực việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế và văn hoá, củng cố quốc phòng.

 

Trong kế hoạch 5 năm, phải tiến một bước thực sự trong việc gắn chặt khoa học, kỹ thuật với sản xuất và quản lý kinh tế, phát huy tác dụng của khoa học và kỹ thuật (bao gồm các ngành khoa học - kỹ thuật và khoa học xã hội quan hệ chặt chẽ với nhau và thâm nhập vào nhau). Phải làm cho khoa học - kỹ thuật trở thành căn cứ của kế hoạch và hoạt động kinh tế, thể hiện trong việc chuẩn bị các quyết định chiến lược cho nhiều năm cũng như trong việc điều hành sản xuất hàng ngày, trong công tác của các cơ quan lãnh đạo, của những người thủ trưởng, cũng như trong lao động của quần chúng. Kế hoạch phát triển khoa học - kỹ thuật, bao gồm chỉ tiêu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phải gắn liền với kế hoạch phát triển các ngành, các đơn vị cơ sở và là một bộ phận hợp thành của kế hoạch phát triển nền kinh tế quốc dân.



 

Kiên quyết tập trung lực lượng cán bộ khoa học, kỹ thuật, hoàn thành dứt điểm một số công trình nghiên cứu có tính chất liên ngành, đem lại giải đáp khoa học, kỹ thuật cho những bài toán kinh tế lớn đang đặt ra theo đúng nhiệm vụ và mục tiêu của kế hoạch 5 năm. Trước hết, khoa học, kỹ thuật phải bảo đảm sự phát triển vượt bậc của nông nghiệp. Khoa học, kỹ thuật phải góp phần quan trọng đẩy mạnh lâm nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp cơ khí, công nghiệp hàng tiêu dùng, góp phần giải quyết các khó khăn về nguyên liệu, vật liệu và năng lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng nhanh khả năng xuất khẩu, tăng nhanh năng lực xây dựng cơ bản và phát triển giao thông vận tải.

 

Trong những năm trước mắt, để thúc đẩy việc tổ chức lại sản xuất, phải đặc biệt coi trọng công tác điều tra cơ bản tài nguyên và điều kiện thiên nhiên, điều tra cơ bản về kinh tế và xã hội, làm căn cứ chắc chắn cho việc lập các quy hoạch và kế hoạch. Chú ý đẩy mạnh điều tra địa chất, tìm kiếm, thăm dò, đánh giá trữ lượng tài nguyên địa chất phục vụ việc phát triển kinh tế, nhất là việc xây dựng công nghiệp nặng.



 

Trên cơ sở phát huy tinh thần tự lực tự cường, cần tranh thủ nhập khẩu những thiết bị và kỹ thuật hiện đại của thế giới, phấn đấu mau chóng làm chủ những thiết bị và kỹ thuật đó, hướng vào mục tiêu phấn đấu trước mắt của kế hoạch nhà nước.

 

Chú trọng nghiên cứu ứng dụng, triển khai nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, đồng thời quan tâm đầy đủ đến nghiên cứu cơ bản, đặc biệt là những vấn đề khoa học, kỹ thuật nhiệt đới. Rất coi trọng nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu về khoa học quản lý vào việc cải tiến công tác quản lý kinh tế của chúng ta.



 

Ra sức chấn chỉnh nền nếp quản lý kỹ thuật trong sản xuất và lưu thông, phân phối, bổ sung hệ thống tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, tăng cường công tác đo lường, kiểm tra chất lượng sản phẩm, quản lý sáng kiến phát minh. Cải tiến các chính sách, chế độ và hệ thống tổ chức quản lý công tác khoa học, kỹ thuật trong cả nước, bộ phận hợp thành quan trọng của hệ thống quản lý kinh tế. Chú trọng thực hiện chính sách bồi dưỡng cán bộ khoa học, kỹ thuật cả về kiến thức, tinh thần và vật chất.

Để phát huy tác dụng của đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, phải sớm tập hợp lực lượng khoa học và kỹ thuật của cả nước, kể cả lực lượng trí thức Việt kiều ở nước ngoài, tham gia nghiên cứu những vấn đề cấp bách của sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa ở nước ta, theo một kế hoạch thống nhất, có tổ chức, phân công và lãnh đạo chặt chẽ.

 

Ra sức xây dựng tiềm lực khoa học, kỹ thuật, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ và công nhân (kể cả việc đào tạo trên đại học trong nước). Tăng cường năng lực quản lý của Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước. Nâng cao năng lực nghiên cứu của Viện Khoa học Việt Nam, của các viện, các trạm, trại nghiên cứu, thí nghiệm và điều tra cơ bản. Sắp xếp lại mạng lưới các cơ quan nghiên cứu khoa học - kỹ thuật và các trường đại học trong cả nước, kết hợp chặt chẽ các lực lượng nghiên cứu - giảng dạy - sản xuất ở các ngành và địa phương.



 

Phát triển mạnh công tác thông tin khoa học - kỹ thuật và mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học và kỹ thuật.

 

Phát động một phong trào quần chúng sôi nổi, liên tục tiến quân vào mặt trận khoa học - kỹ thuật, không ngừng cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, đạt chất lượng tốt và năng suất cao, đưa cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật thật sự đi sâu vào quần chúng, vào đời sống.



 

7. Xây dựng, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong cả nước

 

Cách mạng về quan hệ sản xuất có vai trò to lớn trong việc thực hiện những nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 1976-1980. Trong cả nước, kinh tế quốc doanh xã hội chủ nghĩa cần mở rộng trận địa, thể hiện tính hơn hẳn và vai trò chủ đạo của mình. ở các tỉnh phía Bắc, phải tiếp tục củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, trong tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. ở các tỉnh phía Nam tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa một cách tích cực và vững chắc để hoàn thành về cơ bản trong thời gian kế hoạch 5 năm này việc hợp tác hoá nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, tổ chức lại những người thợ thủ công và những người buôn bán nhỏ. Công cuộc xác lập, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong cả nước gắn liền với quá trình tổ chức lại sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.



 

Nông nghiệp hợp tác hoá ở các tỉnh phía Bắc tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa thông qua việc tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý từ hợp tác xã và trên địa bàn huyện, theo quy hoạch chung của cả nước và của tỉnh. Tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp hợp tác hoá ở phía Bắc phát huy tác dụng quan trọng lâu dài của mình bằng cách tổ chức lại sản xuất, tăng cường trang bị kỹ thuật và cải tiến quản lý, coi trọng củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, khắc phục các khuyết điểm của lối làm ăn sản xuất nhỏ và thói xấu của kinh doanh cá thể. Nói chung, đối với khu vực kinh tế tập thể, ở các tỉnh phía Bắc, những chủ trương và biện pháp đẩy mạnh cách mạng về quan hệ sản xuất đã được khảo nghiệm trong thực tiễn và được xác định trong nhiều nghị quyết của Đảng và Chính phủ. Phải phấn đấu thực hiện nghiêm chỉnh các nghị quyết đó, đạt kết quả thiết thực.

 

Trong toàn bộ hoạt động kinh tế ở các tỉnh phía Bắc, cả kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, cần tích cực cải tiến chế độ quản lý, cải tiến chế độ phân phối, để đạt hiệu quả cao.



 

các tỉnh phía Nam, tiến lên chủ nghĩa xã hội là tiến hành đồng thời cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Cải tạo xã hội chủ nghĩa ở các tỉnh phía Nam là phát động quần chúng xoá bỏ tư sản mại bản và tàn dư bóc lột phong kiến, xoá bỏ giai cấp tư sản, xoá bỏ chế độ người bóc lột người, chống đầu cơ và làm ăn phi pháp, mở đường cho những người tư sản tiếp thu con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của đất nước; xoá bỏ bất công trong đời sống xã hội, thực hiện một sự phân phối mới, công bằng, tạo điều kiện cho nền kinh tế của cả nước sớm thống nhất trong chủ nghĩa xã hội. Đây thực sự là một sự chuyển biến cách mạng sâu rộng ở các tỉnh phía Nam, mở đường đưa lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ, có ý nghĩa to lớn chẳng những về kinh tế, mà cả về chính trị, tư tưởng và xã hội, đem lại sự đổi mới toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống và đối với mọi tầng lớp nhân dân ở các tỉnh phía Nam.

 

Điều cực kỳ quan trọng là tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa phải kết hợp với xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tổ chức lại sản xuất là khâu nối liền cải tạo quan hệ sản xuất với phát triển lực lượng sản xuất. Tổ chức lại sản xuất đi đôi với cải tiến quản lý, xây dựng chế độ quản lý kinh tế mới ở các tỉnh phía Nam.



 

Trong nông nghiệp, nhanh chóng cắt đứt quan hệ của giai cấp tư sản với nông dân, kịp thời tổ chức các mối quan hệ giữa Nhà nước với nông dân, dùng các mối quan hệ ấy để giúp đỡ nông dân phát triển sản xuất, đồng thời đề cao nghĩa vụ của nông dân bán lương thực và nông sản khác cho Nhà nước. Việc hợp tác hoá nông nghiệp ở các tỉnh phía Nam phải tiến hành tích cực, vững chắc và khẩn trương. Vấn đề quan trọng nhất là đào tạo cán bộ quản lý, làm thí điểm để mở rộng nhanh khi đã tạo được các điều kiện cần thiết.

 

Đối với những vùng đất đai rộng lớn, trên diện tích của các đồn điền cũ cũng như trên diện tích mới được khai hoang, sẽ thành lập những nông trường quốc doanh.



 

Tại các vùng phục hoang và các vùng kinh tế mới, cần quy hoạch các khu vực sản xuất kết hợp tổ chức các khu vực dân cư, tạo thuận lợi cho việc tiến lên sản xuất lớn trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

 

Đối với những xí nghiệp tư bản tư doanh, tuỳ theo tình hình cụ thể của từng ngành sản xuất, tổ chức công tư hợp doanh hoặc để tồn tại kinh doanh tư nhân dưới sự quản lý của Nhà nước và theo yêu cầu của kế hoạch nhà nước.



 

Đối với tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, dùng nhiều hình thức linh hoạt, từ những người làm thủ công cá thể được đăng ký kinh doanh sản xuất, đến tổ sản xuất, hợp tác xã cung tiêu, hợp tác xã sản xuất và thông qua các chính sách thuế, tín dụng, giá cả, cung ứng vật tư, hợp đồng kinh tế, gia công đặt hàng và thu mua sản phẩm để giúp đỡ và cải tạo, đưa họ vào con đường làm ăn đúng đắn, phát triển sản xuất đúng hướng, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

 

Trong xây dựng, ra sức phát triển lực lượng xây dựng của Nhà nước, đồng thời sử dụng tốt các lực lượng thi công của tư nhân, có quy chế kiểm soát của Nhà nước, bảo đảm quyền lợi của công nhân xây dựng và của người giao thầu. Tuỳ theo tình hình cụ thể, sẽ thu hút những người làm công tác xây dựng vào các công ty xây dựng công tư hợp doanh hoặc tổ chức những hợp tác xã xây dựng.



 

Trong vận tải, nhanh chóng sắp xếp lại màng lưới vận tải theo hướng phát triển mạnh vận tải quốc doanh, tổ chức lực lượng vận tải đường bộ và đường sông thành các công ty công tư hợp doanh hoặc hợp tác xã vận tải, có phân công hợp lý trên từng tuyến, từng khu vực, tổ chức liên vận giữa các phương thức vận chuyển.

 

Trong các ngành phục vụ, Nhà nước nắm kinh doanh khách sạn và các công ty du lịch, nhanh chóng quy hoạch lại màng lưới các cơ sở du lịch, nghỉ mát, tổ chức thành những đơn vị kinh doanh.



 

Đối với thương nghiệp, phát triển thương nghiệp quốc doanh, sớm tổ chức và nắm chắc khâu thu mua và bán buôn. Nhà nước giữ trọn quyền thu mua, phân phối và cung ứng lương thực cho nhân dân. Nhà nước thu mua đại bộ phận hàng công nghiệp và tổ chức việc bán buôn hàng công nghiệp. Mở rộng màng lưới thương nghiệp quốc doanh bán lẻ, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, tổ chức các hợp tác xã mua bán, đồng thời sớm tiến hành cải tạo thương nghiệp tư bản tư doanh và tiểu thương, chuyển phần lớn tiểu thương sang sản xuất.

Đối với ngoại thương, Nhà nước nắm độc quyền.

 

8. Xây dựng nền văn hoá xã hội chủ nghĩa, phát triển công tác văn hoá, xã hội, đẩy mạnh cách mạng tư tưởng và văn hoá



 

Phải làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin từng bước thấm nhuần trong quần chúng, trang bị cho nhân dân những tư tưởng lớn của đường lối của Đảng, những tư tưởng lớn của kế hoạch 5 năm 1976-1980, khiến cho công cuộc phấn đấu thực hiện những mục tiêu của kế hoạch thực sự là sự nghiệp của quần chúng. Phải đưa công tác giáo dục, văn hoá, nghệ thuật tiến lên một bước mạnh mẽ, xây dựng nền văn hoá có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính dân tộc, có tính đảng và tính nhân dân.

 

Trước hết phải phát triển mạnh màng lưới mẫu giáo, thu nhận phần lớn các cháu hết tuổi nhà trẻ. Tất cả thanh niên, thiếu niên đều phải được học đầy đủ bậc giáo dục phổ thông. Từng bước phổ cập giáo dục theo độ tuổi. Để tăng số học sinh phổ thông lên 13 triệu 70 vạn em năm 1980, Nhà nước đầu tư và huy động sự đóng góp của nhân dân, xây dựng thêm 14 vạn phòng học mới. Việc soạn thảo và xuất bản sách giáo khoa tăng gấp 1,6 lần so với hiện nay để có đủ sách giáo khoa phát không cho học sinh. Đội ngũ giáo viên tăng gấp 1,5 lần và được bồi dưỡng, nâng cao chất lượng. Trong 5 năm, bắt đầu thực hiện cuộc cải cách giáo dục sâu rộng trong cả nước theo hướng kết hợp nhà trường với xã hội, kết hợp giáo dục với lao động, đưa giáo dục kỹ thuật vào chương trình phổ thông, phát triển hình thức vừa học vừa làm.



 

Hệ thống các trường đại học và trung học chuyên nghiệp phải được sắp xếp lại, hoàn chỉnh và mở rộng từng bước, bố trí khớp với sự bố trí các ngành, các vùng kinh tế trong cả nước. Tăng thêm thiết bị giảng dạy và thí nghiệm, nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô đào tạo. Trong 5 năm, để đào tạo 20 vạn cán bộ có trình độ đại học và 34 vạn cán bộ kỹ thuật trung học, sẽ mở rộng, cải tạo và xây dựng mới 32 trường đại học và trung học chuyên nghiệp.

 

Đồng thời cần hết sức coi trọng đào tạo công nhân kỹ thuật với trình độ lành nghề ngày càng cao, phù hợp với phương hướng phát triển các ngành kinh tế, khắc phục sự mất cân đối hiện nay giữa lực lượng cán bộ và đội ngũ công nhân. Mở rộng hệ thống các trường công nhân ở trung ương và địa phương cũng như các trường dạy nghề bên cạnh xí nghiệp, đẩy mạnh đào tạo và bồi dưỡng các giáo viên dạy nghề và sử dụng hợp lý những thiết bị, phương tiện hiện có trong các cơ sở sản xuất vào công tác đào tạo.



 

Ngoài việc đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật tại các trường tập trung, cần phát triển hình thức học hàm thụ, học tại chức và kèm cặp trong sản xuất.

 

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thanh toán nạn mù chữ và bổ túc văn hoá cho những người lao động lớn tuổi. Ngoài việc tổ chức những lớp bình dân và bổ túc văn hoá ở các khu phố, thôn, xã và ở cơ quan, xí nghiệp, cần tổ chức các trường, lớp bổ túc văn hoá tập trung ở huyện, tỉnh, trước hết cho những cán bộ cách mạng và thanh niên miền Nam đã tham gia kháng chiến.



 

Như vậy, nếu tính số người đi học, ở các lứa tuổi, ở tất cả các cấp và theo các hình thức, thì đến năm 1980 ở nước ta cứ ba người dân có một người đi học.

 

Trên cơ sở nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân, cần phát triển đều khắp các hoạt động văn hoá, nghệ thuật nhằm tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đường lối, chính sách của Đảng, động viên khí thế cách mạng và dấy lên phong trào thi đua sôi nổi thực hiện thắng lợi những mục tiêu của kế hoạch 5 năm.



 

Phát triển mạnh và nâng cao chất lượng của công tác xuất bản sách, báo, truyền thanh, truyền hình, điện ảnh chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, hoạt động thể dục thể thao. Các ngành, các cấp và các đoàn thể phải thực sự tạo điều kiện đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng, xây dựng các đội văn nghệ nghiệp dư làm hạt nhân cho phong trào. Nhà nước cùng với sự đóng góp của nhân dân sẽ xây dựng nhiều trung tâm văn hoá ở các tỉnh, thành phố, huyện và các cơ sở văn hoá nông thôn, với thư viện, nhà văn hoá, câu lạc bộ..., làm cho việc đọc sách, báo, nghe đài, xem phim, sinh hoạt văn nghệ trở thành nếp sống hàng ngày ở khắp mọi nơi, kể cả những miền xa xôi hẻo lánh nhất. Dự kiến đến năm 1980 số sách xuất bản tăng hơn 2 lần, số lượt người xem chiếu bóng tăng gấp 1,6 lần. Hơn 80% số hộ thành thị và 50% số hộ nông thôn sẽ có phương tiện nghe đài. Đồng thời cần chăm lo tổ chức những hoạt động giải trí, vui chơi lành mạnh khác cho nhân dân lao động.

 

Làm tốt công tác bảo tồn bảo tàng, xây dựng những tượng đài kỷ niệm cách mạng và kháng chiến, giữ gìn và tu bổ các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, tổ chức tốt việc triển lãm và các cuộc tham quan nhằm giáo dục truyền thống đấu tranh, lòng yêu nước và tự hào dân tộc.



 

Sau nhiều năm chiến tranh gian khổ, hiện nay mối quan tâm hàng đầu của Nhà nước và toàn dân là bảo vệ và nâng cao sức khoẻ của nhân dân, giải quyết tốt những bệnh tật do chiến tranh và xã hội cũ để lại.

 

Nắm vững phương châm phòng bệnh là chính, cần gây một phong trào thể dục vệ sinh rộng rãi trong toàn dân theo khẩu hiệu "khoẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", kết hợp với các biện pháp bảo đảm vệ sinh công cộng, chống ô nhiễm môi trường. Kiểm tra nghiêm ngặt việc thực hiện các chế độ vệ sinh thực phẩm, vệ sinh lao động, tổ chức tiêm chủng phòng dịch rộng rãi trong nhân dân. Thanh toán bệnh sốt rét trong cả nước, từng bước giải quyết các bệnh xã hội. ở nông thôn, phát triển phong trào ăn sạch, ở sạch, có đủ giếng nước, nhà tắm và hố xí hợp vệ sinh.



 

Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám bệnh và chữa bệnh của nhân dân, Nhà nước đầu tư và huy động sự đóng góp của nhân dân, xây dựng và mở rộng hơn 60 bệnh viện, lập xong màng lưới y tế cơ sở ở các xã, quận, huyện. Trong 5 năm, tăng thêm 53 nghìn giường bệnh ở các bệnh viện và trạm xá từ trung ương đến xã. Tăng cường đội ngũ thầy thuốc giỏi về chuyên môn và có tinh thần phục vụ tận tuỵ người bệnh, biết kết hợp tốt tây y với đông y. Sử dụng rộng rãi nguồn thuốc trong nước, đẩy mạnh sản xuất tân dược và chế biến thuốc nam. Xây dựng và phát triển nền y học và dược học dân tộc. Thừa kế và phát huy những kinh nghiệm cổ truyền của dân tộc ta về chữa bệnh và làm thuốc, kết hợp với kinh nghiệm của y học và dược học thế giới. Tiến tới thực hiện chính sách chữa bệnh không phải trả tiền thuốc cho toàn thể nhân dân.

 

Tổ chức tốt việc điều dưỡng, nghỉ ngơi cho công nhân, viên chức và nhân dân lao động. Chăm lo chu đáo việc bảo vệ bà mẹ và trẻ em, phát triển rộng rãi màng lưới nhà trẻ theo nơi cư trú và nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ, bảo đảm đến năm 1980 thu nhận được ít nhất 80% trẻ em ở các thành phố và khu công nghiệp, 50% trẻ em ở các vùng nông thôn. Đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, kiên quyết giảm dần tốc độ tăng dân số hàng năm, phấn đấu đến năm 1980 tỷ lệ tăng dân số là trên 2% một ít. Mọi ngành, mọi cấp phải coi cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch là một công tác có tầm quan trọng to lớn, có ý nghĩa chính trị, kinh tế và xã hội, góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống của nhân dân ta.



 

Nhà nước và toàn dân có trách nhiệm chăm lo sức khoẻ và đời sống của thương binh và gia đình liệt sĩ. Tổ chức tốt việc nuôi dạy trẻ mồ côi, săn sóc chu đáo những người già không nơi nương tựa và những người tàn tật vì chiến tranh.

 

9. Cải thiện một bước đời sống của nhân dân



 

Cải thiện đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động, là mục tiêu quan trọng của kế hoạch 5 năm 1976-1980 này, bởi vì nhân dân cả nước ta đã trải qua một cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt trong suốt 30 năm, bởi vì con người là vốn quý nhất để xây dựng nền kinh tế và văn hoá xã hội chủ nghĩa.

 

Chúng ta phải ra sức phấn đấu bảo đảm việc làm cho mọi người trong tuổi lao động và có khả năng lao động, sắp xếp cho mỗi người có công việc hợp lý và đòi hỏi mỗi người làm việc chăm chỉ, có kỷ luật, có năng suất lao động cao, để có thu nhập xứng đáng với cống hiến của mình.


Каталог: coltech -> sites -> default -> files
files -> Biểu mẫu 2 Đhqghn trưỜng đẠi học công nghệ thông báo công khai thông tin về nội dung và chuẩn chất lượng nghề nghiệp chương trình đào tạo chuẩn ngành Cơ học kỹ thuật
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
files -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam trưỜng đẠi học công nghệ Độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam trưỜng đẠi học công nghệ Độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> I- nhậN ĐỊnh tình hình miền bắC
files -> Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đảng Cộng sản Việt Nam
files -> Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 2020 Ngày 4/3/2011. Cập nhật lúc 16
files -> Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001 2010 Ngày 12/7/2003. Cập nhật lúc 15
files -> Biểu mẫu 2 Đhqghn trưỜng đẠi học công nghệ thông báo công khai thông tin về nội dung và chuẩn chất lượng nghề nghiệp chương trình đào tạo chuẩn ngành Khoa học máy tính

tải về 482.61 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương