PHẦn thứ nhấT: VĂn học thăng long hà NỘI


Bên cạnh chất giọng thanh lịch, văn học Thăng Long còn thể hiện chiều sâu văn hoá và vốn trí tuệ của dân tộc



tải về 208.68 Kb.
trang3/3
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích208.68 Kb.
#37988
1   2   3
Bên cạnh chất giọng thanh lịch, văn học Thăng Long còn thể hiện chiều sâu văn hoá và vốn trí tuệ của dân tộc

Đó là một trong những điểm mấu chốt của trung tâm văn hoá lớn bậc nhất này ngay từ buổi đầu xây dựng. Chiều sâu văn hoá đó không chỉ được kết tinh trong những nhà văn hoá lớn tập trung ở Thăng Long, thời nào cũng có, như Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm (1740 – 1803), v.v… mà còn thấm vào ngôn ngữ của vô số cây bút bậc trung của Hà Nội qua nhiều thời đại. Sự lịch lãm, già dặn trong tri thức của họ luôn luôn được bộc lộ, được hình tượng hoá, làm thành cái môi trường của cả một “trường phái” văn chương, là dáng dấp không lẫn được của dòng văn “Tràng An”. Khi Nguyễn Trãi tự hào viết:



“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

Như nước Đại Việt ta từ trước,

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”

(Bình Ngô đại cáo)

Thì trong những lời ngắn gọn ấy cô đọng biết bao tri thức của một nhà bác học mà sự hiểu biết đã vượt lên khỏi tầm quốc gia.

Nhưng khi Tú tài Từ Diễn Đồng (…..) viết Thăng Long hoài cổ:

“Này vua nhà Lý đóng đô đây,

Trải mấy nghìn năm mới đến nay.

Năm cửa chỉ còn lầu cửa Bắc,

Cột cờ sao thấy lá cờ Tây?

Nền văn nhà Lý xây bia đó,

Vết kiếm vua Lê vứt chỗ này.

Người cũ bây giờ đâu cả nhỉ?

Xe rồng chẳng thấy, thấy xe tay”

thì cái tri thức về lịch sử và văn hoá ở đây lại gần như phổ biến trong đa số người dân Hà Nội bình thường là câu chuyện đầu miệng hàng ngày của họ, thế hệ này truyền cho thế hệ kia, và trở thành tâm thức con người Thăng Long nghìn đời.

Trên mỗi chặng đường phát triển của dân tộc thường khi vẫn kết tinh được những con người “khổng lồ” về văn hoá. Ở họ kết hợp một cách nhuần nhuyễn tới mức độ cao những tinh hoa văn hoá dân gian và văn hoá bác học mà Nguyễn Trãi, Nguyễn Du ở giai đoạn trước là những gương mặt tiêu biểu. Họ không chỉ nhìn nhận cuộc sống bằng con mắt của một nhà văn mà còn cả tư chất của một nhà trí thức có tầm nhìn, tầm tư tưởng khác người. Trong tình hình “văn sử triết bất phân” của thời Trung đại, nhìn vào văn hoá dân tộc cũng tức là nhìn vào chiều sâu tư tưởng của dân tộc, có thể thấy một sự thực khách quan là văn học Thăng Long không những chiếm lĩnh những đỉnh cao của văn học Việt Nam trên suốt chiều dài lịch sử, mà cũng chiếm lĩnh những đỉnh cao của lịch sử tư tưởng Việt Nam. Nếu sáng tác văn học của Lý Thường Kiệt ở thế kỷ XI, của Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão (1255 – 1320)… ở thế kỷ XIII đặt những viên đá tảng cho chủ nghĩa yêu nước, thì cũng trong vòng từ thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XIV, một dòng văn học Thiền khởi đi từ Thăng Long đã bàn đến các vấn đề “hữu vô”, “sinh tử”, khơi sâu vào mạch sống tâm linh dân tộc, tạo điều kiện cho sự ra đời một nhân vật triết gia kiệt xuất: Trần Tung – là người đầu tiên lý giải về bản thể vũ trụ, xem xét thế giới trong sự vận động không ngừng, không nghỉ:

Tây nguyệt trầm không nan phục ảnh,

Đông lưu phó hải khởi hồi ba.

(Thế thái hư huyễn).



(Trăng lặn, bóng trăng khôn trở lại,

Sông trôi, sóng nước mãi trôi qua).

Ông cũng là người táo bạo “phá chấp” trong nhận thức, chủ trương triệt để tiêu trừ “nhị kiến” để giúp con người thoát khỏi mọi vướng mắc của những giới hạn nhìn và thấy mà thung dung trở về với thực tại, đó là cứu cánh của sự giác ngộ Thiền. Ở thế kỷ XV, văn tài của Nguyễn Trãi đã toả sáng trên nhiều lĩnh vực, vừa “viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết một thời” (Nguyễn Năng Tĩnh), vừa say mê vẩy bút thành thơ, vừa truyền đi những lời cáo bất hủ đến muôn đời hậu thế, vừa khổ công tìm tòi sáng tạo thơ nôm. Là người con sinh trưởng tại Thăng Long, ông từng cầm bút trên mọi nẻo đường kháng chiến, rồi khi trở về Kinh đô lại tiếp tục sáng tác ngay giữa Kinh thành. Nhưng điều cần lưu ý là, Nguyễn Trãi còn đầy đủ tư chất một triết nhân, kết tinh được những tư tưởng cao nhất của thời đại khi ông đề xuất phạm trù “nhân nghĩa” - một mệnh đề Nho giáo mà ông sáng tạo lại để chung đúc vào đấy tinh hoa của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam vốn thai nghén dần dà từ phong trào Lam Sơn khởi nghĩa, nó là chỗ dựa tinh thần của công cuộc phục hưng dân tộc lần thứ hai diễn ra suốt một thế kỷ liền.

Đến thế kỷ XVIII, văn học Thăng Long bước vào thời kỳ hoàng kim với trào lưu nhân đạo chủ nghĩa làm sinh sắc hẳn cả hai dòng văn học chữ Nôm và chữ Hán, thổi vào thơ văn cái xôn xao rạo rực của những trái tim khao khát yêu đương, và làm cho văn chương trở nên gân cốt bởi tính hiện thực đậm nét và sự bộc lộ tâm trạng cá thể. Một Ngô Thì Sĩ (1726 – 1780) với Khuê ai lục, một Phạm Thái (1777 – 1813) với Sơ kính tân trang, một Đoàn Thị Điểm với Chinh phụ ngâm khúc, một Nguyễn Gia Thiều với Cung oán ngâm khúc, một Lê Ngọc Hân (1770 – 1799) với Ai tư vãn, một Nguyễn Khản với các khúc hát giáo phường, thanh tú… đều là sự thể hiện tâm trạng cá nhân dằn vặt ấy, các tình cảm yêu đương bức xúc ấy. Về phương diện tư tưởng, Thăng Long cũng cung cấp một tên tuổi sáng giá là Lê Quý Đôn. Những lời bàn về “lý” và “khí” của ông rõ ràng bộc lộ quan điểm duy vật khoẻ mạnh: “Lý không có hình tích, nhờ có khí nó mới hiện ra được. Lý ở ngay trong khí” (Vân đài loại ngữ, Lý khí, 3). Quan điểm này hiển nhiên đã “nghịch ý” với vị thầy Tống Nho Chu Tử vốn coi “lý là cái thế hình nhi thượng, là cái gốc của vạn vật; khí là cái vỏ hình nhi hạ, là cái khí cụ làm nên vạn vật” (Tính lý đại toàn, 26), và cũng ngang nhiên vượt khỏi “rào chắn” “lý khí nhị nguyên” của hai đại biểu Tống Nho khác là anh em họ Trình. Phải trên cơ sở một kiến giải đột xuất như vậy về vũ trụ quan, các nhà văn thế kỷ XVIII mới có điều kiện cởi bỏ quan niệm lấy mình làm trung tâm (thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn) để tỉnh táo nhìn sâu vào thế giới hiện thực, chuyên tâm ghi chép những chuyện dâu bể khôn lường trong thời điểm lịch sử mà mình đang sống và chứng kiến.

Bước sang thế kỷ XIX, có một đội ngũ các nhà văn trẻ Nguyễn Văn Lý (1795 – 1868), Nguyễn Văn Siêu (1799 – 1872), Vũ Tông Phan (1804 – 1851), Cao Bá Quát (1808 – 1855)… đều sinh trưởng ở Hà Nội, phản ứng trước chính sách của triều đình Huế cố tình làm lu mờ truyền thống nơi nghìn năm văn vật, đã dấy lên phong trào bảo tồn và phục hưng văn hoá Thăng Long. Với thời gian, hai người trong số họ đã trở thành những văn gia lừng lẫy, được dư luận truyền tụng là “thần Siêu thánh Quát”, trong đó Cao Bá Quát là một nhà thơ tuyệt luân, mỗi lần hứng thơ trào lên đầu ngọn bút lại làm cho bạn bè phải sửng sốt, đón lấy từng lời của ông mà “trước đèn ngồi lặng như ngây” (Nguyễn Văn Lý). Chàng thi sỹ họ Cao ấy, người sáng tác những bài hát nói tài hoa ấy, lạ lùng thay, lại là người nung nấu khát vọng tự do của cả một thời đại, một nhà tư tưởng ươm mầm cho tinh thần dân chủ, có cái nhìn phủ định uy quyền đấng chí tôn đến là đáo để:



Bóng thiều quang thấp thoáng dưới Nam san

Ngoảnh mặt lại cửu hoàn coi cũng nhỏ”.

(Chén rượu tiêu sầu)

Cao hơn nữa, hình như ở ông còn lấp loé cái chân lý: phải có cách mạng bạo liệt mới thật sự đưa đất nước đến một cuộc đổi đời:

Tạc dạ xuân lai phá cựu hàn,



Kim triêu hồng tử đấu thiên ban

Hà đương thế sự như hoa sự,

Phong vũ, giang san tận cải quan”

(Lập xuân hậu nhất nhật tân tình)



(Hôm qua xuân đến, rét tan,

Sáng nay hồng tía muôn ngàn khoe tươi

Việc hoa ước cũng việc đời:

Gió mưa, thoắt đã rạng ngời núi sông).

Thử làm một dấu nối từ Lý Thường Kiệt đến Cao Bá Quát. Quả tình, hiếm có một vùng đất nào mà hiện tượng sóng đôi giữa các đỉnh cao nghệ thuật và trí tuệ lại xuất hiện dồi dào như trong văn học Thăng Long. Cái đẹp của văn học Thăng Long vì thế có thể nói là cái đẹp của một tiềm năng tự phát sáng và toả lan ánh sáng đến nhiều lĩnh vực của đời sống tinh thần, kích thích những biến đổi mạnh mẽ về tư tưởng, văn hoá, văn học ở nhiều vùng đất nước, khơi nguồn cho các trào lưu, các dòng phái, các hiện tượng văn học trong từng thời kỳ sinh sôi nảy nở.



Từ những đặc trưng nói trên nhìn rộng ra, không thể không đề cập đến một đặc trưng nữa của văn học Thăng Long: đây là vùng văn học có vận mệnh hết sức dài lâu, được tiếp nối bởi nhiều tiến trình vận động, mỗi tiến trình do lịch sử đặc thù chi phối nhưng cũng có lực đẩy nội tại của nó; có những giai đoạn trầm lắng tuy chưa bao giờ đứt đoạn, và cũng có những giai đoạn bột khởi thành cao trào; có sự khác biệt về xu hướng tư tưởng, thậm chí sự đối lập về quan niệm và phương pháp sáng tác, sự thay đổi phương thức tư duy, và cả sự đa dạng về thành tựu nghệ thuật, về đóng góp thể loại.

Tựu chung, có thể hình dung con đường phát triển của văn học Thăng Long – Hà Nội mười thế kỷ (kể từ cái mốc định đô của Lý Công Uẩn (1010) cho đến hết thế kỷ XX) được phân chia một cách tương đối với bảy lát cắt sau đây: 1. Văn học thời Lý - Trần (1010 – hết thế kỷ XIV); 2. Văn học thời Lê sơ (thế kỷ XV); 3. Văn học thời Mạc – Lê trung hưng (thế kỷ XVI – XVII); 4. Văn học thời Lê mạt (thế kỷ XVIII); 5. Văn học thời Nguyễn (thế kỷ XIX); 6. Văn học nửa đầu thế kỷ XX; 7. Văn học cách mạng nửa cuối thế kỷ XX.

Bảy lát cắt của văn học Thăng Long – Hà Nội, thực ra cũng chính là bảy khúc quanh lịch sử, trên đó mảnh đất Thăng Long – Hà Nội đã từng bước chuyển mình từ môi trường thời Trung cổ đến môi trường thời Hiện đại, đã trải qua gần hết một thiên niên kỷ đằng đẵng, từ tuổi sơ sinh nay sắp bước đến tuổi một nghìn. Một nền văn học có đến một nghìn năm tuổi dĩ nhiên không phải là trẻ. Nhưng văn học Thăng Long – Hà Nội có một nghìn năm lịch sử lại không mang nhiều dấu vết của sự già nua, mặc dầu so với các nền văn học khác trên thế giới, quá trình hiện đại hoá của nó có chậm muộn hơn. Bởi lẽ, trong mỗi một bước đi của mình, trên các chặng đường đã qua, nền văn học này thường xuyên gắn bó với đời sống, biết tiếp thu sinh lực vắt ra từ sự sống. Thăng Long – Hà Nội là một trung tâm văn hoá lớn nên trước sau, các nhà văn Thăng Long vẫn bén nhạy với mọi ảnh hưởng lớn nhỏ du nhập từ các nền văn học của nước ngoài. Nói đến sức trẻ của nền văn học Thăng Long – Hà Nội trước hết là nói đến khả năng tự thanh lọc ngay trong bản thân nó - một cuộc đấu tranh ngấm ngầm nhưng không kém vất vả để đào thải dần mọi sự già cỗi, và để làm cho cái mới có thể nhanh chóng nảy mầm. Chính yếu tố dân chủ tiềm ẩn trong tâm thức giới “sĩ phu Bắc Hà” từ nhiều đời nay – là động lực bên trong, tác nhân sâu xa của mọi sự đổi mới văn học ở mọi thời kỳ lịch sử. Văn học Thăng Long – Hà Nội có thể tự hào so với văn học nhiều vùng miền khác còn nhờ vào chức năng “tiên tri tiên giác” ấy.

Tất nhiên, đổi mới và kế thừa bao giờ cũng là hai vế liên hoàn chặt chẽ. Sau một nghìn năm phát triển với bao nhiêu biến cố đổi thay triều đại, cái còn lại của văn học Thăng Long – Hà Nội khiến nó hiện diện trong văn học cả nước mà không bị trùng lẫn vẫn là những phẩm chất mà nó kết tinh được từ trong quá khứ lâu dài: sự hoá thân của chủ nghĩa yêu nước vào trong mọi hình thức biểu hiện của văn chương, là linh hồn xuyên suốt các chặng đường thơ văn; sự nhạy bén với tinh thần nhân bản – những cảm hứng trăn trở về tình yêu, về quyền sống, quyền tự do và quyền con người; nỗi băn khoăn thao thức về số phận của cả cộng đồng trước các bước chuyển mình gấp khúc của lịch sử; sự gắn bó với cái đẹp muôn đời của thiên nhiên đất nước, con người… và tất cả những phẩm chất trên lại chỉ có thể hiện ra một cách rõ ràng đầy đủ, khi thông qua tiếng nói tao nhã, lịch sự, phong vị trữ tình độc đáo của con người “Tràng An”.




1 Văn hoá dân gian, s.2/1996

(1) S.Baron : Adescription of Tonqueen.

(2) Vơ-ni-dơ (Venise) thành phố nổi tiếng của nước Ý

(3) A. Richard - Histoire naturelle, civile et politique du Tonkin.

(4) S.Baron. Sách đã dẫn.

(5) Marini - Relation nouvelle et curieuse des royaumes de Tonkin et de Laos.

(6) Dumoutier - Une fête religieuse annamite au village de Phù Đổng

(7) Như trên.

* Văn hóa Thăng Long - Hà Nội - Hội tụ và tỏa sáng, NXB. CTQG, H., 2002.

2 Những chỗ để cách năm sinh, năm mất của một số nhân vật lịch sử trong bài này là do các nhà sử học chưa xác định được thời gian chính xác. (TG)



Каталог: Upload -> Files -> Documents
Documents -> Thanh thực lục và giá trị SỬ liệu về quan hệ giữa nhà thanh và nhà TÂy sơn pgs. Ts sử học Tạ Ngọc Liễn
Documents -> Sơn Tây dư đồ, Sơn Tây địa chí, Sơn Tây tỉnh chí, Sơn Tây quận huyện khảo, Cầu Đơ tỉnh nhân đinh phong tục tổng sách, Hà Đông toàn tỉnh tổng xã thôn danh sách, Hà Đông tỉnh các phủ huyện tổng xã thôn danh hiệu
Documents -> Tranh dân gian Việt Nam đi triển lãm lưu động
Documents -> Minh Thực lục và sách Minh Thực lục: Quan hệ Trung Hoa –Việt Nam thế kỷ XIV-XVII phạm Hoàng Quân Lời mở
Documents -> Trong vài thập kỷ trở lại đây, nguồn tư liệu địa bạ được nhiều nhà khoa học quan tâm khai thác
Documents -> An Nam phong tục
Documents -> Điều kiện tự nhiên (Đktn), tài nguyên thiên nhiên (tntn), môi trường sinh thái của Hà Nội khá phong phú và đa dạng

tải về 208.68 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương