PHẦn thứ nhấT: VĂn học thăng long hà NỘI



tải về 208.68 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích208.68 Kb.
#37988
1   2   3

VĂN HỌC VIẾT



VĂN HỌC THĂNG LONG*

Nguyễn Huệ Chi



Văn học Thăng Long - mấy tiếng ấy thật gợi cảm đối với bạn đọc, nhưng mặt khác cũng không phải không gây nên trong nhiều nhà nghiên cứu một đôi điều thắc mắc nghi ngờ. Có thật đã từng tồn tại trong lịch sử văn học dân tộc bao nhiêu đời qua một khu vực riêng biệt gọi là văn học Thăng Long, và mọi sáng tác thuộc khu vực này, tự chúng đã mang một xu thế không cưỡng được là cố kết lại với nhau? Hay đây cũng là một danh từ giống như những cụm danh từ có phần tương tự: “văn học Kinh Bắc”, “văn học Nghệ Tĩnh”, “văn học Sơn Nam hạ”v.v… vốn chỉ là những khái niệm nặng tính chất thống kê, ra đời theo yêu cầu tập hợp văn học theo đơn vị “vùng” mà bộ môn địa lý học lịch sử, đặc biệt là địa phương chí, phát triển sôi nổi khoảng vài thập kỷ lại đây, bắt buộc đòi hỏi?

Lẽ tự nhiên, nếu hiểu theo một nghĩa hẹp nào đấy thì khái niệm “văn học Thăng Long” cũng không khác bao nhiêu với những khái niệm về các vùng văn học mà ta vừa dẫn. Là một khu vực địa lý trong số hàng mấy chục khu vực khác nhau được đăng ký từ lâu đời trên bản đồ Đại Việt, mảnh đất Thăng Long cũng đã có vinh dự sản sinh ra nhiều cây bút tài danh đóng góp vào lịch sử văn học dân tộc, và khi cần tập hợp họ lại theo sinh quán, ta không thể gọi họ bằng một khái niệm nào khác hơn, rằng đó là những văn nhân – danh sỹ Thăng Long.



Thế nhưng, hiểu “văn học Thăng Long” theo nghĩa hẹp hình như vẫn chưa phải là cách hiểu cần được minh giải cặn kẽ đối với chúng ta, bởi khả năng hàm chứa của mấy chữ “văn học Thăng Long” lại chủ yếu không phải là ở đấy. Người ta sẽ tự hỏi: vấn đề văn học Thăng Long có thể nào nhìn nhận đơn thuần như văn học của bất kỳ một địa phương nào trong nước, khi mà mối quan hệ giữa mảnh đất Thăng Long với cả nước trong thực tế lịch sử không phải là mối quan hệ giữa một khu vực với cả cộng đồng? Hoàn toàn đúng thôi! Kể từ đầu thế kỷ XI, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La, đổi tên Đại La thành Thăng Long. Thăng Long là “nơi hội tụ của bốn phương đất nước” (Chiếu dời đô) - một trung tâm đô hội bậc nhất trong suốt chiều dài lịch sử gần mười thế kỷ. Đây chính là đặc điểm mà ngay hai trung tâm đô hội khác là Sài Gòn - thủ phủ của Lục tỉnh Nam Kỳ, và Phú Xuân (Huế) – kinh đô của triều đại Nguyễn, dù về nhiều mặt có thể tương đương thậm chí vượt hẳn Thăng Long, riêng mặt này thì không thể sánh được. Và với ưu thế có một không hai như vậy, nói đến “văn học Thăng Long” hẳn phải tính đến một cái gì khác hơn là sự tập hợp những nhà văn cùng sinh quán, một sự thăng hoa theo nhiều cấp độ khác nhau, dù là nhìn ở số lượng hay ở chất lượng, và nếu không đạt được sự thăng hoa này thì rõ ràng lịch sử thiếu sót biết chừng nào!

Hãy nhìn ở sự thăng hoa về số lượng, không thể không thừa nhận bằng vị trí đặc biệt nói trên, Thăng Long đã thường xuyên mang trong nó hai khả năng phát triển song song về văn hoá: khả năng tự sản sinh ngay trong lòng nền văn hoá Thăng Long (khu vực) và khả năng thu hút các thành tố văn hoá mới mẻ từ mọi miền đất nước dồn về. Thăng Long vào buổi bình minh của chế độ phong kiến tự chủ đã xuất hiện một khuôn mặt kỳ vĩ – khuôn mặt người anh hùng Lý Thường Kiệt (1019 - 1105), tức Ngô Tuấn, sinh ra và lớn lên ở phường Cơ Xá, về sau là đất cấm thành, với chiến công lừng lẫy đánh Tống và với hai áng văn thuộc loại tác phẩm khai sáng cho nền văn học viết dân tộc: Nam quốc sơn hà Lộ bố văn. Nhưng Thăng Long vào thời đại đó cũng tự hào đón nhận Lý Công Uẩn (974 - 1028), tức Lý Thái Tổ, ông vua mở đầu triều đại Lý, với tác phẩm văn xuôi bất hủ Chiếu dời đô. Có lẽ nào chỉ vì Lý Công Uẩn vốn quê đất Kinh Bắc mà gạt Chiếu dời đô ra khỏi “văn học Thăng Long”, trong khi chính áng văn này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của lịch sử văn hiến Thủ đô? Thăng Long vào hai thế kỷ XIII và XIV là nơi quy tụ những nhân tài kiệt xuất thuộc dòng dõi họ Trần, vốn quê gốc ở Thiên Trường (Nam Định), đến thay chân nhà Lý mở ra triều đại Trần cường thịnh, đồng thời cũng cấp cho văn học cả một “dàn hợp xướng” đa giọng điệu – có sáng tác yêu nước, có sáng tác Phật giáo, có sáng tác trữ tình - với không ít tên tuổi chói lọi: Trần Quốc Tuấn (…- 1300)2, Trần Quang Khải (1241 - 1294), Trần Thái Tông (1218 – 1277), Trần Tung (1230 – 1291), Trần Thánh Tông (1240 – 1290), Trần Nhân Tông (1258 – 1308), Trần Minh Tông (1300 – 1357), Trần Quang Triều (1287 - 1325)… Hẳn không vì đây là những con người xuất thân dân chài vùng Tức Mặc mà văn học Thăng Long đành bỏ trống cả một thời đại rực rỡ, thung dung hoà quyện cả ba sắc màu Nho, Phật, Đạo và tràn đầy âm hưởng chiếu hịch, ngữ lục, thi ca? Thăng Long vào thế kỷ XV chứng kiến hai tầm vóc tiêu biểu đứng đối cực với nhau ở hai đầu thế kỷ - Nguyễn Trãi (1380 – 1442) và Lê Thánh Tông (1442 - 1497). Cả hai người có lẽ đều sinh và mất ở Thăng Long, nhưng nếu truy nguyên quê quán thì họ đều không phải là dân Thăng Long quê gốc. Họ trở thành những nhà văn nổi tiếng bậc nhất Thăng Long và cả nước, góp phần quyết định cho sự trưởng thành của thơ nôm dân tộc. “Văn học Thăng Long” chẳng lẽ lại cố tình gạt bỏ họ? Ấy thế mà lịch sử đã đặt họ lên đất Kinh đô như một tất yếu. Còn nhiều nữa. Vào thế kỷ XVIII, chúng ta có thiên ký sự đột xuất Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác (1720 - 1791) - một thầy thuốc người Hải Dương và mai danh ẩn tích lâu năm tại Nghệ Tĩnh; có cuốn tiểu thuyết giàu chất liệu thời sự nóng hổi Hoàng Lê nhất thống chí của dòng họ Ngô Thì - một dòng họ lớn ở Tả Thanh Oai, lúc bấy giờ còn thuộc trấn Sơn Nam; có những cuốn tuỳ bút danh tiếng Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) – người làng Đan Loan (Hải Dương) đến trú ngụ ở phường Hà Khẩu; có Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án (1770 - 1815) – người làng Vân Điền (Kinh Bắc). Phải chăng có thể loại ra ngoài “văn học Thăng Long” những tác phẩm trên vì lý do quê quán tác giả, mà không cần biết rằng đó là những sáng tác hiếm có viết về cuộc sống hiện thực của Thăng Long trong cơn giông bão của lịch sử Việt Nam những năm 70 và 80 của thế kỷ XVIII? Và chỉ cách đây mới một thế kỷ thôi, ngay giữa Thăng Long còn tơi bời đạn lửa sau một buổi cầm cự với cuộc tập kích lần thứ hai của quân xâm lược Pháp (1882), có một vị Tổng đốc người Quảng Nam trước khi quyên sinh vì nghĩa đã để lại một bài Biểu trần tình. Bài biểu không phải là một bức tranh sinh hoạt về xã hội Thăng Long, nhưng lại mang đầy đủ sinh lực của Thăng Long vào một thời điểm nóng bỏng nhất. Đó là tiếng khóc anh hùng về một Thăng Long anh hùng trong giờ thất thủ. Có thể nào vì Hoàng Diệu (1828 - 1882) người Quảng Nam mà “văn học Thăng Long” không thừa nhận tiếng khóc lẫm liệt ấy?

Quả tình không thể chỉ bó hẹp khái niệm “văn học Thăng Long” trong bộ phận văn học do những người sinh trưởng ở đây viết ra mà còn phải đưa vào khái niệm đó những tác phẩm ưu tú của biết bao con người từ bốn phương đất nước hội tụ về, coi Thăng Long – Hà Nội là quê hương mình, viết một cách sâu sắc về kinh đô (Thủ đô) và cống hiến những năng lực sáng tạo hết mình cho mảnh đất yêu dấu này. Nếu vẻ đẹp riêng của mỗi vùng đất đã tạo nên những giá trị lớn lao cho những tác phẩm viết về vùng đất ấy, thì vẻ đẹp Thăng Long hẳn cũng không thể đẹp hơn một vùng nào khác, vì trên đất nước ta, nơi đâu mà chẳng có một hương vị riêng không nơi nào có. Nhưng nếu vẻ đẹp khách quan của một vùng đất phải thông qua người nhận thức cái đẹp, tức là chủ thể thẩm mỹ, mới trở thành cái đẹp trong sáng tạo nghệ thuật, thì phải nói Thăng Long có một ưu thế trội hơn hẳn, vì tình yêu đối với Thăng Long không còn là sở hữu riêng của những người sinh ra tại Thăng Long – Hà Nội mà là của tất cả mọi người dân Việt Nam yêu quý Thủ đô.



Tất nhiên, phải nói đến chiều hướng thu hút nhân tài, thu hút các thành tố văn hoá ở mọi miền về Thăng Long không phải chỉ để tính đến những con số cộng. Mà ở đây nhất thiết phải dẫn đến một sự thăng hoa về chất, một sự bồi đắp cho những yếu tố cổ truyền bằng yếu tố hiện đại, một sự thanh lọc, đổi mới do giao lưu, vận động, làm cho văn hoá trở thành nhu cầu sinh tồn thực sự, thành sự sống hàng ngày. Trong mối giao tiếp thường xuyên của nhiều dòng tư tưởng, trong sự chen đua của tài năng sáng tạo, sinh hoạt văn hoá Thăng Long trước sau thế nào cũng xuất hiện những sự kiện có ý nghĩa đổi mới, có sự “bùng nổ” mà phạm vi ảnh hưởng không còn chỉ bó hẹp trong địa bàn Thăng Long. Ta nói đến một Lý Công Uẩn được đón nhận vào “văn học Thăng Long” như một trong những người viết áng văn xuôi sớm nhất. Nhưng cùng nhập tịch vào Thăng Long với Lý Công Uẩn còn có cả một nền văn hoá Phật giáo vốn sinh hoa kết quả lâu đời trên đất Kinh Bắc, nơi chôn nhau cắt rốn của họ Lý và phải với môi trường Thăng Long, thành tố văn hoá này mới được cải tạo lại, trở nên năng động, có sinh khí hơn, để trở thành hình thức sinh hoạt văn hoá phổ biến trong cả nước, phản ánh được các bản sắc độc đáo của đời sống tư tưởng Việt Nam thời Lý - Trần. Ta cũng đã nói Nguyễn Trãi và Lê Thánh Tông, hai cây đại thụ trong văn học thế kỷ XV. Nhưng điều cần nói thêm là với hai nhân vật này, đặt trong môi trường xã hội trí thức Thăng Long ở thế kỷ XV, đã hình thành nên hai văn phái sớm nhất trong lịch sử, góp phần đưa văn chương Việt Nam đi vào những chuẩn mực ổn định - một văn phái yêu nước thân dân, lấy thiên nhiên làm đối tượng gửi gắm tấm lòng ưu ái, với Nguyễn Trãi, Phan Phu Tiên (…..), Nguyễn Mộng Tuân (…..), Lý Tử Tấn (1378 – 1454), Vũ Mộng Nguyên (1394 – ….) và một Tao đàn nhị thập bát tú có tính chất cung đình, ca ngợi “vua sáng tôi hiền”, “giang sơn cẩm tú”… với Lê Thánh Tông, Thân Nhân Trung (1418 – 1499), Đỗ Nhuận (1446 – …), Thái Thuận (1441 – …), Lương Thế Vinh (1460 – …) cùng nhiều triều thần hay chữ khác. Ta còn phải nói đến Lê Quý Đôn (1726 – 1784) ở thế kỷ XVIII, một nhân vật có tầm vóc uyên bác ít thấy xưa nay, nhưng Lê Quý Đôn sẽ không là Lê Quý Đôn như ta được biết nếu ông không sớm rời bỏ “lối học luộm thuộm” ở tỉnh nhà để lên Kinh đô ngay từ lứa tuổi 15, chọn học những nhà trường nổi tiếng ở Kinh đô, học một cách có phương pháp “với những ông thầy giỏi nhất” (Ngô Thì Sỹ). Nói Thăng Long rèn đúc nên nhà bác học họ Lê hẳn cũng chẳng phải là ngoa. Ta lại cũng nói đến một Nguyễn Du (1765 – 1820) thiên tài, xuất hiện như một ngôi sao làm rạng rỡ hẳn bầu trời văn học dân tộc, Nguyễn Du ấy với bút pháp hiện thực trữ tình có một, như nhiều người đã tùng nhận định, quyết không thể có được nếu chỉ là một chàng trai suốt đời ở xứ Nghệ, nếu không tiếp thu được từ tuổi nhỏ cái cốt cách đa tình của người mẹ, một cô gái vùng quê Kinh Bắc, đặc biệt nếu không từng có một thời trai trẻ sống trong xã hội hào hoa ở Thăng Long, tiếp thu sâu sắc cội nguồn văn hoá Thăng Long. Nguyễn Du không chỉ đem lại cho văn học Thăng Long những kiệt tác Thăng Long Người gảy đàn ở Long Thành. Chính Thăng Long đã góp phần hình thành nên thiên tài Nguyễn Du và cũng làm cho những giá trị của thiên tài trở thành tiêu biểu, vượt lên tầm cả nước.

Cho nên, cũng khó nói trong mối quan hệ giữa “nội sinh” và “ngoại nhập” của văn học Thăng Long, yếu tố nào là chính, yếu tố nào là phụ. Hai phương diện này đã gắn bó, tác động lẫn nhau trong đời sống thực tiễn, làm cho văn học nghệ thuật sinh hoa kết quả, và làm cho mọi thành tựu càng được nhân lên. Tài năng của một Đặng Trần Côn (…..) đã kêu gọi tài năng của Đoàn Thị Điểm (1705 – 1748), và đến lượt Đoàn Thị Điểm lại kêu gọi rất nhiều tài năng khác, những Phan Huy Ích (1751 – 1822), Nguyễn Khản (1734 – 1786)… những người đã sống quá nhiều trong những môi trường đài các kiểu nàng chinh phụ, lại cũng hiểu quá rõ tâm sự chàng danh sỹ làng Mọc ngán chiến tranh đến phải đào hầm xuống nằm đọc sách kiểu Đặng Trần Côn. Thi tài của một chàng nho sinh nghèo họ Cao đất Hà Nội đã làm cảm động một thi tài khác ở Phú Xuân: Miên Thẩm (1819 – 1870), và bằng tình bạn chân thành với Cao Bá Quát (1808 – 1855), anh em Miên Thẩm đã có dịp hiểu rõ hơn về người và cảnh Hà Nội, sau này có dịp ra Hà Nội họ đã có những bài thơ đầy xúc cảm về phong cảnh Hồ Tây.

Vậy thì có thể hiểu tâm hồn, cốt cách Thăng Long trong văn học là gì? Nếu không phải đó là cái gì được chắt lọc ra từ mọi con người đã tìm về đây họp mặt. Không thể nói rằng tâm hồn Thăng Long là phú bẩm riêng của những ai quê gốc Thăng Long, vì trong ngót một nghìn năm qua, Thăng Long đã là nơi lui tới của biết bao thế hệ người dân Việt và ai dám nói rằng chỉ riêng mình mới là thực là dân miền “Kẻ Chợ”? Thăng Long là biểu tượng chung của cả nước, tâm hồn Thăng Long mang những nét đặc trưng cho tâm hồn cả cộng đồng dân tộc, và văn học Thăng Long – Hà Nội cũng chính là máu thịt, là trái tim văn học của cả cộng đồng. Từ nhận xét này có thể đi tới một sự suy luận xa hơn: trước khi Sài Gòn trở thành một trung tâm văn hoá của sáu tỉnh phía Nam, trước khi Huế trở thành Kinh đô của nhà Nguyễn, thì giá trị văn học lớn của dân tộc, muốn trở thành những giá trị tiêu biểu, đều ít nhiều phải khúc xạ qua môi trường “văn học Thăng Long”. Nói một cách hình ảnh hơn nữa thì văn học Thăng Long đã tồn tại trong tiến trình phát triển của văn học dân tộc như nhánh lớn của một dòng sông, vừa dồn nước cho con sông chính, vừa hút phù sa từ mọi chi lưu, và tuy không hẳn quyết định số phận của dòng sông, nhưng cũng làm đổi thay sức chảy của dòng sông. Dù rằng ở thế kỷ XIX, Kinh đô được chuyển về Huế, Thăng Long trở thành “tỉnh Hà Nội”, nhưng điều đó cũng chẳng cản trở gì nhiều sự phát triển của nó. Hà Nội vẫn là Thủ đô muôn đời của văn hoá, văn học nghệ thuật. Nỗi hoài vọng về cố đô đã trở thành linh hồn trong sáng tác của nhiều nhà văn, nhà thơ tâm huyết, và đây vẫn là nơi quy tụ của những thi tài một thuở: Bà Huyện Thanh Quan (…..), nữ sĩ Hồ Xuân Hương (…..), thi gia Lý Văn Phức (1785 – 1849), thần Siêu (Nguyễn Văn Siêu), thánh Quát (Cao Bá Quát) v.v…

Một câu hỏi cũng cần được đặt ra: phải chăng khi thừa nhận văn học Thăng Long có giá trị tiêu biểu cho văn học dân tộc thì cũng có nghĩa là khó tìm thấy ở đây cái gì là của riêng mình? Do môi trường giao lưu của nó, những bản sắc của văn học Thăng Long nếu có, phải chăng cũng dễ dàng hoà tan vào cái chung, cái lớn lao của văn hoá cả nước? Nếu thế thì chẳng việc gì chúng ta phải mất công phân ra một cách rạch ròi: văn học Việt Nam riêng và văn học Thăng Long riêng, mà chỉ cần thu gọn cái gọi là văn học Việt Nam lại – vói cái nghĩa là phần tiêu biểu, tinh tuý nhất – ta sẽ được văn học Thăng Long. Nhưng trong thực tế đâu phải như vậy. Văn học Thăng Long ngoài cái giá trị sáng rõ là phần tiêu biểu cho văn học dân tộc, còn có một giá trị không kém sáng rõ khác: đó là nền văn học mang đậm sắc thái “Tràng An” độc đáo, in dấu con người và cốt cách Thăng Long. Đó cũng chính là tiêu chí để nhận ra văn học Thăng Long trong văn học cả nước và phân biệt với văn học nhiều vùng.

Tuy nhiên, vấn đề không phải bao giờ cũng đơn giản. Bởi chỉ ra cho được những đặc trưng tiêu biểu của con người Thủ đô trong lịch sử là một việc đã khó, mà xác định cho được một nhà văn đã từng sống ở Thăng Long đâu là “phần Thăng Long” của người đó lại là một công việc khó khăn bội phần. Làm sao có thể chỉ ra trong Lý Công Uẩn hay Hoàng Diệu đâu là “chất Thăng Long” trong tác phẩm của các ông. Cũng khó có thể đặt câu hỏi ấy cho nhiều tác giả được xếp vào danh sách tác giả văn học của Thủ đô. Trong thực tế, Chiếu dời đô biết đâu lại có thể mang đậm phong cách Kinh Bắc, quê hương họ Lý, từ cách cảm, cách nghĩ, hành văn, nhiều hơn là cái mà ta đang cố tìm ở ông – con người Thăng Long. Cũng vậy, thật khó có thể phân biệt rạch ròi trong Biểu trần tình của Hoàng Diệu đâu là cái phẩm cách Thăng Long và đâu là cái bản tính cương trực, quả quyết vốn có ở người dân đất Quảng.

Nhưng như trên đã nói, có một điều mà bất kỳ nhà văn nào đã có thời kỳ từng gắn bó với Thăng Long – Hà Nội cũng dễ dàng xác nhận: cứ rời bỏ môi trường sống cũ của mình và đến sống ở Thăng Long, gia nhập vào cộng đồng văn hoá đa dạng ở nơi trung tâm ấy, lẽ tự nhiên, học phong và cốt cách Thăng Long sẽ ảnh hưởng một cách sâu sắc, ngấm vào văn phong, vào nếp nghĩ của họ, khiến nó nhuần nhị hơn, cao sâu hơn, sang trọng hơn, thanh nhã hơn, nghệ thuật hơn. Những ảnh hưởng đó nhiều khi rất mạnh mẽ, rất trực tiếp, nhưng cũng có lúc kín đáo, tinh vi, dần dà làm cho người trong cuộc cũng không thể nhận ra được rằng mình trở nên “khác mình” từ lúc nào. Đó là trường hợp của đa số các văn nhân thi sĩ lớn, những Nguyễn Trãi, Nguyễn Du xưa kia, và Tản Đà (1889 – 1939), Hoàng Ngọc Phách (1896 – 1973), Thế Lữ (1907 – 1989), Xuân Diệu (1916 – 1985), Huy Cận (sinh năm 1919), Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939), Nguyễn Tuân (1910 – 1987), Nam Cao (1917 – 1951), Nhất Linh (1906 – 1963), Khái Hưng (1896 – 1947), Nguyễn Đình Thi (sinh năm 1924)… sau này. Môi trường văn hoá Thăng Long có một khả năng nhào nặn và hun đúc khác thường đối với tài năng văn học nghệ thuật chính là như vậy. Cho nên, để có thể hiểu rõ hơn cốt cách Thăng Long trong văn học thì cũng phải tìm hiểu đôi chút về ngọn nguồn của môi trường này.

Mỗi dân tộc đều coi một vùng nào đó, một con sông nào đó là cái nôi phát sinh ra nền văn minh của dân tộc mình. Vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng mà Thăng Long là trung tâm, từ xưa đã là một trong những cái nôi văn hoá lớn nhất của dân tộc. Theo các nhà khảo cổ học, hiện nay đã tìm thấy những di tích chứng tỏ nền văn minh Thăng Long bắt đầu từ thời kỳ đồ đồng và đồ sắt. Nhiều đồ trang sức và công cụ sản xuất tinh vi, nhiều trống đồng cùng họ với trống đồng Đông Sơn và hàng loạt mũi tên đồng tìm thấy ở nhiều di tích quanh Hà Nội… đã cho ta thấy rõ đời sống vật chất và tinh thần của Thăng Long cổ xưa – Đó là mảnh đất của truyền thuyết, thần thoại, ca dao, dân ca… từng góp phần tạo dựng nên tâm hồn người Việt.

Trước năm 1010 rất lâu, mảnh đất này cũng đã nhiều đời nổi tiếng văn vật với những tên Kẻ Chợ, thành Tống Bình, rồi Đại La… và trước đó không xa, năm 938 sau đại thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền đã đóng đô ở Cổ Loa – là cố đô của An Dương Vương xưa kia - biểu hiện ý chí tiếp nối truyền thống kiên cường của cha ông. Đại La đã trở thành trung tâm đô hội của đồng bằng châu thổ sông Hồng với những làng mạc cổ trù phú, với sự sầm uất của nhiều nghề thủ công tinh xảo, với những hội hè, đình đám… có dấu vết, gốc rễ từ thuở người Việt còn sống trong những mối quan hệ hồn nhiên chất phác. Nhưng phải đợi đến khi “rồng vàng bay lên” trước đoàn thuyền của vua tôi Lý Công Uẩn khởi cuộc dời đô thì Thăng Long mới thực sự trở thành “chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước”. Quyết định lịch sử của ông vua mở đầu nhà Lý biểu hiện ý thức dân tộc lớn mạnh, tạo nên một đột biến lịch sử trên hành trình của dân tộc. Và Thăng Long, từ một vùng đồng bằng chứa đựng bao tiềm năng bỗng vụt lớn dậy mạnh mẽ như một chàng dũng sỹ, gánh vác trên vai các trọng trách lớn lao là làm tiêu chí, làm cột trụ - linh hồn của nước Đại Việt non trẻ.

Đời này qua đời khác, các triều đại vua chúa thay nhau trị vì Thăng Long, các trung tâm văn hoá ở Kinh đô được xây dựng bề thế, công phu, là chốn đào tạo ra tài năng của cả nước. Một ngôi Chùa Một Cột, một tháp Báo Thiên, một chuông Quy Điền, một Văn Miếu - Quốc Tử Giám, rồi hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm… đã dần dần chung đúc lại, biểu trưng hoá để trở thành nét riêng độc đáo, hình thành nên tâm hồn Thăng Long – Hà Nội.

Và chính tâm hồn Thăng Long – Hà Nội với khả năng tiếp nhận mọi nguồn ảnh hưởng, với chỗ đứng cao nhất mà mọi người trong nước đều hướng về. Điều kỳ diệu là mảnh đất này đã không để cho bản sắc của mình bị nhoà đi, trái lại, trong tiếp nhận, giao thoa, càng ánh lên rực rỡ. Ngôn ngữ văn học của Thăng Long – Hà Nội cũng chính là ngôn ngữ đại diện cho tiếng Việt chuẩn. Có nhà thơ đã từng nói: mọi nhà thơ, nhà văn Việt Nam đều từng phải “uống nước sông Hồng” để tạo nên sắc điệu cho ngòi bút của mình, làm giàu thêm kho từ ngữ của mình. Từ mọi miền đất nước, họ tìm đến Thăng Long, rồi lại từ Thăng Long toả đi khắp nơi mang theo tinh thần của Thăng Long như một sự kết tinh của văn hoá Việt Nam.

Văn hoá Thăng Long rất đa dạng màu sắc và mang nhiều đặc điểm khác nhau. Việc nêu lên một vài nét đặc trưng được gọi là tiêu biểu sẽ làm mất đi tính chất phong phú đó, nhưng đó cũng là việc làm rất cần thiết, giúp ta thấy rõ được phần nào gương mặt riêng của văn học Thăng Long – Hà Nội suốt chiều dài lịch sử mười thế kỷ.

Một trong những đặc trưng nổi bật của văn học Thăng Long là nó gắn bó một cách chặt chẽ với từng biến động trong lịch sử oanh liệt của dân tộc

Cũng giống như cuộc đời của một con người, Kinh đô đã trải qua bao nhiêu phen dâu bể, không ít những chặng thăng trầm, đau khổ xen lẫn niềm vui, gắn liền với số phận của đất nước. Nhưng vượt lên trên tất cả, vẫn là cái hào khí chiến thắng – hào khí Thăng Long - trước mọi thế lực bạo tàn, là sức sống bền vững, “trơ gan cùng tuế nguyệt”, trải qua mọi phong ba lịch sử, của những giá trị tinh thần Việt Nam.



Vốn sống trong trái tim của cả nước, người dân Thăng Long rất nhạy cảm với các biến động chính trị và hiểu rõ vị trí của mình là người ủ mầm cho những sự kiện đó, người nhóm lên ngọn lửa, biến những tiếng nói thầm thì trở thành âm vang. Bản “tuyên ngôn độc lập” đầu tiên của dân tộc là do chính người Thăng Long viết nên. Lý Thường Kiệt – chàng trai Thăng Long ấy đã nói thay tiếng nói của cả dân tộc và dám có những hành động khiến kẻ thù phải khiếp phục. Nam quốc sơn hà Phạt Tống lộ bố văn đã nói lên điều gì về người Thăng Long, nếu không phải là một bản lĩnh phi thường, một sự thách thức quả cảm, một lương tri tỉnh táo, biết rất rõ sức mạnh của mình. Cái ung dung, tự tại, nhìn thấu gan ruột kẻ thù của những Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Nguyễn Trãi… hay của những người dân bình thường Hà Nội trong những ngày đầu sôi sục dựng chiến luỹ đánh Pháp, quyết “Sống mãi với Thủ đô”, những ngày “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”, bình tĩnh gan dạ trước chiến dịch “pháo đài bay” của Hoa Kỳ, chính là sự tiếp nối cái hơi thở hào hùng của truyền thống.

Gắn bó mật thiết với vận mệnh dân tộc, trong những thế kỷ dân tộc nổi chìm trên “con thuyền” trung cổ, cố gắng chèo chống qua bao nhiêu ghềnh thác, những tiếng nói tỉnh táo nhất vẫn cất lên từ Thăng Long. Đó là Chu Văn An (1292 – 1370), Lê Quát (…..) – những nhà Nho đầu tiên dám lên tiếng cảnh tỉnh giai cấp thống trị về sự xuống dốc hủ bại của nó. Đó là Nguyễn Du, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều (1741 – 1798), Hồ Xuân Hương… với những tiếng nói sâu sắc, dũng cảm đòi quyền sống cho con người. Cho đến Cao Bá Quát, nỗi niềm trăn trở ấy đã trở thành hành động quyết liệt. Sự nổi dậy của nhà thơ họ Cao chính là kết quả tích tụ lâu dài của lịch sử: từ những tiếng than âm thầm đau đớn của người cung nữ, nỗi trằn trọc của chinh phụ, đến tiếng kêu chát chúa và thách thức của người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương, từ tiếng nói độc thoại u uất của những kiếp trí thức “người thừa” trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, đến cái khát vọng cháy bỏng về tự do “Phá vòng vây bạn với kim ô” của Nguyễn Hữu Cầu (…).



Một đặc trưng khác nói được cái riêng hơn của văn học Thăng Long – đó là chất trữ tình mang sắc thái khu biệt của mảnh đất kinh kỳ

Văn học Kinh Bắc, văn học Sơn Nam hạ, văn học Nghệ Tĩnh… cũng đậm tính trữ tình, nhưng nếu tìm hiểu cho kỹ, thì có lẽ chất trữ tình ở mỗi vùng vẫn có nét khác nhau. Các nhà thơ Kinh Bắc có giọng thơ ngọt ngào hơn, duyên dáng hơn, song hình như cũng có phần hơi “yếu đuối”. Các nhà thơ vốn xuất thân từ vùng đất Nghệ - Tĩnh như Nguyễn Huy Tự (1743 – 1790), Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858)… lời thơ vừa đa tình mà cũng vừa thật táo bạo. Với văn học Thăng Long, người ta nói nhiều đến sự thanh lịch, tài hoa:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài,

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Chỉ một giây phút trầm tư trong bức tranh giai nhân thêu gấm của nhà sư thi sỹ Huyền Quang (1254 – 1334) cũng đủ gợi lên tất cả chiều sâu tâm lý và dáng dấp phong tao, kiều diễm của những người đẹp kinh thành:

Nhị bát giai nhân thích tú trì,

Tử kinh hoa hạ, chuyển hoàng ly.

Khả liên vô hạn thương xuân ý,

Tận tại đình châm bất ngữ thì”.

(Giai nhân tức sự)

(Lỏng tay thêu gấm, gái yêu kiều

Hoa rợp, oanh vàng lảnh lót kêu.

Bao nỗi thương xuân, thương biết mấy,

Là khi không nói, chợt dừng thêu).

Lại cũng dường như có một cái gì đó thật sang trọng, có phần khuê các nữa, ẩn náu trong những vần thơ thanh nhã của nữ sĩ Ngô Chi Lan (…) khi bà từ trong môi trường cung cấm Thăng Long ở thế kỷ XV mà viết về hoa sen và các cô gái trẻ:

Liên hoa viễn cận hương

Thái thái tổng sơn trang.

Mạc khiển phong xuy mấn,

Băng cơ nguyên tự lương”.

(Thái liên khúc, II)



(Sen ngát khắp gần xa,

Đầy thôn tiếng hái hoa.

Tóc đâu cần gió thổi

Mà mát tự trong da).

Bà Huyện Thanh Quan nửa đầu thế kỷ XIX cũng vậy. Ở những vần thơ rất mực cổ điển của bà thấy nổi lên một nỗi buồn khôn nguôi về một cái gì đó đẹp đẽ một đi không trở lại. Nhưng những nỗi buồn đó như càng làm đậm thêm vẻ đẹp thanh tao, điển nhã, làm sâu sắc thêm những vần thơ giàu nội tâm của cô gái vốn sinh trưởng ở một làng trồng hoa của đất kinh kỳ.

Văn học Thăng Long cận hiện đại cũng đậm đà không kém chất trữ tình “Tràng An”. Chúng ta thường hay nhắc đến một Tản Đà mà giọng thơ tự nhiên, mềm mại như phong dao song lại không phải là phong dao; nhắc đến một Nguyễn Nhược Pháp (1914 – 1938) hồn nhiên, tinh nghịch như cái giọng của thế hệ thư sinh Hà thành một thuở; một Vũ Hoàng Chương (1916 – 1976) yêu đắm đuối, và câu thơ cũng rất giàu nhạc điệu, chứa chất âm hưởng của nhiều dòng nhạc mới cũ xen phối: nhạc hát nói, nhạc vũ trường… Chúng ta cũng thường nhắc đến bước đột khởi của văn xuôi Việt Nam với câu văn tiếng Việt mới mẻ, trong sáng, đầy sức gợi cảm của Khái Hưng, Nhất Linh… trong Tự lực văn đoàn; rồi giọng văn ngọt ngào, đằm thắm của Thạch Lam (1910 – 1942), Vũ Bằng (1913 – 1983) viết về những cái gì rất riêng của Hà Nội: từ chiếc bánh cốm hình như chỉ riêng Hà Nội mới có, đến những món hàng quà mang hương vị Hà Nội, hay một tiếng rao hàng văng vẳng giữa đêm khuya khiến người Hà Nội phải nhớ đến nao lòng; hay giọng văn giàu hình ảnh của Tô Hoài (sinh năm 1920), nghe như có cái lao xao của ánh nắng và mùi thơm của đồng lúa ngoại thành thấm vào từng câu chữ; giọng văn kiêu sa, đài các của Nguyễn Tuân đưa người ta vào mê cung của chữ nghĩa, theo đuổi những cảm giác chi ly, tỷ mẩn, chẻ sợi tóc làm tư, nhưng cái nét tài hoa, cái phong cách riêng của một cây bút suốt đời gắn bó với Hà Nội vẫn hiện lên rất rõ; và giọng văn của Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960) - mỗi người một vẻ, phân tích một cách thấm thía về tâm lý con người Hà Nội, từ lớp người sống “mòn đi, rỉ ra” trong chế độ cũ, đến những con người trầm tư, dằn vặt giữa “đi hay ở”, cho đến lớp người trẻ trung, hào hoa đi vào cách mạng với tất cả niềm tin…

Các nhà thơ từ vùng văn học khác đến Thủ đô rất dễ bị nhập vào không khí thơ ca vừa trữ tình, vừa hóm hỉnh đến tinh quái, mà vẫn không kém vẻ nền nã của xã hội văn vật Thăng Long. Một chàng trai Bắc Ninh - trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh (1482 - …) – trong một bài thi ở Thăng Long đã viết rất hay về người và cảnh chốn kinh kỳ:

Chợ hoè đầm ấm, phố ngọc tần vần,

Trai lanh lẹ đá cầu vén áo, gái éo le rủ yếm dôi quần.

Khách Tràng An cưỡi ngựa xem hoa, rợp đường tử mạch,

Chàng công tử ngự xe trương tán, rạng mực thanh vân”.

(Phụng thành xuân sắc phú)


Каталог: Upload -> Files -> Documents
Documents -> Thanh thực lục và giá trị SỬ liệu về quan hệ giữa nhà thanh và nhà TÂy sơn pgs. Ts sử học Tạ Ngọc Liễn
Documents -> Sơn Tây dư đồ, Sơn Tây địa chí, Sơn Tây tỉnh chí, Sơn Tây quận huyện khảo, Cầu Đơ tỉnh nhân đinh phong tục tổng sách, Hà Đông toàn tỉnh tổng xã thôn danh sách, Hà Đông tỉnh các phủ huyện tổng xã thôn danh hiệu
Documents -> Tranh dân gian Việt Nam đi triển lãm lưu động
Documents -> Minh Thực lục và sách Minh Thực lục: Quan hệ Trung Hoa –Việt Nam thế kỷ XIV-XVII phạm Hoàng Quân Lời mở
Documents -> Trong vài thập kỷ trở lại đây, nguồn tư liệu địa bạ được nhiều nhà khoa học quan tâm khai thác
Documents -> An Nam phong tục
Documents -> Điều kiện tự nhiên (Đktn), tài nguyên thiên nhiên (tntn), môi trường sinh thái của Hà Nội khá phong phú và đa dạng

tải về 208.68 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương