Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc phầN 3 M. T. D. X. M. T. D. X



tải về 1.04 Mb.
trang7/21
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích1.04 Mb.
#30032
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   21

4- Ba mươi ba vị Tổ sư43

Sau đức Phật Tổ Gotama Sàkyamuni, có tất cả 33 vị Tổ, gồm 28 vị Tổ tại Ấn Độ và 6 vị Tổ tại Trung Hoa truyền tâm ấn cho nhau. Đức Bodhidharma (Bồ Đề Đạt Ma) vừa là vị Tổ thứ 28 tại Ấn Độ vừa là sơ Tổ tại Trung Hoa.



1. Mahà Kassapa44 (Ma Ha Ca Diếp) năm -623 đến -520

Tổ Mahà Kassapa, cùng một tuổi với Phật, tên thật là Pippalayana (Tất Bát La Dà Na) vì mẹ ngài sanh ngài dưới cội cây Pippala (Tất-bát-la), quê ở làng Mahàtittha, ngoại ô thành Vương Xá (Ràjagaha), thuộc gia đình trưởng giả giàu có lớn, dòng Bà-la-môn. Cha tên Kapila (Ẩm Trạch, Ni Câu Lư Đà Kiệt Ba), mẹ tên Hương Chí. Thuở bé, ngài đã rất thông minh, dung nghi trang nhã, toàn thân màu vàng, tỏa ánh sáng rất xa. Có thầy xem tướng nói : “Đứa bé này đời trước có phước đức lớn, chắc sau này sẽ xuất gia.” Cha mẹ ngài nghe nói lo sợ, cùng bàn với nhau sẽ cưới vợ cho ngài sớm.

Vừa lớn lên, cha mẹ liền lo chọn người lập gia thất, nhưng ngài một mực từ chối. Sau cùng, bất đắc dĩ ngài nói : “Có người con gái nào thân đồng màu sắc như con, con mới ưng.” Đến năm 607 trước tây lịch, ngài phải vâng lời cha mẹ, lập gia đình với bà Bhadda (Diệu Hiền), quê ở làng Sàgala gần Vesàlì, cũng có thân hình màu vàng tỏa sáng như ngài. Nhưng cả hai người đều không thích việc ân ái vợ chồng, chỉ thích sống đời phạm hạnh, thanh tịnh. Tuy là vợ chồng nhưng hai người ngủ giường riêng.

Theo kinh sách ghi chép, sau khi đức Phật Tỳ Bà Thi (Vipassì) nhập niết bàn, tứ chúng xây tháp thờ xá-lợi, trong tháp có an trí một pho tượng Phật phết vàng. Lâu ngày, trên mặt pho tượng bị lở khuyết. Có một cô gái trao một đồng tiền vàng cho thợ đúc vàng nấu ra để tu bổ lại tượng Phật. Cô gái đó là tiền thân của bà Bhadda, và người thợ đúc vàng là tiền thân ngài Mahà Kassapa. Do nhân duyên đó mà cả hai người đều có sắc thân màu vàng ròng.

Năm -589, một buổi sáng nọ, khi thức giấc, Mahà Kassapa thấy bà Bhadda đang ngủ say, một cánh tay buông thỏng từ trên giường xuống gần tới mặt đất. Một con rắn độc đang trườn qua dưới gầm giường, gần cánh tay. Mahà Kassapa nín thở, nhẹ nhàng bước đến cầm tay bà đặt lên giường. Bà giật mình thức dậy trách ông có ý không tốt, ông liền chỉ con rắn đang bò ra khỏi nhà. Cả hai người cùng ngồi chiêm nghiệm về tính cách vô thường của cuộc đời. Bà khuyên ông nên tức tốc đi tìm thầy học đạo. Ông rời nhà đi tìm thầy đúng vào ngày đức Phật vừa thành đạo.

Một hôm, vào năm -587, vừa trông thấy Phật đang ngồi tại đền Bahaputta, giữa đường từ Ràjagaha đến Nàlandà, ngài liền bước đến trước Phật đảnh lễ, xin xuất gia. Hai người vừa gặp nhau liền nhận ra duyên thầy trò. Chỉ 8 ngày sau khi xuất gia, ngài chứng quả A-la-hán. Trong hàng đệ tử Phật, ngài nổi tiếng tu hạnh đầu-đà45 đệ nhất, và được xếp vào hàng thứ ba trong mười đệ tử lớn của Phật, sau ngài Sàriputta (Xá Lợi Phất) và ngài Moggallàna (Mục Kiền Liên).

Đến năm -585, sau khi đức Phật cho phép hoàng hậu Pajàpati Gotamì xuất gia và thành lập Ni bộ, bà Bhadda cũng xin xuất gia, về sau cũng đắc quả A-la-hán.

Theo điển tích “Niêm hoa vi tiếu”, Tổ Mahà Kassapa được đức Phật trao truyền “Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết bàn Diệu Tâm, Thật Tướng Vô Tướng, Vi Diệu Pháp Môn” trên đỉnh núi Griddhakùta (Linh Thứu). Theo kinh điển đại thừa thì sau đó đức Thế Tôn đến trước tháp Đa Tử gần cổng bắc thành Ràjagaha (Vương Xá), gọi ngài Mahà Kassapa đến, chia nửa tòa cho ngồi, lấy y tăng-già-lê (sanghàti) quấn vào mình cho ngài, rồi nói kệ phó pháp:

Pháp bổn pháp vô pháp,

Vô pháp pháp diệc pháp.

Kim phó vô pháp thời,

Pháp pháp hà tằng pháp.46

Năm 544 trước tây lịch, ba tháng sau khi Phật nhập niết bàn, Tổ Mahà Kassapa chủ tọa cuộc kiết tập kinh điển lần thứ nhất tại động Sattapanna, trên núi Vaibhara, tại Ràjagaha (Vương Xá). Và chính ngài trùng tuyên tạng Luận (Abhidhamma).

Khoảng năm -540, sau khi truyền pháp cho tôn giả Ànanda với bài kệ :

Pháp pháp bổn lai pháp,

Vô pháp, vô phi pháp.

Hà ư nhất pháp trung,

Hữu pháp, hữu phi pháp ?47

Tổ Mahà Kassapa vào núi Kukkutapada (Kê Túc Sơn, còn gọi là Linh Sơn hay Kỳ Xà Quật) ẩn thân và nhập diệt trong tư thế kiết già. Nhiều người cho rằng Tổ nhập định, chờ đến khi đức Phật Di Lặc ra đời, Tổ trao lại y bát của đức Phật Thích Ca rồi mới nhập vô dư y niết bàn.

Trong hội Pháp Hoa, đức Phật có thọ ký cho Tổ Mahà Kassapa sẽ thành Phật hiệu là Quang Minh Như Lai (Ramiprabhasa Tathàgata) ở thế giới Quang Đức (Avabhasa), kiếp Đại Trang Nghiêm (Mahà Vyuha kalpa).



2. Ànanda (A Nan) năm -604 đến -485

Tổ Ànanda48 sanh năm -604, tại Kapilavatthu, cha là Amitodana (Cam Lộ Phạn vương). Ngài là em chú bác với Phật, nhỏ hơn Phật 19 tuổi. Ngài có tướng mạo trang nghiêm nhưng hiền hòa, phúc hậu, dễ gây cảm tình; tánh tình chính trực nhưng hòa nhã với tất cả mọi người; ngoài ra ngài còn có trí nhớ thật tuyệt vời, có thể nói lại một bài pháp của Phật không thiếu một câu, không sai một tiếng. Có bài kệ của Bồ tát Manjusri (Văn Thù Sư Lợi) khen tặng ngài Ànanda như sau :

Tướng như thu mãn nguyệt

Nhãn tợ thanh liên hoa

Phật pháp như đại hải

Lưu nhập A Nan tâm

Dịch :

Tướng như trăng thu đầy,



Mắt biếc tợ sen xanh,

Phật pháp rộng như biển,

Đều vào tâm A Nan.

Năm -587, ngài được 18 tuổi, cùng xin xuất gia một lượt với Devadatta, Anuruddha, Bhaddiya, Bhagu, Kimbila và người thợ hớt tóc tên Upàli, tại thành phố Anupiya, xứ Malla. Hai năm sau ngài thọ cụ túc giới tỳ kheo.

Năm -585, ngài Ànanda khéo léo xin với đức Phật cho hoàng hậu Pajàpati Gotamì và 500 nương tử dòng Sàkya và Koliya xuất gia tại Vesàlì, nhờ đó mới có Giáo Đoàn Tỳ Kheo Ni còn lưu truyền đến ngày nay.

Năm -570, hạ thứ 20, ngài Ànanda được cử làm thị giả thường xuyên cho Phật.

Năm -544, hạ thứ 46, Thượng tọa Ànanda vừa chứng quả A-la-hán, được tham dự cuộc kiết tập kinh điển lần thứ nhất tại Ràjagaha (Vương Xá), và chính ngài được mời trùng tuyên tạng Kinh.

Năm -540, ngài Ànanda được Tổ Mahà Kassapa truyền pháp làm Tổ thứ hai tại Ấn Độ. Kinh sách ghi chép : Một hôm, ngài Ànanda hỏi Tổ Mahà Kassapa :

– Sau khi đức Thế Tôn truyền Chánh Pháp Nhãn Tạng cho sư huynh tại Linh Thứu sơn, ngài có truyền pháp gì khác nữa chăng ?

Tổ Mahà Kassapa liền nhìn ngài Ànanda, gọi :

– Ànanda !

– Dạ !


– Cây phướn trước chùa ngã.49

Ngài Ànanda liền ngộ rằng ngoài Tánh Giác sẵn có của mọi người, tất cả sự vật khác đều huyễn-hóa như lông rùa sừng thỏ. Sau đó ngài Ànanda được Tổ Mahà Kassapa truyền tâm ấn.

Năm -520, Tổ Ànanda truyền pháp cho ngài Sanavasin (Thương Na Hòa Tu) với bài kệ :

Bổn lai truyền hữu pháp,

Truyền liễu ngôn vô pháp.

Các các tu tự ngộ,

Ngộ liễu vô vô pháp.50

Đến năm 120 tuổi, Tổ Ànanda đến nhập diệt trên một hòn đảo ở giữa sông Gangà51 gần thủ đô Pàtaliputta (hiện nay là Patna). Xá lợi của ngài được chia làm hai phần đều nhau cho hai xứ ở hai bên bờ sông. Vua Ajàtasattu xứ Magadha (Ma Kiệt Đà) ở phía nam, xây tháp thờ xá lợi ngài tại Ràjagaha, bên cạnh tháp thờ xá lợi Phật. Các Vương tử Licchavi xứ Vajji (Bạt Kỳ) phía bắc, xây tháp thờ xá lợi ngài tại tinh xá Mahàvana ở Vesàlì.

Theo Kinh Niết Bàn 40 (bản Bắc), đức Phật khen ngài Ànanda là một thị giả đầy đủ phẩm hạnh, nhờ có 8 đặc tính sau đây :

1- Tín căn bền vững : Khi nghe Phật dạy, ngài có đức tin vững chắc và ghi nhớ đầy đủ, không sai, không thiếu.

2- Tâm tính chất trực : Tâm tính hiền hòa, chất phác, ngay thẳng, dễ gây cảm tình với tất cả mọi người.

3- Thân không bịnh khổ : Rất ít khi mắc bệnh.

4- Thường siêng tinh tấn : Vững tin theo Phật pháp, và cứ một đường thẳng tiến, không bao giờ thối chí ngã lòng.

5- Đầy đủ niệm tâm : Luôn luôn ghi nhớ Phật pháp, không bao giờ quên.

6- Tâm không kiêu mạn : Luôn luôn nhẫn nhịn, hòa nhã với tất cả mọi người.

7- Thành tựu định ý : Tâm ý không bao giờ rời Phật pháp.

8- Từ nghe sanh trí : Nghe rồi suy nghĩ, rồi hiểu, trí tuệ phát sáng.

Do đó, về sau, các vị tôn đức thường căn cứ vào 8 đặc tính trên để chọn thị giả.

Theo kinh Pháp Hoa, phẩm thứ 9, đức Phật thọ ký cho Tổ Ànanda sẽ thành Phật hiệu là Sơn Hải Tuệ Tự Tại Thông Vương Như Lai, ở thế giới Thường Lập Thắng Phan, vào kiếp Diệu Âm Biến Mãn.


tải về 1.04 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương