MỤc lục lời nói đầu



tải về 1.33 Mb.
trang9/10
Chuyển đổi dữ liệu23.07.2016
Kích1.33 Mb.
#2492
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

Về tiềm năng cảng biển:

Việt Nam là quốc gia có vùng biển rộng, bờ biển dài và có chỉ số hàng hải (maritime index) là 0,01 (trung bình 100km2 đất liền có 01 km bờ biển), cao gấp 6 lần tỷ lệ này của thế giới. Dọc bờ biển có nhiều eo vụng, vũng vịnh sâu, lại gần các trung tâm đô thị lớn, các trung tâm du lịch biển, đảo, các khu vực sản xuất hàng hóa có nhu cầu xuất nhập khẩu khẩu. Ngoài ra, có gần 3.000 đảo ven bờ tạo thành hệ thống đảo “che chắn” hầu hết các vùng biển ven bờ và vùng ven biển của Việt Nam ở mức độ khác nhau. Tuyến giao thông quốc tế cắt qua khu vực Biển Đông được ví như con đường giao thương nhộn nhịp nhất nhì trên thế giới.

Vì vậy, xây dựng và phát triển hệ thống cảng biển mang tính sống còn đối với vận tải biển của nước ta và là kết cấu hạ tầng quan trọng quyết định sự phát triển và tốc độ tăng trưởng kinh tế biển thời gian tới. Đến nay, nước ta có khoảng 90 cảng biển lớn nhỏ và gần 100 địa điểm ven biển, ven đảo có thể xây dựng cảng, kể cả cảng ở quy mô trung chuyển quốc tế.

Ngày 24/12/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2190/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030. Theo đó, hệ thống cảng biển Việt Nam được phát triển theo vùng lãnh thổ, gồm 6 nhóm:

Nhóm 1: Nhóm cảng biển phía Bắc từ Quảng Ninh đến Ninh Bình

Nhóm 2: Nhóm cảng biển Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh

Nhóm 3: Nhóm cảng biển Trung Trung Bộ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi

Nhóm 4: Nhóm cảng biển Nam Trung Bộ từ Bình Định đến Bình Thuận

Nhóm 5: Nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (bao gồm cả Côn Đảo và trên sông Soài Rạp thuộc Long An, Tiền Giang)

Nhóm 6: Nhóm cảng biển đồng bằng sông Cửu Long (bao gồm cả Phú Quốc và các đảo Tây Nam).

Theo quy mô, chức năng và nhiệm vụ hệ thống cảng biển Việt Nam có các loại cảng:

(1) Cảng tổng hợp quốc gia: là các cảng chính trong hệ thống cảng biển Việt Nam bao gồm: Cảng trung chuyển quốc tế: Vân Phong (Khánh Hòa); Cảng cửa ngõ quốc tế: Hải Phòng (Lạch Huyện) và cảng Bà Rịa - Vũng Tàu (khu vực Thị Vải - Cái Mép); Cảng đầu mối khu vực: Hòn Gai (Quảng Ninh), Nghi Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Dung Quất (Quảng Ngãi), Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang, Ba Ngòi (Khánh Hòa), Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh), Đồng Nai.

(2) Các cảng địa phương: có phạm vi hấp dẫn và chức năng phục vụ chủ yếu trong phạm vi địa phương (tỉnh, thành phố).

(3) Cảng chuyên dụng: phục vụ trực tiếp cho các cơ sở công nghiệp tập trung, hàng qua cảng có tính đặc thù chuyên biệt (dầu thô, sản phẩm dầu, than, quặng, xi măng, clinke, hành khách,…) và là một hạng mục trong tổng thể cơ sở công nghiệp mà nó phục vụ.

Trong mỗi cảng có thể có nhiều khu bến, mỗi khu bến có thể có nhiều bến, mỗi bến có thể có nhiều cầu cảng với công năng và quy mô khác nhau, bổ trợ nhau về tổng thể. Dự kiến đến năm 2030, hệ thống cảng biển Việt Nam sẽ thông qua: 500 - 600 triệu tấn/năm (năm 2015), 900 - 1.100 triệu tấn/năm (năm 2020) và 1.600 - 2.100 triệu tấn/năm (năm 2030).

Về thực trạng hệ thống cảng biển Việt Nam:

Ngành hàng hải đang quản lý và khai thác 330 cầu bến nằm trên tổng chiều dài 39.951m (25.933m chiều dài bến hàng tổng hợp, container và 13.958m chiều dài bến hàng chuyên dụng, gần gấp 2 lần so với 1999) của 160 bến cảng toàn quốc. Sản lượng thông qua năm 2010 là 256 triệu tấn, trong đó có 6.510.000 TEUs container, hàng lỏng 51,608 triệu tấn, hàng quá cảnh 29,489 triệu tấn; 35 luồng vào các cảng quốc gia và 12 luồng vào các cảng chuyên dụng.

Trong những năm gần đây, tuy có nhiều cố gắng trong xây dựng mới cũng như nâng cấp, hiện đại hóa số cảng biển có sẵn, nhưng kết cấu hạ tầng của hệ thống cảng biển Việt Nam vẫn còn yếu kém về quản lý khai thác và lạc hậu về khoa học-công nghệ so với các quốc gia tiên tiến trong ASEAN và trong khu vực. Trước hết là năng suất xếp dỡ thấp, chỉ đạt khoảng từ 45-50% mức tiên tiến của thế giới (3000T - 4000T trên/m chiều dài cầu bến và 15 - 20 TEUs/cẩu/giờ đối với xếp dỡ container).

Đánh giá tổng quát cho thấy tuy số lượng có nhiều và được phân bổ đều từ Bắc vào Nam, nhưng hiệu quả sử dụng và khai thác rất thấp. Nguyên do là đầu tư dàn trải, địa phương mắc “hội chứng cảng nước sâu” trong khi hàng hóa ít, điều kiện tự nhiên không cho phép. Thứ hai là do quy hoạch hệ thống cảng biển thiếu tầm nhìn xa, dự báo chưa chính xác, nặng về đối phó với tăng trưởng cục bộ, nên không thể thiết lập được mạng lưới giao thông quốc gia đồng bộ và hợp lý có nối kết chặt chẽ với hệ thống cảng biển. Điều này đã làm suy yếu năng lực thông qua ở các cảng vốn là đô thị lớn đang chịu sức ép dân số tăng trưởng nhanh, cũng như hạ tầng giao thông xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt là thiếu cảng nước sâu theo đúng nghĩa của nó để tiếp nhận tàu cỡ 80.000 DWT trở lên hay tàu container khoảng 6000 TEUs và chưa có cảng trung chuyển quốc tế để ngành vận tải biển vươn ra toàn cầu. Việt Nam cũng đang bỏ lỡ cơ hội nắm Logistics là lĩnh vực trọng yếu của dịch vụ hàng hải được hình thành trong quá trình phát triển hệ thống cảng biển, nay đã lên từ 8 - 10 tỷ USD/năm, phần lớn nằm trong tay những tập đoàn Hàng hải quốc tế hoạt động tại Việt Nam.



92


Vài nét về hệ thống cảnh báo sóng thần Việt Nam?

Về gốc gác, thuật ngữ “sóng thần” xuất phát từ tiếng Nhật tsunami để chỉ các đợt sóng tạo nên khi một thể tích lớn của nước đại dương bị chuyển dịch “ngang” chớp nhoáng trên một quy mô lớn. Thuật ngữ này do các ngư dân đặt ra dù lúc đó họ không biết nguyên do là sóng xuất phát ở ngoài xa khơi. Cơn sóng thần khởi phát từ dưới đáy biển sâu chủ yếu do ảnh hưởng của động đất và các dịch chuyển địa chất lớn (núi lửa phun, va chạm các mảng vỏ đại dương, tách dãn đáy đại dương,...) mà các nhà khoa học gọi là “hải chấn”. Khi còn ở ngoài xa khơi, chiều cao sóng khá nhỏ và chiều dài sóng lại rất lớn, đến hàng trăm kilômét. Vì vậy, khi ở xa bờ biển, đi trên tàu người ta cũng khó nhận diện ra nó, mà chỉ cảm nhận như một “cơn sóng cồn” trải dài với các rung lắc nhẹ. Sóng thần diễn biến rất khác biệt, chứa năng lượng cực lớn, lan truyền với tốc độ cao và có thể vượt khoảng cách lớn qua đại dương mà chỉ mất rất ít năng lượng. Một trận sóng thần có thể gây ra thiệt hại trên bờ biển cách hàng nghìn cây số nơi nó phát sinh, vì thế chúng ta vẫn có thể có thời gian chuẩn bị từ khi nó hình thành tới lúc ập vào một khu vực bờ biển nào đó. Cho nên, vẫn có thể dự báo và cảnh báo thời gian và sức mạnh của nó từ nơi xảy ra cho đến những khu bờ biển bị tấn công.

Tại khu vực Thái Bình Dương, hệ thống cảnh báo sóng thần quốc tế gồm hai trung tâm đầu não là: Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương của Mỹ (đặt tại đảo Hawaii) và Trung tâm tư vấn sóng thần Tây Bắc Thái Bình Dương của Cục Khí tượng - Thủy văn Nhật Bản. Việt Nam và các nước Đông Nam Á thuộc ven bờ Tây Thái Bình Dương chưa có đủ điều kiện trang thiết bị và năng lực quan trắc và phát hiện sóng thần từ giữa Thái Bình Dương, nên phải khai thác, sử dụng thông tin trực tiếp từ các trung tâm đầu não nói trên.

Từ bài học của các nước chịu thảm họa sóng thần Sumatra năm 2004, Chính phủ Việt Nam đã tập trung chỉ đạo việc ứng phó với thảm họa này nếu xảy ra. Ngày 06/11/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế về báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, và sau đó ngày 29/5/2007 lại tiếp tục ban hành Quy chế về phòng chống động đất - sóng thần. Ngày 04/9/2007, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý Địa cầu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam được thành lập - là cơ quan duy nhất đến nay được Chính phủ giao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này. Ngay sau đó Trung tâm đã trở thành thành viên chính thức của hệ thống cảnh báo sóng thần khu vực và quốc tế. Trung tâm làm việc theo chế độ trực ca 24/24 để đảm bảo phát hiện kịp thời các hiểm họa động đất - sóng thần. Các công cụ xử lý số liệu tự động cho phép định vị động đất chỉ sau 3-5 phút sau khi động đất xảy ra. Theo Quy chế của Chính phủ, tất cả các trận động đất xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam với độ lớn từ 3,5 độ Richte trở lên, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần Việt Nam phải thông báo cho các cơ quan quốc gia có chức năng truyền thông và ứng phó nhanh nhất để phối hợp hành động, đầu tiên là: Đài Truyền hình và Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm và Cứu nạn. Ngoài ra, các cơ quan được cấp tin động đất, sóng thần là: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thông tấn xã Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Công ty Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Website Chính phủ.

Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần Việt Nam đã được “thử sức” qua đợt động đất - sóng thần xảy ra ở Nhật Bản năm 2011: sóng địa chấn từ trận động đất mạnh xảy ra tại Nhật Bản đã được Việt Nam phát hiện chỉ sau 2-3 phút với các thông số được xác định như độ lớn, tọa độ chấn tâm và độ sâu chấn tiêu. Một số trận động đất khác ở Nhật Bản và Việt Nam gần đây cũng đã được Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần Việt Nam ghi nhận và cung cấp với sai số chỉ khoảng 0,1 so với thông tin của Trung tâm Số liệu động đất Hoa Kỳ.

Cùng với sự trưởng thành nhanh chóng của hệ thống cảnh báo sóng thần của Việt Nam, Chính phủ vẫn cần tiếp tục đầu tư mở rộng và hiện đại hóa hệ thống các trạm địa phương, trạm quan trắc mực nước biển ven bờ và Mạng lưới báo tin - cảnh báo và ứng phó với động đất - sóng thần quốc gia. Phấn đấu xây dựng hoàn thiện một hệ thống cảnh báo động đất - sóng thần quốc gia đồng bộ và đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế trong tương lai gần

93


Chức năng và nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam?

Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng, của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, là một phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà trực tiếp là Đảng ủy Quân sự Trung ương, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý của Chính phủ và sự quản lý, chỉ huy của Bộ Quốc phòng.

Quân chủng Hải quân là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; duy trì sự ổn định trên các vùng biển, đảo; giữ vững chủ quyền, không để xảy ra xung đột, tạo điều kiện thuận lợi, yên tâm cho các lực lượng trên biển; phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng bảo vệ tốt việc thăm dò, khai thác dầu khí và các hoạt động kinh tế biển; tích cực, chủ động thực hiện tốt vai trò làm nòng cốt trong các hoạt động phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, nhất là trên các vùng biển xa; thực sự là chỗ dựa tin cậy, vững chắc cho các hoạt động kinh tế biển.

Quân chủng Hải quân không ngừng củng cố, xây dựng lực lượng, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của toàn Quân chủng; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, thực sự là lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

94


Chức năng và nhiệm vụ chính của lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam trên biển?

Bộ đội Biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng, của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà trực tiếp là Đảng ủy Quân sự Trung ương, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý của Chính phủ và sự quản lý, chỉ huy của Bộ Quốc phòng.

Bộ đội Biên phòng phụ trách bảo vệ an ninh, chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biên giới đất liền và trên biển. Căn cứ theo Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/3/1997, chức năng, nhiệm vụ chính của Bộ đội Biên phòng Việt Nam trên biển như sau:



Chức năng

Bộ đội Biên phòng trên biển hoạt động theo pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam và theo các điều ước quốc tế có liên quan đến chủ quyền lãnh thổ tại các hải đảo, vùng biển mà nước CHXHCN Việt Nam ký kết tham gia; làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ tại các hải đảo, vùng biển theo phạm vi nhiệm vụ do pháp luật quy định và là một lực lượng thành viên trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện ven biển.



Nhiệm vụ

- Bộ đội Biên phòng trên biển có nhiệm vụ đấu tranh ngăn chặn các hành vi xâm phạm lãnh thổ, vượt biển, nhập cư trái phép, khai thác trộm tài nguyên và những hành vi khác xâm phạm đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, gây hại đến môi trường trong vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam; chủ trì phối hợp các ngành, địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ lãnh thổ tại các hải đảo, vùng biển Việt Nam.

- Tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về biên giới quốc gia của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, các điều ước quốc tế có liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các hải đảo, vùng biển mà nước CHXHCN Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

- Đấu tranh chống âm mưu và hành động của các thế lực thù địch, các lực lượng phản cách mạng, hải phỉ, các tội phạm khác xâm phạm lãnh thổ trên các hải đảo, vùng biển Việt Nam.

- Phối hợp với các đơn vị khác của các lực lượng vũ trang nhân dân và dựa vào nhân dân xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện ven biển vững mạnh; sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống gây xung đột vũ trang và chiến tranh xâm lược.

- Trực tiếp và phối hợp với các đơn vị khác của lực lượng vũ trang nhân dân, các ngành chức năng của Nhà nước đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép vũ khí, chất cháy, chất nổ, chất độc hại, ma tuý, văn hoá phẩm độc hại, hàng hoá cấm xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới trên đất liền, các hải đảo, vùng biển theo quy định của pháp luật.

- Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh trong thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ở khu vực ven biển.

95


Chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ chính của lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam?

Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam là một trong những lực lượng vũ trang nhân dân của nước CHXHCN Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ. Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động của lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam.

Chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam được quy định trong Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 03/2008/PL-UBTVQH12 ngày 26/01/ 2008 như sau:



Chức năng

Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam.



Nhiệm vụ

- Trên các vùng biển và thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam, lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn; bảo vệ tài nguyên, phòng, chống ô nhiễm môi trường; phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép và mua bán người, vận chuyển, mua bán trái phép hàng hoá, vũ khí, chất nổ, chất ma tuý, tiền chất và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

- Thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên để góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, hòa bình và ổn định trên các vùng biển.

- Thu thập, tiếp nhận thông tin, xử lý kịp thời và thông báo cho cơ quan chức năng có liên quan theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên; tham gia tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục sự cố trên biển và thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, tổ chức ứng phó sự cố môi trường biển.

- Tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân hoạt động trên biển; phối hợp với các lực lượng khác bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản của người và phương tiện hoạt động hợp pháp trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam; phối hợp với các đơn vị khác của lực lượng vũ trang để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên các hải đảo, vùng biển thuộc lãnh thổ của nước CHXHCN Việt Nam và quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam.

Quyền hạn của Cảnh sát Biển Việt Nam được quy định tại Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 03/2008/PL-UBTVQH12 ngày 26/01/2008 năm như sau:

1. Khi phát hiện người và phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam có quyền kiểm tra, kiểm soát; nếu có hành vi vi phạm thì được xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, buộc người và phương tiện đó phải chấm dứt hành vi vi phạm, rời khỏi vùng nước đang hoạt động hoặc rời khỏi vùng biển Việt Nam; bắt, giữ người và phương tiện phạm pháp quả tang, lập biên bản xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Trong trường hợp người và phương tiện vi phạm pháp luật không chịu tuân theo hiệu lệnh, chống đối hoặc cố tình bỏ chạy thì lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam có quyền cưỡng chế, thực hiện quyền truy đuổi hoặc các quyền khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên.

3. Trong tình thế cấp thiết phải đuổi bắt người và phương tiện vi phạm pháp luật, cấp cứu người bị nạn, ứng phó với sự cố môi trường nghiêm trọng thì lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam được quyền huy động người, phương tiện của cá nhân, tổ chức Việt Nam, nhưng phải hoàn trả ngay khi tình thế cấp thiết chấm dứt; trường hợp có thiệt hại về tài sản thì phải bồi thường. Người được huy động làm nhiệm vụ mà bị thương hoặc bị chết thì được giải quyết theo chính sách của Nhà nước; trong trường hợp không có người, phương tiện của cá nhân, tổ chức Việt Nam để huy động hoặc đã huy động nhưng vẫn chưa giải quyết được tình thế cấp thiết, thì lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam có thể đề nghị người nước ngoài, phương tiện của cá nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam giúp đỡ theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên.

4. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, người có thẩm quyền trong lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam được quyền trưng dụng tài sản của cá nhân, tổ chức Việt Nam theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản.

5. Khi thi hành nhiệm vụ, lực lượng Cảnh sát Biển Việt  Nam  được nổ súng trong các trường hợp sau đây:

 - Khi người vi phạm dùng vũ khí chống trả hoặc dùng biện pháp khác trực tiếp đe doạ tính mạng và an toàn phương tiện của Cảnh sát Biển Việt Nam;

- Khi truy đuổi người và phương tiện có hành vi vi phạm nghiêm trọng, nếu không dùng vũ khí thì người và phương tiện đó có thể chạy thoát;

- Để bảo vệ công dân khi bị người khác trực tiếp đe dọa tính mạng.

Trong các trường hợp được nổ súng quy định ở trên, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Biển Việt Nam chỉ được bắn vào đối tượng sau khi đã ra lệnh cho họ dừng lại hoặc nổ súng cảnh cáo mà không có kết quả, trừ trường hợp cấp bách; đối với những trường hợp phức tạp, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền, an ninh quốc gia thì phải báo cấp có thẩm quyền quyết định.

96


Nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng kiểm ngư Việt Nam?

Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thuộc Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm ngư

1. Tham mưu, đề xuất và tham gia xây dựng cơ chế chính sách, văn bản pháp luật quy định về công tác kiểm ngư theo sự phân công, phân cấp.

2. Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển Việt Nam theo quy định của pháp luật.

3. Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm pháp luật thủy sản của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.

4. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về thủy sản.

5. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế về thủy sản; hướng dẫn ngư dân và các tổ chức, cá nhân hoạt động trên các vùng biển thực hiện các quy định pháp luật về thủy sản.

6. Tham gia công tác phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển theo quy định của pháp luật.

7. Tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về thủy sản theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

8. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Kiểm ngư viên, công chức, viên chức và Thuyền viên tàu Kiểm ngư.

9. Thanh tra chuyên ngành và các nhiệm vụ khác được giao theo quy định của pháp luật.

97


Việt Nam có những hoạt động phối hợp chung nào với các quốc gia trong khu vực nhằm bảo vệ trật tự, an ninh trên Biển Đông?

Việt Nam nhận thức sâu sắc được việc duy trì hòa bình và bảo vệ trật tự, an ninh trên Biển Đông chính là để duy trì hòa bình và bảo vệ trật tự, an ninh của cả khu vực; đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chung của các quốc gia tiếp giáp Biển Đông cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực phối hợp chung với các nước trong khu vực tiến hành một số hoạt động như:

- Việt Nam tham gia Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, một số Công ước đa phương khác liên quan đến giao thông hàng hải, an toàn trên biển.

- Tích cực thúc đẩy ký kết và kêu gọi các bên nghiêm túc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 (DOC). Tháng 7/2011, tại In-đô-nê-xia trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 (AMM-44), Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các bên đạt được sự nhất trí và chính thức thông qua Quy tắc hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông - một văn kiện quan trọng có tính chất ghi dấu cho sự hợp tác giữa Trung Quốc với các nước ASEAN đối với vấn đề Biển Đông, đồng thời đặt nền tảng cho việc hướng tới một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý, đó là Bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC).

- Bên cạnh đó Hải quân Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam cũng hợp tác với Hải quân, Cảnh sát biển các nước láng giềng như: Trung Quốc, Cam-pu-chia, Phi-líp-pin, Xin-ga-po, Thái Lan… tiến hành tuần tra chung, thiết lập đường dây nóng, hợp tác, diễn tập cứu hộ, cứu nạn... Các hoạt động này đã đạt được nhiều kết quả, đem lại lợi ích thiết thực cho hải quân và nhân dân các nước, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước và xây dựng môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực.

Hàng năm, Việt Nam đón các tàu Hải quân của các nước tới thăm như: Ấn Độ, Pháp, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản; Trung Quốc, Mỹ, Nga,...

- Việt Nam đã tiến hành hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng chồng lấn với Ma-lai-xi-a; Việt Nam, Trung Quốc và Phi-líp-pin đã ký và triển khai Hiệp định “Ba bên liên hợp thăm dò địa chấn ở khu vực biển thoả thuận ở Biển Đông” năm 2005.

- Ngoài ra, Việt Nam còn tích cực tham gia các diễn đàn khu vực (ASEAN+1, ASEAN+3, ADM, ADMM, ARF, EAS,...), các Hội nghị, Hội thảo quốc tế và đưa ra các sáng kiến, đề xuất có ý nghĩa thiết thực nhằm duy trì hòa bình, bảo vệ trật tự, an ninh trên Biển Đông.

98


Bạn hiểu như thế nào về Ngày đại dương Thế giới (Ngày 8 tháng 6)?

Ngày Đại dương Thế giới 8/6 bắt đầu từ sáng kiến đề xuất của Chính phủ Canada trong Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất tại Rio de Janeiro vào năm 1992. Sau đó, Ngày Đại dương Thế giới 8/6 đã được Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ (IOC) của Ủy ban Văn hóa, Khoa học và Giáo dục (UNESCO) thừa nhận vào Năm quốc tế Đại dương 1998 tổ chức tại Lisbon (Bồ Đào Nha), khi ấy Việt Nam cũng tham gia sự kiện này. Từ Cuộc họp quốc tế năm 2002 “Hành động cùng nhau vì tương lai của Hành tinh xanh” với sự hỗ trợ của Diễn đàn toàn cầu Đại dương, Vùng bờ và Hải đảo (GFOCI), Mạng lưới Đại dương Thế giới (WON), Đề án Đại dương, Viện Đại dương quốc tế (IOI), Diễn đàn Aquarium quốc tế,… hàng năm có hàng trăm tổ chức của trên 50 quốc gia đã tổ chức trọng thể ngày này.

Ngày Đại dương Thế giới đã được xem là một sự kiện duy nhất nhằm tôn vinh Đại dương Thế giới, và để bày tỏ mối quan tâm gắn bó của loài người với biển và đại dương vì tương lai của chính loài người. Mục tiêu chung của việc tổ chức Ngày Đại dương Thế giới là nâng cao nhận thức cho công chúng và các nhà ra quyết định về vai trò cực kỳ quan trọng của biển và đại dương trong đời sống hàng ngày của chúng ta, và cổ vũ các hành vi “vì sự bền vững của biển cả”.

Trên thế giới cứ đến ngày này, để hưởng ứng người ta đã tổ chức một chuỗi sự kiện và hoạt đông như: các cuộc Tuần hành vì đại dương, các Con đường xanh kết nối con người, thủy sản và thị trường bền vững, Tọa đàm đại dương hòa bình, Thi nghệ thuật và văn hóa biển, Xây dựng lâu đài cát, Cấp hộ chiếu cho công dân đại dương,…

Đặc biệt, các quốc gia có biển trên thế giới đã thông qua lần đầu tiên “Tuyên bố Đại dương Manado” tại Hội nghị Đại dương thế giới tổ chức ở In-đô-nê-xia ngày 14/5/2009, mà Thủ tướng Chính phủ đã ủy quyền Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thay mặt Việt Nam tham gia thảo luận và thông qua tuyên bố nói trên.

Nhờ những nỗ lực toàn cầu không mệt mỏi nói trên, từ năm 2009 Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã chính thức thông qua chủ trương kỷ niệm hàng năm Ngày Đại dương Thế giới 8 tháng 6 ở các nước thành viên. Mỗi năm Cục Đại dương và Luật Biển của Liên Hợp quốc với sự giúp đỡ của Mạng lưới Đại dương toàn cầu chọn, công bố một chủ đề và cũng là thông điệp của ngày này. Chủ đề Ngày Đại dương thế giới năm 2009 là ‘Chúng ta chỉ có chung một đại dương, một bầu khí quyển và một tương lai’ (One Ocean, One Climate, One Future). Chủ đề năm 2010 là “Đại dương của cuộc sống” (Ocean of Life),...

Đây là chủ đề bao trùm về đại dương với tư cách là hệ thống hỗ trợ cho sự sống trên Trái đất và đặc biệt về vai trò và mối quan hệ của đại dương với việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trên toàn Trái đất.



99


Vài nét về Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (từ ngày 01 đến ngày 07 tháng 6 hàng năm)?

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo vì sự phát triển bền vững đất nước, cũng như ý nghĩa trọng đại của Ngày Đại dương Thế giới 8/6, năm 2008, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, ngay từ những tháng đầu thành lập đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép tổ chức một Tọa đàm về ngày này. Cuộc tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của nhiều bộ, ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam. Và những người tham gia tọa đàm nhận thấy cần phải tổ chức Tháng hoặc Tuần lễ biển đảo cho Việt Nam để có những hành động thiết thực hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới 8/6.

Trong quá trình soạn Nghị định Chính phủ về Quản lý tổng hợp tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đồng ý đề xuất của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đưa vào dự thảo nghị định này “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam để hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới 8/6 và Ngày Môi trường Thế giới 5/6”. Ngày 06/3/2009 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, trong đó có yêu cầu tổ chức hàng năm “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam” để hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới 8/6.

Biển và đại dương là nơi dự trữ cuối cùng của loài người về các nguồn lương thực, thực phẩm, năng lượng và nguyên nhiên liệu. Nhưng sự hiểu biết kỹ lưỡng về chúng lại chủ yếu thuộc về các nhà khoa học và các nhà quản lý chuyên ngành, trong khi để quản lý, khai thác lâu dài nguồn lợi khổng lồ này lại cần đến sự tham gia của các bên liên quan, của người dân ven biển và của toàn xã hội.

Biển nước ta giàu tài nguyên thiên nhiên, là nơi nương tựa của hàng chục triệu người dân đất Việt, là không gian sinh tồn của dân tộc, là địa bàn chiến lược trong bảo vệ và phát triển đất nước, là phần Tổ quốc thiêng liêng trên biển của đất nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế,… Vì vậy, việc tổ chức thành công hàng năm “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam” với các hoạt động thiết thực đối với đất nước và bắt nhịp với yêu cầu thời đại, sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, toàn hệ thống chính trị và từng người dân về chức năng, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển và đại dương đối với sự phát triển bền vững đại dương, đối với việc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu thế giới nói chung và đối với Việt Nam nói riêng. Từ đó khơi dậy ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, lòng tự hào, ý thức dân tộc của mọi người dân Việt Nam đối với chủ quyền vùng biển của Tổ quốc, đối với chính cuộc sống của cộng đồng và đối với sự nghiệp phát triển kinh tế biển lâu dài của đất nước, góp phần “đưa nước ta trở thành một quốc gia giàu lên từ biển, mạnh lên từ biển” theo tinh thần Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020.

Ngày 12/6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 950/TTg-KTN công nhận Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương ven biển tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam từ ngày 01 đến ngày 08 tháng 6 hàng năm để hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới (8/6).

Từ đó tới nay Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam đã trở thành một sự kiện được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh thế mạnh và tiềm năng của biển, hải đảo Việt Nam, nhằm khơi dậy ý thức trách nhiệm với biển và chủ quyền vùng biển đất nước. Thông qua những hoạt động thiết thực được tổ chức, sự kiện đã thu hút và tạo được sự quan tâm, ủng hộ của dư luận xã hội.

Việc Chính phủ chính thức cho phép Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức kịp thời Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam từ năm 2009 (từ ngày 1-8/6) phải được xem là một “mốc sự kiện” có ý nghĩa lịch sử trong lĩnh vực quản lý biển và hải đảo không chỉ ở nước ta, mà cả đối với cộng đồng đại dương thế giới.



Thông điệp quảng bá Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2011

100


Học sinh, sinh viên Việt Nam cần có ý thức và trách nhiệm như thế nào trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của ta trên Biển Đông?

Học sinh, sinh viên (HSSV) là lực lượng trẻ, có tri thức trong xã hội, là tương lai của đất nước, là tầng lớp đi tiên phong trong các hoạt động thúc đẩy cộng đồng quan tâm và có trách nhiệm đối với những vấn đề liên quan đến môi trường, bảo vệ môi trường, phát huy tiềm năng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Chúng ta cần quán triệt lập trường nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; chủ quyền đối với vùng nội thủy, lãnh hải; quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa theo quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Chủ trương của ta là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc, luật pháp và thực tiễn quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002. Với lập trường và chủ trương đúng đắn đó, Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ một loạt công tác nhằm tạo cơ sở vững chắc cho việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích của ta trên Biển Đông.

HSSV đi đầu trong việc tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam. Đồng thời tranh thủ các nguồn lực và sự ủng hộ từ hợp tác quốc tế với các nước bè bạn và các tổ chức quốc tế trên mọi lĩnh vực.

Tăng cường học tập, nghiên cứu, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, đảo.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển, hải đảo.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường biển.

Xây dựng và quảng bá thương hiệu biển Việt Nam.

Góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị thế quốc gia biển và hội nhập quốc tế trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, đảo.

Khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia vào học các ngành nghề liên quan tới biển, đảo.


Каталог: 2014
2014 -> -
2014 -> Năng suất lao động trong nông nghiệp: Vấn đề và giải pháp Giới thiệu
2014 -> QUẢn lý nuôi trồng thủy sản dựa vào cộng đỒNG
2014 -> CÔng ty cổ phần autiva (autiva. Jsc)
2014 -> CÙng với mẹ maria chúng ta về BÊn thánh thể with mary, we come before the eucharist cấp II thiếU – camp leader level II search
2014 -> Part d. Writing 0 points)
2014 -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
2014 -> Mẫu số 01. Đơn xin giao đất/cho thuê đất/cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
2014 -> Biểu số: 22a/btp/cn-tn
2014 -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam thành phố HỒ chí minh độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 1.33 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương