MỤc lục lời nói đầu


Từ điển La tinh - Việt Nam



tải về 1.33 Mb.
trang6/10
Chuyển đổi dữ liệu23.07.2016
Kích1.33 Mb.
#2492
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10
Từ điển La tinh - Việt Nam của Giám mục Jean Louis Taberd xuất bản năm 1838, khẳng định Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracels và nằm trong vùng biển Việt Nam.



Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ (tạm dịch: Bản đồ địa dư (trọn vẹn) các tỉnh của triều đình nhà Thanh) xuất bản năm 1904 cho thấy lãnh thổ của Trung Quốc chỉ giới hạn về phía đông là đảo Đài Loan., phía nam là đảo Hải Nam. Như vậy, đến đầu thế kỷ XX, Trung Quốc vẫn chưa hề có ý định xác lập chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

34


Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 ra đời như thế nào?

Các quy ước có tính quốc tế liên quan đến biển đã hình thành từ rất sớm, ngay trong thời kỳ cổ đại. Đến thế kỷ XIII, một số nguyên tắc về luật biển đã xuất hiện và phổ biến ở Bắc Âu, Địa Trung Hải. Vào thế kỷ XVII, Luật Biển bắt đầu được khái quát, tổng kết một cách có hệ thống.

Hội nghị quốc tế đầu tiên về Luật Biển được Hội Quốc liên triệu tập năm 1930 tại La Hay (Hà Lan) để bàn luận, xây dựng các quy định quốc tế về quy chế lãnh hải, chống cướp biển và các nguyên tắc sử dụng tài nguyên thiên nhiên của biển. Do có nhiều mâu thuẫn giữa các quốc gia tham gia hội nghị về chiều rộng lãnh hải nên Hội nghị La Hay 1930 chưa đạt được kết quả cụ thể nào.

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945), Liên Hợp quốc được thành lập để giữ gìn hòa bình, ngăn chặn chiến tranh và giải quyết các vấn đề quốc tế. Năm 1958, Liên Hợp quốc triệu tập Hội nghị lần thứ nhất về Luật Biển tại Genève (Thụy Sĩ). Hội nghị này đã thông qua 4 công ước quốc tế đầu tiên về luật biển là: Công ước về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp; Công ước về Biển cả; Công ước về đánh cá và bảo tồn tài nguyên nguyên sinh vật của biển cả; và Công ước về Thềm lục địa.

Ngày 15/3/1960, Liên Hợp quốc tiếp tục triệu tập Hội nghị Luật Biển lần thứ II tại Genève (Thụy Sĩ). Nhưng do có nhiều bất đồng nên hội nghị này đã không đạt được kết quả nào đáng kể.

Đến năm 1973, Hội nghị của Liên Hợp quốc về Luật Biển lần thứ 3 đã được chính thức triệu tập. Qua 9 năm thương lượng (từ năm 1973 đến 1982) với 11 khóa họp, Hội nghị của Liên Hợp quốc về Luật Biển lần thứ 3 đã thông qua các công ước mới về Luật Biển ngày 30/4/1982 với 130 phiếu thuận, 04 phiếu chống, 17 phiếu trắng và 02 nước không tham gia bỏ phiếu. Ngày 10/12/1982, 107 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam đã chính thức ký kết Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển tại Montego Bay (Jamaica).

Đến tháng 11/1996 đã có 108 nước phê chuẩn, Công ước có hiệu lực từ ngày 16/11/1994.

Quá trình soạn thảo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 trải qua 2 giai đoạn cơ bản là giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn đàm phán trong hội nghị, xây dựng liên tục nhiều bản dự thảo Công ước, cho đến lễ ký kết Công ước diễn ra từ ngày 07/12/1982 đến ngày 10/12/1982 tại Montego Bay (Jamaica).

35


Những nội dung chính của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982?

Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước Luật Biển 1982) được 107 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, ký kết tại Montego Bay (Jamaica) ngày 10/12/1982. Công ước bao gồm 17 phần, 320 điều khoản, 9 phụ lục và 4 nghị quyết. Công ước có hiệu lực từ ngày 16/11/1994. Hiện nay đã có 162 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Công ước.

Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là một văn kiện quốc tế tổng hợp toàn diện bao quát được tất cả những vấn đề quan trọng nhất về chế độ pháp lý của biển và đại dương thế giới, xác định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của mỗi quốc gia (có biển cũng như không có biển, phát triển hay đang phát triển) về nhiều mặt như an ninh, bảo vệ, nuôi trồng, khai thác tài nguyên, giao thông liên lạc, nghiên cứu khoa học, công nghệ… đối với các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia cũng như đối với các vùng biển nằm ngoài phạm vi thuộc quyền tài phán quốc gia. Công ước cũng đã đặt ra trình tự và thủ tục giải quyết các tranh chấp trên biển giữa các quốc gia bằng các biện pháp hòa bình.

Công ước thể hiện sự cố gắng lớn của cộng đồng quốc tế để điều chỉnh tất cả các khía cạnh liên quan đến biển, tài nguyên biển và việc sử dụng biển, tạo nên một trật tự thế giới mới cho việc quản lý và sử dụng biển của nhân loại.

36


Vai trò và ý nghĩa của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982?

Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là một công ước tiến bộ thể hiện sự thoả hiệp mang tính toàn cầu có tính đến lợi ích của tất cả các quốc gia trên thế giới. Công ước không chấp nhận bảo lưu mà đòi hỏi phải tham gia cả gói (package deal) theo nguyên tắc “nhất trí” (consensus). Nếu phê chuẩn Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các quốc gia phải có trách nhiệm ràng buộc và thực hiện toàn bộ các điều khoản của Công ước.

Công ước được coi là một trong những thành tựu có ý nghĩa nhất trong lĩnh vực luật pháp quốc tế của thế kỷ XX và Công ước đã tạo ra một trật tự pháp lý mới trên biển, tương đối công bằng và được thừa nhận rộng rãi.

Ngay sau Lễ ký kết, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc đã đánh giá “Công ước là văn bản pháp lý có ý nghĩa nhất của thế kỷ này”, còn Chủ tịch Hội nghị Liên Hợp quốc lần thứ III về Luật Biển, ông Tommy TB Koh, gọi Công ước là “Bản Hiến pháp cho Đại dương”.

37


Khái niệm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán được hiểu như thế nào trong Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982?

- Chủ quyền là quyền làm chủ tuyệt đối của quốc gia độc lập đối với lãnh thổ của mình. Chủ quyền của quốc gia ven biển là quyền tối cao của quốc gia được thực hiện trong phạm vi nội thủy và lãnh hải của quốc gia đó.

- Quyền chủ quyền là các quyền của quốc gia ven biển được hưởng trên cơ sở chủ quyền đối với mọi loại tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, cũng như đối với những hoạt động nhằm thăm dò và khai thác vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia đó vì mục đích kinh tế, bao gồm cả việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu, gió...

- Quyền tài phán là thẩm quyền riêng biệt của quốc gia ven biển trong việc đưa ra các quyết định, quy phạm và giám sát việc thực hiện chúng, như: cấp phép, giải quyết và xử lý đối với một số loại hình hoạt động, các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển, trong đó có việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo các thiết bị và công trình nghiên cứu khoa học về biển; bảo vệ và gìn giữ môi trường biển trong vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của quốc gia đó.

Quyền chủ quyền có nguồn gốc từ chủ quyền lãnh thổ trong khi quyền tài phán là hệ quả của quyền chủ quyền, có tác dụng hỗ trợ, tạo ra môi trường để thực hiện quyền chủ quyền được tốt hơn. Bên cạnh đó, trong khi chủ quyền và quyền chủ quyền chỉ được thực hiện trên vùng lãnh thổ mà quốc gia có quyền thì quyền tài phán có không gian mở rộng hơn, tới những nơi mà quốc gia đó không có chủ quyền (ví dụ quyền tài phán áp dụng trên tàu thuyền có treo cờ của một quốc gia nhất định đang hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của một quốc gia khác).



38


Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 quy định các vùng biển nào thuộc chủ quyền của các quốc gia ven biển?

Theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các quốc gia ven biển có chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải của mình, chủ quyền này cũng được mở rộng vùng trời ở bên trên đến vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ở bên dưới các vùng biển đó.

Điều 8, khoản 1 Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 định nghĩa nội thủy là “các vùng nước ở phía bên trong đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải”. Trong vùng nội thủy, các quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ như trên lãnh thổ đất liền của mình. Tàu thuyền nước ngoài muốn ra vào vùng nội thủy phải xin phép quốc gia ven biển và phải tuân theo luật lệ của quốc gia đó.

Lãnh hải hay còn gọi là “vùng nước lãnh thổ” là một dải biển ven bờ nằm ngoài và tiếp liền với lãnh thổ đất liền hoặc nội thủy của quốc gia ven biển, có chiều rộng nhất định được tính từ đường cơ sở của quốc gia đó và thuộc chủ quyền hoàn toàn của quốc gia ven biển. Chủ quyền này được mở rộng và áp dụng đối với cả vùng trời trên lãnh hải, cũng như đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy của lãnh hải.

Tuy nhiên, do yêu cầu, tính chất truyền thống của hàng hải quốc tế, luật pháp quốc tế trù định quyền của mọi loại tàu, thuyền của tất cả các quốc gia được đi qua không gây hại trong lãnh hải của quốc gia ven biển với điều kiện không gây ảnh hưởng đến hòa bình, trật tự, an ninh và môi trường của quốc gia ven biển. Cần lưu ý là quyền đi qua không gây hại không được áp dụng đối với vùng trời trên lãnh hải. Phương tiện bay nước ngoài muốn bay qua vùng trời trên lãnh hải của một nước ven biển phải xin phép nước ven biển đó.

Đối với quốc gia quần đảo, lãnh hải nằm ngoài và tiếp liền với lãnh thổ và vùng nước quần đảo của quốc gia quần đảo đó.

Đối với các đảo riêng biệt, đáp ứng đúng định nghĩa đảo nêu trong luật pháp quốc tế (Điều 121, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982) thuộc về một quốc gia ven biển, nhưng nằm ngoài phạm vi lãnh hải chung của quốc gia đó, thì lãnh hải của từng đảo này cũng được xác định như trên.

Đại đa số quốc gia trên thế giới quy định chiều rộng lãnh hải từ 3-12 hải lý. Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 quy định chiều rộng lãnh hải của quốc gia ven biển không quá 12 hải lý, kể từ đường cơ sở được vạch ra theo đúng công ước.





39


Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 quy định các vùng biển nào thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển?

Theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển sau đây:

Vùng tiếp giáp lãnh hải (Contiguous zone): Công ước quy định các quốc gia ven biển có quyền có một vùng tiếp giáp lãnh hải. Đây là vùng biển nằm ngoài lãnh hải, tiếp liền với lãnh hải và không được mở rộng quá 24 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, tại đó, quốc gia ven biển thực hiện các thẩm quyền có tính riêng biệt và hạn chế đối với các tàu thuyền nước ngoài. Vùng tiếp giáp lãnh hải nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và là một bộ phận đặc thù của vùng đặc quyền kinh tế.

Quốc gia ven biển có quyền thi hành sự kiểm soát cần thiết nhằm ngăn ngừa việc vi phạm các luật và quy định về hải quan, thuế khóa, nhập cư hay y tế trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình; trừng trị việc vi phạm các luật và quy định nói trên xảy ra trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình.

Tại Điều 303, Công ước đã mở rộng thẩm quyền của quốc gia ven biển đối với các hiện vật có tính lịch sử và khảo cổ nằm trên đáy biển của vùng tiếp giáp lãnh hải. Để kiểm soát việc mua bán các hiện vật này, quốc gia ven biển có thể coi việc lấy các hiện vật đó từ đáy biển của vùng tiếp giáp lãnh hải mà không có sự thoả thuận của mình là sự vi phạm các luật và quy định của quốc gia ven biển ở trên lãnh thổ hay lãnh hải của mình.

Vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone) là vùng biển nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, có chiều rộng không vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

Vùng đặc quyền kinh tế là một chế định pháp lý mới, lần đầu tiên được ghi nhận trong Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Vùng đặc quyền kinh tế là một vùng đặc biệt, trong đó quốc gia ven biển thực hiện thẩm quyền riêng biệt của mình nhằm mục đích kinh tế, được quy định bởi Công ước, mà không chia sẻ với các quốc gia khác.

Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có:

a) Các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò và khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc phi sinh vật của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió.

b) Quyền tài phán về việc:

- Lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và


công trình;

- Nghiên cứu khoa học về biển;

- Bảo vệ và gìn giữ môi trường biển.

c) Các quyền và nghĩa vụ khác do Công ước quy định.

Tuy vậy, trong vùng đặc quyền kinh tế, tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển, đều được hưởng các quyền tự do hàng hải và hàng không, quyền tự do đặt cáp và ống dẫn ngầm cũng như quyền tự do sử dụng biển vào các mục đích hợp pháp khác và gắn liền với việc thực hiện các quyền tự do nói trên và phù hợp với các quy định của Công ước.

Quốc gia ven biển có nghĩa vụ thi hành các biện pháp thích hợp để bảo tồn, quản lý và duy trì các nguồn lợi sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế tránh không bị ảnh hưởng do khai thác quá mức. Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 còn quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển và các quốc gia khác nhằm bảo tồn các loài sinh vật biển như: các loài cá di cư xa; các loài có vú; các đàn cá vào sông và ra biển sinh sản; các loài định cư...

Thềm lục địa (Continental Shelf) là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia này cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến giới hạn nằm cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia này ở khoảng cách gần hơn 200 hải lý. Trong trường hợp bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia ven biển kéo dài tự nhiên vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở, quốc gia ven biển có thể mở rộng ranh giới ngoài của thềm lục địa của mình tới một khoảng cách không vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2.500 m một khoảng cách không vượt quá 100 hải lý.

Quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình. Đây là những đặc quyền, nghĩa là nếu quốc gia ven biển này không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa (bao gồm các tài nguyên phi sinh vật và các tài nguyên sinh vật thuộc loài định cư), thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thoả thuận rõ ràng của các quốc gia ven biển. Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa tồn tại một cách “nghiễm nhiên”, không phụ thuộc vào sự chiếm hữu thật sự hay danh nghĩa, cũng như vào bất cứ tuyên bố rõ ràng nào.

Tuy nhiên, khi tiến hành khai thác thềm lục địa ngoài 200 hải lý quốc gia ven biển có nghĩa vụ đóng góp tài chính theo quy định của Công ước. Việc quốc gia ven biển thực hiện các quyền của mình đối với thềm lục địa không được gây thiệt hại đến hàng hải hay các quyền tự do của các quốc gia khác đã được Công ước thừa nhận. Tất cả các quốc gia đều có quyền lắp đặt cáp và ống dẫn ngầm ở thềm lục địa. Quốc gia đặt cáp hoặc ống dẫn ngầm phải thoả thuận với quốc gia ven biển về tuyến đường đi của cáp hoặc ống dẫn ngầm.



40


Khái niệm đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải? Đặc điểm đường cơ sở của Việt Nam?

Đường cơ sở là đường ranh giới phía trong của lãnh hải và là ranh giới phía ngoài của nội thủy, do nước ven biển quy định trên cơ sở phù hợp với Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đường cơ sở là căn cứ để xác định phạm vi, chiều rộng của lãnh hải và các vùng biển khác như vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa.

Theo quy định tại điều 5 và điều 7 của Công ước, các quốc gia ven biển (không phải là quốc gia quần đảo) có hai loại đường cơ sở là đường cơ sở thông thường và đường cơ sở thẳng.

Đường cơ sở thông thường là ngấn nước thủy triều thấp nhất dọc theo bờ biển, ở nơi nào bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm hoặc nếu có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển hoặc ở nơi mà bờ biển cực kỳ không ổn định do có sự hiện diện của các châu thổ hoặc các đặc điểm tự nhiên khác thì áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng, tức là phương pháp nối liền các điểm thích hợp để có thể sử dụng để vạch đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

Đường cơ sở thẳng được áp dụng trong ba trường hợp sau đây: Ở những nơi bờ biển khúc khuỷu, bị khoét sâu và lồi lõm; ở những nơi có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển; ở những nơi có các điều kiện thiên nhiên đặc biệt gây ra sự không ổn định của bờ biển như sự hiện diện của các châu thổ.

Tuy vậy, đường cơ sở thẳng phải đáp ứng hai điều kiện quy định trong Công ước, đó là “tuyến các đường cơ sở thẳng không được đi chệch quá xa hướng chung của bờ biển” và “các vùng biển ở bên trong các đường có sở này phải gắn với đất liền đủ đến mức đạt được chế độ nội thủy” (khoản 3 điều 7).

Căn cứ theo Công ước, căn cứ theo địa hình bờ biển Việt Nam, đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Ngày 12/11/1982, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Theo đó, “đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam là đường thẳng gãy khúc nối liền các điểm có toạ độ ghi trong phụ lục kèm theo Tuyên bố này”.

Điều 8 của Luật Biển Việt Nam quy định “Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Chính phủ xác định và công bố đường cơ sở ở những khu vực chưa có đường cơ sở sau khi được Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn”.

Thực hiện Điều này, thời gian tới đây chúng ta cần tiếp tục công bố bổ sung đường cơ sở thẳng trong vịnh Bắc Bộ và những khu vực khác.





Sơ đồ đường cơ sở thẳng của Việt Nam năm 1982

41


Theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, Việt Nam có những vùng biển nào?

Việt Nam là một quốc gia ven biển với hơn 3.260 km đường bờ biển. Theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có các vùng biển là nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa. Phạm vi và chế độ pháp lý các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam được quy định chi tiết trong Luật Biển Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

42


Quy định về nội thủy của Việt Nam?

Theo điều 9 và 10 của Luật Biển Việt Nam 2012, nội thủy của Việt Nam là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam. Theo quy định thì nội thủy bao gồm cửa sông, vũng vịnh, cửa biển và vùng nước ở phía trong đường cơ sở và giáp với bờ biển. Nhà nước thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ đối với nội thủy như trên lãnh thổ đất liền.

43


Tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong nội thủy Việt Nam phải chấp hành những quy định gì?

Tàu thuyền, máy bay nước ngoài khi hoạt động trong vùng nội thủy của Việt Nam là đang ở trong lãnh thổ Việt Nam, cho nên phải tuyệt đối chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến các hoạt động trong vùng nội thủy của Việt Nam như: việc cấp phép bay, lưu thông hàng hải, phân luồng lạch đi lại, quy định của các cảng biển... cũng như những quy định khác về an ninh, quốc phòng, trật tự công cộng, kiểm dịch, y tế, hải quan,…

44


Hãy cho biết rõ hơn phạm vi và chế độ pháp lý của lãnh hải theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982?

Theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, lãnh hải là vùng biển nằm phía ngoài đường cơ sở, có chiều rộng tối đa là 12 hải lý (1 hải lý = 1.852 m).

Trong lãnh hải, quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ. Do đó, quốc gia ven biển có thể quy định chế độ pháp lý đối với lãnh hải cũng tương tự như đối với lãnh thổ trên đất liền. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới của nước ven biển.

Quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn, đầy đủ đối với lãnh hải nhưng không phải là tuyệt đối, vì theo Công ước, các tàu thuyền nước ngoài được quyền “qua lại không gây hại” trong lãnh hải, và thường lưu thông theo tuyến phân luồng giao thông hàng hải do nước ven biển quy định.

Công ước có những điều quy định rõ thế nào là “qua lại không gây hại” (điều 17, 18, 19). Công ước cũng quy định quốc gia ven biển có quyền đưa ra các quy định liên quan đến việc qua lại không gây hại của các tàu thuyền nước ngoài (điều 21, 22) và có nghĩa vụ không cản trở quyền “qua lại không gây hại” của tàu thuyền của các quốc gia khác (điều 24).



45


Chiều rộng và chế độ pháp lý của lãnh hải Việt Nam?

Điều 11 Luật Biển Việt Nam (2012) khẳng định “Lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra phía biển. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam”.

Điều 12 Luật Biển Việt Nam cũng quy định rõ chế độ pháp lý lãnh hải Việt Nam như sau:

1. Nhà nước thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải phù hợp với Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

2. Tàu thuyền của tất cả các quốc gia được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam. Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

3. Việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng hòa bình, độc lập, chủ quyền, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên.

4. Các phương tiện bay nước ngoài không được vào vùng trời ở trên lãnh hải Việt Nam, trừ trường hợp được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam hoặc thực hiện theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

5. Nhà nước có chủ quyền đối với mọi loại hiện vật khảo cổ, lịch sử trong lãnh hải Việt Nam.

46


Quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải được hiểu như thế nào? Quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam?

Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 quy định: “… tàu thuyền của tất cả các quốc gia, có biển hay không có biển, đều được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải của quốc gia ven biển”.

Công ước quy định thế nào là “đi qua” và thế nào là “đi qua không gây hại”. Theo đó, có thể hiểu là với điều kiện không gây ra các hành động gây hại, đe doạ hòa bình, an ninh trật tự của quốc gia ven biển, các loại tàu thuyền nước ngoài (kể cả tàu quân sự) được quyền đi qua vô hại trong lãnh hải của quốc gia ven biển mà không cần phải xin phép, không bị cản trở, không bị thu lệ phí và không bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên Công ước cũng quy định: “Ở trong lãnh hải, tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác buộc phải đi nổi và treo cờ quốc tịch” (điều 21) và “nếu một tàu chiến không tôn trọng các luật và quy định của quốc gia ven biển có liên quan đến việc đi qua trong lãnh hải và bất chấp yêu cầu phải tuân thủ các luật và quy định đó đã được thông báo cho họ, thì quốc gia ven biển có thể đòi chiếc tàu đó rời khỏi lãnh hải ngay lập tức” (điều 30).

Ngoài ra, quốc gia ven biển cũng được phép đề ra các luật và quy định liên quan đến việc đi qua không gây hại (điều 21, 22) và có thể thi hành các biện pháp cần thiết để ngăn cản mọi việc đi qua có gây hại (điều 25).

Việt Nam đã tham gia Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 ngày 25/7/1994 và tôn trọng quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải theo đúng quy định của Công ước.

Luật Biển Việt Nam quy định “Đi qua không gây hại trong lãnh hải” tại Điều 23 và “Nghĩa vụ khi thực hiện quyền đi qua không gây hại” tại Điều 24. Theo đó, “việc đi qua không gây hại trong lãnh hải không được làm phương hại đến hòa bình, quốc phòng, an ninh của Việt Nam, trật tự an toàn trên biển”. Việc đi qua của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải Việt Nam bị coi là gây phương hại đến hòa bình, quốc phòng, an ninh của Việt Nam, trật tự an toàn xã hội nếu tàu thuyền đó tiến hành bất kỳ một hành vi nào sau đây: Đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; Đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác; thực hiện các hành vi trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế được quy định trong Hiến chương Liên Hợp quốc; Luyện tập hay diễn tập với bất kỳ kiểu, loại vũ khí nào, dưới bất kỳ hình thức nào; Thu thập thông tin gây thiệt hại cho quốc phòng, an ninh của Việt Nam; Tuyên truyền nhằm gây hại đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam; Phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện bay lên tàu thuyền; Phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện quân sự lên tàu thuyền; Bốc, dỡ hàng hóa, tiền bạc hay đưa người lên xuống tàu thuyền trái với quy định của pháp luật Việt Nam về hải quan, thuế, y tế hoặc xuất nhập cảnh; Cố ý gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển; Đánh bắt hải sản trái phép; Nghiên cứu, điều tra, thăm dò trái phép; Làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống thông tin liên lạc hoặc của thiết bị hay công trình khác của Việt Nam; Tiến hành hoạt động khác không trực tiếp liên quan đến việc đi qua.

“Khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về nội dung: An toàn hàng hải và điều phối giao thông đường biển, tuyến hàng hải và phân luồng giao thông; Bảo vệ thiết bị và hệ thống bảo đảm hàng hải, thiết bị hay công trình khác; Bảo vệ đường dây cáp và ống dẫn; Bảo tồn tài nguyên sinh vật biển; Hoạt động đánh bắt, khai thác và nuôi trồng hải sản; Gìn giữ môi trường biển, ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển; Nghiên cứu khoa học biển và đo đạc thủy văn; Hải quan, thuế, y tế, xuất nhập cảnh”.



47


Phạm vi và chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Luật Biển Việt Nam 2012?

Theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vùng tiếp giáp lãnh hải được hiểu là vùng biển nằm ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải. Vùng biển này hợp với lãnh hải và có chiều rộng tối đa là 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

Trong vùng tiếp giáp lãnh hải, quốc gia ven biển có quyền tài phán trong việc ngăn ngừa những vi phạm đối với các luật và quy định hải quan, thuế khoá, y tế hay nhập cư xảy ra trên lãnh thổ hay lãnh hải của mình, có quyền tài phán trong việc trừng trị những vi phạm đối với các luật và quy định nói trên, xảy ra trên lãnh thổ hay lãnh hải của mình. Ngoài ra, điều 303 của Công ước còn mở rộng quyền của quốc gia ven biển đối với các hiện vật có tính lịch sử và khảo cổ, theo đó, việc lấy các hiện vật từ đáy biển trong vùng tiếp giáp lãnh hải mà không được phép của quốc gia ven biển, sẽ được coi là sự vi phạm các luật và quy định của quốc gia đó trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải của mình.

Điều 13 Luật Biển Việt Nam 2012 quy định “Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải”.

Điều 14 quy định chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải của Việt Nam như sau:

1. Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và các quyền khác quy định tại Điều 16 của Luật này đối với vùng tiếp giáp lãnh hải.

2. Nhà nước thực hiện kiểm soát trong vùng tiếp giáp lãnh hải nhằm ngăn ngừa và trừng trị hành vi vi phạm pháp luật về hải quan, thuế, y tế, xuất nhập cảnh xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam.



48


Phạm vi và chế độ pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Luật Biển Việt Nam 2012?

Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 quy định: “Vùng đặc quyền kinh tế là một vùng nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải...”.

Chiều rộng của vùng đặc quyền kinh tế “không được mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải” (điều 57).

Vùng đặc quyền kinh tế là một chế định pháp lý mới, lần đầu tiên được ghi nhận trong Công ước. Đây là một vùng biển đặc thù, trong đó quốc gia ven biển có những thẩm quyền riêng biệt nhằm mục đích kinh tế, tuân theo những quy định của Công ước.

Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có những quyền sau:

- Các quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên sinh vật và không sinh vật, của vùng nước trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế từ nước, hải lưu và gió.

- Quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của Công ước về việc: Lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình; Nghiên cứu khoa học về biển; Bảo vệ và gìn giữ môi trường biển; và các quyền và nghĩa vụ khác do Công ước quy định.

Trong vùng đặc quyền kinh tế, các quốc gia khác (dù có biển hay không có biển) đều được hưởng quyền tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm, cũng như quyền tự do sử dụng biển vào những mục đích khác hợp pháp (khoản 1 điều 58).

Phù hợp với quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam 2012 quy định cụ thể: Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

Luật Biển Việt Nam quy định chế độ pháp lý vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như sau:

1. Trong vùng đặc quyền kinh tế, Nhà nước thực hiện:

a) Quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên thuộc vùng nước bên trên đáy biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển; về các hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh tế;

b) Quyền tài phán quốc gia về lắp đặt và sử dụng đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển; nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển;

c) Các quyền và nghĩa vụ khác phù hợp với pháp luật quốc tế.

2. Nhà nước tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không; quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Luật này và điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam.

Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt các thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên cơ sở các điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, hợp đồng được ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế có liên quan.

4. Các quyền có liên quan đến đáy biển và lòng đất dưới đáy biển quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định tại Điều 17 và Điều 18 của Luật này.

49


Phạm vi và chế độ pháp lý của thềm lục địa theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Luật Biển Việt Nam 2012?

Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 định nghĩa thềm lục địa như sau: “thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn”.

Tuy vậy, các khoản tiếp theo trong điều 76 của Công ước cũng quy định trong trường hợp khi bờ ngoài của rìa lục địa của một quốc gia ven biển kéo dài tự nhiên vượt quá khoảng cách 200 hải lý, như đã nói ở trên, thì quốc gia ven biển này có thể xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa của mình tới một khoảng cách không vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2.500 mét một khoảng cách không vượt quá 100 hải lý, với điều kiện tuân thủ các quy định cụ thể về việc xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa trong Công ước và phù hợp với các kiến nghị của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa được thành lập theo Phụ lục II của Công ước.

Chế độ pháp lý của thềm lục địa được thể hiện qua các quyền của quốc gia ven biển. Đó là việc thực hiện quyền chủ quyền đối với việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên trên thềm lục địa. Ngoài ra, quốc gia ven biển còn có quyền tài phán về nghiên cứu khoa học biển trên thềm lục địa của mình; quyền đối với các đảo nhân tạo, các thiết bị, công trình trên thềm lục địa; quyền bảo vệ và gìn giữ môi trường biển.

Các quốc gia khác có quyền lắp đặt các dây cáp và ống dẫn ngầm ở thềm lục địa (điều 79), và cần được sự thoả thuận của quốc gia ven biển.

Quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa là quan trọng nhất, thể hiện ở chỗ:

Quyền này có tính chất đặc quyền, nghĩa là “quốc gia ven biển không thăm dò hoặc không khai thác tài nguyên thiên nhiên trên thềm lục địa, thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thoả thuận của quốc gia đó” (khoản 2 điều 77).

Quyền này tồn tại đương nhiên và ngay từ đầu, quốc gia ven biển không cần phải chiếm hữu thực sự hay danh nghĩa, và không cần phải tuyên bố.

Phù hợp với các quy định của Công ước, Điều 17 Luật Biển Việt Nam 2012 quy định: Thềm lục địa Việt Nam là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa.

Điều 18 Luật Biển Việt Nam quy định rõ chế độ pháp lý thềm lục địa Việt Nam như sau:

1. Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền đối với thềm lục địa về thăm dò, khai thác tài nguyên.

2. Quyền chủ quyền quy định tại khoản 1 Điều này có tính chất đặc quyền, không ai có quyền tiến hành hoạt động thăm dò thềm lục địa hoặc khai thác tài nguyên của thềm lục địa nếu không có sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam.

3. Nhà nước có quyền khai thác lòng đất dưới đáy biển, cho phép và quy định việc khoan nhằm bất kỳ mục đích nào ở thềm lục địa.

4. Nhà nước tôn trọng quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác của các quốc gia khác ở thềm lục địa Việt Nam theo quy định của Luật này và các điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam.

Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

5. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt thiết bị và công trình ở thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, hợp đồng ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam.

50


Vì sao Việt Nam nộp hai báo cáo quốc gia xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam vượt quá 200 hải lý lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp quốc năm 2009?

Theo quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, quốc gia ven biển có quyền mở rộng thềm lục địa của mình ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, nếu thềm lục địa thực tế rộng hơn 200 hải lý. Quốc gia ven biển phải trình Báo cáo lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp quốc (Ủy ban RGTLĐ) do Công ước thành lập để xem xét và đưa ra khuyến nghị. Ý kiến của Ủy ban RGTLĐ là ý kiến cuối cùng và có giá trị bắt buộc.

Hội nghị lần thứ 11 các nước thành viên Công ước 1982 họp từ ngày 14 đến 18/5/2001 đã quyết định: đối với các nước thành viên mà Công ước 1982 có hiệu lực trước ngày 13/5/1999 thì thời hạn 10 năm sẽ được tính từ ngày này, và sẽ là ngày 13/5/2009. Nếu sau thời hạn 10 năm mà quốc gia ven biển không nộp báo cáo (đầy đủ hay sơ bộ) thì coi như quốc gia đó không có yêu cầu và từ bỏ quyền của mình đối với thềm lục địa mở rộng quá 200 hải lý.

Để mở rộng thềm lục địa vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, Việt Nam phải nộp Báo cáo quốc gia lên Ủy ban RGTLĐ của Liên Hợp quốc, trong đó nêu rõ các bằng chứng khoa học, địa chất, địa mạo để chứng minh. Nếu sau ngày 13/5/2009 Việt Nam không nộp Báo cáo quốc gia thì sẽ mất quyền mở rộng ranh giới thềm lục địa.

Đầu tháng 5/2009, Việt Nam nộp Báo cáo chung với Ma-lai-xia về khu vực thềm lục địa mở rộng ở phía Nam Biển Đông và Báo cáo riêng của Việt Nam về khu vực thềm lục địa ở khu vực phía Bắc.

Quan điểm pháp lý cơ bản trong Báo cáo quốc gia của Việt Nam là khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển và thềm lục địa theo quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982; tuân thủ Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và tôn trọng các điều ước, hiệp định quốc tế về phân định biển đã được ký kết giữa các nước liên quan; Báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa không ảnh hưởng đến việc phân định biển giữa Việt Nam và các nước liên quan sau này.

Trong các ngày 27 và 28/8/2009, Việt Nam đã trình bày hai Báo cáo này tại Ủy ban RGTLĐ, đồng thời đề nghị Ủy ban thành lập các Tiểu ban để xem xét Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo đúng các quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như Quy tắc hoạt động của Ủy ban, bảo đảm các quyền và nghĩa vụ chính đáng của quốc gia ven biển.

Việc Việt Nam nộp và trình bày tại Ủy ban RGTLĐ các Báo cáo quốc gia xác định Ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với các quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và để thực hiện quyền của một quốc gia thành viên, như nhiều quốc gia thành viên khác đã làm.



Sơ đồ Ranh giới thềm lục địa Việt Nam vượt quá 200 hải lý tại khu vực phía Bắc Biển Đông.


Sơ đồ Ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý tại khu vực xây dựng Báo cáo chung Việt Nam - Ma-lai-xia.





51


Khái niệm đảo và các bãi cạn nửa nổi nửa chìm được hiểu như thế nào? Chế độ pháp lý của chúng?

Điều 121 của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 định nghĩa “một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước”.

Điều 13 của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 định nghĩa “các bãi cạn nửa nổi nửa chìm là các vùng đất nhô cao tự nhiên có biển bao quanh, khi thủy triều xuống thấp thì lộ ra, khi thủy triều lên cao thì bị ngập nước”

Chế độ pháp lý của đảo: Các đảo có lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo đúng các quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác. Các đảo đá “không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”.

Chế độ pháp lý của các bãi cạn nửa nổi nửa chìm: Các bãi này đóng vai trò nhất định trong việc vạch đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Khi toàn bộ hoặc một phần bãi cạn nửa nổi nửa chìm ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng lãnh hải thì ngấn nước triều thấp nhất ở trên các bãi cạn này có thể được dùng làm đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải; khi nó hoàn toàn ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách vượt quá chiều rộng của lãnh hải thì chúng không có lãnh hải riêng và các đường cơ sở thẳng chỉ được kéo đến hay xuất phát từ các bãi này khi trên đó có những đèn biển hoặc các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước và việc vạch các đường cơ sở đó được sự thừa nhận chung của quốc tế.



52


Khái niệm Quốc gia quần đảo, quần đảo theo quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982?

Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 đã dành một phần (Phần IV), gồm các điều 46, 47, 48, 49, 50, 51, 52, 53, 54, để quy định về phạm vi và chế độ pháp lý của Quốc gia quần đảo và quần đảo. Theo đó, Quốc gia quần đảo là Quốc gia hoàn toàn được cấu thành bởi một hay nhiều quần đảo và có thể bao gồm một số đảo khác nữa. Còn quần đảo là một nhóm các đảo, kể cả các bộ phận của các đảo, các vùng nước nối giữa và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau chặt chẽ đến mức tạo thành một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử.

Nội dung quan trọng nhất là tại Điều 47, Công ước quy định về Đường cơ sở quần đảo: Quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá nổi xa nhất của quần đảo, với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỷ lệ diện tích nước so với đất, kể cả vành đai san hô, phải ở giữa tỷ số 1/1 và 9/1. Chiều dài của các đường cơ sở này không vượt quá 100 hải lý; hoặc có thể có chiều dài tối đa là 125 hải lý, nếu có 3% tổng số đường cơ sở bao quanh một quần đảo có chiều dài lớn hơn 100 hải lý; tuyến các đường cơ sở này không được tách xa rõ rệt đường bao quanh quần đảo. Các đường cơ sở này cũng không được kéo đến hay xuất phát từ các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm, trừ trường hợp trên đó có xây các đèn biển hay các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước hoặc trừ trường hợp toàn bộ hay một phần bãi cạn ở cách hòn đảo gần nhất một khoảng cách không vượt quá chiều rộng lãnh hải… Với những nội dung này thì rõ ràng Công ước chỉ quy định cách vạch đường cơ sở thẳng cho Quốc gia quần đảo, chứ không quy định cách vạch đường cơ sở cho các quần đảo không phải là quốc gia quần đảo. Điều đó được hiểu là cách vạch đường cơ sở tại các quần đảo thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển ở cách quốc gia đó một khoảng cách vượt quá chiều rộng lãnh hải thì sẽ phải tuân thủ các quy định tại Phần VIII, Điều 121: Chế độ các đảo.

Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng phải tuân thủ quy định này của Công ước để vạch đường cơ sở và xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của chúng.

53


Các nhà giàn DK1 của Việt Nam đã được xây dựng trên các bãi ngầm nằm trong vùng đặc quyền về kinh tế và trên thềm lục địa Việt Nam có theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 không? Phạm vi và quy chế bảo vệ, quản lý các công trình này như thế nào?

Điều 60, Công ước Luật Biển 1982, đã quy định: Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có đặc quyền tiến hành xây dựng, khai thác và sử dụng: các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình dùng vào mục đích được trù định ở Điều 56 hoặc các mục đích kinh tế khác… Quốc gia ven biển có quyền tài phán đặc biệt đối với các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình đó, kể cả quyền tài phán về luật và quy định hải quan, thuế khóa, y tế, an ninh và nhập cư.

Việc xây dựng các đảo nhân tạo và các công trình đó phải được thông báo theo đúng thủ tục, phải có các phương tiện thường trực để báo hiệu sự tồn tại của chúng. Nếu các thiết bị đó đã bỏ hoặc không dùng nữa thì phải tháo dỡ để đảm bảo an toàn hàng hải…

Quốc gia ven biển có thể lập ra xung quanh các công trình đó những khu vực an toàn có phạm vi không vượt quá 500 m xung quanh chúng tính từ mỗi điểm của mép ngoài cùng của các công trình và đều phải được thông báo theo đúng thủ tục. Tất cả các tàu thuyền phải tôn trọng các khu vực an toàn đó và tuân theo các quy phạm quốc tế liên quan đến hàng hải trong khu vực gần các công trình và các khu vực an toàn đó.

Tuy nhiên không được xây dựng các công trình nhân tạo và lập các khu vực an toàn xung quanh chúng ở nơi có nguy cơ gây trở ngại cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế.

Các công trình nhân tạo này không được hưởng quy chế các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự hiện diện của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Việc xây dựng và bảo vệ các công trình nhân tạo trên thềm lục địa cũng phải tuân thủ các quy định nói trên, với những sửa đổi cần thiết về chi tiết (mutatis mutandis).

Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng được 15 nhà giàn DK1 trên các bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam như: bãi Phúc Tần, Phúc Nguyên, Tư Chính, Quế Đường, Vũng Mây, Huyền Trân. Việt Nam đang sử dụng chúng vào những mục đích kinh tế, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển, thăm dò khai thác tài nguyên dầu khí theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam không cố ý biến các bãi cạn này thành các đảo nổi và cố tình gán ghép chúng trở thành một bộ phận của quần đảo Trường Sa. Việt Nam cho rằng mọi hành vi cố ý và gán ghép đó là hoàn toàn sai trái trong việc giải thích và áp dụng Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cần phải lên án, bác bỏ.


54


Khái niệm và chế độ pháp lý của vùng biển quốc tế (Biển cả)?

Điều 3 Luật Biển Việt Nam về giải thích từ ngữ có quy địnhVùng biển quốc tế là tất cả các vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các quốc gia khác, nhưng không bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển”.

Tuy nhiên, trong Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 không có khái niệm “vùng biển quốc tế” mà chỉ có khái niệm “Biển cả” được quy định chi tiết tại phần VII của Công ước. Điều 86 của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 quy định biển cả là “tất cả những vùng biển không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của quốc gia cũng như không nằm trong  vùng nước quần đảo của một quốc gia quần đảo”. Do vậy, thuật ngữ “vùng biển quốc tế” (theo Luật biển Việt Nam) hay “biển cả” (theo Công ước) chỉ là một và được áp dụng đối với cột nước bên trên đáy và lòng đất đáy đại dương.

Chế độ pháp lý của vùng biển quốc tế (biển cả) là tự do biển cả, nghĩa là tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển, đều được phép sử dụng vùng biển quốc tế. Quyền tự do trên biển (điều 87 của Công ước) bao gồm: Tự do hàng hải; tự do hàng không; tự do đặt các dây cáp hoặc ống dẫn ngầm với điều kiện tuân thủ phần VI (về thềm lục địa); tự do xây dựng các đảo nhân tạo hoặc các thiết bị khác được pháp luật quốc tế cho phép, với điều kiện tuân thủ phần VI (về thềm lục địa); tự do đánh bắt hải sản; tự do nghiên cứu khoa học với điều kiện tuân thủ các phần VI (về thềm lục địa) và VIII (chế độ các đảo).

Công ước cũng lưu ý mỗi quốc gia khi thực hiện các quyền tự do biển cả phải tính đến lợi ích của việc thực hiện quyền tự do trên vùng biển quốc tế của các quốc gia khác (khoản 2 điều 87).



55


Quy chế pháp lý của Vùng theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982?

Điều 1 Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 định nghĩa rõ thuật ngữ “Vùng” là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài giới hạn quyền tài phán quốc gia” (có thể hiểu là nằm bên ngoài thềm lục địa của quốc gia ven biển). Vùng và tài nguyên của nó là di sản chung của loài người (điều 136 của Công ước) và do vậy “không một quốc gia nào có thể đòi hỏi thực hiện chủ quyền hay các quyền chủ quyền ở một bộ phận nào đó của Vùng hoặc đối với tài nguyên của Vùng; không một quốc gia nào và không một tự nhiên nhân hay pháp nhân nào có thể chiếm đoạt bất cứ một phần nào đó của Vùng hoặc tài nguyên của Vùng. Không một yêu sách, một việc thực hiện chủ quyền hay các quyền thuộc chủ quyền nào, cũng như không một hành động chiếm đoạt nào được thừa nhận” (khoản 1 điều 137 của Công ước).

Tất cả các di vật khảo cổ và lịch sử tìm thấy trong Vùng, đều được bảo tồn hay nhượng lại, vì lợi ích của toàn thể loài người (điều 149). Mọi hoạt động trong Vùng được tiến hành là vì lợi ích của toàn thể loài người, không phụ thuộc vào vị trí địa lý của các quốc gia.

Việc thăm dò và khai thác tài nguyên của Vùng được tiến hành thông qua Cơ quan quyền lực (the Authority) (điều 137), được hiểu là cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương (trụ sở ở Jamaica). Cơ quan này đảm bảo việc phân chia công bằng những lợi ích tài chính và kinh tế do các hoạt động được tiến hành trong Vùng.

Cơ quan quyền lực có quyền định ra các quy tắc, quy định cũng như các thủ tục thích hợp cho việc sử dụng Vùng vào mục đích hoà bình, cho việc nghiên cứu khoa học biển, chuyển giao kỹ thuật, bảo vệ môi trường biển, bảo vệ sự sống của con người.

Cơ cấu tổ chức của cơ quan quyền lực được quy định cụ thể, chi tiết hơn trong Thoả thuận liên quan đến việc thực hiện Phần XI (Vùng) của Công ước, có hiệu lực ngày 28/7/1996 và được coi là một bộ phận của Công ước.

56


Các quốc gia không có biển được hưởng những quyền gì trên biển?

Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 dành hẳn một phần (Phần X) và 9 điều (từ điều 124 đến điều 132) để quy định về quyền của quốc gia không có biển đi ra biển và từ biển vào, và tự do quá cảnh. Theo đó, quốc gia không có biển có nghĩa là mọi quốc gia không có bờ biển.

Các quốc gia không có biển có quyền đi ra biển và đi từ biển vào để sử dụng các quyền được trù định trong Công ước, kể cả các quyền liên quan đến tự do trên biển cả và liên quan đến di sản chung của loài người. Vì mục đích ấy, các quốc gia đó được hưởng tự do quá cảnh qua lãnh thổ của các quốc gia quá cảnh bằng mọi phương tiện vận chuyển (khoản 1 điều 125). Việc vận chuyển quá cảnh không phải nộp thuế quan, thuế hay mọi khoản lệ phí khác, ngoài các khoản thuế trả cho các dịch vụ đặc biệt liên quan đến việc vận chuyển đó (khoản 1 điều 127).

Quốc gia không có biển thực hiện quyền đi ra biển thông qua những thỏa thuận tay đôi, phân khu vực hay khu vực với quốc gia quá cảnh. Quốc gia không có biển có quyền có hạm đội treo cờ của mình. Trong các cảng biển, tàu mang cờ của quốc gia không có biển được hưởng sự đối xử bình đẳng như các tàu nước ngoài khác.

Quốc gia quá cảnh là quốc gia có hay không có bờ biển, ở giữa một quốc gia không có biển và biển, mà việc vận chuyển quá cảnh phải đi qua quốc gia đó (tiểu mục mục b, khoản 1 điều 124). Quốc gia quá cảnh có quyền định ra mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng, các quyền và điều kiện thuận lợi được quy định vì lợi ích của quốc gia không có biển và không hề đụng chạm đến các quyền lợi chính đáng của quốc gia quá cảnh.

Ngoài ra, điều 69 của Công ước cũng quy định quốc gia không có biển có quyền tham gia khai thác một phần thích hợp số dư các tài nguyên sinh vật của các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển trong vùng một phần khu vực hoặc khu vực, theo một thể thức công bằng, có tính đến các đặc điểm kinh tế và địa lý thích đáng của tất cả các quốc gia hữu quan theo đúng điều này và các điều 61, 62 của Công ước (liên quan đến việc bảo tồn các nguồn lợi sinh vật và khai thác các tài nguyên sinh vật).

57


Chủ quyền quốc gia trên biển giảm dần từ đất liền hướng ra biển như thế nào?

Theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các vùng biển của quốc gia ven biển theo thứ tự xa dần đất liền bao gồm: trên bề mặt có nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và ở dưới đáy có thềm lục địa.


Каталог: 2014
2014 -> -
2014 -> Năng suất lao động trong nông nghiệp: Vấn đề và giải pháp Giới thiệu
2014 -> QUẢn lý nuôi trồng thủy sản dựa vào cộng đỒNG
2014 -> CÔng ty cổ phần autiva (autiva. Jsc)
2014 -> CÙng với mẹ maria chúng ta về BÊn thánh thể with mary, we come before the eucharist cấp II thiếU – camp leader level II search
2014 -> Part d. Writing 0 points)
2014 -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
2014 -> Mẫu số 01. Đơn xin giao đất/cho thuê đất/cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
2014 -> Biểu số: 22a/btp/cn-tn
2014 -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam thành phố HỒ chí minh độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 1.33 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương