Mục lục Chính trị-Thời sự



tải về 395.96 Kb.
trang3/6
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích395.96 Kb.
#12839
1   2   3   4   5   6

Nguyễn Ngô Việt

(theo “Three Faces of the National Hero,

Statues of Kossuth in the United States”

của Fejos Zoltán, Giám đốc Viện Bảo tàng dân tộc Hungary,

The Hungarian Quarterly, No. 156.)

Kinh tế xã hội

Kinh tế Hungary: bức tranh sáng nhất khu vực

Với diện tích hơn 93 nghìn cây số vuông, dân số trên 10 triệu người, thị trường Hungary được coi là khá nhỏ bé trong khu vực, nhưng lại là nền kinh tế lớn thứ 3 ở Đông Âu ( với Tổng sản phẩm quốc nội, GDP 45,6 tỷ USD), chỉ đứng sau Ba Lan (157 tỷ USD) và CH Séc (50,7 tỷ USD). Còn GDP tính theo đầu người, Hungary đạt 4.540 USD ( trên 9.000 USD, tính theo giá sức mua tương đương, ppp) chỉ sau Slovenia và CH Séc.



Về tăng trưởng kinh tế, sau khi thoát khỏi suy thoái vào năm 1993, nền kinh tế Hungary luôn duy trì được mức tăng trưởng khá cao và ổn định. Trong khoảng thời gian 1996-2000, mức tăng trưởng trung bình đạt 4%, năm 2000 đạt 5,2%. Năm 2001, mặc dù chịu ảnh hưởng của sự suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là của các Trung tâm kinh tế lớn như Mỹ, EU và Nhật Bản, cũng như của sự kiện 11-9 ở Mỹ, nhưng kinh tế Hungary vẫn giữ được mức tăng trưởng khá, 3,8%. Theo dự đoán, năm 2002, trong bối cảnh kinh tế thế giới chứa đựng nhiều bất ổn, kinh tế Hungary có thể đạt mức tăng trưởng khiêm tốn hơn, 3,4% và 2003 có thể sẽ trở lại mức tăng trưởng 4,2%, vượt mức trung bình 5 năm trước (1997-2001). Nhờ sự tăng trưởng kinh tế liên tục và khá ổn định trên đây, năm 1998, kinh tế Hungary đã đạt và vượt mức trước khi chuyển đổi hệ thống, trong khi nhiều nước Đông Âu khác mới đạt 70-80% mức GDP năm 1990 và tất cả các nước thuộc Liên Xô cũ còn lâu mới đạt được mức năm 1990 (nước đạt mức thấp nhất là Moldova, 34%, nước đạt mức cao nhất là Ubekistan, 93%, Nga cũng chỉ mới đạt 59% GDP năm 1990).

Cùng với tăng trưởng kinh tế, các chỉ số kinh tế vĩ mô khác như lạm phát, thất nghiệp, nợ nước ngoài và cân đối ngân sách chính phủ cũng không ngừng được cải thiện. Trong khoảng thời gian từ 1997 đến 2001, mức lạm phát trung bình là 12,3%, năm 2001 là 9,2%, cuối năm 2001 giảm xuống còn 6,8% trong khi nhiều nền kinh tế Trung Đông Âu khác vẫn còn ở mức hai con số, chẳng hạn, tỷ lệ này năm 2001 ở Rumania là 34,5%, ở Nga là 21,6%. Tỷ lệ lạm phát ở Hungary giảm có liên quan đến việc chính phủ Hungary thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tài chính-tiền tệ chặt chẽ.

Tỷ lệ thất nghiệp từ hai con số đầu những năm 90 đã giảm liên tục trong suốt 5 năm trở lại đây, năm 2001 tỷ lệ thất nghiệp ở Hungary chỉ còn chiếm 5,6% lực lượng lao động, một tỷ lệ không phải các nước Đông Âu nào cũng có được, thậm chí, tỷ lệ này còn thấp hơn cả ở một số nước thành viên EU (năm nay, người ta dự đoán tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp có thể lên đến mức 9,8%).

Tình hình thiếu hụt ngân sách chính phủ cũng được cải thiện cơ bản, từ chỗ thiếu hụt tới gần 5,5% GDP nay giảm xuống chỉ còn 2,8%, một tỷ lệ được EU đánh giá là thành công.

Nợ nước ngoài của Hungary trong những năm gần đây lên đến 61-62% GDP, khoảng 29 tỷ USD, vượt giá trị xuất khẩu hàng năm của Hungary khoảng 3-4 tỷ USD. ở các nước Đông Âu khác, chẳng hạn như ở Ba Lan , tỷ lệ nợ nước ngoài so với GDP thấp hơn, nhưng lại vượt giá trị xuất khẩu tới 30 tỷ USD. Điều này cho thấy, khả năng trả nợ của Hungary được đảm bảo chắc chắn hơn so với Ba Lan.

Một trong những lĩnh vực thành công nhất của nền kinh tế Hungary trong những năm gần đây là xuất khẩu. Năm 2001, giá trị tổng xuất khẩu đã đạt tới 60% GDP, tăng gần gấp đôi so với năm 1991 (30,6%). Năm 2001, thị trường EU chiếm tới 75% tổng xuất khẩu (so với 30% năm 1990) và cung cấp tới 66% tổng nhập khẩu (so với 34,2% năm 1990) của Hungary, trong đó Đức chiếm tỷ trọng cao nhất.

Chính sách tư nhân hoá được tiếp tục thực hiện năm 1995 đã tạo đột phá mới trong nền kinh tế Hungary, bước ngoặt quyết định đưa Hungary sang kinh tế thị trường. Các cổ phần chính yếu trong nhiều ngành kinh tế quan trọng như Ngân hàng, viễn thông, điện tử...đã thuộc về chủ sở hữu tư nhân. Khu vực kinh tế tư nhân ở Hungary hiện đã đóng góp 80% GDP, tỷ lệ cao nhất khu vực Trung Đông Âu.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng nhanh và hiện đã đạt tới 23,5 tỷ USD, bằng 46% GDP. Luồng vốn FDI tính theo đầu người đã đạt khoảng 2.300 USD, vượt xa tất cả các nước Đông Âu còn lại. Đối với Hungary, FDI đã giữ vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định trong việc hiện đại hoá sản xuất trong nước và tái định hướng cơ cấu thương mại từ Đông sang Tây.

Quá trình chuyển đổi ở Hungary đã thúc đẩy sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế và cơ cấu ngành theo hướng hiện đại. Tỷ trọng công nghiệp trong GDP giảm mạnh, từ 42% năm 1988 xuống còn 32% năm 1996 và 34% hiện nay. Lao động công nghiệp hiện chỉ còn chiếm khoảng 27% lực lượng lao động so với tỷ lệ 31% giữa những năm 90. Mặc dù, giảm mạnh về tỷ trọng trong GDP, cũng như trong sử dụng lao động, nhưng công nghiệp Hungary lại thường xuyên tăng trưởng ở mức hai con số, đặc biệt là các ngành chế tạo đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Hungary trong những năm gần đây. Điều đáng chú ý là, Hungary đã tự mình thiết lập được những cơ sở sản xuất công nghiệp với tư cách như là những bộ phận cấu thành trong cơ cấu sản xuất chuyên môn hoá của EU.

Nông nghiệp vốn là thế mạnh của Hungary trong những năm trước chuyển đổi, đã từng sử dụng tới 20% lực lượng lao động, và chiếm khoảng 17-18% GDP. Nhưng hiện nay, ngành này chỉ còn chiếm 5% GDP và 6,2% lực lượng lao động, mức tương đương với nhiều nước phát triển ở châu Âu. Tuy nhiên, hiện có tới 36% dân số Hungary sống ở nông thôn.

Dịch vụ là ngành phát triển nhanh và năng động nhất trong nền kinh tế Hungary kể từ năm 1990. Hiện nay, ngành này đã chiếm tới 60% lao động và 62% GDP, so với khoảng 40% cuối những năm 80. Sự phát triển nhanh chóng của ngành dịch vụ đã đưa Hungary trở thành nền kinh tế dựa vào dịch vụ, tương tự như các nền kinh tế phát triển trong EU.

Bức tranh kinh tế Hungary ngày càng trở nên sáng sủa và được cộng đồng quốc tế thừa nhận là một trong những quốc gia chuyển đổi thành công nhất ở Đông Âu. Bằng chứng là, trong số 4 nước Đông Âu sẽ được gia nhập EU đợt đầu, Hungary được coi là nước chuẩn bị tốt nhất và hiện đã hội đủ điều kiện cần thiết để gia nhập EU. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thành công trong phát triển kinh tế của Hungary ở khu vực Đông Âu. ở đây chỉ xin nêu một số nguyên nhân quan trọng nhất. Bối cảnh của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là của EU diễn biến rất thuận lợi cho sự phát triển của các nền kinh tế chuyển đổi Đông Âu, đặc biệt là những nền kinh tế chủ động mở cửa hội nhập với thế giới bên ngoài. Trong những năm vừa qua, Hungary đã thành công trong việc tái định hướng phát triển kinh tế, chuyển từ gắn kết kinh tế với phương Đông sang mở cửa hội nhập vào phương Tây với trọng tâm là EU - khối liên kết kinh tế lớn nhất hành tinh. Sự gắn kết với EU đã tạo ra thế và lực mới cho nền kinh tế Hungary: vừa đẩy mạnh được xuất khẩu sang thị trường có đồng ngoại tệ mạnh, vừa thu hút được công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý châu Âu và vốn nước ngoài, trong đó có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thành tựu kinh tế trên đây không tách dời việc thực hiện các quyết sách lớn, đúng đắn của Chính phủ Hungary trong những năm chuyển đổi vừa qua và hiện đang phát huy tác dụng. Đó là chính sách tài chính-tiền tệ chặt chẽ, chính sách tư nhân hoá lớn, chính sách mở cửa hội nhập quốc tế...Các chính sách này đã được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân Hungary.

Nguyễn Văn Tâm

Viện Kinh tế Thế giới

Một vài nét phát triển kinh tế xã hội

của những vùng đô thị và nông thôn Hungary trong những năm cuối của thiên niên kỷ
Cuộc cải cách sau cuộc khủng hoảng chính trị năm 1990 đã tạo ra những thay đổi lớn lao trong cơ cấu thành thị và nông thôn Hungary. Cơ cấu mới cho thấy sự bất bình đẳng tăng lên, khả năng cạnh tranh quốc tế lớn hơn và sự bắt đầu hội nhập vào hệ thống đô thị và khu vực của châu Âu. Nó được hình thành bởi hai yếu tố cơ bản: quá trình cải cách thời hậu xã hội chủ nghĩa và những xu hướng toàn cầu hoá của những năm 1990.

Hơn một thập kỷ qua đã tạo ra các điều kiện mới cả về định hướng hoạt động kinh tế cũng như việc quản lý sự phát triển đô thị (bằng cách thiết lập một nền kinh tế thị trường dựa trên sở hữu tư nhân và đưa vào hệ thống chính quyền các cấp địa phương được bầu và kiểm soát một cách dân chủ). Cải cách kinh tế, sự chuyển đổi từ một nền kinh tế công nghiệp sang một nền kinh tế tri thức hậu công nghiệp được bắt đầu ở các nước phương Tây từ những năm 1970, đã xuất hiện ở Hungary đầu những năm 1990. Mặc dù thời gian không nhiều và phải trả giá lớn về chi phí xã hội nhưng cuộc cải cách này đã thành công. Sự thành công kinh tế thể hiện rõ nhất trong sự tăng trưởng kinh tế nhanh và liên tục (GDP tăng hàng năm 5-6% kể từ năm 1997).

Luật Chính quyền địa phương năm 1990 đã xoá bỏ hệ thống hội đồng theo mô hình kiểu Liên Xô trước đây và đảm bảo tính tự quản của các chính quyền địa phương. Chất lượng quản lý của các chính quyền địa phương đã nâng cao khả năng cạnh tranh của từng tỉnh trong việc thu hút đầu tư, du lịch, hay dịch vụ. Nói tóm lại, quá trình cải cách này chỉ trong vài năm đã tạo ra được các xu hướng phát triển của các địa phương tương tự như ở Tây Âu.

Đồng thời, quá trình phát triển ở Hungary cũng bị ảnh hưởng bởi xu thế toàn cầu hoá của những năm 1990. Xu thế này đã làm các địa phương của Hungary phải đối mặt với cạnh tranh toàn cầu và khu vực. Sự thống nhất giữa các đảng phái chính trị về sự hoà nhập vào châu Âu cùng với những sự chuẩn bị gia nhập EU đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xâm nhập và hấp thụ các yếu tố kinh tế mới.

Tất cả những sự thay đổi cực kỳ nhanh này đã tạo gánh nặng lên vai những người dân Hungary. Sau những thập kỷ mà bây giờ được coi là gần như trì trệ, nhiều người đã không đáp ứng được sự thay đổi tận gốc rễ này cũng như với nhu cầu phải liên tục đào tạo và tái đào tạo.

Những thay đổi của những năm 1990 rất lớn. Cơ sở kinh tế của hệ thống đô thị (công nghiệp truyền thống) đã bị sụp đổ đầu những năm 1990. Giữa những năm 1990 và 1993, GDP giảm 20%, sản lượng nông nghiệp giảm 30%. Một phần ba dân số trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Những tổn thất này tương đương những tổn thất kinh tế mà Thế chiến thứ II gây ra và thời gian phục hồi lâu hơn. Nền kinh tế đã được xây dựng lại nhưng giờ đây với cơ cấu hoàn toàn khác vì nó hoạt động theo cách khác và định hướng cũng đã thay đổi. Hungary hiện nay có một bản đồ địa lý kinh tế hoàn toàn khác.

Sự bất bình đẳng giữa các tỉnh thường được đo bằng các chỉ số kinh tế. Sự tồn tại của sự bất bình đẳng giữa các tỉnh rất rõ ràng. Giờ đây rõ ràng là độ phì nhiêu của đất có ảnh hưởng hạn chế, trong khi trước kia đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế nông nghiệp. Hiện nay, trong kỷ nguyên kinh tế tri thức của chúng ta, chất lượng lực lượng lao động là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công.

Sự bất bình đẳng giữa các vùng, được đo bằng GDP trên đầu người hay theo từng tỉnh không thay đổi nhiều. Tổng cục thống kê năm 1978 ước lượng rằng chênh lệch giữa tỉnh có GDP trên đầu người cao nhất và thấp nhất là 2,5 lần. 20 năm sau, tỷ lệ này hầu như vẫn không đổi. Về kết quả kinh tế, sự thay đổi ở cấp vùng nổi bật nhất là kết quả ngoạn mục của vùng đô thị lớn Budapest, tạo ra khoảng cách ngày càng tăng giữa thủ đô và các địa phương còn lại.

Sau Thế chiến thứ II, tình hình này đã thay đổi trong các nền kinh tế thị trường châu Âu: khoảng cách giữa thành thị và nông thôn đã dần dần được thu hẹp. Quá trình cân bằng hoá này diễn ra chậm chạp ở các nước Đông Âu. Đã có cải thiện nhiều trong các lĩnh vực như giáo dục, lao động, nhà ở và các dịch vụ cộng đồng nhưng khoảng cách lớn vẫn tồn tại trong lĩnh vực giao thông, vận tải, truyền thông và thương mại. Những thanh niên được đào tạo rời bỏ nông thôn và cuộc sống truyền thống ở nông thôn (ví dụ gắn chặt vào nghề nông, tự cung tự cấp lương thực) vẫn rất phổ biến. Ngay cả các vùng ngoại ô của các đô thị lớn vẫn duy trì đặc tính truyền thống, bán nông thôn của mình. Chính nền kinh tế nông thôn bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quá trình cải cách, nông thôn Hungary đã không sẵn sàng tham gia vào môi trường cạnh tranh mới này. Trong những năm 1990, các xu thế kinh tế thế giới khắp mọi nơi đều mang lại ưu thế cho các thành phố lớn và các vùng nông thôn lạc hậu là những nơi bị tổn thất nhiều nhất. Tỷ lệ thất nghiệp ở vùng nông thôn đặc biệt cao và nhiều gia đình nông thôn phải sống nhờ trợ cấp.

Quá trình cải cách cũng đã đẩy các thành phố vào tình thế cạnh tranh và phải đối mặt với cải cách kinh tế nhanh chóng. Vào cuối những năm 1990, đã có thể phân biệt được những nơi thành công và thất bại trong quá trình này. Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy vùng đô thị lớn Budapest có kết quả hoạt động rất ngoạn mục, có hệ thống kinh tế hiện đại hoá nhanh, và mức độ tập trung cao các phương tiện dịch vụ chất lượng cao. Nhiều tỉnh phố chỉ trong một vài năm đã thích ứng tốt và hồi phục từ cuộc khủng hoảng cải cách. Khả năng cạnh tranh được hỗ trợ chủ yếu bởi chất lượng lực lượng lao động ở địa phương, môi trường kinh doanh của bản thân tỉnh phố, và khả năng tiếp cận. Các tỉnh phố vừa và nhỏ bị khủng hoảng trầm trọng đầu những năm 1990. Hai phần ba các tỉnh phố này lúc đó được coi là kém phát triển. Đó là thời kỳ mà ngành công nghiệp sở hữu nhà nước bị sụp đổ, các hợp tác xã bị giải thể còn quá trình tư nhân hoá và đầu tư trực tiếp của nước ngoài mới bắt đầu. Những chức năng kinh tế yếu kém chưa được thay thế bằng các yếu tố đổi mới sáng tạo. Chỉ trong một vài năm, phần lớn các thành phố này đã trỗi dậy thành công từ cuộc khủng hoảng, chủ yếu do cải cách công nghiệp.

Sự mở cửa chính trị và sự cải thiện liên tục cơ sở hạ tầng xuyên biên giới đã có ảnh hưởng cơ bản đến sự phát triển các vùng đô thị và nông thôn. Với diện tích hẹp (93.000 km2) Hungary có 7 nước láng giềng (Austria, Slovakia, Ukraine, Romania, Nam Tư, Croatia, và Slovenia). Trong thực tế, điều này có nghĩa là các mối các mối quan hệ kinh tế và văn hoá liên quan đến bảy hệ thống pháp luật, bảy truyền thống, bảy cơ cấu và mức phát triển kinh tế khác nhau. 14 trong số 19 tỉnh của Hungary có biên giới với nước ngoài và không có một địa phương nào của Hungary cách biên giới nước ngoài trên 100 km. Không quá phóng đại nếu nói rằng toàn bộ lãnh thổ Hungary (giống như nhiều nước nhỏ của châu Âu) có thể coi là vùng biên giới.

Giữa hai cuộc thế chiến, các mối quan hệ xuyên biên giới phát triển yếu do các mối quan hệ chính trị của Hung với các nước láng giềng. Trong thời kỳ Hungary thuộc khối xã hội chủ nghĩa, việc đi lại qua biên giới rất khó khăn, ngay cả với các nước xã hội chủ nghĩa khác. Sau năm 1990, việc mở cửa biên giới đã tái thiết lập nhiều mối quan hệ xuyên biên giới và giúp phát triển các mối quan hệ mới. Kết quả ngoạn mục nhất là việc phục hồi trục đường Budapest-Vienna. Sự phát triển của các vùng xuyên biên giới cũng đầy hứa hẹn. Chúng được xây dựng theo mô hình của các vùng châu Âu và được sự hỗ trợ mạnh mẽ của chương trình hợp tác xuyên biên giới (CBC) của EU. Về mặt kinh tế, chương trình phát triển vùng Burgenland-Tây Hungary là thành công nhất. Về mặt chính trị, chương trình Tisza-Maros là thú vị nhất, trong đó các khu vực của Hungary, Romania, Nam Tư đều thoả thuận hợp tác chặt chẽ. Mặc dù việc vẽ lại bản đồ biên giới quốc gia thường xuyên là một vấn đề gây nhiều tranh chấp ở Đông Nam châu Âu, các chính phủ của Hungary từ năm 1990 đã rất thực tế trong việc ký các hiệp định với các nước láng giềng liên quan đến việc công nhận biên giới hiện hành. Sự hợp tác xuyên biên giới càng thuận lợi hơn nhờ có hơn 3 triệu người Hung sống ở nước ngoài.

Budapest có các truyền thống mạnh mẽ về cuộc sống đa văn hoá, làm cho việc chấp nhận người nước ngoài trở nên dễ dàng. Bốn thế hệ trước đây (trong những năm 1870) chỉ có một nửa dân Budapest nói tiếng Hung. Ngay cả hiện nay, người ta cho rằng mọi người trên đường phố hay trong khu nhà ở của bạn nói các thứ tiếng khác. Tuy nhiên, có một số khó khăn ở đây, vì có một số đặc điểm mới: sự hiện diện của những người tị nạn và những người di cư không phải gốc châu Âu. Chính sách nghiêm khắc của EU về nhập cư cũng có ảnh hưởng (Hungary là vùng đệm giữa EU, Đông Âu, và vùng Balkan. Xét về tổng thể, người Budapest sống một cách dễ dàng với thực tế là thành phố cổng quốc tế này đã từ lâu thu hút người nước ngoài và thậm chí cả những người thường trú lâu dài.

Đã có sự xác định lại hệ thốn địa phương trong những năm 1990. Luật Chính quyền địa phương (1990) đã trao nhiều quyền cho cấp địa phương (các huyện); do đó nó trở thành nguồn cho nhiều sáng kiến từ dưới lên trong sự phát triển của địa phương, huy động các nguồn lực địa phương và tạo động lực quan trọng cho việc tăng cường dân chủ

Hiện nay, hệ thống chính quyền địa phương bao gồm 19 thành phố có thẩm quyền hạn chế (cưa tính các cấp huyện, xã); các văn phòng tỉnh của các Bộ; 7 vùng và các hội đồng phát triển vùng không có các tổ chức được bầu ra hay thẩm quyền trong các cơ quan hành chính công, được thiết lập chỉ với mục đích phát triển vùng.

Do không có bản sắc vùng và áp lực vùng ở Hungary nên việc thiết lập các vùng chỉ đơn thuần là quyết định về mặt chính sách. Sáu trong bảy vùng, mỗi vùng gồm ba tỉnh (ranh giới các tỉnh vẫn giữ nguyên), và vùng thứ bảy là Budapest (Budapest và tỉnh Budapest). Vẫn còn nhiều điều không chắc chắn tron sự phát triển của các vùng. Thứ nhất, ranh giới và thủ phủ của chúng vẫn chưa xác định xong. Một câu hỏi chưa giải quyết là mối quan hệ giữa các tỉnh và vùng. Liệu các vùng này có trở thành đơn vị dưới cấp quốc gia cùng với các tỉnh không; liệu chúng có thay các tỉnh hay các tỉnh vẫn là các đơn vị hành chính dưới cấp quốc gia và các vùng chỉ đơn giản thực hiện một số chức năng nhất định (như kế hoạch hoá vùng)? Tất cả các phương án này đều có thể và những thay đổi càng nhỏ thì khả năng có sự phản kháng từ phía các tỉnh sẽ càng ít.


Nguyễn Ngô Việt

(theo tạp chí The Hungarian Quarterly)


Khoa học - Giáo dục

nhà toán học bolyai János

(kỷ niệm 200 năm ngày sinh)
Bolyai Farkas và Bolyai János là hai cha con, hai nhà toán học thiên tài của Hungary. Cuộc đời của họ buồn tẻ, cay đắng nhưng những thành tích khoa học đã làm cho tên tuổi họ trở thành bất diệt.

Bolyai Farkas sinh năm 1775. Ông theo học ở trường đại học Goettingen và bắt đầu nghiên cứu về hình học ở đó. Và cũng ở đó ông quen thân với anh sinh viên Đức Gauss, người sau này trở thành nhà toán học nổi tiếng thế giới.

Trở về nước, Farkas dạy toán, lí, hoá trong 47 năm liền. Ông rất ham thích toán học và đặc biệt trong bao năm ròng tìm mọi cách để chứng minh tiên đề về đường song song của Ơclit. Cũng như bao người khác, ông không thành công, nhưng sự bền bỉ kiên nhẫn của ông ít người sánh kịp. Ngoài ra ông còn nghiên cứu thành công nhiều vấn đề kĩ thuật thực tế, viết kịch, tìm hiểu ngôn ngữ, hoạ và nhạc. Nhờ lòng say mê khoa học và tài năng của mình ông đạt được nhiều kết quả khoa học. Nhưng gặp nhiều rủi ro, mãi đến 55 tuổi tác phẩm toán học đầu tiên của ông mới được xuất bản. Trong cuốn sách đó ông trình bày những nhận xét rất sâu sắc, độc đáo và thận trọng, được Gauss đánh giá cao.

Bolyai János sinh năm 1802. Thừa hưởng trí thông minh và lòng ham thích toán học của cha, năm 4 tuổi cậu bé đã biết nhiều hình hình học. Năm lên 6 tuổi của bé đã học tiếng latinh và hiểu biết ít nhiều về thiên văn, năm 7 tuổi đã học tiếng Đức. Cậu bé rất thích chơi vĩ cầm, nhưng toán học vẫn hấp dẫn hơn cả.

Năm 16 tuổi János xin vào học viện kĩ thuật quân sự Viên. Bốn năm sau anh tốt nghiệp với thành tích xuất sắc. Một năm sau anh được phong hàm thiếu uý. Nhưng anh không màng tới chức vụ, danh vọng mà chỉ chuyên tâm về toán học.

Từ khi còn nhỏ János đã nghe cha nói về tiên đề đường song song. Anh cố gắng tìm cách chứng minh trực tiếp hoặc gián tiếp tiên đề đó. Đầu tiên anh giới hạn trong hình học phẳng, sau mở rộng ra hình học không gian. Vấn đề ngày càng rõ ràng hơn, và cuối cùng anh đi đến kết luận rằng không thể chứng minh được tiên đề này.

Trong một đêm thức trắng Bolyai János tìm ra được mối liên hệ giữa khoảng cách các đường song song và “góc song song”. Từ kết quả này anh nghiên cứu sâu thêm và xây dựng nên hình học phi Ơclit (hình học hypebôlic). Trong hình học này János nêu lên nhiều định lí mới. Anh xác định rằng nếu tổng các góc trong của một tam giác nhỏ hơn hai góc vuông thì qua một điểm ngoài một đường thẳng có thể kẻ được hai đường song song và vô số đường thẳng không cắt đường thẳng đã cho. Tổng các góc của tam giác phụ thuộc vào diện tích tam giác, và có một tam giác giới hạn là tam giác có diện tích lớn nhất.

Năm 1823 chàng thanh niên 21 tuổi Bolyai János viết thư cho cha, đầy hi vọng và vui sướng: “Từ tay không con đã tạo ra cả một thế giới”. Năm 1832 anh cho in công trình của mình vào cuối một cuốn sách của cha, dưới hình thức phụ lục. Người cha gửi tác phẩm đó cho Gauss. Trong thư trả lời Gauss rất khen ngợi tài năng của János, nhưng nói rằng ông ta cũng đạt được những kết quả tương tự, Và bao nhiêu năm sau ông ta vẫn im lặng về phát minh xuất sắc này. Việc đó làm János đau khổ và bực tức.

Ban đầu Farkas không tin rằng con trai mình lại có thể giải quyết được vấn đề mà 22 thế kỉ nay chưa ai làm nổi. Nhưng về sau ông hiểu được giá trị công trình của con ông. Không phải tình thương yêu và tính tự trọng của người cha, mà chính lương tâm của nhà toán học buộc ông đứng ra bênh vực cho con ông trong khi bao nhiêu người dửng dưng hoặc phản đối.

năm 1856 Farkas chết. Học trò cũ của ông từ những tỉnh xa cũng về dự tang, đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.

Năm 1830 Lôbasepxki cũng tìm được những định lí của hình học phi Ơclit. Về sau tin đó đến tai Bolyai János. Sau khi nghiên cứu cẩn thận công trình của Lôbasepxki, ông chân thành chúc mừng nhà toán học Nga vĩ đại. Cả hai người, độc lập với nhau, đã xây dựng nên hình học mới mà sau này người ta gọi là hình học Bolyai -Lôbasepxki.

Không phải ngẫu nhiên hình học này được phát minh ở hai nước Đông và Trung Âu, mặc dù ở Tây Âu rất nhiều người nghiên cứu vấn đề đó. ở Đông và Trung Âu chế độ thống trị hà khắc đã khơi động tinh thần cách mạng mãnh liệt. Tinh thần đó gạt bỏ một cách dễ dàng hơn những định luật cũ, nếu tìm thấy mâu thuẫn luận lí của nó.

Hình học Bolyai -Lôbasepxki đặt cơ sở cho lí thuyết tương đối của Einstein sau này. Nó không chỉ mở đường cho toán học mà còn tạo nên một chuyển biến cách mạng trong triết học. Chính vì thế mà Gauss không dám lên tiếng công nhận những kết quả đã đạt được.

Bolyai János rất thiết tha yêu tổ quốc. Ông đã từng công khai tuyên bố rằng xã hội đương thời “đầy rẫy bất hạnh, cùng khốn, nhưng không nhất thiết phải như vậy. Có thể tìm được hạnh phúc trên trái đất này. Tuy nhiên hoàn toàn không có hạnh phúc cá nhân nào có thể sinh ra và tồn tại nếu không có hạnh phúc chung”. Ông nồng nhiệt chào mừng cuộc cách mạng 1848 của nhân dân Hungary chống triều đình áo đòi độc lập dân tộc. Ông đau khổ vì bệnh tật không cho phép mình tham gia chiến đấu giành tự do. Sự thất bại của cách mạng càng làm bệnh ông thêm trầm trọng. Bốn năm sau khi cha chết, năm 1860 ông cũng kết thúc cuộc đời nghèo niềm vui con người, nhưng giàu thành tích khoa học của mình.

Nhân dân Hungary nhắc tới tên hai cha con Bolyai với niềm tự hào và lòng kính phục. Bolyai János được đặt ngang hàng với Lôbasepxki. trong việc xây dựng hình học phi Ơclit. Hội toán học Hungary mang tên ông đã và đang góp phần đào tạo và bồi dưỡng những nhà toán học tài năng trẻ tuổi cho đất nước Hungary.

Linh Khuê

Thông tin khoa học Giáo dục Hungary
Có dấu vết sự sống trên sao Hoả

Ba nhà khoa học Hungary cho biết họ đã có bằng chứng của sinh vật trên sao Hoả sau khi phân tích 60.000 tấm ảnh do phi thuyề Thăm dò sao Hoả (MGS) chụp. Họ nói rằng các tấm ảnh cho thấy hàng ngàn điểm cồn cát xám chứng tỏ bên dưới băng đá là các sinh vật hút năng lượng mặt trời, có khả năng làm tan băng và tạo điều kiện sống cho chính chúng. Trong mùa đông giá lạnh của sao Hoả, các sinh vật trên được che chở bằng lớp băng đá dày, và băng đá này tan ra khi nhiệt độ mùa hè lên trên 0 độ.



K. Dung, Tuổi trẻ 13-09-2001


tải về 395.96 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương