Longchuathuongxot vn ĐT: 38. 290. 093 Ôi! Ta yêu thương những linh hồn nào hết lòng tín thác nơi Ta, Ta sẽ làm tất cả cho họ



tải về 418.57 Kb.
trang3/5
Chuyển đổi dữ liệu15.08.2016
Kích418.57 Kb.
#20153
1   2   3   4   5

Đáp: Không, Thiên Chúa không phủ nhận công bình, nhưng bao trùm và vượt qua nó nhờ biến cố cao đẹp hơn, nhờ đó, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu, vì tình yêu chính là nền tảng của công bình đích thực.

88.Hỏi: Công bình của Thiên Chúa là gì?

Đáp: Công bình của Thiên Chúa là lòng Chúa thương xót được ban cho tất cả chúng ta, như là ân sủng tuôn tràn từ cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô (x. Số 21).

DIỄN ĐÀN

Giuse Phạm Đình Vinh

Trong Sứ điệp Phục Sinh được công bố ngày 27/3/2016 tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô xác quyết: “Trước hố thẳm về đường thiêng liêng và đạo đức của nhân loại, trước những vực sâu trong lòng con người, nơi ngoi lên hận thù và chết chóc, thì chỉ một mình Lòng Thương Xót của Chúa mới có thể cho chúng ta ơn cứu độ…”.

Tác giả Thánh vịnh đã cảm nghiệm một Thiên Chúa đầy lòng nhân hậu: “Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, Người đại lượng và chan chứa tình thương, Người không nỡ xử với ta như ta đáng tội và không trả cho ta theo lỗi của ta” (Tv 103, 10).

Có một Thiên Chúa nhân từ, yêu thương, luôn chờ đợi để tha thứ (x. dụ ngôn người Cha nhân hậu), sẵn sàng bỏ 99 con chiên để chỉ đi tìm một con chiên lạc (x. dụ ngôn con chiên bị mất),… thì không ai dại gì mà không chạy đến với Người. Đến để được hưởng nhờ LÒNG THƯƠNG XÓT VÔ BIÊN của Người.

Thời đại ngày nay là thời đại cánh chung, nếu không mau mắn “hành động”, chắc chắn sẽ không kịp.

Thế giới ngày nay dường như đang cạn kiệt tình thương. Hận thù, bạo lực và giết hại nhau càng lúc càng leo thang, từ phạm vi gia đình đến toàn xã hội, tội lỗi gia tăng theo cấp số nhân. Có vẻ như yêu thương và tha thứ trở thành món hàng xa xỉ đối với họ! Chính trong bối cảnh con người đang rất cần đến Lòng Thương Xót của Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập Năm thánh Ngoại thường Lòng Thương Xót, một Năm Hồng Ân đặc biệt, năm mà mọi người được mời gọi sống Lòng Thương Xót theo gương Chúa Cha trên trời: Giáo hội có sứ mạng công bố về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa… muốn sống Năm Toàn Xá này trong ánh sáng của Lời Chúa: Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ (Lc 6, 36). Đồng thời chiêm ngưỡng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, thủ đắc Lòng Thương Xót ấy cho mình, và làm cho Lòng Thương Xót trở thành lối sống riêng, sẽ trở nên có thể” (x. Misericodiae Vultus, 12-13).

Theo truyền thống Công Giáo, Năm Thánh được bắt đầu từ triều đại Giáo Hoàng Bônifaxiô VIII vào năm 1300. Đức Giáo Hoàng Bônifaxiô VIII ấn định cứ 100 năm sẽ có một Năm Thánh. Từ năm 1475, để giúp mỗi thế hệ đều được hưởng Năm Thánh, Năm Thánh thường lệ được cử hành mỗi 25 năm. Tuy nhiên, khi có một sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt, Đức giáo hoàng có thể công bố mở Năm Thánh đặc biệt.

Với NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn “đặt trọng tâm nơi lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng mời gọi các tín hữu trở về với Người. Gặp gỡ Chúa sẽ giúp chúng ta biết thực thi lòng thương xót”.

Đại lễ kính Lòng Chúa Thương Xót được cử hành trong khung cảnh Giáo hội toàn cầu đang sống trong ân sủng của Năm Thánh Lòng Thương Xót, chắc chắn sẽ mang nhiều ý nghĩa sâu sa hơn.

Lễ Kính LCTX được đặt cao nhất trong tất cả những yếu tố của việc sùng kính LCTX, ngày lễ không chỉ là ngày dành riêng cho việc tôn thờ Thiên Chúa trong mầu nhiệm LCTX, mà còn là thời gian để mọi người đón nhận hồng ân của Thiên Chúa. Để được hưởng nhờ những ân sủng lớn lao này, mọi người phải hội đủ những điều kiện của việc sùng kính Lòng Thương Xót (tín thác vào Chúa, thực thi LTX với tha nhân [Thương xác bảy mối và Thương linh hồn bảy mối]), phải sống trong tình trạng ơn thánh (xưng tội và rước lễ). Chúa Giêsu giải thích: “Không một linh hồn nào sẽ được công chính hóa trước khi quay về với Lòng Thương Xót của Ta trong niềm tín thác, đó là lý do Chúa nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh sẽ là Đại lễ Kính Lòng Thương Xót của Ta” (NK 570).

Trong TGP Sài Gòn, Đại lễ Kính LCTX 2016 được tổ chức tại quảng trường Trung tâm Mục vụ (TTMV) vào Chúa nhật II Phục Sinh, ngày 3 tháng 4, và là lần thứ 9 tổ chức Đại lễ Kính LCTX.

Thời tiết miền Nam hiện đang ở vào mùa nắng. Tháng tư lại là tháng nắng gay gắt và khó chịu nhất, nhưng cũng không thể ngăn được dòng người đổ về quảng trường TTMV mỗi lúc một đông, đủ mọi lứa tuổi, thành phần, có cả những người khuyết tật phải ngồi xe lăn. Không chỉ có người ở trong GP Sài Gòn mà còn có nhiều người của các giáo phận khác, họ nô nức đến tham dự ngày hội Lòng Chúa Thương Xót.

Điểm đặc biệt trong ngày lễ hôm nay, theo Ban tổ chức (BTC) cho biết, Đức Tổng Phaolô vừa gởi thông báo đến toàn giáo phận về ơn toàn xá trong dịp Lễ Kính LTX. Với đặc ân Năm thánh ngoại thường Lòng Thương Xót, ngoài 14 nhà thờ hành hương trong Tổng giáo phận vào Năm Thánh Lòng Thương Xót được hưởng ơn toàn xá, nay cũng cho phép mọi nhà thờ giáo xứ và các nhà nguyện tu viện trong Tổng giáo phận được ban phép lành với Ơn Toàn Xá vào Chúa Nhật II Phục sinh – 03/04/2016, tức là Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót. Những ai tham dự Thánh lễ trong dịp này được hưởng nhờ Ơn Toàn Xá với điều kiện thông thường: xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng.

Lễ Kính LCTX tại TTMV năm nay còn được trực tiếp truyền hình trên website tgpsaigon.net, dành cho những người già yếu, bệnh nhân không thể đến tham dự nhưng hiệp dâng thánh lễ qua màn hình ở nhà, vẫn được hưởng ơn toàn xá.

BTC cũng rất chu đáo khi bố trí 11 tòa Hòa Giải, trong đó, có 1 Tòa có sự hiện diện của Linh mục Thừa Sai Lòng thương xót, được “ban quyền tha cả những tội chỉ dành quyền giải cho Tòa Thánh”. Đây là hồng ân “ngàn năm một thuở”.

14g30, chương trình bắt đầu. Ban kèn tây giáo xứ (Gx) Gò Mây và Đội trống Gx Tân Thái Sơn chào đón quan khách bằng một bài hát và hồi trống vang dội, kéo dài 15 phút, làm bầu khí sinh động hẳn lên. Sau hồi trống là phần giới thiệu chương trình của người dẫn: Linh mục Giuse Nguyễn Phát Tài, chánh xứ Gx Tân Thông, Gp Phú Cường và chị Maria Trần Thị Thanh Lan, Ủy viên Phát Triển CĐ LCTX TGP.

Người dẫn chương trình đã đưa cộng đoàn đến với LCTX qua phần giới thiệu Thông Điệp Sùng kính LCTX và lịch sử phát triển phong trào LCTX trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Trước khi bước vào phần cầu nguyện chuỗi kinh Thương Xót, BTC đã trao tặng 11 chiếc xe lăn cho 11 người khuyết tật.

Đúng 3 giờ chiều, giờ của LCTX chiến thắng thế gian, cộng đoàn bắt đầu nguyện kinh Thương Xót. Đây là “giờ linh” của LTX. Chúa Giêsu đã yêu cầu mọi người đắm mình vào Cuộc Khổ Nạn của Ngài trong giờ này: “Ta nhắc cho con nhớ rằng mỗi khi nghe đồng hồ điểm ba giờ, con hãy dìm mình hoàn toàn trong Lòng Thương Xót của Ta để thờ lạy và tôn vinh… Vì vào giờ phút ấy, lượng tình thương được mở ra cho mọi linh hồn… Đó là giờ ân sủng cho toàn thế giới – Lòng Thương Xót vinh thắng phép công thẳng” (NK 1572).

VÌ CUỘC KHỔ NẠN ĐAU THƯƠNG CỦA CHÚA GIÊSU KITÔ, XIN CHA THƯƠNG XÓT CHÚNG CON VÀ TOÀN THẾ GIỚI.

Lời kinh thật đẹp, không chỉ nói lên thân phận tội lỗi của người đọc đối với Thiên Chúa, mà còn thể hiện sự bác ái với tha nhân: cầu cho chính mình và toàn thế giới.

Giờ kinh được kết thúc bằng việc tuyên xưng đức tin qua bài hát “Chúa giàu Lòng Xót Thương”.

Sau chuỗi kinh Thương Xót là phần văn nghệ với các ca sĩ Công Giáo Gia Ân, Phan Đình Tùng, và tiểu phẩm “Người Cha Giàu Lòng Thương Xót” phỏng theo Tin mừng Lc 15, 11-32, do Quý Soeur Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi trình diễn.

Tất cả những tiết mục văn nghệ đều làm nổi bật lòng nhân từ, yêu thương không biết mệt mỏi của Thiên Chúa với con người, và qua đó, kêu gọi họ hãy mau sám hối, quay về với LTX của Người. Vì chỉ có LTX mới có thể đem đến ơn cứu độ cho nhân loại.

Tiếp theo là phần chia sẻ chứng từ LCTX của Cha Giuse Tạ Huy Hoàng, Tổng thư ký UBGD trực thuộc HĐGMVN, với đề tài “Cần một tấm lòng”. Đề tài gợi nhớ đến 2 sự kiện về mùa Chay 2016: Sứ điệp mùa Chay của Đức Phanxicô và Thư Mục vụ mùa Chay và mùa Phục Sinh của Đức Tổng Phaolô. Cả hai văn kiện này đều có chung một điểm xuất phát từ Lời Chúa: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (x. Mt 9, 13).

Trong Thư Mục Vụ Mùa Chay và Mùa Phục Sinh năm nay, Năm Thánh LTX, Đức Tổng Phaolô đặc biệt nhấn mạnh đến việc thực thi LTX đối với tha nhân qua kinh Mười Bốn Mối. Chính Đức Giêsu Kitô đã lặp đi lặp lại bằng hành động và lời nói một cách cụ thể về LTX để định hình cho con người cách sống đạo.

Để kết thúc phần chia sẻ, Cha Giuse kể câu chuyện “Ông nhà giàu đi chơi phố trở về”, được viết theo thể loại văn vần: ông nhà giàu sau khi đi chơi phố về, gặp em bé đánh giày. Tiền công đánh giày là 5 đồng, ông không có tiền lẻ, đưa cho chú bé tờ 500 đồng và chờ chú đi đổi tiền lẻ. Chờ mãi không thấy chú bé trở về, ông văng tục và nghĩ không tốt về chú. Vài tiếng đồng hồ sau, ông nghe tiếng gõ cửa nhà mình. Thì ra đây là em của chú bé đánh giày đến để trả lại ông số tiền dư 495 đồng và giải thích, khi anh của cậu đi đổi tiền đã bị tai nạn xe. Ông hối hận và đến thăm chú bé đánh giày. Hai anh em chú bé đánh giày mồ côi cha mẹ từ bé, nên ông đã nhận lời gởi gắm của chú bé đánh giày để chăm sóc và nuôi dưỡng em của chú.

Cha kết luận: Dù là em chú bé đánh giày hay là chính chú đánh giày hoặc ông nhà giàu, nhưng giữa họ có cái gì đó rất cụ thể đang diễn ra. Họ đang làm những điều mà chúng ta, trong đức tin Kitô hữu, đã được Chúa dạy: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế”. Hiện nay là Năm Thánh LTX chứ không phải Năm Thánh LCTX, chúng ta có bổn phận phải sống tử tế với nhau, giàu LTX như Cha trên trời.

Chương trình tiếp nối với phần chia sẻ của Cha Giuse Đào Nguyên Vũ, Dòng Tên, linh mục Thừa Sai LTX. Ngài chia sẻ xoay quanh những thắc mắc về linh mục Thừa Sai LTX và tại sao phải có Năm Thánh cũng như tất cả mọi người phải làm gì trong Năm Thánh này.

Linh mục Thừa Sai LTX chỉ được tha 4 loại tội: 1/ Xúc phạm đến Mình Máu Thánh Chúa. 2/ Tấn công thể lý Đức Thánh Cha. 3/ Tiết lộ ấn tín Tòa Giải Tội. 4/ Giải tội cho người đồng lõa giới răn thứ 6.

Năm Thánh LTX không phải là sáng kiến cá nhân của ĐTC Phanxicô mà là sự kế thừa đường hướng của Công Đồng Vatican II. Giáo Hội không chỉ nói về LTX, mà phải biểu lộ LTX qua hành động.

Về sự khác biệt giữa lòng thương xót và lòng trắc ẩn, Cha Giuse giải thích: Lòng trắc ẩn là bản năng của con người, có giới hạn. LTX là bản chất của Thiên Chúa, không giới hạn.

Và trong Năm Thánh này, tất cả các thành viên CĐ LCTX không chỉ dừng lại ở các buổi cầu nguyện, mà còn phải bước ra thế giới để sống LTX với tha nhân. Được Thiên Chúa thứ tha, yêu thương, nhưng như thế chưa đủ, biểu tượng làm sáng lên tình yêu đó là chính cuộc sống chúng ta.

Trước Thánh lễ, anh Gioan B. M. Nguyễn Thế Vịnh, Trưởng BCH CĐ LCTX TGP, thay mặt Cộng đoàn, dâng lên Chúa những ý nguyện xin khấn và kết thúc bằng bài hát “Ngợi Ca LTX”.

17g05, mọi người tham dự Đại lễ đều hướng về kiệu LCTX. Đoàn rước kiệu và Đoàn đồng tế bắt đầu tiến lên lễ đài. Vải đỏ được trải dọc theo đường đi của Đoàn rước. Hai bên, hai hàng Hướng đạo sinh làm thành hai hàng rào người, trong tư thế đứng nghiêm, chào của Hướng đạo. Trong khi đó, đội kèn tây Gx Gò Mây tấu bài Lên Đền Thánh, nối tiếp là hồi trống của đội trống Gx Tân Thái Sơn. Và khi kiệu LCTX đi qua, mọi người đều cung kính cúi đầu chào, biểu lộ sự tôn sùng, tín thác vào Lòng thương xót của Chúa. Tất cả tạo thành khung cảnh hoành tráng, rực rỡ, trang nghiêm, thánh thiêng, thể hiện đầy đủ ý nghĩa của một ngày hội tôn giáo, ngày hội của Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót.

Lúc này mặt trời đang từ từ lặn và mất hẳn, trời đã chạng vạng. Thi thoảng có những cơn gió mát đem lại sự dễ chịu cho mọi người sau khi phải vật lộn với cái nắng suốt mấy tiếng đồng hồ. Không còn những tia nắng chói chan, linh ảnh Chúa Thương Xót đặt trên lễ đài rực sáng hai luồng xanh nhạt và đỏ, phát xuất từ trái tim Chúa. Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa hai luồng sáng này: “Hai luồng sáng biểu thị Máu và Nước. Luồng sáng mầu xanh nhạt tượng trưng Nước làm cho linh hồn nên công chính; Luồng sáng mầu đỏ tượng trưng Máu là sức sống của các linh hồn… Những luồng sáng này che chở các linh hồn cho khỏi cơn nghĩa nộ của Cha Ta” (NK 299).

17g30, Thánh lễ bắt đầu. Chủ tế là Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng giám mục TGP Sài Gòn, Chủ tịch HĐGMVN. Đồng tế có Cha Tổng linh hướng Gioan Baotixita Võ Văn Ánh; Cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng, Đặc trách Tông đồ Giáo dân TGP và 24 linh mục đến từ nhiều nơi. Có khoảng hơn 10.000 người tham dự Đại lễ.

Trong phần giảng lễ, Đức Cha chủ tế nói: “LTX của Chúa được biểu lộ khi Ngài hiện ra với các Tông đồ, Ngài đã ban Thánh Thần cho các ông. Khi Chúa hiện ra, vì không có mặt, nên ông Tôma không tin. Nhưng vì lòng thương xót, Chúa vẫn đón nhận ông. Vậy chúng ta hãy tin một cách chắc chắn rằng, Chúa Giêsu đón nhận chúng ta mặc dù thân phận chúng ta yếu đuối, mỏng dòn, đức tin còn yếu kém. Hãy mạnh dạn siêng năng củng cố, nuôi dưỡng đức tin ngày một vững chắc hơn.

Rồi Ngài nêu vấn đề: Chúng ta sống mầu nhiệm LTX như thế nào? Ngài trả lời thay cho mọi người: Chúng ta hãy sống thế nào để mọi người nhận ra tình yêu Phục sinh của Chúa. Hãy là những người đầy tràn thần khí Phục Sinh, đầy tràn tình yêu, đầy tràn LTX của Chúa”.

Trước khi ban Phép lành Toàn xá, Đức Cha chủ tế làm phép khoảng 10.000 bức ảnh Chúa Thương Xót, và được phát sau Thánh lễ.

Thánh lễ kết thúc, mọi người ra về trong niềm vui. Xin cám ơn Giáo Hội đã cho chúng con có cơ hội để đón nhận những ân sủng trong ngày Đại lễ này.



Lạy Chúa, chúng con còn rất non yếu khi thể hiện lòng thương xót với tha nhân, nhưng chính nhờ tình yêu bao la của Chúa, mà ai trong chúng con cũng đã và đang được hưởng nhờ Lòng thương xót của Người qua từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây trong cuộc sống. Xin cho chúng con, đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, biết thông truyền Lòng thương xót của Chúa đến với mọi người chung quanh bằng hành động cụ thể là tha thứ và khoan dung, để ngày càng xứng đáng hơn với Lòng Thương Xót của Chúa dành cho chúng con.

---------------

Nghe toàn bài chia sẻ của Cha Giuse Tạ Huy Hoàng, bài chia sẻ của Cha Giuse Đào Nguyên Vũ, bài giảng của Đức Tổng Phaolô tại:

http://longchuathuongxot.vn/v2/audio-dai-le-kinh-long-chua-thuong-xot-2016/

Cộng Đoàn LCTX TGP Sài Gòn chân thành cám ơn:

- Đức Cha Phaolô, TGM Tổng GP Sài Gòn, Chủ tịch HĐGMVN.

- Đức Hồng Y Gioan Baotixita.

- Cha Gioan Baotixita, Tổng LH CĐ LCTX TGP Sài Gòn.

- Cha Ernest, đặc trách Tông đồ Giáo dân TGP Sài Gòn.

- Cha Giuse, Tổng LH Hội LCTX GP Phan Thiết.

- Cha Giuse, Tổng thư ký UB Giáo Dân-HĐGMVN.

- Cha Giuse, Tổng thư ký UB Di Dân-HĐGMVN, Linh mục Thừa sai LTX.

- Cha Đa Minh, Hạt trưởng hạt Gia Định.

- Cha Giuse, Hạt trưởng hạt Phú Thọ

- Cha Giuse, LH CĐ LCTX hạt Gia Định.

- Cha Giám đốc, Quý Cha và Quý Thầy TTMV TGP Sài Gòn.

- Cha Giám đốc, Quý Cha và Quý Thầy Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.

- Cha Giuse M. Lương Thiên Triều và quý cha Dòng Đồng Công.

- Quý Cha Dòng Thánh Thể.

- Cha Giuse, Soeur Têrêsa và Ban Mục vụ Truyền thông TGP Sài Gòn.

- Cha Giuse Nguyễn Phát Tài, Chánh xứ GX Tân Thông, GP Phú Cường.

- Quý Cha đồng tế.

- Quý Soeur Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi.

- Quý chức Hội Đồng Mục Vụ TGP Sài Gòn.

- Ủy Ban Tôn giáo Chính phủ.

- Chính quyền phường Bến Nghé.

- Tập đoàn CTy TM DV Tân Hiệp Phát, Tập đoàn Nhà hàng Đông Phương, Cty Âm thanh Việt Thương, Cty Âm thanh Ánh sáng Xuân Đức, Cty Văn Hoa Việt.

- Hướng Đạo Công Giáo Sài Gòn, Gia đình Khôi Bình TGP, Thiếu Nhi Thánh Thể TGP, Phòng khám Đa Khoa Thánh Tâm Tân Định, Đội trống Gx Tân Thái Sơn, Đội kèn tây Gx Gò Mây, Ca đoàn Tổng hợp, Ca sĩ Gia Ân, Ca sĩ Phan Đình Tùng.

- Quý Ông Bà, Anh Chị Em tham dự Đại Lễ.

Tất cả đã góp phần vào thành công của Đại lễ. Nguyện xin Thiên Chúa tuôn đổ muôn ơn lành trên Đức Tổng, Quý Cha, Quý Tu sĩ và mọi người.

Hẹn gặp lại ở Đại lễ 2017.



Gioan Long Vân,

Gx Nhân Hòa

Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề

Hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”

Và muôn người đã nô nức về đây để được nghỉ ngơi bồi dưỡng trong Lòng Thương Xót vô biên của Chúa. Về đây trong Năm Thánh Lòng Thương Xót để hưởng thụ hồng ân bao la của Ngài. Về đây trong ngày đại lễ kính Lòng Chúa Thương Xót để lãnh nhận ơn Toàn Xá với Phép Lành Tòa Thánh.

Quảng trường Trung Tâm Mục Vụ thực sự đang nóng lên. Nóng vì thời tiết Sài Gòn mùa này trưa chiều nắng gắt. Nóng vì xe cộ nườm nượp, người người lũ lượt tuôn đổ từ ngoài đường đi qua hai cổng chính vào trong. Và chắc hẳn ai ai về đây cũng đang nóng lòng chờ đợi những gì sẽ diễn ra trong ngày lễ hội Lòng Chúa Thương Xót lần thứ 9 này.

Tôi và anh bạn đồng hành rảo bước vào trong. Vẫn là những hình ảnh thân quen của các anh chị em hướng đạo sinh Công giáo và các em Thiếu Nhi Thánh Thể tôi bắt gặp mỗi lần về Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn tham dự một lễ hội. Tôi cảm nghiệm tức thời hơn ai hết họ đang thể hiện lòng thương xót của mình qua những nụ cười tươi vui, những cử chỉ ân cần khi tiếp đón, hướng dẫn các giáo hữu thập phương, có cả những người già yếu và khuyết tật. Tôi bước đến dãy bàn bỏ các phiếu xin khấn, các nữ hội viên Cộng Đoàn Lòng Chúa Thương Xót TGP. Sài Gòn trong trang phục áo dài đỏ thắm đang ngồi chăm chút các thùng phiếu. Tôi mang theo phiếu xin khấn của một nữ giáo dân giáo xứ Nhân Hòa không thể về dự vì đã định trước đi hành hương cha Diệp. Tôi không biết chị ghi những ý xin khấn gì ở mặt sau tấm thiệp mời tôi trao cho chị cách đây vài ngày. Tôi chỉ biết nguyện xin Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót khứng nhậm những lời khấn xin của chị. Tôi nguyện xin Chúa chúc lành và ban phúc cho chị, một tín hữu Công giáo sốt sắng mỗi chiều tham dự thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ Nhân Hòa.

Lúc này đã gần 3 giờ chiều. Tiếng trống dồn dập bên trong thúc giục tôi nhanh bước. Giờ cầu nguyện tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót sắp điểm. Cung kính ngước mặt lên, đôi mắt tôi chạm phải linh ảnh Lòng Chúa Thương Xót uy nghiêm vời vợi trên cao khán đài. Tôi cảm nghiệm lúc này cõi lòng tôi trở nên thư thái, nhẹ nhõm, an lành khi chiêm ngắm cặp mắt trìu mến, dịu dàng của Chúa Giêsu Kitô toát ra từ linh ảnh. Bên trên linh ảnh gắn logo Năm Thánh Lòng Thương Xót. Tôi nhớ một đoạn trong kinh Năm Thánh: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa dạy chúng con phải có lòng thương xót như Cha trên trời, và ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha. Xin tỏ cho chúng con thấy dung nhan của Chúa và chúng con sẽ được cứu độ. Ánh mắt đầy yêu thương của Chúa đã giải thoát ông Dakêu và thánh Matthêu khỏi ách nô lệ bạc tiền…” Phía thấp bên trái và bên phải linh ảnh Chúa là linh ảnh thánh nữ Maria Faustina và linh ảnh thánh giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị, hai vị tông đồ Lòng Chúa Thương Xót gương mẫu chói sáng. Tôi đọc được câu Tin Mừng của Thánh sử Matthêu gắn dọc hai bên: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5, 7). Đây là câu Tin Mừng trích trong đoạn Tin Mừng “Bài giảng trên núi” của Thánh sử Matthêu (xem thêm Tám mối Phúc: Mt 5, 1-12).

Đúng 3 giờ chiều, giờ tưởng niệm Chúa Giêsu Kitô trút hơi thở cuối cùng trên cây thập giá vì thương xót nhân trần tội lỗi, bầu không khí trở nên nghiêm trang. Tôi đảo mắt một vòng. Các hàng ghế trong khuôn viên trung tâm mục vụ gần kín người đứng, những cánh dù trương lên che nắng cho nhau. Đằng sau và bên trái dưới mái hiên trung tâm hầu như chật kín người. Bước vào giờ kinh tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót, kẻ đứng, người quỳ, tràng chuỗi nơi tay xoay lần từng hạt, đối đáp cao rao những lời nguyện xin: “Lạy Cha hằng hữu, con xin dâng lên Cha… Để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới. Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô. Xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới. Lạy Đấng Chí Thánh là Thiên Chúa Toàn Năng, Hằng Hữu. Xin thương xót chúng con và toàn thế giới.

Trời vẫn nắng gắt. Thỉnh thoáng có làn gió nhẹ phe phẩy lay động những cánh dù. Những bàn tay cầm chuổi tràng hạt vẫn nhịp nhàng mở ra, khép vào, nâng lên, đưa xuống theo chuỗi kinh cầu Lòng Chúa Thương Xót. Tôi nhìn thấy một cụ ông đứng tựa gốc cây, cặp mắt say mến nhìn lên linh ảnh Chúa trên lễ đài, miệng say sưa đọc kinh, đôi tay liên hồi lần chuỗi tràng hạt màu xanh lơ đưa lên trước ngực. Ôi! linh thiêng Lòng Chúa Thương Xót. Ôi! nhiệm mầu Lòng Chúa Xót Thương.

3 giờ 30 chiều, nắng dần chuyển màu nhạt nhòa. Các anh chị thân quen trong CĐ LCTX giáo xứ Nhân Hòa kịp đến tham dự đại lễ sau khi thực thi giờ kinh Lòng Chúa Thương Xót tại nguyện đường giáo xứ. Hai nữ hội viên Legio Mariae Nhân Hòa cùng theo. Giọng dẫn ngọt ngào cuốn hút của cha Giuse Nguyễn Phát Tài giới thiệu phần diễn nguyện thánh ca của các ca sỹ Công giáo và kịch phẩm “Người Cha Giàu Lòng Thương Xót” do quý Sr. Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi dàn dựng. Vở kịch lấy cảm hứng trong đoạn Tin Mừng “Dụ Ngôn Người Cha Nhân Hậu” chương 15, từ câu 11 đến 32 của thánh sử Luca. Tôi quá ấn tượng với những diễn xuất của chàng trai đóng vai người con trai thứ hoang đàng và rất xúc động khi theo dõi cảnh hai nữ nô tì, một mập, một ốm, tìm gặp được cậu chủ, nài nỉ, níu kéo cậu về với cha mình…

Tới phần chia sẻ về “Lòng Chúa Thương Xót” do hai linh mục Giuse Tạ Huy Hoàng và Giuse Đào Nguyên Vũ trình bày. Với chủ đề “Cần Có Một Tấm Lòng”, mượn câu “Sống trên đời cần có một tấm lòng” trong bài hát “Để Gió Cuốn Đi” của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, cha Giuse Hoàng chia sẻ: “Mầu nhiệm Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được mạc khải qua những hành động cụ thể trong lịch sử cứu độ, Giáo hội dạy thực hành lòng thương xót qua kinh ‘Thương Người Có 14 Mối’. Mọi người cần phải thương người như thể thương thân, cần có một tấm lòng…”. Với câu chuyện “Ông Nhà Giàu Đi Chơi Phố”, ngài kết luận: “Chúng ta có bổn phận ứng xử, sống tử tế hẳn hoi với nhau, giàu lòng thương xót như Cha trên trời”.

Về phần mình, cha Giuse Vũ cho biết ngài là một trong số bốn linh mục thừa sai Lòng Thương Xót ở Việt Nam được Đức Thánh Cha Phanxicô trao năng quyền giải bốn tội: -Xúc phạm đến Mình Máu Thánh Chúa-Tấn công thể lý Đức Thánh Cha-Đồng phạm giới răn thứ sáu- Tiết lộ ấn tín tòa giải tội. Cha chia sẻ: “Các Cộng Đoàn Lòng Chúa Thương Xót không nên giới hạn trong các buổi đọc kinh tại giáo xứ mà hãy bước ra ngoài thế giới để chia sẻ Lòng Thương Xót của Chúa với mọi người… Chúng ta nhận ra vết thương nơi người khác là chúng ta thấy Chúa Phục Sinh. Làm sao để niềm vui phục sinh chan chứa trên cuộc đời của người khác. Hãy dâng cho Chúa những khổ đau và uẩn khúc trong cuộc đời mình…”. Kết thúc phần chia sẻ, Cha Giuse Vũ chúc CĐ LCTX TGP. trong Năm Thánh này được Chúa thánh hóa và thể hiện lòng xót thương trong từng suy nghĩ, từng ánh mắt, từng cử chỉ, từng hành động, từng đường đi, nước bước.

Thay mặt cộng đoàn dân Chúa tham dự đại lễ, anh Gioan Baotixita Nguyễn Thế Vịnh, trưởng ban chấp hành CĐ LCTX TGP Sài Gòn, dâng lên Chúa những ý xin khấn. Và rồi những ca từ thắm thiết, êm đềm của bài hát “Ngợi Ca Lòng Thương Xót” dìm tôi vào “dòng suối yêu thương chan hòa từ trái tim Cha tuôn trào tẩy xóa đi bao lỗi tội tái sinh đời” tôi.

Giây phút long trọng đến. Mọi người khẽ cúi đầu hướng nhìn linh tượng Chúa Thương Xót được kiệu cung nghinh lên Cung Thánh lễ đài, uy nghiêm trong tiếng trống và tiếng kèn tây hòa tấu bài “Lên Đền Thánh”, chuẩn bị Thánh lễ đồng tế do Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, tổng giám mục giáo phận thành phố Hồ Chí Minh, chủ sự. Bước vào thánh lễ, Đức Tổng Phaolô mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho những người đang chịu đau khổ trong đời sống Kitô hữu của họ. Ngài cầu xin “Chúa thương an ủi, chúc phúc cho họ và chúc phúc cho cộng đoàn phụng vụ chúng ta”. Trong bài giảng, ngài chia sẻ: “Đức Giêsu là vị Thiên Chúa từ bi nhân hậu, giàu lòng thương xót, ngay cả đối với người cứng lòng như Tôma mà Chúa vẫn thương xót. Chúng ta hãy tin chắc chắn rằng Chúa Giêsu đón nhận chúng ta dù chúng ta yếu đuối, mỏng dòn, đức tin còn yếu kém…”. Vị cha chung tổng giáo phận khuyên bảo: “Chúng ta phải sống ra sao để người ta nhận ra tình yêu phục sinh của Chúa, hãy là những người đầy tràn thần khí phục sinh, đầy tràn tình yêu, đầy tràn Lòng Thương Xót của Chúa”. Kết thúc thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục long trọng ban Phép Lành Tòa Thánh với ơn Toàn Xá cho mọi người.

Tôi nhìn đồng hồ, 7 giờ tối. Tôi và anh bạn đồng hành len lỏi dòng người đi ra. Trong ánh đèn điện trưng sáng của Trung Tâm Mục Vụ, tôi thấy rõ những nét mặt hân hoan, những ánh mắt rạng rỡ, những nụ cười tươi vui như là biểu lộ những tâm hồn đã được đong tràn Lòng Thương Xót của Chúa. Phố đêm Sài Gòn nhộn nhịp. Ngồi chung xe với anh bạn trên đường về nhà, tôi hỏi bạn ta cảm nghĩ ra sao khi lần đầu tiên đến đây tham dự đại lễ kính Lòng Chúa Thương Xót? Bạn tôi không trả lời, dường như tâm tưởng đang suy tư, cảm nghiệm gì đó! Tôi đành nín lặng, lắng đọng lòng mình, thầm khấn nguyện từ nay phải sống làm sao cho xứng đáng với Lòng Thương Xót của Chúa đã trao ban cho mình từ muôn thuở. Tôi nguyện phải chia sẻ Lòng Thương Xót của Ngài với mọi người. Nguyện cao rao Lòng Chúa Thương Xót bằng lời văn, nét chữ. Nguyện làm tròn phận sự “ký giả” Lòng Chúa Thương Xót.



Antôn Lê Tân

Đáp lời mời của Cha Giuse Bạch Kim Tri, Tổng linh hướng (TLH) CĐ LCTX Gp Phan Thiết, trong 2 ngày 12 và 13/4/2016, 36 anh chị em thành viên cộng đoàn LCTX Tgp Sài Gòn đã có chuyến hành hương kính viếng Đức Mẹ Tà Pao và tham dự Đại hội LCTX Gp Phan Thiết.

Xuất phát tại nhà thờ Tân Định sáng sớm 12/4, sau khi chuyển lên xe một số thùng nước tinh khiết và vài ngàn ảnh Chúa Thương Xót khổ lớn (để tặng GP bạn), anh trưởng Gioan B. M. Nguyễn Thế Vịnh đã xin cha Gioan Baotixita, TLH cộng đoàn LCTX Tgp chúc lành cho chuyến đi.

Như mọi đoàn hành hương khác, sau khi ăn sáng trên xe và nguyện kinh xong, Ban tổ chức chuyến hành hương đã phổ biến lịch trình chuyến đi và nhắc nhở những điều cần thiết để chuyến hành hương đạt được kết quả tốt đẹp.

Đến Trung tâm Hành hương (TTHH) Tà Pao lúc 11g30, chúng tôi nghỉ tại dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết (cách TTHH vài trăm mét). Tại đây, chúng tôi gặp cha Giuse Bạch Kim Tri. Cha có mặt từ sáng sớm để chuẩn bị cho các công việc cuối cùng của Đại lễ.

Sau khi ăn trưa và nghỉ ngơi, mọi người lên núi để cầu nguyện. Lúc này trời nắng gay gắt và hầu như không có gió. Mặc dầu vừa đi vừa nghỉ nhưng mọi người vẫn cảm thấy mệt. Anh Minh và chị Lan đợi cho đoàn HH bạn đến trước chúng tôi đọc kinh xong, mới xướng kinh cho đoàn cùng đọc. Sau khi dâng lên Mẹ 12 kinh Kính Mừng, mọi người quỳ trên đá trong bóng râm để lần chuỗi Thương Xót 50.

Từ trên núi xuống, chúng tôi thấy khá nhiều bà con từ các Gx thuộc Gp Phan Thiết đang ngồi chờ ở khu vực lễ đài. 16g00, cha Giuse Tri khai mạc Đại hội LCTX GP Phan Thiết và chủ sự phần Tuyên hứa gia nhập cho các Đoàn viên mới. Sau đó cha giảng về LCTX và Năm thánh LTX… Chương trình kéo dài khoảng hơn 1 giờ. Mọi người về lại chỗ nghỉ để ăn tối và tắm rửa. Những ai chưa kiếm được phòng ngủ thì ở tại chỗ nghỉ ngơi.

18g30, đoàn chúng tôi trở lại khu vực lễ đài để tham dự đại lễ LCTX Gp Phan Thiết (GP dành ngày chính lễ là Chúa nhật II PS cho các Gx cử hành, còn đại lễ của GP dời lại 1 tuần vào hôm nay).

Cùng với 2 đoàn Gp Xuân Lộc và Gp Bà Rịa, chúng tôi tập trung ở khu vực Văn phòng TTHH, chuẩn bị xếp hàng để rước kiệu Chúa TX và kiệu Đức Mẹ Tà Pao. Cả một rừng nến lung linh dưới bầu trời đêm khi đoàn rước kiệu tiến dần về khu vực lễ đài lúc 19g00. Thánh lễ đồng tế do ĐC Giuse Vũ Duy Thống, GM Phan Thiết chủ tế và giảng lễ với gần 30 cha đồng tế.

Sau thánh lễ là phần Chầu Thánh Thể tôn vinh LCTX đến 23g00, giờ Chầu có thánh ca, dâng những lời nguyện, lần chuỗi TX và suy niệm về LCTX do các cha TLH phụ trách. Cha TLH CĐ LCTX GP Vĩnh Long rút gọn chia sẻ của mỉnh cho mọi người dễ nhớ bằng “3 chữ cái đầu và 2 lời nguyện tắt”. 3 chữ cái đầu: ăn năn sám hối - biết xót thương - cậy trông vào Chúa. 2 Lời nguyện tắt: - Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi. - Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa…

Về lại nhà dòng nghỉ đêm, sân và các phòng trong Dòng Mến Thánh Giá đều chật kín người. Khách hành hương quây quần lại thành từng khu vực để ngủ đêm sau khi đã được các xơ phục vụ bữa tối. Đoàn chúng tôi được dành riêng 1 phòng khoảng 15 m2, vừa đủ cho mọi người trải chiếu nằm thành 3 hàng sát nhau. Khoảng 0g30 mới tạm dứt tiếng chuyện trò và mới 4g00, trong khi các phòng mọi người còn yên giấc thì phía ngoài sân đã có tiếng đi lại, chuyện trò… Ngày nắng nóng, đêm mất ngủ, nên nhiều người có vẻ mệt mỏi nhưng không thấy ai kêu ca phàn nàn…

Sau khi uống ly cà phê lúc 5g30, tôi trở ra khu vực quảng trường lễ đài, mọi người đã ngồi kín một số ghế phía trên cùng. Thánh lễ tối qua các giáo hạt ngồi theo khu vực riêng của mình còn thánh lễ sáng nay ai tới trước thì ngồi trước. Một số ít người có công việc riêng phải về từ đêm trước còn đa số vẫn ở lại để dự lễ sáng nay (ngày 13 hàng tháng đều có thánh lễ đồng tế). Các cha giải tội ở gần khu vực cổng lễ đài, cổng vừa được hoàn thành trong Năm thánh LTX. 7g00, đội trống và đoàn đồng tế theo sau Thánh Giá, Sách Lời Chúa, từ dưới sân khoan thai tiến lên lễ đài cử hành đại lễ Truyền Tin. ĐC Giuse tiếp tục chủ tế và giảng lễ với gần 40 cha đồng tế, trong số đó, có cha Giuse Tạ Huy Hoàng từ Sài gòn mới ra.

Không khí ban mai dịu mát khiến mọi người dự lễ cảm thấy dễ chịu, cả hai lễ sáng nay và đêm qua đều được ĐC Giuse ban Ơn Toàn xá. Thật là dịp hiếm có khi mọi người được dìm mình trong Năm thánh LTX với 2 đại lễ liền nhau.

Từ giã nhà dòng, sau khi đã nhờ các xơ mua dùm một số đồ ăn để đem theo, đoàn chúng tôi tiếp tục hướng đến biển Mũi Né. Ai cũng muốn được thư giãn nghỉ ngơi sau khi đã phục vụ đại lễ ở TTMV TGP Sài Gòn tuần trước (3/4/2016) và “mất ngủ’ đêm qua...

Vì có người quen, nên chúng tôi mượn được một ngôi nhà chủ đi vắng, ở ngay bãi biển, và chúng tôi được tự do làm chủ ngôi nhà. Ai thích lai rai đồ hải sản và hát karaoke, ai thích tắm, ai thích đu đưa võng ngắm trời mây thì tùy ý…

Gần 15g00 - giờ nguyện kinh TX hàng ngày - xe lại lăn bánh về và chúng tôi tiếp tục dâng những lời tạ ơn lên Chúa và Mẹ… Nhiều người đã thuộc điệp khúc bài hát mà anh Minh lặp đi lặp lại các phiên khúc: “Tà Pao núi rừng âm u, trời mùa thu nghe tiếng Mẹ ru… à ơi…”.

Crectangle 3HÚC MỪNG 48 NĂM HỒNG ÂN LINH MỤC

(1968 – 2016)



Ngày 14/5/2016, kỷ niệm 48 năm ngày thụ phong Linh mục của Cha GB. Võ Văn Ánh, Tổng Linh hướng CĐ LCTX TGP Sài Gòn, Quản hạt Tân Định, Chánh sở Gx Tân Định.

Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót TGP kính chúc mừng Cha.

Nguyện xin Thiên Chúa luôn gìn giữ, ban muôn hồng ân cho Cha trên con đường phục vụ Dân Chúa.





Inhaxiô Đặng Phúc Minh

NĂM 2016, HAI SỰ KIỆN LỚN VỚI GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM

Năm 2016, đối với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vừa là Năm Thánh Lòng Thương Xót, lại cũng là Năm Tân Phúc Âm hóa đời sống xã hội”. Năm Thánh Lòng Thương Xót đã được Đức Thánh Cha Phanxicô khai mở vào dịp lễ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, ngày 08 tháng 12 năm 2015 tại quảng trường Thánh Phêrô Vatican, và sẽ kết thúc vào ngày lễ Chúa Kitô Vua 20-11-2016; còn Thư Mục Vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, ngày 17 tháng 09 năm 2015 gửi Cộng đồng Dân Chúa, được làm trong Hội nghị thường niên kỳ II tại Tòa Giám mục Xuân Lộc, đã vạch ra Đường Hướng Mục Vụ cho toàn Giáo Hội Việt Nam năm 2016 là:Tân Phúc Âm hóa đời sống xã hội”.

Hai vấn đề trọng yếu nêu trên, đã được các vị chủ chăn trình bày trong các bài giảng, và hàng trăm bài viết khác… Chúng ta, người giáo dân đã được nghe trực tiếp, hay có thể tìm thấy dễ dàng trên các trang mạng. Trong phạm vi giới hạn của bài viết, ta cùng tìm hiểu:

Làm cách nào để thực thi: Lòng Thương Xót, và Tân Phúc Âm hóa đời sống xã hội trên quê hương Việt Nam thân yêu hôm nay một cách hiệu quả? Trước tiên ta cùng tìm hiểu:



Mục đích của năm Thánh Lòng Thương Xót

Trong thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 17-09-2015 các vị Giám mục đã nêu rõ mục đích và việc cần phải thực hiện của mỗi Kitô hữu Mục đích của Năm Thánh Lòng Thương Xót là kêu gọi các tín hữu chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa là Cha giầu lòng thương xót, được tỏ hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô, nhờ đó, chúng ta cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương, và trở nên dấu chỉ cụ thể của lòng thương xót trong cuộc sống: “Hãy có lòng thương xót như Cha của anh em là Đấng hay thương xót” (Lc 6, 36). Vì thế, trong năm hồng ân này, anh chị em hãy sốt sắng đón nhận lòng thương xót của Chúa qua Bí tích Giao hòa, tha thứ cho nhau và làm hòa với nhau và đồng thời biết quan tâm giúp đỡ những người bị gạt  ra bên lề xã hội, và những ai đang đau khổ về tinh thần cũng như thể xác”.

Như thế, mục đích Năm Thánh Lòng Thương Xót có hai phần rõ ràng: Một là các tín hữu khám phá để chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa giầu lòng xót thương, được tỏ bầy trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô; hai là từ cảm nhận Lòng Thương Xót của Chúa, các Kitô hữu hãy biết xót thương nhau, mà cụ thể là tha thứ cho nhau, hòa thuận và giúp đỡ nhau. Vậy còn:

Tân Phúc Âm hóa đời sống xã hội là thế nào?

Trong thư mục vụ của Hội Đồng Giám mục cũng nêu rõ: Tân Phúc Âm hóa đời sống xã hội chính là sống, chia sẻ, loan báo và làm chứng cho lòng thương xót ngay trong đời sống xã hội. Trước những dấu hiệu đáng ngại trong xã hội ngày nay: Gian dối, vô cảm, bất công, ma túy, bạo lực, phá thai, tự tử,… mỗi người Công Giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành sa mạc hoang vu, cằn cỗi không sức sống” (x Dung mạo Lòng Thương Xót, số 10).



THỰC THI LÒNG THƯƠNG XÓT & TÂN PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG XÃ HỘI TRONG MÔI TRƯỜNG Ở VIỆT NAM

Môi trường xã hội Việt Nam hôm nay

Trước khi thực thi lòng thương xót, ta cùng tìm hiểu một cách khái quát về môi trường Việt Nam hôm nay. Việt Nam với hơn 90 triệu dân, trong đó có tới 55 dân tộc (sắc tộc) anh em, hiện vẫn còn là một nước nông nghiệp với khoảng 70% người dân sống ở nông thôn, và hơn 30% dân sống ở đô thị. Trong đó người Công Giáo tin thờ Thiên Chúa duy nhất mới đạt khoảng 7% dân số, tức trên 6 triệu Kitô hữu. Số còn lại là các tôn giáo khác, hay không tôn giáo, nhưng hầu hết họ đều tin và cầu khẩn ông Trời. Hiện tượng di dân từ nông thôn về thành thị ngày một tăng. Trong xã hội hôm nay, như đã trích dẫn, đang có dấu hiệu đáng ngại về: “gian dối, vô cảm, bất công, ma túy, bạo lực, phá thai, tụ tử…”.  Vậy, việc Tân Phúc Âm hóa trong môi trường Việt Nam hôm nay, bằng chính lòng thương xót của mỗi Kitô hữu chúng ta, với anh em chưa nhận biết, hay chối từ Chúa là điều hết sức cấp bách và khẩn thiết.



Xin giới thiệu một vài phương thức thực hiện

Để thực hiện lòng thương xót với anh em, Giáo hội đã chỉ cho chúng ta một phương thức cụ thể. Đó chính là “Thương Người Có 14 Mối”, trước tiên là:



Thương xác bảy mối:

Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn

Thứ hai: Cho kẻ khát uống

Thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc

Thứ bốn: Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc

Thứ năm: Cho khách đỗ nhà

Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi

Thứ bảy: Chôn xác kẻ chết



Thương linh hồn bảy mối:

Thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người

Thứ hai: Mở dậy kẻ mê muội

Thứ ba: Yên ủi kẻ âu lo

Thứ bốn: Răn bảo kẻ có tội

Thứ năm: Tha kẻ dể ta

Thứ sáu: Nhịn kẻ mất lòng ta

Thứ bảy: Cầu cho kẻ sống và kẻ chết

Đây là những việc làm rất cụ thể, trong đời sống thường ngày của chúng ta. Nếu ta thực hiện vì lòng yêu mến Chúa, chúng ta chính là những chứng nhân của Chúa Kitô trong cuộc đời này. Những điều được dạy trong 14 mối thương người trên đây lại được Thánh Phanxicô Assisi cụ thể hóa trong lời kinh Hòa Bình đã được nhạc sĩ Kim Long phổ nhạc

Kinh hòa bình

Thánh Phanxicô Assisi (1182-1226), sứ giả hòa bình của nhân loại đã giới thiệu cách thể hiện lòng thương xót một cách cụ thể, bằng cách quên mình để phục vụ anh em, lời văn thật giản dị, nhưng quá sâu lắng, ý nghĩa làm lay động bao người, được thể hiện trong Kinh Hòa Bình:

Lạy Chúa từ nhân xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm; để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng; để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.

Lạy Chúa xin hãy dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân; vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình”.

Lời cầu nguyện, một yếu tố tối quan trọng

Chúng ta đã tìm hiểu: Mục đích, ý nghĩa và cách thực hiện “Năm Thánh Lòng Thương Xót” trong năm 2016, căn cứ vào các điều chỉ dẫn và dạy bảo của Giáo Hội, các Thánh…

Nhưng, một yếu tố hết sức quan trọng mang lại sự thành công chính là: Lời cầu nguyên.

Đức cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận với việc cầu nguyện

Trong cuốn Đường Hy Vọng Người đã chỉ dạy chúng ta: 118, Hoạt động không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa, máy móc tự động có thể làm hơn con; 119, Thứ nhất cầu nguyên; thứ hai hy sinh; thứ ba hoạt động”.



Mẹ Teresa với việc cầu nguyện

Xin trích một đoạn trong cuộc phỏng vấn cuối cùng của tạp chí Time với Mẹ Teresa năm 1989

- Time: Mẹ làm gì sáng nay

- Mẹ Teresa: Cầu nguyện

- Time: Bắt đầu lúc nào?

- Mẹ Teresa: Bốn giờ rưỡi

- Time: Và sau khi cầu nguyện

- Mẹ Teresa: Chúng tôi cố gắng cầu nguyện thông qua công việc của chúng tôi bằng cách làm việc với Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu, cho Chúa Giêsu. Điều đó giúp chúng tôi đặt cả trái tim và linh hồn vào những việc đó. Người sắp chết, người què, người tâm thần, người không ai mong muốn, không ai yêu thương, họ là Chúa Giêsu cải trang….



Phong Trào Cursillo với việc cầu nguyện (palanca)

Đây là một Phong Trào của Giáo Hội, đang có mặt trên 60 Quốc gia, hoạt động trong gần 1000 giáo phận, với hơn 10 triệu Cursillistas đã có một câu châm ngôn hướng dẫn hành động xuyên suốt của Phong Trào, và đặc biệt là Hậu Cursillo là. Đó là:

Một Tay nắm lấy Chúa, một tay nắm lấy anh em”

Phong Trào coi việc cầu nguyện (Palanca) là chìa khóa vạn năng dẫn đến những kết quả tốt đẹp trong việc thực hiện mục đích tối hậu của Phong Trào là:

Làm dậy men tinh thần Ki tô giáo trong xã hội”

Xin Chúa Thánh Thần ngự xuống tâm hồn người tín hữu của Chúa, và soi sáng, thêm sức để chúng con chiêm ngắm được Lòng Thương Xót vô bờ của Chúa. Từ đó, chúng con có động cơ xót thương anh chị em của chúng con trong gia đình với anh em con cháu, trong xứ đạo, trong môi trường sống của chúng con, trong xóm thôn Việt Nam thân yêu hôm nay trong “Năm Thánh Lòng Thương Xót” và cũng là “Năm Tân Phúc Âm hóa đời sống xã hội”, ngõ hầu nước Chúa ngày một mở rộng, mọi người được hạnh phúc thật sự, khi biết thương yêu nhau chân thành trong cuộc sống nhiều gian nan thử thách hôm nay.





VŨ ĐÌNH ĐƯỜNG

I. ĐIỂM LẠI ĐÔI NÉT VỀ SỰ TÔN KÍNH ĐỨC MARIA:

Kể từ khi Tin mừng được loan báo trên đất nước, lòng đạo đức của người Tín hữu Việt Nam luôn tôn thờ kính mến Thiên Chúa một cách sốt sắng, sáng lễ chiều kinh, nguyện ngắm hằng ngày. Ngoài ra Giáo dân còn dành nhiều thời gian làm việc tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria theo lịch Phụng vụ, cho nên dân gian bổn đạo mới có câu phương ngôn nằm lòng:



Một năm hai tháng Đức Bà

Một là tháng Mẹ hai là tháng Hoa.

Không kể các ngày thứ bảy trong tuần ra, còn có tháng 5 (tháng Hoa) và tháng 10 (tháng Mân Côi) hằng năm. Theo truyền thống tốt đẹp của Giáo Hội, người Tín hữu khắp nơi đã dùng thời gian này tổ chức rước kiệu, dâng hoa, lần hạt Mân Côi, ngắm nguyện, hành hương, mừng kính Đức Mẹ Maria một cách đặc biệt.

Tại Giáo hội Việt Nam, để tỏ lòng tôn sùng Đức Mẹ, nhiều Địa phận trên toàn quốc đã lần lượt nhận các tước hiệu của Đức Mẹ làm quan thầy, và cũng không ít Giáo xứ chọn ngày lễ kính Mẹ Maria mừng bổn mạng cho Họ đạo. Cách riêng đa số chị em Phụ nữ đều mang tên thánh Maria, từ đó sự kính mến Đức Mẹ đã xâm nhập vào đời sống thường nhật của Giáo Dân một cách sâu đậm, chả vậy mà Linh mục Bùi đức Sinh, O.P., M.A. trong cuốn Giáo hội Công giáo ở Việt Nam xuất bản 2001 tại Canada có ghi lại giai thoại sau đây: ”Giáo dân... Họ ưa đọc kinh chung trong nhà thờ, trong gia đình, khi đi đường, khi đi chợ... Đặc biệt Kinh Mân Côi, di sản của các cha dòng Đaminh để lại. Bùi Chu có con sông mang tên Mân Côi, từ Quần Phương đến Chợ Cồn – Văn Lý, một con sông đào 10km. Lúc đi cũng như khi về, ngồi trên đò dọc con sông này, bà con đi chợ chia bè lần chuỗi Mân Côi, vì thế con sông mang tên – Mân Côi -“.Thật là lòng đạo đức không nơi nào sánh bằng, rất đáng khâm phục...

II. NHỮNG TRUNG TÂM THÁNH MẪU TRÊN TOÀN CÕI VIỆT NAM:

Nhân tháng Hoa, Tháng Kính Đức Mẹ về, đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhau điểm lại đôi nét liên quan tới các Trung Tâm Hành hương Thánh Mẫu ở Việt Nam mà xưa nay thường nghe nhắc tới, nơi mà nhiều người hằng mơ ước được một lần đến viếng.



A. Trung tâm Thánh Mẫu La Vang:

Linh địa Đức Mẹ La Vang cách Cố Đô Huế 58 cây số, thuộc xã Hải Phú, Quận Mai Lĩnh, Tỉnh Quảng Trị. Theo dòng lịch sử ngày 17.8.1798, Vua Cảnh Thịnh đã ra dụ cấm Đạo một cách rất gắt gao, nên một số Giáo hữu của các Họ Đạo: Cổ Vưu, Hạnh Hoa, Thạch Hãn phải bỏ nhà cửa chạy vào khu rừng hoang núi non hiểm trở thuộc phường La Vang để lánh nạn, tại nơi đây vào ban đêm Họ thường họp nhau dưới tàn một cây đa cổ thụ để đọc kinh lần hạt, trong lúc tinh thần lo sợ, thể xác tiều tụy đói khát ốm đau, Họ tha thiết kêu van xin Chúa và Đức Mẹ che chở.

Đức Mẹ đã nhận lời đoàn con khốn khổ này và hiện ra nhiều lần để an ủi, nâng đỡ, khuyến khích các Bổn Đạo hãy vui lòng chịu khó giữ vững Đức Tin, Mẹ dạy lấy lá cỏ cây quanh đó nấu nước uống sẽ lành các bệnh tật và Mẹ hứa: “Mẹ nhận lời chúng con cầu xin. Và từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ sẽ ban ơn theo ý nguyện”. Đó là điều các tiền nhân truyền lại cho đến ngày nay.

Trải qua gần 100 năm, linh địa La Vang vẫn trong tình trạng âm thầm lặng lẽ, mãi đến 1886 sau khi cuộc bách hại Công giáo chấm dứt, Đức Cha Lộc (Gasper), Địa phận Huế, đã quyết định xây nhà thờ và tổ chức Đại Hội Đức Mẹ La Vang lần thứ Nhất vào ngày 8.8.1901. Kể từ đó Linh Địa La Vang nổi tiếng và lần lượt nhiều đoàn con cái khắp nơi, lúc thuận lợi và cả khi gặp khó khăn, ngăn cấm vẫn tìm cách tới cầu xin, tạ ơn kính viếng Mẹ.

Ngày 13.4.1961, Hội Đồng Giám Mục Miền Nam đã quyết định chọn La Vang là Đền Thờ Toàn Quốc dâng kính Trái Tim Đức Mẹ, và xin được Tòa Thánh chấp thuận nâng Đền Thánh lên hàng Vương Cung Thánh Đường vào ngày 22.8.1961 qua Tông thư “Magno nos - Để muôn đời ghi nhớ” của Đức Thánh Cha Gioan XXIII.

Tiếp đến ngày 1.5.1980, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong phiên họp tại Thủ đô Hà Nội đã đồng thanh biểu quyết chấp nhận La Vang là Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc.

Để chuẩn bị kỷ niệm 200 năm Mẹ La Vang hiện ra (1798-1998) vào ngày 24.2.1998, Ban Thường Vụ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nhận bức tượng Đức Mẹ La Vang mới, mặc áo hoàng hậu màu xanh, đầu đội vương niệm và chân đi hài màu vàng nhạt, tượng do họa sĩ kiêm điêu khắc gia Văn Nhân thực hiện, đây là mẫu tượng chính thức để mọi nơi tôn kính, thay cho tượng cũ kiểu Đức Mẹ Chiến thắng của nhà thờ Notre Dame ở Paris.

Hiện nay Trung tâm La Vang đang được xây dựng rất quy mô với nhiều công trình lớn lao cho xứng với tầm vóc là Trung tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc của Giáo Hội Việt Nam.



B. Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu:

Làng Công giáo Trà Kiệu được thành lập kể từ khi Linh mục Raphael thuộc dòng Augustino-Bồ đào Nha tới đây giảng Đạo vào năm 1596, và sau đó kết hợp cùng một nhóm giáo dân mới di dân tới thêm, góp sức xây dựng được ngôi nhà thờ đầu tiên vào năm 1628.

Thời cuộc ác nghiệt năm 1883 sau khi vua Tự Đức băng hà, phong trào Văn Thân nổi dậy Cấm Đạo với khẩu hiệu “Bình Tây, Sát tả“. Vào ngày 1.9.1885 với khoảng 8.000 quân Văn Thân trang bị vũ khí đầy đủ, có cả đại bác thần công và voi chiến, bao vây Giáo xứ Trà Kiệu, trong khi phía giáo dân chỉ có hơn 300 nam và khoảng mấy trăm phụ nữ với vũ khí thô sơ, Cha Sở và Tín Hữu rất lo lắng, chỉ biết tụ tập vào Nhà thờ cầu xin cậy trông Đức Mẹ trợ giúp, một mặt cố gắng phân công nhau chiến đấu để tự vệ, đến ngày 11.9.1885, Đức Mẹ đã hiện ra đứng trên nóc Nhà thờ bảo vệ và che chở cho đoàn con, cuộc chiến kéo dài tới ngày 21.9 thì quân Văn Thân đã bỏ chạy, giáo dân được giải thoát.

Vào năm 1889, để tỏ lòng biết ơn Đức Mẹ, giáo dân Trà Kiệu đã trùng tu lại ngôi Thánh Đường nơi Đức Mẹ hiện ra, Đức Cha Phanxicô Xaviê Van Camelbecke Hân tới khánh thành vào năm 1892. Ngôi Nhà thờ hai tầng hiện nay được xây lại vào năm 1970 và Đức Cha Phêrô Phạm ngọc Chi đã chọn Trà Kiệu là Trung tâm Thánh Mẫu kể từ 31.5.1971 cho Địa phận Đà Nẵng, và theo di chúc, khi Đức Cha Phêrô qua đời mộ phần Ngài được an táng ở đây vào ngày 21.1.1988.

Để tỏ lòng sùng kính “Đức Mẹ phù hộ các Giáo Hữu” là bổn mạng của Giáo Xứ Trà Kiệu, Đức Cha Giuse Châu ngọc Tri đã chọn nơi đây làm địa điểm mở cửa Năm Thánh ngoại thường “Lòng Thương Xót 2016“, cho Giáo hữu đến đây hưởng nhờ ơn Toàn xá.

(Còn tiếp 1 kỳ)



Fx Đỗ Công Minh
“… Quỳ trước nhan Mẹ, một đời con dâng, ngàn lời yêu thương con nguyện dâng hiến.

Tựa ngàn hương hoa, xin Mẹ nhận lấy những cánh hoa lòng trọn đời con dâng.

Dâng, xin dâng lên Mẹ, ngàn hoa bừng ngát hương tình, một đời xin dâng, trọn niềm yêu mến.

Dâng, xin dâng lên Mẹ đời con tựa đóa hoa lòng, là ngàn hoa dâng, thơm ngát lừng hương”

(Hoa Đời Dâng Mẹ)

Chiều xuống, tiếng chuông nhà thờ thong thả buông từng tiếng. Từng người, từng người rảo bước tới thánh đường. Đoàn con hoa giáo xứ tung tăng trên sân nhà thờ. Như những thiên thần trong chiếc áo đầm trắng tinh khôi hay màu xanh mây trời, những ánh mắt trong vắt thơ ngây, trên tay là những cành hoa đủ màu tươi thắm. Các em sẽ đại diện cộng đoàn dâng Mẹ những đóa hoa của lòng mến.

Tháng 5 lại về. Không biết các nước khác thì thế nào, nhưng mỗi lần tháng 5, tháng được Giáo hội Công Giáo Việt Nam chọn là Tháng Hoa-Tháng Đức Mẹ là một tháng đặc biệt. Do thời tiết chuyển mùa, mưa bắt đầu làm dịu đi cái nóng oi bức của mùa hạ. Mỗi người cảm thấy vui tươi hơn khi thấy cây cỏ, hoa lá xanh tươi, quyện với những cơn gió nhẹ khiến lòng người tín hữu cũng gia tăng lòng yêu mến Mẹ nhiều hơn. Trong suốt tháng này, hầu như các giáo xứ đều tổ chức đoàn con hoa gồm các em thiếu nhi nữ, gần đây cũng có giáo xứ chọn thêm một số em nam cho “Có nếp có tẻ“. Các em được chọn sẽ tập dượt cả tháng trước đó. Những điệu vãn ca truyền khẩu từ nhiều đời vẫn còn lưu lại nơi các xứ đạo miền Bắc mang làn điệu dân ca và nay được coi như vốn quí đang được các nhạc sĩ ghi lại và ký xướng âm theo tân nhạc. Còn đa phần các xứ đạo miền Nam, do các nghệ nhân là các bà quản (trông coi thiếu nhi) đã khuất bóng, nên hầu như các vị phụ trách sau này toàn sử dụng các bài Thánh ca hiện đại. Nhiều nơi vì các em dâng hoa bận rộn đi học, không có nhiều thời giờ tập luyện nên các cháu ít thuộc lời. Do vậy bao giờ cũng có thêm một đội ngũ các chị trong ca đoàn hát Thánh ca, còn các cháu chỉ tập cử điệu cho nhịp nhàng. Rồi cũng do xã hội phát triển nên các nhạc cụ, âm thanh như phong cầm, organ điện tử, Piano… cũng không thể thiếu trong khi tập dượt, cũng như lúc dâng hoa. Có nơi còn dùng đĩa nhạc đã thâu sẵn làm nhạc nền, các em tập theo nhạc và lúc dâng hoa thì có thêm giọng hát thật ghép vào. Dù sao thì cách nào cũng là diễn tả lòng đạo đức truyền thống của ông bà tổ tiên đã để lại. Hội Thánh cũng khuyến khích những sinh hoạt này, qua đó khơi dậy lòng đạo đức của các tín hữu. Các nhạc sĩ Công Giáo cũng được mời gọi viết các ca khúc diễn tả tâm tình của những người con dâng lên Mẹ Maria nhân Tháng hoa về. Có những bài ca có tuổi đời cả thế kỷ, khi nghe lại vẫn thấy lòng thật sốt mến, như Ba câu Lạy mà hiện nay vẫn còn lưu truyền. Rồi bài hát vãn:

Đây tháng hoa, chúng con chân thành thật thà, dâng tiến hoa cùng với muôn lời cung chúc. Hương ngát bay tỏa ngát nhan Mẹ diễm phúc, con tiến hoa lòng mến yêu Mẹ không nhòa...”.

hay bài ca rất quen thuộc ”Tận hiến cho Mẹ“ mỗi khi kết thúc buổi dâng hoa:

Con đến trước tòa Nữ vương uy quyền, dâng hồn dâng xác dâng cõi lòng yêu mến. Phó trót nơi Mẹ tấm thân nhỏ hèn, để đời con luôn vui sống bằng yên… (Huyền Linh).

Đã nhiều năm, mình không có dịp dự những buổi dâng hoa, phần vì công việc, về đến nhà thì cửa nhà thờ đã khép lại. Bên cạnh đó cũng do sự lười biếng của bản thân. Cũng có khi vì lòng nguội lạnh nên chỉ đến nhà thờ sát giờ lễ, không dám đặt mình ngồi lâu trong nhà Chúa mà nghe những bài vãn hoa, mà cầu nguyện với Mẹ. Lại có lúc viện lẽ thời đại tân tiến, văn minh, những nét sinh hoạt đạo đức truyền thống bình dân không còn phù hợp?

Tất cả những điều ấy, chiều nay, tự nhìn lại, mình xin được sám hối. Được nghe lại những bài vãn hoa của những tháng năm thời thơ ấu, nhìn những cử điệu nhịp nhàng của đoàn con hoa thành kính dâng Mẹ, mới thấy sự khô khan nguội lạnh của mình là có thật. Mẹ ơi! Con xin lỗi Mẹ.

Mẹ ơi, trước nhan Mẹ con dâng lên Mẹ, một tràng hoa thắm tươi và ngàn lời ca chan chứa tình yêu. Đời con tiếng ca hòa dâng lên Mẹ hiền, tựa ngàn hoa thắm tươi xin dâng lên Mẹ thương yêu.

Trong khi an vui con dâng lên Mẹ, tình yêu xin dâng trọn niềm trìu mến. Khi con cô đơn xin dâng về Mẹ, đời những gian truân Mẹ sẽ ủi an…”. (Con xin dâng Mẹ - Văn Chi).





tải về 418.57 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương