Longchuathuongxot vn ĐT: 38. 290. 093 Ôi! Ta yêu thương những linh hồn nào hết lòng tín thác nơi Ta, Ta sẽ làm tất cả cho họ



tải về 418.57 Kb.
trang1/5
Chuyển đổi dữ liệu15.08.2016
Kích418.57 Kb.
#20153
  1   2   3   4   5

Lòng Chúa Thương Xót – 5/2016




Địa chỉ  : 289 Hai Bà Trưng, P8, Q3, TPHCM

Email  : longthuongxotgp@yahoo.com

Website : longchuathuongxot.vn

ĐT: 38.290.093

oval 4



Ôi! Ta yêu thương những linh hồn nào hết lòng tín thác nơi Ta, Ta sẽ làm tất cả cho họ (NK 294).

(NK 6(Lưu hành nội bộ)



LÁ THƯ LINH HƯỚNG



Lm GB. Võ Văn Ánh

Để mô tả Chúa Thánh Thần, trong trình thuật về lễ Ngũ Tuần, 50 ngày sau lễ Phục Sinh, sách Công Vụ Tông Đồ sử dụng hai hình ảnh lớn là hình ảnh giông bãohình ảnh lửa.

Thánh Luca đã chịu ảnh hưởng cuộc thần hiện trên núi Sinai, được sách Xuất Hành (19, 16-19) và sách Đệ Nhị Luật (4, 10-12) kể lại.



I) GIÓ MẠNH:

Trong thế giới cổ xưa, giông bão được xem là dấu chỉ quyền năng của thần linh và đứng trước sức mạnh này, con người cảm thấy vô cùng sợ hãi. Giông bão được mô tả như một cơn gió mạnh. Điều này làm chúng ta liên tưởng tới không khí. Sự sống của sinh vật cần đến không khí như thế nào, thì sự sống thiêng liêng cũng cần đến Thánh Thần như vậy. Cũng như không khí bị ô nhiễm, làm cho môi trường và các sinh vật có sự sống bị ngộ độc, thì cũng như thế, tâm hồn và tâm trí bị ô nhiễm làm chết ngạt và đầu độc cuộc sống thiêng liêng. Hình ảnh về cơn gió mạnh trong ngày lễ Ngũ Tuần, làm chúng ta liên tưởng tới việc được hít thở một luồng không khí trong lành vào hai buồng phổi và được hít thở thiêng liêng cần thiết cho tâm hồn và luồng không khí lành mạnh cần thiết cho tâm trí chúng ta.



II) LỬA NÓNG:

Một hình ảnh khác về Chúa Thánh Thần mà chúng ta tìm thấy trong sách Công Vụ Tông Đồlửa. Trên đường đi Giêrusalem, Đức Giêsu đã tuyên bố với các môn đệ “Thầy đã đến mang lửa đến trần gian và Thầy mong muốn biết bao cho ngọn lửa ấy cháy bừng lên” (Lc 12, 19). Lời Chúa nói đã được ứng nghiệm một cách rõ nét nhất vào ngày lễ Ngũ Tuần: “Họ thấy sự xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa và bấy giờ tất cả đều được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần” (Cv 2, 3-4). Lửa đích thực là Chúa Thánh Thần, đã được Chúa Giêsu mang đến trần gian này. Chúa Giêsu có được ngọn lửa này bằng tác động tình yêu vĩ đại nhất trong lịch sử. Đó là cái chết của Người trên thập giá.



III) THIÊN CHÚA MUỐN TIẾP TỤC TRAO BAN NGỌN LỬA NÀY CHO MỖI THẾ HỆ CON NGƯỜI:

Người là Thần Khí và Thần Khí muốn thổi đâu thì thổi (Ga 3, 8). Nhưng có con đường bình thường mà Người đã chọn là đưa lửa xuống trần gian này. Con đường này là Chúa Giêsu, Người Con độc nhất của Thiên Chúa đã nhập thể, đã chết và sống lại. Và khi thời gian tới hồi viên mãn, Đức Giêsu đã thiết lập Giáo Hội là Nhiệm thể của Người để kéo dài sứ mệnh của Người trong lịch sử. “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”. Chúa Giêsu nói lời này với các Tông đồ vào buối chiều Phục sinh và sau khi nói, Người làm một cử chỉ đầy ý nghĩa là Người “thổi hơi trên họ” (Ga 20, 22). Và Người cho họ thấy: Người đã chuyển giao cho họ Thần Khí của Người. Thần Khí của Cha và Con.



IV) THỰC HÀNH LỜI CHÚA:

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống kết thúc mùa Phục sinh. Ngày lễ trọng này nhắc chúng ta nhớ và giúp chúng ta sống biến cố các Tông đồ và các môn đệ khác lãnh nhận tràn đầy Chúa Thánh Thần, khi các Ngài họp nhau cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria trong phòng Tiệc ly (Cv 2, 1-11). Đức Giêsu sống lại và lên trời đã gởi Thần Khí của Người cho Giáo hội, để mỗi Kitô hữu có thể tham dự sự sống thần linh của Người và trở nên chứng nhân hữu hiệu của Người nơi trần gian này.



Thánh Thần hiện xuống đã mở rộng tâm hồn chúng ta đón nhận hy vọng, và tạo cơ hội cho chúng ta được trưởng thành về mặt nội tâm trong tương giao với Thiên Chúa và tha nhân.

Thần Khí thúc đẩy chúng ta tìm chân lý, đào sâu Mầu nhiệm Thiên Chúa và con người. Và lên đường làm chứng cho Chúa Kitô. Sống chứng nhân là bổn phận: “Cả anh em nữa hãy làm chứng nhân cho Thầy”. Chứng nhân bằng cuộc sống phục vụ trong yêu thương và kính trọng mọi người.



V) CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin soi sáng và dẫn đưa chúng con đi theo đúng chân lý của Ngài (Tv 25, 5). Xin Chúa luôn đồng hành và nâng đỡ chúng con can đảm thực hiện yêu thương mọi người để mọi người nhìn thấy Chúa qua cuộc sống của chúng con.












CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH, NĂM C

"NẾU AI YÊU MẾN THẦY THÌ HÃY GIỮ LỜI THẦY"


Sau khi tha thiết nói với các môn đệ những lời thân tình nhất, Chúa Giêsu đúc kết lại trong một lời khuyên ân cần: "Nếu ai yêu mến Thầy thì hãy giữ lời Thầy". Giữ lời Chúa là giữ lời nào? Thưa là giữ chính cái điều mà Chúa Giêsu đã nhấn mạnh lặp đi lặp lại nhiều lần: "Chúng con hãy yêu thương nhau”.

Chúng ta đừng coi thường Lời Chúa, mà phải phân biệt rõ những mức độ yêu thương, và tìm hiểu xem Chúa muốn ta yêu thương như thế nào.

- Yêu thương có khi là một điều quá dễ: Người ta sung sướng khi yêu thương, người ta ham thích yêu thương, người ta thèm khát yêu thương và người ta làm đủ cách để được yêu thương. Thí dụ như một đứa bé mồ côi thèm khát tình yêu thương của cha mẹ; hay một người tuổi trẻ thèm khát tình yêu thương của một người tình. Sở dĩ yêu thương mà thích, mà sung sướng là vì yêu thương ở mức độ này có nghĩa là đón nhận: nhận được những sự chăm sóc, chiều chuộng, vuốt ve, âu yếm.

- Yêu thương có khi là một điều hơi khó, người ta phải hơi cố gắng mới yêu thương được. thí dụ tôi thương một người bạn. Người bạn đó mượn tôi một số tiền hay nhờ tôi làm giúp một công việc khó khăn. Tôi hơi tiếc, hơi ngại nhưng vì yêu thương bạn mà tôi cố gắng đưa tiền, cố gắng chịu cực để giúp bạn. Yêu thương ở mức độ này có nghĩa là cho đi một phần của những gì mà tôi quý chuộng.

- Và sau cùng, yêu thương có khi là một điều hết sức khó, vì yêu thương mà người ta phải đau khổ, phải hy sinh thật nhiều. Thí dụ nàng Kiều vì thương cha già sắp lâm vòng tù tội mà phải bán mình để chuộc cha. Yêu thương ở mức độ này có nghĩa là phải cho đi hoàn toàn, cho đi tất cả.

Tóm lại có ba mức độ yêu thương:

- Yêu thương rất dễ khi được đón nhận.

- Yêu thương hơi khó khi phải cho đi một phần những gì mình quý giá.

- Và yêu thương hết sức khó khi phải cho đi hoàn toàn, hy sinh tất cả.

Khi trối "chúng con hãy yêu thương nhau", Chúa Giêsu muốn chúng ta yêu thương ở mức độ thứ ba này.

Chúng ta hãy nhìn đến liên hệ của mình với những người khác: Có những người mình yêu thương thật dễ, đó là những người có lợi cho mình, hay giúp đỡ mình, hay an ủi mình. Yêu thương những người này dễ vì yêu thương là đón nhận. Có những người khác yêu thương họ mình thấy có khi dễ có khi khó, vì họ có khi làm mình vui, có khi khiến mình buồn, nhưng mình vẫn cố gắng thương họ được, vì yêu thương họ mình vừa được đón nhận mà vừa phải cho đi. Nhưng có những người chẳng mang lại cho mình lợi lộc gì cả mà chỉ toàn làm cho mình cực lòng, mất mát, khổ đau, thí dụ như những người nghèo, những người bệnh, những người tội lỗi, những kẻ thù… Nhưng xin được lưu ý rằng chính đây là những người Chúa muốn ta yêu thương, Chúa muốn ta hy sinh, Chúa muốn ta cho đi hoàn toàn. Chúa đã nói "nếu chúng con chỉ yêu thương những kẻ mến chuộng mình thì nào có công gì? Những người thu thuế há không làm như thế sao?”

Yêu thương mới xem ra thì quá dễ. Hay nói đúng hơn yêu thương theo khuynh hướng tự nhiên thì quá dễ, vì theo tự nhiên người ta chỉ yêu thương khi được đón nhận, chỉ yêu thương những ai có lợi cho mình.

Nhưng yêu thương cho đúng nghĩa, yêu thương đúng như ý Chúa muốn thì lại hết sức khó, vì đòi hỏi ta phải cho đi, phải hy sinh, đòi ta phải yêu thương cả những người không có lợi cho ta mà còn làm khổ ta.

Nhưng đó là mức độ yêu thương cao nhất, có yêu thương được như vậy thì mới là làm theo Lời Chúa. Có làm theo Lời Chúa thì mới là yêu mến Chúa thật.

Xin Chúa giúp chúng ta biết cho đi, biết hy sinh để thực sự yêu thương như Chúa muốn trong tương quan giữa vợ chồng con cái trong gia đình, cũng như trong tương quan giữa chúng ta với mọi người khác.


CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH, NĂM C

LỄ CHÚA THĂNG THIÊN

Lúc Chúa Giêsu thăng thiên là lúc Ngài bàn giao sứ mạng lại cho Giáo Hội. Nhưng sứ mạng ấy là gì? Thưa là sứ mạng "làm chứng", như lời Chúa Giêsu nói "Chúng con sẽ là chứng nhân của Thầy". Chứng nhân, hay người làm chứng, là kẻ nghe gì nói y lại như vậy, thấy sao thuật y lại như vậy, rất đúng, rất trung thực.

Chúng ta làm chứng cho ai? Thưa cho Chúa Giêsu. Mà theo cách mô tả của thánh Luca, Chúa Giêsu nay đã lên trời, có một đám mây che khuất Ngài. Không biết có thực ngày xưa đã có một đám mây từ trời đáp xuống như một chiếc dĩa bay, rồi hai thiên thần mời Chúa Giêsu bước lên đứng trên chiếc dĩa bay đó, rồi sau đó chiếc dĩa bay bằng mây từ từ cất lên cao hay không. Điều này không chắc, vì 3 thánh sử kia, tức Matthêu, Máccô và Gioan đều không hề nói về đám mây đó. Thực ra, qua hình ảnh đám mây che khuất, thánh Luca muốn nói rằng Chúa Giêsu không còn hiện diện hữu hình nữa, mắt người phàm không còn trông thấy được Ngài nữa. Nhưng những kẻ làm chứng cho Ngài phải làm chứng thế nào để người ta như là thấy được Ngài thực sự.

Chúng ta làm chứng thế nào? Sách Công vụ có ghi một chi tiết: Đang lúc các tông đồ cứ dõi mắt đăm đăm nhìn theo bóng dáng Thầy thì hai thiên thần nói với họ: "Hỡi người Galilê, sao còn mãi đứng nhìn trời". Câu nói bỏ lửng nhưng có nhiều ngụ ý. Chúng ta có thể đoán ra được những ngụ ý sau:

- Đừng luyến tiếc nữa cái thời các ông có Chúa Giêsu ở bên cạnh một cách hữu hình và mọi sự đều do Chúa Giêsu làm hết. Bây giờ đã tới phiên các ông hoạt động, hãy tự mình hoạt động, dĩ nhiên là cũng có sự trợ giúp của Chúa Giêsu vẫn còn hiện diện cách vô hình bên cạnh các ông, nhưng chính các ông phải hoạt động.

- Ngụ ý thứ hai là đừng chỉ mải mê mơ tới ngày được lên hưởng thiên đàng với Chúa Giêsu, điều quan trọng trước mắt là phải quay về với thế giới hiện tại. Hạnh phúc thiên đàng phải được xây dựng ngay từ trần thế này.

Và chúng ta sẽ làm chứng cho Chúa Giêsu ở đâu? Chúa Giêsu đã nói rõ: "Chúng con sẽ làm chứng cho Thầy tại Giêrusalem, Giuđê, Samari và cho đến tận cùng thế giới". Giêrusalem là nơi lúc ấy các tông đồ đang ở, Giuđê xa hơn một chút nhưng cũng quen thuộc vì có nhiều người đã tin Chúa, Samari tuy gần mà xa vì dân miền đó tuy biết Chúa Giêsu nhưng không có cảm tình với Ngài, đến tận cùng thế giới là mục tiêu xa nhất và bao quát nhất. Khi vẽ một bản đồ hành trình làm chứng như thế, ý Chúa Giêsu là hãy bắt đầu làm chứng cho Ngài ngay từ trong nội bộ của mình, rồi từ từ mới lan dần ra. Chúng ta thấy các tông đồ đã thực hiện đúng như thế: nhờ cộng đoàn Giêrusalem sống đoàn kết hiệp nhất, tương thân tương trợ mà người ngoài nhìn vào đã mến phục và xin gia nhập Giáo Hội, thế rồi từ Giêrusalem, Giáo Hội lan sang Giuđê, Samari, Antiôkia và dần dần tỏa ra khắp thế giới.

Các chi tiết trong hai bài đọc Tin Mừng và sách Công vụ giúp chúng ta thấy được sứ điệp Lời Chúa muốn gởi đến chúng ta hôm nay:

- Chúng ta đã quen dự Thánh Lễ, đọc kinh cầu nguyện và làm một số việc đạo đức khác. Tuy nhiên chúng ta đừng chỉ mãi mê lo xây dựng hạnh phúc thiên đàng cho riêng mình, mà hãy biết lo xây dựng hạnh phúc thiên đàng cho người khác nữa.

- Nói là xây dựng hạnh phúc thiên đàng, nhưng không phải bằng cách chỉ lo đến những việc đời sau, hạnh phúc thiên đàng phải được xây dựng ngay tại cuộc sống trần thế này.

- Và ở trần thế này, nơi chúng ta phải ưu tiên xây dựng hạnh phúc là chính trong nội bộ của mình. Cộng đoàn chúng ta có hạnh phúc thì mới là một hình ảnh đẹp khuyến khích người ngoài đến chia sẻ niềm tin, chia sẻ cuộc sống và chia sẻ hạnh phúc của chúng ta.

- Đó chính là cách chúng ta làm chứng cho Chúa, làm cho người ta tuy bị một áng mây chia cách giữa hữu hình với vô hình nhưng cảm thấy như thực sự nhìn thấy Chúa. Thấy Chúa ở trong chúng ta, ở trong cộng đoàn chúng ta và Giáo Hội chúng ta.


LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG




HIỆP NHẤT: Sách Công vụ tường thuật rằng khi Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ thì có nhiều hiện tượng lạ xảy ra, trong đó có hiện tượng các tông đồ giảng trước một đám đông thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau thế mà ai cũng hiểu được. Thứ tiếng mà hôm đó các tông đồ nói là thứ tiếng gì? Có nhiều giải thích khác nhau. Việc giải thích chi tiết tiếng nói hôm đó của các tông đồ còn nhiều khó khăn, nhiều bất đồng và đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

Nhưng có điểm này được hầu hết các nhà chuyên môn về Thánh kinh đều nhất trí: đó là câu chuyện hôm lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là đối ảnh của câu chuyện tháp Babel ngày xưa. Ngày xưa ở Babel, con cháu ông Noe đang nói cùng một thứ tiếng, nghĩa là đang hiểu nhau, bỗng dưng vì tội kiêu ngạo muốn xây một cái tháp cao hơn trời để tỏ ra mình hơn Thiên Chúa nên bị phạt khiến họ nói nhiều thứ tiếng, làm cho người này không hiểu người kia được nữa. Chuyện Tháp Babel ngụ ý rằng khi con người không được Thiên Chúa quy tụ thì sẽ chia rẽ nhau, không hiểu nhau và không thông cảm được cho nhau.

Chúa Thánh Thần hiện xuống sửa lại sự hư hại đó: Hôm lễ Ngũ Tuần, tất cả mọi người dù thuộc những dân tộc và những ngôn ngữ khác nhau nhưng đã hiểu nhau. Nhờ đâu? Thưa nhờ Chúa Thánh Thần quy tụ họ lại. Chúa Thánh Thần nối kết họ lại. Bài tường thuật trong sách Công vụ cho chúng ta một bài học về sự đoàn kết hiệp nhất giữa những người vốn có nhiều điểm bị biệt nhau.

1. Ai ai cũng thấy đoàn kết hiệp nhất là cần thiết, quan trọng và hữu ích. Còn sách Công vụ thì kể rằng sở dĩ thuở ban đầu giáo hội phát triển nhanh rộng là nhờ các tín hữu rất đoàn kết yêu thương nhau, người lương thấy cuộc sống hiệp nhất yêu thương ấy quá tốt đẹp và đầm ấm nên thích và xin gia nhập Giáo hội.

2. Nhưng làm sao để có đoàn kết và hiệp nhất?

- Muốn có đoàn kết hiệp nhất thì trước hết phải biết tôn trọng sự dị biệt. Nhiều khi những người sống chung trong tập thể cứ hục hặc nhau hay buồn phiền nhau chỉ vì người này khó chịu vì người kia có tính tình khác mình, có cách suy nghĩ khác mình, có sở thích khác mình… Thấy người ta khác mình là mình bực bội, mình phê phán, mình ghét bỏ. Thực ra "bá nhân bá tánh". Và khi Thiên Chúa dựng nên người ta, Người cũng dựng nên mỗi người có nét riêng của người đó. Nói theo từ ngữ triết học thì mỗi người là một hữu thể độc đáo. Ta phải tôn trọng sự dị biệt nơi người khác. Đừng ai bắt ai phải có cùng một cá tính, một cách suy nghĩ, một cách làm việc, một sở thích giống y như mình. Thấy người ta khác mình nhưng mình vẫn tôn trọng người ta, đó là cơ sở thứ nhất tạo sự đoàn kết hiệp nhất.

- Điều kiện thứ hai, khi ta đã tôn trọng sự dị biệt nơi người khác thì ta phải biết tương nhượng, nghĩa là nhường nhịn nhau. Vì bá nhân bá tánh nên có nhiều lúc trong cuộc sống chung, ý của người này và người kia khác nhau. Nếu hai bên cứ khăng khăng đòi người kia phải theo ý mình thì đương nhiên sẽ dẫn tới cãi cọ hoặc bất mãn không hợp tác. Cho nên mỗi bên phải nhường một chút. Quyết định chung là kết quả của sự dung hòa ý kiến của hai bên.

- Điều kiện thứ ba, nhưng là điều kiện quan trọng nhất, đó là mọi người đều ý thức rằng mình có chung một nguồn gốc, một tinh thần. Cũng như anh chị em trong gia đình dễ tương nhượng nhau, dễ tha thứ nhau, dễ đoàn kết hiệp nhất với nhau và nhờ mọi người ý thức mình là con của cùng một cha mẹ sống chung trong một mái nhà. Cũng thế, chúng ta ý thức rằng ai ai dù thế nào đi nữa cũng là con người, cũng là đồng bào với nhau thì sẽ dễ đoàn kết nhau hơn. Đối với Kitô hữu, nếu chúng ta ý thức thêm rằng chúng ta là môn đệ Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa thì chúng ta cũng dễ yêu thương nhường nhịn và đoàn kết với nhau hơn. Nhưng ai sẽ nhắc chúng ta ý thức điều đó và ai sẽ giúp chúng ta thực hiện đoàn kết hiệp nhất theo ý thức đó? Thưa Chúa Thánh Thần.

Hôm nay lễ Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy tha thiết cầu xin Ngài giúp chúng ta. Trước hết là biết tôn trọng sự dị biệt nơi những người sống chung với ta. Thứ hai xin Ngài giúp mỗi người chúng ta thêm khiêm tốn để có thể tương nhượng người khác khi có bất đồng. Và nhất là xin cho mọi người ý thức mình đều là con Chúa, đều là môn đệ Chúa cho nên đều phải yêu thương nhau.


CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN, NĂM C

LỄ CHÚA BA NGÔI





Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một trong ba mầu nhiệm căn bản của đức tin Kitô hữu, căn bản vì có ảnh hưởng quan trọng trên cách sống đức tin của chúng ta. Nhưng hình như từ trước tới nay chúng ta chưa ý thức bao nhiều về tầm quan trọng ấy.

NHÌN THẤY CHÚA: Một vị vua kia đến cuối cuộc đời cảm thấy buồn chán. Ông nói: "Suốt đời ta, ta đã cảm thụ được tất cả những gì mà một con người có thể cảm thụ được bằng các giác quan. Nhưng vẫn còn một điều ta chưa được thấy, đó là ta chưa thấy Chúa. Bây giờ nếu ta chỉ được nhìn thấy Chúa một thoáng thôi thì ta cũng sẽ mãn nguyện mà chết". Nhà vua tham khảo ý kiến những bậc khôn ngoan, hứa cho họ đủ thứ phần thưởng nếu họ giúp ông thực hiện điều mơ ước ấy. Nhưng chẳng ai giúp được.

Thế rồi có một chàng chăn cừu nghe chuyện trên và tìm đến gặp nhà vua. Chàng nói: "Có lẽ hạ thần có thể giúp bệ hạ được". Nhà vua rất sung sướng theo người chăn cừu leo lên nhiều ngọn đồi. Khi đến đỉnh một ngọn đồi nọ, người chăn cừu đưa tay chỉ mặt trời và bảo: "Hãy xem kìa". Nhà vua ngước mắt nhìn lên nhưng liền nhắm lại ngay vì chói quá. Ông bảo: "Nhà ngươi muốn cho ta mù sao!". Người chăn cừu đáp: "Tâu bệ hạ, đây chỉ mới là một phần nhỏ của vinh quang Thiên Chúa mà bệ hạ còn nhìn không nổi. Thế thì làm sao bệ hạ có thể nhìn được Thiên Chúa bằng cặp mắt bất toàn của bệ hạ? bệ hạ phải tìm cách nhìn Ngài bằng cặp mắt khác".

Nhà vua rất thích ý tưởng ấy, nói: "Ta cám ơn ngươi đã mở cặp mắt trí khôn của ta. Bây giờ hãy trả lời cho câu hỏi khác của Ta: Thiên Chúa sống ở đâu?". Người chăn cừu lại đưa tay chỉ lên trời: "Bệ hạ hãy nhìn những con chim đang bay kia. Chúng sống trong bầu không khí bao quanh. Chúng ta cũng thế, chúng ta sống trong sự bảo bọc của Thiên Chúa. Xin bệ hạ đừng tìm kiếm nữa, mà hãy mở rộng mắt ra để nhìn, mở tai ra để nghe. Thế nào bệ hạ cũng thấy được Ngài. Thiên đàng ở ngay dưới chân chúng ta cũng như ở ngay trên đầu chúng ta".

Nhà vua dừng bước, cố gắng nhìn, cố gắng lắng nghe. Thế là một cảm giác bình an lộ rõ trên khuôn mặt buồn thảm của ông. Người chăn cừu nói tiếp: "Tâu bệ hạ, còn một điều nữa". Rồi chàng dẫn nhà vua đến một cái giếng. Nhà vua nhìn xuống mặt nước bằng phẳng, hỏi: "Ai sống dưới đó thế?". Người chăn cừu đáp: "Thiên Chúa". "Ta có thể nhìn thấy Ngài không?". "Được chứ, bệ hạ chỉ cần nhìn". Nhà vua chăm chú nhìn xuống giếng, nhưng chỉ thấy gương mặt của mình phản chiếu trên mặt nước. Ông nói: "Ta chỉ thấy mặt ta thôi". Người chăn cừu giải thích: "Bây giờ thì bệ hạ đã biết Thiên Chúa sống ở đâu rồi. Ngài sống trong bệ hạ đó".

Nhà vua nhận ra rằng người chăn cừu khôn ngoan và giàu có hơn ông. Ông cám ơn chàng và trở về hoàng cung. Chẳng ai biết ông có nhìn thấy Thiên Chúa không, nhưng ai cũng nói rằng có một điều gì đó đã biến đổi trái tim ông, bởi vì từ đó trở đi ông đối xử rất nhân hậu với mọi người, kể cả người đầy tớ hèn hạ nhất của ông.

Thiên Chúa ở khắp chung quanh chúng ta. Nhưng chừng nào chúng ta chưa khám phá Ngài ở ngay trong lòng chúng ta thì Ngài như vẫn còn ở xa, vẫn như một người lạ thờ ơ vô tình. Còn khi chúng ta cảm nhận Ngài ở trong chúng ta thì không bao giờ chúng ta còn cảm thấy cô đơn nữa, và khi đó chúng ta sẽ nhìn thấy thiên nhiên là một công trình của một Đấng Nghệ Sĩ thân thiết của chúng ta. Thiên Chúa Ba Ngôi vừa ở trong chúng ta vừa siêu vượt chúng ta. Đúng là một mầu nhiệm, nhưng là một mầu nhiệm tình yêu.



Mầu nhiệm Ba Ngôi không phải là vấn đề để tranh luận, cũng không phải là vấn đề để học biết, mà là để cầu nguyện và để sống. Kitô hữu sống trong thế giới của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thế giới này không phải là một thế giới ở đâu xa xôi, mà chính là thế giới mà ta sống hằng ngày.

CHÚA NHẬT IX THƯỜNG NIÊN, NĂM C

LỄ MÌNH MÁU CHÚA KITÔ

LƯƠNG THỰC THẦN LINH

Một số anh chị em dự tòng sau khi được học hỏi về sự cao quý, về tầm quan trọng và về sự cần thiết của thánh lễ cũng như của bí tích Thánh Thể đã đưa ra câu hỏi: Nếu thánh lễ và mầu nhiệm Thánh Thể cao quí và cần thiết cho đời sống thiêng liêng như vậy, thì tại sao nhiều người công giáo lại không đi dâng lễ, hay nếu có đi thì lại ngồi ở ngoài hút thuốc, nói chuyện, chơi giỡn và hầu như không bao giờ rước Mình Thánh Chúa?

Một câu hỏi quả là gây nhức nhối và rất đáng để những người mang danh là Kitô hữu phải suy nghĩ. Có lẽ ta khó có thể tìm được một lý do nào chính đáng để trả lời cho thắc mắc này ngoài việc nhận thực rằng: tại do yếu kém về giáo lý, do thiếu hiểu biết về Chúa, về những gì Người đã dạy và đã làm, do thiếu ý thức về những sự thánh thiêng, do thiếu trưởng thành trong đời sống đạo nên mới xảy ra những trường hợp như vậy. Vì thiếu hiểu biết nên không thấy được sự cao quí và tầm quan trọng của việc dâng lễ và việc rước Thánh Thể. Những người này coi việc đi dâng lễ ngày Chúa Nhật chỉ là một khoản luật phải giữ để khỏi có tội, để khỏi bị phạt mà thôi. Họ không ý thức rằng: Thánh lễ và Thánh Thể là những điểm hẹn để họ gặp gỡ Thiên Chúa là Cha của mình. Họ cũng không biết rằng đây là cơ hội rất quý báu để có thể kín múc lấy nguồn sự sống, nguồn ân sủng cần thiết cho cuộc đời.

Thánh lễ và bí tích Thánh Thể không do Hội Thánh, không do bất cứ ai bịa ra, nhưng là do chính Chúa Kitô thiết lập. Thánh lễ ngày nay tái diễn và làm sống lại thánh lễ Chúa Kitô đã dâng khi xưa trên thánh giá để tiếp tục chuyển thông ơn cứu rỗi cho mọi người, mọi thời và mọi nơi. Và Thánh Thể chính là lương thực nuôi sống linh hồn ta trong hành trình làm người, cũng là hành trình đi về quê hương trên trời. Chúa Giêsu đã nói đi nói lại nhiều lần: "Thịt Tôi thật là của ăn, máu Tôi thật là của uống. Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì sẽ được sống đời đời" (Ga 6, 54-55). Ngay cả khi Người biết rõ ràng rằng: Khi Người nói ra những điều ấy, người ta sẽ không tin, sẽ nhạo cười và sẽ bỏ đi, Người vẫn cứ nói. Điều đó cho thấy vấn đề Chúa Giêsu nói ra quan trọng và cần thiết như thế nào.

Con người không chỉ có thân xác nhưng còn có linh hồn. Và mục đích của đời sống làm người không chỉ là sự no đủ cơm áo phần xác mà còn là sự no đủ của đời sống tâm linh nữa: "Người ta sống không chỉ bởi bánh" (Lc 4, 4).

Thiết tưởng mỗi người chúng ta đều có dư khả năng để nhận thức điều này. Vấn đề còn lại là thái độ của chúng ta đối với Thánh lễ và Thánh Thể như thế nào mà thôi.




tải về 418.57 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương