Longchuathuongxot vn ĐT: 38. 290. 093 Ôi! Ta yêu thương những linh hồn nào hết lòng tín thác nơi Ta, Ta sẽ làm tất cả cho họ


TRẦM THIÊN THU (Tiếp theo và hết)



tải về 418.57 Kb.
trang4/5
Chuyển đổi dữ liệu15.08.2016
Kích418.57 Kb.
#20153
1   2   3   4   5

TRẦM THIÊN THU

(Tiếp theo và hết)



II. TRƯỜNG CA ĐAU KHỔ

Chắc hẳn không có đồng tiền nào trên thế giới lại “đặc biệt” như đồng đô-la Mỹ, “đặc biệt” không chỉ là tỷ giá đồng tiền đứng hàng thứ ba (sau đồng Bảng Anh và Euro) trên thế giới, mà đặc biệt vì trên đồng đô-la Mỹ có ghi câu: In God we trust (Chúng ta tin vào Thượng Đế, chúng tôi tín thác vào Thiên Chúa, chúng con tin Chúa), cũng tương tự câu: Jesus, I trust in You (Lạy Chúa Giêsu, con tin Ngài; lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài) mà ngày nay rất phổ biến trong việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót.

Cả đời Chúa Giêsu thực hành yêu thương và dạy người ta yêu thương, vì Ngài mệnh danh là Tình Yêu (x. 1 Ga 4:8 & 16). Ngài gọi “luật yêu thương” là điều răn mới: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34).

Chia tay luôn là điều buồn, thậm chí là rất đau khổ. Ai trong chúng ta cũng đã từng hơn một lần phải chia tay: Xa cha mẹ, xa con cái, xa người thân, xa người yêu, xa bạn thân, và nhất là bị phụ tình. Nhưng xa như vậy vẫn có thể còn gặp lại, có bị phụ tình thì vẫn có dịp gặp tình mới. Xa mà không thể gặp lại được chính là cái chết, lúc đó chúng ta còn đau khổ hơn rất nhiều. Ai đã từng mất cha mẹ, anh chị em, đặc biệt là mất mẹ, thì sẽ cảm thấy khoảng trống vô hạn tưởng chừng không gì khỏa lấp nổi. Những lúc đó trái tim nhói đau lắm. Tuy nhiên, vẫn không “nhằm nhò” gì so với nỗi đau của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu Kitô biết mình sắp phải xa những người thân thiết mà Ngài yêu thương hết lòng, đó là chúng ta. Có bản tính nhân loại, Ngài cũng xúc động 2 lần khi thấy người ta thương tiếc Ladarô (x. Ga 11:3 & 38), có lúc Ngài rất đau buồn, đau buồn đến nỗi Ngài đã phải thốt lên: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mt 26:38). Vâng, nỗi đau quá lớn! Và Ngài không muốn xa rời chúng ta một giây phút nào nên Ngài đã thiết lập Bí tích Thánh Thể (x. Mt 26:26-29; Mc 14:22-25; Lc 22:19-20; 1 Cr 11:23-25), chính là Bí tích Yêu Thương, để có thể ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28, 20). Chưa xa mà Chúa đã rất nhớ các môn đệ, Chúa đã trút bầu tâm sự lần cuối bằng giọng buồn bã: “Từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy” (Mt 26:29).

Với người đời thì “xa mặt cách lòng”. Chúa biết rõ nên Ngài “không dám” xa chúng ta, Ngài vẫn ở bên chúng ta, vậy mà thoáng một cái thì chúng ta lại quên Ngài. Quá tệ! Chúng ta có thể dễ “chê” ông Phêrô, ở bên Chúa hằng ngày mà vẫn… nhát đảm, chưa đánh đã khai! Với bản tính chất phác, thật thà, có sao nói vậy, và lại nóng tính hơn cả Trương Phi, chẳng thế mà khi thấy Thầy bị bắt, ông liền vung tay tuốt gươm ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế làm nó đứt tai (x. Mt 26:51), nên ông hùng hồn quả quyết chắc như đinh đóng cột: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã” (Mt 26:33). Ông còn tái khẳng định: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26:35). Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy. Ấy thế mà chỉ là mấy đầy tớ gái trong đêm tối chợt nhận ra ông trong số người đi theo Chúa Giêsu thì ông đã giật thót người và “vô tư” chối Chúa đến 3 lần (x. Mt 26:69-75). Nếu là chúng ta chắc là còn tệ hơn, “giả nai” và bỏ của chạy lấy người thôi!

Thánh Phêrô “đại diện” cho chúng ta trong việc… chối Chúa. Chúa bị phụ tình. Tất nhiên Ngài đau lắm, Ngài đau không chỉ một lần mà đau hàng tỷ lần vì nhân loại hằng ngày phụ tình Ngài. Khi bằng an thì Thầy Thầy, con con – hy vọng có thể được hưởng “ké” gì đó; khi Thầy bị bắt thì trò chạy mất dép, chối leo lẻo – vì quá thất vọng, bị vỡ mộng, không còn “xơ múi” gì, vậy là… hết!.

Trong vườn Ghết-sê-ma-ni, Chúa Giêsu đã toát mồ hôi hột vì quá run sợ và quá đau khổ nên Ngài đã phải hai lần thốt lên: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26:39), và “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (Mt 26:42). Nhưng Ngài chấp nhận vì tuân phục, vui nhận chứ không miễn cưỡng, không phải là không nhận cũng không được.

Nỗi đau này tiếp nỗi đau khác. Không chỉ bị phụ tình mà Ngài còn bị lợi dụng khi Giuđa nhân danh điều tốt để làm điều xấu: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy!” (Mt 26:48). Nụ hôn là biểu hiện yêu thương mà lại bị biến thành dụng cụ phản trắc. Chúa Giêsu đã biết trước: “Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (Ga 13:18). Ăn cháo đá bát, lật lọng. Buồn vô hạn! Và một lần nữa, Ngài lại bị đau khổ đến tột cùng! Chúng ta đừng vội trách ông Giuđa vì chúng ta cũng đã, đang và sẽ lợi dụng lòng nhân hậu của Chúa, dám nhân danh lòng đạo đức mà cứ tưởng mình vì Chúa, và dám nhân danh lòng tốt mà làm tổn hại người khác bằng nhiều cách.

Sau khi họ bắt trói Chúa đi, họ hành hạ và sỉ nhục Chúa Giêsu đủ cách, họ còn khạc nhổ vào mặt Ngài và đấm đánh Ngài. Có kẻ lại tát Ngài và nói: “Ông Kitô ơi, hãy nói tiên tri cho chúng tôi nghe đi: Ai đánh ông đó?” (Mt 26:67-68). Nếu có ở đó, chắc hẳn chúng ta cũng phải “nóng gáy” mà lầm bầm theo kiểu nói ngày nay: “Đồ đểu!”.

Tột đỉnh đau khổ, tột đỉnh nhục nhã, tột đỉnh cô đơn, vì Chúa Giêsu không còn ai dám nhận mình là người quen, có người chỉ dám đứng xa xa xem sao. Thế nên Chúa Giêsu lại thốt lên: “Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni – Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? (Mt 27:45). Máu ra nhiều, Ngài kêu khát thì người ta lại nỡ lòng cho Ngài nếm giấm chua (x. Ga 19:28-29). Và thế là kết thúc bản hùng ca Liên Khúc Khổ Đau, thế là hoàn tất!

Lòng Thương Xót Chúa quá kỳ lạ, quá cao vời, quá mầu nhiệm. Ước gì mỗi người chúng ta khả dĩ cảm nhận Tình Yêu ấy như Chân phước Lm Ludovico Casoria: “Tình yêu Chúa Kitô đã chạm đến trái tim tôi” (Christ’s love has wounded my heart).

Người ta thường nói: “Yêu là khổ, không yêu thì lỗ, thà chịu khổ hơn chịu lỗ”. Nhưng đó chỉ là nói… cho vui. Thực tế có nhiều người “bị lỗ” liền tìm cách hại người không yêu mình, thậm chí là giết chết người đó. Còn với Chúa thì không đùa giỡn, rất thật: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9:23). Thánh Phaolô kinh nghiệm đầy mình: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1:24). Yêu là phải khổ, như một quy luật tất yếu muôn thuở, không thể nói suông, bởi vì “nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6:8).

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ các vĩ nhân là chính trị gia Mohandas Karamchand Gandhi và mục sư Martin Luther King.

Mohandas Karamchand Gandhi (2.10.1869 – 30.1.1948) được dân Ấn Độ tôn vinh là thánh nhân, là người cha của dân tộc, vì ông đã hết lòng vì nhân dân đến nỗi thân xác ông ốm o gầy mòn. Lúc 15 tuổi, ông thiếu tiền nên ăn cắp chiếc đồng hồ vàng của người cha. Lương tâm ông không ngừng bị day dứt, nhưng ông không dám nói thẳng với cha mà viết vào giấy rồi đưa cho cha. Ông đứng run lẩy bẩy chờ hình phạt. Người cha xem giấy xong liền xé nát, rồi nói: “Thôi được, dù sao con cũng biết nhận lỗi”. Sau đó, người cha ôm hôn đứa con thắm thiết.

Ông là người giải hòa giữa người Hindu và Hồi giáo. Phương pháp hành động của ông là khuyến khích, phi bạo lực chân thật – gọi là Satyagraha. Ông bị bắt nhiều lần ở Anh và Nam Phi vì hoạt động chính trị, giành độc lập cho Ấn Độ năm 1947. Nhưng ngày 30.1.1948, một người Hindu cuồng tín là Nathuram Godse đã đâm ông 3 nhát dao oan nghiệt khiến ông gục ngã. Trước khi chết, ông còn thốt lên: “Chúa ơi! Chúa ơi!” và xin tha thứ cho người sát hại mình. Ông thật xứng đáng được người dân Ấn Độ tôn xưng là “Mahatma” (Tâm hồn Vĩ đại).

Martin Luther King (sinh 15-1-1929, mất 4-4-1968), người Mỹ da đen, đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1964, khi ông mới 35 tuổi. Năm 1957, ông thành lập tổ chức Southern Christian Leadership Conference (Hội nghị Lãnh đạo Kitô giáo Nam phương), lý tưởng của tổ chức này ông rút ra từ Kitô giáo, cách hoạt động được áp dụng theo kiểu của Gandhi.

Trong những năm hoạt động từ 1957–1968, ông đi nhiều nơi và viết nhiều sách báo để bảo vệ công lý. Ông hướng dẫn 250.000 người biểu tình ở Washington, D.C., và hô to khẩu hiệu: “Tôi có Mơ ước” (I Have a Dream). Ông hoạt động chống kỳ thị chủng tộc nên bị bắt 20 lần và bị tấn công 4 lần, được tạp chí Time bình chọn là Nhân vật của năm 1963. Ông không chỉ là biểu tượng lãnh đạo của người Mỹ da đen mà còn là nhân vật của thế giới. Ông bị ám sát ngày 4-4-1968 tại phòng khách sạn ở Memphis, Tennessee, còn nhà ông bị bỏ bom.

Thánh linh mục Maximilien Kolbe đã bằng lòng chết thay cho một người bạn tử tù, chân phước Gioan-Phaolô II đã đích thân đến tận nhà tù để tha thứ cho chính kẻ đã ám sát ngài. Và còn nhiều những tâm hồn cao thượng chứa đầy tình yêu thương như vậy. Đó là những chứng nhân của Lòng Thương Xót Chúa – hôm qua, hôm nay, và mãi mãi…

Những con người như vậy đều có lý tưởng sống cao, đồng thời cũng có lòng yêu thương kỳ lạ, dám sống “khác người”, nhưng Đức Kitô còn “khác người” hơn nhiều – như trong ba dụ ngôn điển hình về Lòng Thương Xót: con chiên bị lạc (Ga 15:4-7), đồng bạc bị mất (Ga 15:8-10), người cha nhân hậu (Ga 15:11-31). Họ dám xả thân cho người-mình-yêu vì họ khao khát yêu thương cháy bỏng. Họ không chỉ vĩ đại mà thực sự là thánh nhân vậy. Chính Chúa Giêsu đã xác định: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13).

Bản Trường ca Đau khổ không được Chúa Giêsu nói rõ nhưng Ngài có cách nói khác: “Ngày nào có cái khổ của ngày đó (Mt 6:34). Điều đó có nghĩa là chẳng bao giờ hết đau khổ, và như vậy còn hơn là bản trường ca nữa! Và mỗi chúng ta cũng phải là một nốt nhạc nhỏ trong bản trường ca đó để cùng hòa âm với “nốt khổ” chủ yếu chính là Đức Giêsu Kitô.

Lạy Thiên Chúa là Vua các vua nhưng dịu hiền, là Thẩm phán tối cao công minh nhưng nhân hậu, là người Cha yêu thương vô cùng, chúng con thật bất xứng. Vạn lạy Ngài, xin xót thương và tha thứ, “chúng con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa” (Lc 15:18-19). Nhưng chúng con vững tin vào Tình Chúa bao la và luôn tín thác vào Lòng Thương Xót của Ngài. Từ nay, “xin tạo cho chúng con tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho chúng con nên chung thuỷ và ban lại cho chúng con niềm vui được Ngài cứu độ” (Tv 51:12 & 14).

Vì Cuộc Khổ Nạn đau thương của Chúa Giêsu, vì Bửu Huyết của Chúa Giêsu, và vì Châu Lệ của Thánh Mẫu Maria, xin Chúa cứu độ các linh hồn và cả thế giới. Chúng con muốn trở thành lưỡi đòng đâm thấu Thánh Tâm Chúa để được ở trong đó mãi mãi. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen.

GIÁO DỤC KITÔ GIÁO



Gioakim Trương Đình Giai

(Tiếp theo và hết)


3. Hôn nhân nhận được sự nâng đỡ từ gia đình và xã hội

Trước hết, vợ chồng tương lai đã được chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ trong và bởi gia đình gốc của mình. Gia đình là trường học đầu tiên và quan trọng nhất trong việc giáo dục nhân bản và đức tin Kitô giáo cho con cái - là công dân và tín hữu – đồng thời cũng là người chồng, người vợ, người cha, người mẹ của gia đình tương lai. Sự thiếu sót của gia đình trong việc chuẩn bị này sẽ là một thiệt hại cho gia đình và xã hội sau này. “Xã hội, đúng hơn là nhà nước, phải nhìn nhận rằng gia đình là ‘một xã hội được hưởng một quyền lợi riêng biệt và ưu tiên’,… do đó, nhà nước có nghĩa vụ trọng yếu phải hỗ trợ gia đình,… phải làm những gì có thể để bảo đảm cho các gia đình mọi sự trợ giúp kinh tế, xã hội, giáo dục, chính trị, văn hóa mà gia đình cần có, để hoàn thành nghĩa vụ của mình một cách nhân bản”. (FC 45). Nhất là đối với những gia đình thu nhập thấp hay đang gặp khó khăn đặc biệt, thì càng phải giúp đỡ nhiều hơn.



4. Gia đình phục vụ xã hội và cộng đồng nhân loại

Về phần mình, gia đình là nguồn lực cho xã hội qua việc sinh thành, dưỡng nuôi và giáo dục con cái trở thành thành viên có phẩm chất tốt đẹp, tích cực góp phần xây dựng xã hội. Không có một thiện ích và tiến bộ nào của xã hội mà không phát xuất từ những cá nhân đã được giáo dục huấn luyện đàng hoàng từ trong gia đình. Không có điều gì thiện hảo, mang đến lợi ích cho xã hội mà không phát xuất từ một cá nhân xuất thân từ một gia đình nào đó. Tất cả những đức tính cần thiết cho đời sống xã hội: nhân ái, khoan dung, công bằng, trung thực, hợp tác đều phải được rèn luyện từ đời sống gia đình. Hơn nữa, mỗi gia đình đều có thể và cần phải tác động đến, và hợp tác với các gia đình khác, để cải thiện, thăng tiến xã hội, như lời Thánh Gioan Phaolô II đã nói “Tương lai Giáo Hội và nhân loại là do nơi các gia đình”.

Giờ đây, chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngắm Lời Chúa để hiểu rõ hơn ý nghĩa của sự liên đới và hiệp thông trong hôn nhân.

Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana, miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu và Đức Giêsu cùng các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Đức Giêsu đáp:“ Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến”. Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.

Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Đức Giêsu bảo họ: ”Các anh đổ đầy nước vào chum đi!”. Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: ”Bây giờ các anh múc và đem cho người quản tiệc”. Họ liền làm như thế. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ”. Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người (Ga 2, 1-11).

Tin mừng tường thuật tiệc cưới tại Cana. Trong số khách mời dự tiệc cưới, có Đức Maria, Đức Giêsu và các môn đệ. Tiệc đang cao hứng nhưng nửa chừng rượu hết.

Rượu tượng trưng cho sức sống, tình yêu, niềm vui, hạnh phúc. Hết rượu phải chăng có nghĩa là họ mất đi sức sống, tình yêu và niềm vui, nghĩa là tương quan của họ mất hết ý nghĩa, bị đe dọa, trở nên cằn cỗi, thất bại.

Trong tình hình thê thảm đó, Đức Maria xin Chúa can thiệp và bảo các gia nhân làm theo lời Chúa truyền. Kết quả là Đức Giêsu đã ban cho họ rượu ngon hơn trước, nhờ đó mọi người tìm lại được niềm vui, đôi vợ chồng tìm lại được sức sống, tình yêu, hạnh phúc.

Thử hỏi xem nhờ đâu mà họ được như vậy phải chăng là nhờ sự can thiệp, giúp đỡ của nhiều người: Đức Maria, Đức Giêsu, các gia nhân.

Vậy qua bài Tin mừng trên đây, Chúa muốn truyền cho ta sứ điệp gì?

- Hôn nhân không phải là chuyện riêng tư khép kín của hai người (đôi tân hôn không tổ chức đám cưới cho riêng mình mà cho cả hai bên gia đình, họ hàng thân thuộc bạn bè: chính vì thế có nhiều khách mời).

- Hôn nhân được gia đình và xã hội quan tâm giúp đỡ, không chỉ giúp tổ chức đám cưới mà là góp phần vun đắp tình yêu, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho đôi vợ chồng (sự quan tâm can thiệp và giúp đỡ của Đức Maria, Chúa Giêsu, các gia nhân).

- Hôn nhân phục vụ cho gia đình và xã hội (gia chủ thiết đãi, phục vụ các khách dự tiệc).

- Chúng ta cần phải quan tâm đến thiện ích của tha nhân, biết chia sẻ những nỗi lo âu của họ, biết tích cực đem lại niềm vui và hạnh phúc cho họ, biết coi hạnh phúc của anh em là chính hạnh phúc của mình – “Cho thì có phúc hơn là nhận”, Chúa đã dạy như thế. Và một cách cụ thể: Chúa dạy chúng ta – những người lớn có trách nhiệm và kinh nghiệm - cần phải nâng đỡ những đôi bạn trẻ.

- Tình yêu của vợ chồng có thể gặp trục trặc, xuống cấp, trở nên nhạt nhẽo, tàn phai, bế tắc (họ hết rượu rồi!). Cần phải có sự can thiệp, nâng đỡ, hỗ trợ của hai bên gia đình, họ hàng thân thuộc bạn bè, xã hội. Do đó cần phải thiết lập và vun đắp mối tương quan tốt đẹp giữa vợ chồng với gia đình hai bên, với mọi thân bằng quyến thuộc, bạn bè. Trước hết là giữa hai vợ chồng với gia đình cha mẹ hai bên, và tiếp đến, giữa các thành viên trong hai gia đình thông gia với nhau. Bởi chưng sự thân thiện của hai bên thông gia góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho hai vợ chồng. Và hai vợ chồng cũng phải duy trì và phát triển mối giao hảo bằng hữu với nhiều người để học hỏi và nâng đỡ lẫn nhau.

- Chúng ta phải quan tâm góp phần vun đắp hạnh phúc cho các gia đình và thiện ích cho xã hội, đặc biệt chăm sóc, nâng đỡ, đồng hành với những đôi tân hôn, những gia đình trẻ để giúp những gia đình này được vững vàng, ổn định, hạnh phúc trong việc thực hiện những nghĩa vụ của đời sống hôn nhân gia đình.

- Khi gia đình gặp sóng gió bế tắc, cần phải có sự can thiệp, giúp đỡ hỗ trợ của gia đình họ hàng, bạn bè, thân thuộc.

- Một mặt chúng ta phải tận dụng chứng từ sống động của những gia đình khác, hay những lời khuyên bảo chia sẻ chân tình của những người khôn ngoan, giàu kinh nghiệm. Mặt khác chúng ta có thể đóng góp vào bầu khí lành mạnh yêu thương của các gia đình và thiện ích của cộng đồng nhân loại bằng chứng tá yêu thương, quên mình, phục vụ, hy sinh, cảm thông, tha thứ trong chính gia đình mình, giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái và giữ anh chị em với nhau và mở rộng đến những gia đình xung quanh, đến mọi người, đặc biệt những ai lâm cảnh thập tử nhất sinh.

- Trước tiên những người trong cùng một gia đình phải quan tâm giúp đỡ nhau. Và các gia đình cũng phải quan tâm liên đới, nâng đỡ lẫn nhau, Phải cùng nhau chia sẻ gánh nặng, khuyên bảo lẫn nhau, sửa lỗi cho nhau, giúp nhau nên hoàn thiện và cầu nguyện cho nhau.

“… Đấng Tạo Hóa đã đặt gia đình làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội con người” nên gia đình trở thành tế bào đầu tiên và sống động của xã hội.

“Gia đình có những liên hệ chặt chẽ và sống động với xã hội vì gia đình làm nền tảng cho xã hội và không ngừng tiếp sức cho xã hội bằng việc phục vụ sự sống. Thật vậy, từ gia đình đã sinh ra các công dân, và chính trong gia đình mà các công dân tìm thấy trường học đầu tiên dạy các nhân đức xã hội, gia đình là linh hồn của sự sống và sự phát triển của chính xã hội” (x. 42).

“… Như vậy, phát huy sự hiệp thông đích thực giữa những ngôi vị có trách nhiệm trong gia đình trở thành một việc thực tập căn bản và không thể thay thế được cho đời sống xã hội, một gương mẫu và là một khích lệ cho các tương quan cộng đồng mở rộng được đánh dấu bằng các đức tính: kính trọng, công bằng, đối thọai, tình yêu” (x. 43) (Familiaris Consortio 42-43).

“Lạy Chúa, chúng con có khuynh hướng sống khép kín, đóng khung trong quan hệ tình cảm giữa hai vợ chồng, chính vì thế tương quan của chúng con thường gặp nhiều trục trặc và đôi khi không có lối thoát.

Xin Chúa mở rộng con tim của chúng con để chúng con biết quan tâm đến họ hàng, thân thuộc, bạn bè xung quanh, để chúng con biết liên đới nâng đỡ nhau, giúp nhau kiện toàn ơn gọi hôn nhân của chúng con và góp phần xây dựng nền văn minh tình thương trong thế giới hôm nay”.



GIẢI ĐÁP THẮC MẮC





Thầy Tôma Aquinô Bùi Bá Toàn

1) NĂM THÁNH LÀ NĂM HÒA GIẢI

Năm Thánh là thời điểm chứa chan ân sủng với việc đón nhận ơn toàn xá cách rộng rãi theo quy định của Giáo hội. Một trong những điều kiện để đón nhận ơn toàn xá là đến với Bí tích Hòa Giải. Ngày càng nhiều bạn trẻ trở lại với Bí tích Hòa Giải. Chính nơi đây họ tìm được con đường trở về với Chúa khi chạm đến được Lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Nơi Bí tích Hòa Giải, các hối nhân cảm nghiệm nguồn mạch bình an nội tâm đang tuôn chảy trong họ, khi họ nhận lãnh tình yêu tha thứ và cứu rỗi của Thiên Chúa, được giao hòa với Thiên Chúa, với anh em và với mọi loài thụ tạo.

Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về tội lỗi và sự sa ngã. Tất cả chúng ta đều phải gánh chịu hậu quả do tội gây ra. Nhưng sự tha thứ và chữa lành của Thiên Chúa nơi bí tích Hòa Giải thì mạnh hơn tất cả và không có giới hạn. Mỗi người chúng ta được mời gọi hãy cảm nghiệm sự tha thứ và chữa lành này, ngõ hầu ta luôn được sống trong ân nghĩa Chúa và với tha nhân.

2) NĂM THÁNH LÀ NĂM HOÁN CẢI VÀ CANH TÂN ĐỜI SỐNG

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tất cả chúng ta hãy thực hiện cuộc hành hương thiêng liêng với một tiến trình hoán cải đích thực. Việc hoán cải này đòi hỏi chúng ta loại bỏ tất cả những tàn tích do tội lỗi gây ra, từ bỏ những quyến luyến của tội lỗi để sống trọn vẹn với tình trạng ân sủng mà ta đã đón nhận nơi bí tích Hòa Giải. Quả vậy, trong Bí tích Hòa Giải, “Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta những tội lỗi, mà Ngài thực sự tẩy sạch; những tội lỗi để lại một ảnh hưởng tiêu cực trong cách nghĩ và hành động của chúng ta. Tuy nhiên, Lòng thương xót của Thiên Chúa còn mạnh hơn cả điều này. Nó trở thành miễn xá về phía Chúa Cha, Đấng qua Hiền Thê của Chúa Kitô, là Giáo Hội của Ngài, vươn ra đến những tội nhân được tha thứ và giải phóng người ấy khỏi mọi cặn bã sót lại do hậu quả tội lỗi, để người ấy có thể hành động do lòng bác ái, ngõ hầu được lớn lên trong tình yêu hơn là rơi trở lại vào vòng tội lỗi”.

Một khi được Thiên Chúa chữa lành khỏi mọi thương tích bằng linh dược thương xót của Ngài, chúng ta cũng được mời gọi canh tân đời sống, theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, tránh xa mọi hành vi quyến luyến tội lỗi của quá khứ, để hướng về tương lai với niềm hy vọng tràn trề, với niềm vui mới – niềm vui tái sinh như con chiên lạc được người Mục Tử tìm thấy, ôm lấy và vác trên vai mang về nhà; hay như cảm xúc dâng trào của đứa con hoang đàng khi được cha nó ôm choàng vào lòng sau bao năm lạc bước đi xa.

Đức Thánh Cha nhận định Năm Thánh này là “thời gian thuận lợi để thay đổi đời sống! Đây là thời gian để cho tâm hồn mình được chạm đến”. Hãy mở rộng tâm hồn để Thiên Chúa chạm đến và biến đổi đời sống chúng ta. Đừng để ngày hôm nay qua đi mà ta chưa được biến đổi. Thiên Chúa vẫn luôn kiên nhẫn và đợi chờ.



3) NĂM THÁNH LÀ NĂM THA THỨ VÀ THƯƠNG XÓT

Trong thời đại chúng ta hôm nay, tha thứ là một vị “khách trọ” hiếm có trong mọi môi trường và cơ cấu xã hội. Thuật ngữ “lòng thương xót“ cũng là một khái niệm xa vời. Đã từ lâu, chúng ta không còn biết thế nào là tha thứ và thương xót nhau. Ý thức được điều này, Đức Thánh Cha Phanxicô không bao giờ cảm thấy mệt mỏi khi nhắc nhở các tín hữu học sống tha thứ và thương xót cho nhau. Bởi vì Ngài tin rằng “lòng thương xót sẽ biến đổi thế giới. Một chút lòng thương xót thôi cũng làm cho thế giới bớt lạnh lẽo và thêm công chính”. Trong buổi đọc kinh truyền tin ngày 11/1/2015, ngài nhấn mạnh: “Ngày nay chúng ta rất cần đến lòng thương xót. Điều quan trọng là các tín hữu sống lòng thương xót ấy và đem vào các môi trường xã hội khác nhau. Anh chị em hãy lên đường! chúng ta đang sống trong thời đại của lòng thươmg xót, đây là thời đại của lòng thương xót”. Trong sứ điệp mùa Chay 2015, Đức Thánh Cha cũng bày tỏ mong muốn nơi nào Giáo hội hiện diện, nơi các đoàn thể, nơi các giáo xứ sẽ trở thành các ốc đảo của lòng thương xót giữa lòng đại dương của thói vô cảm.

Gần đây nhất trong Sứ điệp Hòa Bình 2016, Đức Thánh Cha đề cập điều mà ngài gọi là “thói vô cảm với lòng thương xót”. Để vượt thắng thói vô cảm, chúng ta phải học làm điều ngược lại, đó là sống kinh nghiệm của sự tha thứ và thương xót. Theo Đức Thánh Cha, đây chính là điều “làm đẹp lòng Thiên Chúa nhất”. Năm Thánh này là thời gian thuận tiện để chúng ta chỉ lựa chọn thực hiện “điều làm đẹp lòng Thiên Chúa nhất”, bằng việc làm sống lại kinh nghiệm của tha thứ và thương xót trong thực hành đời sống hằng ngày của chúng ta, như ngọn đuốc sáng của lòng thương xót chiếu tỏa giữa lòng thế giới đầy dẫy vô cảm ngày hôm nay.



tải về 418.57 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương