LỜi giới thiệu bối cảnh lịch sử



tải về 0.64 Mb.
trang3/9
Chuyển đổi dữ liệu09.05.2018
Kích0.64 Mb.
#37853
1   2   3   4   5   6   7   8   9

Chương IV

Tài sản là một phần của một hộ gia đình, và nghệ thuật tích lũy của cải là một phần của nghệ thuật quản trị hộ gia đình, bởi vì chẳng ai có thể sống đàng hoàng được, hay là tồn tại được, nếu không có được các điều kiện cần thiết. Và cũng giống như trong bất kỳ một nghề nào,1 người thợ phải có dụng cụ thích hợp mới có thể làm được việc, quản trị một hộ cũng vậy. Dụng cụ thì  có nhiều loại khác nhau; có loại là dụng cụ sống, có loại là dụng cụ vô tri vô giác; thí dụ như cái bánh lái của người tài công lái tàu là dụng cụ chết, vô tri, còn người lính canh là dụng cụ sống, vì những gì phục vụ cho nghề nghiệp đều là một loại dụng cụ. Thế nên, tài sản là một dụng cụ để duy trì sự sống. Cùng một thể ấy, trong sự xếp đặt của một gia đình, người nô lệ là một tài sản sống; và tài sản, một cách tổng quát, là tổng số của tất cả các dụng cụ. Những người thuộc hạ, do đó, có thể được coi như là những dụng cụ sống hiện hữu trước các dụng cụ vô tri [để sử dụng các dụng cụ này]. Có một điều kiện mà người quản lý không cần thuộc hạ, và chủ nhân không cần nô lệ; đó là mỗi dụng cụ chết này tự làm được việc, hay vâng lời và đoán ý của kẻ khác mà tự làm, như những pho tượng của Daedalus, hay những cái kiềng ba chân của Hephaestus, theo như chuyện Homer kể lại:2 "Chúng tự tiến vào nơi họp của Thần linh." Nếu, trong cùng thể ấy, con thoi tự dệt vải và chiếc đàn thất huyền cầm tự buông tiếng, thì người thợ chính đâu còn cần người phụ việc, và chủ nhân đâu còn cần nô lệ làm gì nữa. Tuy nhiên, có một điều ta cần phân biệt: các dụng cụ mà ta thường gọi, được coi là các dụng cụ [dùng để] sản xuất, trong khi đó tài sản được coi là dụng cụ hoạt động.3 Thí dụ như con thoi là một dụng cụ không những được dùng như một dụng cụ mà từ con thoi ta lại còn làm ra được các thứ khác nữa; trong khi đó, tấm vải hay cái giường là vật dụng mà mục tiêu sử dụng đã rõ ràng. Hơn thế nữa, vì sự sản xuất và hoạt động là hai loại khác nhau, và cả hai đều cần tới dụng cụ, do đó mỗi loại cũng cần các loại dụng cụ khác nhau. Nhưng đời sống là sự sinh hoạt và không phải là sản phẩm, và như thế, kẻ nô lệ là người tạo ra sự sinh hoạt. Một lần nữa, khi nói đến tài sản cũng giống như nói đến một phần tử, vì một phần tử không những là một phần của cái gì đó mà còn tùy thuộc hoàn toàn vào vật đó; cho nên tài sản cũng vậy. Kẻ nô lệ không những là nô lệ của người chủ mà còn là vật sở hữu hoàn toàn của người chủ, trong khi người chủ chỉ là chủ của y, chứ không tùy thuộc vào y. Như vậy ta thấy được bản chất cũng như trách vụ của kẻ nô lệ; kẻ nào mà từ bản chất không thuộc về mình mà về kẻ khác, thì từ bản chất kẻ đó là nô lệ; và ta có thể nói hắn thuộc về và thuộc quyền sở hữu của người khác. Và ta có thể định nghĩa tài sản là một dụng cụ hoạt động, tách biệt khỏi người sở hữu.

[1] Nghệ thuật quản trị gia đình cũng được coi là một nghề chuyên môn (ghi chú của người dịch).

[2] Daedalus là một kiến trúc sư độc đáo của cổ Hy lạp, người đã xây dựng nên Mê Cung và là người đầu tiên chế ra cánh bay như chim. Ngoài ra, Daedalus cũng là điêu khắc gia đầu tiên tạc các pho tượng trong dáng vẻ đang di động (điêu khắc thời bấy giờ chỉ tạc tượng hai chân đứng theo vị trí nghiêm mà thôi). Hephaestus là vị thần lửa và được coi như thủy tổ của thợ rèn; Hephaestus chế ra các người máy đầu tiên để giúp việc và 20 cái kiềng ba chân tự di động được để phục vụ cho các yến tiệc tại núi Olympic.

[3] Dụng cụ sản xuất là để chế tạo ra một vật gì đó mà sau khi làm xong hiện hữu độc lập với dụng cụ, thí dụ con thoi dùng để dệt vải, tấm vải khi dệt xong không còn liên hệ gì đến con thoi nữa. Dụng cụ hoạt động chỉ các dịch vụ tự

 

Chương V

Nhưng liệu có ai mà trời sinh ra đã là nô lệ và số kiếp nô lệ lại thích hợp và chính đáng cho y không, hay nô lệ là một sự vi phạm luật thiên nhiên?

Trả lời câu hỏi này chẳng có gì khó khăn dù dựa trên lý luận hoặc sự kiện. Sự việc có kẻ sinh ra để cai trị và kẻ sinh ra để bị trị là một sự việc không những cần thiết mà còn mang lại lợi ích nữa; có những kẻ từ khi lọt lòng mẹ đã được lựa ra để cai trị và những kẻ khác bị trị.

Người cai trị và kẻ phục tùng cũng có nhiều hạng (và những kẻ phục tùng thuộc loại khá hơn thì luật lệ cai trị cũng khá hơn-thí dụ như luật dùng để trị người phải khá hơn luật dùng để trị thú, cũng như khi gặp người thợ giỏi hơn thì công việc cũng được hoàn tất hay hơn, cũng vì lý do đó khi nói có người cai trị và kẻ bị trị cũng giống như có một công việc đang được thi hành); vì trong tất cả mọi điều mà tạo nên một tổng thể phức hợp gồm nhiều phần tử, dù liên tục [như trong cơ thể của một người] hay gián đoạn [như quan hệ giữa chủ nhân và nô lệ], ta đều có thể phân biệt chủ thể và vật phụ thuộc một cách rõ ràng. Tính đối ngẫu1 giữa chủ thể và thuộc thể hiện hữu không chỉ trong mọi sinh vật bởi vì đặc tính này phát xuất từ bản chất của vũ trụ; ngay cả trong những vật không có sự sống cũng bị chi phối bởi một nguyên lý nào đó, như trong âm nhạc chẳng hạn. Nhưng ta lại đi xa khỏi đề tài rồi. Hãy trở lại với các sinh vật, là những vật có hồn và xác: trong hai thứ này có cái do tự nhiên mà trở thành chủ thể, và cái kia là thuộc thể. Nhưng rồi ta lại phải tìm xem ý định của thiên nhiên trong những điều giữ được tính chất tự nhiên, chứ không phải trong những điều mà tính chất tự nhiên đã bị hư hỏng. Và như vậy, ta phải nghiên cứu một con người mà giữ được cả thể xác lẫn linh hồn trong trạng thái tuyệt hảo nhất, vì chỉ trong một người như vậy ta mới thực sự thấy được liên hệ thật sự giữa hồn và xác [nghĩa là tinh thần luôn điều khiển thể xác]; dù rằng [ta cũng thấy có] những kẻ vì bản chất xấu xa hay vì hoàn cảnh xấu đã để thể xác cai quản linh hồn. Trong tất cả mọi sinh vật đều có hai quyền lực chi phối; phần hồn luôn cai trị phần xác bằng quyền lực của một chủ nhân độc đoán, còn phần [lý] trí cai quản các sự ham muốn bằng quyền lực của một nhà cai trị theo luật lệ. Và [như thế] ta thấy hiển nhiên là khi hồn điều khiển xác và trí điều khiển nhiệt tình, thì điều đó thuận theo tự nhiên và ích lợi cho thân thể; làm ngược lại luôn luôn đưa đến tổn thương. Điều này cũng đúng trong quan hệ giữa loài vật với con người, vì những con thú được thuần hóa có bản chất tự nhiên tốt hơn hoang thú, và tất cả mọi loài thú đã được người thuần hóa có đời sống tốt đẹp hơn loài hoang thú vì sinh mạng chúng được bảo tồn. Tôi xin nhắc lại, giống đực, về bản chất tự nhiên khỏe hơn giống cái, và do vậy, giống đực làm chủ, còn giống cái phục tùng. Nguyên tắc tổng quát này đúng cho cả nhân loại.

Thế nên, ở những nơi mà có sự khác biệt rõ rệt như giữa hồn và xác, hay giữa người và thú (như trường hợp của những kẻ mà khả năng chỉ là làm những việc chân tay), thì những kẻ ở đẳng cấp thấp tự nhiên phải là nô lệ. Có chủ nhân cai trị là lợi ích cho chúng cũng như cho những loài hạ đẳng khác. Vì thế, một kẻ mang bản chất nô lệ nếu y có thể bị biến thành (và đó cũng là nguyên do tại sao y thực sự trở thành) tài sản của kẻ khác, cũng tương tự như kẻ cố gắng suy luận để hiểu kẻ khác nhưng tự mình lại không có khả năng [suy luận] này, thì bản chất cũng là nô lệ mà thôi. Thiên nhiên cũng tạo nên sự khác biệt giữa thể chất của người tự do và nô lệ, những kẻ thể chất khỏe mạnh thích hợp cho những việc lao động hạ tiện, và những người cao quý dù thể chất không đủ khỏe mạnh để làm những công việc nhọc nhằn, nhưng lại hữu dụng cho đời sống chính trị trong nghệ thuật điều hành quốc gia trong chiến tranh cũng như khi hòa bình. Nhưng đôi khi điều trái ngược cũng thường xảy ra-những kẻ nô lệ lại mang thể chất của người tự do hay những người có tinh thần của người tự do nhưng thể chất lại là của kẻ nô lệ. Và như thế, ta phải kết luận rằng, nếu con người khác nhau chỉ qua thể chất bên ngoài (cũng như hình dáng của thần thánh khác với con người), thì ta phải đồng ý rằng giai cấp thấp kém hơn phải là nô lệ của giai cấp cao quý hơn.  Và nếu nguyên tắc này đúng (về thể chất), thì cũng đúng về phương diện tinh thần, dù sự khác biệt về tinh thần khó thấy hơn là sự khác biệt về thể chất. [Tóm lại,] nếu có người do bẩm sinh là người tự do, thì cũng có người do bẩm sinh là nô lệ; và đối với những kẻ này thì việc trở thành nô lệ vừa tốt vừa có lợi cho chính họ.

[1]  Tiếng Anh: duality

 

Chương VI



Nhưng cũng dễ nhận thấy là những quan điểm đối nghịch cũng có điểm đúng của họ vì hai từ ngữ nô lệ và sự nô lệ được dùng khác nhau. Nô lệ hay sự nô lệ đều có thể do thiên nhiên mà ra hay vì luật lệ mà thành. Luật lệ mà tôi muốn nói ở đây có tính chất quy ước hơn là một đạo luật--người chiến thắng có quyền chiếm hữu của cải và cả con người của phe chiến bại làm tài sản. Nhưng nhiều luật gia không đồng ý với cái quyền này, và nhiều nhà hùng biện đã cáo buộc là quyền này vi phạm luật tự nhiên: họ ghê tởm cái quan điểm cho rằng vì một kẻ có sức mạnh thể chất hơn người và sử dụng bạo lực đè nén người khác thì những người đó trở thành nô lệ hay vật sở hữu của kẻ có sức mạnh. Ngay cả giữa các triết gia cũng có quan điểm khác nhau. Nguồn gốc của sự tranh luận, và lý do khiến hai luận điểm khác nhau có phần trùng lập, là lập luận cho rằng: đức hạnh, khi có phương cách để thể hiện, thực sự có sức mạnh rất lớn để áp đặt lên người khác, và sức mạnh lớn lao đó chỉ có thể xuất hiện khi có một sự xuất sắc trổi vượt nơi một cá nhân nào đó [kẻ chiến thắng luôn luôn được xem là ưu việt]; cho nên, sức mạnh thường bao hàm đức hạnh.1 Cho nên, sự tranh cãi, rút cục lại, chỉ là sự tranh cãi về [thế nào là] sự công bình (một bên đồng hóa công bình với thiện ý, bên kia đồng hóa với sức mạnh). Nếu tách rời hai quan điểm này ra, thì cả hai đều không đứng vững trước quan điểm: kẻ ưu việt về đức hạnh mới xứng đáng là người cai trị (chữ in nghiêng của người dịch). Những kẻ khác mà vẫn còn bám giữ lấy nguyên tắc của công bình (luật lệ và phong tục là dạng thức của sự công bình) lại cho rằng sự nô lệ do kết quả của chiến tranh đem lại hợp với công lý. Nhưng khi lập luận như vậy, họ đã tự phủ nhận, vì nếu lý do gây chiến là một lý do không chính đáng thì sao? Còn nữa, chẳng có ai lại nói rằng có kẻ bị làm nô lệ nhưng lẽ ra không đáng làm nô lệ. Vì nếu lập luận như vậy thì sẽ có những người địa vị cao quý và con cái họ trở thành nô lệ vì họ thua trận (hay cha mẹ họ thua trận) và bị bắt làm nô lệ.2  Vì lý do đó người Hy Lạp không gọi những kẻ như vậy là nô lệ, mà dùng từ "mọi rợ."3 Tuy nhiên, thật ra khi dùng từ ngữ như vậy, họ cũng chỉ đó là những kẻ nô lệ tự nhiên như ta vừa bàn đến. Người Hy Lạp, thật sự tin rằng có những kẻ (thí dụ những người  mọi rợ) vốn trời sinh ra để làm nô lệ, và những kẻ (thí dụ người Hy Lạp) vốn trời sinh ra là kẻ tự do, cao quý ở mọi nơi. Người mọi rợ cũng có thể thuộc dòng cao quý nhưng chỉ ở trong nước của họ. Như vậy, có hai loại tự do và cao quý: tương đối và tuyệt đối. Như Helen trong vở kịch Theodectes nói: "Kẻ nào dám gọi ta là nô lệ, khi ta cũng do thần thánh sinh ra?" Khi dùng những từ như vậy, người ta đang dùng một tiêu chuẩn để phân biệt giữa nô lệ và tự do, giữa quý tộc và tiện dân dựa trên nguyên tắc thiện và ác. Cũng giống như người do người sinh ra và thú do thú sinh ra, thì người tốt cũng do người tốt sinh ra. Tuy nhiên, dù đây là điều do thiên nhiên sắp xếp, nhưng không phải lúc nào cũng được như vậy.

Sự khác biệt quan điểm, như vậy, là có cơ sở, và không phải là ai cũng là nô lệ hay tự do vì thiên nhiên định như vậy. Và cũng có trường hợp tự do hay nô lệ do thiên nhiên định đoạt; trong trường hợp này thì người chủ làm chủ và người tớ (nô lệ) làm tớ sẽ mang lại ích lợi và công chính, và là điều thuận theo tự nhiên. Người chủ làm không đúng chức năng của mình sẽ gây ra thiệt hại cho cả chủ lẫn tớ. Vì quyền lợi của bộ phận và toàn thể cũng giống như quyền lợi của thể xác và tinh thần; và nô lệ, được xem như một bộ phận sống ngoài thân thể của người chủ, cho nên, giữa hai người có một quyền lợi chung. Khi mối quan hệ giữa chủ nhân và nô lệ là quan hệ tự nhiên, thì họ có quan hệ thân thiết và cùng quyền lợi; ngược lại, nếu mối quan hệ này đặt trên sức mạnh và luật lệ thì đó là mối quan hệ thù nghịch và mâu thuẫn quyền lợi.

[1] Newman giải thích lý luận này như sau: sự trùng lập giữa hai luận diểm trái ngược này nằm ở chỗ một nguyên tắc chung được hai phe giải thích khác nhau. Nguyên tắc chung là "sức mạnh đi liền với đức hạnh." Một phe cho rằng sức mạnh tự nó hàm ý đức hạnh, và như thế, kẻ thắng có quyền bắt kẻ bại làm nô lệ. Phe kia lại cho rằng sức mạnh phải có đức hạnh đi kèm (thiện ý) trước khi mối quan hệ chủ nhân-nô lệ được thiết lập (trên thiện ý) (Barker, E., The Politics of Aristotletrang 15, Oxford University Press, 1956).

[2] Lycurgus đưa ra một đạo luật cấm người Hy Lạp không được mua những người tự do đã bị bắt làm tù binh làm nô lệ. Có lẽ Aristotle muốn ám chỉ đến đạo luật này (Barker, sđd. trang 16).

[3] Mọi rợ (barbarian): nguyên nghĩa tiếng Hy Lạp chỉ những người không phải là người Hy Lạp chứ không hàm ý miệt thị như ta hiểu ngày nay, hay như người Tàu gọi các giống dân chung quanh là di, địch (mọi) một cách miệt thị.

Chương VII

Các nhận định nêu trên cũng khá đủ để chứng tỏ rằng uy quyền của người chủ (nô lệ) và uy quyền của nhà lãnh đạo chính trị hoàn toàn khác nhau, chứ không phải như các nhà tư tưởng khác cho rằng uy quyền, dưới bất cứ dạng nào, cũng giống nhau. Uy quyền của nhà lãnh đạo chính trị được áp dụng trên thần dân là những người tự bản chất là người tự do; còn uy quyền của chủ nhân áp dụng trên những người tự bản chất là nô lệ. Uy quyền trong một hộ gia đình là uy quyền "quân chủ," vì mỗi gia đình đều có một gia trưởng, trong khi uy quyền trong một nước là uy quyền của nhà lãnh đạo trên những người tự do và bình đẳng. Ta không gọi người chủ là chủ vì người ấy có học thức, nhưng vì người ấy có một số đặc tính nào đó; điều này cũng đúng với nô lệ và người tự do. Nhưng cũng có thể có một khoa học (để dạy cách làm chủ) dành cho người chủ và một khoa học (dạy cách phục vụ) dành cho nô lệ. Khoa học này đã được một người ở Syracuse truyền dạy và nhờ thế mà y đã kiếm tiền nhờ dạy cho những người nô lệ biết cách làm việc. Những kiến thức này gồm có cả học nấu ăn và những việc nhà khác cần sự khéo léo. Trong công việc nhà có những việc được coi trọng hơn [như nấu ăn chẳng hạn], và những việc cần thiết hơn nhưng tầm thường hơn [như quét dọn, chẻ củi], như câu tục ngữ thường nói: "tớ làm việc tớ, chủ làm việc chủ." Những kiến thức này, dù sao, chỉ là để phục vụ. Tương tự như vậy, cũng có môn học cho chủ nhân, để dạy cho chủ nhân biết cách sử dụng nô lệ; bởi vì chủ nhân đúng nghĩa không quan tâm đến việc chiếm hữu nô lệ mà đến việc sử dụng nô lệ. Môn học này thật ra chẳng có gì vĩ đại, cao sang: chủ nhân chỉ cần biết ra lệnh những gì cần làm và nô lệ biết thi hành những điều đó. Cho nên, những chủ nhân [khôn ngoan] trao việc điều hành nô lệ cho những người quản gia để dành thì giờ cho triết học và chính trị. Nhưng nghệ thuật chiếm hữu nô lệ một cách chính đáng, khác với nghệ thuật làm chủ và khác với kẻ bị làm nô lệ vì bị bắt làm tù binh trong chiến tranh. Tới đây đã đủ để phân biệt và làm sáng tỏ định nghĩa về chủ nhân và nô lệ.



 

Chương VIII 

 

Bây giờ ta hãy tìm hiểu một cách tổng quát về tài sản, và nghệ thuật tích lũy tài sản cũng theo phương thức phân tích và truy nguyên [từ các phần tử tới cái tổng thể và từ sự phát triển từ đầu cho đến kết quả cuối cùng], vì một nô lệ cũng được xem là một phần của tài sản. Câu hỏi đầu tiên là có phải nghệ thuật tích lũy tài sản cũng giống như nghệ thuật quản trị gia đình, hay chỉ là một phần của nghệ thuật này, hay chỉ là phần phụ thuộc. Nếu là phần phụ thuộc, thì nó có giống như [quan hệ] giữa nghệ thuật làm ra con thoi và nghệ thuật dệt vải, hay [quan hệ] giữa nghệ thuật đúc đồng và nghệ thuật tạc tượng. Hai nghệ thuật phụ thuộc này không giống nhau; một đằng là tạo ra dụng cụ, và một đằng là tạo ra vật chất. Vật chất, tôi muốn nói đến ở đây, là sản phẩm được tạo ra từ một công việc, như vậy, sợi len đối với người thợ dệt là vật chất làm nên vải, và đồng đối với người thợ đúc tượng cũng như vậy. Đến đây ta thấy rõ ràng là nghệ thuật quản trị hộ gia đình và nghệ thuật tích lũy tài sản là hai nghệ thuật khác nhau, vì một đằng là sử dụng vật chất đã được đằng kia tích lũy. Nhưng câu hỏi nghệ thuật tích lũy tài sản [nếu không phải là nghệ thuật quản trị hộ gia đình] có phải là một phần của nghệ thuật này hay không, hay hoàn toàn khác, lại đưa đến một câu hỏi khác. Nếu người chịu trách nhiệm đi thu thập tài sản và của cải phải nghiên cứu xem có thể lấy về từ những nguồn khác nhau, thí dụ như từ canh nông, hay từ việc thu giữ và tích trữ thực phẩm, thì ta có xem đó là một nghệ thuật tích lũy tài sản hay không, hay là một loại nào khác nữa? Thêm vào đó, có nhiều loại thực phẩm, và như thế có nhiều đời sống khác nhau, điều này đúng cho thú vật và cũng đúng cho cả con người nữa. Tất cả đều cần có thực phẩm, và các loại thực phẩm khác nhau đưa đến cách sống khác nhau. Thú vật có loại sống theo bầy đàn, có loại sống đơn lẻ; cách sống như thế nào tùy theo khả năng tìm kiếm thực phẩm tốt nhất cho chúng, dù đó là loại ăn thịt, ăn rau, hay ăn tạp: và khả năng này là thói quen đã được thiên nhiên định trước để chúng có thể tìm được thực phẩm dễ dàng nhất. Nhưng, vì các loài khác nhau có những vị giác khác nhau, thành thử cùng một loại thực phẩm chưa chắc đã là loại mà tất cả các loài ưa thích; vì vậy, ngay trong các loài ăn thịt, hoặc ăn rau, lại chia thành nhiều loại khác nhau nữa. Đời sống của con người cũng có những khác biệt lớn lao. Những kẻ lười lao động nhất là những kẻ chăn nuôi, sống một đời nhàn tản, và dùng làm thực phẩm ngay từ những con thú mà họ nuôi; vì đàn thú của họ phải đi tìm những đồng cỏ để ăn, họ cũng buộc phải đi theo chúng, và vô hình trung tạo thành một loại nông trang di động. Những người khác thì lại sinh sống bằng săn bắn; lại còn có những kẻ sống bằng nghề thảo khấu; những kẻ sống gần hồ ao, đầm lầy, hay biển cả thì sống bằng nghề chài lưới, và cũng có những người sống bằng săn bắn chim trời hay thú dữ. Tuy nhiên, phần lớn người ta sống bằng hoa màu từ canh tác đất đai. Đó là tất cả các nếp sống của những người mà thực phẩm là do sức lao động tạo ra chứ không do trao đổi hay buôn bán với nhau, các nếp sống này gồm có: mục đồng, nông phu, ngư phủ, liệp hộ, hay thảo khấu. Có những người tạo nên đời sống thoải mái hơn bằng cách phối hợp hai nghề với nhau, thêm vào những khiếm khuyết của nghề này bằng nghề khác: nếp sống du mục có thể cộng thêm nghề thảo khấu, nghề nông có thể cộng thêm nghề săn thú. Ngoài ra còn có những cách thức phối hợp khác tùy theo nhu cầu con người đòi hỏi. Tài sản, hiểu theo nghĩa những gì cần thiết cho sự sống, dường như đã được thiên nhiên cung ứng đầy đủ cho mọi người, từ khi mới sinh ra cho đến khi khôn lớn. Có những loài động vật mà thiên nhiên đã cung cấp đầy đủ thực phẩm cho chúng từ khi mới sinh ra đến khi chúng tự túc được như những loài côn trùng hoặc loài đẻ trứng; loài có vú cũng có đầy đủ thực phẩm dự trữ cho con cái của chúng qua sữa mẹ. Như vậy ta có thể suy ra rằng, sau khi có loài động vật, cây cỏ là thực phẩm của chúng, và các loài động vật được thuần hóa (gia súc) là thực phẩm của con người, còn các loài dã thú vừa được dùng làm thực phẩm vừa được dùng làm quần áo hay các dụng cụ khác. Vì thiên nhiên chẳng làm điều gì phí phạm và không trọn vẹn, ta phải suy ra rằng tất cả mọi loài động vật được tạo ra cho loài người sử dụng. Như vậy, ta cũng có thể suy diễn rằng "nghề" chiến tranh cũng là một nghệ thuật tích lũy tài sản giống như là nghề săn bắn để săn bắt các loài dã thú, và để bắt những người mà thiên nhiên tạo ra để bị cai trị nhưng lại không chịu khuất phục. Chiến tranh [nhằm thống trị] được xem là chiến tranh công chính hiểu theo nghĩa tự nhiên. Trong các nghệ thuật tích lũy tài sản, có một loại [hình thức săn bắn] được coi là một bộ phận tự nhiên của nghệ thuật quản trị hộ gia đình; đây là một nghệ thuật mà [qua đó] người quản trị gia đình phải sẵn sàng cung ứng và dự trữ  trong kho lẫm các vật dụng nhu yếu cho đời sống và hữu dụng cho cả gia đình hay quốc gia. Những vật dụng nhu yếu này là của cải đích thực [của cải đích thực có kích thước giới hạn, nhằm phục vụ cho mục đích của cộng đồng]; số lượng của cải đích thực này (cần thiết cho đời sống tốt đẹp) không phải là vô giới hạn, dù Solon1 trong một bài thơ đã viết rằng:

"Đối với con người chẳng có giới hạn nào là đủ cho việc thu thập của cải."

Nhưng có một giới hạn cố định cho những của cải cần thiết do nghệ thuật quản trị hộ gia đình mang lại, cũng giống như giới hạn cho các nghệ thuật khác, vì những dụng cụ dùng trong các nghệ thuật đều có giới hạn, không về kích thước thì cũng về số lượng, và của cải có thể được định nghĩa bằng số lượng các dụng cụ được sử dụng trong gia đình hoặc quốc gia. Và như vậy, ta thấy có một nghệ thuật tích lũy của cải tự nhiên và được người quản trị hộ gia đình hay nhà lãnh đạo một nước thực thi. Lý do cho sự hiện hữu của nghệ thuật này cũng rõ ràng vì theo luật tự nhiên người ta sẽ dùng những gì mà thiên nhiên cung cấp cho họ.

[1] Solon là một trong 7 nhà hiền triết Hy Lạp, gồm có Solon, Chilon, Thales (cũng là nhà toán học với định lý Thales nổi tiếng), Bias, Cleobulus, Pittacus, và Periander.


 

  Chương IX

Nhưng có một hình thức khác của nghệ thuật tích lũy tài sản rất thông thường và đáng được gọi là nghệ thuật làm giàu. Chính nghệ thuật này đã khiến cho người ta có ý tưởng là sự giàu có và tài sản là vô giới hạn. Rất nhiều người đồng hóa nghệ thuật làm giàu này với nghệ thuật tích lũy tài sản đã nói ở trên vì chúng đều có liên quan đến tài sản, nhưng dù hai nghệ thuật này không khác nhau gì mấy, chúng lại không giống nhau. Loại nghệ thuật nói ở trên là do tự nhiên mà ra, loại thứ hai là do kinh nghiệm mà có.

Ta hãy xem xét vấn đề này theo quan điểm sau đây:

Tất cả vật chất mà ta có đều có hai khả năng sử dụng: cả hai cách này đều từ bản thân vật đó mà ra, nhưng không giống nhau về cách thức sử dụng; có cách sử dụng đúng cách, và cách kia được coi là không đúng hay còn được coi là cách phụ thuộc. Thí dụ, một chiếc giày được dùng để đi, nhưng cũng có thể được dùng để trao đổi lấy vật khác; đó là hai cách sử dụng của chiếc giày. Kẻ đem chiếc giày đi đổi lấy tiền hay thực phẩm với kẻ cần chiếc giày thì cũng sử dụng chiếc giày đấy chứ, nhưng cách sử dụng đó không đúng cách hay dùng đúng mục đích căn bản của chiếc giày, vì giày được làm ra để đi chứ không để trao đổi. Điều này cũng đúng với tất cả các loại tài sản khác, vì mọi thứ đều có thể được trao đổi, và xảy ra cũng tự nhiên vì có người có quá nhiều, kẻ lại có quá ít không đủ cung ứng cho nhu cầu của họ. Như thế, ta có thể suy ra rằng việc buôn bán [hàng hóa để lấy lợi nhuận] không phải là bộ phận tự nhiên của nghệ thuật tích lũy của cải, bởi vì [nếu mục đích chính theo tự nhiên của việc tích lũy tài sản là để cung ứng cho nhu cầu của mình, thì] người ta sẽ thôi không buôn bán nữa khi đã có đủ.

Thực ra trong cộng đồng đầu tiên, tức là gia đình, thì nghệ thuật trao đổi hàng hóa này chẳng có ích lợi gì hết, nhưng khi xã hội phát triển, thì nó lại trở thành hữu dụng. Vì khởi đầu tất cả thành viên của gia đình đều có chung với nhau mọi thứ; sau đó khi gia đình chia ra thành những gia đình nhỏ hơn, thì những gia đình nhỏ hơn này lại chia [vật chất chung] thành nhiều thứ khác nhau. Họ phải trao đổi lẫn nhau để lấy cái họ cần; phương thức trao đổi này vẫn còn được các quốc gia "man rợ" áp dụng để trao đổi cho nhau những nhu yếu phẩm của cuộc sống, và chỉ có thế thôi; thí dụ rượu đổi lấy lúa hay các sản phẩm khác được trao đổi với nhau. Việc trao đổi sản vật như thế này tuy không phải là một bộ phận của nghệ thuật tích lũy tài sản và cũng không đi ngược với tự nhiên, nhưng cần thiết cho sự thỏa mãn các nhu cầu tự nhiên của con người. Một hình thức trao đổi khác, phức tạp hơn, được phát triển, như ta có thể suy ra, từ hình thức trao đổi đơn giản này. Khi dân cư của một nước trở nên càng lúc càng tùy thuộc vào một nước khác và nhập cảng từ nước này những sản phẩm cần thiết, và xuất cảng những thứ mà họ có dư, thì tiền bạc ắt phải được dùng trong những cuộc trao đổi như thế. [Lý do là vì] những nhu yếu phẩm không thể được vận chuyển dễ dàng, và như vậy, người ta đồng ý dùng trong những cuộc trao đổi như thế một vật gì đó tự nó có hiệu dụng và dễ dàng sử dụng trong đời sống làm vật thay thế, thí dụ như sắt, bạc, hay các kim loại khác. Khởi đầu giá trị của những vật thay thế này được đo lường bằng kích thước và trọng lượng, nhưng dần dà người ta đóng một con dấu lên đó để định mức giá trị mà không phải mất công cân đo nữa.

Khi việc sử dụng tiền bạc (dưới hình thức tiền đồng) được phát minh do nhu cầu trao đổi nhu yếu phẩm, một nghệ thuật tích lũy của cải khác ra đời, đó là nghệ thuật buôn bán. Lúc đầu có lẽ đây cũng là một vấn đề đơn giản, nhưng rồi trở nên càng lúc càng phức tạp khi người ta học được từ kinh nghiệm những cách thức để kiếm lời nhiều nhất. Khi tiền bạc được sử dụng, nghệ thuật tích lũy của cải thường được đồng hóa với việc kiếm được nhiều tiền, và trở thành nghệ thuật tích lũy của cải và làm giàu. Thực ra, sự giàu có, theo nhiều người, là có một số lớn lượng tiền bạc, vì nghệ thuật tích lũy của cải và buôn bán đều dính dáng đến tiền bạc. Những người khác lại cho rằng tiền bạc là vật giả tạo, do quy ước tạo nên, chứ không phải tự nhiên, vì lẽ nếu người sử dụng dùng một sản vật khác thay thế, thì tiền bạc sẽ trở thành vô dụng vì nó không phải là một phương tiện có ích gì cho nhu cầu của cuộc sống. Thật thế, những kẻ có nhiều tiền vẫn có thể thiếu những thực phẩm cần thiết. Thế thì đó có phải là của cải không khi một người có rất nhiều mà vẫn phải chết vì đói, như vua Midas trong truyện ngụ ngôn, người đã xin thần thánh biến tất cả mọi thứ ông đụng vào thành vàng?1

Vì vậy khi người ta cố tìm xem có một ý niệm nào đúng hơn giữa sự giàu có và nghệ thuật tích lũy tài sản với việc tích lũy tiền bạc, thì đó là một việc làm đúng đắn. Bởi vì sự giàu có và nghệ thuật tích lũy tài sản theo tự nhiên khác với nghệ thuật buôn bán; một đằng là một bộ phận của sự quản trị gia đình, còn buôn bán là nghệ thuật sản xuất ra của cải qua sự trao đổi sản vật. Nghệ thuật này chỉ chú trọng đến tiền bạc, vì tiền là đơn vị trao đổi và cũng để đo lường hay định giới hạn của tài sản. Như thế, đối với nghệ thuật làm giàu qua tiền bạc, thì quả là không có giới hạn.Nếu như trong nghề thuốc không có giới hạn trong việc tìm ra phương thức bảo vệ sức khỏe, hay trong các nghề khác không có giới hạn trong việc đạt tới mức tối đa mục đích của các nghề đó, thì trong nghệ thuật làm giàu, mục đích của nó cũng không có giới hạn, mục đích này gồm có sự giàu có giả tạo và tích lũy của cải. Nhưng trong nghệ thuật tích lũy của cải trong hộ gia đình có một giới hạn, vì tích lũy của cải vô giới hạn không phải là mục đích của nghệ thuật này. Theo quan điểm này, do đó, tất cả mọi sự giàu có đều phải có giới hạn; tuy nhiên, trong thực tế, dường như điều trái ngược lại là điều đang xảy ra, vì không có giới hạn cho những kẻ làm giàu tăng gia tiền bạc.

Nguồn gốc của sự nhầm lẫn này nằm ở quan hệ mật thiết giữa hai loại tích lũy tài sản; trong cả hai loại, phương tiện thì giống nhau, nhưng cách sử dụng và mục đích lại khác nhau, và điều này tạo ra sự nhầm lẫn: tích lũy tài sản là mục đích của loại thứ nhất, còn đối với loại kia còn một mục đích xa hơn. Vì thế một số người lầm tưởng rằng làm giàu là mục đích của quản trị gia đình, và tất cả suy tư của họ trong đời là làm sao để có tiền bạc càng nhiều càng tốt, và nếu không làm được như vậy, thì cũng đừng làm mất mát, hao hụt tiền bạc. Nguồn gốc của khuynh hướng này trong bản chất của con người nằm ở chỗ người ta chỉ chú trọng đến sự sống còn, chứ không nghĩ đến chuyện sống tốt đẹp, và vì lòng ham muốn thì vô hạn, người ta cũng muốn những phương tiện thỏa mãn lòng ham muốn này trở thành vô hạn. Ngay cả những người muốn tìm một đời sống tốt đẹp cũng muốn tìm những cách thức thỏa mãn các nhu cầu vật chất, và những cách thức này cũng tùy vào nghệ thuật tích lũy tài sản của họ, cho nên họ cũng cắm cúi vào việc kiếm tiền. Đó là lý do thực sự tại sao lại có nghệ thuật làm giàu thứ hai này.

Vì sự hưởng dụng khoái lạc nằm ở chỗ có của cải dư dật, người ta tìm cách cung cấp một cách dư dật các lạc thú, và nếu không thể cung cấp cho các lạc thú này bằng cách tích lũy tiền tài, thì họ tìm những cách khác, dùng mọi phương pháp và khả năng trí tuệ cũng như thể chất cho mục đích này, dù rằng có đi ngược lại với dụng ý của thiên nhiên. Thí dụ, lòng can đảm, không phải để làm giàu mà để tạo cho con người sự quả quyết;2 khả năng quân sự hay về y học cũng vậy: khả năng quân sự để đạt đến chiến thắng, và khả năng y học để chữa bệnh, đều được dùng vào việc làm giàu. Thế nên có những người đã dùng hết tâm trí vào việc làm giàu và coi đó là cứu cánh của họ, tất cả những điều khác đều được dùng cho cứu cánh này.

Đến đây ta đã xem xét nghệ thuật làm giàu, một thứ nghệ thuật không cần thiết, và tại sao người ta lại ưa chuộng đến như vậy; cũng như xem xét nghệ thuật tích lũy tài sản cần thiết rất khác biệt với nghệ thuật làm giàu và là một bộ phận tự nhiên của nghệ thuật quản trị gia đình, chú trọng đến việc cung ứng thực phẩm, một thứ tài sản có giới hạn chứ không phải vô giới hạn như tiền bạc.

[1] Midas là vua xứ Pessinus, theo thần thoại Hy Lạp, là một vị vua gặp nhiều rắc rối với thần thánh và những tao ngộ này được ghi vào thần thoại. Trước hết, Midas, vì tiếp đãi trọng hậu Silenus, người vừa là thầy vừa là cha nuôi của Tửu Thần Dionysus nên được Dionysus ban cho quyền năng là bất cứ thứ gì nhà vua chạm vào đều biến thành vàng ròng. Khổ thay, khi đụng đến thức ăn chúng cũng biến thành vàng khối. Khi gần chết đói, Midas cầu xin Dionysus giải trừ cho quyền năng này. Dionysus bảo Midas xuống rửa tay tại dòng sông Pactolus. Quyền năng hóa vàng này được chuyển từ tay Midas xuống dòng sông và hóa cát dưới lòng sông trở thành vàng. (Đây là một loại thần thoại dùng để giải thích các hiện tượng thiên nhiên khi người ta đãi cát tìm vàng. Có lẽ dưới lòng sông Pactolus có mỏ vàng.) Rắc rối thứ hai Midas gặp là khi thần Appollo tranh tài âm nhạc với thần Pan là thần của đồng ruộng (Appollo nổi tiếng với cây thất huyền cầm lyre, còn Pan nổi tiếng với tài thổi sáo). Vị thần núi Tmolus làm trọng tài cho cuộc thi này tuyên bố Appollo thắng cuộc và mọi người có mặt trong cuộc thi này đều đồng ý ngoại trừ Midas, vi Midas là đệ tử của Pan. Điều này khiến cho Appollo nổi giận cho rằng đúng là "đàn gẩy tai lừa," nên biến hai lỗ tai của Midas thành tai lừa. Thành ngữ VIệt Nam cũng có câu "đàn gẩy tai trâu."

[2] Tục ngữ Việt Nam cũng có câu: "Có chí làm quan, có gan làm giàu."

 



tải về 0.64 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương