LỜi giới thiệu bối cảnh lịch sử



tải về 0.64 Mb.
trang7/9
Chuyển đổi dữ liệu09.05.2018
Kích0.64 Mb.
#37853
1   2   3   4   5   6   7   8   9

Chương XI

Người Carthage1 cũng được xem là có một mô hình chính trị tuyệt hảo, khác hẳn các nước khác về nhiều phương diện, dù trên vài phương diện lại rất giống Sparta. Thực ra, cả ba nước-Sparta, Crete và Carthage-đều gần giống nhau về cơ cấu chính trị, và rất khác biệt với các nước khác. Rất nhiều định chế của Carthage được xem là tuyệt hảo. Điều này được chứng minh bởi sự kiện là thường dân Carthage luôn trung thành với hiến pháp và người Carthage chưa bao giờ có cuộc nổi loạn đáng kể nào, và chưa hề bị cai trị bởi một bạo chúa.

Trong những điểm giống nhau giữa hiến pháp Carthage và Sparta có những điểm sau đây: bữa ăn chung tương tự như của Sparta, quan chức gồm 104 người tương tự như Giám sát viên của Sparta, nhưng khác ở chỗ giám sát viên của Sparta được lựa chọn theo bốc thăm, ai trúng thì được, còn Carthage lựa chọn quan chức theo tài năng, và đây là một sự cải thiện. Carthage cũng có vua và hội đồng trưởng lão tương tự như vua và hội đồng trưởng lão của Sparta. Nhưng vua của Garthage không giống như vua của Sparta, không theo cha truyền con nối trong một dòng họ; vua Carthage có thể được bầu ra từ bất kỳ gia đình nào nổi trội trong giai đoạn đó và theo tài năng chứ không theo tuổi tác-sự kiện này hay hơn Sparta rất nhiều. Vua chúa là những người nắm giữ quyền lực lớn lao, và vì thế, nếu họ là những kẻ chẳng ra gì, thì sẽ gây ra họa hoạn nhiều hơn lợi ích cho dân chúng, như đã xảy ra tại Sparta.

Phần lớn những khuyết điểm hay xa rời các nguyên tắc xây dựng một nhà nước toàn hảo mà hiến pháp Carthage mắc phải, cũng là những điều đã xảy ra cho các mô hình chính quyền ta đã bàn tới. Nhưng đối với Carthage, điều đáng nói là dù hiến pháp được xây dựng theo hình thức quý tộc, nhưng khi thì chính quyền lại đi chệch sang hướng dân chủ, khi khác lại đi theo hướng quả đầu. Khi nhà vua và các trưởng lão cùng nhất trí về một vấn đề nào đó, họ có thể xét xem nên hay không đưa vấn đề đó ra cho toàn dân bàn thảo, nhưng khi mà họ không nhất trí được với nhau, thì nhân dân vẫn có quyền bàn thảo và quyết định các vấn đề đó như thường. [Thêm nữa,] bất cứ vấn đề nào mà nhà vua và trưởng lão đưa ra, quốc dân không những bàn thảo mà còn quyết định các vấn đề đó, và bất cứ ai nếu thích cũng có thể phản đối các quyết định đó như thường. Điều này không được cho phép tại Sparta và Crete.

Mặt khác, Carthage cũng thiên về thể chế quả đầu, khi một ủy ban 5 người, một ủy ban đầy quyền lực, được hình thành bởi sự kết nạp, và có quyền lực chọn lựa hội đồng tối cao gồm 100 người, [không những thế] họ còn được giữ chức vụ lâu hơn các quan chức khác (vì họ thực sự là những nhà cai trị trước và sau khi giữ chức vụ). Còn sự kiện họ không lãnh lương và do dân bầu ra cùng các yếu tố khác như mọi vụ kiện tụng đều do các quan chức phân xử chứ không phải có vụ thì do quan tòa xử, có vụ lại do bồi thẩm xử như ở Sparta, là các đặc tính của chế độ quý tộc.

Hiến pháp Carthage còn rẽ từ quý tộc sang quả đầu, nhất là khi được công luận ủng hộ: bởi vì người dân thường nghĩ là các quan chức phải được lựa chọn không những vì tài đức mà còn vì họ là những người có của cải; họ nghĩ rằng người nghèo không thể cai trị giỏi vì không có thì giờ nhàn rỗi để suy nghĩ (vì còn bận lo sinh kế). Do đó, nếu quan chức được bầu chọn theo tài sản là đặc tính của chế độ quả đầu, và bầu chọn theo tài năng là đặc tính của quý tộc, thì phải có một hình thức thứ ba nữa cho hiến pháp của Carthage, vì tại đây, quan chức, đặc biệt là hàng cao nhất như vua và các đại tướng, được dân bầu ra theo cả tài năng và tài sản.

Nhưng ta phải nhận ra rằng, khi đi chệch hướng từ quý tộc sang quả đầu, nhà lập pháp đã phạm phải một sai lầm. Không có gì lại tuyệt đối cần thiết đối với thành phần thượng lưu, cả khi còn tại chức, lẫn khi thôi việc, cho bằng có được thì giờ nhàn tản và không phải làm những việc [để sinh sống] không xứng với địa vị của họ. Đó là việc mà nhà lập pháp phải lưu ý đầu tiên. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là dù của cải là điều cần thiết để bảo đảm cho các quan chức có thì giờ nhàn rỗi, nhưng đó cũng lại là điều xấu xa nếu để cho những kẻ có tiền có thể mua những chức vụ cao cấp nhất, như vua hay đại tướng. Điều luật cho phép điều này xảy ra sẽ khiến cho tiền của được coi trọng hơn đức hạnh, và khiến cho cả nước trở thành tham lợi. Bởi vì, khi những người đứng đầu quốc gia xem trọng điều gì, thì người dân sẽ lấy đó làm gương để bắt chước, và nếu tài đức không phải là điều được coi trọng bậc nhất, thì thể chế quý tộc sẽ không thành hình được.  Ngoài ra, những kẻ dùng tiền của để mua địa vị, chắc chắn sẽ tìm cách để kiếm lại lời; vì khi người nghèo và trung thực còn muốn kiếm lợi, thì thật là khó tin nếu những kẻ xấu xa và lại tốn kém tiền của để mua chức vụ lại không [lợi dụng chức vụ] để kiếm lời. Như thế, ta nên kết luận rằng chỉ những người tài đức nhất mới xứng đáng là người cai trị. Và nếu nhà lập pháp không quan tâm đến việc bảo vệ những người tài không bị nghèo khó (khi nghỉ việc quan), thì ít nhất cũng phải cung cấp cho họ đủ ăn, đủ mặc (không bận tâm về sinh kế) khi tại chức.

[Thêm vào đó,] hiến pháp Carthage còn một khuyết điểm nhưng lại rất thịnh hành là để cho một người giữ nhiều chức vụ cùng một lúc; đây là một khuyết điểm vì bất cứ việc nào cũng vậy, chỉ được thực hiện tốt bởi một người mà thôi. Nhà lập pháp phải để ý đến việc này và không thể bổ nhiệm một người vừa làm nhạc sĩ thổi sáo vừa làm thợ đóng giày. Như thế, nếu đất nước rộng lớn, thì phương cách phân phối các chức vụ cho nhiều người sẽ phù hợp với hiến pháp và nguyên tắc dân chủ hơn. Vì như tôi đã nói, sự sắp đặt như vậy sẽ công bình hơn đối với tất cả mọi người, và bất cứ hành vi nào được lập đi lập lại thành thói quen sẽ được thực hiện tốt hơn và mau chóng hơn. Ta có bằng chứng về việc này trong phạm vi quân sự và hải quân; trong hai lãnh vực này bổn phận chỉ huy và phục tùng được áp dụng toàn bộ từ trên xuống dưới.

Chính quyền Carthage theo chính thể quả đầu, nhưng họ thực sự tránh được những điều xấu xa của thể chế này bằng cách gởi từng đợt dân chúng sang định cư tại các thuộc địa. Chính sách này xem ra là một phương thuốc tuyệt hảo và là một cách giúp cho đất nước được ổn định.2 Nhưng chính sách này chỉ là một sự ngẫu nhiên mà có chứ không do ý định của nhà lập pháp, và nhà lập pháp phải có những biện pháp tiên liệu phòng ngừa khi dân chúng bất mãn nổi dậy chứ không thể cứ dựa vào ngẫu nhiên mà được. Một khi bạo loạn đã xảy ra thì khó mà vãn hồi lại được trật tự bằng pháp luật.

Đó là đặc tính đáng ca ngợi của cơ cấu chính trị Sparta, Crete và Carthage.

[1] Carthage là một thị-quốc nằm trên bờ biển Bắc Phi, nay thuộc Tunisia. Carthage, theo truyền thuyết La Mã được nữ hoàng Dido thành lập năm 814 BC. Vì nằm giữa vùng tranh chấp của các đế quốc Syracuse (nay là xứ Sicilia) và La Mã, Carthage nhiều lần bị xâm chiếm và cuối cùng bị người La Mã tiêu diệt vào năm 146 BC.

[2] Chính sách đưa dân sinh sống tại thuộc địa giúp cho tài sản được phân phối rộng rãi trong quần chúng, và do đó giữ cho xã hội được ổn định.

 

Chương XII

Trong số những nhân vật đã từng luận về chính quyền, một số chưa từng bao giờ tham chính và sống ẩn dật trong đời tư của họ; hầu như những điều đáng nhắc nhở về đóng góp của họ [cho học thuyết chính trị] đã được nhắc tới rồi. Những người khác là những nhà lập pháp tại nước của họ hay tại các nước ngoài; trong số những người này có người soạn thảo hiến pháp, có người giữ chức vụ trong ngành lập pháp; nhưng cũng có người làm cả hai việc như Lycurgus và Solon chẳng hạn.

Tôi đã bàn qua hiến pháp của Sparta [và Lycurgus]. Còn về Solon, ông được người đương thời coi trọng là một nhà lập pháp giỏi, là người đã chấm dứt sự độc quyền của chế độ quả đầu, giải phóng dân chúng, thiết lập nên  nền dân chủ cổ đại của Athens, và hòa hợp được các phần tử khác nhau của quốc gia.  Theo quan điểm của những người này, [những việc Solon đã làm như thiết lập] Hội đồng Areopagus mang tính chất quả đầu, các quan chức được bầu qua tài năng mang tính chất quý tộc, và tòa án nhân dân1 mang tính chất dân chủ. Thực sự không phải vậy. Hội đồng và các quan chức được bầu cử đã diễn ra từ trước thời của Solon, và chỉ được Solon giữ lại mà thôi, nhưng chính ông thiết lập tòa án nhân dân, và như thế được coi như dựng lên nền dân chủ cho Athens, và cũng là lý do mà đôi khi ông bị chỉ trích vì khi cho tòa án nhân dân quyền tối cao, ông đã vô hình trung triệt tiêu quyền hành của các cơ cấu khác. Khi tòa án nhân dân trở nên quá mạnh, nhân dân trở nên một quyền lực chuyên chế, và những người kế nhiệm Solon đã chuyển hiến pháp cũ sang thể chế dân chủ hiện nay tại Athens. Ephialtes và Pericles hạn chế quyền lực của Hội đồng; Pericles còn bầy ra cách trả lương cho bồi thẩm, và như thế những kẻ mị dân theo sau cứ tăng thêm quyền lực của dân chủ như ta thấy ngày nay. Tất cả những điều này, dẫu sao, cũng chỉ là kết quả ngẫu nhiên chứ không phải do ý định của Solon. Chỉ vì nhân dân, sau khi đã đạt được vị thế bá chủ trên biển sau trận chiến với Ba Tư, cứ ngỡ mình là vĩ đại và đi theo sự lãnh đạo của những tên mị dân vô giá trị, thành phần mà những giai cấp thượng lưu coi chẳng ra gì. Riêng đối với Solon, ông là người đã tạo cho dân Athens một quyền lực duy nhất là bầu ra các quan chức và buộc quan chức phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình; nếu không có quyền này thì người dân sẽ vẫn ở tình trạng nông nô và trở thành kẻ thù của nhà nước. Tuy vậy, Solon vẫn không hoàn toàn tin tưởng vào sự sáng suốt của quần chúng. Tất cả quan chức đều xuất thân từ dòng dõi quý tộc và có tài sản như giai cấp pentacosio-medimni [có lợi tức từ đất đai từ 500 đơn vị trở lên], hoặc từ giai cấp zeugitae [lợi tức từ 200 đơn vị], hoặc từ giai cấp Hippeis (hiệp sĩ) [có lợi tức từ 300 đơn vị]. Giai cấp thứ tư, Thetes, [có lợi tức dưới 200] là thành phần lao động không được dự phần vào chính trị.

Những nhà lập pháp khác là Zaleucus, người làm luật cho xứ Epizephyrian Locrians [thuộc miền nam nước Ý], và Charondas, người làm luật cho xứ Catana và các xứ khác của Chalcidian thuộc Ý và Sicily. Có người lại cho rằng Onomacritus mới là người đầu tiên có khả năng lập pháp, và ông ta, dù sinh ra tại Locrian, lại được huấn luyện tại Crete về nghệ thuật tiên tri, và Thales là bạn đồng song, và Lycurgus cùng Zaleucus là học trò của Thales, cũng như Charondas là học trò của Zaleucus. Nhưng những điều này không phù hợp với những gì sử sách ghi chép lại.

Ngoài ra còn có Philolaus, người xứ Corinth, là nhà lập pháp của xứ Thebes. Nhân vật Philolaus thuộc dòng dõi Bacchiadae và là tình nhân của Diocles, nhà vô địch chạy bộ Olympic (kỳ thứ bảy năm 752 B.C.) Diocles đã phải bỏ xứ Corinth vì muốn tránh tình yêu trái luân thường của bà mẹ Halcyone dành cho ông nên sang sinh sống tại Thebes, Philolaus cũng đi theo sang Thebes và hai người sống với nhau cho đến cuối đời. Mộ của hai người còn tồn tại cho đến nay, truyền thuyết cho rằng trước khi chết hai người để di chúc xây mộ theo hai hướng khác nhau; ngôi mộ của Diocles xoay về hướng đối nghịch với Corinth vì ông không muốn nhìn thấy Corinth nữa. Mộ của Philolaus được xây theo hướng ngược lại. Đó là lý do tại sao họ đến sống tại Thebes, và Philolaus trở thành nhà lập pháp cho xứ này. Một trong những luật lệ Philolaus làm ra là luật giới hạn nhân số trong gia đình.2

Luật lệ do Charondas lập ra không có gì đặc biệt, ngoại trừ luật trừng phạt những kẻ làm chứng gian. Ông là nhà lập pháp đầu tiên lên án việc làm chứng gian và luật lệ ông đặt ra còn chính xác và được diễn tả chi tiết hơn cả luật lệ của các nhà làm luật hiện đại.

(Đặc tính của luật Phaleas là sự bình quân hóa tài sản; của Plato là thiết lập cộng đồng chung vợ, con, tài sản, phụ nữ dùng bữa ăn chung, và luật về uống rượu, theo đó kẻ tỉnh táo sẽ làm chủ buổi tiệc rượu, và quân lính phải được huấn luyện để sử dụng vũ khí thuần thục cả hai tay).

Draco cũng làm luật, nhưng luật lệ ông làm ra đều hợp với hiến pháp hiện hành nên không có gì đáng nói tới, ngoại trừ các hình phạt thật nặng cho các tội phạm.

Pittacus3 cũng là một nhà lập pháp chứ không phải là nhà lập hiến. Ông đưa ra một đạo luật rất đặc biệt là nếu người say phạm tội , thì sẽ bị phạt nặng hơn người tỉnh. Ông không chấp nhận lý do bào chữa là vì say nên người ta phạm tội, mà cho rằng người say thì dễ phạm tội hơn là người tỉnh.

Androdamas của xứ Rhegium là nhà làm luật cho dân Chalcidian thuộc xứ Thrace. Một số những luật lệ này liên quan đến án mạng và quyền thừa kế của phái nữ; ngoài ra không có gì đặc biệt.

Tới đây chúng ta hãy ngừng việc khảo sát những hiến pháp khác nhau đã từng được thực thi hay do các nhà lý luận đề ra.

[1] Thẩm phán của tòa án nhân dân do dân bầu ra theo lối rút thăm chính là hình thức dân chủ.

[2] Philolaus muốn hạn chế nhân số trong gia đình tương ứng với tài sản mà gia đình đó sở hữu. Có lẽ Philolaus nhớ tới những điều Aristotle chỉ trích Phaleas (chương VII) về việc bình quân tài sản của các hộ gia đình mà không để ý tới mức sinh sản của từng hộ. Một gia đình càng đông con thì tài sản chia cho chúng càng ít đi.

[3] Pittacus là một trong Thất Hiền của Hy Lạp: Solon, Thales, Pittacus, Cleobulus, Bias, Myson, và Chilon.



Chương  I

Khi ta muốn tìm hiểu về bản chất và đặc tính của các mô hình chính quyền khác nhau, thì việc đầu tiên phải làm là xác định xem "nhà nước là gì?" Cho đến nay đây vẫn là một vấn đề còn nhiều tranh cãi. Một số người cho rằng nhà nước [là tác nhân] thực hiện một số công việc nào đó; những người khác thì lại cho rằng không phải là nhà nước mà là chính quyền theo quả đầu hoặc cai trị bởi một bạo chúa. Cũng có người lại cho rằng, một cách tổng quát, mọi hoạt động của nhà lập pháp đều liên quan đến nhà nước; cuối cùng, có người cho rằng một hiến pháp hay một chính quyền là cách thức sắp xếp cơ cấu quyền lực của những người cư ngụ trong nhà nước đó.

Nhưng nhà nước là một hỗn hợp do nhiều bộ phận tạo thành; những bộ phận đó chính là công dân. Hiển nhiên, ta phải bắt đầu bằng câu hỏi, "ai là công dân và từ này có ý nghĩa gì?" Bởi vì, một lần nữa, từ ngữ này cũng có những quan điểm khác nhau. Một người là công dân của thể chế dân chủ thì lại thường không phải là công dân của chế độ quả đầu. Hãy bỏ qua trường hợp những người đã được xem là công dân, hay là những người trở thành công dân vì một hoàn cảnh ngẫu nhiên nào đó, ta có thể nói rằng, trước hết, người công dân không trở thành công dân chỉ vì người đó sinh sống ở một chỗ nào đó, bởi vì ngoại kiều và nô lệ cũng sinh sống trên cùng chỗ đó; cũng như y không trở thành công dân vì có được những quyền do pháp luật quy định như đi kiện hoặc bị kiện mà thôi, bởi vì ngoại kiều cũng có được những quyền này do hiệp ước [giữa hai nước] tạo nên. Nói cho đúng hơn, ngoại kiều ở nhiều nơi cũng không hoàn toàn có được những quyền này, vì họ buộc phải có người bảo trợ, cho nên họ cũng không hoàn toàn được tham gia với đầy đủ tư cách công dân, vì thế ta gọi họ là công dân chỉ với nghĩa hạn chế mà thôi, cũng như khi ta dùng từ này để chỉ những người trẻ chưa đến tuổi ghi danh hay những người già đã được miễn các nghĩa vụ đối với quốc gia. Những người này ta không gọi họ một cách đơn giản là công dân, nhưng phải thêm vào cụm từ vị thành niên trong trường hợp đầu tiên, và lão niên trong trường hợp sau. Từ ngữ chính xác ta dùng thật ra không quan trọng, vì ý nghĩa ta nói đến thật rõ ràng rồi. Còn có những khó khăn tương tự trong những trường hợp mà tôi đã nhắc đến, đó là những người bị tước quyền công dân hay bị lưu đầy. Nhưng công dân, người mà ta đang tìm cách định nghĩa, phải là người công dân theo nghĩa chính xác, tuyệt đối nhất, chứ không phải như những trường hợp ngoại lệ như đã nói ở trên.

Và người công dân chỉ cần có một đặc tính duy nhất là người có quyền tham gia vào việc thực thi công lý và đảm nhiệm các chức vụ trong chính quyền. Các chức vụ chính quyền có nhiều loại; có loại không liên tục (có nhiệm kỳ) và một người không được giữ một chức vụ hơn một lần, hoặc chỉ có thể giữ chức vụ trong một thời hạn cố định nào đó; có loại không có nhiệm kỳ như chức vụ quan tòa hay thành viên quốc hội. Người ta, thực ra, cũng có thể lý luận rằng những chức vụ đó không phải là quan chức, và chức năng của họ không liên hệ gì đến chính quyền. Nhưng nói như vậy thì cũng nực cười như khi ta bảo kẻ có quyền lực lại không phải là người cai trị.1Nhưng ta cũng không nên bàn cãi nhiều ở đây, vì đó chỉ là vấn đề chữ nghĩa. Điều ta cần là tìm được một từ ngữ chung nào đó bao gồm cả vị quan tòa và đại biểu quốc hội. Cho nên, để cho dễ phân biệt, ta hãy gọi chức vụ đó là những chức vụ "bất định" và giả định rằng những ai giữ chức vụ đó phải là công dân. Đó là định nghĩa bao hàm và thích hợp nhất cho những ai thường được gọi là công dân.

Nhưng ta không được quên rằng những nguyên lý căn bản tự bản chất khác nhau, cũng như các loại chính quyền khác nhau, hầu như không có điểm nào chung. Ta thấy chính quyền có nhiều loại khác nhau, có loại có phẩm chất tốt hơn, có loại phẩm chất kém hơn, nhất là những loại có cơ cấu khiếm khuyết hay hư hỏng thì chắc chắn phải kém hơn những loại chính quyền được xây dựng hoàn hảo. (Tôi sẽ giải thích thêm thế nào là cơ cấu bị bại hoại trong phần dưới). Công dân, do vậy, nhất thiết phải khác nhau dưới những chế độ khác nhau; và định nghĩa của chúng ta chỉ thích hợp với nền dân chủ, chứ chưa chắc đã phù hợp với các chế độ khác. Bởi vì ở những nước không phải dân chủ, người dân không được công nhận, cũng không có quyền tham dự các cuộc họp định kỳ, mà chỉ trong những trường hợp đặc biệt, và những vụ kiện tụng được phân bố cho các quan chức. Thí dụ tại Sparta, các Giám sát viên lo xử những vụ kiện tụng liên quan đến giao kèo và họ chia nhau xử những vụ kiện này; các trưởng lão thì chuyên về các vụ án mạng, còn những việc khác thì chia cho các quan chức khác. Một nguyên tắc tương tự cũng thịnh hành ở Carthage; ở đó một số quan chức quyết định mọi việc. Thành thử, ta có thể phải điều chỉnh định nghĩa về công dân để bao gồm cả những nước này nữa. Trong những nước này, quan chức là những người giữ những chức vụ được xác định rõ rệt, chứ không giữ nhiều chức vụ một lúc; họ là những nhà lập pháp hay thẩm phán, và những ai giữ các chức vụ xác định thì đều có quyền thảo luận và phán xét về một số việc hay về tất cả mọi việc. Khái niệm về công dân đã bắt đầu trở nên rõ ràng sau khi ta xem xét thêm các trường hợp kể trên.

Ta có thể nói như sau: những ai có quyền tham dự vào các cuộc nghị luận việc công hay  về tư pháp [bất kể có nhiệm kỳ hay không] của bất kỳ nước nào, thì phải được coi là công dân của nước đó. Nói một cách tổng quát, một nhà nước là một cơ cấu gồm tất cả những công dân hợp lại nhằm đạt tới mục đích của đời sống.


 

[1] Chức vụ quan tòa và thành viên của quốc hội đại diện cho quyền tối thượng của nhà nước.



Chương II

Nhưng trong thực tế, một người công dân được định nghĩa là người có cha mẹ là công dân; nhưng có người đòi điều kiện này phải lâu hơn tới hai hay ba đời ông cha mới được. Đây là một định nghĩa ngắn gọn và thực tế nhưng cũng còn có người đặt thêm vấn đề nữa: Tổ tiên đời thứ ba hay thứ tư trở thành công dân như thế nào? Gorgias, người xứ Leotini, một phần thấy những khó khăn do đòi hỏi này gây ra, một phần muốn mỉa mai, đã nói, "Vữa để xây tường do người thợ hồ tạo ra, và công dân của Larissa là những người do các quan chức tạo nên, vì nghề của họ là tạo ra những người dân xứ Larissa." Nhưng vấn đề này thực ra rất đơn giản, vì, căn cứ trên định nghĩa vừa nêu ở đoạn trên, [không cần biết tổ tiên mấy đời,] nếu tổ tiên được tham dự vào chính quyền, thì họ là công dân. Định nghĩa này chính xác hơn định nghĩa đòi phải có cha mẹ là công dân, vì câu "con của cha hay mẹ là công dân" không áp dụng được cho những cư dân đầu tiên hay những người đầu tiên thành lập quốc gia.

Còn một vấn đề khó hơn khi xác định công dân là ai; đó là trường hợp của những người trở thành công dân sau một cuộc cách mạng, như Cleisthenes1 đã làm tại Athens sau khi trục xuất những kẻ cầm quyền bạo ngược. Đó là cho nhập vào các bộ tộc cơ hữu của Athens những ngoại kiều thường trú và cả những kẻ thuộc giai cấp nô lệ. Vấn đề được đặt ra trong trường hợp này không phải là xét xem ai sẽ là công dân, mà là người được coi là công dân có xứng đáng hay không. Lại còn một vấn đề sâu xa hơn liên quan đến nhà nước; đó là khi nào một hành vi được coi là một hành vi của nhà nước, bởi vì một hành vi không chính đáng chẳng phải là một hành vi sai lầm? Nhưng nếu có kẻ giữ một chức vụ nào đó, dù không xứng đáng, ta vẫn gọi y là một quan chức. [Tương tự như vậy,] một công dân được định nghĩa bởi sự kiện người đó giữ một chức vụ trong chính quyền, dù là tư pháp hay lập pháp, thì người đó, theo định nghĩa phải là một công dân. Như vậy, những ai giữ chức vụ trong chính quyền sau khi cách mạng xảy ra, phải được coi là công dân.
 

[1] Cleisthenes là một nhà quý tộc thành Athens và cũng là người lật đổ bạo chúa Hippias. Sau đó Cleisthenes cho nhập thêm những người khác vào bốn bộ tộc cơ hữu của Athens (dựa trên liên hệ gia đình) thành mười bộ tộc dựa theo nơi sinh sống. Những bộ tộc thêm vào này có người là ngoại kiều thường trú, có người thuộc thành phần nô lệ.



Chương III

Vấn đề khi nào công dân được coi là một công dân chính đáng lại liên quan đến một vấn đề đã được tìm hiểu trước đây [ở phần đầu của Chương 1]. Vì có một vấn đề song song liên quan đến nhà nước: khi nào một hành vi được coi là một hành vi của nhà nước. Thí dụ như hành vi thay đổi từ thể chế quả đầu hay độc tài cá nhân (bạo chúa) sang dân chủ. Trong những trường hợp như vậy người dân từ khước thực hiện các bổn phận đã được giao ước [trong hiến pháp], trên căn bản là nhà độc tài, chứ không phải nhà nước, buộc họ phải tuân theo giao ước. Họ lập luận rằng có những hiến pháp được thiết lập bởi sức mạnh, chứ không vì lợi ích chung. Thế nhưng lý luận này cũng đúng trong chế độ dân chủ, vì chế độ dân chủ cũng có thể được thiết lập nên bởi bạo lực, và như thế một hành vi của chế độ dân chủ có thể  cũng không hơn hay chẳng kém gì hành vi của chế độ quả đầu hay độc tài cá nhân. Vấn đề này lại dẫn đến một vấn đề khác: ta dựa trên nguyên tắc nào để cho rằng nhà nước vẫn giống như cũ, hay đã bị đổi khác đi? Nếu ta chỉ xét đến lãnh thổ hay cư dân, thì đó là một cái nhìn thiển cận, vì lãnh thổ có thể bị phân cách và dân cư có người sống ở vùng này, người ở vùng khác. Điều này, coi vậy cũng không phải là vấn đề quá khó; ta chỉ cần nhận định rằng từ ngữ "nhà nước" là một từ ngữ mơ hồ, chưa được định nghĩa đúng đắn.

Cũng có người đặt vấn đề: Khi nào người dân cùng sống tại một nơi được xem là tạo nên một quốc gia?-giới hạn của nó ở chỗ nào? Chắc chắn không phải là bức tường thành bao quanh lãnh thổ, vì ta có thể xây một bức trường thành bao quanh cả vùng Peloponnesus.1 Tương tự như vậy, ta cũng có thể liệt kê Babylon2 và mọi thị-quốc có tầm vóc của một quốc gia; nhưng Babylon, lịch sử kể lại, đã bị địch quân chiếm đóng cả ba ngày rồi, mà nhiều người dân còn chưa biết. Vấn nạn này [một nước nên lớn đến chừng nào (gồm nhiều phần lãnh thổ khác nhau) mà vẫn được coi là một nước duy nhất], tốt hơn, nên để dịp khác ta sẽ bàn tới, bởi đây đơn giản chỉ là nhiệm vụ của nhà lãnh đạo phải quyết định xem quốc gia nên rộng lớn tới cỡ nào và có nên bao gồm nhiều lãnh thổ khác nhau hay không.3

Bây giờ hãy trở lại vấn đề người dân cư trú trên lãnh thổ. Liệu ta có xem những người dân cùng một giống, cư ngụ trên cùng một nơi từ đời này sang đời khác không có gì thay đổi, cho nên quốc gia cũng không thay đổi, dù người dân có sinh ra và chết đi, như ta bảo dòng sông hay ngọn núi bao giờ cũng vẫn như thế dù nước cứ chảy trôi đi mãi? Hay là ta lại bảo rằng các thế hệ người dân cũng thay đổi giống như nước của dòng sông, cho nên nhà nước cũng thay đổi? Vì nhà nước là một sự hội tụ và hợp tác của công dân theo một hiến pháp và một cơ cấu chính trị nào đó, cho nên, khi hình thức chính quyền thay đổi và trở nên khác đi với hình thức cũ, thì ta có thể nói là nhà nước đó không còn giống như cũ nữa; cũng giống như ban đồng ca của hài kịch khác với ban đồng ca của bi kịch, dù cả hai ban đều có cùng các ca công.4Tương tự như vậy, ta bảo mọi sự hội tụ hay phối hợp các phần tử sẽ khác đi khi hình thức phối hợp đó bị thay đổi; thí dụ, một hợp âm có cùng những nốt nhạc sẽ khác đi khi được kết hợp theo âm thể Dorian hay Phrygian.5 Và nếu điều này được xem là đúng, thì hiển nhiên một nhà nước có còn giống như trước hay không là do hiến pháp có được giữ nguyên hay không, và ta vẫn có thể gọi bằng cùng một tên, còn cư dân của nước đó có thay đổi hay không, điều đó không quan trọng. Còn một vấn đề nữa là một nhà nước có nên hay không nên tiếp tục giữ các giao ước sau khi thay đổi hình thức chính quyền.


 

[1] Peloponnesus là vùng bán đảo thuộc miền trung Hy lạp ngày nay. Vùng này thời xưa gồm nhiều quốc gia (còn gọi là thị-quốc, city state), ngay cả thành Athens cũng được coi như một nước vào thời của Aristotle.



[2] Babylon là một thị quốc thuộc khu vực Mesopotamia, Iraq ngày nay. Babylon cũng đuợc coi là một trong 7 kỳ quan của thế giới thời cổ.

[3] Theo Ernest Barker, đoạn văn này có nghĩa: việc ấn định ranh giới và kích thước lãnh thổ thuộc về nghệ thuật lãnh đạo và cai trị, chứ không thuộc vấn đề được nêu ra trong chương này là lý thuyết về các đặc tính tạo nên quốc gia.

[4] Ca kịch cổ Hy lạp có hai thể loại: bi kịch hoặc hài kịch. Những vở kịch này được trình diễn tại những hý viện lớn ngoài trời (amphitheater). Ngoài các nhân vật chính trong kịch, trong cả hai loại hình bi kịch và hài kịch, ca kịch cổ Hy lạp còn có ban đồng ca đóng vai trò dẫn giải câu chuyện, bình luận về tâm lý và diễn biến của vở kịch, giữa những màn của vở ca kịch.

[5] Dorian và Phrygian là hai âm giai trong âm nhạc cổ Hy lạp.




tải về 0.64 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương