LỜi giới thiệu bối cảnh lịch sử



tải về 0.64 Mb.
trang9/9
Chuyển đổi dữ liệu09.05.2018
Kích0.64 Mb.
#37853
1   2   3   4   5   6   7   8   9

Chương X

Vẫn còn một khó khăn nữa liên quan đến ai sẽ nắm giữ quyền lực tối cao của nhà nước: là quần chúng, giới giàu có, người có đức độ, kẻ tài năng, hay là một bạo quân? Bất kỳ trường hợp nào nêu trên cũng đưa đến những kết quả không hay. Chẳng hạn, nếu như quần chúng nắm quyền, bởi vì họ là số đông, rồi chia nhau của cải của người giàu, thì điều đó có công bằng hay không? Công bằng chứ (họ sẽ trả lời), vì quyền lực tối cao muốn như vậy mà! Nhưng nếu điều này chẳng phải là bất công, thì điều nào mới là bất công đây? Thêm nữa, sau khi chia của lần đầu tiên xong, và đa số lại quyết định chia tiếp tài sản của thành phần thiểu số, và việc này cứ tiếp diễn liên tục, chẳng phải quốc gia sẽ bị tiêu hủy hay sao? Nhưng đức hạnh chẳng thể nào làm hư hoại được những gì tốt đẹp, cũng như công bằng không thể nào làm hủy hoại quốc gia, do đó, luật lệ cưỡng chiếm tài sản hiển nhiên là luật lệ bất công. Bởi vì nếu luật này mà được xem là công chính thì, nhất thiết, mọi hành vi của bạo quân đều phải được xem là công chính; bạo quân sẽ nói là nhân danh quyền lực tối cao mà cưỡng bách mọi người, cũng giống như đa số cưỡng bách những người có của. Như thế có công bình không khi  một thiểu số và những kẻ giàu có trở thành nhà cai trị? Và nếu họ, cũng theo lối lập luận đó, ăn cướp và ăn cắp của nhân dân, thì như thế có được coi là công chính không? Nếu mà như vậy, thì mọi trường hợp khác cũng phải được coi là công chính. Nhưng hiển nhiên, [ta biết rằng] những điều như vậy là sai lầm và bất công.



Như thế, ta nên chọn những người có đức độ ra nắm quyền lực tối cao? Nhưng nếu thế thì tất cả những người khác sẽ bị gạt ra ngoài guồng máy quyền lực và như thế sẽ cảm thấy nhục nhã. Vì người ta quan niệm rằng các chức vụ trong chính quyền là nơi được vinh dự, và nếu một nhóm người luôn luôn nắm giữ những chức cụ này, thì sẽ không còn chỗ cho số người còn lại. Như thế liệu ta có nên chọn một người đức độ nhất để cai trị không? Như vậy cũng không được, vì số người không được tham gia chính sự lại còn đông hơn nữa. Thêm vào đó, một số người chủ trương chọn nhân trị không bằng pháp trị, vì con người còn bị chi phối bởi thất tình lục dục. Thế nhưng nếu luật pháp lại bị thiên về dân chủ hay quả đầu thì sao? Chọn lựa pháp trị cũng không giúp thêm được gì trong trường hợp này. Những hậu quả đã bàn đến cũng sẽ xảy ra y hệt như vậy trong trường hợp này.
 

Chương XI


Phần lớn những vấn đề này lẽ ra nên được dành cho một trường hợp khác. Cái nguyên tắc cho rằng số đông nên được xem là ưu việt hơn một thiểu số tài giỏi nhất là một nguyên tắc nên được giữ lại, và, mặc dù không phải là không có những khó khăn, nguyên tắc này dường như vẫn chứa đựng một phần của chân lý. Mỗi một người trong số đông chỉ là một người [có khả năng] bình thường, nhưng khi họp nhau lại trong một tập thể, thì rất có nhiều cơ hội tập thể này sẽ khá hơn một thiểu số người giỏi; cũng giống như một bữa tiệc do nhiều người đóng góp sẽ phong phú hơn là một bữa ăn chỉ do một người khoản đãi. Mỗi một cá nhân trong số đông người có một phần đức hạnh và sự khôn ngoan, và khi họ họp lại cùng nhau, thì trở thành một người có nhiều tay, chân và giác quan; một "con người" có tâm trí và tâm tính. Như thế, số đông sẽ có khả năng thẩm định tốt hơn là một người về phương diện âm nhạc và thi ca, vì một số người hiểu phần này, một số khác hiểu phần khác, và cùng với nhau, họ sẽ hiểu cả toàn bộ. Trong số những người tài giỏi, cũng có một sự kết hợp các phẩm cách tương tự như vậy; họ khác với những cá nhân của số đông, cũng giống như người đẹp khác với người không đẹp, hay những tác phẩm nghệ thuật khác với những tác phẩm tầm thường, bởi vì trong bản thân họ những phần tử rời rạc được kết hợp lại [thành một đơn vị] mà nếu tách rời ra thì đôi mắt của họ (hay một bộ phận nào khác) chưa chắc đã đẹp hơn mắt của người khác. Nhưng liệu nguyên tắc này có áp dụng được cho mọi nền dân chủ và cho tất cả mọi người hay không thì vẫn chưa rõ lắm; bởi vì có một số trường hợp nguyên tắc này không thể áp dụng được: theo lý luận, nếu nguyên tắc đã áp dụng chung cho tất cả mọi người thì phải áp dụng luôn cho cả đàn thú. [Sở dĩ như vậy vì] có những đám người mà chỉ có sức mạnh thể chất chứ thiếu khôn ngoan. Và nếu như thế, ta đã giải quyết được cả hai vấn nạn - đã được đề cập đến trong chương trước - nghĩa là, nhà nước nên chia sẻ quyền lực như thế nào cho đại khối những người tự do và công dân, nhưng lại không có của cải và tài năng gì hết, bằng cách cho tất cả mọi người tham gia vào chính sự. [Dĩ nhiên] vẫn có điều nguy hiểm khi cho toàn thể tham gia chính sự, vì sự dốt nát sẽ đưa đến sai lầm và sự bất lương sẽ đưa đến tội phạm; nhưng còn có một sự nguy hiểm hơn nếu không cho toàn thể tham chính, vì trong một nước mà đa số công dân là những người nghèo lại không được tham chính, thì những người đó sẽ trở thành kẻ thù của quốc gia. Phương thức duy nhất để tránh sự nguy hiểm này là trao cho họ một số quyền lập pháp và tư pháp. Vì lý do này mà Solon và một số các nhà làm luật khác đã cho những công dân thuộc giai cấp bình dân quyền bầu ra các quan chức và bắt các quan chức phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình khi tại chức, nhưng cá nhân họ không được giữ chức vụ nào hết. Khi toàn thể công dân (cả ngưởi xấu lẫn tốt) họp nhau lại, họ đã có được một sự nhận thức khá tốt, và cùng với giai cấp tốt hơn, toàn thể sẽ giúp ích cho đất nước (cũng giống như những thức ăn không được hoàn toàn tinh khiết khi trộn chung với thức ăn tinh khiết đôi khi tạo nên một thức ăn nhiều chất bổ dưỡng hơn cả một số ít thức ăn tinh khiết), nhưng mỗi cá nhân riêng rẽ sẽ có những nhận thức bất toàn.

Về phương diện khác, chính quyền dân chủ cũng có nhiều khó khăn nhất định. Trước hết, [khi cho người dân có quyền xét xử quan chức], ta thấy có lập luận phản đối như sau: người có thể xét xem một người bệnh đã được chữa khỏi hay chưa, phải chính mình là một y sĩ, và điều này cũng áp dụng cho các ngành nghề khác. Như thế, vì một y sĩ chỉ có thể được xét xử bởi các y sĩ khác, người ta, nói chung, nên được xét đoán bởi những người có trình độ tương đương. Nhưng y sĩ cũng có ba loại: loại chữa bệnh thông thường, loại y sĩ chuyên khoa, và loại những người chuyên nghiên cứu về y thuật (trong mọi ngành nghề khác đều có những bậc thầy như vậy) và họ cũng có đủ tư cách để xét đoán như hai hạng kể trên. Thứ hai, chẳng phải nguyên tắc này cũng được áp dụng cho bầu cử hay sao? Một cuộc bầu cử đúng đắn chỉ có thể được thực hiện bởi những người có kiến thức; cũng giống như những người biết hình học sẽ chọn đúng ai là nhà hình học, và những ai biết lái tàu sẽ chọn đúng người hoa tiêu; và nếu có một ngành nghề nào mà những người không chuyên nghiệp có quyền lựa chọn, thì sự lựa chọn của họ chắc chắn không thể hay hơn những người chuyên môn về lãnh vực đó. Như vậy, căn cứ theo lý luận này thì cả việc bầu cử lẫn xét xử quan chức không nên trao cho đa số quần chúng. Tuy vậy, những điều phản bác này đã được ta trả lời rồi, vì nếu nhân dân không bị thoái hóa quá độ, và dù riêng mỗi cá nhân họ có thể không xét đoán giỏi giang như những chuyên viên, thì khi họp nhau lại thành một đơn vị, họ cũng có thể giỏi bằng hay hơn cả các chuyên viên. Thêm vào đó, có những nghề mà sản phẩm không chỉ được đánh giá đúng nhất hay thuần túy bởi người làm ra sản phẩm đó, thí dụ có những sản phẩm được đánh giá đúng nhất bởi người sử dụng chứ không phải bởi người làm ra, như trường hợp xây nhà chẳng hạn. Người sử dụng căn nhà, hay nói đúng hơn, chủ căn nhà mới là người đánh giá căn nhà xấu tốt thế nào đúng hơn người xây nhà, và người hoa tiêu mới là người đánh giá cái bánh lái đúng đắn hơn người thợ làm ra bánh lái, và thực khách mới là những giám khảo đánh giá bữa ăn ngon hay dở đúng hơn người đầu bếp.

Điều khó khăn này xem ra đã được trả lời đầy đủ, nhưng còn một vấn đề khác cũng tương tự như vậy. Để cho người dở có quyền quyết định những vấn đề trọng đại hơn là những người giỏi có vẻ là một điều lạ lùng, vì chẳng phải quyền bầu cử và quyền xét xử các quan chức là những quyền cao hơn hết thảy? Và điều này, như tôi đã nói, là những chức năng được dành cho nhân dân tại một số nước, vì quốc hội mới là tối cao trong mọi lãnh vực. Thế nhưng, người dân ở bất kỳ tuổi nào, có chút ít tài sản, cũng đủ tiêu chuẩn trở thành nghị viên để bình nghị và phán xét, dù rằng các viên chức cao cấp khác của nhà nước như bộ trưởng tài chánh hay tướng tá lại phải có tiêu chuẩn cao hơn, tỷ như có nhiều tài sản hơn, mới được lựa chọn. Điều khó khăn này cũng có thể được giải quyết tương tự như điều khó khăn trong đoạn trên theo cách thức dân chủ. Đó là vì quyền lực không nằm trong tay một nghị viên hay một quan tòa nào hết mà nằm trong tòa án, và nghị viện, trong đó mỗi quan tòa hay nghị viên chỉ là một phần tử. Chính vì lý do này mà đa số có thể nói rằng có quyền lực cao hơn một thiểu số, vì những cơ quan này gồm có nhiều người mà nếu tính tổng cộng lại thì tài sản [của chung] sẽ nhiều hơn tài sản của riêng từng quan chức. Nhưng đến đây, ta cũng bàn đủ về vấn đề này.

Còn về vấn nạn thứ nhất-quyền lực tối cao nên nằm trong tay những người có khả năng chuyên môn, hay nằm trong tay quần chúng nói chung-đưa ta đến kết luận rõ ràng sau đây: chỉ có luật pháp đúng đắn mới là tối thượng; và quan chức chỉ đưa ra những phán quyết về những vấn đề mà luật pháp không thể nêu lên một cách chính xác vì các nguyên tắc tổng quát bao gồm quá nhiều trường hợp cá biệt.1 Nhưng thế nào là luật pháp đúng đắn vẫn chưa được giải thích rõ ràng, và vấn nạn ta gặp phải ở cuối chương trước vẫn còn nguyên [tức là khi luật pháp có thể thiên vị một giai cấp nào đó]. Sự việc luật pháp tốt hay xấu, công chính hay bất công, tùy theo hiến pháp của một nước. Đó là điều hiển nhiên rằng luật pháp phải thích hợp với hiến pháp. Từ đó ta có thể suy ra rằng một chính quyền được thiết lập đúng đắn sẽ nhất thiết có luật pháp công chính, còn những chính quyền được thiết lập sai lầm, thì sẽ có những luật pháp bất công.

[1] Đây là trường hợp quan tòa "giải thích" và áp dụng luật pháp vào các trường hợp cá biệt.

Chương XII

Mục đích tối hậu của tất cả các ngành khoa học và nghệ thuật là đạt tới "cái tốt" cao độ nhất, và cái tốt cao độ nhất, cái tối hảo trong khoa học chính trị là công lý, và công lý bao gồm những gì tạo nên lợi ích chung. Ai cũng nghĩ công lý cũng tương tự như bình đẳng, và nhận định này, trên một số trường hợp, cũng tương đồng với những kết luận của đạo đức học. Vì ý kiến chung cho rằng công lý có liên quan đến con người, và đã là những người đồng đẳng thì ắt phải được bình đẳng. Nhưng ta vẫn còn có một vấn nạn, đó là, bình đẳng và bất bình đẳng về phương diện nào? Vấn nạn này buộc ta phải có những suy tư triết học về chính trị. Rất có thể sẽ có một số người cho rằng các chức vụ của nhà nước không thể được bổ nhiệm một cách đồng đều cho mọi người, mà phải tùy theo tài năng cao thấp của từng người, dù rằng người đó và những người khác trong cộng đồng chẳng có gì khác nhau về các mặt khác. Lập luận này dẫn đến kết luận những ai khác với người khác về bất cứ một phương diện nào, sẽ có những quyền khác với những người khác. Nhưng, nếu ta chấp nhận lập luận này, thì chẳng phải kẻ nào có nước da sáng sủa hay chiều cao hơn người khác, hay có bất kỳ ưu điểm nào khác sẽ được hưởng nhiều quyền chính trị hơn những người khác hay sao? Sự lầm lẫn này thật hiển nhiên và ta có thể bác bỏ bằng các thí dụ từ các nghệ thuật hoặc khoa học khác. Khi có một số các nhạc sĩ thồi sáo tài nghệ tương đương với nhau, thì không có lý do gì những người nào được sinh ra trong gia đình danh giá hơn lại được sử dụng cây sáo tốt hơn, vì họ cũng sẽ không thổi hay hơn với cây sáo tốt hơn, và cây sáo tốt nhất nên được dành cho người nào thổi hay nhất. Nếu điều  tôi vừa nói vẫn còn chưa rõ lắm, thì khi ta tiếp tục bàn luận sẽ trở nên rõ ràng hơn. Giả thử có một nghệ nhân thổi sáo siêu tuyệt nhưng lại là con nhà bần dân và lại chẳng có ngoại hình đẹp đẽ-gốc gác gia thế và ngoại hình có thể là những yếu tố được đánh giá cao hơn là tài thổi sáo-nhưng cây sáo tốt nhất vẫn phải được giao cho nghệ nhân này mới hợp lý; trừ phi ta cho rằng những ưu điểm về gia thế và tài sản có thể khiến cho người ta thổi sáo hay hơn, nhưng ta thấy điều này không phải như vậy.



Hơn nữa, nếu ta áp dụng nguyên tắc này, thì mọi "điều tốt" đều có thể so sánh được với nhau. Giả sử chiều cao [của con người] ở một mức nào đó, được xem là trội hơn các đức tính khác, thì chiều cao, một cách tổng quát, cũng phải được so sánh với tài sản hay gia thế. Như thế, nếu anh A có chiều cao hơn anh B, dù B có đức hạnh hơn A, thì A phải được xem là trội hơn B.1 Nhưng ta không thể so sánh như vậy giữa lượng với phẩm; cho nên, đó là lý do tại sao trong chính trị cũng như trong nghệ thuật, ta không thể lấy bất kỳ sự vượt trội nào để làm cơ sở cho việc nắm giữ quyền lực chính trị. Nếu có kẻ chậm và nguời nhanh, thì cũng không vì thế mà kẻ nhanh có nhiều [quyền lực], còn kẻ chậm có ít. Trong cuộc tranh tài thể thao thì sự trổi vượt như vậy sẽ được tưởng thưởng, nhưng trong việc nắm giữ những chức vụ trong chính quyền, thì chỉ có những ai có được những phẩm chất tạo nên quốc gia mới được bổ nhiệm. Như vậy, các nhà quý tộc, những người tự do, hay kẻ giàu có là những người có thể nắm giữ chức vụ trong chính quyền; bởi vì quan chức phải là những người tự do và là người đóng thuế [tức là những người có của cải], lý do là một nước không thể nào được hình thành gồm toàn những người nghèo khổ hay nô lệ. Nhưng, nếu của cải và tự do là những điều kiện cần cho sự hiện hữu của một nước, thì công lý và lòng dũng cảm cũng là những điều kiện cần thiết. Hai điều kiện đầu cần thiết cho sự hiện hữu của một nước, hai điều kiện sau tạo nên đời sống tốt đẹp của đất nước.


 

[1] Ernest Barker giải thích lý luận này như sau: nếu ta cho rằng 5/8 của một vóc dáng toàn hảo tốt hơn x/8 của một đức tính toàn hảo, thì ta cũng phải công nhận rằng ½ của vóc dáng cũng tương đương với ½ của đức hạnh. Nhưng khi so sánh như thế, ta đã phạm sai lầm là xem lượng với phẩm giống như nhau.

tải về 0.64 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương