LỜi giới thiệu bối cảnh lịch sử



tải về 0.64 Mb.
trang2/9
Chuyển đổi dữ liệu09.05.2018
Kích0.64 Mb.
#37853
1   2   3   4   5   6   7   8   9

Quyển IV gồm 16 chương. Trong Quyển IV, Aristotle luận về các mô hình hiến pháp (chế độ) và các dạng khác nhau của từng mô hình trong thực tế. Aristotle cho rằng, chính trị cũng giống như nghệ thuật và khoa học cần được xem xét không những dưới lăng kính lý tưởng, mà còn trong bản chất thực tế; nghĩa là, nhận định xem mô hình nào là mô hình tối hảo trong một tình huống đặc thù nào đó; đâu là phương cách hữu hiệu nhất để duy trì một chế độ; tính theo trung bình giữa các nước,thì mô hình nào là mô hình tốt nhất; các dạng chế độ chính có những biến thể nào khác nhau; và đặc biệt chú trọng đến hai chế độ Dân chủ và Quả đầu. Thêm vào đó, Aristotle nhấn mạnh luật pháp phải tương ứng với hiến pháp, chứ không phải ngược lại. Aristotle định nghĩa hiến pháp là "cách thức tổ chức cơ cấu chính quyền trong một nước, cách thức phân bố quyền lực được ấn định, chủ quyền tối thượng được xác định, và mục tiêu tối hậu của quốc gia mà mọi cơ quan và toàn thể dân chúng nhắm tới" (C.1, §10). Nói một cách khác, hiến pháp là cơ sở, trên đó, mọi luật pháp của quốc gia được ban hành.

Trong Chương 2 -10, Aristotle liệt kê các chế độ khác nhau và phân tích một cách tỉ mỉ những ưu điểm cũng như nhược điểm của các chế độ này, nhất là các biến thể của nó như quả đầu, bạo chúa, và dân chủ.

Từ Chương 11-16, Aristotle phân tích xem đâu là mô hình chính trị, một cách tổng quát, khả thi nhất cho đa số các quốc gia. Aristotle đưa ra khái niệm về mô hình chế độ hỗn hợp giữa quả đầu và dân chủ mà ông gọi là "polity" (đã nói đến trong Quyển III) và cách thức tổ chức chế độ theo kiểu này. Aristotle cũng quan niệm rằng, trong một tập thể, cái tốt nhất bao giờ cũng là số trung bình cộng, không thái quá mà cũng không bất cập. Và trong một xã hội, tầng lớp trung lưu chính là số trung bình cộng đó. Aristotle viết: "Những kẻ ở hai cực-cực đẹp, cực khỏe, cực sang, cực giàu và những kẻ ở cực đối nghịch, cực nghèo, cực yếu, cực hạ tiện-là những kẻ khó lòng hành động theo lý trí" (C.11, §5). Quan niệm này cũng tương tự như quan niệm "trung dung" của Khổng Tử bên Đông phương.

Quyển V gồm 12 chương, mang tựa đề "Nguyên nhân của cách mạng và sự thay đổi chế độ." Quan điểm hiện đại về cách mạng thường mang theo ý nghĩa tích cực, đổi cái cũ thay bằng cái mới, tích cực hơn, tiến bộ hơn. Tuy nhiên, cách mạng, theo ý nghĩa Aristotle dùng, thuần túy chỉ là sự thay đổi chế độ, mang tính khách quan, không tốt cũng không xấu. Chế độ mới có thể tốt hơn, nhưng cũng có thể xấu hơn chế độ vừa mới "bị" cách mạng. Thành thử, từ ngữ "phản cách mạng" không có ý nghĩa gì hết theo quan niệm của Aristotle.

Mười hai chương của Quyển V được chia làm 2 phần. Phần đầu, từ Chương 1-4, nêu lên các nguyên nhân tổng quát tạo ra cách mạng. Nguyên nhân tạo ra cách mạng, theo Aristotle, là do sự diễn dịch khác nhau của các thành phần dân chúng khác nhau về công lý và bình đẳng. Những người theo dân chủ quan niệm rằng, hễ những ai bình đẳng trên một phương diện, thì cũng bình đẳng trên mọi phương diện (mọi người đều sinh ra như nhau, nên cũng bình đẳng như nhau); những người theo quan niệm quả đầu lại quan niệm rằng những ai không bình đẳng trên một phương diện nào đó, thì tất yếu cũng không bình đẳng (trên phương diện của cải, chẳng hạn). Hai quan niệm xung đột này đưa đến tranh chấp và hành vi dấy loạn. Nhưng do đâu mà người ta nổi loạn? Aristotle (C.2) đưa ra ba động cơ chính: động cơ tâm lý, mục tiêu của tranh chấp, và các điều kiện dẫn đến tranh chấp. Động cơ tâm lý chính là những cảm xúc và nhiệt tình đối với sự bình đẳng. Những kẻ thua thiệt đấu tranh để được bình đẳng với những người khác; những người thuộc thành phần khá giả đấu tranh để bảo vệ địa vị xã hội của mình. Mục tiêu tranh chấp của cả hai phe không gì khác hơn là "danh" và "lợi." Danh và lợi cũng là điều kiện đưa đến tranh chấp: khi là mục tiêu, danh-lợi tạo ra bất mãn vì con người muốn chiếm đoạt các mục tiêu này; khi là điều kiện, danh-lợi dẫn đến bất mãn vì người ta thấy kẻ khác được hưởng nhiều danh vọng và lợi lộc hơn mình.

Phần hai, từ Chương 5-12, nêu lên các nguyên nhân đặc thù tạo ra cách mạng và thay đổi chế độ chính trị, cùng những phương cách bảo vệ chế độ. Trong chế độ dân chủ, nguyên nhân gây ra sự sụp đổ chế độ là những kẻ mị dân, tức là những chính khách lợi dụng thành kiến, cảm xúc, sợ hãi, hy vọng, và ngay cả lòng ái quốc để khích động đám đông cho mưu đồ chính trị (trong thế kỷ 20 ta thấy có rất nhiều chính trị gia mị dân, điển hình nhất là Hitler).[10] Tất cả những kẻ mị dân khi lên nắm quyền đều trở thành độc tài, bạo ngược. Chế độ Quả đầu bị sụp đổ vì giai cấp thiểu số thống trị đàn áp và đối xử bất công với đa số bị trị (các chế độ độc đảng ngày nay là hình thức rõ rệt nhất của chế độ Quả đầu). Chế độ Quý tộc bị sụp đổ vì giai cấp cai trị đã đi chệch khỏi nguyên tắc công bình của chế độ, nhất là khi chức vụ được sử dụng như phương tiện để mưu lợi cho cá nhân (C.8, §15).

Để bảo vệ một chế độ, Aristotle đề nghị phải giáo dục quần chúng sao cho người dân sống và hành động theo đúng tinh thần của hiến pháp tạo dựng ra chế độ. Một câu nói khá quen thuộc với chúng ta này nay là: "người dân nào, chế độ đó." Tuy nhiên, Aristotle khuyến cáo là việc giáo dục công dân không chỉ nhằm giáo dục họ để thi hành những cái hay, cái đẹp của chế độ, mà còn là giáo dục để họ biết và tránh làm những điều khiến chế độ suy vong (C.9, §13). Aristotle còn trở lại với đề tài giáo dục trong Quyển VIII.



Quyển VI gồm 8 chương, bàn về các phương thức thiết lập chế độ Dân chủ và Quả đầu, liên quan đến ba ngành của chính quyền: hành pháp, tư pháp và lập pháp. Tư tưởng căn bản của dân chủ là tự do, và đó cũng là mục đích chính của chế độ dân chủ. Tự do, theo Aristotle gồm 2 phần: thứ nhất là tự do chính trị, nghĩa là mọi người dân đều có thể tham chính (qua bầu cử vào các chức vụ trong chính quyền), và ý kiến của đa số được coi là ý kiến chung, được mọi người công nhận (thiểu số phục tùng đa số); thứ hai là tự do dân sự, qua đó người dân sống theo ý mà mình thích, bao hàm ý nghĩa tự do là không bị chính quyền xâm phạm. Các đặc tính của chế độ dân chủ gồm có: mọi công dân đều có quyền tranh cử vào các chức vụ của chính quyền, không ai giữ một chức vụ nào trong chính quyền quá hai lần; mọi chức vụ trong chính quyền đều được trả lương, và nhiệm kỳ của chức vụ cũng không kéo dài quá lâu (C.2).

Aristotle liệt kê 4 mô hình dân chủ được tạo nên tùy theo thành phần dân chúng. Chế độ dân chủ tốt nhất là chế độ mà quần chúng gồm đa số là nông dân. Aristotle lý luận rằng, vì nông dân là những người không có nhiều tài sản và phải bận rộn vì đồng áng nên không có thì giờ tham gia vào các cuộc nghị hội. Quần chúng nông dân cần lợi hơn cần danh, nên họ chỉ cần có quyền bầu ra các viên chức chính quyền và quyền bãi miễn viên chức chính quyền nếu không hoàn thành trách vụ. Chế độ dân chủ tốt thứ hai là chế độ gồm những người sống bằng nghề chăn nuôi; chế độ này cũng tương tự như chế độ gồm đa số nông dân. Hai chế độ dân chủ còn lại do thương nhân, công nhân hay giới lao động tạo nên, theo Aristotle, là những chế độ dân chủ tệ hại và không bền vững, vì hai giới này sống gần thành thị, thường lai vãng đến các nơi nghị hội và tạo ra các xáo trộn chính trị.

Sau chế độ dân chủ, Aristotle bàn đến việc xây dựng chế độ quả đầu. Chế độ quả đầu tốt nhất là chế độ dung hợp giữa quả đầu (thuần túy) và dân chủ, một chế độ được gọi là "polity." Chính quyền được chia làm hai "viện": hạ viện dành cho dân có ít của cải, và thượng viện dành cho dân có nhiều của cải hơn (đã nói đến ở Chương 2).

Trong Chương 8, Aristotle luận về các cơ quan chính quyền cần thiết cho một quốc gia. Các cơ quan do Aristotle đề nghị hơn 2000 năm trước vẫn còn được tổ chức trong các mô hình hiện nay; cụ thể là cơ quan kiểm soát thị trường nhằm bảo đảm cho việc buôn bán và thi hành các giao kèo được đúng đắn và trật tự. Cơ quan thứ nhì nhằm kiểm soát các bất động sản, công cũng như tư, và bảo trì công thự và đường xá. Cơ quan thứ ba cũng tương tự như cơ quan thứ nhì, nhưng liên quan đến các khu vực ngoài thành phố và rừng núi (kiểm lâm). Cơ quan thứ tư là ngân khố để thu giữ tiền của nhà nước và để trả lương cho nhân viên. Cơ quan thứ năm là văn khố lưu giữ tất cả mọi khế ước, tài liệu công cũng như tư. Cơ quan thứ sáu là cơ quan thi hành các bản án, giam giữ tội phạm. Trên những cơ quan cần thiết này để điều hành sinh hoạt, một quốc gia còn cần các cơ quan sau đây: quốc phòng, thanh tra tài chính các cơ quan chính quyền và quốc dân nghị hội.

Aristotle bàn về các lý tưởng chính trị và các nguyên tác giáo dục trong Quyển VII. Quyển VII được chia làm 3 phần. Phần thứ nhất luận về lý tưởng chính trị và bản chất của đời sống hạnh phúc nhất và tốt nhất. Với lý luận quy nạp, Aristotle đi từ nhận xét về cá nhân con người, rồi suy ra đến quốc gia. Theo Aristotle, đời sống con người có ba cái "tốt": những cái tốt thuộc vật chất ngoại tại, tức là những cái tốt thuộc thể chất, và những cái tốt thuộc tinh thần. Những cái tốt thuộc về tinh thần là những điều cao cả nhất, như can đảm, khôn ngoan và các đức hạnh khác. Những đức hạnh này chẳng phải do số phận tạo nên mà có sẵn ngay trong mỗi người. Aristotle kết luận, "đời sống tốt đẹp nhất cho quốc gia và cá nhân là đời sống đức hạnh được trang bị bởi những cái tốt vật chất ngoại tại, và thể chất, những điều kiện cần thiết để cho con người có thể tham dự vào các hoạt động đem lại sự tốt lành cho quốc gia" (C.1). Tuy nhiên, trong thực tế, đời sống tốt đẹp nhất của con người là đời sống như thế nào? Aristotle cho rằng có hai loại: đời sống thiên về thực tiễn và đời sống thiên về tư tưởng. Đời sống thực tiễn cao nhất là đời sống chính trị và đời sống tư tưởng cao nhất là đời sống hợp với triết học (C.2, 3).

Phần thứ hai luận về các điều kiện cần thiết cho một quốc gia, được coi là lý tưởng, gồm các điều kiện như: dân số, bản chất của dân chúng, cấu trúc xã hội, và lãnh thổ cùng vị thế địa lý của quốc gia. Nhưng dân số, lãnh thổ như thế nào thì được coi là lý tưởng? Đông dân quá hay ít dân quá đều có hại. Aristotle đưa ra công thức cho một dân số lý tưởng là "con số lớn nhất-qua kiểm tra dân số (chứ không phải ước lượng)-cần thiết để nhà nước đạt được mức độ tự túc" (C.4). Về lãnh thổ cũng vậy, Aristotle chọn trung đạo; rộng lớn quá hay nhỏ hẹp quá đều bất cập. Về bản chất của dân chúng, nhận xét của Aristotle khá lạ với chúng ta ngày nay vì cho rằng tâm tính của con người do vị thế địa lý quyết định. Có ba loại người phân chia theo địa lý: thứ nhất, những người ở vùng lạnh lẽo của Âu châu có ý chí cao nhưng kém khéo léo và thông minh; thứ hai, những người ở Á châu khéo léo và thông minh nhưng kém ý chí; thứ ba, dân Hy Lạp là giống dân có cả hai đặc tính này (C.7). Về phương diện cấu trúc xã hội, Aristotle nhận định rằng cần phân biệt hai thành phần trong xã hội; đó là thành phần nguyên tố gồm những công dân tham gia tích cực vào sinh hoạt chính trị của đất nước, và thành phần thứ hai gọi là "các điều kiện cần thiết," bao gồm những thành viênphụ của xã hội tức là những người làm những việc lao động cần thiết để cho thành phần nguyên tố có thể tham gia sinh hoạt chính trị. Trong một nước, xã hội cần phải được tổ chức để cung ứng 6 dịch vụ sau: sản xuất nông sản, sản xuất đồ thủ công và nghệ thuật, quốc phòng, đất đai cho dân sự và quân sự, tôn giáo, sau cùng là lập pháp và tư pháp (C.8).

Trong một nhà nước "lý tưởng" theo quan niệm của Aristotle, công dân là những người tự do, có cùng gốc gác ưu tú mới là thành phần được tham gia vào chính sự; thành phần lao động bình dân, vì không có thì giờ nhàn rỗi để học hành thành người có đức hạnh, nên không thể tham gia chính sự. Tuy nhiên, thành phần này cũng là công dân và trên nguyên tắc phải được tham gia chính sự. Đây là một vấn nạn cho mô hình nhà nước lý tưởng của Aristotle, cho nên, ông chủ trương rằng thành phần lao động sẽ gồm những nô lệ. Mô hình nhà nước lý tưởng của Aristotle, như vậy, sẽ gồm hai thành phần: công dân thuộc giai cấp ưu tú quý tộc và lao động là nô lệ. Những công dân trẻ tuổi lo việc quốc phòng, trung niên lo việc cai trị và lão niên lo việc tế tự. Theo cách sắp xếp này, công dân sẽ tuần tự theo lứa tuổi của mình mà phục vụ quốc gia (C.9).

Phần thứ ba từ Chương 12-17 bàn về các nguyên tắc tổng quát của giáo dục. Nền giáo dục quốc gia, theo Aristotle phải là một nền giáo dục toàn diện về thể chất cũng như tinh thần. Aristotle cũng quan niệm rằng, giáo dục ảnh hưởng đến tư cách công dân và muốn xây dựng đạo đức công dân thì phải bắt đầu từ xây dựng đạo đức cá nhân vì cả hai loại đạo đức này-cơ bản-giống nhau (đã bàn ở Quyển III). Việc hôn nhân cũng là một vấn đề trọng đại trong việc xây dựng một nhà nước lý tưởng gồm những công dân khỏe mạnh. Về phương diện sinh lý học, Aristotle cho rằng thể chất của cha mẹ ảnh hưởng đến thể chất của con cái. Aristotle đề nghị là người chồng nên lớn tuổi hơn người vợ, từ 17 đến 20 tuổi, và lứa tuổi thích hợp nhất cho việc lập gia đình và sinh sản là người chồng 37 tuổi, người vợ 18 tuổi. Khi con cái lớn lên, việc giáo dục cần được quan tâm đặc biệt để trẻ em phát triển về thể chất cũng như đức tính: không nên để trẻ nhỏ từ 5 đến 7 tuổi ở gần dân nô lệ và tuyệt đối cấm không cho nghe những lời tục tĩu hoặc những hình ảnh dâm ô. Điều này quan trọng đến nỗi nhà nước phải ra luật cấm trên toàn quốc. Sau 7 tuổi, giáo dục trẻ em nên chia làm hai giai đoạn: từ 7 tuổi đến dậy thì và từ dậy thì tới 21 tuổi.

Aristotle dành ra Quyển VIII để bàn về giáo dục. Giáo dục là nhiệm vụ của quốc gia và nhà nước phải xây dựng một hệ thống giáo dục đồng nhất cho mọi công dân. Aristotle đề nghị 4 môn học cho chương trình giáo dục: đọc-viết, thể dục, âm nhạc, và hội họa. Âm nhạc, theo Aristotle, là một môn học quan trọng, không phải chỉ là môn học để giải trí, mà là môn học để sử dụng thì giờ nhàn rỗi một cách đúng đắn.[11] Hơn thế nữa, bản chất của âm nhạc là sự hòa hợp âm thanh, và do đó sẽ khiến cho tâm hồn dễ đạt được sự cân bằng giữa tình cảm và lý trí (C.5).

Aristotle cũng đề nghị là dạy cho trẻ em phát triển thể chất trước khi phát triển tinh thần. Cho nên, trẻ em nên được tập thể dục trước, vì huấn luyện thể chất sẽ giúp trẻ em phát triển các tập quán tốt như kỷ luật tự giác, rồi đến âm nhạc, sau rốt mới đến các môn học về tri thức.

Aristotle mở đầu Chính Trị Luận bằng lập luận rằng "nhà nước, hay cộng đồng chính trị là cái tốt cao nhất" và lý do để nhà nước hiện hữu là để giúp cho công dân sống một đời sống "tốt." Do đó, việc giáo dục công dân trở thành những người dân đạo đức là điều tối quan trọng. Khi một nước có được những người dân vừa học thức lại vừa đức hạnh, dĩ nhiên đất nước đó phải trở nên tốt hơn. Đó cũng là kết luận tự nhiên khi Aristotle chấm dứt Chính Trị Luận bằng chương luận về giáo dục.

Mặc dù đã trên hai ngàn năm, với một số nhận định về nô lệ và phụ nữ đã không còn hợp thời nữa, nhưng Chính Trị Luận vẫn là một kiệt tác nêu lên những câu hỏi căn bản của đời sống chính trị "lý tưởng" của mọi quốc gia, và là một trong những tác phẩm kinh điển của khoa Chính trị học Tây phương.

Mùa Xuân 2008

Nông Duy Trường

© Học Viện Công Dân

Quyển I

[1] Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Thế giới, trang 65. Văn Nghệ tái bản tại Hoa Kỳ, 1994.

[2] Sđd, trang 68.

[3] Ernest Barker, The Politics of AristotleOxford University Press, 1956.

[4] Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Thế giới, trang 139, Văn Nghệ, 1994

[5] Sđd., trang xiv.

[6] Đại đế Alexander đã chinh phục toàn bộ bán đảo Hy Lạp, Ai Cập, và đế quốc Ba Tư (trải dài từ nước Albany ngày nay cho đến Pakistan). Đại đế Alexander nổi danh vì ông đã lập nên một đế quốc và chinh phục một vùng đất rộng lớn, 22 triệu dặm vuông, khi mới 20 tuổi và trên con đường trường chinh trong 10 năm này, Alexander chưa hề thua một trận nào hết.http://killeenroos.com/1/AlexGre.htm#Alexander%20and%20Ancient%20Warfa

[7] Clayton, Edward. (2006). Aristotle: Politics [bản điện tử] tại http://www.iep.utm.edu/a/aris-pol.htm#SH7d

[8] Moschella, Melissa Classic Note, 2000. Bản điện tử tại:http://www.gradesaver.com/classicnotes/authors/about_aristotle.html

[9] Các phân đoạn như § 12 dựa theo theo bản dịch của Ernest Barker, Oxford University Press, 1946.

[10] H. L. Mencken, một nhà báo, nhà văn tiểu luận nổi tiếng của Mỹ trong nửa đầu thế kỷ 20, định nghĩa kẻ mị dân là "những người đi rao giảng một lý thuyết mà y biết là không đúng cho những người mà y biết là ngu ngốc."

[11] Thì giờ nhàn rỗi là điều hết sức quan trọng đối với người Hy Lạp, vì người ta không thể suy tư tới những điều cao xa, đem đến hạnh phúc (thực sự) cho mình nếu phải vất vả lao động. Niềm vui sau khi xem các vở kịch là sự thư giãn sau khi làm việc mệt nhọc; thời giờ nhàn rỗi tự nó đã là niềm vui, là hạnh phúc nội tại, không cần đến điều gì khác bên ngoài.

Quyển I

  Chương I

Mỗi một nhà nước là một hình thức quần tụ nào đó của con người-một cộng đồng, và mỗi một cộng đồng được thiết lập nhằm đạt tới một cái tốt nào đó; vì hoạt động của con người luôn luôn nhằm đạt được cái mà nó nghĩ là tốt. Nhưng, nếu tất cả các cộng đồng đều nhắm đến một cái tốt, thì nhà nước hay cộng đồng chính trị--cộng đồng cao nhất và bao trùm tất cả các cộng đồng--phải nhắm tới cái tốt cao cả hơn mọi cái tốt khác, và phải là cái tốt ở mức độ cao nhất.

Người ta thường nghĩ là các đức tính của một nhà lãnh đạo chính trị, một ông vua, một gia trưởng, và của một chủ nhân ông đều giống nhau, và nếu họ có khác nhau, thì cũng không phải vì vị thế của họ khác nhau, mà ở số lượng của các đối tượng dưới quyền. Thí dụ, kẻ làm chủ vài người được kêu là ông chủ; hơn vài người thì được kêu là quản gia; hơn thật nhiều người nữa thì được gọi là nhà lãnh đạo hay một ông vua. Lối gọi kiểu này không phân biệt được sự khác nhau giữa một đại gia tộc và một nhà nước nhỏ. Sự khác biệt giữa một vị vua và một nhà lãnh đạo nhà nước là ở chỗ này: Khi chính quyền thuộc về một người, thì nhà cai trị được gọi là vua; còn khi mà theo quy luật của khoa học chính trị, chính quyền do công dân--đồng thời là người cai trị và bị trị--thì người cai trị được gọi là nhà lãnh đạo chính trị.

Nhưng tất cả những lập luận này đều sai lầm cả, vì các chính quyền cũng có nhiều loại khác nhau; điều này cũng hiển nhiên cho bất cứ ai nghiên cứu vấn đề bằng phương pháp chúng ta sử dụng.1 Cũng giống như trong các ngành khác của khoa học, chính trị cũng vậy, một hợp chất luôn luôn có thể được phân giải ra thành những phần tử đơn giản hay nhỏ nhất của tổng thể. Do đó, chúng ta phải xem xét các phần tử cấu thành nhà nước, hầu có thể thấy được các luật lệ khác nhau của các loại chính quyền khác nhau như thế nào, và có thể rút ra được một kết luận khoa học nào chăng về mỗi loại chính quyền.

[1] Tức là Phương pháp phân tích-truy nguyên. Aristotle chứng minh rằng gia đình là sự tụ hội cần thiết và tự nhiên, và nếu ông có thể chứng minh rằng làng mạc là sự  tăng trưởng tự nhiên của gia đình, và polis là sự tăng trưởng của các làng mạc, thì sự phát triển của polis (sẽ được Aristotle đi vào chi tiết trong các phần kế) cũng là sự phát triển tự nhiên.

 

Chương II



 

Nếu ta xem xét sự vật từ ngọn nguồn, dù sự vật đó là một nhà nước hay cái gì đi nữa, ta sẽ có được nhận thức rõ ràng nhất về sự vật đó. Thoạt kỳ thủy phải có một sự kết hợp nào đó giữa những sự vật mà không thể hiện hữu được nếu thiếu nhau. Giống đực và giống cái phải kết hợp để lưu truyền dòng giống có cùng bản tính như chúng; hành vi này không phải do ý thức, nhưng do bản năng tự nhiên có sẵn trong các loài động vật cũng như thực vật. Thứ đến, phải có sự kết hợp giữa các phần tử cai trị một cách tự nhiên và các phần tử bị trị một cách tự nhiên. Những phần tử có khả năng, nhờ sự khôn ngoan biết tính toán, lo xa, dĩ nhiên trở thành phần tử cai trị, còn những phần tử mà khả năng chỉ do sức mạnh của thể chất mang lại, để làm những gì mà phần tử kia hoạch định, là phần tử bị trị; do đó, đương nhiên ở trong tình trạng nô lệ. Sự kết hợp giữa chủ nhân và nô lệ được lập thành vì cả hai có chung quyền lợi [chủ và tớ làm đủ cho nhau]. Thiên nhiên phân biệt rõ ràng sự khác nhau giữa phụ nữ và nô lệ, và thiên nhiên không hà tiện như gã thợ rèn kia khi đánh con dao Delphi đa dụng dùng được vào nhiều việc; 1 thiên nhiên tạo ra mỗi vật cho một mục đích, và mỗi dụng cụ sẽ được tạo thành tốt nhất để sử dụng cho một mục đích chứ không phải cho nhiều mục đích.  Thế nhưng trong đám những kẻ man rợ [và điều này trái với trật tự tự nhiên], phụ nữ và nô lệ được coi như nhau--Lý do là vì không có phần tử cai trị nào trong bọn họ, và sự kết hợp vợ chồng trở thành cuộc kết hợp giữa người nô lệ nữ và người nô lệ nam. Do đó mà các thi sĩ của chúng ta đã nói:

"Cũng là xứng đáng thế thôi,

Cho người man rợ làm tôi Hy Lạp"

Vì họ nghĩ rằng các kẻ man rợ và nô lệ trời sinh ra như nhau.

Từ quan hệ giữa nam và nữ và quan hệ giữa chủ nhân và nô lệ, gia đình là kết quả đầu tiên, và thi sĩ  Hesiod đã nói: "Có nhà, có vợ, có trâu đi cày."

Con trâu có thể coi như là nô lệ của người nghèo vậy. Gia đình là sự quần tụ được thiên nhiên thiết lập nhằm cung ứng cho con người các nhu cầu thường ngày, và thành viên của gia đình được Charondas gọi là "những người ăn cùng mâm," và được Epimenides, người đảo Crete, gọi là "những người uống chung máng." Nhưng khi nhiều gia đình tụ họp lại, và sự quần tụ này nhằm đến mục tiêu cao hơn là cung cấp cho các nhu cầu hàng ngày, thì xã hội đầu tiên-làng mạc-được thành lập. Và hình thức tự nhiên nhất của làng mạc là một nhánh từ gia đình, gồm có các con và các cháu "cùng bú chung bầu sữa." Và đó cũng là lý do tại sao các thị-quốc Hy Lạp (city-state)-cũng như dân các xứ man rợ khác hiện nay-được cai trị bởi các vị vua. Các thị quốc được thành lập từ những người đã từng được cai trị dưới vương quyền [nghĩa là, họ tụ họp lại từ những gia đình và làng mạc], và gia đình thì luôn có đặc tính quân chủ vì mọi sự do người tộc trưởng quyết định. Làng mạc cũng vậy, vì làng mạc cũng do nhiều gia đình tạo nên, nên cũng được cai trị bởi người lớn tuổi trong gia tộc. Mối quan hệ gia tộc đơn sơ này được Homer miêu tả trong đoạn thơ về người khổng lồ một mắt (Cyclopes), khi con người còn sống rải rác thành từng nhóm nhỏ, hệt như những con người thời cổ: "Mỗi người nam là người cai trị của vợ và con." 2 Sự kiện con người thời cổ do vua cai trị, và thời nay một số dân vẫn còn được vua cai trị, khiến cho ta xác nhận được là các vị thần thánh cũng được cai trị bởi một ông vua, vì họ tưởng tượng ra không những hình ảnh của thần thánh, mà còn cách sống của thần thánh theo như cách họ sinh sống.

Khi nhiều làng mạc liên kết lại với nhau thành một cộng đồng duy nhất và toàn vẹn, một cộng đồng đủ lớn để có thể tự túc được, thì nhà nước (polis) được khai sinh từ những nhu cầu cơ bản của đời sống, và tiếp tục tồn tại cho một đời sống tốt đẹp. Và như thế, nếu các hình thức ban đầu của xã hội là tự nhiên, thì nhà nước cũng vậy, vì nhà nước là kết quả cuối cùng của mọi xã hội, và tính "tự nhiên" của sự vật chính là chung cục của nó. Vì ta gọi là tự nhiên khi một sự vật được phát triển đầy đủ tới dạng cuối cùng của nó, dù đó là một con người, một con ngựa, hay một gia đình. Ngoài ra, kết quả cuối cùng của một vật là cái tốt nhất, và đạt đến tự túc là kết quả cuối cùng [của một polis] và là cái tốt nhất.3

Từ những nhận định trên, nhà nước hiển nhiên nằm trong họ những vật hiện hữu tự nhiên, và con người, là một động vật mà do bản tính tự nhiên  phải sống trong một nhà nước (con người là một động vật chính trị). Nếu có kẻ nào vì bản tính tự nhiên, chứ không vì tai nạn ngẫu nhiên nào đó, mà chọn sống ở ngoài cộng đồng chính trị, thì kẻ đó hoặc là chẳng ra gì, hoặc là một siêu nhân hơn người. Đó là kẻ mà Homer đã lên án là "kẻ đãng tử, vô gia cư, vô luật pháp." Những người như vậy là những kẻ hiếu chiến, chẳng khác nào một con chốt cô đơn trên bàn cờ.

Đến đây ta thấy, một cách hiển nhiên, con người là một sinh vật chính trị, và là một sinh vật chính trị ở mức độ cao hơn loài ong hay các loài thú sống bầy đàn khác. Thiên nhiên, như ta thường nói, không làm điều gì vô ích, và con người là sinh vật duy nhất được ban cho tiếng nói. [Đọc thêm Rousseau: Nguồn gốc của ngôn ngữ loài người (HVCD)]. Mọi loài đều có khả năng tạo được âm thanh để diễn đạt đau đớn hay sướng khoái: thiên nhiên cho chúng khả năng cảm nhận đau đớn hay sung sướng và có thể truyền đạt những cảm nhận này đến đồng loại của chúng; nhưng chỉ đến thế mà thôi. Ngôn ngữ của con người dùng để chỉ ra điều lợi, điều hại, và cũng tương tự như thế điều gì là công chính và thế nào là bất công. Đặc biệt hơn nữa, chỉ con người mới có được ý thức về thiện và ác, về công bằng và bất công, và về các đức tính khác nữa. Sự phối hợp các sinh vật có ý thức này tạo nên gia đình và nhà nước.

Đến đây ta có thể lý luận thêm rằng [mặc dù cá nhân và gia đình hiện hữu trước theo thứ tự thời gian] nhà nước lại hiện hữu trước hơn cả cá nhân và gia đình theo thứ tự tự nhiên. Lý do của điều này như sau: cái tổng thể luôn nhất thiết phải hiện hữu trước cá thể [theo tự nhiên]. Nếu cả cơ thể bị tiêu hủy, thì sẽ chẳng còn cái chân hay cái tay nữa, ngoại trừ theo cái nghĩa mơ hồ mà người ta thường dùng cùng một từ để chỉ các vật khác nhau, như khi ta nói về một cái tay bằng đá; vì một cái tay khi bị tiêu hủy [khi cả thân thể bị tiêu hủy] thì có hơn gì một cái tay bằng đá đâu? Mọi điều có được đặc tính thiết yếu của chúng là nhờ ở chức năng và khả năng của nó. Từ đó ta có thể suy ra là nếu điều gì đã mất khả năng thực thi chức năng của nó, thì ta không nên nói là nó vẫn là vật như cũ, mà phải nói là, bởi vì sự không chính xác [của ngôn từ], chúng vẫn còn tên gọi giống nhau.

Như vậy, ta thấy nhà nước hiện hữu bởi tự nhiên và có trước cá nhân. [Chứng cứ của cả hai lập luận này là sự kiện nhà nước là tổng thể, còn cá nhân là cá thể]. Mọi cá nhân không thể nào tự túc được khi sống cô lập, bởi vì mọi cá nhân là vô vàn các cá thể cùng lệ thuộc vào cái tổng thể, là cái mà chỉ có nó mới đem lại sự tự túc cho tất cả.  Một người sống biệt lập, hoặc là vì không có khả năng chia sẻ các phúc lợi do sự quần tụ chính trị đem lại, hoặc không cần chia sẻ gì hết vì hắn đã tự đạt được sự tự túc rồi, thì không còn là một thành phần của nhà nước nữa, và, như vậy, phải hoặc là thú hoặc là thần mà thôi. [Dù] bản năng xã hội đã được thiên nhiên ban cho con người [từ lúc mới sinh], tuy nhiên, kẻ nào đầu tiên thiết lập nhà nước vẫn phải được coi là người có công lớn nhất. Con người, khi toàn hảo, là động vật tốt đẹp nhất, nhưng nếu hắn bị cách ly khỏi luật pháp và công chính, thì lại trở nên một động vật xấu xa nhất. Bất công trở nên tệ hại hơn khi đó là sự bất công được vũ trang, vì con người sinh ra có được đôi tay [cũng như ngôn ngữ] để làm cho con người tốt hơn về đạo đức, nhưng đôi tay cũng có thể được dùng để làm những chuyện xấu xa. Đó là lý do tại sao nếu con người không có đức hạnh, hắn sẽ trở thành kẻ dã man nhất, đê tiện nhất, chỉ biết chiều theo nhục dục. Sự công chính [chính là sự cứu rỗi của con người] thuộc về nhà nước; vì công chính--sự phân biệt thế nào là công bằng, là lẽ phải--là trật tự của một xã hội chính trị.

[1]  Delphic knife: một loại dao đa dụng được sản xuất tại Delphi, vùng đất được coi là thánh địa của cổ Hy Lạp nơi các thần thánh tương giao với con người qua các sấm truyền. Dân Hy Lạp lũ lượt đi hành hương về Delphi biến nơi này thành một thị tứ, do đó các thợ rèn tại Delphi đã làm ra loại dao đa dụng này (một hình thức dao pha của ta)

[2]  Homer, trường ca Odyssey.

[3] Hy lạp thời Aristotle không phải là một nước như ta hiểu ngày nay mà bao gồm nhiều thành phố tự trị (thị quốc); tiếng Hy lạp là polis, mang đặc tính một cộng đồng chính trị, hơn là một nhà nước theo nghĩa hiện đại; tuy nhiên, từ chữ polis, các từ liên hệ khác  là politikos (statesman) để chỉ các nhà lãnh đạo chính trị của nhà nước, và politics để chỉ chính trị.

  Chương III

 

Tới nay ta đã thấy nhà nước do nhiều hộ gia đình tạo nên; cho nên, trước khi bàn về nhà nước, ta phải bàn về sự quản trị của hộ gia đình.1 Thành viên của hộ là tất cả những người sống trong cùng một căn nhà, và một hộ đầy đủ gồm có nô lệ và những người tự do. Bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu xem xét một hộ từ những thành tố đơn giản nhất, và các thành tố đơn giản nhất và cơ bản nhất là quan hệ giữa chủ nhân và nô lệ, giữa chồng và vợ, và giữa cha mẹ với con cái. Chúng ta phải xét bản chất của từng mối quan hệ và các phẩm chất cần có trong từng mối quan hệ xem như thế nào. Như vậy có ba yếu tố cần xem xét: thứ nhất là mối liên hệ giữa chủ nhân và nô lệ; kế đến là quan hệ hôn nhân (không có chữ nào khác hơn để mô tả chính xác sự kết hợp giữa chồng và vợ), và cuối cùng là quan hệ phụ tử (quan hệ này cũng không có tên gọi riêng [theo tiếng Hy lạp thời đó]). Ngoài ba yếu tố này còn có một yếu tố thứ tư nữa, cái gọi là "nghệ thuật làm giàu," một yếu tố mà theo những người khác lại là phần chính yếu của một hộ gia đình. Chúng ta cũng xem xét bản chất của nghệ thuật này trong các phần dưới.



Trước hết hãy nói về chủ nhân và nô lệ, chú trọng vào nhu cầu của đời sống thực tiễn và tìm xem có thể có một lý thuyết nào hay hơn các lý thuyết hiện hành không. Một số người quan niệm rằng sự cai trị của người chủ là một khoa học, và sự quản trị một hộ, chức vụ làm chủ nô lệ, và phương thức cai trị chính trị hay cai trị một vương quốc, như tôi đã trình bày phần đầu, đều giống nhau. Một số khác lại khẳng quyết rằng sự cai trị của chủ nhân đối với nô lệ đi ngược lại với tự nhiên, và việc phân định sự khác nhau giữa nô lệ và người tự do là do luật định, chứ không phải do quy luật tự nhiên; và như thế, can thiệp vào quy luật tự nhiên là không công bằng.

[1] Hộ gia đình bao gồm tất cả những người sống trong cùng một căn nhà, chứ không nhất thiết chỉ là các thành viên có liên hệ huyết thống.

 



tải về 0.64 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương