Lịch sử Giáo Hội Công Giáo



tải về 1.36 Mb.
trang4/19
Chuyển đổi dữ liệu25.07.2016
Kích1.36 Mb.
#5016
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19

Kinh Tin Kính các tín hữu nay vẫn đọc ngày Chúa nhật, là kết quả của bốn công đồng chung các Giám mục, là những vị hữu trách trong Giáo Hội. Bản kinh đã được hình thành khá vất vả, với nhiều tranh chấp lẫn bạo lực, nhiều xung đột cá nhân, văn hóa, khu vực, tù đày, gây gỗ, đồ máu, sự can thiệp của chính quyền và quân đội ... Đó là hậu trường của việc hình thành Kinh Tin Kính.

I. ĐỨC GIÊSU, THÁNH LINH LÀ THIÊN CHÚA ?


1,1. Cuộc khủng hoảng Ario
Từ thế kỷ thứ II, để bảo vệ niềm tin độc thần của Thánh Kinh, nhiều người tìm nhưng cách giải thích khác nhau về niềm tin Ba Ngôi trong công thức rửa tội. "Ảo thân thuyết" nói Đức Giêsu có thân xác giả, "Nghĩa tử thuyết" nói Ngài là người thường được Chúa nhận là Con. Kẻ thì bảo Cha ở trong Con và đồng thụ nạn, kẻ lại nói Con thấp hơn và lệ thuộc vào Cha. Họ thường dựa vào Ga 14,28 : "Cha Tôi cao trọng hơn Tôi" để quả quyết như vậy.

Sau biến cố 313, các cuộc tranh luận không dừng ở địa phương nữa nhưng lan nhanh khắp đế quốc. Nổi bật là lối giải thích của Linh mục Ario. Ario phụ trách giáo xứ Baucalis thuộc giáo phận Alexandria, vốn đạo đức và tài năng, được nhiều người mến chuộng. Ông muốn bảo vệ Thiên Chúa duy nhất, chỉ mình Ngài không có khởi sự. Vì thế ông nói Chúa Con có khởi sự được tạo dựng, không đồng bản tính với Cha; Ngôi Lời bất toàn, đồi thay và chỉ được gọi là Chúa ...


Alexandro, Giám mục Alexandria không chấp nhận điều đó. Chúa Con, Lời Thiên Chúa phải hiện hữu từ vĩnh cửu như Cha. Vì nếu Ngài không phải là "Thiên Chúa làm người" thì con người không thể được Thiên Chúa hóa và không được cứu độ. Năm 318, Ario và một số thân hữu bị vạ tuyệt thông. Nhưng ông không bỏ cuộc, ông thuyết phục nhiều bạn học cũ trong đó có Giám mục Eusebio. Cuộc tranh luận giữa hai phe bùng nổ từ trong rạp hát ra đến chợ búa, công trường. Ario còn viết một số tác phẩm và ca vè dân gian bênh vực cho ý tưởng của mình.
Hoàng đế Constantin, sau khi thống nhất đế quốc, đã tìm cách vãn hồi trật tự. Ông nghĩ đây là cuộc tranh luận về từ ngữ như triết học nên ra lệnh cho đôi bên phải giải hòa. Đến khi thất bại, hoàng đế nghe Giám mục Osio cố vấn, viết thư mời tất cả các Giám mục về dự công đồng. Ông tin rằng sự hiệp nhất của Giáo Hội ảnh hưởng lớn đến sự hiệp nhất của đế quốc.

1,2. Công đồng Nicêa (325)


Có đến 318 nghị phụ từ khắp nơi đồ về (300 Giám mục Đông phương, 2 linh mục Roma). Mới hôm nào còn trốn chui trốn nhủi, nay các nhà anh hùng bỡ ngỡ đoàn tụ trong lâu đài lộng lẫy. Cuộc tranh luận kéo dài một tháng trong ôn hòa. Nhóm Ario bị kết án. Giám mục Osio đưa ra bản Kinh Tin Kính trong đó khẳng định Chúa Con đồng bản tính (Homoousios) với Chúa Cha, xác định Cha và Con bằng nhau hoàn toàn. Ario và 2 giám mục theo ông bị đày qua Ba Tư. Ba giám mục khác không đồng ý nhưng ký nhận, về sau rút lại, bị phát lưu qua Gallia.
Ngoài ra công đồng cũng chỉnh đốn một số kỷ luật Giáo Hội : ngày lễ Phục Sinh vào chúa nhật, hạn chế việc giáo sĩ sống với phụ nữ. (Công đồng Elvira năm 300 ra luật độc thân giáo sĩ cho Tây Ban Nha). Đức cha Paphnuce tuy độc thân, đã đề nghị đừng áp đặt luật đó cho mọi giáo sĩ. Về thứ tự các Giáo đoàn lớn ta thấy : Roma, Alexandria, Antiokia, Giêrusalem.
1,3. Nửa thế kỷ xáo trộn
Thỏa hiệp trong công đồng Nicêa chẳng bao lâu bị đặt lại vấn đề. Nhiều người không đồng ý chữ Homoousios vì không có trong Kinh Thánh. Họ cảnh giác sợ rơi vào lạc giáo không phân biệt Cha với Con. Đa số các vùng Đông phương theo họ, trừ thánh Athanasio, Giám mục Alexandria (+373). Giáo hội bên Tây vẫn trung thành với Nicêa ... Để xoa dịu quần chúng, Hoàng đế phát lưu Athanasio, mở công đồng Tyro (335), ân xá cho Ario và đón ông về cách trọng thể (năm sau ông qua đời).
Thời hoàng đế Constans, việc chia rẽ càng gia tăng. Tại Công đồng Sardica (343), Đông phương đòi kết án Athanasio. Từ năm 351, hoàng đế Constantius theo hẳn Ario. Phía Latinh bị lưu đày : đức Liberio, thánh Hilario, giám mục Osio thành Cordoba ... Đức Liberio bị áp lực, đã kết án những ai dùng từ homoousios để truyền bá thuyết Sabellius (Hình thái Thuyết : một Chúa với ba hình thức). năm 359, hoàng đế thành công khi đưa ra công thức homoios : "Chúa Giêsu giống Chúa Cha theo như Kinh Thánh dạy". Thánh Giêrônimô tỏ ra đau đớn kêu lên : "Cả thiên hạ bỡ ngỡ, khi thấy mình thuộc về Ario". Riêng Antiokia bị chia thành năm nhóm với những Giám mục cho môỵi nhóm.
1,4. Công Đồng Constantinopoli (381)
Cùng trong hướng suy nghĩ của Ario, khoảng năm 360, Macêdonius, giáo chủ Constantinopoli chối Thánh Linh không phải là Thiên Chúa. Một vấn nạn thần học mới được đặt ra. Thánh Basilio và Grêgoriô Naziano đã tìm thấy một cách trình bày mới, bằng cách phân biệt bản tính (Ousia) và ngôi vị (Personna). Một Chúa, một bản tính, ba ngôi vị. Lối trình bày mới vừa diễn tả được việc đồng bản tính vừa thoát khỏi "Hình Thái Thuyết" của Sabellius.
Hoàng đế Théodose, người tuyên bố Kitô giáo là quốc giáo, đã quyết định chấm dứt các tranh luận. Năm 381, hoàng đế triệu tập Công đồng Constantinopoli với 181 giám mục Đông phương, nhưng 36 vị theo Macêdonius bỏ về. Công đồng lấy lại Kinh Tin Kính Nicêa và thêm lời tuyên tín về Thánh Thần "Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống, Người bởi Chúa Cha mà ra, Người cùng được phụng thờ và tôn kính với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con"...
Về Đức Chúa Con, công đồng thêm : "Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người...". Các giám mục Pháp và Bắc Ý cũng họp nhau tại Aquiléa truất phế các giám mục theo Ario. Phe Ario biến dần, chỉ còn sót lại nơi dân German do giám mục Wulfila phổ biến.
II. ĐỨC GIÊSU NHẬP THỂ THẾ NÀO ?
2,1. Tranh luận về Kitô học
Sau khi xác tín về Chúa Ba Ngôi, các tranh luận xoay quanh mầu nhiệm Nhập Thể, việc kết hiệp giữa thiên tính Ngôi Lời và con người Đức Giêsu. Ngôi Lời vĩnh cửu còn Đức Giêsu được sinh ra, chịu chết. Ta có thể nói Thiên Chúa sinh ra, chịu nạn chịu chết không ?
Appolinarius, giám mục Laodicea (+390), bạn của thánh Athanasio tìm cách giải quyết. Theo triết học thời đó, Đức Giêsu như mọi người gổm xác và hổn. Nơi Ngài linh hổn được Ngôi Lời đảm nhiệm. Đức Giêsu không thể phạm tội. Nhưng ngay sau đó, nhiều người có cảm tưởng Appolinarius phủ nhận việc cứu chuộc. Họ nói : chỉ những gì của con người được Đức Kitô đảm nhiệm mới được cứu độ.
Thời đó có hai khuynh hướng thần học :
Tại Alexandria : người ta khởi từ Ngôi Lời, nhấn mạnh sự duy nhất nơi Đức Kitô. Đức Kitô là Ngôi Lời mang xác phàm, đó là điều kiện để con người được thần hóa (lược đồ Ngôi Lời - Xác).
Tại Antiokia : người ta nhấn mạnh về hai phương diện nơi Đức Kitô, khởi từ hai bản tính để đi đến thống nhất. Họ cố bảo vệ trọn vẹn nhân tính Đức Giêsu (lược đồ Ngôi Lời - Người).
Hai quan điểm trên đưa đến cuộc tranh luận gay gắt giữa hai đối thủ tương xứng là thánh Cyrillo d'Alexandria và Nestoriô ở Constantinopoli. Vị Giám mục ở đế đô, vốn nguyên quán Antiokia, là nhà hùng biện đầy nhiệt huyết. Khoảng năm 424 ông cấm các tín hữu khẩn cầu Đức Maria như Théotokos, nghĩa là Mẹ Thiên Chúa. Theo ông, Kinh Thánh không có hạn từ này và Đức Maria chỉ là Mẹ của nhân vật Giêsu. Và như thế, Đức Giêsu chỉ được phúc mặc lấy Thiên Tính, thân thể ngài là đền thờ của Ngôi Lời (2 ngôi vị).
Ngược lại, thánh Cyrillo muốn bảo vệ sự duy nhất nơi Đức Kitô và lòng tin chung của tín hữu. Ngài bênh vực Đức Kitô gần như chỉ có một bản tính và liên lạc với đức Celestinô I kết án Nestorio. Ngài yêu cầu Nestorio ký vào bản văn xác định nơi Đức Giêsu, Ngôi Lời và Con người kết hợp thành một. Nestorio liền nhờ bạn hữu ở Antiokia là các giám mục Gioan và Theodoret tố cáo Cyrillo theo Appolinarius. Thấy tình hình xáo trộn, hoàng đế Théodose II liền triệu tập Công đồng Ephesô, yêu cầu các tỉnh đều cử đại biểu. Thánh Augustino cũng được mời, nhưng qua đời trước khi đến công đồng.
2,2. Công đồng Ephesô (431)
Các sử gia đương thời cho ta thấy nhiều xung đột trong diễn biến công đồng. Thánh Cyrillo được Roma ủy quyền chủ tọa, đã đưa theo 50 Giám mục vùng Ai Cập, rồi cùng với 110 vị ở Palestina và Tiểu Á, đã quyết định khai mạc công đồng khi các giám mục vùng Antiokia và Syria chưa kịp đến, mặc cho đại diện cho hoàng đế và 60 Giám mục yêu cầu hoãn cuộc họp.
Chỉ trong một ngày, Công đồng truất chức Nestorio vắng mặt, cùng 12 mệnh đề bị kết án. Dân chúng biểu lộ niềm hân hoan và chúc mừng Công đồng bằng cuộc rước đuốc vĩ đại đêm 22.6. Với giới bình dân, Đức Kitô đã thắng lạc giáo và tín điều Mẹ Thiên Chúa được xác định.
Các nghị phụ thuộc phe Nestorio đến trễ phản đối bản văn của thánh Cyrillo, họ kết án Cyrillo và nhóm của ngài. Người ta không rõ ai trong các Giám mục không bị kết án nữa. Viên đại diện hoàng đế liền ra lệnh bắt cả hai vị, Thánh Cyrillo trốn kịp, được dân Alexandria tiếp đón trọng thể. Còn Nestorio bị lưu đày và qua đời tại Lybia.
Nội dung tín lý của công đồng Ephêsô không nhiều, và chỉ có một văn kiện kết án Nestorio. Các vị Giám mục Tiểu Á không chấp nhận lối trình bày của Cyrillo, các ngài cho rằng nhiều từ ngữ chưa chỉnh. Công đồng Ephesô chỉ xác định lại thế giá công đồng Nicea, bênh vực Đức Kitô duy nhất. Không còn ai tranh cãi về "Mẹ Thiên Chúa". Khoảng 20 tháng trôi qua (năm 433) nhờ Giám mục Gioan Antiokia , một công thức mới đã được thỏa thuận "Có sự hợp nhất của hai bản tính (...) và vì sự hợp nhất này, chúng tôi tuyên xưng Đức Nữ Trinh là Mẹ Thiên Chúa". Công thức này được Thánh Cyrillo chấp nhận và đức Sixto II châu phê.
2,3. Công đồng Calcedonia (451)
Thế nhưng thỏa hiệp 433 không làm vừa lòng những thành phần cực đoan của cả hai phía. Theodoret miền Syria luôn bảo vệ hai bản tính của Đức Kitô, không nói gì đến việc "kết hợp mà không lẫn lộn". Viện phụ Eutykes (+454) ở Constantinople, cho rằng nơi Đức Kitô, Thiên Tính bao trùm nhân tính đến độ chỉ còn thiên tính (Monophysis). Giám mục đế đô là thánh Flavianô liền tổ chức một công đồng kết án Eutykes. Vị này cầu cứu Tòa Thánh và Dioscorus là Giám mục Alexandria.
a/. Mẻ cướp Epheso (449) : Hoàng đế Theodose II bạn của Eutykes mời tất cả những Giám mục ủng hộ vị này về dự hội nghị Epheso. Đức Leo I có cử ba đại biểu và gửi thư tỏ lập trường, nhưng vị Giám mục chủ tọa là Dioscorus, bạn Eutykes, không cho đọc lá thư đó. Nhóm Eutykes chỉ phải ký nhận Kinh Tin Kính Nicea. Ngược lại, Giám mục nào nói Đức Kitô hai bản tính thì đều bị truất chức. Quân lính triều đình được mời đến để "đánh chết những kẻ phân biệt hai bản tính". Thánh Flavianô bị đánh trọng thương rồi chết. Giám mục Theodoret báo tin cho Roma và Đức Leo liền phi bác "mẻ cướp Epheso". Thế nhưng học thuyết Eutykes được công khai tuyên truyền cho đến hoàng đế qua đời.
b/. Công đồng Calcedonia (451): Tân hoàng đế Marcianus (450-457) đứng về phía Roma. Hoàng đế yêu cầu Giáo hoàng đến chủ tọa công đồng. Nhưng Đức Lêo I không thể đi được vì Hung Nô đã xâm lăng đất Ý. Ngài cử sứ giả đến chủ tọa công đồng Calcedonia. Giám mục Dioscorus cũng đến và đề nghị kết án đức Lêo, ngược lại, ông bị tố cáo về tội lộng hành, bị cách chức và lưu đày. Thánh Flavianô được phục hồi.
Về Giáo lý, Kinh Tin Kính Nicea-Constantinopoli và thơ đức Lêo được đem ra đọc. Ngay đó các nghị phụ đã đồng thanh tung hô : "Đây là đức tin các Giáo phụ, đức tin các Tông đồ. Tất cả chúng tôi đều tin như vậy... Phêrô đã nói qua miệng Lêo". Sau khi áp dụng kỷ luật cho những người tham gia vào mẻ cướp Ephêso, Công đồng đưa ra một công thức Đức Tin dựa vào hai bản văn trên : "Đức Kitô, chúng tôi nhìn nhận có hai bản tính không lẫn lộn, biến đồi, phân chia hay lìa nhau. Sự khác biệt giữa hai bản tính không bị mất vì kết hiệp, trái lại các đặc tính của môỵi bản tính vẫn nguyên vẹn trong một ngôi vị duy nhất".
Từ nay nền tảng Kitô học đã rõ rệt. Đức Kitô một ngôi vị và hai bản tính.

III. LIÊN HỆ GIỮA CÁC GIÁO HỘI


Công đồng Nicea khoản số 4, xác định sự liên đới giữa các giám mục trong từng vùng, được qui tụ và phân phối do một giám mục thuộc thành phố lớn. Đó là tiền thân của chức Thượng phụ Giáo chủ sau này. Khi đặt một Tân giám mục : phải được giấy đồng ý của các Giám mục trong vùng; được vị Thượng Phụ châu phê và được ba Giám mục tấn phong. Công đồng Nicea chỉ nói đến bốn tòa Giám mục lớn là Roma, Alexandria, Antiokia và Giêrusalem.
Khoản 3 của Công đồng Constantinopoli xác định khác hơn : "Giám mục Constantinopoli có quyền ưu vượt liền sau Roma, vì thành phố này là Roma mới". Từ nay Giáo hội đế đô đứng thứ hai trong "ngũ đầu chế" của Giáo hội thời đó, như một số người thường nói.
Ưu thế Giáo hội Roma, thủ đô đế quốc, nơi thánh Phêrô tử đạo là điều rõ rệt. Một đàng giám mục Roma can thiệp vào sinh hoạt các Giáo hội địa phương, và đàng khác các Giáo hội Đông phương vẫn nại đến Roma khi có những khó khăn về tín lý. Thế nhưng, nếu tại Calcêdonia các Nghị phụ đã coi đức Lêo là hiện thân của Phêro, thì cả đến thời đức Grêgorio, Đức Thánh Cha vẫn là một Giám mục giữa các giám mục. Theo lối nói thời nay, ngài cùng với "tập đoàn" Giám mục cai quản Hội Thánh.

TOÁT YẾU
Kinh Tin Kính là công thức tuyên xưng ngắn gọn của các tín hữu Kitô. Niềm tin của họ đặt nền trên mạc khải trong Thánh Kinh, thế nhưng cần phải hiểu mạc khải đó ra sao ? Kinh Tin Kính là kết quả của bốn công đồng chung Nicea, Constantinopoli, Epheso, và Calcêdonia.


Hai Công đồng đầu tiên diễn đạt niềm tin Một Chúa - Ba Ngôi :Công đồng Nicea (325) trả lời cho Ario chối Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa ; Công đồng Constantinopoli (381) giải đáp cho Macedonius không tin Thánh Thần là Thiên Chúa.
Hai Công đồng kế tiếp xoáy mạnh vào mầu nhiệm ChúaKitô nhập thể : khởi từ việc Nestorio không nhận Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Công đồng Epheso (431) xác quyết Ngài chỉ có một Ngôi vị và tín điều Mẹ Thiên Chúa. Sau đó Eutykes nói Đức Giêsu chỉ có một bản tính, Công đồng Calcedonia (451) xác định việc Ngôi Hiệp cả thiên tính lẫn nhân tính nơi Ngài.
Trong tinh thần Vatican II về đại kết, chúng ta cần cảm thông với sự chân thành của những anh em "lạc giáo". Thường vì quá bênh vực một khía cạnh của chân lý, các vị để sót mất khía cạnh khác.
IV/ Việc hình thành kinh Tin Kính: Bốn công đồng chung đầu tiên

BÀI ĐỌC THÊM


KINH TIN KÍNH CÁC TÔNG ĐỒ
Bản kinh chúng ta đọc hiện nay thường được coi là bản kinh của thánh Giám mục Césaire, Pháp, thế kỷ VI. So với bản gốc của Kinh Tin Kính các tông đồ, nhưng chữ màu xanh lá đã được thêm sau này.
"Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất / Tôi tin kính ĐCGS là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi / Bởi phép ĐCTT mà Người xuống thai, sinh bởi bà Maria đồng trinh /chịu nạn thời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đanh trên cây Thánh giá, chết và táng xác / Xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại / lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng / Ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết. / Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần. / Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các thánh thông công, / Tôi tin phép tha tội / Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại / Tôi tin hằng sống vậy. Amen
(D. Rops; L'Eglise des Apôtres et des Martyrs, p 246-247).
DANH SÁCH 21 CÔNG ĐỒNG CHUNG
Nicêa (325), Constantinopoli (381), Ephêso (431), Calcedonia (451), Constantinopoli II (553), Constantino-poli III (680), Nicea II (787), Constantinopoli IV(869), Laterano I (1123), Laterano II (1139), Laterano III (1179), Laterano IV (1215), Lyon I (1245), Lyon II (1274), Vienne (1311-12), Constancia (1414-18), Florencia (1439), Laterano V (1512-17), Tridentino (1545-63), Vatican I (1869-70), Vatican II (1962-65).
Ni, Co, Ê, Ca / Co, Co, Ni, Co / La, La, La, La

Ly, Ly, Vi, Co / Flo, La, Tri, Va, Va ...


HOÀNG ĐẾ CONSTANTIN GỬI ARIO VÀ GM ALEXANDRIA
Nhằm duy trì an ninh địa phương, hoàng đế khuyên các phe tranh luận hãy làm hòa. Ông cho rằng đây chỉ là cuộc cãi cọ về từ ngữ. Do thất bại, ông sẽ triệu tập công đồng Nicea
... Chúng có thể giúp luyện trí óc, nhưng chúng phải được đóng khung trong nội bộ chúng ta, chứ không được nhẹ dạ tuyên truyền trong những buổi họp công khai, hoặc dại dột nói cho quần chúng. Thực ra mấy kẻ hiểu được một vấn đề khó khăn đến thế, và ai có thể giải thích thỏa đáng ?
Các ông đâu có gì khác nhau về các giới luật, cũng đâu thêm thắt tín điều nào mới liên quan đến việc tôn thờ Thiên Chúa. Cả hai đều cùng một tâm tư nên dễ dàng hòa hợp với nhau. Thế mà các ông cứ ngoan cố cãi vã về những chuyện không đâu, lai còn lợi dụng uy tín trong dân để kéo họ vào cuộc tranh cãi. Thật không phải lẽ và bất xứng.
Các triết gia cùng đi tìm chân lý vẫn có thể không đồng ý với nhau về nhiều điểm. Tuy nhiên, những khác biệt này không làm họ mất sự hiệp nhất để cùng tìm kiếm. Các ông là những thừa tác viên của Thiên Chúa, lẽ ra các ông phải hiệp nhất trong trong lời tuyên xưng cùng một tôn giáo mới phải... Hãy giữ sao giữa các ông có sự chân thành và thân hữu, có chân lý của đức tin, có việc tuân thủ luật Chúa. Hãy cậy dựa vào đức bác ái và đưa dân chúng trở lại hiệp nhất với nhau.
(Eusebio, Cuộc đời Constantin, II,69 - JC. Để đọc LSGH I, p.66)

NICÊA : CÔNG ĐỒNG CHUNG ĐẦU TIÊN


Các thừa tác viên ưu tú của thiên chúa đã qui tụ lại từ tất cả các Giáo Hội trong toàn cõi Châu Âu, Libye, Tiểu Á. Một ngôi nhà cầu nguyện duy nhất, như được nới rộng bởi quyền năng Thiên Chúa, đã tập họp được một số người Syrie, Cilicie, Phenicie, Ả rập, Palestine và có cả những người Ai cập, Thébaide, Libye, Mésopotamie. Giám mục Ba tư cũng có mặt tại đại hội. Scythie cũng có giám mục của mình; Pont, Galatie, Pamphylie, Cappadoce, Tiểu Á, Phrygie cũng đã gửi các đại biểu, Những người Thrace và Macédomie, Acheén và Epirote, và giữa những vị này có những vị từ xa tới; Cũng từ Tây Ban Nha, một vị giám mục danh tiếng nhất (Osius)đến dự với những vị khác; giám mục của đế đô (Roma) không dự được vì già yếu nhưng ngài cử các linh mục đại diện...
Các giám mục tiến vào trong đại sảnh và ngổi ghế theo thứ bậc của mình... Ngay khi nghe báo hiệu Hoàng đế đến, tất cả các giám mục đứng dậy,và đúng lúc đó, nhà vua tiến vào giữa những bậc vị vọng. Ông xuất hiện như thiên thần của Chúa. Ông làm cho mọi người chóa mắt bởi long bào đỏ rực, bởi vàng ngọc trang sức chói ngời.
(Cuối công đồng) Lễ kỷ niệm 20 năm trị vì của Hoàng đế được cử hành trong mọi tỉnh thành, với những lễ hội tưng bừng trọng thể. Hoàng đế mời các thừa tác viên của Chúa dự tiệc. Tất cả các giám mục đều tham dự. Không lời lẽ nào diễn tả nỗi biến cố này. Tại tiền sảnh của cung điện, đội vệ binh và quân lính được bố trí đứng chung quanh, với gươm trần trên tay. Không chút sợ hãi, những người của Chúa đi qua giữa quân lính tiến vào cung điện. Một số vị ngổi chung bàn với Hoàng đế. Những vị khác tùy nghi an vị trên những giường được xếp vòng tròn. Họ có cảm tưởng như được nếm trước hương vị Vương quốc Chúa Kitô, và những gì xảy ra có vẻ là mơ hơn thực. Sau bữa tiệc huy hoàng đó, Hoàng đế một lần nữa chứng tỏ sự hào phóng của mình bằng việc ban thưởng cho mỗi người hiện diện tùy theo công trạng và phẩm tước của người đó.
(Eusèbe, Cuộc đời Constantin III,15,16 - JC Để đọc LSGH I,p.97)
GIÁM MỤC PAPHNUCE TẠI CÔNG ĐỒNG NICEA

VỚI VIỆC ĐỘC THÂN GIÁO SĨ


Socrate (380-440), luật gia ở Constantinople. Trong tác phẩm "Lịch sử Giáo hội", đã tiếp nối sử gia Eusèbe thuật lại các biến cố tôn giáo từ năm 305-439. Vì ông sao chép tài liệu đúng từng chữ, nên đây là nguồn thông tin vô giá.
"Paphnuce là giám mục của một thành phố vùng Thebaida - thượng. Ngài có lòng đạo đức trỗi vượt, làm nhiều phép lạ. Trong thời bắt đạo, ngài bị móc mất một mắt. Hoàng đế đặc biệt tôn kính ngài, thường mời vị giám mục và cung điện và hôn lên con mắt đã mất ... Khi các linh mục thỏa thuận định ra luật mới buộc các Giám mục, linh mục và phó tế sống cách ly người vợ mà họ đã kết hôn khi còn là giáo dân.
Khi được xin ý kiến, Paphnuce đứng lên giữa các Giám mục, yêu cầu không nên đặt một gánh nặng đến thế lên vai các giáo sĩ, linh mục, vì hôn nhân đáng qúi trọng và việc chăn gối không có gì xấu ; luật quá khắt khe có thể làm hại đến Giáo hội, không phải ai cũng có khả năng tiết dục hoàn hảo và còn những người vợ của họ sẽ không giữ được đức khiết tịnh. Đức khiết tịnh ở đây hiểu là việc chăn gối hợp pháp. Dĩ nhiên, những ai đã nhập hàng Giáo sĩ thì không được kết hôn nữa đúng như truyền thống cổ kính của Giáo hội, nhưng không nên buộc những kẻ đã kết hôn khi còn là giáo dân phải bỏ vợ.
Paphnuce bênh vực ý kiến này mặc dầu không những ngài chưa bao giờ lấy vợ, mà ngài cũng không hề biết đến phụ nữ, ngài được giáo dục từ nhỏ trong tu viện và sáng chói về nhân đức khiết tịnh. Tất cả các Giám mục đồng ý với ngài, không bàn thêm nữa, để cho những Giáo sĩ đã lập gia đình tự mình quyết định.
(Socrate, Lịch sử Giáo hội I,11)
CÔNG ĐỒNG CONSTANTINOPLE (381)
Trong những danh xưng dành cho Thiên Chúa, có danh xưng nào không phù hợp với Chúa Thánh Thần ?... Đó là khi chúng ta dùng tất cả những từ ngữ về TC để giảng dạy, khi ta còn thêm một tên gọi khác để kêu cầu ngài là Đấng Bầu Chữa đệ nhị, (Paraclet, Ga 14,16) như thể là Thiên Chúa đệ nhị, đang khi họ biết rằng xúc phạm đến Chúa Thánh Thần là tội duy nhất không được tha ; khi biết hình phạt nặng nề mà Anania và Saphira phải chịu vì lừa dối Thánh Thần tức là lừa dối Thiên Chúa chứ không phải lừa dối loài người (Cv 5) ;
Như vậy bạn nghĩ chúng ta công bố Thần tính của Chúa Thánh Thần hay công bố điều gì khác ? Nếu bạn nghi ngờ chân lý này và nếu người ta còn phải dậy bạn điều đó nữa thì trí óc bạn hẳn là quá mê muội và bạn đã xa với Thánh Thần đến như thế nào !
THẦN HỌC NGOÀI ĐƯỜNG
Những vấn đề trên được bàn đến khắp nơi trong thành phố: từ đường mòn, ngã tư đến công trường, đại lộ. Nơi những người bán quần áo, kẻ đổi tiền, người bán tạp hóa. Nếu bạn hỏi một anh đổi tiền y sẽ trả lời bạn bằng một tiểu luận về "được sinh ra và không được sinh ra". Nếu bạn hỏi giá cả bánh mì, anh bán bánh mì sẽ trả lời: "Chúa Cha lớn hơn Chúa Con, Chúa Con phải dưới quyền Chúa Cha". Nếu bạn hỏi nhà tắm đã sẵn nước chưa, anh quản lý sẽ tuyên bố Chúa Con được dựng nên từ hư vô . Tôi không biết gọi thứ bệnh này bằng từ ngữ gì, cuồng nhiệt hay điên loạn (...)
(Gregorio Nyssen :"Về Thần Tính Chúa Con và Chúa Thánh Thần" )
GIÁM MỤC TRANH LUẬN
Gregorio de Naziano, Giám mục Constantinople cố gắng làm cho các Giám mục nhất trí về những điểm đang tranh cãi, nhưng vô hiệu.
"Các Giám mục huyên thuyên ríu rít như đàn sáo họp bầy. Như tiếng ổn ào của trẻ con, âm thanh của một xưởng thợ mới mở, như cơn gió lốc, và như cơn bão táp thật sự. Các vị tranh cãi nhau vô trật tự, và như bầy ong vò vẽ, các ông châm chích thẳng vào mặt nhau, ngay cùng một lúc. Các vị cao niên đáng kính , thay vì kiềm chế bớt các vị trẻ , lại theo đuôi hùa vào . "
(Gregorio de Naziano, Poème sur sa vie, V.1680 )
CÔNG ĐỒNG EPHÊSÔ THEO SỬ GIA ĐƯƠNG THỜI
Hoàng đế lập tức ban chỉ dụ triệu tập công đồng tại Ephêsô. Ngay sau khi lễ phục sinh, Nestorio đã đến với đông đảo dân chúng, tại đây ông gặp gỡ nhiều giám mục khác. Cyrillo, giám mục Alexandria thì chậm hơn, khoảng lễ Hiện xuống mỚi đến. Juvénal, giám mục Giêrusalem đến sau lễ Hiện xuống năm ngày. vì giám mục Antiokia là Gioan cố tình trì hoãn chuyến đi nên các giám mục khác bắt đầu xôn xao bàn tán.
Mở đầu cuộc tranh luận, Cyrillo hùng hổ tấn công với lời lẽ mạnh mẽ để làm rối trí người mà ngài không ưa là Nestorio. Trong khi đa số các giám mục tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa, thì Nestorio lại nói với Cyrillo: "Tôi không thể gọi con người đã từng là đứa trẻ hai ba tháng là Thiên Chúa, vì vậy tôi vô tội về máu của ngài, từ nay tôi không họp chung với ngài nữa".
Từ đó, Nestorio họp riêng với các gám mục theo khuynh hướng của ông. Các giám mục còn tiếp tục họp công đồng với Cyrillo đòi Nestorio phải ra tòa xét xử. Nestorio trì hoãn không đến, cho tới khi giám mục Gioan d'Antiokia đến dự công đồng. Cyrillo và các vị khác cứu xét các bài giảng có liên quan đến vấn đề này của Nestorio, các vị phán quyết là chúng có nội dung nghịch đạo và chống báng Chúa Kitô, họ liền cất chức ông. Các giám mục phe Nestorio liền họp riêng và kết án Cyrillo và giám mục Êpheso là Memmon. Gioan thành Antiokia đến sau đó, trách cứ Cyrillo đã gây nên xáo trộn vì hấp tấp, Gm Gioan tuyên bố cất chức Cyrillo. Vị này hợp với GM Juvénal trả đũa bằng việc cất chức Gioan.
Khi Nestorio thấy cuộc tranh luận đi quá xa đến chỗ ly giáo, ông tỏ ra hối tiếc về chuyện đã xảy ra và nói : "Muốn gọi đức Maria là Mẹ Thiên Chúa thì gọi, miễn là đừng cãi nhau nữa". Nhưng dù Nestorio đã đổi quan điểm, không ai đón nhận ông trở lại, ông bị đày đi Oasis, hiện vẫn sống ở đó...

Каталог: uploads
uploads -> -
uploads -> 1. Most doctors and nurses have to work on a once or twice a week at the hospital
uploads -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
uploads -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
uploads -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
uploads -> Tác giả phạm hồng thái bài giảng ngôn ngữ LẬp trình c/C++
uploads -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
uploads -> TRƯỜng đẠi học ngân hàng tp. Hcm markerting cơ BẢn lớP: mk001-1-111-T01
uploads -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 8108 : 2009 iso 11285 : 2004
uploads -> ĐỀ thi học sinh giỏi tỉnh hải dưƠng môn Toán lớp 9 (2003 2004) (Thời gian : 150 phút) Bài 1

tải về 1.36 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương