Lịch sử Giáo Hội Công Giáo



tải về 1.36 Mb.
trang1/19
Chuyển đổi dữ liệu25.07.2016
Kích1.36 Mb.
#5016
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19



Lịch sử Giáo Hội Công Giáo

LỜI NGỎ

Giáo hội là Dân Thiên Chúa


Như Israel xưa lữ hành trong sa mạc
Đoàn Dân Mới đã cất bước đăng trình
qua hai mươi thế kỷ lịch sử trần gian.

Lữ hành đức tin,


Maisen mới : Đức Giêsu Nhập thể
Hiến chương mới : Luật Bát Phúc Ngài trao
Còn giao ước mới Ngài ký bằng máu đào
trên đỉnh cao thập giá.

Ngài vẫn hiện diện kêu mời hoán cải,


bỏ mảnh đất nô lệ những đam mê.
Ngài nói với kẻ này "hãy theo ta",
với người khác "hãy dự Tiệc Nước Trời",
Ngài kêu gọi từng người "làm vườn nho" Thiên Chúa
nhủ bên tai họ "hãy mãi mãi yêu thương"

Lữ hành Đức Tin :


Từng đoàn lớp người đã tiến bước,
dắt dìu nhau đáp lại tiếng kêu mời,
đồng hành với nhau trên đường xa gian khổ,
chia sẻ với nhau lúc nắng gắt mưa sa

Bước đi trong niềm tin :


đôi lúc họ vẫn nhớ củ hành củ tỏi đất Ai Cập,
cũng lắm lúc thèm nước ngọt thịt ngon,
tệ hơn nữa cũng có khi phản bội Ngài
Để bái thờ bò vàng ăn cỏ.

Cuộc Lữ hành vẫn đang tiếp tục


theo cột lửa Niềm Tin Phục Sinh,
ai nhìn lên "Rắn Đồng" mới được sống.

Xin mời bạn, lữ khách, hãy dừng chân


cùng nhau nhìn lại những chặng đường ...

I/ Giáo Hội thời thượng cổ

Phần I :GIÁO HỘI THỜI THƯỢNG CỔ

I. NHỮNG ANH EM Ở GIÊRUSALEM

Lịch sử Giáo Hội bắt đầu khoảng năm 30 tại Giêrusalem vào ngày lễ Ngũ Tuần của người Do Thái (kỷ niệm giao ước Sinai), Nhóm 12 môn đệ Đức Giêsu loan báo cho đồng bào Do Thái ở khắp nơi về mừng lễ một TIN MỪNG. Các vị nói về Đức Giêsu sứ giả của Thiên Chúa tuy bị đóng đinh nhưng vẫn đang sống, Ngài đã phục sinh. Ngài chính là Đấng Messia, là Đấng Cứu Thế mà dân Do Thái qua bao thế hệ hằng mong đợi.
"Xin toàn thể nhà Israel hãy biết cho rằng : Thiên Chúa đã đặt làm Chúa, làm Messia, Đức Giêsu mà các người đã đóng đinh kia" (Cv 2,36)
Qua lời loan báo Tin Mừng đó, Nhóm 12 tự khẳng định tiếp nối sứ vụ của Đức Giêsu, Đấng sáng lập Giáo Hội. Đầy tràn Thánh Thần, những ngư phủ nhút nhát bổng nói năng trôi chảy. Các vị như thấy một dân tộc mới đang nảy sinh ; "Lời hứa được ban cho anh em và con cái anh em cùng mọi kẻ ở phương xa và cho hết mọi người" (Cv 2,39).
Phêrô mạnh dạn lên tiếng trước đám đông đang nói ông say rượu. Ông tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu-Messia và kêu gọi hoán cải : "Hãy hối cải và mỗi người hãy chịu thanh tẩy nhân danh Đức Giêsu để được tha thứ và được lãnh ơn Thánh Thần". Ngày hôm đó, 3000 người xin chịu thanh tẩy, Giáo Hội được khai sinh

1,1. Sinh hoạt cộng đoàn


Như Đức Giêsu, các thành viên đầu tiên của Giáo Hội là người Do Thái, dùng ngôn ngữ Aram. Họ vẫn lui tới đền thờ và giữ luật Maisen. Họ bề ngoài giống như một trong nhiều nhóm Do Thái khác : Pharisiêu, Saducêô, Zêlốt ... Thế nhưng họ không khép kín như những nhóm này. Họ gọi nhau là "anh em' và mở rộng đón mọi người. Tài liệu quí nhất về sinh hoạt cộng đoàn tiên khởi là Công Vụ Tông Đồ của thánh Luca, cho ta thấy niềm tin của tín hữu tiên khởi, và cho thấy những hình ảnh êm ả nhất : "Ngày ngày họ đồng tâm nhất trí đến Đền thờ, bẻ bánh ở nhà, cùng nhau chia sẻ của nuôi thân, lòng hân hoan, dạ đơn thành trong lời ngợi khen Thiên Chúa và sự mến phục của toàn dân".
Đón nhận Tin Mừng, mỗi người đều hoán cải, lãnh phép rửa nhân danh Đức Giêsu (2,38), "chuyên cần nghe giáo huấn tông đồ và trung tín với sự hiệp thông, việc bẻ bánh và cầu nguyện"(2,42). Ngoài ra "các kẻ tin hết thảy đều coi mọi sự là của chung : đất đai của cải họ bán đi, phân phát cho mọi người, ai nấy túy theo nhu cầu" (2,44). Họ làm vậy vì tình huynh đệ cộng đoàn, nhưng một phần cũng vì tưởng ngày Chúa quang lâm đã gần kề. Trong chuyện hai vợ chồng Anania và Saphira nộp của cải nhưng giấu đi một phần nên bị phạt cho ta thấy việc góp tài sản này hoàn toàn tự do và tự nguyện. Thánh Phêrô nói : "Có bán đi các người vẫn tự quyền xử định. Hà tất phải bận tâm bày ra chuyện (gian dối) này" (5,4).
Ngồi lại với nhau, các tín hữu chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm sống động được gặp Đức Kitô của mình. Họ kể : "Ngày ấy ... Ngài đang nói thì ...". Mađalêna, các môn đệ làng Emmaus vẫn còn đó. Gioan thì nói về Đấng mình đã nghe, đã chứng kiến, cung chiêm, đụng chạm đến ... "để anh em được hiệp thông và được sự sống đời đời" (I Ga 1,1-3). Thánh Phêrô còn cho ta biết thêm bầu khí của cộng đoàn : "cùng nhau thông cảm, mặn nồng tình huynh đệ, đầy lòng xót thương và khiêm nhu" (1Pr 3,8). Kết quả là "số kẻ được cứu rỗi mỗi ngày được ban thêm cho cộng đoàn" (Cv 2,47).
1,2. Cản trở từ phe Đền thờ
Dầu sao, niềm tin Đức Giêsu là Messia cũng gây khó chịu cho những người Do Thái khác. Niềm tin đó như lời phản đối các thượng tế và kỳ lão đã kết án Đức Giêsu, và chống lại lưu truyền về Đấng Messia vinh quang ... Sự đối kháng bùng nổ khi Phêrô và Gioan chữa một người què. Họ bắt hai vị nhưng lại sợ dân chúng nên thả ra. Câu trả lời của hai vị trở thành châm ngôn của nhà truyền giáo : "Chúng tôi không thể im về những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe ... Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta". Sự đối kháng đó ngày càng gia tăng. Khi bị bắt lần hai, các vị bị đánh bằng roi. Nhưng Tin Mừng đã tác động cách nào đó ngay trong chính hàng ngũ các Biệt Phái, rabbi Gamalien đã can thiệp để hai vị tự do, vì : "Các ngài không phá nổi đâu, nếu đây là công trình của Thiên Chúa".
1,3. Lời Chúa không bị ràng buộc ở Giêrusalem
Cũng như dân Do Thái, các tín hữu tiên khởi có hai khuynh hướng : một bên đề cao dân được chọn, bắt tân tòng phải cắt bì khi gia nhập; bên kia đa số ở các cộng đoàn hải ngoại Diaspora) thường được gọi là nhóm Hy-hóa, hiểu giá trị của văn hóa Hy Lạp hơn. Nhân việc các bà góa phe Hy hóa bị lãng quên, các tông đồ đã chọn bảy phó tế để hướng dẫn những người này. Các vị này hăng say truyền bá Tin Mừng ra ngoài Giêrusalem. Họ đều năng động, trẻ tuổi, thông thuộc Cựu-Ước và hiểu biết văn hóa Hy Lạp.
Trưởng nhóm bảy người là Stêphanô còn lưu lại một diễn từ gãy gọn khúc chiết (Cv 7). Ông vạch rõ tính tạm bợ của Đền thờ và nói đến việc phượng tự mới của Đức Giêsu trong tinh thần và chân lý. Ông bị dân Do Thái ném đá và trở thành vị tử đạo tiên khởi trong Giáo Hội (năm 34). Cuộc bắt bớ bùng nổ, "các người bị phân tán đi qua đâu, họ rao giảng Lời Tin Mừng đến đó" (Cv 8,4). Phó tế Philíp mạnh dạn đến với dân Samari, vốn bị Do Thái khinh ghét, ông giảng và rửa tội cho viên hoạn quan đang trên đường đi Gaza, rổi lập công đoàn ở Cêsarea. Các tông đồ hưởng ứng công tác này, đã phái Phêrô và Gioan đến Samaria ban phép Thêm Sức và củng cố Đức Tin.
Thánh Phaolô, khi đó có tên là Saulô, kẻ từng tham gia cuộc ném đá Stêphanô, đi lùng bắt các tín hữu. Chúa Giêsu đã chinh phục ngài trên đường Damas (Cv 9). Sau ba năm sống trong sa mạc Arabie, thánh nhân được Barnabê giới thiệu với các Tông đồ và đưa đi giảng Tin Mừng tại Antiokia.
1,4. Lời Chúa không dành riêng cho Dân Do Thái
Thánh Phêrô nhờ một thị kiến, hiểu ra rằng Tin Mừng được gửi đến cho mọi dân : "Thiên Chúa chẳng thiên tư tây vị, bất cứ thuộc dân tộc nào, ai kính sợ Người và làm lành thì đều được Người chiếu nhận". Thánh nhân đã nói như vậy trước khi ban phép Thánh tẩy cho viên bách quản Cornêlio và gia đình. Ngài đã thấy Thánh Thần đồ xuống trên họ (Cv 10, và 11), nhưng mới chỉ coi là luật trừ cho người có hạnh kiểm tốt.
Antiokia là nơi có nhiều tín hữu đến lánh nạn nhất, cũng là nơi đầu tiên họ được gọi là Kitô hữu. Thánh Phêrô đã lập Tòa tại đây (lễ kính 22.02). Tại Antiokia, Phaolô và Barnabê giảng cho dân ngoại mà không buộc họ phải giữ luật Maisen Do Thái, không cần cắt bì. Điều này làm cho nhóm Giacôbê ở Giêrusalem quan ngại, và cho người đi kiểm tra. Hôm ấy Phêrô đang ăn với các tân tòng, e sợ nên tránh mặt, đã bị Phaolô thẳng thắn phê phán (Gl 2,11t). Vấn đề được đưa ra Công đồng Giêrusalem năm 49, và được các Tông đồ giải quyết rõ rệt. Phép cắt bì và luật Maisen không phải Tin Mừng. Không cần đồi văn hóa để tiếp nhận Lời Chúa. Chủ trương của thánh Phaolô đã thắng với một nhượng bộ nhỏ về việc kiêng ăn uống máu huyết (Cv 15).

II. GIÁO HỘI LAN RỘNG TRONG ĐẾ QUỐC ROMA


2,1. Khung cảnh đế quốc
Roma, một mảnh đất thuộc Italia, được thành lập năm 753 trước Chúa Giáng Sinh. Sau nhiều đợt chinh phục, đế quốc thống lĩnh toàn bộ khu vực quanh Địa Trung Hải. Pompeius chiếm Giêrusalem (năm 63), Cêsar chiếm Galia (năm 50), Octavius chiếm Ai Cập (năm 30). Vị cuối cùng tự xưng là Augusto hoàng đế, khởi sự cho thời đại "hòa bình Roma" (pax Romana) kéo dài đến năm 192.
Chính nhờ bối cảnh thống nhất của đế quốc Roma, Giáo Hội dễ dàng lan rộng : việc phát triển đường xá, thương thuyền, một ngôn ngữ chung phổ biến là Hy Lạp (tiếng Latinh đến cuối thế kỷ II mới thông dụng) và các cộng đoàn Do Thái hải ngoại (diaspora) đã sống rải rác khắp nơi. Bối cảnh văn hóa, tôn giáo cũng đem lại nhiều thuận lợi : các triết thuyết khắc kỷ và hoài nghi đã gợi lên ước muốn độc thần, những người bị bỏ rơi trong xã hội như nô lệ, phụ nữ dễ dàng đến với tôn giáo, nhất là việc tiếp xúc với các thần đông phương đã gợi lên trong quần chúng ước vọng kết hiệp với Thượng Đế.
2,2. Giáo hội phát triển với Phaolô và Phêrô
Trong hành trình thứ II, thánh Phaolô ở Troas gặp một thị kiến : một người Macêđoan nài xin ông hãy đến giúp (Cv. 16,9). Tin Mừng vượt Tiểu Á sang Châu Âu năm 49. Thánh Phaolô đi giảng ở Philipphê, Thessalônica, Côrintô và Athêna. Thất bại của lý luận về Thần Vô Minh đã biến ngài thành vị rao giảng về sự khôn ngoan của Thập Giá.
Hành trình thứ III (năm 53-58), thánh nhân đi thăm từng cộng đoàn cũ, giảng thuyết tùy hoàn cảnh cụ thể, giải quyết những xung đột. Tại mỗi nơi, ngài tìm cộng sự viên và trao giáo đoàn cho họ. Vượt qua mọi gian truân (II.Cr 11 và 12), ngài không ngừng công bố sứ điệp Đức Kitô, loan báo về dân tộc mới (không còn Do Thái hay Hy Lạp) trong đó mọi người là anh em, mỗi người phải thắng chính mình, sống tự do con cái Chúa và sống ơn Phục Sinh qua mầu nhiệm khổ giá.
Hành trình thứ IV (năm 60-63) đưa Phaolô đến Roma như một tù nhân. Hai năm bị giam lỏng, ngài vẫn không ngừng rao giảng và viết bốn ngục thư (Philipphê, Ephêsô, Côlôxê, Philêmon). Trở về Tiểu Á, ngài bị bắt về Roma lần thứ hai, bị án trảm quyết thời hoàng đế Nêrô, có lẽ là năm 67, như thánh Phêrô.
Sử gia Eusêbio (LSGH 3) cho ta biết thánh Phêrô đã đi giảng Tin Mừng tại Pont, Galata, Cappađôcia, Tiểu Á. Thư 1Cr. 1,12 xác định ngài đến Côrintô trước khi đến Roma. Khi Nêrô bách hại đạo gay gắt, thánh nhân định bỏ trốn để tiếp tục phục vụ giáo đoàn. Nhưng theo lưu truyền, ngài gặp Đức Giêsu vác thập giá đi vào thành (biến cố Quo vadis :Thày đi đâu?), nên ngài quay trở lại thủ đô và xin được đóng đinh ngược. Việc ngài tử đạo ở Roma được Giáo Hoàng Clêmente (+97) nhắc đến, và được các giáo phụ như Ignatio, Origène và Tertulianô xác định, đã khiến Roma trở thành thủ đô của Giáo Hội cho đến nay.
2,3. Hoạt động của các Tông Đồ khác
Hai vị Tông đồ ở lại Giêrusalem là thánh Giacôbê Tiền bị chém năm 42 và thánh Giacôbê Hậu bị ném đá năm 62. Thánh Mathêu rong ruổi đến Bắc Phi Châu, thánh Bartôlômêo thì giảng đạo ở Armênie và Ả Rập, hai thánh Simon và Giuđa hoạt động ở Ai Cập và cũng tử đạo ở Mêsôpôtamia. Nếu thánh Mathias đến Ba Tư, thì thánh Thomas qua Ba Tư đến tận Ấn Độ. Khu vực Tiểu Á có thánh Anrê bị xử tử thập giá chữ X, có thánh Philip và đặc biệt là thánh Gioan, vị duy nhất không tử đạo mặc dù đã bị bỏ vào vạc dầu sôi năm 92.
Ngoài ra cũng nên biết, Maccô thánh sử, mới đầu là môn đệ thánh Phaolô, nhưng sau cùng làm việc với thánh Phêrô ở Roma. Luca thánh sử người y sĩ đồng hành với Phaolô, cũng là tác giả Công Vụ Tông Đồ đã hoạt động và tử đạo ở Akaia.
TOÁT YẾU
1. Cộng đoàn Giêrusalem : là nhóm "anh em" luôn rộng mở mời đón mọi người. Họ nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Messia, là Chúa. Họ tin, hối cải đón nhận Thánh Thần và loan báo về Ngài, mặc cho mọi chống đối từ phe Đền thờ. Theo Công vụ tông đồ 2,24 họ chuyên cần với giáo huấn các Tông đồ, với việc hiệp thông, bẻ bánh và kinh nguyện ... Họ góp của cải thành tài sản chung để phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu.
2. Lời gieo ngoài Giêrusalem : Tin Mừng được dần dần lan rộng nhờ các Diaspora Do Thái đã rải rác khắp đế quốc. Các phó tế và thánh Phêrô đã đi tiên phong trong việc đem Tin Mừng cho dân ngoại. Cuộc bách hại của Hêrođê và việc Giêrusalem sụp đồ, thúc đẩy Tin Mừng đi nhanh hơn. Công đồng năm 49 tại Giêrusalem như lời tuyên cáo Luật Mới đã thay thế luật Maisen. Thánh Phêrô chọn thủ đô mới cho Giáo Hội là ROMA, ngài giảng đạo và tử đạo tại đó.
3. Nhân sinh quan mới : Dưới góc nhìn lịch sử, thánh Phaolô có vai trò đặc biệt xây dựng hệ thống giáo lý, đề ra phương án thực hiện tổ chức, biến niềm tin thành một cuộc cách mạng tôn giáo : khám phá ra Đức Kitô là đỉnh cao của lịch sử, mở ra một thời đại mới, dân tộc mới (không còn Do Thái hay Hy Lạp). Niềm tin ấy của các tín hữu sơ khai đã kết tinh lại trong ngòi bút của các thánh ký qua 27 tác phẩm Tân Ước.

I. NHỮNG HIỂU LẦM VÀ THANH MINH


1,1. Người ngoài nhận định về Giáo Hội
Vì Giáo Hội là một hệ phái từ phương đông, vì Kitô hữu không hoàn toàn hòa mình với tập tục đế quốc, vì các nghi thức phụng vụ khó hiểu... Giáo Hội đã bị nhận định sai với bản chất của mình :
* Giới bình dân thì nói các Kitô hữu : vô thần đã chọc giận các thần linh gây nên các thiên tai. Họ vu khống các tín hữu tụ họp phụng vụ để loạn luân, uống máu trẻ em, ăn thịt người và thờ đầu lừa.
* Giới trí thức thì coi Kitô hữu như những kẻ khốn khổ, dốt nát, mê tín theo đạo lý sai lầm. Celsus (năm 170) và Porphyre (+305) cố chứng tỏ các sai lầm đó : Thiên Chúa không thể là hài nhi, Giêsu tầm thường không đáng bậc thánh hiền, việc phục sinh là chuyện dối gạt, bốn Phúc âm nói ngược với nhau, và bí tích chỉ cổ võ phạm thêm tội.
* Giới cầm quyền coi Kitô hữu là công dân xấu, vì không tôn thờ hoàng đế, không vâng lời vua quan, và cuối thế kỷ III, họ không tham gia quân đội.
1,2. Các nhà hộ giáo

Một số giới trí thức trong đạo, qua thư từ, sách vở biện hộ cho Kitô giáo (hộ giáo) gởi cho chính quyền hoặc quần chúng. Nổi bật nhất có Thánh Justinô, Origene và Tertuliano. Nội dung chính của các tài liệu đó gổm :


* Trình bày sinh hoạt và phụng vụ để chứng tỏ các tín hữu gặp nhau "không làm gì mờ ám".
* Giới thiệu đời sống bác ái của Giáo Hội và tố cáo sự băng hoại luân lý của đế quốc : việc giết trẻ em sơ sinh, những cuộc phiêu lưu tình ái ...
* Chứng minh giáo lý hợp lý và tính cách lâu đời của đạo đã có từ thời Maisen so với các triết gia Hilạp.
* Những biểu lộ công dân của tín hữu : cầu nguyện, vâng phục và nạp thuế ; giải thích lý do không hợp tác trong một số nghề buộc phải tế thần hoặc làm đổ máu người khác như chánh án, quân đội...

II. NHỮNG CUỘC BÁCH HẠI


Lịch sử Giáo Hội thời tử đạo kéo dài hai thế kỷ rưỡi, nhưng thực ra thời bình an cũng xấp xỉ với thời hoạn nạn. Nói chung, ta có thể chia làm hai giai đoạn :
2,1. Trước 192 : Bách hại theo khu vực
Chúng ta chỉ nghiên cứu những cuộc bách hại chính :
a/. Hoàng đế Nêron tại Roma (64-67)
Sau cuộc hỏa hoạn từ 18 đến 24-7-64 tại Roma, Nêron đổ lỗi cho các Kitô hữu. Từng đoàn tín hữu bị đẩy ra hí trường để xoa dịu dư luận và làm trò tiêu khiển. Nêron bắt họ đấu gươm, đấu với thú dữ hoặc đóng đinh, tẩm dầu, đốt đuốc. Nhưng các tín hữu bỏ vũ khí ôm nhau chúc bình an; không chống trả với thú lẫn người. Họ bình thản đợi chờ ngày cứu thoát đang đến.
b/. Thời Domitiano (92-96)
Sau khi bị đảo chánh hụt, Domitiano nghi kỵ, thanh lọc lại triều đình, triệt hạ những người Do Thái thờ độc thần và thờ "Ông Vua Do Thái" Giêsu.
c/. Chiếu chỉ Trajan năm 112
Vốn là Hoàng đế tốt bụng và thông minh, Trajan qua thư trả lời cho quan Pline-Trẻ, đề ra chính sách ảnh hưởng suốt thế kỷ II gổm ba điểm : "Không nên tầm nã kitô hữu. Nhưng nếu bị tố cáo và nhận là kitô hữu thì phải trừng phạt. Nếu ai chối và minh chứng bằng việc thờ cúng thần minh thì được tha".
Những vị tử đạo lớn trong thế kỷ này có : Thánh Ignatio (+110), Polycarpo (+155), Justinô (+165), Photin ở Lyon (+177), Cêcilia (+179) ... Việc bách hại thế nào tùy thuộc các quan tổng trấn địa phương thiện cảm hay không đối với đạo.
2,2. Việc bách hại thế kỷ III
Từ 192, thời Pax Romana chấm dứt. Các Hoàng Đế hầu hết xuất thân từ quân đội và kết thúc sự nghiệp do đảo chánh hoặc bị ám sát. Nhiều vùng đất như Gallia, Ả-Rập, Ba-Tư đòi tự trị. Kinh tế bị suy sụp do nội chiến hay thiên tai, đưa đến việc lạm phát và lạm thuế. Luân lý, văn hóa cũng bị xuống cấp theo. Ngược lại, Giáo Hội sau bao trở ngại thấy rõ hơn khả năng của mình. Sự phát triển về giáo thuyết và nhân sự đã hỗ trợ cho đức tin thuần túy thuở ban đầu.
Trước tình thế đó, các hoàng đế phản ứng theo hai hướng trái ngược nhau : hoặc thỏa hiệp hoặc thẳng tay triệt hạ. Thời thỏa hiệp vẫn có các cuộc tử đạo lẻ tẻ, nhưng trong giai đoạn bách hại, chính sách được áp dụng trên toàn đế quốc. Xin ghi lại những thời điểm chính :
a/. Gần 80 năm lắng dịu 212-249 ; 260-298
Có nhiều lý do giúp Giáo Hội được hưởng những thời kỳ thư thái này. Một số hoàng đế thiện cảm với đạo trong đó có Gallienus (260-268) có vợ là kitô hữu. Một số hoàng đế khác chủ trương đạo-tổ-hợp, đặt tượng Đức Giêsu bên cạnh các thần khác, như Severus Alexander (+235) nói : "Thà Thượng đế được thờ cách nào đó thì tốt hơn". Ngoài ra có các hoàng đế ở trên ngai quá ngắn hạn, hoặc có vị muốn tranh thủ các tín hữu để chống lại man dân.
b/. Chiếu chỉ Septimus Severus 202
Sau giai đoạn 10 năm cởi mở, hoàng đế thấy số tín hữu tăng nhanh quá, nên : cấm dạy và theo đạo, đóng cửa các học viện như Alexandria, theo dõi lùng bắt khắp nơi. Tiêu biểu cho thời này là hai thánh nữ Perpêtua và Fêlixita (+203). Các hầm mộ được sử dụng nhiều hơn và trở thành sở hữu tập thể. Đức Calixto (+222) từng phụ trách tổ chức và mở rộng một khu rộng lớn.
c/. Chính sách Decius 249
Hoàng đế Decius không chủ trương giết hại, nhưng coi việc phụng tự hoàng đế là yếu tố bảo vệ sự thống nhất đế quốc. Vì thế ông tìm mọi cách để tín hữu bỏ đạo : giam lâu hơn, dụ dỗ, hứa hẹn, tra tấn, bắt đi lao động hầm mỏ, phát thẻ xông hương để kiểm tra. Đức Coreêlio tử đạo nơi lưu đày, Tarcio tử đạo khi mang Thánh Thể cho các tù nhân. Giai đoạn này nhiều tín hữu, vì sống yên ổn khá lâu, nên dễ yếu đuối chối đạo. Một số giám mục như Novatio cương quyết loại trừ họ, còn Đức Cornêlio và Công đồng Roma (257) chấp nhận cho họ trở về với Giáo Hội sau những thử thách cần thiết.
Hoàng đế Valêrio đi xa hơn : năm 257 ông cấm tụ họp phụng tự, tịch thu các nghĩa trang, tịch thu tài sản, đày ải giáo sĩ. Năm 258, ông xử tử những ai không dâng hương tế thần. Vấn đề trưng thu tài sản khiến các quan địa phương tích cực hơn, các tín hữu gặp áp lực ngay từ thân nhân trong gia đình. Cuộc tử đạo của đức Sixtô II và th. Laurensô (+258) phản ánh chính sách này
d/. Cơn Hồng thủy Diôclêtianô : 303-313
Để cai trị cho hiệu quả, Diôclêtianô áp dụng chính sách tứ quyền (Tétrarchie) : Bên Đông, ông chọn một phụ tá Galêrio, Bên Tây, Constantin Chlorus chọn Maximiano. Roma có 96 tỉnh nay sát nhập lại còn 12 tỉnh. Pháp luật được áp dụng gắt gao. Việc thờ cúng hoàng đế đạt đến thời vàng son, trở thành nghi lễ triều đình. Đây là lý do khiến hoàng đế nghi ngờ các tín hữu.
Từ 298, Galêrio buộc tất cả quân nhân phải dâng cúng. Sau đó ông áp lực để Diôclêtiano tung ra bốn sắc lệnh cấm đạo năm 303. Ngoài các biện pháp của Decius, hoàng đế còn ra lệnh thiêu hủy Sách Thánh, triệt hạ các nơi thờ phượng. Do tổ chức chính trị chặt chẽ, các quan địa phương phải răm rắp tuân theo. Nhiều hình khổ mới được sáng tạo để gây kinh hoàng cho các tín hữu. Năm 311, Maximiano Daia còn cho rảy nước tế thần trên mọi thực phẩm ở chợ ... Thời này có nhiều vị tử đạo trong quân đội như Sebastiano (+296), Georgio (+303), đại đội Maximiano, và có nhiều thánh nữ tử đạo để vẹn toàn tiết hạnh như Agnes, Lucia, Catarina ...

III. ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI


3,1. Sinh hoạt và phượng tự
Tuy có lúc phải trốn tránh, Giáo Hội đã phát triển ngay giữa lòng xã hội. Tertuliano khẳng định : "Kitô hữu không xa lánh cuộc đời, chúng tôi vẫn lui tới công trường, bể tắm, xưởng thợ, tiệm buôn, chợ búa. Chúng tôi là thủy thủ, quân nhân, nông dân hay thương gia". Dấu Thánh Giá và Con Cá = ICHTHUS : (Iesous Christos Theou Unios Soter), đã xuất hiện khi tình hình an ninh đòi buộc.
Nếu thời sơ khai, phụng vụ được cử hành trên gác nhà (Cv 20,7t) hoặc ở phòng ăn, thì dần dần các tín hữu sử dụng những tư gia dành riêng. Khoảng năm 250 mới xuất hiện các nhà thờ đầu tiên. Hầu hết tân tòng xin nhập đạo vì chứng kiến gương bác ái, tình huynh đệ cộng đoàn hoặc sự can đảm của các tử đạo. Sau thời gian thử nghiệm về hạnh kiểm, ứng viên phải có một tín hữu bảo lãnh (đỡ đầu) và sẽ được rửa tội trong lễ Phục Sinh cùng với việc đặt tay và tham dự bàn tiệc Thánh Thể (ba bí tích khai tâm).
Lễ tạ ơn các ngày thứ nhất trong tuần đưa tín hữu vào mầu nhiệm sự chết và Phục Sinh của Chúa. Trước lễ họ xưng thú lỗi lầm thiếu sót (Gc 5,16). Riêng các tội nặng (bội giáo, giết người, ngoại tình) chỉ được hòa giải một lần. Hôn nhân các tín hữu giữ theo tập tục đế quốc. Nhưng theo linh đạo của thánh Phaolô (Ep 5) một vợ một chồng và bất khả phân ly. Việc cầu nguyện và xức dầu người yếu liệt đã được nói đến trong thư Giacôbê (5,14-15).
3,2. Tổ chức cộng đoàn
Ngoài nhóm 12 tông đồ và 7 phó tế, các cộng đoàn sơ khai có ba tác vụ chính : các tông đồ du thuyết (như thánh Phaolô, Barnabê) ; các vị tiên tri giải thích Lời Chúa trong buổi họp và các tiến sĩ chuyên nghiên cứu Kinh Thánh.
Đầu thế kỷ thứ II, theo thánh Ignatio Antiokia ta thấy ba chức vụ : Giám mục, Linh mục và Phó tế. Các nhà du thuyết biến mất, họ định cư phục vụ các công đoàn, dần dần xuất hiện các tác vụ khác. Thống kê năm 250 ở Roma gổm "có 46 linh mục, 7 phó tế, 7 chuẩn phó tế, 42 thày giúp lễ, 52 thày trừ quỉ, nhiều thày đọc sách và giữ cửa" (Eusebio H.E 43,11). Tại Syria thế kỷ III còn thấy xuất hiện hai nữ phó tế, cũng được đặt tay thánh hiến, chuyên phục vụ nữ giới.
3,3. Ý nghĩa tử đạo
Martyr theo chữ có nghĩa là chứng nhân. Một vị tử đạo đúng nghĩa phải hội đủ ba yếu tố : khôn ngoan, can đảm và ý thức làm chứng cho Đức Kitô. Họ không phải là những người cuổng tín. Thánh Polycarpo nói :"Tôi đã khiển trách những kẻ tự ý nộp mình rằng đây không phải là Thần Khí của Thiên Chúa". Nhưng khi đã bị bắt, họ làm chứng cho tới cùng và theo gương Đức Kitô, chấp nhận cả cái chết. Họ làm chứng bằng thái độ tin tưởng, bằng lời nói và bằng chứng tá cho tình yêu tha thứ.
Chứng từ bằng máu đó thường mang đến những kết quả bất ngờ : dân chúng cảm xúc, lý hình trở lại và quan tòa cũng phải kính phục. Origène xin rửa tội khi chứng kiến thân phụ tử đạo. Justino trước chống các kitô hữu, đã trở lại vì nghĩ rằng "Họ không sợ chết là điều mọi người sợ, vậy họ không thể làm điều xấu được". Tertuliano thì nói "các vị càng tiêu diệt chúng tôi càng gia tăng". Vì "máu tử đạo là hạt giống trổ sinh kitô hữu".
Thế nhưng, tử đạo còn là một hiến tế. Thánh Victrise quả quyết "tử đạo là gì nếu không phải là bắt chước Đức Giêsu Kitô" còn thánh Ignatio lại mong muốn trở thành hạt lúa bị thú vật nghiền nát, để trở thành "Bánh dâng lên Thiên Chúa". Và trên giàn lửa thánh Polycarpo đã cầu nguyện rằng : "Lạy Chúa, hiến tế của con sắp hoàn tất trong ngày hôm nay ... Xin tạ ơn Người cho con vinh dự chịu đau khổ, được cầm trong tay triều thiên tử đạo và được kề môi vào chén thương khó".
Hiến tế ấy đưa các vị tử đạo vào mối phúc thứ tám, dành cho những người hiến dâng mạng sống cho Đấng mình yêu mến. Hiến tế ấy là dấu chắc chắn phúc vinh quang. Các tín hữu tôn kính các ngài như những vị thánh, lưu giữ thánh tích và kỷ niệm ngày các ngài sinh ra trên Thiên quốc. Sau này, các tín hữu chọn các ngài làm đấng bảo trợ. Nhưng Giáo Hội sẽ xác định vị nào thực sự là thánh tử đạo.
TOÁT YẾU
Lịch sử Giáo Hội thời tử đạo kéo dài hai thế kỷ rưỡi (64-313) trong đó thời bình xấp xỉ với thời hoạn nạn. Gổm hai thời kỳ :
1/. Thời Roma còn ổn định (64-192): Do những nghi kỵ với tôn giáo mới, do tin đồn thất thiệt và thú vui hí trường, cuộc tử đạo bộc phát dưới thời Nêrô, Domitiano. Suốt thế kỷ thứ 2, việc bách hại rải rác tùy theo khu vực, do chiếu chỉ Trajan năm 112 : cấm tầm nã, xét xử nếu bị tố cáo và tha cho tín hữu sám hối.

Каталог: uploads
uploads -> -
uploads -> 1. Most doctors and nurses have to work on a once or twice a week at the hospital
uploads -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
uploads -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
uploads -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
uploads -> Tác giả phạm hồng thái bài giảng ngôn ngữ LẬp trình c/C++
uploads -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
uploads -> TRƯỜng đẠi học ngân hàng tp. Hcm markerting cơ BẢn lớP: mk001-1-111-T01
uploads -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 8108 : 2009 iso 11285 : 2004
uploads -> ĐỀ thi học sinh giỏi tỉnh hải dưƠng môn Toán lớp 9 (2003 2004) (Thời gian : 150 phút) Bài 1

tải về 1.36 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương