Lc 15,1 11-32 14-03-2010 lòng thưƠng xót của thiên chúa lm. Px vũ Phan Long, ofm 02



tải về 0.57 Mb.
trang8/9
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích0.57 Mb.
#19782
1   2   3   4   5   6   7   8   9

VUI VỚI TOÀN THỂ HỘI THÁNH

Gs 5,9a.10-12; 2Cr 5,17-21; Lc 15,1-3.11-32

Gm. Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

PHÚC ÂM Lc 15, 1-3. 11-32

"Em con đã chết nay sống lại".

Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng". Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Người kia có hai con trai. Ðứa em thưa với cha rằng: "Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con". Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: "Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: "Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha". Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu... Người con trai lúc đó thưa rằng: "Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa". Nhưng người cha bảo đầy tớ: "Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy". Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

"Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: "Ðó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ". Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: "Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó". Nhưng người cha bảo: "Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy".

 

SUY NIỆM

Chúa nhật trước đã cho chúng ta thấy Chúa là Ðấng đầy lòng thương xót để kêu gọi chúng ta hối cải trở về với Người. Các bài Kinh Thánh hôm nay còn nói về lòng thương xót của Chúa một cách rõ ràng hơn nữa. Chúng cho chúng ta thấy nỗi sung sướng của Người khi có thể thi hành lòng thương xót; và Người kêu gọi chúng ta chia sẻ niềm hân hoan thương xót ấy. Thế nên Chúa nhật hôm nay đáng được gọi là Chúa nhật Vui Mừng trong mùa Chay, để khi phấn đấu theo gương Chúa Giêsu trong mầu nhiệm thánh giá, chúng ta luôn phấn khởi vì đạo Tin Mừng.

 

1. Vui Vì Ðược Cứu Ðộ

Bài sách Giôsua hôm nay chỉ có mấy câu, nhưng ghi lại một niên hiệu đáng muôn đời nhớ mãi trong lịch sử dân Chúa. Hôm nay "Chúa lăn nỗi nhục Ai Cập ra khỏi con cái Israen". Người cuộn thời gian ô nhục của họ ở bên Ai Cập lại một cách vĩnh viễn. Vẫn biết họ từ giã đất nô lệ Ai Cập ngay từ khi vượt qua Biển Sậy. Nhưng ròng rã 40 năm nơi sa mạc, con cái Israen vẫn còn mang nhiều tồn tại của thời ô nhục nơi đất khách quê người. Dĩ chí có những kẻ còn chưa cắt bì; và phần lớn còn ăn ở như những kẻ không cắt bì. Tất cả những sự ấy, hôm nay Chúa cuốn lại và không còn mở ra nữa. Nói theo kiểu văn chương ngày nay Chúa đã rỡ một trang sử qua rồi cho dân Người; và từ nay bắt đầu một trang sử mới. Chính vì vậy người ta đã đặt một tên mới cho nơi xảy ra sự việc ngày hôm nay. Nó được gọi là Gilgal và có nghĩa là "cuộn lại", vì Chúa đã cuộn nỗi ô nhục Ai Cập lại xa khỏi dân Người ở nơi chốn này vào ngày hôm nay.

Nhưng người ta chỉ nới cũ khi có mới. Chúa chỉ cuộn thời đại cũ lại vì đã có thời đại mới. Việc "có mới nới cũ" này cũng là một cuộc vượt qua. Thế nên hôm nay con cái Israen cử hành lễ Vượt Qua. Họ không tổ chức nơi đền thờ nhưng nơi hoang dại miền Giêrichô để duy trì tính chất gia đình của lễ này. Dĩ nhiên họ nhớ lại cuộc Vượt Qua Ai Cập ngày xưa; nhưng họ cảm thấy rõ ràng cuộc Vượt Qua bấy giờ, hôm nay mới kết thúc. Hôm nay họ mới được mừng Vượt Qua nơi Ðất Hứa. Và rõ ràng họ đã thôi một nếp sống cũ và chuyển qua một nếp sống mới. Trước đây họ là dạng lang thang, du mục; từ nay họ cư ngụ nơi Ðất chảy sữa và mật. Cuộc vượt qua này không lớn lao sao? Mọi sử gia đều làm chứng có cuộc chuyển biến quan trọng trong nếp sống của con người từ chế độ du mục qua chế độ định canh.

Cũng vì vậy, tác giả bài sách hôm nay không muốn diễn tả tí nào lễ Vượt Qua. Ông bỏ rơi mọi nghi lễ để chỉ chú trọng đến những nét mới mẻ của đời sống mới. Ông nói: con cái Israen đã ăn các thổ sản trong xứ. Ðặc biệt họ không còn ăn Manna nữa nhưng đã ăn cốm rang. Ðúng hơn họ không còn ăn Manna nữa vì đã có thóc lúa của địa phương. Manna không phải là lương thực của người đã về tới quê, mà chỉ là lương thực của kẻ đi đàng. Nó cần thiết cho con người khi trở về Ðất Hứa; nhưng đến nơi rồi nó trở thành vô dụng. Chính vì vậy Manna trở thành hình ảnh của Thánh Thể, cũng chỉ cần cho con cái Chúa khi sống ở trần gian. Sau này trên Nước Trời, chính Chúa sẽ làm cho họ no thỏa mà không cần bí tích nào nữa...

Như vậy, việc con cái Israen đến định canh ở Ðất Hứa hôm nay báo trước việc chúng ta vào Nước Trời sau này, khi đã chấm dứt cuộc hành trình lữ thứ trần gian. Nó khiến chúng ta thèm số phận của con cái Israen ngày xưa ư? Vì sánh với những kẻ đã vào Ðất Hứa, chúng ta còn là lữ hành? Có phần đúng và điều này nhắc nhở chúng ta phải có tu đức và tác phong của lữ khách: không bám víu vào trần gian, nhưng luôn phải lên đường; và nhất là luôn phải nhờ Thánh Thể nuôi sống vì đó là lương thực của dân Chúa trên đường lữ thứ trần gian.

Tuy nhiên chúng ta phải phấn khởi vì việc con cái Israen vào Ðất Hứa bả đảm việc chúng ta sẽ vào tới Nước Trời. Hơn nữa nó còn nhắc chúng ta nhớ đến hạnh phúc của người Kitô hữu. Họ cũng đã được đưa ra khỏi thế gian để đi vào nước sáng láng của Con Thiên Chúa. Những thực tại thiêng liêng Chúa ban cho họ hằng ngày trong đời sống Kitô hữu vượt xa những nắm "cốm rang" ngày xưa của con cái Israen. Chúng ta hãy vui mừng vì những việc ấy và vì mạc khải lớn lao mà Chúa dành cho chúng ta ở trong Nước Trời mà bài Tin Mừng hôm nay muốn thông tri cho chúng ta.

 

2. Vui Với Toàn Thể Hội Thánh

Thánh Luca là tác giả duy nhất đã thuật lại dụ ngôn hôm nay. Người kể lại sau hai chuyện cũng cùng một ý tưởng. Chuyện đầu tiên là dụ ngôn một người tìm thấy con chiên lạc của một đàn gần 100 con chiên. Và chuyện thứ hai nói về một người đàn bà tìm thấy đồng tiền đã mất. Cả hai câu chuyện đều kết thúc bằng lời van xin mọi người hãy vui vẻ chia sẻ nỗi vui mừng đã tìm thấy những của đã mất. Và đó cũng là câu kết thúc bài dụ ngôn hôm nay về người con trở về. Như vậy câu chuyện chỉ là cớ, điều mà tác giả Luca muốn diễn tả là niềm vui và kêu gọi mọi người cùng chung vui với kẻ tìm lại được những gì đã mất hoặc đã lạc.

Trong câu chuyện hôm nay, chủ động là một người Cha với hai đứa con. Ðứa trẻ hơn đến xin Cha chia gia tài cho mình, rồi nó đi xa, sống trác táng, phá tan cả sản nghiệp.

Dĩ nhiên người ta có thể đoán nó đã cạn túi vì bọn đĩ điếm như thói thường ở đời. Sạch của rồi, nó phải đi làm thuê ở mướn, và chăn heo cho người ta. Nó thèm đến cả cám heo. Thật đầy tớ ở trong nhà Cha nó cũng còn dư ăn! nghĩ vậy, nó quyết tâm trở về, và sẽ lựa lời để được số phận của những người này.

Với những nét tả như vậy, đứa con hoang này có đáng khen không? Hình như Luca không cho rằng nó đáng thương nữa. Không kể đời sống bê bối của nó; việc nó trở về cũng đầy tính toán và bần tiện. Nó đâu đã muốn hối cải; nó chỉ mong ra khỏi thân phận chết đói, nó chẳng đáng thương, thế mà vẫn được thương. Ðó mới là điều mà tác giả Luca muốn diễn tả. Ông viết về đứa con hư như thế là để làm nổi bật lòng thương lạ lùng của người Cha.

Mà thật vậy, lòng người Cha tốt lành chi lạ! Ðứa con về đang còn ở đàng xa mà ông đã thấy nó. Ông đã chạnh lòng thương nó. Ông quên cả tư cách đạo mạo, dè dặt của một người Cha trong một gia đình nề nếp ở Ðông phương. Ông không nhớ mình đã chân yếu tay mềm. Ông chạy ra đón nó, ôm cổ nó mà hôn. Nó vừa mới bập bẹ vài câu ông đã quay bảo đầy tớ mau mau đem áo quần và trang sức mới ra mặc cho nó; và lập tức hãy đem bò tơ nẫy ra hạ đi để khao ăn vì, ông nói: "Này, con ta đây, nó đã chết mà đã hoàn sinh, đã mất mà tìm lại được".

Chúng ta có thể để ý, ông không nói gì với đứa con. Nó chưa đáng nói, nó chưa hoàn toàn. Nó còn phải thấy lòng Cha thương nó, rồi nó mới thay đổi được. Ít ra ông hy vọng như vậy. Ông đã chỉ nói với tôi tớ và ông muốn nói với mọi người. Ông xin mọi người chia sẻ niềm vui của ông. Ông thật quá tốt.

Nhưng ngay đến đứa con cả trong nhà cũng không hiểu được ông. Cậu ở ngoài đồng về. Cậu thấy trong nhà có đàn ca múa hát. Cậu gọi một tên đầy tớ ra hỏi dò. Biết chuyện đứa em về mà Cha cho bày tiệc mừng như vậy, cậu nổi giận, không thèm vào nhà. Người Cha đi ra dỗ dành cậu. Cậu phân phô lẽ hơn thiệt. Cậu có lý nên người Cha đứng nghe, khác với lúc khi đứa con hoang trở về muốn thưa bẩm. Ông công nhận hết mọi lời cậu nói. Nhưng đây là điều con ông chưa bao giờ nghĩ đến: "Này con, con hằng ở với Cha thì tất cả của Cha đều là của con. Nhưng phải ăn khao mà mừng chứ. Vì em con đó, nó đã chết mà lại sống, đã mất đi mà lại tìm thấy được".

Tác giả Luca đã không viết gì thêm. Ông dừng lại ở đây để độc giả viết nốt câu chuyện. Ðúng hơn Ðức Giêsu đã dừng lại bài dụ ngôn ở chỗ này để thính giả của Người suy nghĩ. Họ là ai, chúng ta có thể đoán được. Họ là người con cả trong câu chuyện mà người Cha vừa nói mấy câu để cho suy nghĩ.

Muốn rõ hơn, chúng ta chỉ cần đọc lại những câu đầu tiên mà Luca đã viết trước khi kể bài dụ ngôn về con chiên lạc, về đồng tiền mất và về lòng thương xót của người Cha. Người viết: "Các người thu thuế, cùng những kẻ tội lỗi hết thảy thường lui tới bên Ngài để nghe Ngài. Và biệt phái kêu trách. Họ nói: Ông tiếp đón quân tội lỗi và ăn uống với chúng". Ngài mới nói cùng họ những dụ ngôn sau này...

Như vậy, người Cha ở đây không cần phải là Cha chúng ta ở trên trời. Lòng thương xót bao la của Người đã nhập thể nơi con người Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đang tiếp đón những người thu thuế và tội lỗi khiến bọn biệt phái phải kêu trách. Họ kêu trách vì họ tưởng mình nhân đức và đòi được đối xử xứng đáng. Thiên Chúa phải dành tất cả sản nghiệp Nước Trời cho họ và cho một mình họ mà thôi; Phường thu thuế, quân tội lỗi không được phép tham dự những của thánh ấy. Thế mà Ðức Giêsu, người tự xưng đã được Chúa Cha sai đến, lại đi tiếp đón bọn thu thuế và tội lỗi... Với bài dụ ngôn hôm nay, phải chăng Ðức Giêsu đã không muốn nói với những kẻ suy nghĩ như vậy, lời mà Người có lần bảo họ: hãy đi mà hiểu lời này: Ta muốn lòng thương xót chứ không phải hy lễ!

Nhưng như vậy dụ ngôn này có còn nói gì với chúng ta không, vì đâu chúng ta còn muốn nghĩ như biệt phái? Thiết tưởng chúng ta vẫn còn có thái độ dửng dưng đứng ngoài niềm vui lớn lao của lòng Chúa thương yêu. Người vẫn tiếp tục kêu gọi và đón nhận những phường thu thuế và tội lỗi, tức là những phần tử xã hội ít được thiện cảm của chúng ta. Người vẫn rộng rãi với họ. Hội Thánh gồm một phần lớn những người như họ. Chúng ta chưa biết chung vui với họ như Chúa đang tỏ lòng quảng đại với họ, khiến trái tim chúng ta chưa giống như trái tim Chúa. Và vì vậy sự thánh thiện của chúng ta cũng chưa có gì đáng kể. Do đó chúng ta hãy nghe Lời Chúa, nhìn anh em đang đến với Chúa trong mùa Chay. Chúng ta hãy nhập hội tham gia, nếu chưa muốn khá hơn nữa là còn đi rao giảng Tin Mừng cứu độ cho anh em như lời Phaolô hôm nay viết.

 

3. Sứ Vụ Hòa Giải

Thánh tông đồ biết rằng: ai ở trong Chúa Kitô thì là tạo thành mới; cũ đã qua đi và mới đã thành sự. Những lời này trở nên ý nghĩa biết bao trong thánh lễ hôm nay, sau khi đã đọc bài Cựu Ước viết về việc con cái Israen đã được chuyển sang một đời sống mới hoàn toàn sánh với những năm tháng lang thang du mục qua sa mạc. Dân cũ đã phải lao nhọc biết bao để vượt qua được nếp sống cũ và đi vào cuộc sống mới. Ðang khi ấy, nhờ Chúa Kitô, ai kết hợp với Người thì đều trở thành tạo vật mới. Trước đây tội lỗi và ở dưới chế độ thù địch với Thiên Chúa nay họ được trở nên thánh thiện và sống đời làm con yêu dấu của Người. Mọi sự đó đều do Thiên Chúa, vì Người đã thương giảng hòa ta lại với chính Người nhờ Chúa Kitô. Và một lần nữa chúng ta lại thấy lòng thương xót bao la của Thiên Chúa và của Ðức Giêsu Kitô. Lòng thương của người Cha trong bài Tin Mừng đã lớn, nhưng sánh với lời Phaolô viết dưới đây về lòng thương thật sự của Thiên Chúa, chúng ta khó có thể hiểu nổi.

Quả vậy: "Ðấng không hề biết tội thì với ta, Thiên Chúa đã cho làm thành sự tội để trong Ngài ta được trở thành sự công chính của Thiên Chúa". Phaolô có ý nói đến việc Ðức Giêsu Kitô tuy vô tội, nhưng đã chấp nhận mang lấy mọi tội của chúng ta lên cây thập giá theo lệnh của Chúa Cha, để nhờ đó chúng ta được khỏi tội. Lẽ nào chúng ta không biết cảm mến một tình thương như vậy? Chúng ta hãy lo làm hòa lại với Thiên Chúa trong mùa Chay này. Chúng ta hãy chạy đến tòa cáo giải để trút bỏ tội lỗi trên cây thập giá Ðức Kitô và đóng đinh xác thịt vào thánh giá của Người, để ơn công chính hóa lại được ban cho chúng ta. Chúng ta lại trở thành tạo vật mới, có thể cử hành lễ Vượt Qua như con cái Israen ngày trước. Và cho được như vậy, chúng ta hãy nghe lời Hội Thánh rao giảng trong mùa Chay này. Ðây là sứ vụ hòa giải, Thiên Chúa đã trao cho Hội Thánh. Chính Người khuyên bảo, khi Hội Thánh rao giảng vì Hội Thánh chỉ thay mặt Ðức Kitô và tiếp nối sứ mạng của Ngài mà bài Tin Mừng hôm nay đã cho thấy Ngài tha thiết với việc tội nhân trở về như thế nào.

Vậy nếu chúng ta muốn chia sẻ thật sự lòng thương xót của Chúa như các bài Kinh Thánh hôm nay cho biết, chúng ta phải tiếp tay và cộng tác với Hội Thánh trong sứ vụ hòa giải. Chúng ta làm thế nào để nhiều người và hết mọi người trở về với Chúa trong mùa Chay này: có bao nhiêu thói quen xấu trong xã hội mà chúng ta có thể xa tránh hoặc dẹp đi để giáo xứ và gia đình chúng ta trong mùa Chay này tỏ ra thánh thiện đạo đức hơn? Và tạo được bầu không khí đông đủ sốt sắng cho những buổi Phụng Vụ trong mùa Chay cũng là một cách mở hội ăn mừng ngày nhiều con cái Chúa trở về với Người.

Ngay giờ phút này đây, chúng ta có thể bắt đầu làm những công việc như thế. Chúng ta tạo cho thánh lễ này một bầu khí như mở hội bằng thái độ tham gia của chúng ta. Chúng ta sốt sắng ca hát, cầu nguyện và thờ phượng với mọi người. Nhất là chúng ta đang quyết tâm trở về với Chúa, đến rước Chúa và yêu mến Chúa nhiều hơn. Ðang khi ấy chúng ta thêm cảm tình và lòng mến đối với anh em. Chúng ta nhận biết nhau nhiều hơn mọi khi và nhất là nếu có thể được thầm hứa sẽ động viên nhau tạo cho mùa Chay này một tinh thần và một bầu khí mới mẻ như của một cuộc vượt qua, một cuộc đổi mới, một thời đại hội trong ý nghĩ giảng hòa với Chúa và với mọi người. Ðược những tâm tình như vậy, chúng ta xứng đáng cử hành thánh lễ Chúa nhật Vui Mừng của mùa Chay.


Gm. Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

LÝ LẼ CỦA CON TIM

Lc 15, 1-3, 11-32

Gp. Vĩnh Long

Pascal đã nói một câu rất nổi tiếng: “Con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không hề biết đến”. Kinh nghiệm cuộc sống cũng nhiều lần chứng minh cho chúng ta thấy rõ điều đó.. Và nhất là trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta vô cùng ngạc nhiên khi thấy cách ứng xử xem ra “không hợp lý” của người cha.

Thật tình chúng ta không thể hiểu nổi những gì mà người cha đã làm cho hai người con của mình, nhất là đối với người con thứ. Từ khi người con thứ đòi chia gia tài, rồi thu gom tất cả những gì được chia, anh ta đã ra đi thật xa để tiêu sài cho thoả tình dục vọng của mình, thì người cha của anh ở nhà đã tính đến chuyện anh sẽ trở về. Vì thế, ông đã may áo mới mua giày mới, sắm nhẫn để dành cho cậu. Ông còn sai người vỗ béo con bê để chuẩn bị cho cái ngày con ông trở về! Theo thói thường thì người làm cha mẹ cũng chuẩn bị chu đáo và hoành tráng như thế để mừng đứa con sắp thành tài, sắp thăng quan tiến chức; chứ ai lại mừng cho một thằng nghịch tử; một đứa con bất hiếu, bất tài bao giờ! Vinh dự gì mà ăn mừng chứ!? Lý trí không hiểu được rồi! Người con lớn không thể hiểu, người con hoang đàng kia cũng không nghĩ đến cái vinh dự mà anh có được trong giây phút hội ngộ ấy. Có thể chính chúng ta cũng không bao giờ chọn cách làm như người cha trong bài Tin mừng hôm nay. Không có ai theo lý trí tự nhiên mà có thể ngờ hay có thể hiểu được suy nghĩ và hành động của người ch này. Chỉ có con tim với lý lẽ riêng của nó mới có thể hiểu được thôi!
Với suy nghĩ hẹp hòi của mình, người anh cả khăng khăng trong đầu là đứa em tệ bạc kia sẽ không bao giờ còn chỗ trong tâm trí của người cha của anh nữa. Anh nghĩ rằng cha của anh đã khai trừ người con trai đó từ lâu rồi. Chính anh cũng không còn coi đứa em kia là em của mình nữa. Điều đó được biểu hiện rõ rệt qua cách nói của anh với cha mình: “Còn thằng con của cha kia”! Theo lẽ công bằng, theo thói thường thì người anh cả không thể hiểu tại sao cha của mình lại hành xử lạ lùng như thế. Đối với anh, đó là chuyện quá bất công! Người cha của anh hành xử như thế là coi thường anh, sỉ nhục anh và làm cho anh quá đau khổ. Quả thật, anh ở gần cha mà hoá ra tấm lòng của anh còn quá xa cha. Anh nghĩ rằng chỉ có anh mới xứng đáng được gọi là con, chỉ có anh mới có đủ tư cách để được cha anh khen tặng và thưởng công vì anh chưa bao giờ làm sai lệnh cha anh, chưa bao giờ anh phí phạm tài sản của cha anh. . . Cái sai lầm trong suy nghĩ của anh là làm việc để được thưởng công, để được trả công theo sự công bằng. Anh ở trong nhà cha mà lại coi mình như là tên đầy tớ không hơn không kém: “đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều chi, thế mà cha chưa bao giờ cho con . . .” Và theo anh, người cha hành động như thế là bất công rồi! Kẻ “có công” mà không được thưởng, không được khen! Còn kẻ đáng bị phạt thì lại được tiếp nhận huy hoàng, được ân “thưởng”. Và như thế là anh đã kết án luôn cha của anh nữa!

Chúng ta hãy xét mình lại xem, hình ảnh của người anh cả có trong lòng chúng ta hay không? Có bao giờ mình nghĩ rằng: “Tôi giữ đạo sốt sắng; tôi đi xem lễ, đọc kinh lần hạt mỗi ngày nhiều chuỗi; tôi làm việc tông đồ hơn ai hết, tôi xông xáo trong mọi sinh hoạt của xứ đạo. . . và như thế là Chúa phải thưởng công cho tôi. Đó là chuyện công bằng. Chỉ mình tôi mới xứng đáng được thưởng công Nước Trời! Và vì suy nghĩ như thế mà ta thấy rất  khó chịu, thậm chỉ “nổi giận” với Chúa  khi thấy người này người kia mới vào đạo hay mới trở lại đạo mà được ơn này, ơn nọ, được mọi người chăm lo cho cái nọ cái khia. . . Đừng bắt Chúa làm theo ý ta. Chúa đã nói: “Cũng như trời cao hơn đất bấy nhiêu thì tư tưởng của Ta cũng trỗi vượt hơn tư tưởng các ngươi như thế” (Is 55,9). Chúng ta cũng đừng coi mình là đấy tớ trong Giáo hội, làm việc để mong hưởng Chúa trả công xứng đáng! Nếu chúng ta đòi hỏi như thế thì chúng ta là kẻ đáng thương hơn ai hết! Khôn ngoan là hãy coi mình là con cái trong nhà. “Mọi sự của cha đều là của con”, còn gì bằng! Người con thì khi thấy cái gì phải làm và cần thiết thì hãy làm, vì mình là con. Nhất là phải biết ý Cha mình, hiểu Cha của mình cho thật nhiều và quyết tâm trở nên giống Cha ngày một hơn!


Đến mình, người con “hoang đàng” cũng hoàn toàn bỡ ngỡ trước cách hành xử “lạ lùng” của Cha. Anh đã chuẩn bị sẵn tâm lý rồi: sẵn sàng chịu mắng một trận tơi tả, thậm chí có thể bị đuổi đi và không cho vào nhà nữa. Anh ta đã chuẩn bị sẵn một “bài diễn văn” dài lắm, hay lắm, xúc động lắm . . . để khi gặp cha là tâu liền. Nhưng anh không ngờ và cũng không hiểu nổi tại sao người cha lại đối xử quá tốt với mình như thế! Cha anh không cần nghe hết những gì anh đã chuẩn bị để nói. Hình như trong ông  chỉ còn là khao khát được gặp lại con, ông “thèm” được ôm con vào lòng và vui sướng phục hồi lại cho con mình những gì nó đã tự đánh mất (mất tình nghĩa với cha, mất tư cách làm con, mất phẩm giá làm người...). Chúng ta cũng cần ở vào vai của người con thứ trong Tin mừng hôm nay để cảm nghiệm được tình thương mà Chúa Cha dành cho chúng ta thế nào!


Người cha trong Tin mừng chính là Thiên Chúa. Ngài cũng là người cha đầy lòng nhân hậu với và rất yêu thương của chúng ta. Ngài yêu chúng ta bằng một thứ tình yêu lạ lùng, mà theo lý trí chúng ta không tài nào hiểu được. Chúng ta chỉ có thể hiểu được Thiên Chúa phần nào khi chúng ta biết đến với Ngài bằng tình yêu. Ta hãy chọn cho mình một tư thế trước mặt Thiên Chúa: làm con hay làm đầy tớ? Dĩ nhiên, ai trong chúng ta cũng muốn làm con của Chúa rồi. Vậy chúng ta đừng nhìn và đừng suy nghĩ về Chúa như ông chủ nữa, nhưng là người cha rất nhân hậu và yêu thương chúng ta. Chúng ta cũng rất cần có một tấm lòng, một cái nhìn giống như Thiên Chúa: yêu thương, tha thứ và sẵn sàng đón nhận mọi anh chị em của mình như Thiên Chúa đã từng yêu thương, tha thứ và đón nhận chúng ta trong những ngày tháng chúng ta lầm đường, lạc lối và đi hoang! Chúa Giêsu vẫn đang mời gọi chúng ta: “Hãy nên hoàn thiện như Cha các ngươi trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48)



NGƯỜI CHA NHÂN HẬU

Lc. 15, 1- 3. 11- 32

Gp. Vĩnh Long

Thiên Chúa luôn đối xử nhân hậu với loài người. Từ thuở ban đầu, Ngài đã tạo dựng và thông ban cho con người sự sống thần linh. Sau khi con người sa  ngã, Ngài hứa ban Đấng Cứu Thế để phục hồi tình trạng nguyên thủy. Trong chương trình cứu chuộc đó, Ngài đã lập dân riêng là Israel, ban truyền lề luật yêu thương và cứu dân Israel  khỏi cảnh nô lệ Ai Cập mà đưa về Đất Hứa… Nhất là Ngài đã cho Con Một mình xuống thế chuộc lại lỗi lầm cho loài người. Mặc dù loài người hay ương ngạnh nhưng Chúa lại sẵn sàng nhận làm con và đối xử hết sức quãng đại với chúng ta. Dụ ngôn người cha nhân hậu là một minh họa cho tình thương vô bờ đó.


Người cha có hai đứa con. Đứa con thứ thì bỏ nhà, bỏ cha đi xa, ăn chơi phung phí hết tiền của, trở thành kẻ làm mướn, kẻ nô lệ, thiếu ăn thiếu mặc, hèn mạc đến độ muốn được ăn đồ của heo cho đầy bụng mà người ta cũng không cho. Lúc đó, anh mới nhận ra là mình sai lầm và tự nhủ: những người làm công nhà cha mình còn được đối xử rất tử tế, còn bản thân anh bị người ta coi như đồ bỏ đi, không quý bằng heo cúi của họ. Và anh đã trở về với 1 câu nói chuẩn bị sẵn: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”. Xem ra anh trở về vì lý do cái ăn cái mặc, hơn là vì nhận ra tình thương của cha. Và anh sợ rằng cha sẽ không chấp nhận việc anh trở lại làm con, nên anh chỉ mong làm đầy tớ. Thế nhưng, khi anh trở về thì thật quá sức tưởng tượng của anh. Người cha lúc nào cũng nhớ thương anh, mong chờ anh, sẵn sàng đón nhận anh. Có lẽ người cha hằng nhắc anh trước mặt mọi người và chuẩn bị quần áo, giày, nhẫn, bê béo… để khi anh về thì có sẵn những thứ đó.


Với tình thương vô điều kiện của người cha, đứa con đi hoang đã thật sự cảm động và cảm thấy thương mến cha mình thật sự. Nhờ tình thương vô biên của cha, anh đã được cảm hoá và nhận biết tình cha đối với mình. Mặc dù anh là người tội lỗi nhưng từ lúc đó anh đã hoàn toàn biến đổi, anh cảm thấy hạnh phúc vô vàn trước tấm lòng của người cha và tình yêu xoá tan mọi lỗi lầm.


Tuy nhiên, hậu quả của việc bỏ nhà đi hoang phung phí tiền của đã là nguyên cớ gây sứt mẻ tình anh em. Khi anh trở về thì người anh cả không chấp nhận được, nhất là khi thấy cha hậu đãi em mình. Anh cảm thấy ganh tỵ và có phần bực tức: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”. Điều này cho thấy, hoá ra, bao năm qua anh ở nhà, gần gũi cha, nhưng lại không cảm nghiệm được tình cha yêu thương mình. Vì vậy, anh không thấy hạnh phúc.


Người con cả đại diện cho luật sĩ và biệt phái, kẻ xưng mình là đạo đức. Đối với anh thì điều anh cậy dựa vào là việc giữ luật nghiêm ngặt, và công cán chứ không phải cậy vào tình thương của cha, nên lúc nào anh cũng cảm thấy bực tức với em, bất bình với lòng quãng đại nhân từ của cha. Chính lúc đó, anh lấy mình làm chuẩn mực phán xét, kết án kẻ khác và xét đoán cả Thiên Chúa là cha. Anh cũng lỗi phạm đến tình thương của cha. Nhưng cha luôn kêu mời và như năn nỉ anh hãy nghĩ lại và nhận ra tình thương của cha




tải về 0.57 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương