Lc 15,1 11-32 14-03-2010 lòng thưƠng xót của thiên chúa lm. Px vũ Phan Long, ofm 02


Màn thứ nhất: Người cha chia gia tài



tải về 0.57 Mb.
trang5/9
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích0.57 Mb.
#19782
1   2   3   4   5   6   7   8   9

1. Màn thứ nhất: Người cha chia gia tài

Theo luật của người Do thái, người cha không được tự do phân chia gia tài mình tùy ý thích, đứa con cả đương nhiên được hai phần ba, đứa con thứ một phần ba (Đnl 21,1). Theo phong tục của nhiều dân tộc, người con chỉ được phép chia gia tài khi người cha đã chết. Cha còn sống mà đòi chia gia tài, chẳng khác nào muốn nguyền rủa cho cha chết sớm ! Nhưng đứa con thứ bất hiếu trong dụ ngôn này đã đòi cha chia gia tài sớm. Nó làm thế như có ý nói: “Cha hãy cho tôi ngay bây giờ phần gia tài mà trước sau gì tôi cũng được lãnh khi cha chết, và hãy để tôi đi ra khỏi nhà này”.


Người cha không tranh luận gì, ông muốn tôn trọng sự tự do của nó. Ông cũng hiểu rằng nếu con ông cần được một bài học thì nó phải có một bài học đắt giá, và ông đã chia gia tài cho nó. Tức khắc đứa con lấy phần riêng của nó và bỏ nhà ra đi.




2. Màn thứ hai: Đứa con thứ ra đi và trở về

Nhận được phần gia tài rồi, hắn lên đường đi đến một phương xa, chơi bời trác táng, giao du với những quân du côn, với những cô gái đĩ điếm. Tiêu xài như thế thì đến núi cũng phải lở. Chẳng bao lâu hắn đã tiêu xài hết tiền của, đồng thời nạn đói cũng xẩy ra tại miền ấy. Hắn phải đi kiếm việc làm cho qua ngày, nhưng tìm được việc làm đâu có dễ, hắn chỉ xin được chăn heo, mà đối với người Do thái chăn heo là một điều xấu hổ, mất phẩm giá, vì heo là một con vật ô uế (Đnl 14,8).


Sống trong cảnh nhục nhã và túng thiếu đến cùng cực, hắn mới hồi tâm lại: ở nhà cha tôi thiếu gì của ăn, đến đứa đầy tớ cũng còn thừa cơm bánh, còn tôi ở đây thì phải cùng cực, muốn ăn cám heo người ta cũng không cho ăn. Ở trong hoàn cảnh này thì vô phương giải quyết, chỉ còn cách trở về kiếm miếng cơm cho khỏi chết. Hắn nghĩ thế này: tôi sẽ trở về xin lỗi cha và chỉ dám xin cho ở nhà cha với phận mọn là đứa tôi tớ thôi, đâu dám nghĩ đến chuyện được nhận lại làm con. Nhưng làm một tên nô lệ mạt trong nhà, một tên đầy tớ ở thuê, một tên lao động công nhật trong nhà cha, theo một nghĩa, thì nô lệ là một phần tử trong gia đình, nhưng đầy tớ ở thuê thì có thể bị đuổi sau khi chủ báo trước một ngày vì nó không thuộc về gia đình chút nào.


Sau khi đã suy nghĩ rất hung, hắn lên đường trở về, và mọi điều dự đoán của hắn đều sai hết. Thánh Luca đã mô tả: ”Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói: ”Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng đáng gọi là con cha nữa…” Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ”Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! Vì con tay đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Và họ bắt đầu ăn mừng.




3. Màn thứ ba: Người anh cả giận dữ

Đáng buồn thay, khi về đến nhà thấy người ta đang liên hoan ăn mừng người con thứ đã trở về, người anh cả giận điên lên không chịu vào nhà. Anh không chịu vào nhà vì anh không thể tha thứ cho người em lầm lỡ. Anh không chịu vào nhà vì anh sợ quyền lợi của anh bị xâm phạm. Anh không chịu vào nhà vì anh không thể hiểu được tấm lòng nhân hậu của người cha.


Hóa ra, bấy lâu nay anh sống trong nhà cha mà như ở bên ngoài: anh không trái lệnh cha chỉ để làm tròn bổn phận chứ không phải vì yêu mến cha. Anh không hề gọi người em mình là “em tôi” mà là “thằng con của cha kia”. Anh không cảm thông với người em lầm lỡ, cũng không chia sẻ nỗi khổ của người cha mất con. Anh ta là người tự tôn, sẵn sàng đạp kẻ nào đã ngã xuống rãnh bùn hôi thối càng ngã sâu hơn nữa.




II. BA MÀN KỊCH ĐỐI VỚI CHÚNG TA


1. Thiên Chúa giầu lòng thương xót

Thiên Chúa là người cha giầu lòng thương xót, chỉ biết thi ân giáng phúc muôn vàn cho con người một cách quảng đại và bao dung tha thứ, và rất tôn trọng con người hơn những người cha tôn trọng tự do con cái. Ngài không thẳng tay trừng phạt, chỉ biết nhẫn nại chờ đợi đứa con trở về. Vừa khi thấy nó trở về, Ngài chạy lại ôm chằm, hôn nó một hồi lâu, không cần nghe nó xin lỗi, vì nó trở về chỉ vì thống khổ, không sống được nữa, nó chỉ mong về được ăn cho no, thoát khổ, thoát chết.

Thái độ của người cha thật tuyệt vời, ông không để cho nó kịp mở miệng xin làm đầy tớ. Ông đã lên tiếng trước. Chiếc áo dài tượng trưng cho việc được tôn trọng, chiếc nhẫn tượng trưng cho quyền bính, vì nếu ai cho kẻ khác chiếc nhẫn ấn tín của mình thì cũng như ủy quyền cho người đó thay thế mình. Đôi giầy là dấu hiệu làm con khác với nô lệ vì con cái trong gia đình mới mang giầy, còn nô lệ thì không. Và một yến tiệc được bầy ra để mọi người ăn mừng đứa con đi hoang nay đã trở về nhà cha.

Ta thường gọi dụ ngôn này là dụ ngôn “đứa con hoang đàng”, nhưng có lẽ phải gọi là dụ ngôn “Người cha nhân hậu” mới đúng, vì nó cho ta biết về tình yêu của người cha hơn là về tội của người con.


Người cha hẳn đã mỏi mắt trông chờ đứa con trở về nhà, vì ông trông thấy con từ đàng xa. Khi con gặp cha thì cha liền tha thứ cho con và không một lời trách móc. Có nhiều cách tha thứ, có sự tha thứ được ban cho như một ân huệ, và tệ hơn nữa là khi một kẻ nào đó được tha thứ nhưng bao giờ cũng kèm theo một dấu hiệu, một lời nói, một ngăm đe rằng tội người ấy vẫn còn giữ đó.Hôm nay đứa con đi hoang biết mình đáng bị trừng phạt. Do đó, nếu người cha trừng phạt thì nó cũng sẵn sàng chịu đựng. Lòng nó nhẹ đi. Nhưng nó không vui. Chính sự tha thứ của người cha mới đem lại cho nó niềm vui thực sự.




Truyện_:_Tổng_thống_Abraham_Lincoln.'>Truyện: Tổng thống Abraham Lincoln.

Một lần kia, Lincoln được hỏi ông sẽ đối xử thế nào với quân phiến loạn miền Nam, khi họ thua trận và trở lại liên hiệp với Hoa kỳ ? Người hỏi câu ấy nghĩ rằng ông sẽ báo thù họ ghê gớm, nhưng Lincoln trả lời: ”Tôi sẽ đối xử với họ dường như chưa bao giờ họ ly khai với chúng tôi”.


Đây là một dụ ngôn có tầm vóc thần học. Dụ ngôn của ân huệ Chúa ban cho con người. Dụ ngôn về tình yêu nhưng không Cha ban cho mọi người, dầu tội lỗi mấy đi nữa. Cha muốn họ tham dự niềm vui, muốn mời gọi họ khám phá ra tình huynh đệ chân chính. Làm sao không nhìn ra qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn trao tặng cho chúng ta bí mật trong cách cư xử và đời sống của Ngài ? Ngài là người Con được Cha sai đến loan báo sự hòa giải cho các tội nhân. Đó là những người mà Đức Giêsu khắc họa hình ảnh nơi người em và đó cũng là những người được mời gọi nhận ra chính mình nơi hình ảnh của người anh (Fiches dominicales).




Truyện: Đứa con hoang đàng của Phật giáo.

Trong giáo lý nhà Phật cũng có câu chuyện gọi là “Dụ ngôn người con hoang đàng”. Câu chuyện kể về một người con bỏ cha, lên đường đi đến một nơi xa xôi sinh sống theo sự tự do phóng khoáng của mình. Vì ăn chơi thái quá anh trở nên nghèo khổ. Người cha ở nhà, sau bao năm tháng chờ đợi không thấy con trở về, đành lên đường đi tìm con. Sau nhiều năm tìm kiếm, hỏi han, người cha đã tìm ra được tung tích của người con mình. Nhưng người con lại không thể nào nhận ra được cha nó, một ông già đầy quyền lực và cao sang. Người con vẫn tiếp tục từ chối và lẩn trốn. Người cha rất đau lòng để con mình lẩn trốn như vậy, nhưng ông ra lệnh cho gia nhân theo dõi cậu, mướn cậu vào nhà làm việc cho ông. Sau đó, người cha vứt bỏ quần áo sang trọng, ngọc ngà của mình đi, đóng vai một người đầy tớ để có cơ hội gần gũi và chinh phục người con. Qua nhiều năm thân thiết người cha đã chinh phục được trọn vẹn tình cảm của cậu. Sau cùng vào cuối đời, người cha mới tiết lộ cho biết anh là con của ông và được quyền thừa kế tất cả gia tài của cha để lại.(Nguyễn văn Thái, Sống lời Chúa giữa dòng đời, năm C, tr 128)


Câu chuyện này không khác gì lịch sử cứu độ của Thiên Chúa đối với loài người. Thiên Chúa luôn yêu thương tìm kiếm con người. Còn con người cứ lẩn trốn, để rồi sau cùng, Thiên Chúa phải sai Con Một xuống thế, làm người đầy tớ đau khổ (Is 53,10-12), dùng cái chết của mình để thuyết phục và nói cho con người biết chức vị làm con cái Thiên Chúa của mình với quyền thừa kế hạnh phúc đời đời trên Nước Trời (Ga 3,16-17).




2. Người con di hoang đã mất nay lại tìm thấy

Người con thứ được xác định là một tay ăn chơi trác táng… Nhưng khi đã hết nhẵn tiền thì anh mới cảm thấy hối tiếc cho bản thân mình. Nỗi đau của bản thân khiến anh nhận ra được nỗi đau mà anh đã gây ra cho người cha của anh. Do đó, anh tự nhủ “Tôi sẽ trở về với cha tôi, và xin lỗi người”. Đây là một quyết định can đảm vì đã thất bại và còn vác mặt về mà xin lỗi thì thật là xấu hổ.


Đúng thế, thật dễ dàng trở về nhà, khi bạn là một người anh hùng, với chiến công và vinh quang. Nhưng đứa con hoang đàng không có một chiến công nào để đem về cho anh, anh không hề có thành quả nào, để nhờ đó, anh xứng đáng được khen ngợi, đón tiếp và yêu thương. Anh đang trở về nhà, với đôi bàn tay trống rỗng. Tệ hơn nữa, anh đang trở về nhà, lòng nặng trĩu xấu hổ và nhục nhã.

Nhưng thật ngạc nhiên, khi người cha nhìn thấy anh trở về đang tiến lại với ông, ông liền chạnh lòng thương, và một phút sau đó, cha con đã ôm chầm lấy nhau. Người cha đã không chỉ chấp nhận cho anh trở về, mà còn đón tiếp anh nữa. Tất cả tội lỗi của anh đều được tha thứ.

Phát hiện vĩ đại nhất mà người con hoang đàng đã nhận ra đó là anh vẫn được yêu thương, trong tình trạng tội lỗi của anh. Người cha không bao giờ ngừng yêu thương anh. Trong tấm lòng nhân hậu của người cha, anh luôn đuợc yêu thương, đó không những là một điều tốt, nhưng khi vẫn được yêu thương ngay trong tình trạng tội lỗi, thì quả là một cảm nghiệm tuyệt vời.


Sự tha thứ của Thiên Chúa không phải là sự tha thứ lạnh lùng, nửa vời, nhưng là sự tha thứ nồng ấm và quảng đại. Thiên Chúa không chỉ tha thứ cho chúng ta, mà Ngài còn yêu thương chúng ta, và để cho chúng ta nhận biết được tình yêu thương đó (McCarthy).


“Giây phút người con hoang đàng quỳ gối và khóc lóc, anh ta đã biến cảnh lãng phí tài sản của mình bên những cô gái điếm, cảnh chăn heo và thèm khát những thức ăn của heo, trở thành những giây phút đẹp đẽ và thánh thiện trong cuộc đời của mình. Hầu hết mọi người khó mà thấu hiểu được ý tưởng đó. Tôi dám nói rằng người ta phải chịu cảnh tù tội, thì mới thấu hiểu được điều đó. Nếu như vậy, thì có thể thời gian sống trong tù thật đáng giá”(Oscar Wilde).




Truyện_:_Chúa_quên_hết_tội_rồi'>Truyện: Chúa quên hết tội rồi

Một bà già thường đến gõ phòng cha xứ, kể cho ngài nghe rằng đêm qua Chúa mới hiện ra với bà. Để làm bà nản lòng đừng đến nữa, Cha xứ bảo:”Lần sau nếu Chúa có hiện ra, bà hãy hỏi Ngài “Cha xứ con có tội gì nặng nhất ? sau đó tới kể cho tôi nghe”. Mấy ngày sau, bà già không đến nữa. Cha xứ mừng thầm vì bà đã trúng kế của Ngài. Nhưng một tuần sau đó, bà già trở lại.



  • Thưa cha, tối hôm qua Chúa lại hiện ra với con.

  • Thế bà có hỏi Ngài không ?

  • Thưa có chứ.

Cha xứ bắt đầu hồi hộp:

  • Bà hỏi thế nào ?

  • Thì con hỏi y như Cha đã bảo: ”Cha xứ con có tội gì nặng nhất” ?

Cha xứ càng hồi hộp thêm:

  • Vậy Chúa có trả lời không ?

  • Có chứ.

Bây giờ thì cha xứ lo lắng thật sự:

  • Chúa nói sao ?

  • Chúa nói: ”Ta đã quên hết rồi.

Cha xứ thở phào nhẹ nhõm.

(Kể theo ĐHY PX Nguyễn văn Thuận)


3. Người anh cả bất hợp tac

Người anh cả trở về nhà và anh thực sự buồn rầu vì em của anh đã trở về. Người anh cả đại diện cho các giáo sĩ Do thái tự kiêu, tự mãn, họ thà xem thấy tội nhân bị tiêu diệt hơn là được cứu. Anh ta trách em về những lầm lạc của nó. Đây là một dấu chỉ cho thấy anh ta không hiểu lòng tốt của cha. Bao lâu anh này còn quá tự tín vào bản thân và những công trạng của mình, ganh ghét và khinh bỉ, đầy chua xót và giận dữ, không hoán cải và giao hòa với cha và với em mình, thì bàn tiệc chưa thể hoàn toàn là bữa tiệc liên hoan mừng cuộc gặp gỡ và tái ngộ.


Thái độ của người anh cả đối với người em trai phản ảnh lại thái độ của người biệt phái đối với tội nhân. Mặc dù là những người rất đạo đức, nhưng họ vẫn cho rằng tội lỗi xứng đáng bị kết án hơn là cứu độ. Nhưng lòng đạo đức có công dụng gì, nếu nó không làm cho người ta trở nên thương cảm hơn đối với những kẻ bị sa ngã ? Nếu chúng ta tự nhận thấy mình thông cảm với người anh cả, thì điều này càng chứng tỏ rằng tính cách người biệt phái đó đang ở trong chúng ta. Người anh cả này ghen tức chỉ muốn ông bố giết quách đứa em đi cho bõ ghét, không thể tha thứ được.




Truyện: Người cha giết con

Nhà truyền giáo T.R. Stevenson ở Thượng hải kể: một thương gia giầu có ở Quảng đông có hai con trai. Người con lớn thường kết bè tụ đảng với bọn bất lương phá phách xóm làng. Một lần, quá túng, hắn dẫn cả một băng về cướp ngay tại nhà mình. Khi tội hắn bị lộ, người cha cho người đến nói với hắn: nếu biết đường cải tà qui chính thì sẽ được tha. Người nhắn còn bảo đây là lần gia ân cuối cùng của ông chủ. Hắn chầm chậm đứng lên và quay về nhà cha. Một bữa tiệc đón tiếp xem ra cũng vui vẻ, nhưng trong đĩa thức ăn của hắn có bỏ thuốc độc. Hắn chết ngay đêm đó, nhưng người cha không bị ra tòa vì theo luật Trung hoa, cha có quyền giết con.

Từ câu chuyện này, các nhà truyền giáo thường đem đối chiếu với đoạn 15 Tin mừng theo thánh Luca mà chúng ta đọc hôm nay.

Suy nghĩ về dụ ngôn này, chúng ta dễ cảm thông với người con hoang đàng và dễ lên án thái độ cố chấp của người anh cả. Nhưng rồi sự suy nghĩ ấy lại đưa chúng ta đến một suy nghĩ khác:



Nói người phải nghĩ đến ta

Suy đi nghĩ lại hóa ra chính mình.

Người cha có hai người con: người con đây là ai ? Và đứa con hoang đàng chỉ ai ? Các nhà chú giải không đồng ý kiến. Các nhà chú giải thời xưa cho rằng: người con cả chỉ người Do thái, con hoang đàng chỉ dân ngoại. Ngày nay quan niệm đó hầu như bị bỏ, mà còn hai ý kiến sau đây:



  • Một ý kiến cho rằng: con cả chỉ người biệt phái, con hoang đàng chỉ tội nhân. Người biệt phái lẩm bẩm kêu trách Chúa vì thái độ đối với tội nhân.

  • Ý kiến thứ hai cho rằng: con cả chỉ người lành, con hoang đàng chỉ tội nhân. Kẻ lành không hiểu được thái độ Chúa đối với tội nhân trở lại.

Xem chừng người ta nghiêng về ý kiến thứ nhất.

Chúng ta là hạng người nào ? Dầu là anh cả, dầu là đứa con hoang đàng, tất cả đều phải sám hối, đều phải trở về, đừng cứng lòng trước ơn Chúa. Trong cuốn Au Gré de Sa Grâce, linh mục André Louf có đề cập đến không những kẻ tội lỗi cứng lòng (pécheurs endurcis) mà còn những người ngay chính (justes endurcis) cũng cứng lòng nữa. Người con hoang đàng là hình ảnh của những người tội lỗi, còn người anh cả có thể là hình ảnh của những người ngay chính cứng lòng. Người tự coi mình công chính, đạo đức mà cứng lòng và tự mãn thì thật khó mà sám hối, trở về.


Có lẽ thái độ của người anh tự coi mình công chính và ganh tị là hình ảnh gợi cho tất cả chúng ta, những người cảm thấy mình làm mọi sự đều đúng, đều tốt đẹp và đạo đức. Chúng ta biết mình là người tốt nên dễ dàng phê phán những người khác. Chúng ta đã mang trong mình tự mãn vì nghĩ rằng Thiên Chúa đang ngự trị trong đời sống của mình.


Chúng ta đã ở vào giữa Mùa Chay, chỉ còn một thời gian nữa là đến lễ Phục sinh. Mùa Chay là mùa được kêu mời trở lại, chúng ta hãy can đảm nhận khuyết điểm, sai phạm của mình, để mạnh dạn trở về cùng Chúa, cùng Giáo hội của Ngài. Thiên Chúa nhân từ trong vai người cha nhân hậu và yêu thương hôm nay, bảo đảm cho sự lầm lỗi của con người yếu đuối, sẽ được tha thứ. Ngài là Cha của tất cả mọi người, Ngài đang chờ đợi từng người một trở về. Đừng nghĩ rằng tội lỗi mình quá nặng, nên không thể giao hòa với Chúa. Cũng đừng cho rằng ân sủng của Chúa không đủ để phục hồi tội lỗi của mình. Hãy thống hối, hãy trở về, sẽ được thứ tha hết mọi lỗi lầm lớn nhỏ. Hãy tạ ơn Chúa, vì tạ ơn là có khả năng ý thức mình là kẻ có tội, và từ đó tập chú vào lòng yêu thương tha thứ của Thiên Chúa.



Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

ƠN CHA

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Khi nói về tình yêu và sự hy sinh của một người cha, người ta thường ví von như biển cả bao la, như cây cao bóng cả, như núi cao vời vợi. Một tình yêu không vồn vã nhưng trầm lắng và rộng lớn bao la. Một tình yêu không cần diễn tả bằng lời, không cần biểu lộ bằng những cử chỉ trìu mến thân thương, đôi khi tỏ ra cương quyết nhưng lại là chỗ dựa vững chắc nhất cho con cái vào đời.


Tình thương và tấm lòng người cha như thế, đã được ca sĩ Ngọc Sơn diễn tả qua bài hát “Ơn Cha” như sau:



Ơn Cha như Thái Sơn cao bao tầng

Ngoài tuy cương quyết mà lòng thương mến

Ơn Cha như đuốc soi cao trên đường

Đuốc soi tâm hồn dắt con tìm hướng

Ơn cha như bóng cây xanh trên ngàn

Tình Cha tha thiết, lòng cha âu yếm

Ơn Cha như mái hiên che năm trường

Gió mưa xa gần, nắng mưa không sờn.

Vâng, chính tình thương mênh mông biển cả của người cha luôn phủ lấp cuộc đời của những người con, là hành trang theo con vào đời, là kỷ niệm luôn ghi khắc trong tim của những người con, đến nỗi có nhiều người vẫn thầm hát với cha rằng:

Mai con lớn lên rồi

Ra đi tung cánh trong đời

Dù xa vô bờ vẫn nhờ đến tình mẹ cha”.

Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cùng chiêm ngưỡng tình yêu của Thiên Chúa tựa như tình của một người cha trong gia đình. Một người cha có hai con. Hai đứa con hai cách sống. Hai đứa con hai mối bận tâm của cha. Mỗi đứa mỗi tính. Vì cha mẹ sinh con trời sinh tính. Cha yêu thương cả hai. Nhưng cả hai xem ra đều phụ lòng cha. Người con cả chăm chỉ, cần cù nhưng lại tham quyền, tham lợi. Con người anh còn thiếu lòng độ lượng biểu lộ qua việc hay ganh tỵ và đòi hỏi quyền lợi. Anh đã từng thốt lên rằng: “Cha coi, đã bao năm nay con hầu hạ Cha, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy một con bê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con cha kia, sau khi nuốt hết của cải của cha với bọn đĩ điếm, nay trở về, cha lại cho con bê béo ăn mừng”.


Người con thứ thuộc loại “bán trời không văn tự”. Anh đã hoang phí cả gia sản lẫn cuộc đời đến bạc nhược tinh thần và thể xác. Cuộc đời anh chỉ tìm kiếm những thoả mãn xác thịt tầm thường. Thích ăn ngon, mặc đẹp và vui thú bên những cô gái chốn lầu xanh. Cuộc sống thác loạn đã làm cho anh tan gia bại sản, thân xác tiều tụy, anh chỉ còn biết chăn heo để sống qua ngày.


Cha vẫn im lặng. Sự im lặng này không đồng nghĩa với việc đồng ý cách sống của hai con. Cha im lặng vì tôn trọng tự do của hai con. Tự do để chọn lựa. Tự do chọn lựa là nét đẹp cao qúy của con người mà không một loài nào có được ân huệ đó. Có chọn lựa nên vẫn có sai lầm. Có chọn lựa nên vẫn có nuối tiếc. Nuối tiếc vì chọn sai, vì lầm lạc. Cha không kết án ai. Cha không muốn mất đi bất kỳ người con nào. Khi người con thứ ra đi. Cha hằng ngày mong ngóng chờ con trở vể. Chỉ cần nó trở về là cha đã quên hết quá khứ tội lỗi của nó rồi. Khi người con cả bộc lộ bản tính thật của mình.

Coi con bê béo hơn cả tình cảm cha con và tình nghĩa anh em. Cha vẫn từ tốn, dịu ngọt với anh. Cha muốn anh hãy vui với phận mình, và nhất là hãy vui vì luôn được sống trong tình thương của cha. Hai người con trong phúc âm dường như vẫn lúc ẩn lúc hiện trong con ngừơi chúng ta. Chúa cho chúng ta được tự do thừa hưởng một gia sản rất qúy báu và phong phú đó chính là sự sống làm người. Thế nhưng, có những lúc chúng ta đã hoang phí cuộc đời trong những đam mê lầm lạc, trong những vui thú mau qua. Có những lúc chúng ta thường hay xét nét, ganh tỵ và đòi hỏi Chúa trả công cho chúng ta. Có những lúc chúng ta thất vọng chán chường vì yếu đuối lầm lỗi. Có những lúc chúng ta vì những con bê béo là danh lợi thú mà quên cả tình nghĩa cha con. Chúa vẫn không chấp nhất tội chúng ta. Chúa không kết án chúng ta. Chúa vẫn im lặng. Chúa mong chúng ta sớm nhận ra tình thương của Chúa để hồi tâm trở về cùng Chúa. Sự chờ đợi của Chúa là vô tận. Tình thương của Chúa là vô biên. Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi và rộng lòng tha thứ hết mọi lỗi lầm của chúng ta.

Mùa chay mời gọi chúng ta hãy chọn lựa lại cách sống sao phù hợp với đạo lý làm con cái của Chúa. Hãy tập sống trong sự quan phòng, xếp đặt của Chúa. Hãy tin tưởng phó thác cậy trông vào Chúa để chúng ta luôn vui với phận mình. Nhất là hãy biết noi gương Chúa để xót thương kẻ cơ hàn và lấy lòng nhân hậu mà đối xử tốt với nhau. Nguyện xin Chúa là Đấng giầu lòng thương xót và từ bi luôn gìn giữ chúng ta trong hồng ân của Chúa và giúp chúng ta luôn sống theo tinh thần của phúc âm: mến Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình. Amen



Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

TRỞ VỀ

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Từ thời cha ông các ngươi, các ngươi đã trệch xa và không tuân hành các chỉ thị của Ta. Hãy trở lại với Ta và Ta sẽ quay lại với các ngươi. - Chúa các đạo binh phán. Các ngươi nói: "Chúng tôi sẽ trở lại thế nào?"(Malaki 3:7).


Có một người giáo dân vẫn thường đi tham dự thánh lễ hằng tuần, bỗng dưng ông ngưng. Sau vài tuần, cha xứ quyết định đến thăm ông. Vào một chiều mùa Đông giá lạnh. Cha xứ gặp ông ở nhà cô đơn một mình đang ngồi trước lò sưởi. Đoán được lý do cha xứ tới thăm, ông đón chào cha và mời cha ngồi xuống ghế cạnh lò sưởi và chờ đợi. Cha xứ ngồi thoải mái nhưng không nói chi cả. Sự im lặng sâu lắng, cha ngồi ngắm nhìn ngọn lửa bập bùng nơi các cục than cháy đỏ. Sau vài phút, cha lấy đồ gắp than và cẩn thận gắp một cục than đỏ hồng trong lò và đặt nó trơ trọi bên cạnh lò rồi ngài ngồi ngả lưng vào thành ghế, tiếp tục im lặng. Chủ nhà ngồi suy nghĩ nhìn ngắm ngạc nhiên. Cục than trơ trọi đã lịm tắt và tan biến thành bụi tro. Ngay sau đó, chủ nhà nói với cha xứ rằng: Thưa cha, con hiểu rồi. Con sẽ trở lại đi tham dự thánh lễ hằng tuần.




1. Khúc Quẹo Cuộc Đời

Chúng ta có thể bị đi lạc bởi những bảng chỉ đường hoặc những hướng dẫn sai lầm của người khác. Chúng ta cũng có thể đi lầm lạc do chính lỗi của chúng ta, cũng có khi do sự tự mãn của riêng ta. Kinh nghiệm trong đời, trong khi lái xe đi hành hương nơi tiểu bang khác, vì muốn tìm đường ngắn hơn và dễ hơn nên chúng tôi đã bị đi lạc đường. Chúng tôi đã mất hết nhiều giờ tìm kiếm nhưng vẫn không tìm được lối ra. Rồi chúng tôi cứ tự an ủi, sẽ có xa lộ gần đây mà, lo gì chứ. Chúng tôi tự tin vào sự hiểu biết ngu ngơ của chúng tôi và không muốn dừng lại hỏi ai khác. Chúng tôi cũng không lắng nghe góp ý của ai nữa. Chúng tôi tự cao tự đại muốn tự mình tìm đường đi. Càng đi lâu, chúng tôi càng lạc xa và lại càng trễ giờ. Sau cùng chúng tôi đành phải dừng lại hỏi người qua đường, rồi cảnh sát và rồi ghé trạm xăng, biết rằng mình đã lạc xa. Chúng tôi đã phải làm một cú U turn trở về. Thật vui khi tìm được hướng đi. Cũng vậy, niềm vui lớn khi chúng ta tìm lại được cái gì đã mất. Phúc âm thánh Luca kể về người đàn bà đã vui mừng biết bao khi tìm thấy đồng bạc bị mất. Đồng bạc tuy nhỏ, không giá trị bao nhiêu nhưng niềm vui của sự tìm thấy lớn gấp trăm lần: Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất (Lc 15:9).


Truyện kể, ngày kia có một ông già nghiện rượu, ngày ngày thất thểu bên đường. Có khi ông say mềm và ngủ bên dọc đường. Gia đình vợ con của ông đau khổ vô ngần. Ông ta hết say, rồi xỉn, đánh đập vợ con và ươn lười trong công ăn việc làm. Gia tài dần lụn bại, hầu như gia đình không còn cơ hội xum vầy vui vẻ. Một hôm, sau khi tỉnh giấc say, ông thấy mình nằm lăn bên vệ đường. Rồi ông nhìn thấy một chiếc đinh cong queo han rỉ nằm ngay bên ống cống. Ông chợt nhớ đến gia đình và cuộc đời của ông. Ông nhặt chiếc đinh cong queo bỏ vào túi. Khi về đến nhà, ông lấy đe và búa ra. Ông đã uốn lại chiếc đinh rỉ sét và làm thành một chiếc đinh mới thẳng thắn. Ông cất nó trong túi áo, để nhắc nhở cho chính ông. Ông đã bỏ uống rượu và làm lại cuộc đời. Ông trở về nhà xin lỗi vợ con và bắt đầu chí thú làm ăn. Bắt đầu vợ chồng xây dựng lại một gia đình hạnh phúc. Chúng ta biết rằng không khi nào trễ, nếu chúng ta biết bắt lại từ đầu.





tải về 0.57 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương