Lc 15,1 11-32 14-03-2010 lòng thưƠng xót của thiên chúa lm. Px vũ Phan Long, ofm 02



tải về 0.57 Mb.
trang7/9
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích0.57 Mb.
#19782
1   2   3   4   5   6   7   8   9

BỨC TRANH HÝ HỌA

Lm. Giuse Đổ Vân Lực, OP

Tự do là giá trị cao cả nhất và vinh dự nhất cho sinh vật có lý trí trên mặt đất này. Ðó là nền tảng xác định con người cao hơn vạn vật Ðó cũng là nguyên nhân sinh ra niềm vui lớn lao nhất cho con người. Nhưng cũng chính vì tự do, con người phải trả giá mắc nhất. Những gì đã và đang xảy ra tại Việt Nam chứng minh hùng hồn nhất.

Ngày xưa, các thánh tử đạo Việt Nam đã lấy mạng sống để chứng minh cho mọi người thấy tự do tôn giáo là một giá trị cao cả nhất và linh thiêng nhất của quyền làm người. Ngày nay, con cháu các ngài lại phải trải qua một kinh nghiệm gần giống cha ông, nhưng ở một chiều kích tinh vi hơn. Tự do trở thành một thứ chiêu bài và công cụ cho đủ mọi thứ thao túng. Việc đập phá tượng Pieta và trù dập phong trào dân chủ vừa qua là một điển hình !

Nhiều người sống bên Mỹ cũng không có cái nhìn khá hơn về tự do. Họ tung hoành trong mọi ngành nghề. Doanh nhân tự do trốn thuế. Người già tự do lợi dụng Medicare, Medicade, An sinh xã hội v.v. Giới trẻ tự do sống buông thả tình dục, nghiện hút, băng đảng v.v.



Ðây là một dịp tìm hiểu ý nghĩa tự do đích thực.

Biểu tượng nổi nhất của tự do buông thả là người con thứ trong dụ ngôn hôm nay. Sau bao năm thơ ấu sống êm ả trong gia đình, cậu sống khá ngoan ngoãn. Chẳng ai thấy cậu có vấn đề gì. Bỗng một hôm, cậu thẳng thắn xin cha chia gia tài (x. Lc 15:12). Ai ngờ cậu đã ấp ủ trong lòng một giấc mơ “tự do” từ bao giờ ! Cậu nhắm đến một chân trời xa thật xa. Xa như giấc mộng dài cậu đang thêu dệt. phương tiện ăn chơi là gia tài kếch sù cậu vừa đón nhận. Khả năng là tuổi trẻ đầy sinh lực. Còn gì tự do hơn !

Nhưng “đời lắm lúc không bằng mộng” ! Vừa lúc anh cháy túi, một nạn đói khủng khiếp ập tới. Họa vô đơn chí ! Giấc mộng còn dài và tuổi trẻ còn sung cũng đành chào thua thời cuộc. Hoàn cảnh quá bức bách. Anh không còn phương tiện để sống còn. Chân anh không đứng vững trên mặt đất nữa ! Tất cả vũ trụ quay cuồng và đảo ngược. Tất cả đều bế tắc. Anh bị dồn vào chân tường. Chỉ còn một lối thoát duy nhất là đổi danh dự lấy mạng sống. Trước kia, anh là người chỉ tay năm ngón. Bây giờ, anh phải cúi đầu trước lệnh truyền ra đồng chăn heo. Giấc mơ bây giờ xuống thấp đến nỗi anh không bằng con heo nữa. Anh sống mà như chết. Tất cả nhân phẩm đã tiêu tan !

Chính tự do đã dẫn anh vào cõi chết ! Người cha cũng đã khẳng định như thế : (x. Lc 15:24, 32). Ðó không phải là tự do đích thực. Anh tưởng tự do là muốn làm gì thì làm. Không phải trả giá cho tự do. Thực tế, anh đã phải trả giá quá đắt cho một chọn lựa sai lầm. Khi bị dồn vào đường cùng, anh mới nhận ra đâu là nơi để anh thực hiện tất cả giấc mộng tuổi trẻ. Ðâu mới là tự do đích thực.

Dĩ nhiên, không phải chỉ những người hư hỏng, mà cả những người con ngoan cũng chưa chắc hiểu tự do là gì. Khung cảnh và hình thức không đủ bảo đảm cho con người có nhận thức đích thực về tự do. Ngay ở trong nhà, người con cả có biết tự do là gì đâu. Anh đã phục vụ với một mục đích hoàn toàn tầm thường vật chất. Anh tự nhốt trong chính mình. Dù được chia gia tài như người em, nhưng anh cũng chẳng biết làm gì với vốn liếng đó. Có lẽ sau khi được chia gia tài, anh đã đem trả lại hết cho cha, hầu được tiếng là con ngoan. Anh vẫn tỏ ra mình “ngon” hơn cậu em. Tới khi thấy cách thân phụ đối xử ngon lành với người em mạt rệp ấy, anh mới thấy lòng khoan dung không đúng với sự công bình ngoài thực tế. Lúc đó, anh mới nói hết sự thật cho bõ ghét ! Anh chưa từng nhỏ rãi trước mùi cám heo như cậu em. Thế nên, anh vẫn thấy những ưu đãi vật chất trong gia đình là chuyện đương nhiên.

Thà một lần đi hoang để biết thế nào là giá trị của tự do, còn hơn “cù lần” như người anh cả tự nhốt mình trong tháp ngà ! Nhưng nếu có một tấm lòng như thân phụ, anh cũng có thể cảm nhận tất cả chiều kích và đường nét tươi đẹp của tự do. Tiếc thay những lời khuyên của thân phụ không đủ sức thuyết phục bằng thực tế ngoài đời dạy cho người con thứ. Tâm hồn anh cả đã khép lại ! Dù cố gắng dùng cả lý lẽ lẫn tình cảm, người cha cũng phải đầu hàng. Anh không thể hiểu và hưởng được niềm vui của tự do đích thực !

Ðúng thế ! Tự do đích thực bao giờ cũng đem lại niềm vui và chân trời rộng mở. Chắc chắn những gì nói với con cả, người cha cũng bộc lộ cho con thứ : “Tất cả những gì của cha đều là của con.” (Lc 15:31) Trong khi người con cả thờ ơ, thì người con thứ như uống từng lời cha vào tận đáy lòng. Lời đó như một tia nắng ấm chiếu sâu vào tận đêm trường giá lạnh của lòng anh. Anh sung sướng vô cùng. Từ nay anh mới thực sự là con người tự do. Có bao giờ anh nghe ai có những lời nói và cử chỉ thân thương như thế trong suốt hành trình xa nhà ? Nhất là khi anh bị vùi dập ngoài chuồng heo, anh đã cảm nghiệm tất cả nỗi nhục nhã và đau khổ của kiếp nô lệ như thế nào ! Anh không được đối xử bằng con vật. Phải xuống tận bùn đen như thế, anh mới thấy quý những gì mình đã tìm lại được nơi nhà cha. Tất cả đều do tình yêu hải hà của người cha nhân ái. Thế mà, trước đây anh đã cắt đứt. Chỉ vì tự do tuổi trẻ, anh đành coi cha như đã chết, để đòi chia gia tài cho bằng được !

Dưới mắt người con cả, cha đã phung phí tình yêu một cách dại dột. Làm sao cha biết người em thứ sẽ không bỏ nhà ra đi một lần nữa ? Ngựa quen đường cũ, cha không biết hay sao ?! Cha đã quá thương nên không lường trước tương lai. Cha đã mất khôn khi không còn xét xử theo những nguyên tắc công bình con người như thấy trong lề luật nữa. Cái nhìn của những người Pharisêu về Thiên Chúa y hệt như vậy ! Nhưng công lý của Thiên Chúa có bộ mặt hoàn toàn khác. Công lý Thiên Chúa xây dựng trên một tình yêu vô điều kiện và khôn lường.

Dụ ngôn cho thấy tất cả chiều kích vô biên đó của tình yêu ấy, khi người con thứ trở về. Tình yêu ấy đã có sức phục sinh người con thứ và đem lại niềm vui thực sự cho anh. Từ nay anh sẽ sống nhờ tình yêu ấy hơn bất cứ thứ nào khác. Không có tình yêu ấy, anh sẽ biến mất khỏi mái ấm và sẽ ra đi vào một miền vô định. Giả sử anh trở về quá trễ, lúc cha anh không còn, số phận anh sẽ ra sao ? Rất may, anh trở về lúc còn cha trong nhà. Tình yêu người cha đã sáp nhập anh vào một cuộc sống gia đình cách tự nhiên. Cũng tình yêu đó đã không thể cảm hóa người con cả để anh chấp nhận cuộc hiệp thông lớn lao do cha đề nghị. Có tin yêu, người cha mới hết lòng mời mọc như vậy. Nhưng người con cả đã thẳng thừng từ chối. Anh mới là tên nô lệ cho chính mình.

Bức tranh hí họa đã trình bày hình ảnh độc đáo về tình yêu người cha giữa hai người con. Bức thứ nhất diễn tả về Thiên Chúa nhân lành đến nỗi bị lợi dụng như thể Người mắc nợ chúng ta, còn chúng ta chẳng mắc nợ gì Người, ngay cả việc nhận biết Người. Trái với quan niệm thường tình về Thiên Chúa như một nhà độc tài không hề biết nhượng bộ, dụ ngôn đã mô tả hình ảnh cực kỳ tốt đẹp về người cha hạnh phúc khi thấy con trở về với mình. Phải, đó là Tin mừng trong Chúa nhật này. Hãy đón nhận niềm vui tha thứ, niềm vui giao ước được canh tân trong bí tích Thánh Thể, niềm vui tín thác, niềm vui thông hiệp. Tất cả niềm vui này đều phát xuất từ Chúa Cha, nhờ Con Chí Ái Người là Ðức Giêsu. Từ đó chúng ta hướng về niềm vui Phục Sinh.

Nhìn chung, tự do đã trở thành điểm ranh giữa hai người con. Ban đầu người con thứ đi tìm một thứ tự do vô trách nhiệm. Nhưng thực tế đã dạy cho anh một bài học “để đời.” Nhờ thế, anh mới thấu hiểu phải trả giá rất mắc cho một giá trị lớn lao và cao cả nhất của con người, đó là tự do. Còn người anh cả chỉ biết bổn phận mà không biết đến tự do. Tình yêu luôn có khả năng giải thoát. Không có tình yêu, không thể có tự do và hiệp thông. Người anh cả “vẫn đi bên cạnh cuộc đời,” mà không hiểu được niềm vui của tình yêu chia sẻ. Bởi vậy, anh mới có quan niệm quá khắt khe về lỗi lầm của người em. Anh đã xây dựng một nền công lý trên lề luật, chứ không trên tình yêu. Không bao giờ có một sự bình an cho những con người như anh. Hòa bình không thể xuất hiện khi con người không biết tha thứ. Ơn cứu độ cũng vắng bóng khi con người không biết nhìn nhận Thiên Chúa là Cha và tha nhân là anh em.

Phải đợi tới khi nào Ðức Giêsu Kitô xuất hiện, con người mới thấy tất cả tương quan lớn lao trong trời đất. Từng bị hạ xuống bùn đen, nên Người có thể hiểu biết và đánh giá được tất cả ý nghĩa của tự do hơn ai hết. Hơn nữa, “chính để chúng ta được tự do, mà Ðức Kitô đã giải thoát chúng ta.” (Gl 5:1) Ðức Kitô cũng là người Anh Cả giữa đoàn em đông đúc (Rm 8:29) là chúng ta. Nhưng hoàn toàn khác với người anh cả trong dụ ngôn hôm nay, không những Ðức Kitô không ghen tương, mà mời gọi chúng ta đi vào cuộc hiệp thông với Cha Người. Hơn nữa, Người còn lấy chính Mình Máu Người để làm tiệc thết đãi chúng ta. Vì Người đầy lòng yêu thương, quảng đại, tha thứ. Khác với người con thứ, Người không cần phải mất một thời gian đi hoang, Người mới có thể đánh giá đúng mức giá trị của tự do. Người cũng không cần phải đợi Cha nhắc nhở mới biết mình được tự do hưởng mọi quyền lợi trong Nhà Cha. Thật vậy, chính Người quả quyết : “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thày.” (Ga 16:1 5) Khác hẳn với hai người con trong dụ ngôn đầy khuyết điểm, Ðức Giêsu thật là Con Chí Ái, hoàn toàn làm hài lòng Chúa Cha (x. Mt 3:17; Mc 1:11). Bởi thế, Chúa Cha mới căn dặn chúng ta: “Hãy vâng nghe lời Người !” (Lc 9:35) Ðức Mẹ cũng phụ họa : “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” (Ga 2:5)

Tại sao phải nghe lời và làm theo Ðức Giêsu ? Nếu không muốn trả giá quá mắc vì lầm lạc theo những đam mê như người con thứ hay tấm lòng chật hẹp như người con cả, chúng ta cần vâng nghe Con Chí Ái của Chúa Cha. Chỉ có Người mới mở cho chúng ta bầu trời tự do đích thực, tự do làm con cái Chúa. Khác với tự do đi hoang đã hạ giá người con thứ xuống dưới hàng con vật, tự do của Chúa nâng chúng ta cao hơn địa vị con người, để trở thành con cái Chúa. Thật là một giá trị tuyệt vời !

Bức tranh hí họa cuối cùng không diễn tả cảnh trái ngược giữa hai người con trong dụ ngôn, nhưng giữa họ và Người Con Chí Ái của Chúa Cha. Con thứ hiểu lầm về tự do, nhưng lại là cơ hội cho thấy tình yêu Thiên Chúa đầy bao dung. Con cả ngộ nhận về công lý. Từ đó, mới thấy công lý đích thực phải đặt nền tảng trên tình yêu. Cả hai người con ấy đều không thể phản ánh hình ảnh người cha nhân hậu. Trái lại, Ðức Giêsu là “hình ảnh Thiên Chúa vô hình,” (Cl 1:15) một hình ảnh cực tả Thiên Chúa là Cha.

Tin tưởng vào mãnh lực tình yêu Thiên Chúa, bao chứng nhân đã lên đường tranh đấu cho công lý và hòa bình. Chẳng hạn, năm 2002 tại Nam Hàn, Nữ tu Cho Seong-ae đã được Quốc Hội Nam Hàn trao tặng Huân Chương Cao Quý Quốc Gia Nam Hàn. Quyết định trao tặng huân chương của Quốc Hội Nam Hàn nhìn nhận rằng "Người nữ tu này đã góp phần biến nhà tù không còn là nơi trừng phạt nhưng là môi trường thuận lợi cho việc cải hóa và quay về với những điều lương hảo." Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn cho biết trong 25 năm phục vụ trong các khám đường, nữ tu Cho Seong-ae đã dẫn dắt 760 phạm nhân tiếp nhận đức tin Công Giáo, chưa kể số thân nhân của họ. Con số này rất đáng kể, vì ngoài việc giúp đỡ về phần thiêng liêng, nữ tu Cho Seong-ae còn giúp đỡ rất nhiều cho gia đình các phạm nhân trong thời gian họ chịu giam cầm trong lao lý. Nữ tu Cho Seong-ae luôn cố gắng tìm kiếm công ăn việc làm cho các gia đình để các phạm nhân yên tâm cải huấn. [1]

Tiếp tục truyền thống tranh đấu cho công bình xã hội, ngày 07/03/2007 vừa qua, khoảng 300 nữ tu Công Giáo Nam Hàn tham gia cuộc biểu tình khổng lồ, ước lượng khoảng 74,000 người, tại Hán Thành nhằm chống lại cuộc thảo luận về mậu dịch tự do giữa Nam Hàn và Hoa Kỳ. Các nữ tu cho biết họ quan ngại cho số phận những nông gia Nam Hàn và đời sống công nhân các xí nghiệp trong nhiều ngành kỹ nghệ tại quốc gia này. [2]

Rõ ràng các Nữ tu không còn phải là những người chỉ biết đọc kinh dâng lễ trong nhà thờ. Tình yêu Chúa thôi thúc họ xuống đường tranh đấu cho cuộc sống con người. Họ đi tìm một nền công lý xây dựng trên tình thương. Biết bao người đã tìm được con đường về Nhà Cha nhờ những chứng từ lớn lao này !

Còn các Nữ tu Việt Nam đang quan tâm tới cái gì và đang làm gì ?!



Lạy Chúa, xin cho con cảm nhận tình thương bao la của Chúa, để con có thể thông cảm với tha nhân và cùng mọi người xây dựng một nền công lý trên sức mạnh tình yêu, chứ không trên bạo lực. Amen.

--------

[1] Fides 22.07.2002

[2] VietCatholicNews 11/03/2007

Lm. Giuse Đổ Vân Lực, OP

TÂM SỰ BỐ GIA

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, OP

Với người con thứ

Con thân mến, Vậy là con đã trở về, niềm mong đợi của cha đã thành. Con biết đấy, cha mong đợi ngày này từ bao năm nay. Kể từ ngày con cất bước ra đi, cha vẫn chờ con về. Chiều chiều, cha vẫn tựa cửa, ngong ngóng tìm bóng người thân quen và chiều nay cha đã gặp được bóng dáng đó.

Khi con đòi chia gia tài, thực sự cha không muốn. Giữa cha và con đâu có gì là xung khắc. Nhưng chỉ vì đam mê của tuổi trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời, con muốn vượt thoát, muốn sống ngoài vòng kềm tỏa; vì khao khát tự do, háo hức muốn có kinh nghiệm, muốn biết cái mới lạ, và do chưa có bản lĩnh, do tính hung hăng thích phiêu lưu mạo hiểm.

Con còn nhớ chứ, cha đã ngăn cản con hết lời, để con bỏ ý tưởng rồ dại ấy đi, để con hiểu rằng tình thương yêu của cha đối với con còn lớn hơn, còn quý báu hơn mọi thứ của cải, mọi thứ kinh nghiệm.

Thế nhưng, trước thái độ khăng khăng quyết liệt của con, vì con cứ nài nỉ mãi, và vì tôn trọng quyền tự do của con – điều mà xưa nay cha vẫn thực hiện – cha đã nhượng bộ. Cha đã làm một điều mà lòng không vui chút nào. Cha đã làm một điều mà cha thấy trước rằng sẽ không tốt cho con. Biết làm sao được ! Con ao ước được tự do mà cha lại tôn trọng tự do !

Và thế là con ra đi.

Cha biết rằng với số tiền lớn trong tay, với tính khí ngang tàng, muốn bay nhảy, muốn tự do, muốn xả láng, con khó lòng tạo nên một cơ nghiệp. Con sẽ tiêu xài hết số tiền ấy và chẳng mấy chốc trở thành trắng tay. Nói quá, cha mong cho điều ấy xảy ra, để con hiểu rằng thế nào là tự do. Người ta phải kìm hãm những đam mê của mình, và độc lập không hẳn phải là tự mình quyết định mọi việc.

Khỏi cần nói cha cũng biết con đã tiêu tán số tiền ấy vào những đâu. Con đã qua những đêm thức trắng, rượu bia đầy bàn ; con đã du lịch khắp đó đây, đã ở những nơi sang trọng nhất. con đã trải qua những phút hả hê, bạn bè vây quanh, ai cũng nồng nhiệt đón rước. Và lúc đó con ôm ảo tưởng rằng tiền bạc là tất cả. Có tiền là mua được bạn bè, có tiền là tạo nên được niềm vui, và có tiền là mình đã thành đạt. Con đâu nghĩ rằng, ngay cả khi đầy tiền bạc, con người cũng đâu tạo được thành đạt, vì họ đã đánh mất nguồn gốc của mình, đó là tình thương.

Và đến một ngày, Con đã trải qua những thời gian cùng cực, những ngày tủi nhục nhất, con đã chẳng còn chút phẩm giá nào của một con người, đã phải sống trong khổ sở, nhục nhã. Và may cho con, chính những lúc đó, con còn nhớ được rằng ở nhà cha, những người đầy tớ còn sung sướng hơn. Khi còn ở bên cha, con không hiểu được thế nào là mái nhà, thế nào là tình thương. Khi ở cạnh cha, con tưởng mình không có gì cả, mặc dù con đang có điều lớn nhất. Nhưng khi bị rơi xuống tận cùng vực thẳm, con mới hiểu thấm thía thế nào là mái nhà, thế nào là tình cha. May thay, trong con vẫn còn một chút ý thức !

Hôm nay con trở về. Con về vì chẳng có chỗ nào đón nhận con, chẳng còn chỗ nào nuôi con nữa, chẳng còn người bạn nào tiếp đón con. Không sao cả, con trở về là cha mừng. Cha đã đợi chờ quá lâu.

Con thấy đó, cha không cần lời thú lỗi của con, cha đã tha thứ cho con rồi. Con hãy nhận lại tư cách là con. Hãy mặc lấy bộ quần áo mới, sạch sẽ, hãy đi dép vào để thấy rằng mình là người tự do, hãy xỏ nhẫn vào tay để biết rằng cha vẫn coi con là con của cha như ngày nào.

Cha mong con không giữ mặc cảm tội lỗi, con sẽ quên hết quá khứ : Những ngày ấy chỉ có giá trị là cho con hiểu rằng tình thương của cha dành cho con lớn lao biết chừng nào, và sống trong tình thương đó, con mới thực sự là người tự do. Cha mong con cảm thấy hạnh phúc vì được sống trong một mái nhà, có cha ở bên, và tình thương cha dành cho con không hề suy giảm.

Với người anh cả

Tại sao con lại thắc mắc, thậm chí giận dữ, khi cha mừng em con trở về ? Con nào chẳng là con. Cả hai anh em con từ lòng cha sinh ra. Cả hai anh em con đều được tình thương cha ấp ủ, nuôi dưỡng. Con ạ, Hãy tập sống yêu thương và độ lượng, nhất là đối với đứa em của con. Lẽ nào con yêu mến cha mà lại có thể không yêu thương em con được ? Nếu con không yêu thương em con, làm sao con có thể yêu mến cha được ? Em con có lầm lỗi thật, nhưng nó cần được yêu thương để thay đổi cuộc đời, nó cần được yêu thương vì nó là con cha, và vì nó dám chọn sống. Cha mong con cũng yêu thương nó, vì nó là em con.

Mọi sự rồi sẽ qua đi, chỉ còn lại tấm lòng. Cha mừng, cha mở tiệc lớn ăn mừng, vì em con đã khám phá ra ý nghĩa cuộc đời, đã nhận ra rằng tình thương vượt lên trên tất cả, tình thương xóa bỏ mọi lỗi lầm.

Chẳng lẽ con ganh tị với em con ? Bấy lâu nay con sống với cha, sử dụng mọi của cải và nhất là có cha ở bên cạnh mà con vẫn cảm thấy mình bị thua thiệt, bị xua đuổi.

Sao con lại tức giận không vào nhà ? Hóa ra từ lâu nay con đã xa rời vòng tay của cha, dù trong thực tế con chưa bước chân ra khỏi nhà. Lẽ ra mọi niềm vui nỗi buồn của cha cũng là của con. Con không vui khi thấy cha vui sao ? Con chỉ muốn tìm niềm vui theo cái nhìn của con, theo dự tính, theo góc độ của con, mà chẳng quan tâm gì đến cha. Như thế là chính con tự mình thoát khỏi vòng tay của cha, chính con từ chối tình thương cha dành cho con, kể như con tự bước ra khỏi căn nhà êm ấm này rồi !

Và rồi, Chẳng lẽ bấy lâu nay con làm lụng vất vả không phải vì cha mà là vì bản thân con ? Con chỉ muốn tìm lợi ích cho riêng mình. Những việc tốt con làm, phục vụ cha, làm lụng cũng chỉ là thứ lo tìm công đức cho mình. Thay vì vụ lợi như thế, lẽ ra con chỉ cần hiểu rằng tình thương mới có giá trị. Làm lụng vất vả mà không có tình thương thì chẳng đem lại lợi ích nào ! Không lẽ con sống với cha chỉ để mong được phần gia tài, được ăn sung mặc sướng, tìm lợi ích riêng cho mình? Phải có gì hơn thế nữa chứ !


Con ạ, Bỏ tính ích kỷ hẹp hòi đi, đừng ghen tức với em con làm gì. Ghen tương ích kỷ làm cho đời con héo khô, làm cho lý trí con cùn nhụt. Việc gì mà con lại phải xem người khác đối xử với cha như thế nào, rồi con theo đấy mà xử sự. Thế thì sao gọi là thật lòng với cha được !

Hãy bước vào nhà chung vui với cha, với em con. Cha có thể nói với con rằng, từ nay, em con không những là một đứa con ngoan, mà còn rất ngoan nữa. Quên quá khứ đi con, nhìn về tương lai. Hãy sống tin tưởng, bao dung và độ lượng.


 

Chẳng lẽ Ta lại muốn cho ác nhân phải chết, chứ không muốn nó bỏ đường tà mà được sống sao ?(Ed 18,23)

 

Ta lấy mạng sống Ta mà thề



Ta đâu có muốn cho kẻ dữ phải diệt vong,

nhưng là muốn nó bỏ đường tà để được sống.(Ed 33,11)

 

Chúa là Đấng từ bi nhân hậu



Người chậm giận và giàu tình thương.

Người không cứ tội ta mà xét xử,

không trả báo ta xứng với lỗi lầm. (Tv 102, 8.10)

 

Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ,



thích được các ngươi nhận biết,

hơn là được của lễ toàn thiêu. (Hs 6,6)

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, OP

HÃY THAY ĐỔI

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP

Dụ ngôn “người con hoang đàng” là một câu chuyện cảm động, thú vị nhất của Tin Mừng Lu-ca. Qua dụ ngôn này, Chúa Giê-su muốn nói tới người tội lỗi biết ăn năn sám hối trở về với tình thương của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tìm hiểu hoàn cảnh, thái độ và tâm lý của người con hoang đàng và ghi nhận bài học hữu ích cho chúng ta.

Người con hoang đàng này là người con thứ trong một gia đình khá giả, nên cậu được nhiều ưu đãi nuông chiều, cậu mới lớn, chân trời xa thẳm như chỉ có bình minh, một tương lai trải dài sáng rực trước mắt đang mời mọc lôi cuốn, từ đó cậu nuôi ý tưởng thoát ly. Cậu suy tính : ở nhà cha mẹ, dù có tình thương, dù có đầy đủ mấy đi nữa thì ngôi nhà kia cũng không về tay cậu, vì quyền trưởng nam nằm vào tay người anh rồi, còn gì nữa mà ở lại. Một con chim khuyên có ở trong chiếc lồng sơn son thiếp vàng, đủ dư gạo trứng, cũng không sướng bằng một bầu trời thênh thang tự do bay nhảy, cậu nghĩ ra như thế, ở gia đình mình sao nho phong tù túng kỷ luật như mất cả nhân vị, còn bao nhiêu chương trình, bao nhiêu dự định tương lai phải thực hiện, phải tạo dựng cơ nghiệp cho mình, phải kinh nghiệm sống mới được, mình phải tạo ra thời cơ, là người của thời cuộc chứ !

Nhưng tuổi trẻ dễ ngông cuồng dại dột, tuổi trẻ thường nông nổi, làm trước nghĩ sau, hành động trước khi suy nghĩ, khôn đâu có ở tuổi trẻ, khỏe đâu có ở tuổi già. Thế là cậu nằng nặc đòi cha chia gia tài, số gia tài được đổi thành tiền để dễ dàng ra đi. Vừa trẻ lại có tiền, lại được tự do, không bị ai ràng buộc, chỉ còn có một con đường thẳng tắp nhào tới, đó là hư hỏng. “Làm trai cho đáng nên trai, xuống đông đông tĩnh lên đoài đoài tan”, thì ở đây, đông đoài đã làm tan nát đời cậu, cậu đi phung phí tiền bạc nơi giang đầu, bạn bè với những hạng đàng điềm, “bắc thang lên hỏi ông trời, những tiền cho điếm có đòi được chăng ?”. Thế là tiền mất tật mang, hết tiền hết bạc hết ông tôi, địa vị của cậu suy sụp quá lẹ, lẹ như đồng tiền tiêu hoang, còn lại cho cậu là thân tàn ma dại, quần áo rách bươm, đầu tóc rối bù, bàn tay và tấm lòng ô uế, nhơ bẩn, cái bụng đói meo.

Tội nghiệp cho một chàng trai trác táng phóng đãng. Ai cũng biết cậu mất hết danh dự, mất hết cơ nghiệp, của thiên trả địa, cậu sa sút, thất bại, đến nỗi phải đi chăn heo để sống cho qua ngày. Nghề chăn heo lúc ấy là quá mạt rệp, luật Do Thái cấm nuôi heo và chăn heo, ai ăn thịt heo coi như bỏ đạo Do Thái, họ nói : “Vô phúc cho kẻ chăn heo, vì đó là vô phúc đê hèn nhất”. Nhưng chàng trai này đã phải làm như vậy, cậu đói cùng cực đến nỗi dụ ngôn nói “Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho”. Đó là hình ảnh xấu xa đê hèn khinh bỉ của một tội nhân phản bội. Nhưng rất may, câu chuyện không chấm dứt ở đây. Giữa cảnh đói cùng cực, cậu nghĩ lại gia đình cha mẹ, đó là miếng ván cuối cùng cho kẻ bị đắm tàu. Thử hỏi : giữa cảnh cùng cực như thế, có ai là ân nhân cho cậu hay chỉ có cha mẹ ? Đúng thế, lúc nào cũng chỉ có cha mẹ, lúc nào cũng là tình thương, thế là cậu suy tính lại : “Tôi sẽ về cùng cha tôi, nơi có dư thừa cơm bánh”. Mặc dù lý do trở về không mấy tốt đẹp, nhưng ít ra cái bụng, cái dạ dày vẫn là vấn đề phức tạp mà Thiên Chúa quan phòng có thể dùng đến để lôi kéo tội nhân trở về như đứa con trên đây.

Người con hoang đàng này đã có một điều rất đáng biểu dương, là dám trở về mái nhà xưa, là nơi chàng đã bỏ ra đi. Khi đi kiêu hãnh, đắc thắng, tự mãn, giàu có bao nhiêu, thì nay trở về khúm núm, túng thiếu, ăn năn thành thật bấy nhiêu. Chàng quay gót 180 độ, rón rén từng bước, mắt ngó về nhà, tấm lòng hồi hộp, miệng nhẩm đi nhẩm lại một câu thống hối. Nhưng từ đàng xa, người cha đã nhìn thấy bóng con, ông lật đật chạy ra đón và ôm choàng lấy con, ông quên đi bao nỗi đắng cay, đổ dồn hết tình thương sang cho con. Quả thực, không có gì có thể thay đổi được lòng người cha thương con chân thực, người cha mãi mãi vẫn là cha, chứ người con thì không hẳn như thế. Ông không bỏ đứa con, càng không lên án nó, ông chỉ biết có một điều, đó là con ông, không những ông tha thứ mà còn phục quyền làm con cho chàng, và mở tiệc mời bạn bè chung vui để mừng con ông trở về. Rồi họ bắt đầu ăn mừng. Họ là ai ? là hai cha con và mọi người trong nhà, nhưng còn thiếu người con cả, anh đang ở ngoài đồng. Về thái độ của người con cả này cũng là một bài học rất đáng suy nghĩ : thái độ hẹp hòi, ích kỷ, xua đuổi, lên án người em. Đây cũng là thái độ người ta thường có đối với những người tội lỗi.

Như vậy, chúng ta đã hiểu chủ đích của Chúa Giê-su khi dạy dụ ngôn này. Người cha là hình ảnh lòng nhân lành của Thiên Chúa, và người con hoang đàng chính là thân phận bi đát của con người tội lỗi, cần phải sám hối trở về với Chúa. Hình ảnh người con hoang đàng cho chúng ta thấy bản chất xấu xa của tội lỗi, hậu quả bi đát của tội lỗi, và thái độ cần phải có để có thể thoát ra khỏi tình trạng tội lỗi là sám hối. Sám hối là nhận mình là kẻ tội lỗi, quyết tâm ra khỏi tội lỗi để quay về với Chúa và sống làm con người mới như đứa con hoang đàng đã làm.

Vì thế, bài Tin Mừng hôm nay làm cho chúng ta thật phấn khởi, khích lệ chúng ta hãy thi hành việc sám hối, trở về cùng Chúa, đặc biệt trong Mùa Chay này. Mỗi người chúng ta đều có thể nhận ra mình trong hình ảnh người con hoang đàng. Vậy thì Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy cùng với đứa con hoang đàng chỗi dậy, đi về nhà Cha, Cha đang chờ đợi, dù chúng ta tội lỗi đến đâu và nặng nề xấu xa thế nào, chúng ta đừng lo buồn, sợ hãi, chán nản, hãy nhìn vào lòng thương xót của Chúa hơn là nhìn vào tội lỗi của mình. Chúng ta hãy nhớ : tội lỗi của chúng ta có thể lớn, nhưng lòng khoan dung của Thiên Chúa chắc chắn lớn hơn.



Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP


tải về 0.57 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương