Kinh tế việt nam năM 2014: TỔng quan vĩ MÔ


Trợ giúp DNNVV là vực dậy 01 “trụ cột” kinh tế



tải về 3.48 Mb.
trang37/47
Chuyển đổi dữ liệu18.07.2016
Kích3.48 Mb.
#1943
1   ...   33   34   35   36   37   38   39   40   ...   47

Trợ giúp DNNVV là vực dậy 01 “trụ cột” kinh tế ...

Trong bối cảnh môi trường đầu tư, kinh doanh có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực là căn bản và đáng lo ngại chỉ là thứ yếu, thì khu vực DNNVV vốn được coi là 01 trong những “động lực” tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế lại đáng quan ngại hơn cả. Nhiều vướng mắc giữa chính sách và khâu thực hiện lâu nay đã khiến DNNVV vốn yếu kém nội tại, một mặt không dễ “tiếp cận” và “thụ hưởng” những thay đổi mới, tiến bộ về môi trường đầu tư kinh doanh, mặt khác, càng gặp thêm nhiều khó khăn bởi áp lực nâng cao năng lực cạnh tranh tự thân trong môi trường đầu tư, kinh doanh thay đổi nhanh chóng và phức tạp. Có thể thấy bài toán tồn tại để phát triển thế nào sắp tới với nhiều lời giải không thể tự DNNVV có thể giải được dễ dàng ;

Theo GSO, Quý I/2015 có trên 16.000 doanh nghiệp phải đăng ký giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động vì kinh doanh khó khăn. Trong đó 2.055 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh, tăng 8,7%; 14.040 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động tăng 25% so cùng kỳ năm trước. Phần lớn trong số họ là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ có số vốn hoạt động dưới 10 tỷ đồng (chiếm 93,57%). Cho thấy hiện tượng sàng lọc, đào thải tự nhiên chỉ cho phép số DNNVV có qui mô vốn lớn trên 10 tỷ (chiếm 6,43%) mới có sức “đề kháng” tốt, có chiến lược kinh doanh bài bản, có độ bền vững, chống chọi với biến động lớn của môi trường đầu tư kinh doanh hiện nay so với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (vốn dĩ chiếm gần 98% tổng số DNNVV của cả nước)167 ;

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nếu xét từ góc độ thu hút, khuyến khích phát triển DNNVV không đơn thuần tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh, minh bạch hóa thông tin mà còn là sự chủ động hỗ trợ, trợ giúp “khôn khéo” cho khu vực này. Có làm vậy mới giúp DNNVV khắc phục nhanh chóng các yếu kém nội tại (hiện tượng nhỏ hóa; thiên về dịch vụ, thương mại, chưa phát huy thế mạnh lĩnh vực nông nghiệp; công nghệ lạc hậu; qui mô phân tán, manh mún; năng suất, hiệu quả, giá trị gia tăng thấp; khó tham gia CN hỗ trợ và chuỗi giá trị chung ...). Đây tuyệt đối không phải là sự bảo hộ, bao cấp, ôm đồm từ phía Nhà nước mà chỉ là việc sử dụng tốt nhất các quyền năng vốn có và nguồn lực có thể theo các nguyên tắc thị trường có sự lựa chọn, định vị lại đúng đắn hơn vị thế, vai trò khu vực kinh tế tư nhân, trong đó chủ yếu là các DNNVV. Bản chất sự cạnh tranh bình đẳng trong môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam cả về trước mắt và lâu dài không phải là “cá lớn, nuốt cá bé” hay “phá sản hủy diệt” mà chỉ là nhằm giúp doanh nghiệp “ganh đua, chia sẻ và cùng thắng”. Nếu Nhà nước không chủ động nâng đỡ, trợ giúp để các DNNVV phát triển lành mạnh, đúng hướng, để thay vì quá nhiều doanh nghiệp có qui mô nhỏ, siêu nhỏ sẽ là có qui mô vừa, qui mô lớn chiếm đa số trên nền tảng phân công, hợp tác, tái cơ cấu hợp lý theo các mô hình liên kết SXKD theo “chiều ngang” nhiều hơn thì sẽ không thể có môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bình đẳng thực sự giữa các loại hình doanh nghiệp;



Khắc phục 05 hạn chế lớn cản trở cải thiện môi trường ...

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các DNNVV phải khắc phục cho được 04 hạn chế lớn là :



Một là : Năng lực nội sinh khu vực DNNVV là rất lớn nhưng vẫn còn bị nhiều trói buộc, khốn khó, nên chủ yếu vẫn ở dạng tiềm năng, vốn nhàn rỗi nằm phân tán ở nhiều kênh đầu tư chưa đúng mục đích, nên nếu để “tự lớn” thì rất lâu. Vai trò đầu tư dẫn dắt, lót đường, vốn “mồi” của Nhà nước là cần thiết. Tái cơ cấu đầu tư công gắn với khuyến khích đầu tư tư nhân theo các mô hình PPP, BT, BOT, M&A ... mới giải quyết được;

Hai là : Khung pháp lý về DNNVV chưa thực hoàn chỉnh, chủ yếu chắp vá, chạy theo số lượng, chưa tập trung đồng bộ mà nằm rải rác ở nhiều văn bản luật liên quan, khi thực hiện phải tham chiếu bất tiện, biến dạng, chồng chéo, kém hiệu lực. Tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn và tổ chức triển khai lề mề, còn có hiện tượng gây khó khăn, sách nhiễu doanh nghiệp trở thành “lực cản” vô hình rất lớn;

Ba là : Hệ thống các chương trình, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV khá nhiều, nhưng tản mạn, chắp vá, chồng chéo, kém khả thi. Theo MPI có tới hơn 80 chính sách thuộc các bộ, ban ngành TW về trợ giúp phát triển DNNVV từ sau Nghị định 56/CP/2009. Nhưng nằm phân tán ở các bộ, ban ngành TW/ĐP khác nhau, với nguồn lực hạn hẹp (ngân sách và tài trợ quốc tế) nên khả năng đáp ứng khó khăn, hiệu quả có thể đánh giá định lượng được của không ít chính sách là nan giải;

Bốn là : Hệ thống tổ chức hỗ trợ phát triển DNNVV còn cồng kềnh, thiếu tập trung, đồng bộ, thống nhất, thiếu sự kết nối, liên thông, nặng về hô hào, hình thức, thậm chí có nơi, có lúc bị biến tướng, vai trò đại diện, bảo vệ lợi ích chính đáng cho các DNNVV bị phân tán, kém hiệu lực. Tháng 3/2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực đơn vị thực hiện trợ giúp DNNVV. Sẽ là hiệu quả hơn nếu chuyển giao hẳn 01 số dịch vụ công về trợ giúp cho Hiệp hội DNNVV Việt Nam và các Hiệp hội ngành nghề;

Năm là : Khung khổ pháp lý mới chỉ hướng tạo điều kiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi dễ dàng chung chung mà chưa chú trọng thực sự chia sẻ các lợi ích hấp dẫn và tìm cách bảo hộ lâu dài việc làm ăn đối với DNNVV. Việc thực thi tốt Luật đấu thầu, luật đấu giá tài sản gắn với hiện thực hóa vai trò DNNVV trong việc cung cấp dịch vụ, hàng hóa công, tham gia đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, một số cơ sở hạ tầng... với tỷ suất lợi nhuận bình quân hấp dẫn và chỉ số rủi ro thấp nhất là cách tốt nhất khuyến khích họ thay vì hô hào ưu đãi suông.

Làm rõ 07 nguyên nhân, bài học về cải thiện môi trường ...

1) Nguyên nhân khách quan: Tác động bất lợi của khủng hoảng kinh tế từ bên ngoài giai đoạn 2007-2009 và 2010-2012, nên chương trình phát triển DNNVV (Quyết định 1231/CP/2012) không thực hiện được như kỳ vọng cả về số lượng và chất lượng DNNVV;

2) Nguyên nhân chủ quan: DNNVV (vốn nhỏ, kém minh bạch, yếu năng lực quản trị, công nghệ lạc hậu, chủ yếu quy mô nhỏ và siêu nhỏ, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh kém, dễ tổn thương, khó phát triển bền vững …) quy mô nhỏ dần và không thể tự lớn …;

3) Chủ trương, đường lối phát triển còn đại khái, dùng dằng, thiếu quyết liệt, hoặc lạc quan quá, chạy theo thành tích (chương trình 1231/CP đến năm 2015 có 600.000 DNNVV, đến năm 2020 có 1.000.000 DNNVV, trong đó có 3.000 doanh nghiệp KH&CN, chú trọng công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên phát triển DN trong lĩnh vực nông nghiệp… thực tế khó đạt !)168;

4) Cơ chế, chính sách hỗ trợ là nhiều và hay trên lý thuyết nhưng thiếu thực tế, chồng chéo, chắp vá, bị động, không đồng bộ, thiếu tập trung trọng tâm, trọng điểm (thờ ơ với DN siêu nhỏ, DN mới khởi nghiệp, chưa xác định đúng vai trò đầu tàu dẫn dắt của DN có quy mô vừa, lúng túng phát triển DN KH&CN, DN thuộc công nghiệp hỗ trợ, DN khu vực nông nghiệp, nông thôn, DN có trách nhiệm xã hội…)169;

5) Nguồn tài lực và nhân lực hiện thực hóa cơ chế, chính sách là hạn chế (xét cả về phân bổ vốn đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách, tài trợ quốc tế, tín dụng trong nước cũng như bộ máy, con người triển khai). Đã vậy bố trí, phân bổ tài chính chưa phù hợp, thậm chí sai địa chỉ, hiệu ứng lan tỏa rất chậm. Hầu như chưa có lĩnh vực, ngành, hàng nào có DNNVV hoạt động tạo đột phá, tác động chuyển động lớn đến nền kinh tế 170;

6) Bộ máy tổ chức triển khai yếu kém, thiếu gắn kết, thiếu phối hợp, càng làm phân tán nguồn lực chung, vai trò chủ trì, đầu mối, phối hợp không rõ ràng, thiếu bóng dáng vị thế nhạc trưởng. Hành chính hóa và cồng kềnh bộ máy công lập hỗ trợ phát triển DNNVV hạn chế rất nhiều nỗ lực hỗ trợ phát triển của Nhà nước171;

7) Hệ thống mạng lưới trợ giúp liên quan các tổ chức “ngoài công lập” hỗ trợ phát triển còn yếu kém, chưa được quan tâm đúng mức, chưa được phát huy hết năng lượng “xã hội hóa” (nhiều thời kỳ trông chờ quá mức vào các dịch vụ công, nguồn lực công, thường tập trung tại các cơ quan công lập…)172;



09 giải pháp định hướng tiếp tục cải thiện ...

1) Xét ở tầm chiến lược tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững theo hướng hội nhập thực sự với bên ngoài, khu vực DNNVV phải được coi là động lực phát triển năng động, căn bản, lâu dài nhất của nền kinh tế;

2) Hỗ trợ phát triển DNNVV gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tái cơ cấu nền kinh tế chủ yếu dựa vào phát triển theo chiều sâu, chấp nhận sàng lọc “đớn đau” khu vực DNNVV, sắp xếp lại, tạo điều kiện khôi phục, phát triển đúng hướng, không nên chạy theo số lượng quá mức (1 hay 2 triệu DNNVV không quan trọng, cái cần là tỷ trọng đóng góp, tỷ lệ tạo giá trị gia tăng, hàm lượng chất xám trong giá thành sản phẩm, dịch vụ).

3) Phát triển có quy hoạch trọng tâm, trọng điểm “địa chỉ” cụ thể theo từng lĩnh vực, ngành hàng : thuộc loại công nghiệp hỗ trợ nào, nguồn nhân lực chất lượng nào, DN KH&CN nào, sản phẩm công nghệ cao nào, DN trẻ khởi nghiệp theo hướng nào, DN trách nhiệm XH ở đâu, DN hợp tác công - tư với ai, gìn giữ phát triển làng nghề nào, chăm lo DN siêu nhỏ nào; thúc đẩy tham gia chuỗi liên kết gì và như thế nào, khuyến khích DN nào tham gia lĩnh vực nông nghiệp theo cách nào ...

4) Kiện toàn khung khổ pháp lý theo hướng sớm tổng kết Nghị định 56/CP/2009 và “luật hóa” hệ thống các cơ chế, chính sách hiện hành trợ giúp phát triển DNNVV bằng 01 dự Luật “nhất thể hóa” có chọn lọc về hỗ trợ phát triển DNNVV dưới dạng Luật chi tiết chứ không chỉ Luật “khung”, chế định chung chung, mang tính kết nối các luật liên quan và chỉ là nguyên tắc nền tảng để dựa vào đó ban hành các chính sách cụ thể 173.

5) Cần giải quyết đồng bộ về cơ chế, chính sách trợ giúp phát triển tập trung 5 yếu tố chủ yếu hỗ trợ phát triển DNNVV xếp theo thứ tự ưu tiên hiện nay : thị trường đầu ra; đổi mới công nghệ; nguồn lực tài chính, tín dụng; mặt bằng sản xuất kinh doanh; năng lực quản trị doanh nghiệp; trong đó tháo gỡ khó khăn tiếp cận vốn tín dụng duy trì hoạt động, đầu tư đổi mới MMTB, công nghệ, sớm cải thiện NSLĐ và ổn định “đầu ra” cho DNNVV là vấn đề then chốt.

6) Cần có sự thống nhất với hiệu lực cao về hệ thống tổ chức hỗ trợ phát triển DNNVV, thu gọn vai trò “độc tôn” của mô hình “công lập”, từng bước nới rộng vai trò mô hình “xã hội hóa” và “dân sự hóa” hoạt động này. Xác lập sớm vai trò “đầu mối, nhạc trưởng” chủ trì công tác hỗ trợ phát triển DNNVV bằng 01 thiết chế mới là Ủy ban chuyên trách quốc gia về phát triển DNNVV (chứ không chỉ là Hội đồng khuyến khích phát triển chủ yếu tư vấn Thủ tướng vốn không đủ tầm)174;

7) Cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh cho khu vực DNNVV gắn với hệ thống cơ chế, chính sách và pháp luật mới về sự nâng đỡ, trợ giúp mang tính ưu đãi theo các nguyên tắc thị trường, minh bạch, công bằng, chặt chẽ, có hiệu quả và lộ trình rõ ràng. Khắc phục trợ giúp ưu đãi theo kiểu “ban phát, xin cho, rải đều” và “sai địa chỉ”, dễ bị lợi dụng, tham nhũng, lãng phí, tạo ra bất bình đẳng ngay giữa các DNNVV và với khu vực DN khác;

8) Ngoài tổng kết Nghị định 56/CP/2009, cần sớm tổng kết cả Nghị định 45/CP/2010 về công tác hội đoàn thể để xác định đúng vị trí, vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác hẳn với tổ chức đoàn thể thông thường để có cơ chế, chính sách tăng cường năng lực hỗ trợ phát triển DNNVV theo hướng chuyên nghiệp, công ích và sự nghiệp có thu để vừa giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách, vừa tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thực sự đóng góp cho phát triển kinh tế;

9) Cần sớm tổ chức thẩm định, đánh giá lại tính khả thi của mô hình “lưỡng tính” vừa quản lý về mặt chính sách, vừa quyết định phân bổ tài chính thông qua các quỹ hỗ trợ phát triển DNNVV, DN KH&CN, DN liên quan công nghiệp hỗ trợ đặt tại MPI, MOST, MOIT (Quyết định 601/CP/2013, Nghị định 80/CP/2007, Quyết định 592/Bộ KHCN và dự thảo Nghị định phát triển CNHT sắp trình Thủ tướng ký); đồng thời xem lại sự bất hợp lý của mô hình bảo lãnh tín dụng theo Nghị định 58/CP/2013175…/.



MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ KINH DOANH

NHÌN TỪ GÓC ĐỘ TIẾP CẬN NGUỒN LỰC VÀ THỊ TRƯỜNG

TS. Lê hồng Nhật176

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng177

I. Môi trường đầu tư kinh doanh

Đối với một doanh nghiệp nước ngoài, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt nam là thuận lợi, nếu nó có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn lực tại chỗ, mà việc sử dụng các nguồn lực đó cho phép giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Tức là tăng thị phần và lợi nhuận. Đối với một nền kinh tế đang hội nhập và tăng trưởng như Việt nam, việc tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi sẽ làm tăng khả năng thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, về vốn, công nghệ, và trình độ tổ chức tiên tiến. Cho phép nâng hiệu quả và quy mô sản xuất trong nước. Nhờ vậy, làm tăng khả năng xuất khẩu ra thị trường bên ngoài.

Môi trường đầu tư kinh doanh tốt có thể hiểu theo 3 khía cạnh về nguồn lực: Thứ nhất, lực lượng lao động được đào tạo về chuyên môn, có khả năng tiếp thu công nghệ, tổ chức mới; cách làm việc công nghiệp mới. Nhờ đó làm tăng khả năng sản xuất linh kiện, nguyên liệu từ các ngành công nghiệp phụ trợ nội địa. Tức là, làm tăng hàm lượng nội địa hóa trên mỗi đơn vị hàng hóa xuất khẩu. Nhờ vậy, có thể sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn, với chất lượng theo chuẩn mực quốc tế, nhưng với chi phí tiền lương thấp hơn so với các nước đã phát triển. Do đó, tăng xuất khẩu, dự trữ ngoại tệ, nguồn thu thuế cho quốc gia. Đồng thời, làm tăng lợi nhuận cho công ty đa quốc gia đến đầu tư kinh doanh tại Việt nam. Thứ hai, hạ tầng tốt, bao gồm đường xá, cầu cảng, sân bay, điện nước. Thứ ba, khung pháp lý, thể chế tổ chức tốt, bao gồm: (i) dịch vụ cấp giấy phép đầu tư, sản xuất; hay đăng ký sản phẩm phải nhanh gọn, rõ ràng; (ii) luật kế toán, kiểm toán và thuế minh bạch, nhất quán, tránh việc có quá nhiều đoàn kiểm tra tới doanh nghiệp đòi các khoản phí bổ sung; (iii) việc cung cấp về hạ tầng, như năng lượng, phải được định giá theo quy luật thị trường, cho phép doanh nghiệp đánh giá đúng chi phí – hiệu quả sử dụng nguồn lực cho kinh doanh.

Như vậy, sự tiếp cận về nguồn lực và thị trường không tách rời nhau. Môi trường kinh doanh tốt, thì khả năng tiếp cận về nguồn lực và thị trường sẽ được khai thông. Môi trường kinh doanh tồi, thì khả năng tiếp cận các nguồn lực tại chỗ, cũng như nguồn lực từ bên ngoài bị ách tắc. Do đó việc làm tăng hiệu quả sản xuất và năng lực cạnh tranh bị giới hạn. Hệ quả là khó có khả năng tiếp cận ra thị trường trong và ngoài nước.

Cần lưu ý là, môi trường kinh doanh tốt là một dạng hàng hóa công (public good). Tức là nó có một tính chất rất khác biệt, so với hàng hóa tiêu dùng cá nhân, như ăn uống, phương tiện làm việc và đi lại cá nhân.... Cụ thể là, nó mang tính không loại trừ [trong khi hàng hóa cá nhân hiển nhiên là mang tính loại trừ (exclusion)178]. Một công ty Hàn quốc đến đầu tư tại Malaysia sẽ được hưởng lợi từ hệ thống hạ tầng, cầu đường tốt, không bị ách tắc; hệ thống cung cấp điện ổn định với giá cả cạnh tranh; và điều đó hoàn toàn không loại trừ một công ty khác của Nhật bản cũng được hưởng lợi như vậy, nếu đầu tư vào Malaysia. Cũng vậy, một môi trường pháp lý thông thoáng, rõ ràng và nhất quán cho việc tiến hành đầu tư kinh doanh tại Singapore sẽ mang lại lợi ích cho bất cứ công ty nào đến làm ăn tại đó, mà không loại trừ bất kỳ một cá nhân công ty nào.

Nhưng việc ban phát các đặc quyền cho công ty này, và gây cản trở về thủ tục giấy phép cho các công ty khác, thì sẽ khiến cho môi trường kinh doanh trở nên không thông thoáng, không nhất quán, và không công bằng. Trong hoàn cảnh đó, không một công ty nào tránh được những cản trở như vậy về mặt pháp lý. Cũng như vậy, nếu hạ tầng giao thông luôn bị ùn tắc, hợp đồng cung năng lượng không ổn định và dễ bị chèn ép về giá, thì không công ty nào tránh khỏi môi trường kinh doanh có hạ tầng tồi như vậy. Trong hoàn cảnh đó, việc cung cấp quyền được tiếp cận đến các nguồn lực hiếm hoặc thiếu (về hạ tầng, như năng lượng; khung thể chế tổ chức và luật lệ, như giấy phép; và nguồn nhân lực có trình độ, như công nhân có tay nghề) sẽ trở thành một dạng hàng hóa được cung cấp bởi “tư nhân”, do một số tổ chức hay công ty có thẩm quyền nắm giữ và đem ban phát các đặc quyền. Và chỉ có công ty nào sẵn lòng trả giá cho việc hưởng các đặc quyền như vậy mới làm ăn được tại Việt nam. (điều này cũng hoàn toàn đúng cho doanh nghiệp trong nước). Hệ quả là có quá ít các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận được đến các nguồn lực. Và do vậy, có quá ít cạnh tranh lành mạnh, có quá ít doanh nghiệp có hiệu quả để vươn ra được thị trường trong nước và quốc tế.

Nói một cách ngắn gọn, môi trường kinh doanh là cấu trúc về thể chế, cho phép các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn lực và thị trường. Đó là một dạng hàng hóa công; mà việc tư nhân hóa (đặc quyền hóa) việc cung cấp các nguồn lực đó sẽ làm cho có quá ít các doanh nghiệp có thể hoạt động hiệu quả. Hay nói khác đi, môi trường đầu tư kinh doanh trở nên không thuận lợi cho hầu hết các doanh nghiệp.

Nói như vậy, có nghĩa là nhà nước phải có vai trò thúc đẩy việc lành mạnh hóa môi trường đầu tư kinh doanh. Nhờ đó, làm tăng khả năng tiếp cận nguồn lực và thị trường của các doanh nghiệp. Nhưng làm như thế nào? Dưới đây chúng ta hãy tham khảo một số kinh nghiệm điển hình, mà chúng gợi ý về vai trò của nhà nước trong việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi tại Việt nam. Theo trình tự, chúng ta đầu tiên xét đến việc làm thế nào để phát triển công nghiệp sản xuất linh kiện, vật liệu nội địa, cho phép nâng tỷ lệ nội địa hóa trong hàng hóa xuất khẩu; tiếp đến là khung pháp lý, tổ chức cho một môi trường kinh doanh tốt; và cuối cùng là quy hoạch phát triển hạ tầng.



II. Vấn đề phát triển công nghiệp sản xuất linh kiện, phụ trợ nội địa

Trong tổ chức công nghiệp (Industrial organization), người ta thường hay nói đến lợi thế về quy mô. Lợi thế về quy mô thể hiện cụ thể nhất trong tổ chức sản xuất theo mạng lưới toàn cầu của các công ty lớn như Toyota. Các công ty con của Toyota được tổ chức theo chuyên môn hóa sản xuất. Mỗi đơn vị tập trung vào sản xuất chỉ một vài linh kiện, mà nó làm hiệu quả nhất. Ví dụ như động cơ xe ô tô có thể được sản xuất bởi Toyota Motor Japan; lốp xe được cung cấp bởi Toyota Motor Malaysia…, chúng cùng tuân theo cùng một tiêu chuẩn quốc tế của tập đoàn Toyota. Và những thiết bị này được xuất khẩu tới các công ty con khác, để rồi được ghép gộp lại thành sản phẩm của những dòng xe Toyota bán đi trên khắp các thị trường thế giới. Sự phối hợp như vậy rõ ràng là có hiệu quả hơn so với việc mỗi đơn vị của Toyota ở từng quốc gia phải tự sản xuất ra mọi thiết bị mà nó cần để lắp ráp ra được chiếc xe ô tô, bán tại thị trường sở tại hay xuất khẩu.

Như có thể dự đoán, lợi thế quy mô của tổ chức sản xuất lao động toàn cầu này đã thúc đẩy mạnh mẽ các dòng FDI và trao đổi thương mại quốc tế, mà chúng có khi còn diễn ra rất sớm trước khi có bất cứ thỏa thuận chính thức nào về tự do mậu dịch, như WTO hoặc TPP. Động cơ chính của tự do hóa thương mại là tình thế win – win. Tức là, cả hai phía đều có lợi, nếu có trao đổi thương mại hơn là không có điều đó. Nhưng liệu có phải lúc nào việc trao đổi cũng đều diễn ra suôn sẽ hay không? Câu trả lời phụ thuộc rất nhiều vào môi trường đầu tư kinh doanh ở nước sở tại, mà tập đoàn như Toyota đến đó để đầu tư – sản xuất.

Để dễ hình dung, hãy nhìn vào quan hệ hợp đồng giữa một bên là công ty Toyota Motor Vietnam (TMV) tại Việt nam với Toyota Motor Thailand (TMT) tại Thailand. Và bên kia là giữa TMV với các đối tác khác của nó tại Việt nam, các nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng nội địa. Mục đích của cả TMV và TMT là tìm kiếm các cơ hội đầu tư mà mỗi bên có thể tận dụng được thế mạnh của mình. Và tiếp đó là làm thế nào để thực thi các cơ hội đó mà không để rủi ro bị chèn ép làm mất đi ích lợi tiềm tàng từ trao đổi thương mại.



  • Vấn đề lựa chọn cơ hội đầu tư

Để cụ thể, giả sử nhu cầu về các dòng xe mới của Toyota trên thị trường Đông Á làm xuất hiện đòi hỏi về việc sản xuất ra hai loại nhập lượng: thứ nhất là van tuần hoàn xả khí, với tổng giá trị 20 triệu USD. Và thứ hai là hệ thống giảm xóc,với tổng giá trị 70 triệu USD. Ở đây ta giả thiết rằng việc sản xuất bộ giảm xóc đòi hỏi trình độ công nghệ cao hơn. Vì vậy, có giá trị thị trường lớn hơn. Hai công ty có tiềm năng sản xuất cả hai thiết bị này tại thị trường khu vực là TMV tại Việt nam và TMT tại Thailand. Nhưng do ràng buộc về về quy mô thiết bị và lao động, và thời gian thực hiện hợp đồng, họ chỉ có thể chọn đầu tư sản xuất cho một trong hai đơn đặt hàng nói trên.

Đối với TMV tại Việt nam, nếu nó có khả năng gọi vốn đầu tư nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa, thay cho việc chỉ đơn thuần nhập khẩu linh kiện và lắp ráp, thì nó có thể sản xuất cả hai thiết bị nêu trên theo đúng chuẩn mực quốc tế, nhưng với giá rẻ hơn (do lao động Việt Nam rẻ hơn).

Đối với TMT tại Thái lan, nó có khả năng sản xuất cả hai thiết bị trên với chất lượng đáng tin cậy hơn, và thời hạn giao nộp chính xác hơn, dù chi phí tiền lương cao hơn. Đó là vì nó có tuổi đời dài hơn và đã quen cung cấp cho một thị trường xe hơi địa phương lớn hơn.

Có khoản 80% đơn đặt hàng đòi hỏi hết sức nghiêm ngặt về chất lượng và thời hạn giao nộp, chẳng hạn như Toyota đặt tại Singapor hay Thượng hải. Họ muốn ký hợp đồng với TMT của Thailand. Khoảng 20% đơn đặt hàng còn lại thuộc các thị trường mới nổi lên. Những công ty Toyota ở đó đang phải nỗ lực giảm giá thành lắp ráp cho phù hợp với sức mua còn thấp của thị trường nội địa. Vì vậy, họ có thể ưa thích thiết bị do TMV ở Việt nam chào mời.

Như vậy, nếu cả hai cùng đầu tư sản xuất van tuần hoàn xả khí, thì TMT tại Thailand sẽ chiếm 80% tổng giá trị hợp đồng 20 triệu tức là 16 triệu, còn TMV tại Việt nam sẽ có 4 triệu; tức là có sự phân chia thị phần (16, 4). Tương tự như vậy, nếu cả hai cùng nhảy vào sản xuất hệ thống giảm xóc với tổng giá trị hợp đồng là 70 triệu thì TMT tại Thailand sẽ được 56 triệu và TMV tại Việt nam sẽ được 14 triệu; tức là có sự phân chia (56, 14). Trong hoàn cảnh ngược lại, mỗi bên sẽ chiếm toàn bộ phân khúc thị trường mà nó đã chọn. Và vì vậy, doanh thu của từng bên sẽ là (20, 70) hoặc (70, 20). [Con số đi trước trong dấu ngoặc chỉ giá trị thị phần công ty TMT tại Thailand nhận được; và con số đi sau chỉ giá trị thị phần mà công ty TMV tại Việt nam hưởng, tùy theo từng cặp chiến lược được lựa chọn bởi mỗi bên]. Tình huống “cuộc chơi” được tóm tắt như sau:

TMV lựa chọn: Van tuần hoàn Bộ giảm xóc

TMT lựa chọn:

Van tuần hoàn (16 , 4) (20 , 70)

Bộ giảm xóc (70 , 20) (56 , 14)

(Nhắc lại là, số bên trái trong ngoặc là thị phần của TMT tại Thailand, và số bên phải là của TMV tại Việt nam, ứng với từng cặp chiến lược đã lựa chọn của mỗi bên).

Theo quan điểm TMT, nếu TMV nhẩy vào phân khúc van tuần hoàn, thì TMT sẽ được lợi hơn nếu nó nhẩy vào phân khúc bộ giảm xóc, và hưởng trọn tổng hợp đồng 70 triệu USD, hơn là chỉ lấy được thị phần 16 triệu, nếu cũng nhẩy vào van tuần hoàn (xem dọc theo cột đầu). Ngược lại, nếu TMV nhẩy vào bộ giảm xóc, thì việc chấp nhận chạm trán với đối phương trên phân khúc này sẽ cho TMT hưởng thị phần 56 triệu, hơn là né tránh và chọn việc cung cấp van tuần hoàn với tổng hợp đồng 20 triệu (xem dọc theo cột thứ hai). Như vậy, TMT sẽ có lợi hơn, nếu chỉ chuyên môn hóa vào sản xuất bộ giảm xóc, hơn là sản xuất van tuần hoàn.

Về phía TMV, tình thế có phức tạp hơn, nếu nó dự đoán được rằng TMT sản xuất bộ giảm xóc, thì nó chỉ nên cung ứng van tuần hoàn và thu 20 triệu. Ngược lại nếu TMT sản xuất van tuần hoàn, thì nó nên sản xuất bộ giảm xóc, và thu trọn 70 triệu. Do không có lợi thế so sánh, TMV rõ ràng là luôn tìm cách né tránh nơi mà TMT muốn đặt chân vào. Do vậy, để biết mình nên làm gì, TMV phải đặt nó vào địa vị của TMT. Và nó nhận thức được rằng, TMT sẽ luôn chọn phân khúc bộ giảm xóc. Vì vậy, TMV sẽ chọn cho mình phân khúc van tuần hoàn. Sự phân công lao động quốc tế giữa TMT và TMV đã được đề ra, và cả hai bên đều có lợi. Tình thế win- win được tạo lập một cách tự nhiên dựa trên lợi thế so sánh của mỗi bên, chứ không phải do chỉ đạo bởi một trung tâm lập kế hoạch. Nói rõ hơn, tình thế win – win đó được tạo ra, dựa trên việc lựa chọn chiến lược đầu tư một cách có suy xét của cả hai phía tham dự cuộc chơi.

Trong quan hệ như vậy, mạnh không có nghĩa là luôn tìm cách chèn ép yếu. Điều này lý giải tại sao Toyota đặt cả chân rết ở cả Thailand và Việt nam. Nhưng rõ ràng, Thailand có nguồn cung lao động có kỹ năng cao hơn, tổ chức tốt hơn (môi trường kinh doanh thuận lợi hơn), nên công ty Toyota tại Thailand (TMT) giành được hợp đồng có giá trị hơn. Điều đó cũng có nghĩa là nếu Việt nam biết đào tạo tay nghề và tổ chức lao động tốt hơn Thailand, thì tình thế có thể đảo ngược. Và Việt nam sẽ nhận được nhiều hợp đồng hơn (tiếp cận mạnh hơn ra thị trường toàn cầu). Rõ ràng điều này nằm ở việc liệu có phát triển được các ngành công nghiệp sản xuất linh kiện, vật tư nội địa của Việt nam hay không.

Chúng ta hãy tiếp tục phân tích khía cạnh này qua việc Toyota tại Việt nam thực hiện cơ hội đầu tư đang mở ra.



- Thực hiện cơ hội đầu tư

Khi phát hiện ra cơ hội đầu tư này, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam, Nobuniko Murakami, quyết định đề nghị công ty Toyota tổ chức hội thảo ở Tokyo, Nhật bản, để thuyết phục các nhà đầu tư bỏ vốn vào sản xuất linh kiện van tuần hoàn xả khí tại Việt Nam. Điều đáng nói là sau đúng hai năm kể từ ngày tổ chức cuộc hội thảo, TMV đã nâng mức xuất khẩu van tuần hoàn xả khí lên 20 triệu USD. Đó rõ ràng là một tín hiệu tốt lành, làm tăng số lượng đơn đặt hàng cho TMV trong tương lai. Một điều mà ít quan chức Việt Nam nào có thể tin được khi tham dự lễ khởi công dự án cách đây hai năm.

Lý do tại sao mà trong thời gian hai năm TMV lại đạt được kết quả như vậy? TMV đã có chiến lược tổ chức hợp tác như thế nào?

Hãy đơn giản hoá thực tiễn và chỉ tập trung vào những tình tiết quan trọng nhất. Như đã nói, cách thời điểm lịch sử đó hai năm, vào 2006, TMV có hai sự lựa chọn ở Việt nam, hoặc là kêu gọi đầu tư nhằm sản xuất van tuần hoàn xả khí với chất lượng đáp ứng được chuẩn mực, áp dụng trong hệ thống của công ty Toyota trên toàn cầu. Hoặc chỉ vẫn dừng lại ở mức nhập khẩu linh kiện, và sử dụng lao động rẻ, tay nghề thấp để lắp ráp và sửa chữa xe Toyota tại thị trường nội địa tại Việt nam. Thị trường này còn hết sức nhỏ bé, chỉ vào khoảng 40.000 xe/năm (tức là bằng 1/20 so với Thái lan). Và sự lựa chọn thứ hai sẽ không thể cho phép TMV đạt đến mức hiệu quả về quy mô, điều mà phương án gọi đầu tư vào Việt nam và xuất khẩu linh kiện ra bên ngoài có thể đem lại. Nhưng phương án gọi đầu tư tự nó lại chứa chấp quá nhiều rủi ro.

Để dễ hình dung, giả sử Toyota đã thành công trong việc thuyết phục các nhà đầu tư bỏ vốn vào Việt nam. Và giả định rằng các nhà đầu tư đã lên kế hoạch, chuyển giao công nghệ, máy móc, và đào tạo nhân lực cho các cơ sở sản xuất – gia công Việt nam. Khi đó, phía các nhà gia công Việt nam sẽ có hai lựa chọn khác. Hoặc phải hết sức nỗ lực kiện toàn quản lý và kiểm tra chất lượng. Hoặc ngược lại, chọn mức nỗ lực phải chăng, lãng phí và kém tổ chức. Sau đó, chờ đợi sự hỗ trợ từ chính hãng, nếu có sự khiếm khuyết về chất lượng hay thời hạn giao nộp xẩy ra. Vấn đề là, đằng nào thì các nhà đầu tư đã bỏ vốn rồi. Không dễ gì mà họ có thể chấm dứt quan hệ hợp đồng với các tổ chức làm gia công. Tuy nhiên, nếu các nhà đầu tư nhìn thấy trước triển vọng bất lợi đó, họ có thể không đầu tư vào Việt nam, cho dù rằng nếu dự án mà thành công, thì sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên.

Bây giờ, giả sử như Toyota tại Việt nam, TMV, không chỉ ký hợp đồng thầu phụ với một, mà một vài đối tác. Cái mất là phí tổn đầu tư ban đầu về máy móc thiết bị và đào tạo tay nghề cho công nhân sẽ tăng lên gấp bội. Nhưng cái được cho TMV là tạo ra sự thi đua giữa các nhà nhận thầu phụ phía Việt nam. Theo đó, nỗ lực về tăng chất lượng và giảm chi phí của một nhà thầu phụ sẽ là áp lực kiểm tra với nỗ lực làm việc của các nhà thầu khác, và ngược lại. Dĩ nhiên, việc tạo ra sự thi đua giữa những nhà thầu phụ Việt nam đã được TMV tiến hành kể từ nhiều năm nay. Qua từng giai đoạn, TMV đã sàng lọc ra những đối tác tin cậy hơn. Và hợp đồng mới ký kết với họ trở nên có giá trị hơn, lâu bền hơn. Dưới quan điểm đó, sự thành công trong việc xuất khẩu 20 triệu USD van tuần hoàn xả khí đã đánh dấu một nấc mới trong quá trình sàng lọc và hợp tác đôi bên cùng có lợi đó. Như đã nói, nó nâng tầm cỡ của TMV lên một mức mới trong hệ thống sản xuất toàn cầu của Toyota. Nhưng điều đó cũng nói lên rằng, quá trình hội nhập của Việt nam có thể sẽ sáng sủa hơn, nếu sự hợp tác có ý thức của tất cả các bên trong cuộc chơi trở thành một chuẩn mực trong quan hệ hợp đồng.

Câu chuyện của Toyota Việt nam có thể được nhân rộng ra, nếu Chính phủ Việt nam quan tâm tới việc phát triển các ngành công nghiệp sản xuất linh kiện, phụ trợ, vật tư; cho phép tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng sức cạnh tranh, và tăng xuất khẩu. Việc này có thể thực hiện bằng cách miễn giảm thuế, hỗ trợ tín dụng và thúc đẩy đào tạo nhân lực cho các nhà thầu phụ Việt nam của Toyota; một khi họ đã thành công trong việc phối hợp với Toyota tại Việt nam (TMV) để tăng doanh số xuất khẩu. Với chính sách khuyến khích như vậy, Toyota Việt nam, các nhà thầu phụ, hay các nhà sản xuất vật tư, linh kiện nội địa của nó, và cả Chính phủ - tất cả đều được hưởng lợi. Toyota tiếp cận được các nguồn lực nội địa có kỹ năng hơn. Các nhà thầu phụ Việt nam của Toyota tiếp cận được vào hệ thống cung ứng và thương mại toàn cầu, thông qua Toyota. Nhà nước được lợi về tăng doanh số xuất khẩu, tăng thu thuế, dựa trên tăng doanh thu phải nộp thuế, chứ không phải do tăng thêm sắc thuế hoặc suất thuế.

Như đã nói, nếu chỉ để mặc Toyota tự bỏ nỗ lực nội địa hóa, thì sẽ có quá ít lực đẩy cho việc phát triển công nghiệp sản xuất linh kiện, phụ trợ tại Việt nam. Kể từ thành công của Toyota đến nay đã gần 10 năm. Việt nam đang vấp phải trở ngại lớn trong việc tiếp cận nguồn lực, thị trường, và tăng xuất khẩu, vì vắng bóng các ngành công nghiệp sản xuất linh kiện, phụ trợ nội địa. Đó là một bài học về chính sách mà Việt nam cần phải rút kinh nghiệm rất nghiêm túc. Một môi trường đầu tư kinh doanh tốt, có nhiều ngành công nghiệp sản xuất linh kiện nội địa, cần phải có sự hỗ trợ về chính sách khuyến khích của chính phủ. Khi đó, sẽ không chỉ có riêng Toyota, mà Samsung, LG, và nhiều công ty khác sẽ được hưởng lợi từ chính sách khuyến khích của Chính phủ. Và ngược lại, Chính phủ sẽ được hưởng lợi từ việc tăng khả năng tiếp cận nguồn lực, thị trường của các doanh nghiệp. Vì điều đó làm tăng công ăn việc làm, tăng nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu và tăng nguồn thu thuế cho ngân sách. Từ đó tạo ra sự phát triển bền vững, như các nền kinh tế thần kỳ ở Đông nam Á đã làm.



Каталог: Uploads -> Articles04
Uploads -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
Uploads -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
Uploads -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
Uploads -> Tác giả phạm hồng thái bài giảng ngôn ngữ LẬp trình c/C++
Uploads -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
Uploads -> TRƯỜng đẠi học ngân hàng tp. Hcm markerting cơ BẢn lớP: mk001-1-111-T01
Uploads -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 8108 : 2009 iso 11285 : 2004
Uploads -> ĐỀ thi học sinh giỏi tỉnh hải dưƠng môn Toán lớp 9 (2003 2004) (Thời gian : 150 phút) Bài 1
Articles04 -> MỤc lục phầN 1: ĐÁnh giá KẾt quả thực hiệN
Articles04 -> BÁo cáo hsbc kết nối giao thưƠng việt nam

tải về 3.48 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   33   34   35   36   37   38   39   40   ...   47




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương