Kinh tì-kheo na-tiên càn Long Đại Tạng Kinh Quyển 108, trang 706-753 Thiện Nhựt phỏng dịch và tìm hiểu Nguồn


- Dọc đường, Triêm-Di-Lợi được Na-Tiên khai-ngộ



tải về 1.4 Mb.
trang33/59
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích1.4 Mb.
#19794
1   ...   29   30   31   32   33   34   35   36   ...   59

105.- Dọc đường, Triêm-Di-Lợi được Na-Tiên khai-ngộ .


Lúc bấy giờ trời sắp tối, nhà Vua muốn quay về cung. Hôm sau, Vua sai quan hầu-cận Triêm-Di-Lợi đi thỉnh Na-Tiên đến đền vua để cúng-dường trai-tăng và thưa hỏi về Phật-pháp. Na-Tiên cùng với tám mươi vị tì-kheo lên đường đến hoàng-cung. 

Dọc đường, Triêm-Di-Lợi nhớ lại cuộc nói chuyện hôm qua giữa Vua và Na-Tiên, mới thưa cùng Na-Tiên:

- Bạch Ngài, hôm qua, Ngài có bảo, chẳng có gì là Na-Tiên cả, tôi còn chưa hiểu, mong Ngài chỉ-dạy thêm cho.

- Theo ông, thì cái gì là Na-Tiên? 

- Có lẽ hơi thở ra vào chính là Na-Tiên. 

- Hơi thở có ra mà chẳng vào, thì con người thế nào? 

- Hơi thở ra mà chẳng vào lại, mạng sống con người chấm dứt. 

- Thế thì, các người thổi kèn, thổi ống bể lò rèn, thổi tù-và, khi thổi hơi ra, hơi đó có trở vào chăng? 

- Bạch, không? 

- Các người thổi đó có vì thế mà chết đi chăng? 

- Bạch, không; họ chẳng vì thế mà chết. Xin Ngài chỉ-dạy rõ thêm. 

- Hơi thở ra vào là một phần-việc ở trong cơ-thể; cũng như trong tâm có ý thì lưỡi nói ra lời; đó là phần-việc của tâm và của lưỡi. Mỗi bộ-phận trong thân-tâm đều có phần-việc cả, khi nhìn kỹ lại thì là Không, là rỗng-rang, chẳng có gì là Na-Tiên cả.

Triêm-Di-Lợi nghe xong, tâm liền khai-ngộ.

(Tiểu-mục số 017, bản Phỏng-dịch, vừa được nhắc lại trên đây, nhằm nêu lên lý-do tại sao chẳng có gì là Na-Tiên cả, và để giải-thích thêm lý vô-ngã: trong thân-tâm do năm uẩn tập-hợp lại nầy, chẳng hề có cái gì gọi là ''Ta'',''Ngã'' cả. Bình-dân còn mê-tín tin-tưởng rằng mỗi người có một linh-hồn bất-diệt, cứ đầu-thai lại làm người trải qua nhiều kiếp sống chết. ''Ta'' chẳng có, mà cả ''linh-hồn'' cũng chẳng có; chẳng qua vì mê-tín, vì tà-kiến, mà vướng-mắc phải ý-tưởng sai-lầm nầy là coi trong thân-tâm như có cái ''Ta'', có cái ''linh-hồn''. Tà-kiến đó gọi là thân-kiến, hoặc ngã-kiến.)

Sau khi, chư Tăng an-toạ, Đức Vua tự tay sới cơm và sớt thực-phẩm dâng-hiến lên cho Tì-kheo Na-Tiên. Tiếp theo bữa thọ-trai, nhà Vua sai mang áo ca-sa và giầy ra cúng-dường Tăng-đoàn. Kế đó, nhà Vua truyền lịnh cho các quí-nhơn trong hậu-cung phải ra ngoài thượng-điện, ngồi sau màn, để theo dõi cuộc pháp-đàm giữa Ngài và Ti-kheo Na-Tiên. (Đây là hảo-ý rất đáng khen của nhà Vua muốn cho các phi-tần trong hậu-cung cũng có dịp học-hỏi thêm về Chánh-Pháp).

*

106.- Sắp-xếp lại các loại câu hỏi về Giáo-Pháp .


Đến đây, Thiện-Nhựt vừa kể xong Phần I của quyển Tì-kheo Na-Tiên. Tiếp theo xin tóm-tắt Phần II của quyển sách là phần quan-trọng nói đến các câu hỏi và lời giải-đáp giữa Di-Lan và Na-Tiên.

Rất khó sắp-xếp lại các vấn-đề đạo-pháp mà Vua Di-Lan đã lần-lượt nêu lên để hỏi Tì-kheo Na-Tiên. Nhiều câu hỏi được nhắc đi nhắc lại nhiều lần ở nhiều đoạn khác nhau. Thí-dụ như vấn-đề đi tu làm sa-môn, vấn-đề tái-sanh, vấn-đề Trí-huệ, v.v... 

Tổng-cộng tất cả có hơn 80 câu hỏi, có thể tạm chia làm mười vấn-đề sau đây:

I.- Tại sao đi tu làm sa-môn?


II.- Sự tái-sanh, nghiệp-lực, và thuyết Luân-hồi;
III.- Phân-biệt các điều thiện và ác;
IV.- 37 Phẩm Trợ Đạo;
V.- Trí-huệ; 
VI.- Các loại cảm-thọ;
VII.- Đắc Đạo và cõi Niết-bàn;
VIII.- Phật;
IX.- Con ''Người'' và lý-thuyết vô-ngã;
X.- Các câu hỏi linh-tinh về kiến-thức tổng-quát.

Nơi Bản Mục-Lục có ghi rõ các tiểu-mục và các trang có liên-quan đến mười vấn-đề vừa nêu trên đây.

Trong Phần Tìm hiểu Nghĩa Ý, Thiện Nhựt xin mạn phép chẳng theo đúng thứ-tự từng trang một, trong Bản Phỏng-dịch, mà lại lần-lượt xét theo các vấn-đề nêu trên đây; xin người đọc chịu phiền tra-cứu lại chánh-văn trong bản Phỏng-dịch, nếu thấy cần.

-----*-----


I.- Vấn-đề: Đi tu làm Sa-môn

107.- Tại sao đi tu làm sa-môn?


Vấn-đề tu-hành, đối với người còn tại nhà và đối với các bực đã xuất-gia, là vấn-đề quan-trọng bực nhứt; vì lẽ đó vua Di-Lan đã nêu lên câu hỏi nầy, trước với vị sa-môn Dã-Hoà-La, và sau đó lại đặt vấn-đề ấy với Tì-kheo Na-Tiên, hơn một lần.

Nơi tiểu-mục số 010, phần Phỏng-dịch, nhà Vua hỏi sa-môn Dã-Hoà-La, vì sao cạo đầu đi tu làm sa-môn. Vị sư nầy đáp:

- Chúng tôi học hạnh trung-chánh của đạo Phật, đời nầy được phước, đời sau cũng được phước; vì lẽ đó, tôi xuống tóc, cạo râu, mặc áo cà-sa làm sa-môn.

Lý-do đi tu làm sa-môn, ở đây, được Sư Dã-Hoà-La nêu lên là để được phước đời nầy và đời sau. Đó là tu phước. Phước đó là phước gì? ''Được phước'' là cuộc sống trong hiện-tại và trong tương-lai được nhiều may-mắn, sung-sướng, thí-dụ như được giàu-có, thoát khỏi mọi tai-nạn, thân-tâm được an-lạc và gia-quyến chẳng bị khổ-sở, v.v. Sự hưởng-thọ hạnh-phước đó được xem như ''phần thưởng'' để bù-đắp cho công khó-nhọc đã tu-hành; ''phần-thưởng'' ấy được gọi là ''phước'', đều dành cho cả hai hạng người tu tại-gia và bực xuất-gia, khi đã noi theo đúng ''hạnh trung-chánh''. Hạnh-phước đó do đâu mà có? Đó là vì trong đời nầy tu-hành, tránh các điều ác, làm nhiều điều lành, tạo nên thiện-nghiệp, nên theo Luật Nhân-quả được hưởng phước lành, ngay trong hiện-đời được kẻ khác mến-yêu, kính-nễ, và trong kiếp vị-lai, được sanh lại vào nơi cao-sang, quyền-quí.

Nhưng mục-đích tu-hành của bực xuất-gia chơn-chánh, ngoài việc được phước như người tu tại-gia, còn cao-sâu hơn nữa. Cao-sâu ở điểm nào? Bực xuất-gia đã lià cuộc sống ràng-buộc trong gia-đình, đi tu cốt là để được giải-thoát? Sao gọi là giải-thoát, ai hay cái gì ràng-buộc mình mà phải tìm sự giải-thoát? Đã mang thân-tâm năm uẩn nầy thì phải chịu khổ, cái khổ chẳng chừa một ai, từ lúc sanh ra, lớn lên, già, bịnh, chết; thương nhau chẳng gặp nhau; ghét nhau phải gần nhau, cầu mà chẳng được; các nỗi Khổ đã được kể đầy-đủ trongKhổ-đế nơi bản Kinh Chuyển Pháp-Luân. Chính vì muốn đời nầy tránh các nỗi Khổ đó và đời sau chẳng phải mang lại các nỗi Khổ đó nữa, mà các bực xuất-gia mới tu-tập theo hạnh sa-môn. (Xin xem lại các tiểu-mục số 018; số 085, bản Phỏng-dịch).

Vả lại, phước mà người tu tại-gia được hưởng đời nầy và cả đời sau nữa, là phước hữu-lậu, (hữu = có; lậu = rỉ chảy) hưởng riết rồi có ngày sẽ cạn, và khi hết phước sẽ phải bị khổ-sở trở lại, nhứt là còn chưa được giải-thoát vì phải tái-sanh lại trong cảnh Luân-hồi. Còn phước mà bực tu-hành mong được hưởng là phước được giải-thoát hoàn-toàn, vượt khỏi vòng sanh-tử của Luân-hồi. Phước đó gọi là phước vô-lậu, (vô = chẳng có), hưởng hoài chẳng bao giờ dứt, vì một khi đã được hoàn-toàn giải-thoát rồi thì chứng được vô-sanh, (vô = chẳng có, sanh = ở đây là tái-sanh, sanh trở lại); chẳng còn phải lận-đận trong việc chết đi, sống lại, chết đi ... nữa, để chịu Khổ.

Với sự phân-biệt giữa hai loại phước, hữu-lậu và vô-lậu, cùng mục-đích thấp và cao giữa hai hạng tu-hành tại-gia và xuất-gia, giờ đây ta thấy rõ vì sao Sư Dã-Hoà-La đã ''thua'' vua Di-Lan. Sư thất-bại trong cuộc đối-đáp, chỉ vì Sư chưa phân-biệt được phước hữu-lậu của kẻ tu tại nhà, với phước vô-lậu của bực xuất-gia; và nhứt là mục-đích cao-cả của việc xuất-gia: giải-thoát khỏi cảnh Luân-hồi, tránh mọi sự Khổ, chớ chẳng phải chỉ mong được sung-sướng trong đời nầy và đời sau mà thôi đâu.

Và đây cũng là dịp để ta phân-biệt thêm việc tu phước và việc tu huệ. Tu huệ khác với tu phước ở chỗ là nhằm phát-triển Trí-Huệ, khi theo đúng Tam Vô-lậu-học (= ba môn học vô-lậu, giúp ta đến nơi giác-ngộ và giải-thoát: Giới, Định, Huệ). Nhờ giữ Giới thanh-tịnh, thân-tâm thường an-lạc, nên tâm dễ đắc Định. Nhờ tâm an-định mà Trí-Huệ được phát-triển. Nhờ Trí-Huệ sáng-suốt mới cắt đứt được các loại phiền-não, chấm-dứt sự luyến-ái, mà chứng được vô-sanh, vĩnh-viễn thoát khỏi vòng lẩn-quẩn khổ-sở của Luân-hồi.

Đức Phật được tôn-xưng là bực Lưỡng-Túc-Tôn, tức là vị đã thực-hiện đầy-đủ cả hai Phước và Huệ (lưỡng= hai; túc= đầy-đủ; tôn = tôn-trọng).

*



tải về 1.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   29   30   31   32   33   34   35   36   ...   59




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương