Khoa luật trần minh thu pháp luật quốc tế VỚi vầN ĐỀ khủng bố: MỘt số VẤN ĐỀ LÝ luận và thực tiễN luận văn thạc sĩ luật họC


Quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống khủng bố



tải về 200.74 Kb.
trang6/6
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích200.74 Kb.
#12950
1   2   3   4   5   6

3.1. Quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống khủng bố


3.1.1. Các quy định của pháp luật hình sự về tội khủng bố

Bộ luật Hình sự đầu tiên của nước CHXHCN Việt Nam được ban hành năm 1985 đã quy định tội khủng bố tại Điều 78 nằm trong chương Những tội xâm phạm an ninh quốc gia. Quy định của tội danh này vẫn được giữ nguyên trong Bộ luật Hình sự năm 1999 tại Điều 84.

Tuy nhiên, các hành vi chỉ cấu thành tội phạm khủng bố theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam nếu được thực hiện nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân hoặc nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm nói riêng, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung vào ngày 19/6/2009 tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, theo đó, trong Bộ luật Hình sự hiện hành quy định ba tội danh về khủng bố, đó là Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (điều 84), Tội khủng bố (Điều 230a) và Tội tài trợ cho khủng bố (Điều 230b).

3.1.2. Các quy định của pháp luật hình sự về các tội liên quan đến khủng bố

Bên cạnh việc quy định các tội phạm về khủng bố, Bộ luật Hình sự Việt Nam còn có các điều luật quy định về các tội phạm khác có liên quan như các hành vi xâm phạm an toàn hàng không, hàng hải; sử dụng, mua bán trái phép các vũ khí, vật liệu nổ…



Các hành vi trong lĩnh vực an toàn và an ninh hàng không dân dụng

Bộ luật Hình sự có ba điều quy định về tội cản trở giao thông đường không (Điều 217), tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy (Điều 221) và tội điều khiển tàu bay vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 222) nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản trong lĩnh vực giao thông đường không.



Các hành vi trong lĩnh vực an toàn và an ninh hàng hải

Bộ luật Hình sự có 04 điều luật quy định về các tội phạm có liên quan đến lĩnh vực này, đó là tội cản trở giao thông đường thủy (Điều 213), tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy (Điều 221), tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam (Điều 223) và tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231). Đây là những hành vi xâm phạm đến trật tự an toàn công cộng, gây thiệt hại về người và tài sản trong lĩnh vực giao thông hàng hải. Người phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt tù cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, ngoài ra còn có thể bị áp dụng hình phạt tiền đến tám trăm triệu đồng.



Các hành vi trong lĩnh vực quản lý vũ khí, vật liệu nổ

Bộ luật Hình sự có 09 điều luật quy định về các tội phạm có liên quan đến lĩnh vực này, bao gồm tội chế tạo, vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 230), tội chế tạo vận chuyển, sử dụng, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ (Điều 232), tội chế tạo vận chuyển, sử dụng, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ (Điều 233), tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (Điều 234), tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 235), tội chế tạo vận chuyển, sử dụng, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ (Điều 236), tội vi phạm quy định vê quản lý chất phóng xạ (Điều 237), tội chế tạo vận chuyển, sử dụng, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất cháy, chất độc (Điều 238) và tội vi phạm quy định về quản lý chất cháy, chất độc (Điều 239). Các điều này được xây dựng nhằm mục đích trừng trị các hành vi vi phạm chế độ quản lý các loại vũ khí, vũ khí thô sơ, vật liệu nổ - đây là những phương tiện mà bọn tội phạm thường sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội nói chung và hành vi phạm tội khủng bố nói riêng.



Các hành vi khác được sử dụng cho mục đích khủng bố

Bộ luật Hình sự có 05 điều quy định trong lĩnh vực này, đó là tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 250), tội rửa tiền (Điều 251), tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 266), tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 267), tội xuất cảnh nhập cảnh trái phép, tội ở lại Việt Nam trái phép (Điều 274) và tội che giấu tội phạm (Điều 313). Theo quy định của các điều luật này thì người áp dụng hình phạt tù cao nhất là 15 năm (đối với hành vi rửa tiền với các tình tiết tăng nặng) và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như phạt tiền, tịch thu tài sản và quản chế.



3.1.3. Các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thẩm quyền điều tra các tội phạm liên quan đến tội khủng bố

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 của Việt Nam quy định tại Điều 110 về thẩm quyền điều tra các vụ án hình sự, theo đó, cơ quan điều tra trong Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra trong Quân đội nhân dân và cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 còn quy định về tài phán của Việt Nam tại các Điều 171 và Điều 172.

Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về chống khủng bố, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 của Việt Nam dành một phần riêng (phần thứ 8) để quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tố tụng hình sự, trong đó có hai chương: Chương 36 quy định về vấn đề tương trợ tư pháp và Chương 37 quy định về vấn đề dẫn độ tội phạm.

3.1.4. Các quy định pháp luật khác về phòng, chống khủng bố

Ngoài các quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự về tội phạm khủng bố và các tội phạm có liên quan đến khủng bố, luật pháp Việt Nam còn có các quy phạm pháp luật nhằm giám sát các giao dịch về tài chính, quản lý tiền tệ và các hoạt động gây quỹ liên quan đến yếu tố nước ngoài; chống tài trợ cho các hoạt động khủng bố, chống rửa tiền; quản lý vũ khí và vật liệu nổ; quản lý hoạt động xuất, nhập cảnh.


3.2. Thực tiễn thi hành pháp luật về phòng, chống khủng bố


Hệ thống các văn bản pháp luật về phòng, chống khủng bố Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của công tác phòng, chống khủng bố ở nước ta trong một thời gian dài. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế mạng mẽ như hiện nay, thực tiễn hoạt động phòng, chống khủng bố đã nảy sinh nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập về khía cạnh pháp lý cần được nghiên cứu và giải quyết. Dù các quy định về tội phạm khủng bố được sửa đổi, bổ sung đã đáp ứng được một số yêu cầu về mặt pháp lý nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện như:

- Khái niệm về hành vi khủng bố vẫn chưa được quy định một cách rõ ràng, thống nhất trong các điều luật về các tội phạm khủng bố, do đó cùng một hành vi có thể bị truy tố theo hai tội danh trong trường hợp dấu hiệu về mục đích không rõ ràng.

- Hành vi khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân theo quy định tại Điều 84 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có đối tượng tác động là con người, tuy nhiên, thực tiễn cho thấy hoạt động khủng bố còn nhằm tấn công vào các mục tiêu vật chất khác với mục đích chống chính quyền nhân dân. Do đó, cần có sự nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để điều luật được chặt chẽ hơn.

- Thực tiễn thi hành pháp luật tương trợ tư pháp về hình sự đối với tội phạm khủng bố còn có những hạn chế, vướng mắc do sự khác biệt giữa quan niệm khủng bố của Việt Nam và các quốc gia cũng như việc gia nhập các công ước quốc tế về chống khủng bố của Việt Nam còn chưa kịp thời.

- Hệ thống các văn bản pháp luật về phòng, chống khủng bố còn thiếu đồng bộ và chưa thống nhất do chưa có văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực phòng, chống khủng bố.

3.3. Nhu cầu hoàn thiện pháp luật về phòng, chống khủng bố ở Việt Nam hiện nay


Việc hoàn thiện pháp luật về phòng, chống khủng bố ở Việt Nam trong tình hình hiện nay xuất phát từ những nhu cầu khách quan sau:

- Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống khủng bố là một yêu cầu khách quan trong bối cảnh các hoạt động khủng bố quốc tế đang gia tăng mạnh cả về số lượng lẫn quy mô hoạt động và trở thành mối đe dọa an ninh của các quốc gia và cộng đồng quốc tế.

- Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống khủng bố là một yêu cầu tất yếu trong chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2020.

- Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống khủng bố là một yêu cầu cấp thiết trong hợp tác quốc tế về đấu tranh chống tội phạm khủng bố của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.


3.4. Quan điểm, định hướng hoàn thiện pháp luật về phòng, chống khủng bố


Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vấn đề hoàn thiện pháp luật về phòng, chống khủng bố cần đặt trong một tổng thể của chiến lược phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật và phải có lộ trình thích hợp dựa trên sự đánh giá một cách toàn diện thực trạng pháp luật về phòng, chống tội phạm. Việc hoàn thiện pháp luật về phòng, chống khủng bố phải xác định được quan điểm, định hướng trong những năm tiếp theo.

- Pháp luật về phòng, chống khủng bố phải thể chế hóa kịp thời, đầy đủ quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về phòng, chống khủng bố.

- Hoàn thiện pháp luật phòng, chống khủng bố ở Việt Nam phải xuất phát từ tình hình thực tiễn công tác phòng, chống khủng bố của Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế.

- Hoàn thiện pháp luật phòng, chống khủng bố ở Việt Nam đảm bảo phù hợp với các quy định trong các điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.

3.5. Một số giải pháp góp phần hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống, khủng bố ở Việt Nam trong tình hình hiện nay

3.5.1. Tăng cường ký kết hoặc gia nhập các điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố


Việt Nam đã tham gia hầu hết các điều ước quốc tế đa phương của Liên hợp quốc về chống khủng bố và ký kết hàng chục điều ước quốc tế song phương cấp Nhà nước, cấp Chính phủ và cấp Bộ với nhiều nước trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự, về dẫn độ và hợp tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm nguy hiểm, tội phạm có tổ chức, trong đó có khủng bố quốc tế. Song, cho đến nay ở Việt Nam vẫn chưa tạo lập được cơ chế tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện một cách hiệu quả các điều ước quốc tế đó. Để nâng cao hơn nữa việc thực hiện nghĩa vụ đã cam kết trong các điều ước quốc tế và tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế phòng, chống khủng bố, Việt Nam cần tiến hành tổng kết, rà soát, đánh giá công tác thực thi các văn bản điều ước quốc tế về phòng chống khủng bố theo cơ chế định kỳ hàng năm. Đối với các điều ước quốc tế về chống khủng bố mà Việt Nam chưa phải là thành viên, các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, đề xuất Nhà nước gia nhập các điều ước quốc tế này, đặc biệt là hai điều ước quốc tế mà Chính phủ đã giao cho Bộ Công an chủ trì nghiên cứu việc gia nhập là Công ước quốc tế về trừng trị việc khủng bố bằng bom và Công ước quốc tế về chống bắt cóc con tin.

3.5.2. Ban hành Luật Phòng, chống khủng bố - đạo luật quy định toàn diện, thống nhất về phòng, chống khủng bố


Xây dựng một đạo luật về phòng, chống khủng bố ở Việt Nam là một nhu cầu khách quan trong tình hình hiện nay, tạo ra cơ sở pháp lý đồng bộ, toàn diện để đấu tranh với tội phạm khủng bố, phục vụ yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Xây dựng Luật Phòng, chống khủng bố cần được thực hiện trên cơ sở quan điểm, mục tiêu và các nguyên tắc chỉ đạo sau:

- Trước hết cần xác định được mục tiêu xây dựng Luật Phòng, chống khủng bố là nhằm tạo ra cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện và đồng bộ để đấu tranh phòng, chống khủng bố có hiệu quả hơn và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống khủng bố.

- Phải thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về bảo vệ an ninh trật tự, phục vụ yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, đấu tranh kiên quyết với khủng bố dưới mọi hình thức.

- Kế thừa các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống khủng bố trong những năm qua và phù hợp thực tế Việt Nam. Theo tiêu chí này, cần phải hệ thống hóa toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống khủng bố để trên cơ sở đó loại bỏ những quy định không còn phù hợp, chọn lọc những quy định đã, đang phát huy tác dụng để pháp điển hóa; đồng thời dự báo các nhóm quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của hoạt động phòng, chống khủng bố để luật hóa.

- Luật Phòng, chống khủng bố phải được xây dựng trên cơ sở tổng kết toàn diện về lý luận, pháp luật và kinh nghiệm tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống khủng bố ở nước ta trong những năm qua; trong đó chú ý tổng kết pháp luật về phòng, chống khủng bố, kết quả đấu tranh, quan hệ phối hợp và hợp tác quốc tế trong hoạt động này.

- Phải bảo đảm yêu cầu nội luật hoá các quy định trong các văn kiện pháp lý quốc tế về phòng, chống khủng bố mà Việt Nam đã là thành viên, tạo điều kiện để Việt Nam tiếp tục tham gia các điều ước quốc tế còn lại về chống khủng bố trong thời gian tới; đồng thời, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng pháp luật và thực tiễn đấu tranh phòng, chống khủng bố của các quốc gia trên thế giới.

- Phải bảo đảm đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.


3.5.3. Sửa đổi, bổ sung, khắc phục những điểm bất cập, không hợp lý trong các văn bản pháp luật hiện hành về phòng, chống khủng bố


- Pháp luật hình sự

Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 1999, trong đó có sửa đổi Điều 84. Tội khủng bố, bổ sung 02 tội: Điều 230a. Tội khủng bố và Điều 230b. Tội tài trợ khủng bố. Đây là các quy định mới cần được hướng dẫn, các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể các quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 về tội khủng bố và tội tài trợ cho khủng bố.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu để hình sự hóa các hành vi tuyển mộ, huấn luyện, chứa chấp các phần tử khủng bố vì pháp luật hình sự Việt Nam chưa có sự bảo đảm chắc chắn so với những yêu cầu của các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia cũng như các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà Việt Nam cần phải tuân thủ.

- Pháp luật tố tụng hình sự

Cần rà soát pháp luật trong nước, chọn lọc kinh nghiệm của các nước để sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 bảo đảm sự thống nhất về trừng trị, thủ tục trong điều tra, truy tố, xét xử và hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm nói chung, phòng, chống tội phạm khủng bố nói riêng theo hướng ban hành Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Thông tư liên tịch giữa các ngành Công an, Tư pháp, Tòa án, Viện kiểm sát hướng dẫn chi tiết thi hành các quy định về hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, về nhiệm vụ, quyền hạn và thủ tục của các cơ quan tiến hành tố tụng trong các hoạt động thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự.

- Pháp luật về tương trợ tư pháp

Tương trợ tư pháp hình sự có ý nghĩa rất quan trọng trong phòng, chống khủng bố, vì vậy, cần xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành các quy định tương trợ tư pháp về hình sự trong Luật Tương trợ tư pháp năm 2007; trong đó cần xây dựng ngay Thông tư liên tịch giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp về trình tự, thủ tục xử lý các yêu cầu ủy thác tư pháp về hình sự của nước ngoài đối với Việt Nam và của Việt Nam đối với nước ngoài. Thông tư này cần quy định rõ mục đích phối hợp, nguyên tắc, trình tự thực hiện các ủy thác tương trợ tư pháp về hình sự của nước ngoài và ngược lại; xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc tiếp nhận, chuyển giao yêu cầu tương trợ tư pháp. Bộ Công an cũng cần ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 để hướng dẫn việc thực hiện các ủy thác tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù.



- Pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

Trong công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, cần ban hành Thông tư liên tịch giữa Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm về sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.



- Pháp luật về chống tài trợ khủng bố và chống rửa tiền

Liên quan đến lĩnh vực phòng, chống tài trợ cho khủng bố, chống rửa tiền, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về hoạt động của Ngân hàng như các quy định về kiểm toán nội bộ, kiểm soát nội bộ, thẩm quyền của các cơ quan thanh tra chuyên ngành theo hướng giao nhiệm vụ thanh tra giám sát việc tuân thủ các quy định về phòng, chống tài trợ cho khủng bố cho Thanh tra chuyên ngành ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán; xây dựng các quy định pháp luật về cơ chế, biện pháp phòng, chống tài trợ cho khủng bố thông qua các giao dịch tiền tệ, tài chính như các biện pháp nhận biết khách hàng, thu thập và gửi báo cáo về các giao dịch nghi có liên quan đến tài trợ cho khủng bố.



- Pháp luật về quản lý xuất cảnh, nhập cảnh và quản lý cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

Cần phải xây dựng Luật nhập cảnh, xuất cảnh, trong đó có các quy phạm quy định chặt chẽ về nhập cảnh, xuất cảnh đối với các đối tượng có liên quan đến khủng bố. Ngoài ra, Bộ Công an cần nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thay thế quyết định số 55/1999/QĐ-BCA(A11) ban hành quy định về công tác xác định, đăng ký đối tượng cấm nhập (CN), cấm xuất xảnh (CX), đối tượng cần chú ý khi nhập cảnh (CYN), cần chú ý khi xuất cảnh (CYX) cho phù hợp với tình hình hiện nay.



Kết luận chương 3

Trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, việc hoàn thiện pháp luật nói chung và hoàn thiện pháp luật phòng, chống khủng bố nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Trên thực tế, hệ thống các văn bản pháp luật về phòng, chống khủng bố về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của công tác phòng, chống khủng bố ở nước ta trong một thời gian dài, tuy nhiên, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống khủng bố đã bộc lộ những bất cập, thiếu sót. Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về phòng, chống khủng bố đã trở thành nhu cầu khách quan và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Để đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh nay, Nhà nước ta cần ban hành một đạo luật về phòng, chống khủng bố để có thể điều chỉnh toàn diện, thống nhất công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động phòng, chống khủng bố ở Việt Nam, và góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội trong nước. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống khủng bố trên các lĩnh vực hình sự, tố tụng hình sự, tài chính, ngân hàng, hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố, xuất nhập cảnh; trên cơ sở đó xây dựng được một hệ thống pháp luật đồng bộ và toàn diện về phòng, chống khủng bố.

KẾT LUẬN


Những năm gần đây, khủng bố đang có xu hướng gia tăng với những phương thức, thủ đoạn tinh vi và với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Chính vì vậy, đấu tranh chống tội phạm khủng bố giờ đây không chỉ là mối quan tâm của các quốc gia riêng lẻ mà đã trở thành mối quan tâm của cả cộng đồng quốc tế. Với những nỗ lực không mệt mỏi, đến nay cộng đồng quốc tế đã chung tay xây dựng hệ thống pháp luật về phòng, chống khủng bố tương đối đầy đủ trên nhiều lĩnh vực liên quan. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật phòng, chống khủng bố quốc tế vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn công tác phòng, chống khủng bố, chưa có một Công ước toàn diện, thống nhất, đưa ra định nghĩa, nguyên tắc nền tảng cho hoạt động phòng, chống khủng bố quốc tế. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh chống khủng bố, các quốc gia cần thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng Công ước chuyên biệt về chống khủng bố và tăng cường hợp tác đa phương.

Đối với Việt Nam, trong xu thế gia tăng chung của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những nguy cơ khủng bố. Với truyền thống yêu chuộng hòa bình, Đảng và Nhà nước ta luôn thể hiện rõ thái độ đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm khủng bố và nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế tham gia vào hoạt động đấu tranh chống khủng bố. Việt Nam đã gia nhập 9 điều ước quốc tế đa phương về phòng chống khủng bố, ký kết nhiều điều ước quốc tế song phương và khu vực trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, hợp tác đấu tranh chống tội phạm khủng bố quốc tế… Đồng thời, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý phòng, chống khủng bố. Những nỗ lực này của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Hệ thống các văn bản pháp luật về phòng, chống khủng bố về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của công tác phòng, chống khủng bố song vẫn còn bộc lộ một số điểm bất cập, thiếu sót. Để đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh chống khủng bố, Nhà nước ta cần ban hành một đạo luật về phòng, chống khủng bố để có thể điều chỉnh toàn diện, thống nhất công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này. Đồng thời, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống khủng bố trên các lĩnh vực hình sự, tố tụng hình sự, tài chính, ngân hàng, hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố, xuất nhập cảnh; trên cơ sở đó xây dựng được một hệ thống pháp luật đồng bộ và toàn diện về phòng, chống khủng bố, đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn hiện nay.






tải về 200.74 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương