Khoa luật trần minh thu pháp luật quốc tế VỚi vầN ĐỀ khủng bố: MỘt số VẤN ĐỀ LÝ luận và thực tiễN luận văn thạc sĩ luật họC


Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ KHỦNG BỐ QUỐC TẾ



tải về 200.74 Kb.
trang2/6
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích200.74 Kb.
#12950
1   2   3   4   5   6

Chương 1

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ KHỦNG BỐ QUỐC TẾ




1.1. Khái niệm khủng bố quốc tế và nguyên nhân dẫn đến khủng bố quốc tế

1.1.1. Khái niệm khủng bố quốc tế


Tuy hiện tượng khủng bố đã xuất hiện từ lâu nhưng thuật ngữ khủng bố đến thời kỳ sau này mới xuất hiện. Trên thực tế, thuật ngữ "khủng bố" và "kẻ khủng bố" được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1795, từ Thời kỳ khủng bố (1793 - 1794) ở nước Pháp. Chính quyền cách mạng nước Pháp lúc đó (chính quyền Terreur) đã thiết lập một chế độ độc tài và tiến hành các biện pháp kinh tế hà khắc. Tuy nhiên, những người Giacôbanh lãnh đạo chính phủ Pháp lúc đó đồng thời cũng là những người cách mạng và dần dần "sự khủng bố" - “terreur” được dùng để chỉ hoạt động bạo lực cách mạng nói chung. Tuy nhiên, cũng có một số quan niệm cho rằng thuật ngữ “khủng bố” xuất hiện vào năm 1798 do nhà triết học Đức Immanuel Kant sử dụng để mô tả sự bi quan về số phận con người và cùng năm đó thuật ngữ này cũng xuất hiện trong một phụ lục của Đại từ điển Viện Hàn lâm Pháp.

Việc sử dụng thuật ngữ "kẻ khủng bố" theo nghĩa một người chống lại chính phủ được ghi lại tại Ailen năm 1866 và tại Nga năm 1883. Khái niệm này được dùng để chỉ những kẻ chống phá chính quyền với triết lý và lý tưởng vô chính phủ, phủ nhận nhà nước, các đạo luật do nhà nước ban hành và tài sản của công dân.

Trên bình diện quốc tế, lần đầu tiên khái niệm “khủng bố quốc tế” được sử dụng tại diễn đàn của 06 hội nghị quốc tế về thống nhất hóa luật hình sự (năm 1927). Các hội nghị này đã lưu ý cộng đồng quốc tế về vấn đề chống khủng bố quốc tế và đã hoàn thành việc xếp loại các tội phạm trong nội hàm khái niệm khủng bố quốc tế, gián tiếp góp phần đưa ra quyết định loại bỏ một số hành vi khỏi nhóm tội phạm chính trị không bị dẫn độ trong điều ước quốc tế về lĩnh vực này. Tiếp đó, vào năm 1934, Hội nghị quốc tế về thống nhất hóa luật hình sự được triệu tập tại Mardrit (Tây Ban Nha) đã thành công trong việc đưa ra một định nghĩa khủng bố, theo đó, đây là việc sử dụng biện pháp bất kỳ có khả năng khủng bố dân cư nhằm mục đích phá hủy toàn bộ cơ cấu tổ chức xã hội, chống phá nhân dân.

Năm 1934, Hội quốc liên đã thành lập một Ủy ban đặc biệt gồm 11 quốc gia để soạn thảo công ước chống các tội phạm được thực hiện nhằm mục đích chính trị và khủng bố. Bản dự thảo điều ước sau đó đã được 20 quốc gia thông qua tại Giơ ne vơ ngày 16-11-1937. Công ước năm 1937 được ghi nhận là sự cố gắng của cộng đồng quốc tế trong việc đấu tranh phòng, chống khủng bố và có tác động thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia trong lĩnh vực này.

Sau Công ước Giơ ne vơ 1937, dưới sự nỗ lực của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác (như Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO, Tổ chức Hàng hải quốc tế IMO…), nhiều Công ước quốc tế liên quan đến phòng, chống khủng bố đã tiếp tục được ban hành.

Hiện nay, trong khuôn khổ Liên hợp quốc và các tổ chức thành viên (ICAO, IMO, IAEA…) có 14 điều ước quốc tế đa phương về chống khủng bố đã được thông qua. Ngoài ra còn rất nhiều điều ước quốc tế khu vực, hiệp định quốc tế song phương và các nghị quyết của Đại hội đồng, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về các biện pháp đấu tranh chống khủng bố. Mặc dù, hệ thống văn bản pháp lý quốc tế về chống khủng bố tương đối lớn, tuy nhiên chưa văn bản nào đưa ra được định nghĩa rõ ràng, toàn diện về khủng bố.

Trong 14 điều ước quốc tế thuộc khuôn khổ Liên hợp quốc về đấu tranh chống khủng bố hiện nay chỉ có 3 công ước trực tiếp nhắc đến khái niệm "khủng bố” (terrorism) ngay tại tiêu đề, đó là: Công ước New York năm 1997 về trừng trị khủng bố bằng bom (International convention for the suppression of terrorist bombings); Công ước New York năm 1999 về trừng trị việc tài trợ khủng bố (International convention for the suppression of the financing of terrorism); Công ước New York năm 2005 về ngăn chặn các hành vi khủng bố hạt nhân (International convention for the suppression of acts of nuclear terrorism). Trong đó, Công ước New York năm 1999 về trừng trị hành vi tài trợ khủng bố bên cạnh việc định nghĩa hành vi tài trợ khủng bố đã gián tiếp quy định thế nào là khủng bố. Công ước New York năm 1997 về trừng trị khủng bố bằng bom và Công ước New York năm 2005 về ngăn chặn các hành vi khủng bố hạt nhân chỉ đưa ra định nghĩa về từng loại hành vi khủng bố cụ thể. Ngoại trừ 3 Công ước nêu trên, 11 Công ước còn lại không nhắc đến khái niệm khủng bố một cách trực tiếp ở tiêu đề mà chỉ quy định về những tội phạm mà việc thực hiện các tội phạm đó được coi như biểu hiện của khủng bố quốc tế. Hầu hết các điều ước quốc tế khu vực cũng không đưa ra được định nghĩa khủng bố. Các điều ước này trong phạm vi hợp tác đấu tranh chống khủng bố lại dẫn ra những hành vi được quy định tại các công ước quốc tế đa phương của Liên hợp quốc. Ví dụ, Công ước của châu Âu về chống khủng bố năm 1977 ngay tại Điều 1 đã đưa ra các hành vi thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước, yêu cầu các quốc gia thành viên phải tội phạm hoá, đó là các hành vi được nêu trong Công ước La Haye năm 1970 về trừng trị việc chiếm giữ bất hợp pháp tàu bay; Công ước Montreal năm 1971 về việc trừng trị các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng không dân dụng; Công ước New York năm 1973 về việc ngăn ngừa và trừng trị các tội phạm chống lại những người dược hưởng bảo hộ quốc tế, bao gồm viên chức ngoại giao.

Không chỉ các điều ước quốc tế mà các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về các biện pháp phòng, chống khủng bố cũng không đưa ra định nghĩa cụ thể nào về khủng bố. Ngay cả Nghị quyết số 1373 ngày 28/9/2001 làm cơ sở ra đời Uỷ ban chống khủng bố thuộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mặc dù kêu gọi “các quốc gia hợp tác khẩn thiết nhằm phòng và trấn áp các hành động khủng bố, thông qua sự tăng cường hợp tác và thực hiện đầy đủ các công ước quốc tế liên quan đến chủ nghĩa khủng bố” cũng không đưa ra định nghĩa khủng bố.

Bên cạnh các điều ước quốc tế, để ngăn chặn hoạt động khủng bố, trừng trị hành vi xâm hại tới hòa bình, an ninh, các quốc gia đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa ra khái niệm khủng bố. Nhìn chung, mỗi quốc gia có phương thức quy định khác nhau, quy định cụ thể mang tính liệt kê hoặc quy định chung mang tính định hướng và đều đưa ra quy định xác định một số dấu hiệu cơ bản nhận biết hoạt động khủng bố. Tuy nhiên, những dấu hiệu này theo pháp luật của các nước khác nhau cũng có sự khác biệt nhất định.

Theo Từ điển Bách khoa Công an nhân dân Việt Nam do Nhà xuất bản Công an nhân dân xuất bản năm 2000 thì:

Khủng bố là hành động dùng bạo lực của cá nhân, của một tổ chức, một nhà nước hoặc liên minh nhà nước để đe dọa, cưỡng bức đối phương, khiến họ vì khiếp sợ mà phải chịu khuất phục. Các hình thức khủng bố thường là bắt cóc, ám sát, đánh bom...”.

Khủng bố quốc tế là khủng bố nhằm vào cá nhân, tổ chức hoặc mục tiêu được pháp luật quốc tế bảo vệ: giết người đứng đầu nhà nước, Chính phủ, đại diện ngoại giao và các đại diện khác, phá hủy tấn công đại sứ quan, trụ sở của phái đoàn đại diện của các tổ chức giải phóng dân tộc, các tổ chức quốc tế; phá hoại hệ thống giao thông quốc tế… với mục đích gây sức ép đối với chính sách đối nội, đối ngoại của các quốc gia”.

Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ do Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản năm 2006 thì “Khủng bố là dùng biện pháp tàn bạo làm cho khiếp sợ để cai trị”.

Chỉ thị số 25/2007/CT-TTg ngày 15/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống khủng bố trong tình hình mới đã đưa ra khái niệm: “… Khủng bố là hoạt động có tổ chức do cơ quan tình báo nước ngoài chỉ đạo hoặc do tổ chức khủng bố quốc tế, tổ chức “tôn giáo cực đoan”, lực lượng phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài, bọn phản động trong nước hoặc bọn tội phạm hình sự hoạt động có tổ chức sử dụng vũ khí, chất nổ, chất độc hại, lợi dụng công nghệ thông tin, tấn công vào các cơ quan nhà nước, cơ quan nước ngoài tại Việt Nam, nơi công cộng, ám sát, bắt cóc con tin, khống chế người hoặc phương tiện giao thông phá hủy các công trình công cộng, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm trật tự an toàn xã hội, tính mạng, tài sản, uy hiếp tinh thần của cán bộ, công chức, công dân, lợi ích của nước ngoài ở Việt Nam, nhằm chống lại chính quyền nhân dân, gây nguy hại cho an ninh quốc gia, gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự Việt Nam (19/6/2009) không đưa ra định nghĩa về khủng bố, mà trong luật chỉ liệt kê các hành vi phạm tội khủng bố và các khung hình phạt đối với các hành vi đó.

Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại, cộng đồng quốc tế vẫn chưa đưa ra được định nghĩa chung hoàn chỉnh về khủng bố mà mới chỉ ghi nhận một số hành vi nhất định là khủng bố và các biện pháp để hợp tác đấu tranh chống lại các hành vi này. Song, những hành vi được ghi nhận này đã ít nhiều phản ánh được bản chất của hiện tượng khủng bố. Chúng ta có thể nhận biết hành động khủng bố dựa trên một số dấu hiệu như: dấu hiệu về động cơ chính trị của hành vi bạo lực; dấu hiệu về mục đích của hành vi bạo lực, các yếu tố chủ thể, khách thể của hoạt động khủng bố…

Qua nghiên cứu các văn bản pháp lý quốc tế, quy định pháp luật một số quốc gia về khủng bố, theo quan điểm của tác giả, khủng bố là hành vi bạo lực hoặc đe dọa bạo lực do các cá nhân hoặc tổ chức thực hiện tác động đến tính mạng, sức khoẻ (tinh thần và thể chất), tài sản của người dân và các mục tiêu dân sự khác nhằm đạt được mục đích chính trị (ép buộc Chính phủ, tổ chức, cá nhân hành động hoặc không được thực hiện hành động nào đó vì lí do tôn giáo, sắc tộc…).



tải về 200.74 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương