KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)



tải về 7.28 Mb.
trang74/101
Chuyển đổi dữ liệu19.07.2016
Kích7.28 Mb.
#2002
1   ...   70   71   72   73   74   75   76   77   ...   101

Về việc thành lập Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, mỹ phẩm khu vực tại khu vực miền Trung: Hiện nay, Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm tại Huế thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế đang hoạt động tốt. Bộ Y tế đang xây dựng đề án nâng cấp Trung tâm này thành Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, mỹ phẩm khu vực.

22. Cử tri thành phố Hà Nội kiến nghị: Có ý kiến đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo Công ty Dược phẩm TW I bàn giao đất thuộc khu tập thể Công ty và phần đất công hiện không sử dụng trên địa bàn phường Hàng Bột cho UBND quận Đống Đa quản lý theo quy định của Pháp Luật.


Trả lời: Tại công văn số 5408/BYT-VPB1 ngày 13/8/2014

1. Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 1 - Phabaco là một doanh nghiệp cổ phần được chuyển đổi sở hữu từ Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 1, hiện đang quản lý diện tích nhà đất tại số 85 Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Khi Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 1 cổ phần hóa thì toàn bộ vốn, tài sản, nhà đất Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 1 đã bàn giao sang cho Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 1 - Phabaco kế thừa, quản lý. Theo quy định của pháp luật hiện hành, Bộ Y tế không trực tiếp quản lý, chỉ đạo doanh nghiệp này.

2. Về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định. Việc kiến nghị bàn giao đất thuộc Khu tập thể Công ty và phần đất công hiện không sử dụng trên địa bàn phường Hàng Bột cho Ủy ban nhân dân quận Đống đa quản lý theo quy định của Pháp luật, đề nghị cử tri kiến nghị với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định thu hồi, bàn giao cho Ủy ban nhân dân Quận Đống Đa.

II. Về khám, chữa bệnh, viện phí - Y đức

23. Cử tri các tỉnh/thành phố An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Cao Bằng, Cần Thơ, Hà Nam, Nam Định, Tiền Giang, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri lo ngại trước việc một số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân không đảm bảo các điều kiện gây ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh và tính mạng của nhân dân. Kiến nghị Bộ xem xét lại việc cho phép mở phòng khám, chữa bệnh tư nhân đối với các bác sỹ còn đang công tác tại bệnh viện. Vì hiện nay, nhiều bệnh viện đang kêu quá tải, các bác sỹ phải thực hiện việc thăm khám bệnh nhân với số lượng vượt hơn nhiều so với mức chuẩn thăm khám bệnh nhân của bác sỹ/buổi. Cử tri cho rằng, bác sỹ đang công tác tại các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh công lập mở phòng khám riêng nhiều, ảnh hưởng thời gian và chất lượng khám chữa bệnh tại bệnh viện, cơ sở y tế nơi đang công tác. Cử tri kiến nghị Bộ Y tế tăng cường trách nhiệm, cần kiểm soát nghiêm việc cấp phép hành nghề cho các bác sỹ mở phòng mạch tư nhân; đồng thời thanh tra, kiểm tra hoạt động của các phòng mạch này có đúng chức năng, thẩm quyền được cấp phép và đóng cửa phòng mạch vi phạm, xử lý nghiêm các cá nhân sai phạm, thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện vi phạm, tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Trả lời: Tại công văn số 5408/BYT-VPB1 ngày 13/8/2014

Người hành nghề đang làm việc tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập được hành nghề ngoài giờ theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật khám bệnh, chữa bệnh: “Người hành nghề được ký hợp đồng hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng chỉ được chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật cho một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”; người hành nghề được quy định đăng ký hành nghề, nội dung và hình thức đăng ký hành nghề và quản lý thông tin đăng ký hành nghề theo quy định tại Mục 3 Thông tư số 41/2011/TT - BYT ngày 14/11/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Việc thanh tra, kiểm tra hoạt động hành nghề y tư nhân nói chung và hành nghề khám chữa bệnh tại các phòng khám ngoài giờ của các bác sỹ đang làm việc tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập là hoạt động thường xuyên của Bộ Y tế. Việc cấp phép hoạt động đối với bác sỹ hành nghề ngoài giờ tiến hành theo đúng quy định của pháp luật; ngoài hồ sơ quy định chung, nhân viên làm việc tại cơ sở khám chữa bệnh công lập muốn hành nghề ngoài giờ phải có ý kiến của thủ trưởng cơ quan cho phép. Ngoài việc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, Bộ Y tế đã chỉ đạo tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm các quy định hành nghề ở các cơ sở y tế tư nhân.

Trong năm 2013, Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật cho người hành nghề, đồng thời Bộ trưởng Bộ Y tế đã thành lập 05 Đoàn kiểm tra công tác hành nghề khám chữa bệnh tư nhân; thanh tra Sở Y tế các tỉnh, thành phố đã tiến hành thanh tra 3789 cơ sở, trong đó có 835 cơ sở có vi phạm, có 408 cơ sở bị xử lý, phạt tiền 383 cơ sở vi phạm, tổng số tiền phạt 1.724.000.000VNĐ. Một số vi phạm thường gặp ở cơ sở khám chữa bệnh như chưa niêm yết bảng giá công khai, thiếu một số trang thiết bị y tế, một số cơ sở khám chữa bệnh chưa đảm bảo diện tích theo quy định, chưa thực hiện nghiêm quy chế kê đơn....



24. Cử tri các tỉnh An Giang, Bình Định, Long An, Hà Nam, Tiền Giang, Vĩnh Long kiến nghị: Hiện nay, vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử trong khám chữa bệnh và thái độ phục vụ người bệnh của đội ngũ cán bộ làm công tác này chưa tốt, gây phiền hà cho dân. Cử tri cho rằng tinh thần, thái độ, trách nhiệm và trình độ chuyên môn của một số đối tượng trong ngành y tế đang ngày càng giảm; đây cũng là nguyên nhân cơ bản gây ra nhiều vụ việc tiêu cực trong khám, chữa bệnh, ảnh hưởng lòng tin của người dân. Do vậy, lãnh đạo ngành y tế cần tăng cưòng các biện pháp hữu hiệu để giáo dục nâng cao y đức cho đội ngũ này nhằm xây dựng lại hình ảnh thân thiện, với tinh thần trách nhiệm cao đối với người bệnh. Đề nghị có biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm khắc CBCC, viên chức và đội ngũ y bác sỹ vi phạm quy định trong thực hiện công vụ và y đức nhằm đem lại niềm tin cho nhân dân.

Trả lời: Tại công văn số 5408/BYT-VPB1 ngày 13/8/2014

Trong thời gian gần đây, Bộ Y tế đã và đang tiến hành hàng loạt các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thực hiện quy tắc ứng xử của nhân viên y tế đối với người bệnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế, như:

- Ban hành Chỉ thị 05/CT-BYT về tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) trong giai đoạn hiện nay sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, Thông tư 19/2013/TT-BYT ngày 12/7/2013 hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Đây là giải pháp về mặt chính sách hết sức quan trọng nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, chuyên môn, giao tiếp, y đức của nhân viên y tế.

Thông tư 19 thiết lập hệ thống quản lý chất lượng, như thành lập phòng/tổ và mạng lưới quản lý chất lượng, xác định nội dung quản lý chất lượng cần làm và phân công trách nhiệm các cá nhân thực hiện. Thông tư này có hiệu lực từ 15/9/2013 và các bệnh viện đang tích cực triển khai bằng các hoạt động cụ thể như thiết lập hệ thống, xác định nhiệm vụ và triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

- Nhằm xây dựng cơ sở đánh giá về chất lượng bệnh viện, ngày 3/12/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4858/QĐ-BYT thí điểm Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện. Trong Bộ tiêu chí này đã có đầy đủ các tiêu chí về chất lượng chuyên môn, giao tiếp, y đức, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, đánh giá sự hài lòng của người bệnh… Đây là giải pháp cụ thể, thiết thực, giúp bệnh viện đánh giá thực trạng chất lượng hiện nay, từ đó tiến hành các biện pháp cải tiến nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Từ cuối năm 2013 các bệnh viện đã triển khai áp dụng Bộ tiêu chí này. Đến năm 2014 dự kiến Bộ Y tế sẽ ban hành chính thức Bộ tiêu chí. Trong năm 2014 và các năm tiếp theo, sau khi các bệnh viện triển khai chính sách và áp dụng công cụ quản lý chất lượng sẽ sớm góp phần cải thiện chất lượng khám chữa bệnh.

- Ngày 25 tháng 02 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư số 07/2014/TT-BYT Quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế. Các bệnh viện đang tích cực triển khai Thông tư này và thái độ, giao tiếp ứng xử của đội ngũ nhân viên y tế sẽ được cải thiện.

- Phát huy hiệu quả của Đường dây nóng Ngành Y tế trong việc tiếp nhận những ý kiến phản ánh của người dân về thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm của nhân viên y tế; từ đó có các hình thức xử lý phù hợp, nhằm chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong Ngành Y tế. Nhằm tiếp tục chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ của thầy thuốc, nhân viên y tế, kịp thời giải quyết những tình huống cấp cứu khẩn cấp, bảo đảm chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, ngày 22/11/2013 Bộ trưởng Bộ Y tế ra Chỉ thị số 09/CT-BYT về tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thông qua đường dây nóng. Ngay sau khi Chỉ thị của Bộ trưởng được ban hành, Thủ trưởng các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân đã triển khai ngay lập tức việc công khai số điện thoại đường dây nóng của bệnh viện, số điện thoại giám đốc bệnh viện, số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế và số đường dây nóng của Bộ Y tế ở những nơi người bệnh và người nhà người bệnh dễ thấy nhất. Đồng thời Bộ Y tế đã tổ chức việc tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân trên toàn quốc thông qua Tổng đài Đường dây nóng của Bộ Y tế, số điện thoại 0973 306 306, với sự hỗ trợ của Tổng công ty viễn thông Viettel. Hiện nay, số điện thoại 1900 9095 của Tổng đài Đường dây nóng Ngành Y tế đã được triển khai trên toàn quốc (thay thế cho số điện thoại 0973 306 306 trước đây).

Nội dung tiếp nhận phản ánh qua đường dây nóng bao gồm những ý kiến bức xúc của người bệnh cần phải giải quyết khẩn cấp về tinh thần, thái độ phục vụ chưa tốt, ứng xử chưa phù hợp, chậm xử lý các tình huống chuyên môn cấp cứu, có biểu hiện vòi vĩnh, tiêu cực đối với người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh, đồng thời khen ngợi những cá nhân, tập thể làm tốt trong bệnh viện. Người tiếp nhận có trách nhiệm giải thích rõ, xử lý ngay những vấn đề có thể hoặc chuyển tới các cá nhân, bộ phận liên quan. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, bộ phận và cá nhân chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng sẽ bị xử lý nghiêm, kể cả xử lý kỷ luật. Tính đến nay đã có trên 135 cán bộ y tế đã bị xử lý do vi phạm các quy định về quy tắc ứng xử.

- Trong năm 2014, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Chương trình hành động Quốc gia về nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các đơn vị triển khai các chính sách trên nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

- Bên cạnh việc khuyến khích, động viên các nhân viên y tế tận tụy với người bệnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, Bộ Y tế đã chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị trong toàn ngành thực hiện nghiêm túc Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Đồng thời Bộ Y tế cũng đang tham mưu trình Chính phủ một số chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp cho đội ngũ nhân viên y tế.

25. Cử tri các tỉnh Bình Định, Hưng Yên, Sóc Trăng kiến nghị: Cử tri phản ánh thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc gây bức xúc trong nhân dân xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm của một số cơ sở khám chữa bệnh và sự quản lý chưa chặt chẽ của cơ quan chức năng ngành y tế dẫn đến một số vi phạm nghiêm trọng như việc quản lý và sử dụng không đúng vật tư y tế, tài chính của một số cơ sở y tế.

Cử tri và nhân dân kiến nghị Bộ Y tế và chính quyền các địa phương làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những vi phạm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân từng cấp quản lý; có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của các bệnh viện, cơ sở y tế, quản lý và lưu thông thuốc chữa bệnh, giá thuốc; nâng cao y đức trong các cơ sở khám chữa bệnh. Ngành y tế cần triển khai quyết liệt hơn các giải pháp giảm quá tải ở các bệnh viện. Đồng thời, đề nghị tiếp tục tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế.

Trả lời: Tại công văn số 5408/BYT-VPB1 ngày 13/8/2014

1. Về trách nhiệm quản lý, chỉ đạo trong lĩnh vực y tế:

- Theo Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (Khoản 1 Điều 99, Khoản 1 Điều 112, Khoản 2 Điều 113, Khoản 2 Điều 114), Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2003 (Khoản 5 Điều 12, Khoản 1 và Khoản 1 Điều 90), Luật Tổ chức Chính phủ (Điều 23), Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 (Điều ), Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 (Điều 6), trách nhiệm của Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong lĩnh vực y tế được phân công rõ ràng như sau:

+ Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước lĩnh vực y tế trên phạm vi toàn quốc, bao gồm việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế.

+ Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm triển khai công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, triển khai các chính sách y tế tại địa phương và xử lý các vấn đề liên quan đến y tế trên địa bàn.

Trách nhiệm của cá nhân và người đứng đầu đơn vị được quy định như sau:

(1) Trách nhiệm của cá nhân cán bộ y tế:

- Trước hết phải nhấn mạnh đến trách nhiệm cá nhân người thầy thuốc. Khi bước vào trường y, tất cả những sinh viên này đều đã đủ 18 tuổi - tuổi công dân, họ phải hiểu sâu sắc quyền và nghĩa vụ của người công dân, những việc được làm và không được làm theo hiến pháp, pháp luật. Thứ nữa, vì theo học ngành y – nghề trị bệnh cứu người, nên họ cũng phải thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của người thầy thuốc, họ phải học và hiểu rõ lời thề Hippocrates; nhất là phải thực hiện các quy định về quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp khi hành nghề, như:

+ Không được có hành vi tiêu cực, lạm dụng nghề nghiệp để thu lợi trong quá trình phục vụ, chăm sóc người bệnh, như: biểu hiện ban ơn, có thái độ, cử chỉ gợi ý nhận tiền, quà biếu của người bệnh và gia đình người bệnh.

+ Không được cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, trì hoãn, thờ ơ, gây khó khăn đối với người bệnh, gia đình người bệnh.

+ Không được làm trái quy chế chuyên môn trong thi hành nhiệm vụ.

+ Không được làm sai các quy định của pháp luật, các văn bản quy phạm về hành nghề y tế công lập và ngoài công lập.

(2) Trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở y tế:

Người đứng đầu các cơ sở y tế phải có trách nhiệm:

- Quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ y tế trong đơn vị;

- Chú trọng việc bồi dưỡng, nâng cao đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của cán bộ thuộc quyền mình phụ trách.

- Chịu trách nhiệm thưởng, phạt nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực y tế, trong thời gian qua Bộ Y tế đã luôn ý thức trách nhiệm và triển khai các giải pháp để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phân công, đặc biệt trong việc tham mưu với Chính phủ, Quốc hội ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực y tế, hướng dẫn chính quyền cấp tỉnh và các đơn vị trực thuộc triển khai các văn bản này theo đúng quy định pháp luật, thực hiện việc giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động trong lĩnh vực y tế. Bằng sự nỗ lực có trách nhiệm của mình, Ngành Y tế đã thu được nhiều kết quả, trong đó nổi bật là đã kiểm soát và khống chế dịch bệnh, bảo đảm cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, và các dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân,… nhờ vậy, các chỉ số sức khỏe của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực có cùng trình độ phát triển và mức thu nhập. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực và nhiều nguyên nhân, công tác y tế còn đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, đặc biệt là ở tuyến y tế cơ sở. Hiện nay, Bộ Y tế đang chỉ đạo toàn Ngành tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm hoàn thành các chỉ tiêu y tế được Quốc hội và Chính phủ giao.

Quan điểm của Bộ Y tế đối với các vi phạm trong lĩnh vực y tế là xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng việc, đúng pháp luật trong thẩm quyền quản lý; tuyệt đối không bao che, hoặc làm giảm nhẹ các vi phạm mà không có cơ sở. Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó đã định ra các mức phạt cao hơn nhiều so với quy định trước đây, nhằm phòng ngừa, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm; đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự theo luật định. Hiện nay toàn Ngành Y tế đang tích cực triển khai Nghị định này.

2. Về quản lý bệnh viện, giảm quá tải và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh:

Để tập trung nâng cao chất lượng khám và điều trị, song song với việc hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp như:

(1) Tiếp tục chỉ đạo các bệnh viện thực hiện tốt Chương trình 527 và Chỉ thị 05/CT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế.

- Tập trung chấn chỉnh hoạt động của các khoa khám bệnh; chỉ đạo các bệnh viện tập trung các nguồn kinh phí sửa chữa, cải tạo, mở rộng Khoa khám bệnh.

- Ban hành Thông tư số 01/2013/TT-BYT về hướng dẫn quản lý chất lượng xét nghiệm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đây là cơ sở để các bệnh viện có căn cứ để tin tưởng chất lượng xét nghiệm và công nhận kết quả của nhau, qua đó hạn chế một phần việc phải làm lại các xét nghiệm, giảm chi phí và phiền hà cho người dân.

- Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện và bộ chỉ số đánh giá chất lượng bệnh viện làm cơ sở để các bệnh viện tự đánh giá và tiến tới thực hiện đánh giá độc lập, và làm tiêu chuẩn để xếp lại hạng bệnh viện.

- Triển khai Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 về việc ban hành hướng dẫn quy trình khám bệnh tại Khoa khám bệnh của bệnh viện giúp người bệnh khám bệnh thuận tiện, nhanh chóng.

(2) Thực hiện quyết liệt Đề án giảm quá tải bệnh viện theo các giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án bệnh viện vệ tinh, Bộ Y tế hỗ trợ các bệnh viện hạt nhân kinh phí tối thiểu để triển khai thực hiện Đề án.

- Triển khai Đề án xây dựng thí điểm mô hình phòng khám bác sỹ gia đình, thiết lập hệ thống Bác sỹ gia đình, xây dựng tiêu chuẩn cho bác sỹ gia đình và chuẩn hóa phòng khám tư nhân hoạt động dưới hình thức bác sỹ gia đình.

- Tiếp tục thực hiện Đề án 1816, chương trình tăng cường năng lực cho tuyến dưới, bằng hình thức ký hợp đồng giữa tuyến trên và tuyến dưới để chuyển giao gói dịch vụ thay vì phân công cán bộ đi luân phiên theo chỉ tiêu trên số giường bệnh của mỗi bệnh viện và ấn định thời gian.

- Thực hiện Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

3. Về quản lý thuốc:

a. Về quản lý giá thuốc:

- Trong thời gian qua, triển khai các quy định của Luật dược, Liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính - Bộ Công Thương đã tích cực triển khai việc quản lý chặt chẽ thị trường thuốc chữa bệnh, đặc biệt đối với các thuốc nhập khẩu và tập trung quản lý đối với các khu vực bệnh viện công lập. Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19/1/2012 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư liên tịch số 36/2013/TTLT-BYT-BTC ngày 11/11/2013), Thông tư số 11/2012/TT-BYT ngày 28/6/2012 của Bộ Y tế hướng dẫn lập Hồ sơ mời thầu trong các cơ sở y tế (được thay thế bởi Thông tư liên tịch số 37/2013/TT-BYT ngày 11/11/2013) đã khắc phục khó khăn, bất cập trong công tác đấu thầu thuốc; Thông tư số 15/2011/TT-BYT ngày 19/4/2011 quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ sở bán lẻ thuốc trong bệnh viện theo đó đã giảm mức thặng số bán lẻ tối đa đối với giá bán tại nhà thuốc bệnh viện và Thông tư liên tịch số 50/2011/TTLT-BYT-BTC-BCT ngày 30/12/2011 của Bộ Y tế Bộ Tài chính và Bộ Công Thương hướng dẫn quản lý giá thuốc dùng cho người.

- Với các quy định hiện hành, giá thuốc được giám sát chặt chẽ thông qua quy định về kê khai, kê khai lại và công bố công khai giá từ khâu đăng ký lưu hành, nhập khẩu và đấu thầu cung ứng thuốc cho các bệnh viện; các nhà thuốc bệnh viện phải thực hiện quy định về thặng số bán lẻ, các cơ sở bán lẻ phải thực hiện niêm yết giá và không được bán cao hơn giá niêm yết, do đó về cơ bản thuốc tình hình thị trường dược phẩm duy trì bình ổn:

+ Theo số liệu của Tổng cục thống kê trong những năm qua, mức độ tăng giá của nhóm hàng dược phẩm luôn thấp hơn mức độ tăng giá tiêu dùng (CPI).

+ Về giá thuốc thực tế của Việt Nam so với thế giới, qua khảo sát, so sánh giá thuốc trúng thầu tại bệnh viện giữa Việt Nam với Thái Lan, Trung Quốc của Đoàn công tác liên ngành (Bộ Y tế, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư) trong tháng 5-6/2012 cho thấy: Tại Thái Lan, so sánh giá của 25 mặt hàng cùng tên thương mại, cùng hoạt chất, cùng nồng độ và hàm lượng, giá trúng thầu tất cả các mặt hàng tại Thái Lan cao hơn Việt Nam với tỷ lệ trung bình 3,17 lần. Tại Trung Quốc, so sánh giá 23 mặt hàng cùng tên thương mại, cùng hoạt chất, cùng nồng độ và hàm lượng, giá trúng thầu tất cả các mặt hàng thuốc tại Trung Quốc cao hơn Việt Nam với tỷ lệ trung bình 2,25 lần.

+ Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế năm 2011 đã khảo sát giá thuốc theo phương pháp của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy: Giá thuốc tên gốc trúng thầu ở Việt Nam ở mức thấp so với mặt bằng chung quốc tế và giá thuốc biệt dược trúng thầu ở Việt Nam ở khoảng trung bình so với số liệu quốc tế.

Với các số liệu nghiên cứu, khảo sát đã thực hiện và thực tế diễn biến thị trường trong thời gian vừa qua, có thể thấy về cơ bản thị trường dược phẩm được duy trì bình ổn, đáp ứng đủ thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị bệnh của nhân dân.

- Để tăng cường việc quản lý giá thuốc, Bộ Y tế đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan, chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý giá thuốc, chú trọng xử lý các hành vi đầu cơ, găm hàng, đưa tin thất thiệt, tăng giá quá mức, bất hợp lý và triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo sự bình ổn của thị trường thuốc chữa bệnh.

- Về chế tài xử phạt hành chính trong lĩnh vực giá thuốc, Bộ Y tế cũng đã phối hợp với các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Với các giải pháp đã và đang thực hiện nêu trên, những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý giá thuốc sẽ được khắc phục và công tác quản lý giá thuốc sẽ đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.

b. Về chất lượng thuốc:

- Ngành dược là ngành được tiêu chuẩn hoá cao, theo quy định hiện hành, tất cả các mặt hàng thuốc lưu hành tại thị trường Việt Nam phải đạt tiêu chuẩn và được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành. Để được cấp số đăng ký lưu hành, hồ sơ đăng ký sản phẩm đã được thẩm định đầy đủ về tiêu chuẩn chất lượng thuốc, các dữ liệu lâm sàng về an toàn, hiệu quả của thuốc. Cụ thể, tất cả các thuốc lưu hành tại thị trường Việt Nam phải đạt tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu theo tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam, hoặc các tiêu chuẩn Dược điển Mỹ (USP), Dược điển Anh (BP), tiêu chuẩn Dược điển Châu Âu…Ngoài ra, đối với một số nhóm hoạt chất phải thực hiện nghiên cứu đánh giá tương đương sinh học theo quy định để được cấp số đăng ký lưu hành. Vì vậy chất lượng thuốc là hoàn toàn đạt yêu cầu.

- Các thuốc nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, để được cấp số đăng ký lưu hành (hoặc Giấy phép nhập khẩu) thì yêu cầu tiên quyết về pháp lý là thuốc phải được cấp phép lưu hành tại nước sản xuất, đồng thời theo quy định chung về đăng ký lưu hành thuốc của tất cả các nước trên thế giới, để được cấp phép lưu hành tại nước sở tại thì sản phẩm đã được thẩm định, đánh giá đầy đủ về tiêu chuẩn chất lượng, dữ liệu an toàn, hiệu quả của thuốc.

- Đối với nhà máy sản xuất thuốc phải đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO-GMP) hoặc của EU, PIC/s. Theo nguyên tắc GMP, tất cả các mặt hàng thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường đều phải được nhà sản xuất kiểm tra chất lượng đạt yêu cầu.

Do đó, với các quy định pháp lý hiện hành của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, thuốc đã được cấp số đăng ký lưu hành phải đảm bảo chất lượng và an toàn, hiệu quả khi sử dụng.



  • Ngoài ra, thuốc sau khi được cấp số đăng ký lưu hành, hệ thống kiểm nghiệm (các Viện kiểm nghiệm trung ương và các Trung tâm kiểm nghiệm trên toàn quốc) thực hiện công tác hậu kiểm về kiểm tra chất lượng thuốc, tất cả các trường hợp không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo hồ sơ đăng ký lưu hành sẽ bị xử lý theo quy định (thu hồi, rút số đăng ký lưu hành). Hàng năm, hệ thống kiểm tra chất lượng nhà nước đã lấy khoảng 30.000 lô thuốc để kiểm tra chất lượng và tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng vẫn duy trì ở mức thấp khoảng 3% trong những năm gần đây.

- Thời gian qua, để tăng cường hơn nữa việc kiểm soát, giám sát chất lượng thuốc, Bộ Y tế đã triển khai các biện pháp hậu kiểm sau để kiểm soát chất lượng thuốc:

+ Đối với thuốc nhập khẩu: yêu cầu các cơ sở nhập khẩu phải phối hợp với hệ thống kiểm tra chất lượng thuốc nhà nước thực hiện kiểm tra chất lượng 100% các lô thuốc nhập khẩu của các công ty sản xuất thuốc nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng trong quá trình lưu hành thuốc tại Việt Nam.

+ Đối với thuốc sản xuất trong nước: thực hiện việc thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất trong nước có thuốc vi phạm chất lượng, tạm ngừng sản xuất đối với các cơ sở không tuân thủ các điều kiện sản xuất quy định.

4. Về nâng cao y đức:

Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao y đức, tinh thần thái độ chăm sóc người bệnh của nhân viên y tế. Nêu cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng thời nâng cao vị thế và hình ảnh người thầy thuốc:

- Tích cực nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, khẳng định vị trí vai trò, nhân cách của người cán bộ y tế Việt Nam xứng đáng với truyền thống văn hóa dân tộc tôn vinh 2 người thầy: Thầy giáo và Thầy thuốc.

- Yêu cầu Giám đốc các bệnh viện cam kết: Áp dụng hình thức khen thưởng, kỷ luật kịp thời khi phát hiện sai phạm. Đặc biệt vừa qua, Bộ trưởng có ban hành Chỉ thị số 09/CT-BYT về việc tiếp nhận phản ánh của người dân thông qua đường dây nóng. Sử dụng Đường dây nóng Ngành Y tế 19009095 trên toàn quốc để thu nhận các ý kiến phản ánh của người dân đối với các hoạt động y tế. Qua kênh thông tin này, chỉ trong thời gian 8 tháng đã nhận được khoảng 15.000 ý kiến phản ánh của người dân về các vấn đề bức xúc của người dân khi khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện. Trên cơ sở thông tin phản ánh này, các đơn vị đã nghiêm túc rà soát, kiểm điểm và rút kinh nghiệm trước mỗi thông tin phản ánh của người bệnh và gia đình người bệnh.

Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương xử lý nghiêm túc các vi phạm về đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của nhân viên y tế. Trong thời gian qua 135 trường hợp cán bộ y tế vi phạm đã bị xử lý, nhiều trường hợp đã bị nhắc nhở.



26. Cử tri các tỉnh An Giang, Thái Nguyên và thành phố Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri phản ảnh, vừa qua ngành y tế để xảy ra nhiều vụ việc tắc trách gây bức xúc lớn trong nhân dân, có thể kể đến như: Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, tiêm nhầm vắcxin đối với trẻ em ở Quảng Trị, một số trường hợp bị sốc sau khi tiêm vắcxin ở trẻ em, mới đây nhất là dịch sởi hoành hành khắp các địa phương, gây nên những cái chết thương tâm cho trẻ em. Sau vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường (đã gây ra chết người), thì Bộ Y tế, Sở Y tế TP Hà Nội và một số tỉnh, thành mới vào cuộc kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ viện, những tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực y tế được báo, đài đăng tải, cũng như về vệ sinh an toàn thực phấm (VSATTP). Cử tri cho rằng, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này còn lỏng lẻo, việc đã rồi mới thấy trách nhiệm, đề nghị Bộ Trưởng Bộ Y Tế là người đứng đầu ngành y cũng cần tăng cường trách nhiệm và quan tâm chỉ đạo các Sở y tế thường xuyên kiểm tra không riêng thẩm mỹ viện mà tất cả các cơ sở y tế, điểm bán thuốc tây....tăng cường kiểm tra VSATTP, nhất là vào dịp tết; đồng thời, cần xử phạt đủ sức răn đe đối với vi phạm VSATTP, riêng vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường thì phải xử thật nặng.


tải về 7.28 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   70   71   72   73   74   75   76   77   ...   101




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương