THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam


TRUNG QUỐC Báo “Sankei” vạch trần bộ mặt thật của tướng diều hâu La Viện



tải về 212.33 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích212.33 Kb.
#31290
1   2   3

TRUNG QUỐC
Báo “Sankei” vạch trần bộ mặt thật của tướng diều hâu La Viện

TTXVN (Tokyo 7/7) -Theo mạng tin Sankei số ra mới đây, Trung Quốc thời gian gần đây đẩy mạnh chính sách tiến ra đại dương tại Biển Đông và vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku, gây căng thẳng với Nhật Bản và các quốc gia láng giềng. Nhân vật hàng đầu sử dụng truyền thông để hỗ trợ cho chính sách mở rộng lãnh thổ và lãnh hải của Bắc Kinh là nguyên Thiếu tướng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc La Viện. Ông La nổi tiếng với những phát ngôn quá khích. Vào thời điểm Nhật Bản tập trận chiếm lại đảo xa ngày 22/5, La Viện đã lên tiếng trên báo chí rằng: “Nếu Trung-Nhật nổ ra chiến tranh, Nhật Bản chắc chắn sẽ chìm trong biển lửa”. Cứ tưởng rằng ông La có lẽ là nổi tiếng ở Trung Quốc nhưng thực tế thì không mấy ai ủng hộ ông này, thậm chí còn giễu ông La là “tướng quân võ mồm”. Lý do là vì “quá khứ đáng xấu hổ” của ông ta đã được phơi bày trên mạng.

Kẻ được truyền thông săn đón

Những phát ngôn hiếu chiến của ông La Viện đang ngày càng trở nên “nóng” thời gian qua. Liên quan đến vụ việc máy bay chiến đấu của Trung Quốc tiếp cận bất thường với máy bay trinh sát của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF), ông La tuyên bố: “Chỉ riêng việc không bắn rơi, Trung Quốc đang rất nhẫn nại rồi”. Trên mạng tin của Tân Hoa, ông này còn hùng hồn khẳng định: “Trung Quốc không hề sợ hãi quân đội 17 nước của Liên hợp quốc ở Triều Tiên. Không có lý do gì mà Trung Quốc lại bị Mỹ và Nhật Bản hăm dọa”. Trong khi đó, trên báo điện tử Cát Hòa, vị nguyên thiếu tướng này còn tiết lộ: “Quân đội (Trung Quốc) đang chuẩn bị sẵn 1.000 quả tên lửa nhằm vào Nhật Bản”. Cũng trên báo Cát Hòa, ông La khẳng định “Nếu chiến tranh Trung-Nhật nổ ra, tên lửa Trung Quốc sẽ nhấn chìm Nhật Bản trong biển lửa”. Câu nói này của ông La giống hệt với kiểu công kích mà Triều Tiên vẫn thường nhằm vào Hàn Quốc là “sẽ nhấn chìm Seoul trong biển lửa”.

Kiểu phát ngôn như vậy của ông La cũng được áp dụng tương tự với Philippines trong tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Liên quan đến việc Philippines đang chiếm giữ bãi Cỏ Mây, ông La Viện lớn tiếng: “Chúng ta đã kiềm chế và nhẫn nại hết mức. Philippines sẽ phải trả giá cho hành động khiêu khích. Hãy chờ xem!”.

Không thể tưởng tượng được đây lại là phát ngôn của một người từng là Thiếu tướng quân đội. Không màng đến vị trí của mình, ông La vẫn liên tục đưa ra những phát ngôn hiếu chiến. Tuy nhiên, một điều kỳ lạ là ông La Viện lại hoàn toàn im lặng trước Việt Nam – nơi từng diễn ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và căng thẳng xung quanh hành động hạ đặt giàn khoan. Lý do là gì vậy? Về việc này, ông La có “điều khó nói”.



Tự đào huyệt trên mạng Internet

Vậy, ông La Viện thực chất là một nhân vật như thế nào. Truyền thông Trung Quốc bao gồm một số cơ quan báo chí có luận điệu quá khích như mạng Tân HoaThời báo Hoàn cầu trong những năm trở lại đây đang coi ông La Viện là nhà bình luận thời sự hàng đầu. Ở một bộ phận truyền thông có thể coi ông ta là “ngôi sao đắt sô”. Có vẻ như ông La nhận thức được điều đó nên đã bắt đầu đăng các bình luận lên mạng.

Theo tờ Đại kỷ nguyên, tờ báo Trung Quốc có trụ sở ở Mỹ, ông La Viện đã đăng ký tài khoản trên mạng Weibo và bắt đầu thể hiện quan điểm cá nhân trên mạng vào tháng 2/2013, thời điểm vẫn là Thiếu tướng. Tuy nhiên, khác với giới truyền thông Trung Quốc vốn kiểm soát các phát ngôn và có thể tiếp nhận quan điểm của ông La một cách dễ dàng, thông tin trên thế giới Internet mang tính hai chiều và có những khác biệt nhất định.

Việc liên tục đề cao “thuyết quân đội hùng mạnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc” và coi thường người dân bình thường khiến các cư dân mạng khác đồng loạt lên tiếng phản đối.

Về Internet thì ông La Viện tỏ ra khá “ngây thơ”. Ông đã tự viết các câu bình luận ủng hộ bản thân như: “Quan điểm của thiếu tướng La Viện thật tuyệt vời. Thính giả hoan nghênh những bình luận của ông về quân sự”. Thế nhưng, ông La lại quên mất là vẫn đang sử dụng tài khoản (ID) của chính mình và lập tức bị các cư dân mạng khác ném đá túi bụi. Thiếu tướng La Viện phân bua lý do ông “tự khen bản thân” là vì bị đánh cắp mật khẩu (nghĩa là bình luận đó không phải của ông). Tuy nhiên, kết quả trái ngược với những lời phân bua. Cư dân mạng vạch mặt ông La khi cho rằng “là quân nhân mà ông không thể tự bảo vệ được mật khẩu của chính mình?”.

Nhân sự kiện chẳng mấy hay ho này, dân mạng bắt đầu phong trào tìm hiểu quá khứ và lai lịch của ông La Viện.



Lý do không thể chỉ trích Việt Nam

Thực ra, chức danh chính thức của ông La Viện khi còn là thiếu tướng quân đội là Phó Thư ký Hội khoa học quân sự Trung Quốc. Vị trí đó được coi là “nhân viên văn thể” phụ trách hoạt động ở hậu phương trong tổ chức quân đội như ca múa hay diễn kịch và chức danh thiếu tướng thực chất chỉ là “danh nghĩa” nếu như không muốn nói là một thứ “trang sức”. Chức danh này không có vai trò chỉ huy thời chiến.

Dựa trên những căn cứ mà cư dân mạng phản đối ông La Viện, “quá khứ đáng hổ thẹn” của ông này đã được phơi bày. Đằng sau những tuyên bố dũng cảm, cư dân mạng cho rằng ông La “đã đào ngũ khỏi chiến trường nhờ mối quan hệ của cha ông ta”.

Câu chuyện “đào ngũ” của ông La Viện xảy ra vào thời điểm Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh Việt-Trung năm 1979 mà phía Trung Quốc là nước khai chiến và tấn công. Ông La Viện thời điểm đó giữ vị trí tham mưu trong quân đoàn thuộc tỉnh Vân Nam, gần biên giới Việt Nam. Trước khi cuộc chiến Việt-Trung nổ ra, ông La Viện đã trở về Bắc Kinh do có một cuộc điều động nhân sự bất thường. Nhiều người đã bày tỏ nghi ngờ rằng có thể bố ông La vốn là một trợ lý thân cận của Thủ tướng Chu Ân Lai nên đã biết trước thời điểm cuộc chiến nổ ra và tìm cách tác động để ông La Viện không hề ra trận nhưng cứ như thể là đã có mặt ở chiến trường.

Với quá khư như vậy, La Viện được cho là không dám phát ngôn điều gì liên quan đến Việt Nam. Vậy là quá khứ “đào ngũ khi đối diện với đối phương” đã lộ rõ. Tuy nhiên, để trả lời cho những nghi vấn về lý lịch của mình, tướng La Viện đến nay vẫn bao biện là “để trừng trị những kẻ phản bội trong nước” song kết quả là ông ta vẫn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía người dân. Nhiều ý kiến đã lên tiếng phản đối gay gắt ông La, như “quân nhân không được can dự vào chính trị”, “kẻ đào ngũ như ông không có tư cách bàn về phòng vệ”, và rồi ông La được dân mạng gắn cho cái mác “tướng quân võ mồm”.

Thông qua truyền thông Trung Quốc, người ta được biết một La Viện luôn đưa ra những phát ngôn quá khích nhưng với việc đưa những bình luận của mình lên mạng dường như người ta lại nhìn thấy cái “nghệ thuật làm trò” ấy của ông La Viện rõ ràng cũng chỉ đến thế là cùng. Rốt cuộc, ông ta đã tự đào huyệt chôn mình.


2014 – Năm đen tối nhất của báo chí Hong Kong trong nhiều thập kỷ

TTXVN (Hong Kong 8/7) - Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong) bản tiếng Anh số ra ngày 7/7, năm 2014 được coi là năm đen tối nhất của báo chí Đặc khu Hành chính Hong Kong trong nhiều thập kỷ qua. Bạo lực, sức ép tài chính và các nguồn tin chính quyền giấu tên đã cản trở các phóng viên, song các nhà báo Hong Kong đã có kế hoạch chiến đấu chống lại tình trạng tự kiểm duyệt.

Báo này dẫn nguồn từ Hiệp hội Báo chí Hong Kong cho biết, tự do báo chí ở thành phố này đã tụt xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Báo cáo hàng năm của hiệp hội này nhấn mạnh, bạo lực, sức ép tài chính và một sự phụ thuộc ngày càng gia tăng vào chính quyền thông qua các nguồn tin giấu tên đã gây ra nhiều khó khăn cho báo chí Hong Kong. Hiệp hội Báo chí Hong Kong cũng cho rằng mọi chuyện sẽ còn tồi tệ hơn nữa.

Chủ tịch Hiệp hội Báo chí Hong Kong bà Sham Yee-lan ngày 6/7 tuyên bố: “Chúng tôi cho rằng tự do báo chí của Hong Kong đã có một năm đen tối nhất trong vài thập kỷ qua. Do sức ép chính trị giữa Hong Kong và Bắc Kinh gia tăng, nên chúng tôi dự kiến tự do báo chí sẽ còn trở nên tồi tệ hơn nữa”.

Vụ tấn công bằng dao xẻ thịt nhằm vào cựu Tổng Biên tập Minh Báo Lưu Tiến Đồ (Kevin Lau Chun-to), vụ sa thải người dẫn chương trình của Đài phát thanh Thương mại (Commercial Radio) Li Wei-ling, và những vụ tẩy chay quảng cáo của một số tờ báo như Apple DailyAM 730… tất cả đều được bà Sham Yee-lan trích dẫn ra làm ví dụ về những vụ việc rắc rối nhằm vào báo chí Hong Kong trong năm qua.

Cảnh sát cũng ngăn cản các nhà báo Hong Kong đưa tin về các vụ bắt giữ trong cuộc biểu tình ngồi hôm 2/7 vừa qua ở khu vực Trung Tâm (Central), và yêu cầu họ rời đi. Phó Chủ tịch Hiệp hội Báo chí Hong Kong, bà Shirley Yam cho biết: “Khi các nhà báo nhất trí tiến vào khu vực dành cho báo chí, nhiều lớp cảnh sát đã thiết lập nên một bức tường người ở phía trước mặt họ và các nhà báo đã không thể có được một cái nhìn rõ ràng về những gì đang xảy ra. Chúng tôi thấy rằng đó là điều không cần thiết”.

Hiệp hội Báo chí Hong Kong đã viết thư gửi Chánh Thanh tra Cảnh sát Hong Kong Andy Tsang Wai-hung và các đại diện của hiệp hội này dự kiến gặp bộ phận quan hệ công chúng của cảnh sát Hong Kong trong ngày 7/7 để yêu cầu rằng các cuộc biểu tình trong tương lai không được đối xử bằng cách thức tương tự.

Bản báo cáo nói trên cũng cho thấy rằng tình trạng tự kiểm duyệt cũng là một vấn đề. Hiệp hội báo chí Hong Kong đã tuyên bố rằng tổ chức này đang thiết lập một ủy ban giám sát, với thành phần là 8 nhà báo, học giả và luật sư, để tiến hành điều tra về những khiếu nại liên quan vấn đề tự kiểm duyệt.

Bà Sham Yee-lan cho biết, một số biên tập viên tin tức đã bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với ủy ban này, bởi vì ủy ban này sẽ cho họ một vũ khí đầy lợi thế trước những người quản lý của mình khi họ đối mặt với sự kiểm duyệt.

Báo cáo của Hiệp hội Báo chí Hong Kong cũng nhấn mạnh về tình trạng gia tăng việc sử dụng các nguồn tin giấu tên trong chính quyền Hong Kong khi công bố thông tin – một phương pháp đồng nghĩa với việc các quan chức không thể bị bắt phải chịu trách nhiệm về những gì họ đã nói. Sự gia tăng này đã trở nên đặc biệt rõ ràng ở trên các tờ báo xuất bản bằng tiếng Anh – những nguồn tin như vậy xuất hiện trung bình trên 3,8 tin bài mỗi ngày trong năm 2010, và đã tăng lên mức trung bình 5 tin bài một ngày trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay.

Ông Mak Yin-ting, một quan chức thuộc Tiểu ban Tự do Báo chí của Hiệp hội Báo chí Hong Kong đã chỉ trích các quan chức như Cục trưởng Cục Tài chính Hong Kong Tăng Tuấn Hoa (John Tsang Chun-wah) về việc sử dụng các trang nhật ký điện tử (blog) để công bố thông tin. Ông Mak Yin-ting cho rằng những chi tiết về các chính sách công nên được giải thích tại các cuộc họp báo, nơi các câu hỏi có thể được phóng viên đặt ra. Theo ông Mak Yin-ting, đã không có sự cải thiện nào bất chấp những khiếu nại được gửi tới Sở Thông tin Chính quyền Hong Kong từ cách đây 3 năm.

Chính quyền Hong Kong đã đáp lại rằng họ đã tôn trọng đồng thời đánh giá cao tự do báo chí, và các quan chức chính quyền đã thường xuyên tổ chức các cuộc họp báo.
Vụ bê bối GSK: Chuyện đã được cảnh báo?

Đài BBC (đêm 4/7) - Carrie Gracie, phóng viên BBC tại Trung Quốc

Với những nhà quan sát văn hóa kinh doanh hiện đại Trung Quốc, những diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng của GlaxoSmithKline (GSK) tại Trung Quốc, không gây nhiều ngạc nhiên. Việc quay lén các đối thủ kinh doanh, chính trị hoặc tình địch trong phòng the diễn ra phổ biến tại Trung Quốc, động cơ từ việc phát giác sai trái tới tống tiền hay báo thù. Trong vụ GSK, đoạn băng được chuyển ở dạng tệp tin đính trong thư điện tử gửi cho các quan chức cao cấp tại tổng hành dinh của tập đoàn tại London. Đoạn băng hình cho thấy, quan chức phụ trách hoạt động của hãng tại Trung Quốc, ông Mark Reilly, trong căn hộ của mình tại Thượng Hải cùng bạn gái, được ghi lén, ngoài nhận thức và sự cho phép của ông Reilly. Tôi đã nói chuyện với một số người nắm bắt khá sát với câu chuyện GSK nhưng không ai trong số họ biết được người gửi đoạn băng vào tháng 3/2013. Đó là một người không rõ tung tích trong rất nhiều người.

Cạnh tranh ngầm”

Gần một năm sau khi cảnh sát Trung Quốc đưa ra công khai các cáo buộc về tình trạng hối lộ tràn lan ở GSK, hai công dân Anh đã biến mất khỏi hệ thống tư pháp Trung Quốc. Không ai biết hai người trên ở đâu, các cáo buộc không được xác nhận, và ngày mở phiên tòa xét xử không chắc chắn. Trong lúc đó, nhiều người trong số những đối tượng có liên quan gần gũi nhất với vụ việc đang phải cố hiểu xem chính xác chuyện gì đã xảy ra, và tại sao. Khởi đầu có phải là từ đoạn băng sex? Không hẳn. Bắt đầu chính là những chính trị nội bộ trong GSK Trung Quốc.

Nơi làm việc ở Trung Quốc cũng mang đậm màu sắc chính trị như bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Thậm chí một số người còn cho hơn thế, bởi những giá trị về sự hòa hợp bên ngoài trong văn hóa Trung Quốc dẫn tới tình trạng cạnh tranh ngầm. Một luật sư phương Tây nói: “Việc đánh giá người này hay người kia có tốt hay không là cả một quá trình”. Trò chính trị trong một tổ chức đa quốc gia tại Trung Quốc đặc biệt xảo quyệt, khi một nhóm nhỏ các quan chức quản lý phương Tây muốn điều hành theo những nguyên tắc không được bắt rễ sâu trong văn hóa kinh doanh Trung Quốc. Khi những vấn đề nổi lên, GSK có ba người không phải người Trung Quốc trong ban lãnh đạo hoạt động của hãng tại đây. Chính trị cá nhân và va chạm về văn hóa kinh doanh trong mảng dược phẩm đang phát triển bùng nổ và ngành công nghiệp y tế dẫn tới nạn hối lộ tràn lan. Sếp phụ trách hoạt động tại Trung Quốc bị sa cơ “do áp lực phải đạt các mục tiêu bán hàng xuất sắc”, trong lúc không nói được tiếng Trung. Hãy tưởng tượng người đó cố gắng quản lý một lực lượng 8.000 nhân viên địa phương trong bầu không khí kinh doanh đậm chất Trung Quốc.

“Tập đoàn Trung Quốc”

Trong năm 2012, đã có một loạt thư điện tử vô danh gửi cho cơ quan quản lý Trung Quốc, cáo buộc các nhân viên cao cấp của GSK đã phê chuẩn việc đi hối lộ. Một số nguồn bên ngoài nói với tôi rằng, Vivien Shi, lãnh đạo mảng quan hệ với chính phủ, là người bị nghi ngờ. Bà bác bỏ việc có liên quan tới các thư điện tử trên hay bất kỳ vụ báo tin nào liên quan tới nạn hối lộ ở GSK. Những gì chúng ta biết vào cuối năm 2012, Vivien Shi rời hãng. Trong tháng 1/2013 và tháng 2/2013, các email nặc danh bắt đầu được gửi tới trụ sở chính của hãng ở London. Tháng 3/2013 là đoạn băng hình Mark Reilly và bạn gái. Trong lúc những kịch tính dần được phơi bày bên trong GKS Trung Quốc, một trận đồ mới được bày ra ở tầm chính trị... hay “Tập đoàn Trung Quốc” như một số người dùng để chỉ về kiểu công ty chỉ theo đuổi một mục đích duy nhất trong thượng tầng cấu trúc của quốc gia độc đảng.

Vào tháng 11/2012, ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhanh chóng ra chiến dịch chống tham nhũng, với tệ nạn trong ngành y tế là một trong những mục tiêu bị ông nhắm tới. Điều đó ảnh hưởng ngay tới cách hoạt động ở Trung Quốc. Tất cả các doanh nhân phương Tây kỳ cựu ở đây nói rằng, người ngoại quốc luôn phải tuân thủ luật, bất kể có bị cám dỗ đến đâu trước những cách thức khác. Và đặc biệt quan trọng là tuân thủ luật khi luật thay đổi và mọi người Trung Quốc đều đang thấy rất căng thẳng. James McGregor từ hãng tư vấn APCO nói: “Một phần, tôi cho rằng, đó là việc có những thành viên trong bộ máy quan liêu muốn tìm cách chứng tỏ sự tồn tại của họ vào thời điểm đó là cần thiết, khi mà Trung Quốc đang muốn cải tổ bộ máy. Và những người đó tìm cách chứng tỏ rằng mình là người cứng rắn, có thể giữ vai trò điều hành được”.

Đi trên đầu ngón chân?

Vào thời điểm tháng 3/2013, khi đoạn băng sex đến được trụ sở GKS tại London, ông Tập Cận Bình đang ổn định vị trí của mình tại ban lãnh đạo Đảng và toàn bộ bộ máy Trung Quốc đang tìm cách chứng tỏ sự nhanh nhạy của họ trong việc làm những gì ông muốn. Tại tổng hành dinh của GSK Trung Quốc ở Thượng Hải, công ty đã đi tới kết luận rằng hãng có vấn đề với việc sử dụng nhiều nhân viên trẻ, những người chưa đặt vấn đề đạo đức lên hàng đầu. Các hoạt động điều tra được tiến hành và một loạt hệ thống nhằm đảm bảo quy chế hoạt động chặt chẽ hơn đã được đưa ra áp dụng. Nhưng sau vụ băng sex, mọi thứ diễn ra theo định mệnh.

Để tìm hiểu xem đoạn băng sex từ đâu ra, GSK đã thuê điều tra viên chuyên về các công ty Anh, Peter Humphrey cùng vợ của ông, bà Yu Yingzeng, cả hai đều dày dạn kinh nghiệm tại Trung Quốc. Họ bắt đầu bằng việc điều tra quan chức phụ trách quan hệ với chính phủ, Vivien Shi, người rời hãng vào tháng 12/2012, và trong quá trình điều tra, họ đã “nhón gót đi trên đầu một ngón chân rất lớn”. Hóa ra, Vivien Shi có liên hệ mật thiết với cả bộ máy y tế lẫn an ninh. Tháng 7/2013, các điều tra viên và GSK đều bị vào tầm ngắm. Cảnh sát công khai cáo buộc GSK tội hối lộ. Các nhân viên bị bắt giữ và các trụ sở văn phòng bị bố ráp. Hai vợ chồng điều tra viên bị tạm giữ tại Thượng Hải. GSK nói, có vẻ một số quan chức cao cấp của hãng đã vi phạm pháp luật Trung Quốc và xin lỗi giới chức Trung Quốc. Tuy nhiên, khi bản thân ông Reilly từ Anh trở lại Trung Quốc để hỗ trợ quá trình điều tra, vụ việc xảy ra một cách nhanh chóng là ông không được tự do đi lại. Và trong tháng 5/2013, cảnh sát tuyên bố họ dự định cáo buộc ông Reilly về tội đã phê chuẩn cho hoạt động hối lộ có hệ thống. Đây cũng là tình trạng hiện nay chúng ta đang chứng kiến, với vụ việc đang trong tay cơ quan công tố Trung Quốc và một tiến trình tố tụng chưa rõ ràng đối với ông Reilly, nhiều cựu đồng nghiệp của ông, và với GSK.

Liệu đây có phải là một câu chuyện đã được báo trước, hay chỉ là chuyện xảy ra một lần? Cả hai. Một nhà quan sát nhún vai nói rằng “đôi lúc những chuyện kỳ quặc xảy ra”, điều đó thể hiện cái nhìn khá phổ biến ở đây. Theo đó, đánh giá vụ GSK chưa từng xảy ra tại Trung Quốc nên không ai có thể đoán biết được các tình huống và sự kiện. Có lẽ là khôn ngoan nếu ta coi đó như một câu chuyện đã được cảnh báo. Nhà quan sát trên cảnh báo: “Cuộc chơi đang thay đổi và người nước ngoài đang bị vạ lây”.


QUAN HỆ TRUNG QUỐC - CUBA
Về mối quan hệ chiến lược Cuba-Trung Quốc

TTXVN (La Habana 8/7) - Từ cuối tháng 4/14, trong chuyến thăm tới La Habana được các hãng tin quốc tế miêu tả như là bước tiền trạm chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Cuba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) tuyên bố: “Cuba là người bạn tốt, đối tác tốt và đáng tin cậy của Trung Quốc” và “Mục tiêu bất di bất dịch trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc là tăng cường mối quan hệ chiến lược và không ngừng làm sâu sắc thêm sự hợp tác nhiều mặt với Cuba”. Sau đó, trong một cuộc gặp gỡ với báo chí, Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định, “với chuyến thăm Cuba sắp tới của Chủ tịch Tập Cận Bình, quan hệ Trung Quốc-Cuba sẽ bước vào một thời kỳ phát triển mới”.

Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez cho biết, mối quan hệ Cuba-Trung Quốc đang phát triển hết sức tốt đẹp trên mọi lĩnh vực kinh tế thương mại, khoa học kỹ thuật, văn hóa và giáo dục, đồng thời được thể hiện trong sự nhất trí cao giữa hai bên về các vấn đề chính trị quốc tế. Hơn một tháng sau khi những phát biểu trên được đưa ra, các động thái cho thấy chuyến thăm của nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc tới La Habana đang được gấp rút chuẩn bị, trong khi các hãng tin quốc tế bắt đầu đưa tin về hội nghị cấp cao nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, sẽ diễn ra tại thành phố Fortaleza ở Đông Bắc Brazil bên bờ Đại Tây Dương bắt đầu từ 15/7 tới.

Ngày 27/6, báo Granma, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Cuba, dành toàn bộ một trang quốc tế đăng bài và ảnh của đặc phái viên báo này giới thiệu về thành tựu phát triển kinh tế của Trung Quốc với tiêu đề “Trung Quốc và việc thực hiện một giấc mơ”, kèm theo tít phụ ca ngợi “Dân tộc châu Á đã lựa chọn con đường phát triển riêng của mình mang đặc điểm Trung Hoa trong việc tìm kiếm con đường làm giàu tập thể”. Bài báo viết: “Ở Trung Quốc người ta đã có thể biến thành hiện thực những điều dường như không thể thực hiện được trong vòng 35 năm qua. Hàng triệu, hàng triệu người đã thoát khỏi tình trạng nghèo khổ. Những thành phố hiện đại nhất đã được xây dựng, và đó là nơi thu hút những công ty thương mại có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. Đất nước phương Đông này đã vượt ra khỏi sự cô lập của phương Tây, giành được uy tín quốc tế và đã trở thành đối tác chủ yếu của châu Âu, Hoa Kỳ, Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi. Không còn nghi ngờ gì, ngày nay người ta luôn luôn phải tính đến vai trò của Trung Quốc…”.

Tiếp đó bài báo nhấn mạnh: “Khát vọng phục hưng của dân tộc Trung Hoa vĩ đại cùng với nền văn hóa có lịch sử hàng nghìn năm của họ đã đến từ quá trình hiện đại hóa và công nghiệp hóa mà ĐCS Trung Quốc phát động từ năm 1979. Nhưng điều này cũng có thể nói rằng khát vọng đó đã luôn luôn hiện hữu trong toàn bộ tiến trình lịch sử đương đại của nước CHND Trung Hoa. Giờ đây, “Giấc mộng Trung Hoa” đã trở thành ngọn cờ của một chính quyền trẻ trung do Tập Cận Bình đứng đầu, đó là câu trả lời cho những đòi hỏi của đất nước, cũng như trật tự kinh tế và chính trị quốc tế”.

Sau khi giới thiệu và ca ngợi thành tựu của công cuộc hiện đại hóa và công nghiệp hóa của Trung Quốc, cũng như sự thành công của mô hình Khu thí nghiệm về tự do thương mại Thượng Hải (EFTZ-viết tắt theo tiếng Anh), bài báo kết luận, nếu cuối cùng kinh nghiệm Thượng Hải được nhân rộng ra ở các vùng khác trên toàn lãnh thổ Trung Quốc như mong muốn của chính quyền, thì có thể khẳng định rằng tương lai của đất nước và việc hiện thực hóa phần lớn “Giấc mộng Trung Hoa” đã được quyết định từ đó.

Đây có lẽ mới chỉ là bài báo đầu tiên trong loạt bài tuyên truyền về Trung Quốc nhân chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ diễn ra trong ngày một ngày hai, mà theo cách thức thông tin của báo chí Cuba thì có thể dự đoán là nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ thăm Cuba trước hoặc sau khi tham dự hội nghị cấp cao lần thứ 6 của nhóm BRICS tại Brazil như đã đề cập ở trên.

Các nhà quan sát tại La Habana cho rằng sẽ có thể có những tuyên bố ủng hộ Cuba mạnh mẽ hơn từ phía Trung Quốc và nhiều hiệp định hợp tác mới sẽ được ký kết trong chuyến thăm chính thức đến quốc đảo này của ông Tập Cận Bình. Người ta lưu ý rằng sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào (Hu Jin Tao) tới Cuba tháng 11/2004 với một loạt thỏa thuận hợp tác được thông qua, ông Tập Cận Bình từng đến thăm Cuba vào tháng 6/2011 với cương vị Phó Chủ tịch nước và khi đó đã chắc chắn là người sẽ kế vị Hồ Cẩm Đào trong vai trò lãnh đạo cao nhất ở Trung Nam Hải. Giờ đây, ông Tập đến thăm Cuba lần thứ hai với tư cách nguyên thủ quốc gia của một cường quốc có dân số gần 1,5 tỷ người và sức mạnh kinh tế, quân sự được so sánh ngang hàng với Mỹ, Nga hay châu Âu. Trong điều kiện quan hệ Mỹ-Cuba vẫn chưa có dấu hiệu bớt căng thẳng trên thực tế và chính sách bao vây cấm vận đối với La Habana vẫn còn tiếp tục thì việc liên minh với các đối tác lớn như Trung Quốc và Nga chắc chắn sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của chính phủ của Chủ tịch Raul Castro, một người được cho là có quan điểm thực dụng và rất quyết đoán trong việc hoạch định đường hướng và các bước đi của đất nước, tác giả của chương trình cập nhật hóa mô hình kinh tế đang được thực thi tại Cuba hiện nay.

Mặc dù mối quan hệ Cuba-Trung Quốc từng có những góc khuất trong quá khứ, chẳng hạn việc Trung Quốc trong một thời gian dài không mấy mặn mà với Cuba khi nước này luôn thể hiện quan điểm ủng hộ Liên Xô trong giai đoạn Xô-Trung có những bất đồng và mẫu thuẫn nghiêm trọng, hoặc Cuba đã có lúc phê phán Trung Quốc cắt hạn mức bán gạo cho nước này vào giữa thập kỷ 60 thế kỷ trước, hay giữa hai bên từng xảy ra đụng độ gay gắt không chỉ về quan điểm khi La Habana tích cực ủng hộ Phong trào nhân dân giải phóng Angola MPLA của lãnh tụ Angostiño Neto, trong khi Bắc Kinh hậu thuẫn Mặt trận FLNA của Holden Roberto và UNITA của Savimbi. Một người bạn Cuba từng là chiến sĩ tình nguyện chiến đấu tại Angola nói với phóng viên TTXVN rằng đơn vị của ông từng bị tổn thất về người trong cuộc chiến với đối phương có sự cố vấn của “các đồng chí Trung Quốc”.

Tuy nhiên, ngày nay thời thế đã thay đổi, các nhà phân tích lưu ý rằng trước đây, để đối chọi lại với siêu cường đế quốc Bắc Mỹ, Cuba có hậu thuẫn vững chắc từ Liên Xô và các nước trong phe xã hội chủ nghĩa trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị và quân sự, viện trợ của Trung Quốc chỉ là một phần, tuy cũng quan trọng nhưng không mang tính chất quyết định trong mối quan hệ giữa hai bên. Trái lại vào thời điểm hiện tại, Trung Quốc và Venezuela đang là hai trụ cột hàng đầu, hai đối tác không thể thay thế trong mối quan hệ kinh tế, thương mại với Cuba. Từ năm 2011 tới nay, kim ngạch trao đổi buôn bán giữa Trung Quốc và Cuba thường xuyên ở mức trên dưới 2 tỷ USD/năm. Ngoài ra, các hạng mục viện trợ về quân sự, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo cán bộ không ngừng được tăng cường.

Điều đáng chú ý là trong tình hình quốc tế nhiều biến động hiện nay, Cuba đang đứng trước nhu cầu bức thiết phải duy trì mối quan hệ chiến lược với Trung Quốc. Bởi vì trong hai đối tác trụ cột của Cuba là Trung Quốc và Venezuela thì quốc gia Nam Mỹ không có Hugo Chavez đang ở vào giai đoạn hết sức khó khăn do những mưu toan làm mất ổn định từ bên ngoài cũng như sự chống phá của phe đối lập ở trong nước và những biểu hiện rạn nứt trong nội bộ phong trào cách mạng theo tư tưởng Bolivar và chính phủ do Tổng thống Nicolas Maduro lãnh đạo. Nếu tình hình bất lợi xảy ra đối với chính quyền của ông Maduro thì việc mất đi hoặc giảm sút nghiêm trọng kim ngạch trao đổi hàng năm trên 8 tỷ USD với Venezuela sẽ là một đòn nặng giáng vào nền kinh tế còn đang phải đương đầu với vô vàn khó khăn của Cuba.

Dường như trong toan tính của các nhà lãnh đạo Cuba hiện nay, việc dựa hẳn vào liên minh Trung Quốc và Nga trong bối cảnh hai cường quốc này buộc phải gác lại những hiềm khích trong quá khứ để cùng nhau đối phó với châu Âu và Mỹ trong cuộc đua toàn cầu, có thể giúp Cuba trụ vững trong trường hợp bạn đồng minh số một Venezuela gặp khó khăn, không thể tiếp tục các khoản viện trợ hào phóng như hiện nay.

Có ý kiến cho rằng hình như Cuba không hiểu rõ tham vọng của Trung Quốc trong chiến lược bành trướng toàn cầu cũng như chính sách nước lớn của họ đối với các nước láng giềng, ngay cả đối với sự kiện nghiêm trọng mà họ gây ra hiện nay đối với Viêt Nam trong vấn đề Biển Đông. Nhưng nếu lật lại những gì báo chí Cuba đã đăng tải công khai, chúng ta có thể thấy rằng nhận xét đó không hoàn toàn xác đáng.

Cách đây hai năm, các báo Cuba ngày 14/6/2012 đã đăng một bài suy ngẫm của lãnh tụ Fidel Castro nhan đề Đặng Tiểu Bình (Deng Xiao Ping). Gọi là bài nhưng thực ra chỉ có 4 câu như sau: “Ông ta tự cho mình là người thông thái, và thực sự đó là một người thông thái. Nhưng ông ta đã phạm một sai lầm khi có một lần đã nói rằng “cần phải trừng phạt Cuba”. Cuba thậm chí chưa từng bao giờ nhắc đến tên ông ta. Đó là một sự xúc phạm hoàn toàn tùy tiện”. Xin lưu ý rằng lãnh tụ Cuba nhắc lại lời nhận xét về Đặng Tiểu Bình như trên chỉ vài tuần trước khi Chủ tịch Cuba Raul Castro tiến hành chuyến thăm chính thức Trung Quốc vào tháng 7 năm đó. Thông điệp cảnh báo về sự “khó chơi” của Trung Quốc trong bài báo cực ngắn của Fidel là quá rõ ràng.

Đọc lại bài phát biểu ứng khẩu ngày 21/2/1979 tại La Habana của Fidel tại buổi mít tinh đoàn kết với Việt Nam, lên án Trung Quốc xâm lược Việt Nam càng thấy rõ lãnh tụ Cuba là người hiểu rất sâu về bản chất bất trắc, khó lường, tham vọng bành trướng và mưu đồ bá quyền của giới lãnh đạo Trung Quốc. Chỉ 4 ngày sau khi Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam, Fidel đã nói: “Đây là trường hợp đáng ghê tởm nhất về sự phản bội đối với phong trào cách mạng trong toàn bộ lịch sử nhân loại… Đây không phải là nhân dân Trung Quốc, không thể là nhân dân Trung Quốc. Đây là bè lũ phát xít đã chiếm quyền lãnh đạo…Vào lúc này, nhân dân Trung Quốc không hề biết chuyện gì đang xảy ra, họ đang bị lừa gạt một cách trắng trợn…Vào lúc này giới lãnh đạo Trung Quốc không nói gì với nhân dân nước họ về cuộc chiến tranh xâm lược này, về cuộc chiến tranh xâm lược thô bạo chống lại nhân dân Việt Nam. Họ lại đang nói rằng Việt Nam xâm lược Trung Quốc và rằng Trung Quốc đang phản công để tự vệ!!!...”.

“Người ta không biết những gì đang diễn ra ở Trung Quốc… không biết phe phái nào đang nắm quyền ở Trung Quốc vào lúc này, không biết nhóm người nào phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh này, nhưng rõ ràng là kẻ cầm đầu bè lũ đầu trâu mặt ngựa kia, kẻ gây ra tội ác này, kẻ phải chịu trách nhiệm số một chính là tên lưu manh, tên bù nhìn, tên vô liêm sỉ Deng Xiao Ping. Đó là kẻ đã bị hạ bệ, rồi đã quay lại, lại bị hạ bệ lần nữa, rồi thêm một lần quay lại, một ngày kia có thể y sẽ lại bị hạ bệ. Điều đó có thể xảy ra…Từ bao năm nay, các phe nhóm liên tục hạ bệ lẫn nhau, hạ bệ rồi lại khôi phục, cho đến một ngày nhân dân Trung Quốc sẽ hạ bệ tất cả bọn chúng. Nhưng hãy chú ý, bọn chúng rất nguy hiểm, hết sức nguy hiểm!”.

Trong bài phát biểu này, lãnh tụ Fidel còn phân tích rất chi tiết âm mưu và kế hoạch lâu dài chống phá Việt Nam của Trung Quốc, từ việc họ áp dụng chính sách ngoại giao bóng bàn, bắt tay với Mỹ, lợi dụng sự suy yếu của chính quyền Sài Gòn để đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, sau đó Trung Quốc đã tiến hành thâm nhập Campuchia, chống lưng cho bè lũ Polpot gây ra nạn diệt chủng đối với dân tộc Campuchia, gây hấn với Việt Nam…Fidel nêu rõ: “Việc chế độ diệt chủng ở Campuchia bị lật đổ là một đòn nặng giáng vào bè lũ lãnh đạo Trung Quốc. Từ đó, họ tăng cường các cuộc khiêu khích và xâm lược trên khắp biên giới với Việt Nam. Mọi người đều biết rằng chính phủ Trung Quốc tập trung quân đội dọc theo biên giới với Việt Nam”. “Trong bối cảnh đó, Đặng Tiểu Bình đã đi thăm Mỹ và trắng trợn tuyên bố cần phải trừng phạt Việt Nam và Cuba… Đặng Tiểu Bình đã nói như vậy ở Mỹ và sau đó khi dừng chân tại Nhật, ông ta đã nhắc lại: cần phải trừng phạt Việt Nam” (Fidel nói đến chuyến thăm Mỹ của Đặng Tiểu Bình vào đầu tháng 2/1979, ít ngày trước khi Trung Quốc tiến công xâm lược Việt Nam ngày 17/2 năm đó -PV).

Về vấn đề quần đảo Hoàng Sa, Fidel chỉ rõ: “Chúng ta nhớ rằng ngay từ khi còn chế độ ngụy quyền ở miền Nam, Trung Quốc đã xâm chiếm các đảo của Việt Nam. Khi Mỹ còn ở miền Nam, họ không làm việc ấy, nhưng khi Mỹ rút quân khỏi miền Nam, Trung Quốc đã tiến công xâm chiếm các đảo đó vì họ cho rằng ở đó có nhiều tài nguyên thiên nhiên, có dầu mỏ…”.

Tóm lại, có thể nói rằng lãnh đạo Cuba hiểu khá rõ nội tình cũng như những ý đồ, tham vọng và toan tính chiến lược của Trung Quốc, nhưng trong bối cảnh của các mối tương quan lực lượng hiện nay trên thế giới, và vì lợi ích dân tộc, về mặt công khai, Cuba vẫn ca ngợi và đề cao những mặt mạnh của Trung Quốc, nhấn mạnh các điểm “đồng” để tăng cường mặt trận liên minh chiến lược nhằm mục đích phát triển kinh tế, củng cố năng lực quốc phòng, giúp giữ vững và nâng cao tiềm lực quốc gia trong cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.


Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 212.33 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương