CHƯƠng 4 ĐẶC ĐIỂM ĐỊa hìNH, ĐỊa mạO với hoạt động tân kiến tạo


Lịch sử thành tạo và tiến hóa một số khu vực và thành tạo đặc trưng



tải về 0.68 Mb.
trang4/8
Chuyển đổi dữ liệu25.08.2017
Kích0.68 Mb.
#32764
1   2   3   4   5   6   7   8

4.7. Lịch sử thành tạo và tiến hóa một số khu vực và thành tạo đặc trưng

4.7.1. Lịch sử hình thành của dải đồng bằng ven biển Quảng Bình

4.7.1.1. Đặc điểm trầm tích

Các trầm tích Đệ Tứ của dải đồng bằng ven biển từ Đèo Ngang đến Cửa Việt phân bố khá rộng rãi. Chúng tạo nên bề mặt đồng bằng hiện tại với nhiều dạng địa hình khác nhau. Đặc điểm chung của trầm tích Đệ Tứ là đa nguồn gốc, chuyển tướng từ rìa đồng bằng ra ven biển. Nét đặc trưng của dải đồng bằng này là chiều ngang hẹp nên sự chuyển tướng trầm tích thường diễn ra nhanh, nhiều khi đột ngột và rất phức tạp, bề dày trầm tích thay đổi rất lớn theo không gian.

Các nghiên cứu cho thấy, trong vùng nghiên cứu đã xác lập được các hệ tầng Tân Mỹ (Q11 tm); Quảng Điền (); Phú Xuân (). Sau đây là những nét đặc trưng nhất:

a) Đặc trưng trầm tích của hệ tầng Tân Mỹ

Hệ tầng Tân Mỹ được mô tả khá chi tiết, theo đặc điểm mặt cắt, thành phần vật chất và cổ sinh và được chia thành các tướng: trầm tích sông (aQ11 tm), sông - biển (amQ11 tm), sông - biển - đầm lầy (ambQ11 tm).

Trầm tích sông nằm ở phần thấp nhất của mặt cắt, đặc trưng là lục nguyên hạt thô, bở rời, gồm: cuội, sỏi, sạn lẫn bột sét. Theo mặt cắt lỗ khoan 2BQT ở Gio Hải (85,8-73 m), thành tạo này gồm 3 lớp, với bề dày là 12,8m. Mặt cắt lỗ khoan 3QT (134,1-131,1m) tại Hải Khê (Hải Lăng) có bề dày 3-29m. Các trầm tích nguồn gốc sông - biển, sông - biển - đầm lầy cũng được nghiên cứu chi tiết theo các lỗ khoan nói trên.

Đặc điểm phân bố và chuyển tướng trầm tích: Các lớp trầm tích của hệ tầng không lộ trên mặt và phân bố chủ yếu trong các trũng sụt tân kiến tạo. Bề dày của chúng tăng dần từ vùng ven rìa ra biển, từ hai cánh vào trung tâm. Theo không gian từ rìa đồng bằng ra biển và theo thời gian (từ dưới lên), chúng chuyển tướng từ sông đến sông - biển. Đây là kiểu mặt cắt khá đặc trưng cho vùng châu thổ ven biển.

Về quan hệ dưới, chúng phủ không chỉnh hợp trên trầm tích Neogen, phía trên chúng bị phủ bởi các trầm tích hạt thô của hệ tầng Quảng Điền.



Đặc điểm thạch học: Thành phần độ hạt thay đổi từ thô đến mịn theo quy luật chuyển tướng trên, trong đó trầm tích sông có độ hạt thô nhất (Md: 0,12-4,0); độ chọn lọc từ trung bình đến kém (So: 1,61-4,87); độ mài tròn (Ro: 0,63- 0,75). Đường cong tích luỹ của thành tạo trầm tích sông có dạng thoải, kích thước hạt biến đổi trong khoảng rộng, thể hiện độ chọn lọc kém so với các trầm tích sông - biển, sông - biển - đầm lầy.

Trầm tích sông - biển có độ hạt mịn hơn (Md: 0,005), độ chọn lọc trung bình (So: 2,1-2,19); độ mài tròn tốt hơn so với trầm tích sông (Ro: 0,65-0,75). Trầm tích sông - biển - đầm lầy có độ hạt mịn nhất (Md: 0,095), độ chọn lọc (So: 1,3), độ mài tròn (Ro: 0,69) tốt hơn so với trầm tích sông-biển.



Đặc điểm địa vật lý: Các tham số địa vật lý của hệ tầng khá rõ so với trầm tích nằm dưới và trên nó. Trầm tích sông có điện trở suất hệ điện cực và cường độ gamma nhân tạo thấp hơn so với trầm tích sông, sông - biển. Còn cường độ gamma tự nhiên lại cao hơn.

Đặc điểm cổ sinh và môi trường trầm tích: Trầm tích sông rất nghèo cổ sinh. Trầm tích sông - biển chứa phong phú Bào tử phấn hoa tuổi Pleistocen sớm, trong đó sự có mặt của thực vật bãi triều ngập mặn như: Acrostichum sp., Sonneratia sp.,... đã chứng tỏ chúng được thành tạo trong môi trường cửa sông - ven biển. Các hệ số địa hoá Kt >1; pH: 6,8-7,3 cũng phù hợp với kết quả trên.

b) Đặc trưng trầm tích của hệ tầng Quảng Điền

Kết quả nghiên cứu định lượng đã xác nhận hệ tầng Quảng Điền gồm các trầm tích nguồn gốc sông - lũ (ap), sông (a), sông - đầm lầy (ab), và sông - biển (am). Các trầm tích này cũng được nghiên cứu chi tiết theo các vùng phủ và vùng lộ và có những nét nổi bật sau:



Đặc điểm phân bố và chuyển tướng trầm tích: Hệ tầng có diện phân bố rộng rãi, riêng trầm tích sông - lũ lộ một phần ở vùng ven rìa trên địa hình tương đối bằng phẳng, có độ cao 15-25m, trên ảnh hàng không quan sát khá rõ. Trầm tích sông - đầm lầy và sông - biển không lộ và nằm chỉnh hợp trên trầm tích sông.

Về quan hệ địa tầng, hệ tầng Quảng Điền phủ không chỉnh hợp trên bề mặt bào mòn của các hệ tầng Long Đại (O-S1 ); Cù Bai (D2-3 cb); Gio Việt (N gv) và Tân Mỹ (Q11 tm), còn về phía trên chúng bị hệ tầng Phú Xuân phủ lên.



Đặc điểm thạch học: Từ dưới lên, độ hạt trầm tích thay đổi từ thô đến mịn: từ sông - lũ (ap), sông (a), sông - đầm lầy (ab), sông - biển (am). Trầm tích sông có độ hạt thô hơn, chiếm khối lượng lớn, đây là tầng chứa nước ngầm tốt. Các trầm tích sông - đầm lầy và sông - biển có độ hạt mịn hơn, chứa nhiều mùn thực vật. Các đường cong tích luỹ có dạng thoải, kích thước hạt biến đổi trong diện rộng (Md: 0,55-1,6), thể hiện độ chọn lọc kém (So: 2,68-3,87).

Đặc điểm địa vật lý: Các kết quả đo địa vật lý ở các lỗ khoan 2QT, 2BQT và 3QT cho thấy các trầm tích hệ tầng có tham số địa vật lý phân biệt rõ với trầm tích các hệ tầng Phú Xuân và Tân Mỹ, trong đó trầm tích sông có cường độ gamma tự nhiên và nhân tạo thấp hơn của trầm tích sông - biển.

Đặc điểm cổ sinh và môi trường trầm tích: Trầm tích sông rất nghèo cổ sinh, trầm tích sông - biển chứa phong phú Bào tử phấn hoa tuổi Pleistocen giữa-muộn môi trường cửa sông - ven biển. Các thông số địa hoá môi trường đã chứng tỏ môi trường trầm tích mang tính chuyển tiếp giữa sông và biển.

Trầm tích sông - đầm lầy chứa nhiều mùn thực vật, thế oxy hoá-khử thấp (Eh: -10mV), môi trường có tính khử mạnh.

Trầm tích sông có tầng cuội, sỏi, sạn dùng làm vật liệu xây dựng, đồng thời cũng là tầng chứa nước ngầm có triển vọng nhất.

c) Đặc trưng trầm tích của hệ tầng Phú Xuân

Hệ tầng Phú Xuân phân bố rộng rãi, trong đó trầm tích sông-biển phổ biến hơn cả. Từ dưới lên có sự chuyển tướng trầm tích từ a  ab  am  m. Với sự có mặt rộng rãi của trầm tích sông - biển và biển ở ven rìa đồng bằng chứng tỏ vai trò to lớn của biển trong sự thành tạo trầm tích ở đây. Về quan hệ địa tầng, hệ tầng Phú Xuân phủ lên hệ tầng Quảng Điền, về phía trên nó bị các thành tạo hiện đại phủ lên, riêng ở Quảng Trị hệ tầng còn bị bazan hệ tầng Gio Linh ( Q21 gl) phủ lên.



Đặc điểm thạch học và phong hoá: Trầm tích sông có độ hạt thô hơn trầm tích sông - biển. Độ chọn lọc của trầm tích sông - biển và biển cao hơn. Đặc biệt trong lỗ khoan ở vùng Quảng Trị (ở độ sâu khoảng 49-50m) gặp phổ biến bề mặt loang lỗ phát triển ở phần cao của hệ tầng. Lớp loang lỗ này có hàm lượng sắt cao. Việc phát hiện tầng loang lỗ này rất có ý nghĩa cho việc vạch ranh giới giữa Pleistocen và Holocen.

Đặc điểm cổ sinh và môi trường trầm tích: Các trầm tích sông nghèo di tích cổ sinh. Ngược lại, các trầm tích sông - biển chứa phong phú di tích Bào tử phấn hoa, Tảo, Vi cổ sinh. Lần đầu tiên trong trầm tích biển (m) đã phát hiện được di tích Trùng lỗ môi trường biển nông. Các kết quả phân tích địa hoá môi trường: Kt: 1,1; pH: 6,9; Eh: 115, từ đó cho thấy hệ tầng hình thành ở môi trường cửa sông - ven biển. Trầm tích sông - biển (am) là đối tượng tìm kiếm các nguồn sét gạch ngói phong phú.
d) Các đặc điểm trầm tích Holocen hạ - trung

Đặc điểm thạch học và thạch hoá:

Trầm tích sông - lũ và sông: Có thành phần chủ yếu hạt thô, hệ số chọn lọc và mài tròn không đều, thành phần hạt vụn giàu thạch anh (90-99%), hàm lượng SiO2 cao (83,62%), phần trên có độ hạt mịn hơn chủ yếu là bột sét, ít cát màu xám vàng, đôi nơi bề mặt bị phong hoá yếu.

Trầm tích sông - biển và đầm lầy - biển: Thành phần chủ yếu là bột sét, ít cát sạn màu xám đen, giàu vật chất hữu cơ, có hàm lượng SiO2 không cao (73,11-78,16%) và oxyt kiềm thổ tương đối cao (1,85-2,00). Thành phần hạt vụn thạch anh dao động cao (35-95%), tương đối giàu vụn đá (2-65%) và khoáng vật khác khá đa dạng; khoáng vật sét ngoài kaolinit, còn có monmorilonit; hàm lượng khoáng vật siderit nhỏ (25%) trong trầm tích sông - biển; marcasit, pyrit ít (25%) trong trầm tích đầm lầy - biển. Trên biểu đồ thành phần cấp hạt, các trầm tích mô tả tập trung về phía hạt mịn (bột sét).

Trầm tích biển và biển - gió: Thành phần hoàn toàn là cát, nên đường cong tích luỹ khá dốc đứng, có thành phần thạch anh cao (95-100%), rất nghèo vụn đá và khoáng vật khác. Độ chọn lọc tốt (So: 1,16-1,41) mài tròn khá tốt. Có thành phần oxyt SiO2 rất cao (>97%) và các oxyt khác Al2O3, Fe2O3, TiO2,  K2O + Na2O rất thấp (0,0%). Trên biểu đồ thành phần cấp hạt, chúng tập trung chủ yếu về phía hạt có kích thước 1-0,1 mm (hạt cát).

Đặc điểm cổ sinh, tuổi và môi trường thành tạo:

Các trầm tích sông, sông - lũ, và biển - gió rất nghèo cổ sinh (hầu như không có); còn các trầm tích sông - biển, đầm lầy - biển và biển khá phong phú Bào tử phấn hoa, Vi cổ sinh, Tảo như đã mô tả ở trên. Các hoá thạch đều cho tuổi Holocen sớm - giữa và xác định môi trường cửa sông - ven biển, biển ven bờ hoặc đầm lầy, vũng vịnh ven biển cho các trầm tích tương ứng.

Các chỉ tiêu hoá lý môi trường cũng cho phép xác nhận nguồn gốc trầm tích trên phù hợp với môi trường thành tạo chúng. Đặc biệt trong các trầm tích đầm lầy - biển, chỉ tiêu hoá lý môi trường thể hiện rất rõ nét, độ pH thấp (5,5-5,9), Eh có giá trị âm (-4 đến -45mV), có mặt các khoáng vật chỉ thị môi trường khử có yếu tố đầm lầy với hàm lượng khá cao như marcasit (ít đến 25%), pyrit (ít) hoặc sự có mặt siderit (ít đến 25%), đặc trưng cho môi trường chuyển tiếp (cửa sông - ven biển).

e) Các đặc điểm trầm tích Holocen trung - thượng

Đặc điểm thạch học và thạch hoá:

Trầm tích sông và sông - biển thường có độ chọn lọc không đều (So: 1,22-4,56) và giàu mảnh đá (ít đến 15%) hơn.

Các trầm tích biển và biển - gió có độ chọn lọc tốt nhất (So: 1,15-2,04), có thành phần thạch anh cao nhất (98-100%). Các trầm tích sông - đầm lầy và sông - biển - đầm lầy, thành phần hạt mịn (bột sét) chủ yếu chứa nhiều vật chất hữu cơ, di tích thực vật bán phân huỷ.

Về thành phần hoá học, các trầm tích sông - đầm lầy và sông - biển - đầm lầy, có hàm lượng SiO2 thấp nhất (48,34%), sau đó đến trầm tích sông (65,44%), còn các trầm tích biển và biển - gió có SiO2 cao nhất (89,07-93,56%) và các oxyt Al2O3, K2O, Na2O có sự thay đổi khá phù hợp với quy luật phân dị trầm tích, trầm tích có độ chọn lọc tốt thì chúng có hàm lượng nghèo và ngược lại.



Đặc điểm cổ sinh, tuổi và môi trường thành tạo:

Các trầm tích sông chứa khá phong phú Tảo nước ngọt: Navicula sp., Girosyma sp., Gomphonema sp., Pinnularia sp., và Bào tử phấn hoa chủ yếu thuộc môi trường lục địa gồm: Cyathea sp., Gleichenia sp., Pteris sp., Taxodium sp., Pinus sp., Quercus sp. Các trầm tích biển và biển-gió rất nghèo cổ sinh, còn các trầm tích sông - biển và sông - biển - đầm lầy rất phong phú Bào tử phấn hoa, Tảo và Vi cổ sinh như đã mô tả ở trên, đặc trưng cho môi trường cửa sông - ven biển, đầm lầy ven biển, tuổi Holocen giữa - muộn.

Trầm tích sông và sông - biển có pH: 6,3-6,8; Eh: 100-132mV; Kt: 0,25-0,83 chứng tỏ chúng hình thành trong môi trường oxy hoá yếu-trung bình, có độ acid yếu, kiềm yếu.

Các trầm tích sông - đầm lầy và sông - biển - đầm lầy có các chỉ số hoá lý môi trường rất đặc trưng: pH thấp (4,5-5,8); Eh có giá trị âm (-4 đến -120mV) cùng với sự có mặt của pyrit, marcasit, hàm lượng carbon hữu cơ khá cao (1,35-24,6), chứng tỏ chúng hình thành trong môi trường khử, có tính acid rõ rệt liên quan đến các yếu tố đầm lầy. Đáng lưu ý, kiểu mặt cắt trầm tích chứa hàm lượng carbon hữu cơ cao (>15,5%) mới tạo lớp than bùn công nghiệp.

Các trầm tích biển, biển - gió có đặc điểm môi trường thành tạo tương tự các trầm tích cùng nguồn gốc tuổi Holocen sớm - giữa như đề cập ở trên.

4.7.1.2. Lịch sử hình thành và phát triển đồng bằng vùng ven biển Quảng Bình

Dựa trên cơ sở cộng sinh tướng, đặc thù của các kiểu bồn tích tụ và tiến hóa thành phần trầm tích theo thời gian và không gian, các phân khu trầm tích được phân chia, bao gồm:

Đồng bằng thung lũng giữa núi: là sản phẩm của quá trình hoạt động của hệ thống sông-suối thuộc khu vực trung lưu và thượng lưu của một hệ thống lưu vực sông, được cấu tạo bởi một phức hệ trầm tích vụn thô (tảng, cuội, sạn, cát) và xen kẻ bột sét dưới dạng thấu kính thuộc tướng aluvi - proluvi, thành phần đa khoáng, độ chọn lọc và mài mòn kém, bề dày các tướng thay đổi nhanh (đặc trưng của trầm tích sông - lũ).

Đồng bằng châu thổ: là những bồn trầm tích Đệ Tứ lớn nhất, là sản phẩm của những dòng sông lớn có miền hạ lưu bao la, bằng phẳng lấp đầy trầm tích tương ứng với chế độ sụt lún kiến tạo liên tục.

Đồng bằng ven biển Quảng Bình và miền Trung được hình thành theo cơ chế riêng, tiến hóa theo cơ chế hình thành hệ đe cát ven bờ cổ và các vũng vịnh (lagoon) ven bờ cộng sinh. Sau đó các vũng vịnh được lấp đầy do quá trình sông - biển và lạch thoát triều để trở thành hạ lưu của sông (sông Cả, sông Nhật Lệ, sông Gianh, sông Hương, sông Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Đà Nẵng,...) (riêng đồng bằng Phan Rang - Phan Thiết thuộc loại đồng bằng biển thực thụ).

Quá trình hình thành và phát triển của dải đồng bằng ven biển Quảng Bình và Trung Bộ gắn liền chặt chẽ với các hoạt động tân kiến tạo. Bằng sự phân tích các mặt cắt giếng khoan một cách khoa học, hệ thống, nhìn nhận một vấn đề nằm trong mối tương tác lẫn nhau như những mối quan hệ nhân quả, hàm-biến, quá trình hình thành và phát triển ấy có thể diễn giải khái quát như sau:

- Thời gian thành tạo trầm tích Neogen liên quan chặt chẽ với các đứt gãy kiến tạo, tạo ra các trũng sụt; trong thời gian này vùng núi phía Tây được nâng lên, các chuyển động kiến tạo gây tương tác giữa các khối và hình thành các đứt gãy ở các vùng Ba Đồn, Đồng Hới, Cửa Việt. Các hố sụt bị sụt mạnh bám theo các cánh của đứt gãy. Quá trình vận động tương tác của Trái đất đã làm cho mực nước đại dương hạ xuống; giai đoạn này tương ứng với băng hà Dunai, xảy ra trong Pliocen muộn cách ngày nay khoảng 2-3 triệu năm. Vùng Quảng Bình đến Cửa Việt chịu ảnh hưởng của quá trình băng hà tương ứng với giai đoạn biển thoái, địa hình khu vực chịu ảnh hưởng sâu sắc của chế độ lục địa mà sản phẩm đã hình thành tầng hạt thô gồm: cuội, sỏi, cát, sét có màu xám chiếm ưu thế, cuội sỏi có kích thước từ 2-5cm. Thành phần cuội, sạn, sỏi chủ yếu là thạch anh nằm phủ không chỉnh hợp trên các đá cổ hơn (LK.2 QT, tại vùng Gio Việt, Gio Linh).

Sau giai đoạn băng hà Dunai mà dấu ấn để lại là các tầng hạt thô trên cột địa tầng, vào khoảng 1,6-2,5 triệu năm xảy ra thời kỳ gian băng, khí hậu ấm dần lên, biển từ từ tiến vào lục địa. Minh chứng của nó là sự thành tạo các tầng hạt mịn chứa phong phú Bào tử phấn hoa. Đây chính là cơ sở để vạch ranh giới giữa Neogen và Đệ Tứ (N/Q) của dải đồng bằng này. Cũng tại LK.2 QT bắt gặp Bào tử phấn hoa: Polypodium sp., Schizea sp., Pseudotsuga sp., Pinus sp., Venus sp., Graminae sp., có trong bột sét lẫn cát màu xám, xám xanh chứa vật chất hữu cơ bị nén ép có dạng phân dải, dày 6m. Thành phần độ hạt (%): bột: 48-60,5; sét: 12-16,8; cát: 12-38; sạn: 0,5-2,6. Hệ số độ hạt: Md: 0,03-0,1; So: 1,14-2,0; Sk: 0,5-0,8.

- Sang Pleistocen sớm, khí hậu Trái đất lại thay đổi, mực nước biển lại hạ thấp so với ngày nay khoảng 200m, vùng nghiên cứu lại chịu ảnh hưởng của chế độ lục địa, các sông do vươn dài dòng chảy ra phía Đông mà sản phẩm của nó là các tầng hạt thô của hệ tầng Tân Mỹ (aQ11 tm) - nguồn gốc sông, hình thành gắn liền với băng hà Gunz. Bằng chứng ghi nhận là tầng cuội sỏi ở độ sâu 73-85,8m (LK.2B QT); 62-68,6m (LK. 2QT). Các tầng trầm tích mang tính phân nhịp, liên quan chặt chẽ với sự thay đổi của khí hậu đương thời. Sự dâng lên hay hạ xuống của mực nước đại dương đều mang tính chu kỳ, mà các sản phẩm của các tầng trầm tích gặp trong giếng khoan đã minh chứng rất rõ nét cho các nhận định trên.

- Cuối Pleistocen sớm, biển lại tiến vào lãnh thổ. Giai đoạn này tương ứng với gian băng Gunz - Mindel tạo ra tầng hạt mịn có nguồn gốc hỗn hợp sông-biển (amQ11 tm).

- Vào giai đoạn sớm của Pleistocen giữa - muộn lại hình thành tầng trầm tích hạt thô (a), tương ứng với băng hà Mindel; bằng chứng là tại độ sâu 45,6-50,3m (LK.MH.1) bắt gặp tầng cát, bột lẫn sạn màu xám nhạt, thành phần độ hạt (%): cát: 43,61; sạn: 13,46; bột: 35,4; sét: 7,5. Các thông số độ hạt: Md: 0,248; So: 2,14-2,88; Sk: 0,39-2,58; P: 0,802-0,833; Q: 0,7-0,709. Nghèo hoá thạch. Chỉ số hoá lý môi trường: pH: 6,8; Eh: 107mV; Fe2O3: 3,32%; khoáng vật sét: kaolinit = 15%; hydromica = 18%, chlorit: ít. Dày 4,7m.

- Quá trình gian băng Mindel - Wurm tác động trên toàn cầu. Biển lại tiến vào lãnh thổ Việt Nam mà sản phẩm để lại là tầng trầm tích tướng hỗn hợp sông - biển hệ tầng Quảng Điền (am) với thành phần là sét bột lẫn ít cát màu xám nâu, xám vàng xỉn ở độ sâu 37,5-45,6m tại giếng khoan LK.MH.1, chứa phong phú Bào tử phấn: Dicksonia sp., Larix sp., Ilex sp., Morus sp., Hibiscus sp., Sequoia sp., Acanthus sp., Avicennia sp., Tảo mặn, lợ: Coscinodiscus sp., C. subtilis, Thalassiosira sp.

Theo mặt cắt giếng khoan LK.MH.1 (45,6-37,5m) gặp sét bột, ít cát màu nâu xám, xám vàng xỉn. Thành phần độ hạt (%): sét: 59,25; bột: 38,72; cát: 1,9. Các thông số độ hạt: Md: 0,0058-0,019; So: 2,1-2,76; Sk: 0,83-1,0; P: 0,798-0,821; Q: 0,707-0,777. Thành phần khoáng vật cát: thạch anh = 65-95%; vụn đá = 5-35%; các khoáng vật khác nghèo. Chứa Bào tử phấn hoa: Dicksonia sp., Pteris sp., Larix sp., Ilex sp., Morus sp., Hibiscus sp., Sequoia sp.,. Acanthus sp., Avicennia sp., Tảo mặn, lợ: Coscinodiscus sp., C. subtilis, Thalassiosira sp., Actinocyclus sp., A. curvatulus, Diploneis sp., Campylodiscus sp., Paralia sulcata. Chỉ số hoá lý môi trường: pH: 6,5-6,8; Eh: 72-107mV; Kt: 0,523-0,683; Fe2O3: 4,26%. Bề dày 8,1m.

- Băng hà Riss liên quan với giai đoạn biển lùi vào Pleistocen muộn đã hình thành nên hệ tầng Phú Xuân có nguồn gốc sông (a), lộ cả trên mặt và thấy trong giếng khoan.

Đặc trưng của các lớp trong hệ tầng có màu loang lỗ, vàng nghệ, nâu vàng xỉn do bị phong hoá yếu.

Theo mặt cắt giếng khoan LK.MH.1 (từ 37,5-27,5) gồm 2 lớp:



+ Tập 1 (37,5-32,8m): Cát bột lẫn nhiều sạn sỏi màu xám vàng, nâu đỏ sẫm, xen thấu kính sét bột. Thành phần độ hạt (%): cát: 35,7-55,7; bột: 13,1-38,65; sạn: 25,65-31,2. Thông số độ hạt: Md: 0,19-0,55; So: 2,3-3,8; Sk: 1,58-2,31; P: 0,804-0,820; Q: 0,714-0,722. Thành phần khoáng vật cát: thạch anh = 75-95%; vụn đá + bột kết = 5-25%, turmalin, ilmenit, muscovit: ít. Các thấu kính sét bột chứa Bào tử phấn hoa: Dicksonia sp., Taxus sp., Sequoia sp.,

+ Tập 2 (32,8-27,5m): Bột sét lẫn ít cát sạn màu nâu vàng xỉn. Thành phần độ hạt (%): bột: 53,4; sét: 26,75; cát: 19,22; sạn: 0,37. Thông số độ hạt: Md: 0,0725; So: 3,275; Sk: 0,16; P: 0,803; Q: 0,722. Thành phần khoáng vật cát: thạch anh = 70-90%, vụn đá = 10-30%, turmalin, ilmenit, muscovit: rất ít. Tại độ sâu 32,5m có Bào tử phấn hoa: Gleichenia sp., Taxodium sp., Sequoia sp., Larix sp., Cycas sp., Quercus sp., Ulmus sp. Chỉ số hoá lý môi trường: pH: 6,7; Eh: 167mV. Thành phần hoá học (%): SiO2: 68,38; Fe2O3: 5,1; FeO: 0,86; Al2O3: 15,53; CaO: 0,28; MgO: 1,21; Na2O: 0,63; K2O: 2,4. Bề dày 10,0m.

- Gian băng Riss - Wurm là thời kỳ biển tiến, sản phẩm của nó là các tập hạt mịn lộ ra ở Mỹ Trạch khoảng 1km2 dưới dạng thềm sót hỗn hợp sông - biển bậc II, cao 10-15m hình thành trong kỳ sớm của Pleistocen muộn gặp trong các lỗ khoan tay ở độ sâu 17,2-27,5 (LK.MH.1). Trong trầm tích phần hạt thô lẫn nhiều sỏi, sạn (Md: 0,16), độ chọn lọc kém (So: 2,3-5,12).

- Băng hà Wurm ứng với giai đoạn biển lùi thuộc kỳ muộn của Pleistocen muộn, hình thành nên các tập trầm tích nguồn gốc sông dưới dạng thềm bậc I phân bố ở thung lũng sông Troóc (Phú Mỹ), ngọn khe Hói Đá, tạo thềm I khá bằng phẳng hơi nghiêng nhẹ về phía dòng chảy.

- Sau băng hà Wurm là giai đoạn biển tiến Holocen sớm - giữa. Biển tiến vào lục địa với tốc độ chậm, hình thành nên tập trầm tích hạt mịn có nguồn gốc hỗn hợp sông - biển (amQ21-2) hiện nay vẫn còn lộ khắp nơi trong khu vực. Chúng thuộc dạng đồng bằng tích tụ thấp có độ cao từ 1-3m (vùng Đồng Hới), 6-7m (vùng Ba Đồn), mà thành phần chủ yếu là cát, cát bột, bột sét màu xám, xám xanh chứa phong phú di tích động vật và thực vật. Bề dày của chúng thay đổi theo bề mặt địa hình đáy.

- Biển tiến Flandrian cực đại cách ngày nay khoảng 4.500 năm xảy ra vào cuối Holocen sớm - giữa (Q21-2) đã tạo ra các bề mặt thềm biển hiện nay còn quan sát được dọc theo ven biển miền Trung. Trên thực tế bề mặt ấy đã bị cải biên và còn sót lại khá nhiều. Chúng phân bố dưới dạng “trũng giữa cồn” ở các vùng Đồng Hới, Lệ Thuỷ...

- Các thành tạo biển - đầm lầy hình thành trong Holocen liên quan với thời gian giao thời trước các pha biển tiến vì pha đầu của đợt biển tiến là đầm lầy hoá các đồng bằng dẫn đến sự hình thành một tầng “đất đen” kiểu trầm tích đầm lầy - đầm lầy ven biển. Sau đợt biển tiến cực đại trong Holocen giữa, pha biển lùi thứ 5 đã xảy ra vào Holocen muộn mà sản phẩm của nó là các thành tạo có nguồn gốc sông, sông - biển. Phía ngoài biển, các giồng cát nổi cao chạy song song với đường bờ biển hiện đại hiện vẫn thấy được dọc theo ven biển miền Trung - chứng tỏ rằng trong Holocen muộn biển đã lùi xa.

Lịch sử hình thành dải đồng bằng ven biển miền Trung Việt Nam gắn liền chặt chẽ với các chu kỳ biển tiến và biển thoái. Đặc điểm của các trầm tích ở đây biến đổi mạnh mẽ theo thời gian và không gian. Theo chiều từ đất liền ra biển có sự thay đổi tướng một cách liên tục, từ ap  a  am  ab  m  mv. Nhìn từ góc độ trầm tích và địa mạo các đồng bằng ven biển miền Trung (từ Nghệ An đến Tuy Hòa) có một lịch sử hình thành và cơ chế tiến hóa giống nhau. Có thể nêu ra một số đặc điểm chung như sau:

- Các đồng bằng là kết quả lấp đầy của các vũng vịnh qua 5 chu kỳ biển tiến và biển thoái nhờ mối quan hệ tương tác sông - biển và biển - sông.

- Các vũng vịnh được hình thành từ đầu Đệ Tứ cùng với sự xuất hiện các đê cát cổ ven bờ và bị lấp cạn để biến thành đồng bằng sông - biển hoặc biển - sông cùng với sự lớn dần và bành trướng các cồn cát (thực chất là cát đê cát).

- Sự bồi đắp của đồng bằng lagoon. Theo hướng tăng trưởng từ chân dãy Trường Sơn ra biển, khi trầm tích áp sát các đê cát phía ngoài sẽ tạo ra một lạch thoát triều dần dần biến thành đoạn hạ lưu của sông và chạy song song với bờ một đoạn trước khi đổ ra biển như cửa sông Lam, sông Nhật Lệ, sông Hương.

- Các đồng bằng được hoàn thiện trong giai đoạn biển lùi Holocen muộn (Q23).

- Các lagoon song song với đê cát hầu hết cũng đã bị lấp cạn trong Holocen muộn, chậm hơn các đồng bằng trừ một số vẫn còn hoạt động do ban đầu những lagoon đó vốn có quy mô và có thể liên quan đến yếu tố nội sinh khống chế.

Riêng đối với Quảng Bình có hai con sông lớn là sông Gianh và sông Nhật Lệ. Thung lũng của hai con sông đã tạo nên các đồng bằng Ba Đồn - Quảng Trạch và đồng bằng Lệ Thủy. Các đồng bằng Quảng Trạch có quy mô nhỏ bé là sản phẩm lấp đầy lagoon khuôn theo các chân núi Trường Sơn từ chu kỳ thứ 3 (Pleistocen muộn Q13) đến nay. Điều hết sức lưu ý là trên các đồng bằng lagoon nhỏ bé ở Nam sông Gianh trong tập biển tiến sét bột tướng lagoon có chứa một lớp sò điệp dày từ 0,5-1m. Các đồng bằng này cộng sinh với các cồn cát vàng (Q13) và cát trắng (Q21-2), cát nâu xám (Q23) ở đới ven biển hiện đại. Đó là các đê cát và bãi biển cổ nay đang bị gió biến dạng và di chuyển cục bộ.

Đồng bằng Lệ Thủy - Quảng Ninh là đồng bằng lớn hơn bằng chứng của một lagoon có tầm cỡ phát triển trầm tích liên tục từ Pleistocen giữa - muộn (Q12-3) đến nay. Các đê cát phía Bắc và phía Nam cửa Nhật Lệ được hình thành từ Pleistocen giữa - muộn đến nay khi bắt đầu có nguồn cát khổng lồ. Đó là bức thành lũy được biển xây đắp qua ba lần biển tiến cơ bản. Điều lưu ý ở đây là đề tài KT 01-07 đã có đủ cơ sở để kết luận nguồn gốc biển đối với các thế hệ cồn cát cả về thành phần trầm tích và cả về độ cao của chúng. Tuy nhiên, các cồn cát hiện tại ven biển Đồng Hới là sản phẩm tái trầm tích do gió từ nền cát biển vì vậy chúng có dạng cát đụn độ cao có khi đến 30-50m. Những bức tường cát có ý nghĩa điều phối cơ chế lấp đầy đồng bằng Lệ Thủy. Cuối cùng sông Nhật Lệ chính là lạch thoát triều khi mà đồng bằng Lệ Thủy vẫn chưa được bồi đắp hoàn thiện.

Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến một pha biển tiến mới - biển tiến hiện đại, mà bằng chứng của chúng là nhiều công trình dọc bờ biển hiện nay đang bị nhấn chìm dần. Giới hạn của pha biển tiến này đến đâu và đến bao giờ là một vấn đề chưa có lời giải.



tải về 0.68 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương