Hồi Ký Hà Nội 2008


Những ngày học tập ở Đại học sư phạm Hà Nội



tải về 3.53 Mb.
trang3/23
Chuyển đổi dữ liệu01.12.2017
Kích3.53 Mb.
#34905
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   23

2. Những ngày học tập ở Đại học sư phạm Hà Nội.

Tôi tiếp tục công tác ở sở giáo dục Liên khu Việt Bắc khoảng một năm

nữa thì được cử đi học Đại học sư phạm Hà Nội.

Cử đi học nhưng vẫn phải qua kỳ thi tuyển. Tôi rất bất bình. Cán bộ công

tác trong ngành, nay được cử đi học thêm lại còn phải thi. Tôi bèn viết một bức

thư lên Bộ giáo dục phản đối. Lời lẽ có chỗ rất xược: “ Bộ trưởng mà đi thi cũng

có thể trượt, vì công tác lâu ngày quên hết kiến thức rồi còn gì”. Thực ra chúng

tôi sợ nhất: nếu trượt thì rất xấu hổ với cơ quan cử mình đi học. Nhưng thư

không có hồi âm và tôi vẫn phải đi thi. Năm ấy không hiểu sao bộ giáo dục lại

chủ trương hạn chế rất chặt sinh viên đại học sư phạm. Cả khoá chỉ lấy 20 người

( như thế là tuyển 20 trên tổng số 120 người thi ). Thành ra trượt rất nhiều, may

mà tôi lại đỗ. Cả khoá học của chúng tôi như thế là có 20 người trúng tuyển,

cộng với 8 người lưu ban là 28. Hai mươi tám người hầu hết là cán bộ đi học:

Già nhất là Phạm Dư, Quách Hy Dzong, Nguyễn Nghĩa Dân, Lê Hồng Chi, tiếp

đến Hoàng Nhân, Hồ Đình Lư, Đinh Trọng Lạc.ít tuổi hơn nữa là Nguyễn Đăng

Mạnh, Phạm Luận, Đỗ Bình Trị, Vũ Châu Quán, Phan Đình Đài. Trẻ nhất trong

số cán bộ đi học là Thành Thế Thái Bình. Ngoài ra có một số học sinh trúng

tuyển: Loan, Châu (nữ), Châu (nam), Hiển, Tâm, Liên, Chinh, Huân, Tục, Bội...

Tôi gặp lại một số bạn đã từng sống với nhau ở trường sư phạm trung cấp trung

ương ở Chợ Ngọc Tuyên Quang, và ở khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc, như

Phạm Luận, Thành Thế Thái Bình, Đỗ Bình Trị ( kiểm lại khoá học này, tính

đến hôm nay, đã có bảy người không còn nữa).

Đi học nên không được hưởng nguyên lương, mỗi tháng chỉ được lĩnh ba

mươi lăm đồng. Chúng tôi bèn kéo nhau lên ban giám hiệu nhà trường đấu

tranh, nhưng chẳng ăn thua gì. Có người gia đình khó khăn quá, hết năm thứ

nhất phải bỏ học, như Phan Đình Đài. Có người đông con quá như Quách Hy

Dzong thì phải tổ chức dạy bổ túc văn hoá cho cán bộ, công nhân để kiếm thêm.

Học phí do học viên đóng rất thấp. Tôi tuy chưa vợ con nhưng cũng tham gia

dạy cho công nhân một xí nghiệp trình độ cấp một, tối nào cũng dạy vậy mà tiền

thù lao cả tháng chỉ tương đương năm mươi nghìn đồng bây giờ. Mỗi lần được

lĩnh tiền thù lao, lại đánh chén một bữa cho bõ lúc thèm khát.

Bọn cán bộ đi học chúng tôi, trong thời gian học, có một lần được nhận

một món tiền truy lĩnh lương. Tôi không nhớ cụ thể lý do được truy lĩnh, chỉ biết

nhờ có món tiền đó mà tôi mới mua được một cái xe đạp cũ ( xe Junior, mua lại

của Đỗ Bình trị ). Đây là lần đầu tiên tôi có xe đạp.

Chúng tôi học đại học ngay sau vụ Nhân văn- Giai phẩm, Đất mới nên có

một số giáo sư đã bị đình chỉ giảng dạy như Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Đào

Duy Anh... Chúng tôi chỉ còn được học các thầy Đặng Thai Mai ( dạy Văn học

Trung Quốc ), Nguyễn Mạnh Tường ( dạy Văn học Phương Tây ), Hoàng Xuân

Nhị ( dạy Văn học Nga Xô Viết ), Nguyễn Lương Ngọc dạy lý luận văn học,

Cao Xuân Huy ( dạy tâm lý học ) và một số cán bộ giảng dạy trẻ hơn như Lê

Hoài Nam, Đinh Gia Khánh, Phan Ngọc, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Phan Cảnh,

Nguyễn Đình Chú, Trần Văn Bính, Nguyễn Hải Hà... Sau này có thêm thầy

Nguyễn Lân, thầy Tảo dạy môn giáo dục học và các vị ở Ban tu thư của Bộ giáo

dục chuyển đến. Đây là những giáo viên cấp ba xuất sắc được Bộ triệu về viết

sách giáo khoa phổ thông. Trại tu thư làm xong việc thì giải tán, các vị được

chuyển sang dạy đại học sư phạm ( nhân cùng làm sách giáo khoa, họ tập hợp

nhau lại, lập ra nhóm Lê Quý Đôn viết bộ Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam ).

Đó là các anh Lê Trí Viễn, Vũ Đình Liên, Huỳnh Lý, Đỗ Đức Hiểu, Trương

Chính. Ngoài ra có ông Hoài Thanh, viện phó viện văn học cũng được mời sang

dạy mấy bài về văn học trung đại Việt Nam: Cung oán, Chinh Phụ, Kiều, Hoa

Tiên, Phan Trần. Ngoài ra còn có một vài chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc sang

dạy giúp.

Nói chung ít có bài giảng xuất sắc. Nguyễn Mạnh Tường dạy hời hợt,

chẳng thấy hay ho gì. Hoàng Xuân Nhị thì phải nói là dạy rất yếu, cứ chuyện nọ

sọ chuyện kia rất tuỳ tiện, chẳng hạn giờ dạy Goócky lại xoay ra nói về Từ ấy

của Tố Hữu. Thầy Nguyễn Lương Ngọc thì chỉ đọc nguyên văn giáo trình, mà

giáo trình thì cứ rập theo đúng các luận điểm của những Abramovits, Lưu Diễn

Văn, Ba Nhân... Tôi chắc đó là do không khí đấu tranh chống Nhân văn, giai

phẩm lúc bấy giờ còn nóng hổi nên thầy phải cẩn thận không dám có ý kiến

riêng, mà tính thầy thì vốn dĩ rất thận trọng. Cụ Đặng Thai Mai cũng hay nói

chuyện lan man, lạc đề, ít khi dạy đúng vào bài giảng. Thí dụ, dạy Kinh Thi, cụ

lại toàn nói chuyện ngày xưa cụ học chữ Hán như thế nào. ấn tượng đậm nét

nhất về thầy Đặng Thai Mai là trí nhớ tuyệt vời. Cụ có thể đọc thuộc lòng hàng

trang sách tiếng Pháp các vở kịch của Corneille, Racine hay Molière... Cụ Cao

Xuân Huy dạy tâm lý học, tôi rất thích. Cụ thường chứng minh các quy luật tâm

lý bằng việc phân tích tâm lý các nhân vật văn học, như Kiều, LeCid... Tôi nhớ

có lần giảng bài nửa chừng, cụ ngừng lại hỏi học trò: “các anh có hiểu không?”.

Một cậu đứng lên đáp: “ không hiểu”. Cụ nói rất to: “ Đúng rồi, hiểu thế nào

được, khó lắm!”.

Riêng những bài giảng của ông Hoài Thanh thì nói chung hấp dẫn. Ông

chuẩn bị bài giảng rất nghiêm túc và dạy rất nhiệt tình, tỏ ra là một người vừa

yêu văn chương vừa mê nghề dạy học.

Trong khoá học của chúng tôi, nếu có ai đó sau này trở thành người làm

khoa học tốt thì chủ yếu là do tự học. Hồi ấy đại học là một cái gì rất thiêng

liêng, được coi là đỉnh cao của nền văn hoá đất nước. Vậy phải làm sao cho

xứng đáng với danh hiệu sinh viên đại học- Chúng tôi nghĩ thầm trong bụng như

thế, cho nên rất hăm hở, rất hào hứng học tập. Đi thư viện suốt. Đọc đủ cả

Jliade, Odyssée, Shakespeare, V.Hugo, Balzac, Tolstoi qua tiếng Pháp, rồi đọc

thơ Đường, Ly Tao, Tây Sương Ký (bản dịch rất hay của Nhượng Tống), Tam

quốc, Thuỷ hử...vv... Rồi đọc văn học Việt Nam từ trung đại đến hiện đại, từ văn

học dân gian tới văn học viết. Đọc có ghi chép, có phân tích, thậm chí viết thành

bài để có thể thuyết trình trước lớp. Ngoài ra học được gì về phương pháp tư duy

khoa học, lập tức vận dụng ngay trong học tập. Thí dụ, thấy ông Nubarốp trình

bày về một tác giả Xô viết, đi từ tác phẩm ở thời kỳ tài năng phát triển chín nhất

rồi mới quay ngược trở lại tác phẩm đầu tay, tôi thấy rất hay bèn bắt chước,

cũng thử suy nghĩ và trình bầy như thế về Phan Bội Châu...

Khoá chúng tôi học ba năm (1957-1960 ), lúc đầu học chung với đại học

tổng hợp ở giảng đường Lý Thường Kiệt ( ngồi chung một lớp. Tổng hợp, Sư

phạm, mỗi bên ngồi một dẫy bàn.). Đến năm 1958 thì tách riêng hẳn ra. Tổng

hợp ở lại địa điểm cũ, còn Sư phạm thì chuyển về Cầu Giấy, sát nhập với Cao

đẳng sư phạm ở địa điểm của trường hiện nay. Tất nhiên lúc ấy toàn nhà lợp lá,

vách đất.

Kết thúc khoá học, một số sinh viên là cán bộ đi học được giữ lại làm cán

bộ giảng dạy: Quách Hy Dzong, Nguyễn Nghĩa Dân, Hoàng Nhân, Đinh Trọng

Lạc, Phạm Luận, Cù Đình Tú, Trần Gia Linh, Đỗ Bình Trị, Thành Thế Thái

Bình, Nguyễn Xuân Khoa, Nguyễn Đăng Mạnh.

Ba năm học đại học cũng có nhiều chuyện vui, chuyện buồn, chuyện hay

chuyện dở trong cái tập thể hai mươi tám người này.

Bí thư chi bộ tên là Dư, người Miền Nam, có quan hệ luyến ái với một

bạn nữ học khoa Địa lý, bị đưa ra kiểm thảo rất gay gắt. Hồ Đình Lư hay tiếp

xúc với một số bạn quen ngày xưa có dính dáng đến nhóm Nhân văn hay Đất

mới gì đó, bị chi bộ Đảng theo dõi như một phần tử phản động. Lư tuy học giỏi,

nhưng chẳng những không được giữ lại làm cán bộ giảng dạy mà sau khi tốt

nghiệp còn bị chi bộ thông báo với nơi công tác của Lư về tư tưởng, gọi là phản

động của anh và đề nghị hãy khoan không cho lên lớp. Tôi hay chơi với Hồ

Đình Lư, cũng bị nhắc nhở như là quan hệ với địch. Chi uỷ giao cho Định Trọng

Lạc, đảng viên dự bị, đến thông báo với tôi như thế. Thực ra, đó là do Hoàng

Nhân, chi uỷ viên, một tay cơ hội chủ nghĩa hạng nặng vốn đố kỵ với Lư hồi họ

cùng dạy học với nhau ở Nghệ An. Anh ta nhân dịp này ra tay trị Lư.

Có một lần, chúng tôi, mấy thằng chơi thân với nhau góp mỗi người vài

đồng ra Hàng Buồm đánh chén một bữa. Vậy mà cũng bị phê phán là có tư

tưởng hưởng lạc. Hồi ấy trong số cán bộ đi học, tôi và Đỗ Bình Trị bị coi là

thuộc loại phần tử cá biệt, vì ăn nói tự do và có vẻ kiêu ngạo. Hồ Đình Lư thì là

“ địch” hẳn hoi rồi. Mấy anh là học sinh Hà Nội thời tạm chiến thì bị coi như là

những đối tượng phải bồi dưỡng tư tưởng lâu dài. Quách Hy Dzong, Thành Thế

Thái Bình, Trần Gia Linh là những người gần Đảng hơn cả. Trần Gia Linh rất

hăng hái, được giao làm trưởng lớp. Anh em thì gọi là “hồng vệ binh.”

Trong thời gian học Đại học sư phạm Hà Nội, tôi bỗng nhiên được giao

làm một công việc rất bất ngờ và quá sức: trang bị lại toàn bộ phông màn của

sân khấu hội trường Đại học sư phạm Hà Nội. Chuyện lớn lắm và rất khó đối

với tôi: phải lĩnh hàng trăm mét tem phiếu để mua hàng xúc vải đắt tiền như xa

tanh, crếp, nhung để làm riđô, cánh gà, rèm, phông... Phải tính toán kích thước

thế nào, màu sắc ra sao... Ôi! Sao lại giao cho tôi một công việc cần đến những

hiểu biết chuyên môn rất cụ thể tỉ mỉ như thế mà kết quả sẽ là bao nhiêu cặp mắt

trông vào để khen chê, đánh giá. Chiều sao được ý kiến của hàng trăm hàng

nghìn người mỗi lần có biểu diễn nghệ thuật! Tôi chắc đây là do Đỗ Bình Trị.

Ông Đỗ Đức Uyên, anh ruột của Trị, lúc bấy giờ là bí thư đảng uỷ, hiệu phó

trường Đại học sư phạm Hà Nội. Chắc Trị đã xui ông anh giao việc này cho tôi

vì cho tôi biết vẽ vạch lăng nhăng tý chút nên có đầu óc mĩ thuật.

Tôi lo quá. Tự nhiên phải lao động cật lực về việc này. Tôi phải xin giấy

giới thiệu của nhà trường đi nghiên cứu các sân khấu ở Hà Nội, như sân khấu

Nhà hát lớn, rạp Hồng Hà, rạp Công Nhân... Đến đâu cũng lo lắng quan sát màu

sắc, đo đạc tỉ lệ, tính tính toán toán, suy nghĩ để lập một phương án hợp với sân

khấu Đại học sư phạm Hà Nội. Rồi phải dò hỏi xem ở đâu có những ông thợ

chuyên may phông màn cho các sân khấu ở Hà Nội. Tôi đã tìm ra được một ông

thợ đã có tuổi, chuyên về việc này, nhà ở phố Chân Cầm gần Hàng Bông. Cuối

cùng là lĩnh tem phiếu và tiền để đi mua hàng đống vải, chở xích-lô đến Tô

Châu thuê nhuộm các mầu sao cho hài hoà và hợp với ánh sáng điện. Rồi chở

đến hiệu ông thợ may ở phố Chân Cầm, giao cho ông ta. Thời bao cấp, tất cả

đều phải tem phiếu hết. Đâu phải có tiền là mua được! Vậy mà nếu làm hỏng thì

thực là nguy.

Vậy mà cuối cùng tôi cũng đã thành công. Sân khấu ra mắt công chúng,

mọi người thấy cũng được.

Thời gian ba năm ở Đại học sư phạm Hà Nội có một sự kiện rất quan

trọng đối với cuộc đời tôi: gặp NTT, yêu nhau, cưới nhau. T học năm thứ nhất,

tôi học năm thứ ba. Cù Đình Tú, vốn quen T hồi học ở trường Hùng Vương Phú

Thọ, làm mối. Việc trôi chảy. Chúng tôi thường đi chơi với nhau mỗi chiều thứ

bảy, khi thì ở đê sông máng phía Mai Dịch, khi ở đường Láng, khi ở đường

Bưởi. Khoá của T chỉ học có hai năm. Năm 1961, T tốt nghiệp, chúng tôi cưới

nhau ở Hải Phòng. Gia đình T quê ở Xuân Cầu ( xã Nghĩa Trụ), huyện Văn

Giang tỉnh Bắc Ninh ( nay thuộc Hưng Yên) nhưng trước cách mạng buôn bán ở

Hải Phòng. Thời gian kháng chiến chống Pháp tản cư lên Phú Thọ. Hoà bình lập

lại (1954) lại trở về Hải Phòng. Anh Quách Hy Dzong lúc đó cũng ở Hải Phòng

đã giúp tôi tổ chức tiệc trà. Hồi ấy từ nhẫn cưới đến bánh kẹo liên hoan đều phải

có giấy đăng ký kết hôn mới mua được. Cưới xong chúng tôi vào Vinh ( Nghệ

An) công tác. Tôi bị điều vào dạy Đại học sư phạm Vinh còn T thì dạy trường

cấp ba Huỳnh Thúc Kháng.



3. Ở Đại học sư phạm Vinh. Vài nhận xét về đất và người xứ Nghệ.

Trường Đại học sư phạm Vinh thành lập 1959. Một loạt cán bộ giảng dạy

của Đại học sư phạm Hà Nội bị điều vào phục vụ. Nói riêng về khoa văn, có Lê

Hoài Nam, Nguyễn Khắc Phi, Lê Bá Hán, Hoàng Tiến Tựu, Tạ Mạnh Tường,

Phùng Văn Tửu, Nguyễn Gia Phương tốt nghiệp các khoá trước. Khoá tôi thì có

Cù Đình Tú, Trần Gia Linh, Nguyễn Xuân Khoa và tôi. Khoá sau có Trần Duy

Châu, Tưởng Đăng Trữ. Vài năm tiếp theo có thêm Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn

Duy Bình, Nguyễn Văn Giai, Từ ĐứcTrịnh, Lương Duy Thứ, Trần Đình Sử, từ

Đại học Liên Xô, Trung Quốc về. Tiếp nữa là một số sinh viên Đại học sư phạm

Vinh khoá một được giữ lại làm cán bộ giảng dạy như Nguyễn Sĩ Cẩn, Nguyễn

Trung Hiếu, Đậu Văn Ngọ, Trần Lê Xuân, Đỗ Đức Huyến.

Tôi bắt đầu dạy học ở Đại học sư phạm Vinh từ 1961. Đến năm 1969 thì

được chuyển ra Đại học sư phạm Hà Nội. Trường Đại học sư phạm Vinh lúc đầu

có hai cơ sở: một dành cho gia đình cán bộ công nhân viên đặt trong một cái nhà

tu kín của đạo Thiên Chúa. Nhà gạch hai tầng. Tầng trên gồm nhiều phòng quay

mặt vào nhau, giữa là một hành lang dài. Xưa, mỗi phòng chắc là dành cho một

nữ tu sĩ, nay phân cho một gia đình cán bộ. Hai là nơi làm việc của ban giám

hiệu, các phòng ban, lớp học và nơi ở của sinh viên.

Vợ chồng tôi vẫn ăn bếp tập thể nhưng lấy cơm về nhà, có nấu thêm ít

thức ăn. Lương lúc đó chưa được sáu chục đồng, nhưng tôi nhớ, vì giá cả rất rẻ,

nên sinh hoạt không đến nỗi khổ.

Khí hậu Vinh rất khắc nghiệt. Sợ nhất gió Lào. Những ngày hè nóng nực,

tiếng xe cút kít rít lên trong gió Lào, nghe như xé tai. Sợ nhất là những trận cháy

lớn, có khi đốt trụi cả một khu phố ( hồi ấy phần lớn là nhà tranh). Gió Lào thổi

tàn lửa bay rất xa. Người ta phải đứng trên mái nhà, dội nước và cầm lăm lăm

cây sào để hễ tàn lửa bay đến thì dập ngay. Lại phải đào sẵn hố trước nhà để lỡ

không chạy kịp đồ đạc thì quẳng luôn xuống hố, lấp đất. Từ bảy tám giờ sáng

đến năm giờ chiều thành phố Vinh cấm lửa. Mọi thứ nấu nướng phải lo làm

trước và sau thời gian đó.

Tính cách người Nghệ đặc biệt ráo riết, chắc đã được đẻ ra trong không

khí gió Lào này. Vậy mà có thời gian, đài phát thanh Vinh lại còn mở đầu từ

sáng sớm bằng bài hát Đi hùng binh: “ Nào anh em nghèo đâu!...”, Nằm ở Vinh

mà đọc bài Gió Lào của Nguyễn Tuân thì tuyệt.

Năm 1965, máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, Vinh là một toạ độ lửa.

Trường phải sơ tán về nông thôn, lúc đầu ở Thanh Chương, sau ra Nghi Lộc,

cuối cùng chuyển hẳn ra Thanh Hoá: từ Hà Trung, Vĩnh Lộc đến Thạch Thành...

Đến Thạch Thành thì tôi được chuyển ra Hà Nội.

Những ngày sơ tán thế mà cũng có lúc vui đáo để.

Máy bay Mỹ đánh phá, dân địa phương sản xuất ra nhiều thứ không có

nơi tiêu thụ, đành bán tại chỗ với giá rất rẻ mạt: mật ong, trứng gà ở Thanh Khê,

Thanh Chương, cá biển, lạc, ở Nghi Thuận, Nghi Lộc. Hồi ấy, nhà bếp chưa tổ

chức ngay được ở nơi sơ tán, họ giao gạo, tiền cho chúng tôi nấu ăn lấy. Trần

Duy Châu, tôi và Hoàng Ngọc Hiến nấu ăn chung. Châu người Huế, nấu ăn giỏi,

được giao làm bếp. Tôi làm tiếp liệu, nghĩa là mua rau cỏ, thịt cá người ta gánh

qua nhà. Hiến không biết làm gì, nhận việc xách nước, rửa bát. Ăn xong, rửa bát

là khốn nạn nhất nên Hoàng Ngọc Hiến gọi rửa bát là thứ lao động thô bỉ.

Thời gian sơ tán, nói chung rỗi rãi. Nhưng hoàn cảnh chiến tranh chẳng có

gì giải trí, chúng tôi bèn nghĩ ra nhiều trò đùa rất vớ vẩn. Hình như nghĩ những

điều có nghĩa lý mãi cũng mệt và chán - khoa học là chuyên nói lý, suy lý - nên

phải bầy ra những trò vô nghĩa lý để thư giãn với nhau. Nguyễn Gia Phương

chẳng hạn, nghĩ ra cái trò lừa dối anh em chơi:

- Này xin nghỉ phép về nhà, phải chuẩn bị hai hào lệ phí đấy.

- Này, cậu có thư ở văn phòng, đến mà lấy

- ủng là hàng chiến lựơc, cậu mới mua ủng, phải ra ngay công an đăng kí

không thì bị tịch thu đấy.

Thực ra toàn bịa đặt. Vậy mà cũng có khối anh mắc lừa.

Tôi và Hoàng Ngọc Hiến rỗi rãi ngồi tán chuyện với nhau. Hiến nghĩ ra

trò phân loại các cán bộ trong khoa theo tiêu chuẩn ăn cắp, ăn cướp. Hoàn toàn

không theo nghĩa đen, chỉ căn cứ vào tướng mạo, khẩu khí, cung cách ứng xử,

sinh hoạt. Anh nào trông lúi xùi, không đàng hoàng thì gọi là ăn cắp, anh nào ăn

to nói lớn, trông có vẻ hiên ngang thì gọi là ăn cướp. Nói chung ăn cướp sang

trọng hơn ăn cắp.

Chuyện đến tai chi bộ đảng. Các vị hiểu theo nghĩa đen nên cho là một

hiện tượng tư tưởng cực kỳ nghiêm trọng. Bí thư chi bộ Huỳnh Lý bèn quyết

định gặp chúng tôi để xem xét và chấn chỉnh. ( Hiến là đảng viên)

Hôm ấy, tôi với Hiến đang ngồi chơi, thấy anh Huỳnh Lý đến. Từ xa, anh

nói to, ướm thử một giọng vui trước khi vào chuyện:

- “ Thế nào, các cậu nói chuyện ăn cắp, ăn cướp thế nào đấy?” Hoàng

Ngọc Hiến trả lời ngay:

- “ Chúng tôi phân cho anh là ăn cướp là danh giá lắm rồi, anh còn thắc

mắc gì nữa?”

Chuyện trở thành trò đùa. Thế là hoà cả làng.

Viết đến đây, tôi không thể không ghi lại mấy dòng về anh Huỳnh Lý.

Anh làm Chủ nhiệm khoa văn Đại học Sư phạm Vinh được vài năm thì bị ốm

nên được chuyển trở lại Hà Nội. Sau 1975, anh vào ở trong Sài Gòn. Anh rất tốt

bụng, giầu tình cảm. Chế Lan Viên gọi anh là Huỳnh Tình.

Khi nghe tin anh mất, tôi có gửi vào viếng anh một đôi câu đối: Tên là Lý,

dạ thì tình, đất Bắc anh đi, xa vẫn nhớ; Tuổi tuy già, lòng vẫn trẻ, trời Nam anh

khuất, vắng càng thương.

Anh Lý mất ngày 21 – 5 – 1993.

Xin trở lại những ngày tôi ở Đại học Sư phạm Vinh.

Hồi khoa văn Đại học sư phạm Vinh sơ tán ở Thạch Thành, để tiện sinh

hoạt chuyên môn, khoa chủ trương những người cùng tổ nên ở với nhau (nhà

dân). Nhưng Hoàng Ngọc Hiến nhất định đến với tôi, tuy anh dạy Văn học Nga

Xô Viết, còn tôi thì dạy Văn học Việt Nam. Chúng tôi ở nhà một ông thầy cúng

người Mường tên là Cò Lửa.

Hàng ngày, nếu không đi dạy thì chúng tôi đọc sách, viết lách bài này bài

khác, chán thì quay ra tán ngẫu. Tôi nhớ trong những ngày ấy Hoàng Ngọc Hiến

viết bài Triết lý truyện kiều, còn tôi viết bài Con đường Nguyễn Tuân đi đến bút

ký chống Mỹ. Vừa viết vừa trao đổi ý kiến với nhau. Hiến rất chú ý học chữ, đặc

biệt những chữ có sức diễn đạt mạnh, anh gọi là đích đáng. Anh lấy làm khoái

trí khi học được ở ông Cò Lửa hai chữ “ bõ hờn”. Trong bài Con đường Nguyễn

Tuân đi đến bút ký chống Mỹ, tôi viết: “ Mùa xuân năm 1965, về thăm Quảng

Bình, Vĩnh Linh, trong lửa đạn, anh mừng rỡ được gặp lại một người bạn cũ.

Hoá ra, ở ngay chỗ này đây, người bạn thân năm nào vẫn hào hoa phong nhã,

nụ cười “ hoa” như thách thức với bom đạn, như hoà vui trong chiến thắng của

con người: Giữa phòng khách Uỷ ban Bảo Ninh vàng nức một nhánh hoàng

mai…”. Hoàng Ngọc Hiến đề nghị tôi chữa “ hoá ra” thành “ té ra”. Đúng là

đích đáng hơn, đã hơn, hay nói như Hoàng Ngọc Hiến, thật là “ bõ hớn”.

Khi chúng tôi ngồi tán chuyện với nhau, ông Cò Lửa thường quanh quẩn

quan sát. Hoá ra ông xem tướng chúng tôi. Và ông đưa ra những nhận xét khá

bất ngờ: “ Thầy Mạnh có tướng võ, rất có uy, còn thày Hiến thì tướng văn”. Sau

này Hiến còn khoe với tôi: “ Ông Cò Lửa cho mình có bàn chân Phật”. Hiến ta

rất lấy làm đắc ý về nhận xét ấy. Còn tôi thì không rõ mình có uy ở chỗ nào.

Thạch Thành rất nhiều ốc sên, chúng bám đầy những thân cây chuối mọc

hoang trong làng. Tôi và Hiến ban đêm xách đèn đi bắt, rồi mỗi người một đầu

đòn gánh khiêng về nhà, lấy gạch quây lại làm lương ăn dần.

Con ốc sên có hai cái vòi trông rất tởm. Nhưng thịt cá không có, đành

phải ăn, lâu rồi cũng quen, lại được khuyến khích bởi một tin đồn: ba con ốc sên

bằng một quả trứng vịt, xét về lượng prôtít.

Làm ốc sên, công việc khó khăn nhất là làm sao rửa sạch hết nhớt của nó.

Người ta thường lấy tro bếp rắc vào rồi rửa và kỳ cọ thật kỹ, nhưng vẫn không

hết nhớt. Về sau Nguyễn Duy Bình phát hiện: Cứ đun sôi mãi lên, nhớt ốc sên sẽ

tan thành nước lã, hắt đổ đi là xong. Khác với ốc ao, ốc sên càng ninh lâu càng

giừ, ăn như thịt bò hầm vậy. Bỏ vào ít lá quýt, ăn rất thơm ngon. Vừa rồi tôi đi

Pháp, thấy ở Paris có cửa hàng bán món ốc sên. Chị Thuỵ Khuê cũng có lần làm

món ốc sên cho tôi ăn. ốc sên ở pháp nhỏ và không có vòi dài như ốc sên Việt

Nam, nhưng ăn không ngon. Người ta thường chiên bơ, tôi không thích.

ở Thạch Thành, có một dạo, không hiểu sao bọn nữ sinh bỗng phát bệnh

thần kinh hàng loạt, như là một nạn dịch. Người ta nói do khủng hoảng sinh lý.

Có người lại cho là do ăn phải nước ở vùng này. Những cô gái bỗng dưng cười

cười nói nói lăng nhăng như rồ như dại. Mà rất dễ lây. Cố nhiên không lây theo

đường vi trùng, virút gì, mà do tác động về tâm lý.

Tôi không nhớ tình trạng này đã chấm dứt như thế nào và vì sao mà chấm

dứt.

Tôi ở Nghệ An khá lâu, từ 1960 đến 1968. Có một điều lạ là, một mặt tôi



thấy người Nghệ Tĩnh có nhiều đức tính rất quý. ở nhà dân nhiều, tôi thấy họ

thật thà, trung thực, cần cù. Tôn sư trọng đạo có lẽ là một truyền thống của Nghệ

Tĩnh ( tôi không nói truyền thống của dân tộc Việt Nam). Vì đây là đất Nho giáo

rất thịnh.Họ rất quý các thầy giáo. Chúng tôi ăn cơm ở bếp tập thể, nhưng

thường lấy về nhà ăn. Nhà chủ thường cung kính đem lên cho thầy giáo vài món

ăn thêm, đặt vào khay, bưng tới thày. Mở ra thì là mấy con dế mèn rán hoặc đĩa

nhút thế thôi. Nhưng tôi hiểu tấm lòng của họ rất quý thầy.

Tôi cũng có mấy người bạn thân quê Nghệ Tĩnh, như Hoàng Ngọc Hiến,

Nguyễn Duy Bình…

Tuy vậy tôi vẫn không sao có cảm tình đối với người Nghệ Tĩnh nói

chung, nhất là loại cán bộ.

Hoàng Ngọc Hiến quê Hà Tĩnh, nhưng từ nhỏ sống ở Nam Định. Có lẽ vì

thế mà anh có cái nhìn khách quan đối với quê hương mình chăng? Anh định

nghĩa: “ Người Nghệ Tĩnh cái gì cũng biết, trừ hạnh phúc.”

Tôi thì cho rằng dân Nghệ Tĩnh sống quá khắc khổ và có một ý chí rất

quyết liệt. Họ đã muốn gì thì phải tranh đoạt bằng được. Và quá tự hào, tự phụ

về quê hương mình. Cãi nhau với người Nghệ Tĩnh là dại. Vì họ tự cho là đúng

nhất, giỏi giang nhất và vì thế cãi đến cùng, lý sự đến cùng, căng thẳng, quyết

liệt đến cùng, khiến đối phương mệt quá, đành phải bỏ cuộc. Dân Nghệ Tĩnh nói

chung có tật hay khoe khoang. Khoe tài, khoe giỏi, khoe quê hương cái gì cũng

nhất, từ chính trị đến văn hoá nghệ thuật. ở đâu, trên xe lửa, trong ôtô bus, hay ở

những cuộc gặp mặt đông người nào đó, tiếng Nghệ Tĩnh cứ oang oang như

muốn lấn át tất cả… Nghe nói Vũ Ngọc Khánh có in một cuốn sách tập hợp

những bài viết về mình, đặt tên là “ Sao Khuê ngàn Hống”. Đúng là một biểu

hiện lộ liễu của tính cách huênh hoang Nghệ Tĩnh.

Nghệ Tĩnh xem ra là vùng đất độc tôn của đạo Nho. Phật giáo không sao

phát triển được. Tôi để ý, ở đây có rất nhiều đền miếu nhưng rất ít chùa. Cả

thành phố Vinh chỉ có một ngôi chùa Sư nữ và chùa này không được địa phương

coi trọng. Các nhà sư tụ trì chùa Sư nữ đã phàn nàn với tôi như vậy.

Có một lần, khi tôi đã chuyển ra Hà Nội rồi, nhưng được trường Đại học

sư phạm Vinh mời vào dạy giúp. Tôi nhớ lúc ấy đang mùa hè và ở sân động

Vinh có cuộc đấu bóng giữa Việt Nam và Cu ba, gọi là đá bóng quốc tế. Một

học sinh cũ mua cho tôi một vé vào xem. Anh nói, trận đấu bắt đầu từ một giờ

rưỡi chiều, nhưng phải đến từ 11 giờ trưa mới có chỗ ngồi. Đến muộn chỗ đứng

cũng không có. Tôi không nghe, vì biết sân vận động Vinh hồi ấy rất thô sơ, mái

che không có, chỗ đi toalét cũng không. Mà trời nắng nóng thế này! Anh học trò

đành nhân nhượng, nhưng anh nói, dù sao cũng phải đến sớm.

Chúng tôi đến vào khoảng 1 giờ chiều. Quả là chỗ đứng cũng phải chen

chúc nhau rất chật vật. Vì người ta cứ bán vé bừa bãi. Gần đến giờ đấu, thấy

người vào quá đông, anh gác cửa sân vận động bèn đóng cửa lại. Thế là hò hét,

gào thét. Nguy hiểm nhất là từ ngoài cứ ném đá vào. Công an phải ra sức dẹp

mới yên.

Vào đến sân vận động, tôi thấy có một điều rất lạ là nhiều đàn bà, con gái

đã chiếm được chỗ ngồi hẳn hoi. Chắc là họ đến sớm lắm. Nhưng trông bộ dạng

không có gì là văn minh cả. Hình như phần lớn lại là dân lao động hay buôn bán

rau cỏ gì đó. Vì có người đem theo cả thúng mủng, quang gánh. Chẳng lẽ đàn bà

Nghệ An lại văn minh hơn cả phụ nữ phương Tây? Đàn bà phương Tây cũng

không ham xem đá bóng đến thế. Tôi nghĩ bụng thế và lấy làm khó hiểu.

Nhưng tôi đã nhầm. Trận đấu diễn ra được độ mười phút thì thấy họ lục

tục kéo ra. Phải nói đi ra còn khó hơn đi vào. Vì phải chen lấn quyết liệt. Nhưng

đã quyết thì phải ra bằng được, dù có phải bước qua đầu, qua vai người ta. Và

thế là chửi nhau, đánh nhau, không ai chịu ai. Tưởng đá bóng quốc tế hay ho thế

nào nên phải vào sớm để chiếm chỗ, té ra chẳng ra quái gì, chỉ là tranh giành

nhau trái bóng! Thế là phải ra thôi và họ quyết ra bằng được. Đấy, dân Nghệ

Tĩnh là như thế đấy.

ở Đại học sư phạm Hà Nội có hai ngôi nhà năm tầng dành cho các gia

đình cán bộ công nhân viên, gọi là nhà B2, B3, gần kề sân vận động. Sáng sớm

các thầy giáo thường ra đó tập thể dục. Tập thì ít mà nói chuyện thì nhiều. Tôi

bèn đem câu chuyện trên kia ra kể. Nhiều anh người Nghệ Tĩnh lấy làm khó

chịu. Có anh nói với tôi nửa đùa nửa thật: “ Này Nghệ Tĩnh là quê cụ Hồ đấy,

đừng có láo!” Tôi trả miếng ngay: “ Ông có biết vì sao cụ Hồ vĩ đại không? Vì

cụ đã bỏ Nghệ Tĩnh mà đi, đi rất xa và rất lâu. Nếu ở lại Nghệ Tĩnh có khi chỉ

trở thành một ông đồ gàn. Đấy bà chị, ông anh của cụ Hồ là thế đấy! Các danh

nhân Việt Nam quê Nghệ Tĩnh xưa nay đều thế cả, như Nguyễn Du, Hồ Xuân

Hương…”

Năm 1961,vợ tôi cùng vào Vinh với tôi, dạy ở trường cấp III Huỳnh Thúc

Kháng. Đến năm 1965 thì đựơc ra Hà Nội bổ túc thêm về chuyên môn một năm.

Nhân giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, các tỉnh miền Trung thành túi bom, vợ tôi

bèn xin ở lại Bắc, không trở lại Vinh nữa. Từ đó tôi luôn phải ra ra vào vào, đạp

xe mỗi lần hơn ba trăm cây số ( xe cà tàng, đang đi có lần tụt cả pêđan, phải dắt

bộ hàng chục cây số đến chỗ chữa), phần để đọc sách, phần để thăm gia đình.

Nói chung làm khoa học mà ở tỉnh nhỏ rất khó phát huy khả năng. Đã thế chính

sách cán bộ của Vinh lại hẹp hòi, nghiệt ngã kiểu “ cá gỗ”. Vì thế ngay những

cán bộ quê Nghệ Tĩnh cũng chả muốn gắn bó với trường Vinh. Văn Như Cương,

người nghệ An, có làm một bài nhại thơ cụ Hồ:

Thân thể ở trong Vinh

Tinh thần ở ngoài Vinh;

Muốn nên sự nghiệp lớn,

Thì phải chuồn cho nhanh.

Hoàng Ngọc Hiến xui tôi: “ muốn thoát khỏi Đại học sư phạm Vinh thì

phải quậy phá. Cậu cứ đòi đi học tiếng Nga ở Hà Nội ( Đại học sư phạm ngoại

ngữ) trước đã, sau đó sẽ hay.

Năm 1968 tôi theo lời Hiến xin đi học. Năm sau (1969) thì Đại học sư

phạm Vinh cho chuyển ra Hà Nội. Không biết có phải là do mẹo của Hiến

không?



tải về 3.53 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   23




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương