Hồi Ký Hà Nội 2008


Chương III: Quá trình công tác



tải về 3.53 Mb.
trang2/23
Chuyển đổi dữ liệu01.12.2017
Kích3.53 Mb.
#34905
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   23
Chương III: Quá trình công tác

1. Những ngày làm việc ở Sở giáo dục Liên Khu Việt Bắc.

Cơ quan của Sở giáo dục Liên Khu Việt Bắc gồm hai ngôi nhà lá dựng kín đáo dưới những vòm cây, kề bên một cái hang đá, gọi là Hang Giơi, thuộc xã Dân Chủ, huyện Đồng Bẩm, tỉnh Thái Nguyên. Cán bộ cơ quan phần lớn thuộc thế hệ cha anh, chú bác của chúng tôi. Tôi còn nhớ lõm bõm: Phó giám đốc phụ trách phổ thông là anh Thích, phó giám đốc phụ trách bình dân học vụ và bổ túc văn hoá là anh Đinh Khắc Nhĩ và anh Phan Văn Kim. Cán bộ già có bác Hạo, bác Nhiệm, bác Nham, trẻ hơn có anh Sính, chị Diệu, anh Nguyễn Trọng Cổn, anh Lã Hữu Quỳnh... Tôi không thấy có giám đốc. Sau này về thay anh Thích là anh Nguyễn Hữu Dụng, và một thời gian sau thấy trên điều về một ông tên là Phùng, người dân tộc Tày làm giám đốc. Nhưng thực chất điều hành mọi việc vẫn là anh Dụng. Tất cả đều gọi nhau bằng anh tuốt – cách xưng hô trong cán bộ thời kháng chiến chống Pháp đều như thế (học trò cũng xưng hô như thế với các thầy giáo).

Ba chúng tôi thuộc lớp trẻ hơn cả và xem chừng cũng được ưu ái hơn cả như là những của quý hiếm hồi ấy. Lô đề nghị thành lập một chi đoàn thanh niên cứu quốc, tuy chỉ có ba người. Tôi được bầu là phó bí thư. Chúng tôi đều chưa vợ. Buổi chiều tan giờ làm việc hay vào ngày chủ nhật, các cán bộ khác đạp xe về nhà, bọn tôi chả biết đi đâu, rủ nhau lang thang ngoài đường cái chơi. Trong một xóm gần đấy có ngôi nhà của một ông giáo tên là Thìn dạy tiểu học, thấp thoáng thấy có cô con gái chắc là con của ông giáo có dáng một nữ sinh. Cô học ở đâu đó, ngày chủ nhật mới về nhà. Chúng tôi lảng vảng quanh vùng, rồi kiếm cớ đến thăm ông giáo để xem mặt. Cô tên là Bảo Ngọc, học cấp hai trường Hàn Thuyên, Bắc Ninh, sơ tán lên Thái Nguyên. Xem mặt vớ vẩn thế thôi chứ cũng chẳng có mục đích nghiêm chỉnh gì. Vài chục năm sau, tình cờ tôi gặp lại cô gái ấy trong một chuyến đi chơi Chùa Hương do trường Đại học sư phạm Hà Nội tổ chức. Hoá ra Bảo Ngọc về sau học Đại học sư phạm Hà Nội và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy khoa tâm lý. Bảo Ngọc đã mất cách đây vài chục năm do bệnh ung thư.

Ở Sở giáo dục Việt Bắc, tôi thích trò chuyện nhất với anh Lã Hữu Quỳnh. Anh có bằng tú tài bản xứ. Tiếng Pháp giỏi. Anh lại là một nhạc sĩ, một cây violon. Anh có vẻ thích triết học. Tôi kém anh nhiều tuổi, được anh coi là bạn vong niên. Có lần anh định làm mối cho tôi một cô cháu gái của anh, nhưng việc không thành. Một hôm tôi đưa ra nhận xét: “Những cái vòi của các cây bí, cây bầu cứ vừa bò vừa dò dẫm để bắt lấy, quấn lấy những thanh tre bắc trên giàn, dường như cũng là một thứ sinh vật có cảm giác, có linh hồn vậy”. Anh Quỳnh nói: “ anh có khuynh hướng về triết học đấy”. Anh Quỳnh tỏ ý phục chúng tôi, chỉ vì chúng tôi thuộc thế hệ trẻ, thế hệ của tương lai. Anh cho tôi mượn nhiều cuốn sách rất quý, thường là sách tiếng Pháp, như Faust của Goethe hay cuốn Nguồn gốc gia đình, tư hữu tài sản và nhà nước (tiếng Pháp) của Engels. Tôi rất mê cuốn sách này, suốt ngày đọc và ghi chép. Tư tưởng sâu sắc mà văn cũng rất hay.

Hồi ấy nhiều thư viện ở các thành phố dưới xuôi sơ tán lên Việt Bắc. Họ chẳng biết chứa vào đâu, bèn tập trung ở cơ quan Sở giáo dục. Dù sao đây cũng là cơ quan văn hoá, có nhiều trí thức. Họ làm những cái giàn để chứa sách hết sức sơ sài. Giàn đan bằng tre nứa, tựa bên hang đá. Sách mà để như thế tất nhiên rất dễ hư nát. Vì thế thỉnh thoảng người ta lại soạn ra những cuốn bị mối mọt đem đốt. Công việc của tôi hồi ấy rất nhàn rỗi. ấy là thời của bình dân học vụ, của việc xoá nạn mù chữ và bổ túc văn hóa cho nhân dân, cán bộ. Tôi phụ trách giáo dục phổ thông nên ít việc. Đã thế lại chưa có vợ con, cha mẹ thì ở xa, hết giờ làm việc và ngày chủ nhật, thiên hạ tranh thủ về với gia đình cả, tôi và mấy đứa cùng cảnh ngộ biết làm gì cho hết thì giờ! Thế là lôi sách chất trong những cái giàn kia ra đọc. Không hiểu sao tôi rất mê cuốn tiểu thuyết Đỏ và đen của Stendhal, đặc biệt là mê tính cách của nhân vật Julien Sorel. Anh chàng này xuất thân bình dân nhưng rất thông minh, giàu nghị lực và luôn luôn nuôi chí lớn. Anh ta muốn nhiều thứ lắm: muốn là con chim đại bàng bay lượn hiên ngang trên chót đỉnh bầu trời, muốn là một Napoléon thứ hai, muốn là một giám mục đầy uy quyền, muốn tấn công và chiến thắng giới quý tộc, chinh phục được những phụ nữ của tầng lớp cao sang nhất: chỉ là một cậu gia sư quèn mà quyết tự hẹn với mình đúng giờ ấy, phút ấy, phải nắm lấy tay bà thị trưởng De Rênal để tỏ tình với bà ta, thậm chí dám bắc thang leo lên lầu riêng của một cô gái đại quý tộc kiêu kỳ, đài các nhất Paris...

Ở Sở giáo dục Việt Bắc, tôi được dự một cuộc đấu tố địa chủ đầu tiên ở Việt Nam. Đây là cuộc thí điểm để rút kinh nghiệm nên chưa đưa ra công khai. Tổ chức ban đêm. Vì cơ quan chúng tôi đóng ngay tại xã địa phương nên được tới dự. Người ta cẩn thận bắt nộp danh sách và điểm danh từng người mới cho vào dự đấu. Tôi nhớ địa chủ tên là Kim, hình như từng là lý trưởng. ông ta già, để râu dài. Dân quân giải ông ra trường đấu, bắt bò bốn chân như chó, sau đó bắt quỳ lên một cái bục gỗ .Những bần cố nông được bồi dưỡng từ trước lần lượt ra đấu. Cách đấu đều theo một công thức chung: trước hết nắm râu địa chủ bắt ngẩng mặt lên và hỏi: “ Mày có biết tao là ai không?”. Địa chủ trả lời lí nhí điều gì đó. Người đấu kể tội địa chủ và kết thúc bằng một cú đạp khiến địa chủ ngã ngửa ra đất. Dân quân lập tức bắt địa chủ quỳ lại như cũ và một cốt cán khác ra đấu tiếp. Tôi không biết địa chủ Kim (mà đã chắc gì là địa chủ thật) có thể sống được bao lâu nữa sau cuộc đấu và đạp như thế.

Nhiều trường hợp, qua lời tố khổ, thấy tội của địa chủ chẳng đáng gì. Chẳng hạn có một bà vốn làm nghề lái đò ngang lên đấu: “ Hôm ấy mày gọi đò, tao chậm đến, mày chửi mắng tao!”. Thế mà cũng đạp một cái cho địa chủ ngã ngửa ra đằng sau. Tôi để ý có vài cán bộ đi lại ở vòng ngoài đấu trường chắc là những người trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh. Tôi nhớ hình như có ông Hoàng Quốc Việt và bà Hoàng Thị ái thì phải.

Cuộc đấu Nguyễn Thị Năm sau này là cuộc đấu công khai đầu tiên. Hôm ấy tôi cũng được dự. Hàng nghìn người tập trung trong một khu rừng để dự đấu. Đấu cả ngày nên mọi người phải đem theo cơm nắm để ăn trưa. Lần này địa chủ không phải bò bốn chân và không phải quỳ nữa, nhưng người ta đào một cái hố, bắt địa chủ đứng xuống đấy cho thấp hơn nông dân khi đấu tố. Nguyễn Thị Năm là một điền chủ lớn ở Đồng Bẩm Thái Nguyên. Đồn điền của bà ta từng là nơi đóng cơ quan Nhà nước và bộ đội ta. Tất nhiên bà ta đã giúp đỡ nhiều cho cách mạng. Hai con bà là sĩ quan quân đội. Vậy mà bà đã bị lôi ra đấu và bị xử bắn luôn.

Năm 1952-1953 có thể gọi là mùa chỉnh huấn để chuẩn bị cho cuộc phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất. Tôi cũng được dự một cuộc chỉnh huấn tổ chức tại một khu rừng ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Hội trường căng một khẩu hiệu lớn “ Học tập chủ nghĩa MácLênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, tác phong Hồ Chí Minh”. Chúng tôi được nghe giảng về lý luận giai cấp, được nghe một số báo cáo điển hình của bần cố nông tố cáo tội ác của đế quốc, phong kiến. Học xong phải viết thu hoạch và kiểm thảo. Căng thẳng nhất là thời gian viết kiểm thảo. Để động viên mọi người tự phê bình thành khẩn, người ta giăng khẩu hiệu khắp nơi: hội trường, phòng ngủ, phòng ăn, giếng nước... đâu đâu cũng hô hào kiểm thảo thật thà, thành khẩn, nghiêm khắc. Bản kiểm thảo phải đọc trước nhóm để nghe tập thể bổ sung và phân tích phê phán. Thôi thì ai nấy đều phải tự bới móc khuyết điểm cho nhiều, chuyện nhỏ cũng xé ra to để qui kết là có tác hại đến nhân dân, Tổ quốc. Nhóm chỉnh huấn của chúng tôi gồm: Lã Hữu Quỳnh, nhóm trưởng, nhóm viên có Đặng Thị Hạnh, Nguyễn Đăng Mạnh và mấy bạn nữa cũng là giáo viên, lâu ngày không nhớ tên. Chúng tôi học văn, dạy văn nên thường mắc vào tư tưởng gọi là lãng mạn tư sản, từng say mê tiểu thuyết Tự lực văn đoàn và Thơ mới...vv... Để bồi dưỡng lập trường giai cấp và lòng căm thù địa chủ phong kiến cho học viên, nhà trường tổ chức chiếu phim Bạch Mao Nữ. Đến đoạn địa chủ Hoàng Thế Nhân tỏ ra độc ác quá, bỗng nghe có tiếng ai đó hô lớn: “ Đả đảo địa chủ phong kiến!”. Rồi chỗ này có người ngất, chỗ kia có người ngất. Y tá nhà trường chạy đi chạy lại cấp cứu rất vất vả. Lúc ấy tôi tự thấy quá kém về tình cảm giai cấp, vì chẳng cảm thấy xúc động gì đến nỗi phải ngất xỉu đi như thế. Có một điều rất lạ là giữa không khí chỉnh huấn nghiêm khắc như thế, mọi người đều tỏ ra ăn năn, sám hối, muốn rửa ruột, rửa gan, muốn tẩy não cho sạch như thế mà thỉnh thoảng vẫn xảy ra những vụ mất cắp và hủ hoá ngay trong đám học viên.

Năm 1953, cuộc kháng chiến ngày càng ác liệt. Trên phổ biến phải đề phòng địch dùng chiến tranh vi trùng. Bộ y tế cử người đi khắp nơi phổ biến cách phòng chống chiến tranh vi trùng. Có một lớp học mở ra ở khu Việt Bắc để huấn luyện cán bộ tuyên truyền. Tôi được cử đi học để về truyền đạt lại cho cán bộ cơ quan. Sau đó, có một lớp bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ phụ trách mẫu giáo của các ty giáo dục thuộc mười ba tỉnh trong Liên khu Việt Bắc, tôi được cử sang đó để nói chuyện về phòng chống chiến tranh vi trùng.ở đây tôi gặp lại một vài cô giáo cấp một từng được đào tạo ở khu học xá Nam Ninh, như cô Giang Tiến ( sau này lấy anh Lê Bá Thảo từng là chủ nhiệm khoa địa lý, Đại học sư phạm Hà Nội). Ở lớp bồi dưỡng này, có một học viên tên là Trần Ngọc Nhị, công tác tại Quảng Ninh.Trong cơ quan Sở giáo dục Liên khu Việt Bắc có một anh tên là Tham vốn xưa cũng công tác ở Quảng Ninh, có quen Nhị. Tham bèn làm mối Nhị cho tôi. Chúng tôi đã gặp gỡ nhau vài lần và xem chừng mọi chuyện đều suôn sẻ. Kết thúc lớp học, trở về Quảng Ninh, Nhị có viết cho tôi một lá thư, lời lẽ rất thắm thiết. Nhưng đúng lúc ấy gia đình Nhị bị quy là phản động và tôi không được phép liên hệ ( chính gia đình tôi tuy đã tản cư lên Thái Nguyên cũng bị quy là địa chủ. Mỗi lần về thăm bố mẹ tôi đều phải ra công an trình diện và xin phép.)

Tháng 7 năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ. Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Miền Bắc được giải phóng. Mấy tháng sau tôi được cơ quan cử đi dự một cuộc họp của bộ giáo dục ở Hà Nội. Không khí những ngày hoà bình mới được lặp lại rất phấn khởi. Tôi nhớ trên chuyến xe hôm ấy về Hà Nội, hành khách đua nhau hò hát suốt dọc đường. Hà Nội đẹp quá! Những cô gái áo dài quần lụa trắng trông rất thanh lịch. Chúng tôi họp ở một ngôi nhà hai tầng ngay bờ hồ Hoàn Kiếm và cũng nghỉ luôn ở đấy. Đứng trên ban công trông xuống đường phố Hà Nội chạy quanh Hồ Gươm, thú vị vô cùng. Các giáo chức lưu dung vẫn ăn mặc lịch sự complet, cravate, giầy da. Còn chúng tôi, cán bộ kháng chiến, thì ăn mặc nhem nhuốc: mũ lá, áo trấn thủ, dép lốp... Nhưng chẳng ngượng ngịu chút nào, lại còn tỏ ra tự hào mình là người kháng chiến. Lúc ấy nghèo lại là một giá trị. Giàu là một mối lo. Ăn mặc sang trọng là học đòi lối sống tư sản. ( về sau này, trong một cuộc hội thảo về đổi mới tư duy trong giảng dạy văn học tổ chức ở khoa văn Đại học sư phạm Hà Nội sau đại hội VI của đảng, anh Nguyễn Kiên có cung cấp cho hội nghị một bài báo cắt ra từ một tờ Quân đội nhân dân(1), phê phán một số sĩ quan quân đội có sinh hoạt tư sản hoá: ngủ màn tuyn, mặc pyjama, bịt răng vàng, dùng nước hoa... Cả hội nghị cười ồ, quên rằng có một thời quan niệm của cán bộ ta là như thế).

Chiến tranh chấm dứt, cơ quan Sở giáo dục chuyển về thị xã Thái Nguyên, đóng ở một nơi ven thị xã gọi là Kép le ( chắc là tên một chủ đồn điền người Tây từng có trang trại ở đây). Sở được bổ sung nhiều cán bộ mới, trong đó có mấy cán bộ miền Nam tập kết. Tôi được đề bạt làm trưởng phòng giáo dục phổ thông. Hồi ấy có một loạt giáo viên văn cấp ba được đào tạo ở lớp dự bị Đại học khu bốn, khoá đầu tiên, như Đặng Thanh Lê, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Xuân Nam, Phan Trọng Luận... được điều lên Việt Bắc dạy trường Hàn Thuyên và Lương Ngọc Quyến. Nhiệm vụ của Sở giáo dục giao cho tôi là phải nắm được tình hình chuyên môn của các trường phổ thông, đặc biệt là các trường trọng điểm. Vì thế tôi phải đến dự lớp một số giáo viên, trước hết ở các trường lớn thuộc tỉnh Thái Nguyên. Tôi chỉ là một anh giáo viên cấp hai, nhưng lại phải dự lớp và đánh giá việc giảng dạy của giáo viên cấp ba, tuy họ chỉ tốt nghiệp dự bị Đại học đâu vài năm gì đó, nhưng từng là học trò của những giáo sư danh tiếng như Đặng Thai Mai, Trần Văn Giầu, Trương Tửu, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy...vv... thì quả là đã phải làm một công việc quá sức. Vì thế tôi rất lo lắng. Trước khi dự lớp nghe giảng một bài nào đó, tôi phải đọc những sách vở có liên quan đề phòng khi cần, phải đối thoại với các “ông” giáo, “ bà” giáo rất trẻ nhưng kiêu ngạo ra trò, vì các vị đúng là những trí thức có bằng cấp cao nhất lúc bấy giờ. Tôi nhớ đã dự lớp Phan Trọng Luận dạy truyện thơ nôm Phan Trần và Đặng Thanh Lê dạy truyện Kiều. Hồi ấy anh Đỗ Đức Hiểu bị điều từ trường Hùng Vương ( Phú Thọ) về trường Lương Ngọc Quyến và Hoàng Ngọc Hiến thi chạy trốn cải cách ruộng đất từ Khu Bốn lên Thái Nguyên. Tôi có dự lớp anh Hiểu dạy kịch LeCid của Corneille và dự giờ Hiến dạy ca dao,tục ngữ gì đó. Hiến chưa qua đại học. Anh được “kê” lên làm giáo viên cấp ba nên chỉ được dạy lớp đầu cấp ( lớp Tám).

Hàng năm vào dịp hè, Sở giáo dục thường tổ chức những lớp tập huấn giáo viên. Trong một cuộc tập huấn giáo huấn giáo viên cấp một, tôi gặp một cô giáo vốn cũng được đào tạo ở khu học xá Nam Ninh.Cô tên là P.C, dạy học ở Phổ Yên. Tôi có cảm tình với cô. Chuyện chưa đâu vào đâu, đã dại dột viết thư tỏ tình nên không được đáp lại.Tôi tự ái, làm bài thơ “Chắc rằng em chưa biết”, đại ý: anh là người chân thật và không đến nỗi xoàng xĩnh đâu, yêu anh sẽ tìm được hạnh phúc tuyệt vời đấy. Em coi thường anh chẳng qua là vì chưa biết anh nên chưa tin đấy thôi:

Chắc rằng em chưa biết

Hay là em chưa tin,

Nên đợi hoài anh chẳng thấy thư em...

Thơ làm xong, tôi gửi cho tuần báo Văn, ai ngờ lại được đăng ( 1957), chỉ có điều họ xoá đi mất mấy chữ đề tặng P.C ghi ở đầu bài thơ. Bài thơ này vậy mà đã được phổ nhạc. Một buổi sáng, vào năm 1980, tôi đang đứng trước cửa phòng thuộc tầng năm, nhà B2, khu tập thể Đại học sư phạm Hà Nội, thì có một ông trạc bốn mươi tuổi dắt theo một bé gái đến hỏi tôi: “ Cho tôi hỏi thăm nhà ông Nguyễn Đăng Mạnh?”. Tôi nói, chính tôi là Nguyễn Đăng Mạnh. Ông khách tự giới thiệu là Hiền An, nhạc sĩ Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam. Ông cho biết vừa phổ nhạc một bài thơ của tôi. Tôi ngạc nhiên trả lời: “ Chắc là ông lầm rồi, tôi có làm thơ bao giờ đâu”. Ông nhạc sĩ nói, đúng là thơ của anh mà! Tôi hỏi, vậy bài thơ tên gì? Ông ta nói, tên là “ Chắc rằng em chưa biết”. Tôi nhớ ra đúng là có làm bài thơ ấy thật. Lâu ngày quên mất. Tôi mời nhạc sĩ vào nhà. Hiền An nói: “ Tối nay, chín giờ anh mở đài ra nghe phát bài hát lần đầu. Lẽ ra ca sĩ là Ngọc Tân hát, nhưng vì Ngọc Tân vừa vượt biên ( hụt) nên không được hát trên đài, phải thay bằng tiếng hát của Tiến Thành. Xin lỗi anh, tôi có sửa vài chữ trong bài thơ cho phù hợp với nhạc, còn tiền thù lao thì anh một nửa tôi một nửa”. Lâu ngày rồi, tôi không nhớ số tiền là bao nhiêu, chỉ nhớ là rất rẻ mạt, có lẽ chỉ tương đương với năm mươi đồng ngày nay. Nhưng hồi đó tôi túng thiếu quá, đài thu thanh cũng không có. Tôi phải sang mượn cái đài của anh Đinh Nho Chương ở hàng xóm. Nhưng anh Chương nói, cái đài của anh hay trục trặc lắm, phải anh đích thân sang sử dụng mới được. Thế là tối hôm ấy anh Chương mở đài, tôi, vợ tôi và thằng cháu Thanh, con trai tôi, ngồi nghe. Đài vặn lên được một lát thì tắc luôn. Anh Chương cuống quýt chạy về nhà lấy tournevis sang sửa. May sao cái đài lại bật lên được đúng vào lúc bắt đầu giới thiệu tác giả của nhạc và lời bài hát. Bài nhạc vừa dứt, thằng con tôi bỗng lăn đùng ra rồi nằm ngửa trên giường chổng bốn vó lên cười hô hố: “ Thơ của bố không ra gì mà nhạc cũng chẳng ra sao!”

* *


*

Vào khoảng cuối năm 1954, tôi được trên điều động đi tham gia cải cách ruộng đất đợt cuối cùng, tức đợt năm. Trước khi xuống xã, chúng tôi phải tập trung để học về chính sách cải cách ruộng đất. Người ta dựng một loạt lán trại bằng tre nứa lá trên một khu đồi thuộc tỉnh Phúc yên. Lớp học kéo dài hàng tháng. Bài học chính là lý luận giai cấp, và đường lối cách mạng của đảng ở nông thôn ( dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn kết với trung nông, cô lập phú nông, đánh đổ địa chủ. Tuyệt đối không được dựa vào tổ chức cũ, vì đã bị địa chủ và bọn Quốc dân đảng chui vào lũng đoạn; đặc biệt là phải nắm vững tiêu chuẩn phân định thành phần giai cấp ở nông thôn cùng với con số tỷ lệ của mỗi giai cấp, thí dụ 5% hộ dân là địa chủ, 4% là phú nông...vv...). Học xong phải viết thu hoạch và kiểm thảo về lập trường giai cấp. Sau đó phiên chế thành đội để đi xuống các xã. Trong thời gian học tập, lại nghe báo cáo điển hình của bần cố nông, lại xem phim Bạch Mao Nữ, lại hô đả đảo địa chủ phong kiến, lại ngất xỉu chỗ này chỗ khác... và lại ăn cắp, hủ hoá... Đội của tôi được điều về xã Gia Trường, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình. Đội trưởng tên là Hồng, trông trắng trẻo hiền lành như một thư sinh, đội phó phụ trách tổ chức tên là Hải, đội phó phụ trách toà án là một bộ đội tên là Tại. Ngoài ra là những đội viên độ năm sáu người. Tôi chỉ còn nhớ hai nữ, một tên là Nết, một tên là Huyên và hai nam, một người miền Nam tên là Chánh, một là bộ đội mù chữ tên Khả. Xe ô tô đưa chúng tôi đến cách Gia Trường khoảng vài trăm mét thì đỗ lại, chúng tôi đi bộ vào làng, mỗi người tìm đến một thôn đã được phân công trước. Thôn tôi phụ trách gọi là Yên Hạ. Lý luận học được là không được dựa vào tổ chức cũ, không được tin vào bất cứ ai ( phải cảnh giác, ở đâu cũng có địch hết ). Phải tự mình tìm nghèo hỏi khổ. Tôi đi loanh quanh trong làng một lúc và phát hiện một gia đình chắc nghèo lắm, ở trong một túp lều rách nát bên một bờ tre. Tôi liền vào để gợi khổ chủ nhà. Đó là một người đàn ông tuy bộ dạng tiêu tuỵ, quần áo rách rưới, nhưng nhìn vẻ mặt thấy không có vẻ vui mừng phấn khởi gì khi được đội đến nhà. Nói năng thì lúng túng, lạnh nhạt, hình như không muốn bắt chuyện. Chán quá, ngồi một lúc, tôi bỏ đi. Có một người làng đi qua, ghé tai nói thầm với tôi: “ Nó là địa chủ đấy, địa chủ Thợi bị đuổi ra khỏi nhà trong phát động giảm tô đấy”. Tôi ngượng quá. Tuy nhiên về sau cũng tìm được một bần nông thật và đào tạo được thành một cốt cán.

Đi cải cách thì phải ba cùng. Mùa rét phải đi cấy lúa, tuy lúng ta lúng túng làm có ra gì đâu. Có lần tôi còn bị điều ra một thôn chuyên chài lưới. Trời mùa đông mà phải đi đánh cá từ nửa đêm, người ta chèo chiếc thuyền nan ra giữa sông quăng lưới. Giữa lòng thuyền đặt một bếp lửa để sưởi. Lưới kéo về thì ngồi gỡ cá. Vì tôi là người được xem là có chữ nghĩa trong đội nên ít lâu sau được gọi về làm văn phòng đội. Từ đấy không phải ba cùng nữa, ăn uống thì cũng khá hơn vì có tiêu chuẩn riêng. Văn phòng đóng ở nhà một cốt cán tên là Lờng. Có một buổi tối, đội trưởng đội phó đi đâu vắng, tôi điều khiển một cuộc họp xóm ngay tại sân nhà văn phòng đội. Cuộc họp vừa kết thúc, nghĩa là mọi người vừa giải tán thì tôi được báo cáo có một bà cụ gọi là bà cụ Phẩm vừa ở đây về, hộc máu chết ngay giữa nhà. Tôi vội chạy đến ngay. Hồi ấy bất cứ xảy ra chuyện gì có vẻ bất thường một chút là người ta nghĩ ngay đến hoạt động của địch. Nhà bà cụ khá rộng rãi. Bà ở với một đứa cháu trai tên Phẩm làm du kích. Tôi vào nhà một mình.( Phải cảnh giác, ngoài đội ra, không ai được vào, vì địch có thể tới để phá dấu vết gây án.) Tôi thấy từ ngoài sân vào tới nhà đều có máu và phân của bà cụ. Bà cụ nằm chết ngay trên nền nhà. Khám xác bà cụ, tôi

chẳng phát hiện ra điều gì. ( thí dụ như bị bóp cổ hay bị đổ thuốc độc chẳng hạn)

Mà “ chúng nó”giết bà cụ để làm gì chứ? Tôi lúng túng chẳng biết xử trí ra sao.

Chuyện xảy ra lập tức được thông báo ngay cho ban chỉ huy đội. Anh đội

phó phụ trách toà án vội tới ngay hiện trường. Anh ta hội ý nhanh chóng với một

cán bộ khác cũng là bộ đội, và lệnh bắt giam ngay một chị hàng xóm làm nghề

buôn bán gì đó và có quan hệ với địa chủ Thợi. Họ giao cho tôi tra hỏi chị về vụ

“ bức tử” bà cụ Phẩm. Cuộc tra hỏi truy bức chẳng ăn thua gì. Tôi một mặt thấy

mình bất lực hèn kém quá, chẳng được tích sự gì. Mặt khác lại nghĩ, có lẽ chả có

chuyện gì hết, chẳng qua là bà cụ bị trúng gió độc đấy thôi. Hồi ấy, những loại

người như tôi, gia đình địa chủ, bản thân là tiểu tư sản, thường không tin lắm ở “

lập trường” của bản thân mình. Sau này mới biết, đúng là chẳng có chuyện gì thật.

Mấy năm sau, trở thành cán bộ giảng dạy ở trường Đại học sư phạm Vinh ( Nghệ An), tôi có lần được giao phụ trách một đoàn sinh viên thực tập ở trường Lương Văn Tuỵ, tỉnh Ninh Bình. Thực tập làm công tác chủ nhiệm lớp, sinh viên phải đi thăm học sinh ở các nhà trọ quanh trường. Một lần tôi cùng sinh

viên đến một nhà trọ, ở đó có một học sinh kể chuyện ngày xưa mẹ cậu ta ở thôn

Yên Hạ xã Gia Trường bị bắt và bị truy hỏi về một vụ án nào đấy trong thời kỳ

cải cách ruộng đất. Tôi giật mình. Đúng là người đàn bà bị bắt oan trong vụ bà

cụ Phẩm chết đột tử và chính tôi là người tra hỏi, truy bức. Tôi xấu hổ quá, vội

lảng ngay đi.

Thời gian làm cán bộ văn phòng của đội cải cách ruộng đất, tôi thường

phải lên cơ quan đoàn uỷ nộp báo cáo hoặc lĩnh lương về cho cán bộ đội. Cơ

quan đoàn uỷ đóng ở Kim Sơn, Phát Diệm. Đoàn uỷ phụ trách các đội cải cách

trong tỉnh. Từ Gia Trường đi Phát Diệm, có lần tôi theo đường bộ, có lần nằm

đò dọc. Dọc đường, đâu đâu cũng đấu tố, xã nào cũng có bắn người, vì đâu đâu

cũng có cường hào gian ác và bọn phản động Quốc dân đảng chống phá.

Nhưng riêng xã tôi thì tìm mãi không ra thằng nào gian ác đáng xử bắn.

Đoàn uỷ bèn cử người về chấn chỉnh. Tôi nhớ anh cán bộ đoàn uỷ tập hợp toàn

đội lại ở một chái nhà dân quanh một cái cối giã gạo. Anh ta xỉ vả chúng tôi một

trận thậm tệ: “ Không bắn thằng nào thì quần chúng còn bị nó khống chế, đến

bao giờ mới ngóc đầu lên được! Lập trường giai cấp để dâu? Hữu khuynh

nghiêm trọng! Đảng nuôi cho các anh ăn để ngồi chơi à? Phải kiểm điểm

nghiêm khắc, rồi đi sâu đi sát tìm ra thằng đầu xỏ để bắn!”.

Thế là lãnh đạo đội đêm ngày lo tìm ra thằng đầu xỏ phản động. Họ nghĩ

đến một người tên là Cớt, bí thư chi bộ đảng, và gợi ý mớm lời cho cốt cán phát

hiện ra những hoạt động của bọn Quốc dân đảng đội lốt cộng sản. Lập tức hồ sơ

tội trạng của Cớt ngày càng dầy lên, và bí thư chi bộ cộng sản thành bí thư chi

bộ Quốc dân đảng. Dĩ nhiên là Cớt bị bắt giam và không tránh khỏi sẽ bị xử bắn.

Nhưng phúc đời cho Cớt, cuối đợt cải cách có lệnh sửa sai. Các đội được

triệu tập để nghe ông Hoàng Quốc Việt về nói chuyện. Tất cả tù nhân ở các trại

giam đều được thả ra hết.

Cải cách ruộng đất đúng là một sai lầm nghiêm trọng. Bắt oan, giết oan

hàng vạn người. Mà thật ngu xuẩn. Làm sao địa chủ lại nhiều thế: 5%! Làm sao

mà Quốc dân đảng lại có ở khắp mọi nơi. Đúng là rập khuôn theo Trung Quốc

một cách cực kỳ ngu xuẩn. Quốc dân đảng là đảng chính thống, đảng cầm quyền

ở Trung Quốc hàng bao nhiêu năm mới có lắm quốc dân đảng như thế chứ.

Thực ra trước khi sửa sai, chúng tôi cũng có ngờ ngợ thế nào ấy. Bởi vì thấy

nhiều địa chủ chẳng giầu có gì lắm. Và họ cũng lao động ra trò, cũng biết đi cày

đi cấy. Con cái hiền lành, ngoan ngoãn. Tôi từng được giao triệu tập con cái địa

chủ lại để giáo dục, tôi thấy như thế. Bây giờ sửa sai, thấy sai lầm của cải cách

ruộng đất là chuyện dĩ nhiên và rất dễ hiểu. Nhưng chỉ không hiểu sao thời ấy cả

nước từ trên xuống dưới lại ngu xuẩn đến thế, sai từ đường lối chính sách đến

các biện pháp cụ thể. Phát động quần chúng, mà quần chúng sợ đội quá sợ cọp,

làm sao dám nói trái ý đội. Tôi lúc đó chỉ là một thằng thanh niên ngoài hai

mươi tuổi, vậy mà đi lại trong làng, có những cụ già râu dài, chắp tay vái “ lạy

đội ạ!”. Một chính sách lớn như thế, liên quan đến sinh mạng hàng vạn dân mà

giao phó cho những cốt cán dốt nát thực hiện. Cán bộ đội cũng thế, trong đôi tôi

có một anh tên là Khả mù chữ. Mù chữ mà giảng chính sách và vận dụng chính

sách- một chính sách rất lớn và rất phức tạp- vào việc bắt người, bắn người, tịch

thu tài sản của người! Cải cách ruộng đất đúng là một trường hợp điển hình thô

bỉ nhất của vụ cưỡng hiếp của Tầu đối với Việt Nam về chính trị và văn hoá.

Nguyễn Huy Thiệp nói đúng: “ Đặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu.

Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy

vừa thích thú, vừa nhục nhã, vừa căm thù nó” ( Vàng lửa). Sau này Đỗ Hoàng

Diệu cũng diễn tả nỗi nhục nhã ấy bằng hình tượng Bóng đè.

Sai lầm cải cách ruộng đất càng nghĩ càng thấy có tác hại sâu sắc và lâu

dài đối với truyền thống tư tưởng, văn hoá của dân tộc. Vô nhân đạo, coi mạng

người như cỏ rác. Mượn cớ căm thù giai cấp để biện minh (justifier) cho cái ác.

Cái ác mà được cho là đúng đắn, là cách mạng thì cái ác tất sẽ được nhân lên

hàng trăm lần. Làm ác mà vẫn yên ổn với lương tâm thì thật vô cùng khủng

khiếp. Cuộc cải cách đã huỷ hoại những truyền thống tinh thần tốt đẹp của gia

đình, họ tộc, làng xã, của văn hoá, phong tục Việt Nam. Đánh địa chủ, phú nông

trong hoàn cảnh bấy giờ vô hình chung là đánh vào giới trí thức, là huỷ hoại văn

hoá, vì ở nông thôn hồi ấy thường những gia đình khá giả trong làng mới có điều

kiện đi học, và có sách vở truyền lại từ tổ tiên, ông cha. Cải cách ruộng đất đốt

hết. Sách chữ Hán, chữ Nôm không đọc được càng phải đốt triệt để. Tôi đã

chứng kiến những cuộc đốt như thế. Sách tiếng Pháp người ta gọi là tài liệu phản

động, sách chữ Hán, chữ Nôm thì cho là văn tự cướp ruộng của nhân dân. Đốt

hết. Anh chủ nhà bị quy là địa chủ ngồi ở góc nhà nhìn đống lửa ở ngoài sân

chắc là tiếc lắm. Anh nói nhỏ với tôi khi tôi đi qua trước mặt: “Đội cho con xin

lại cuốn từ điển tiếng Pháp”. Tôi đã giữ lại cho anh ta cuốn từ điển ấy.

Cải cách ruộng đất còn tạo cơ hội rất thuận lợi cho sự phát triển của chủ

nghĩa cơ hội trong nông dân. Muốn được đội cất nhắc, cứ tha hồ tố oan, tố điêu

cho người... Như trên đã nói, về sai lầm của cải cách ruộng đất, trước khi sửa

sai, chúng tôi đã hơi ngờ ngợ, vì thế mà khi có lệnh sửa sai, lập tức hiểu ngay,

chẳng cần nghe giảng về chính sách sửa sai cũng đã vỡ lẽ rồi.

Tuy nhiên cũng phải nói rằng, dân xã Gia trường đã gặp may. Đội của

chúng tôi cũng mắc sai lầm rất nhiều. Đúng thế. Nhưng không bắn ai, đúng ra là

chưa kịp bắn ai. Vì thế dân làng gọi chúng tôi là “ đội hiền”. Mấy năm sau, nhân

đưa sinh viên Đại học sư phạmVinh đi thực tập ở Ninh Bình, tôi có tạt về thăm

nơi cải cách ngày xưa. Tôi thấy dân làng đón tiếp rất tình cảm, giành nhau mời

về nhà ăn cơm. Nông dân Việt Nam quả là tốt bụng. Họ sẵn sàng bỏ qua mọi tội

lỗi của cán bộ, của đảng. Nhưng xét ra đó cũng là một nhược điểm: ngu muội

quá, an phận quá. Trên nói gì là tin như thế. Bảo đúng là đúng, bảo sai là sai,

bảo căn bản thắng lợi là căn bản thắng lợi. Cải cách ruộng đất vẫn được đánh giá

là “ Căn bản thắng lợi”.

Sau đợt cải cách ruộng đất, đội giải tán, ai về nhà nấy hoặc trở về nơi

công tác của mình. Trước khi trở lại Sở giáo dục Liên khu Việt Bắc, tôi theo

Khả ( anh đội viên mù chữ ) về nhà anh chơi. Nhà anh ở một xóm nhỏ nơi chân

núi Hiên Ngang thuộc huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Anh người rất xấu trai, lại

mù chữ, nhưng là bộ đội cụ Hồ nên rất có giá. Tôi gặp ở nhà anh một cô gái tên

là Thiêm khá xinh đẹp. Cô đến anh chơi, có vẻ quyến luyến anh lắm. Khả ở

vùng ngụy, trốn ra vùng tự do để tham gia bộ đội. Nay trở về làng, mặc quân

phục trông cũng oách, lại là đội viên cải cách ruộng đất. Đó là những ánh hào

quang đã che lấp mọi nhược điểm của anh. Cô Thiêm mê là phải. Một tình

huống cảm động. Tôi nẩy ra ý đồ viết một truyện ngắn về Khả và Thiêm. Nhưng

viết không đạt nên bỏ.



tải về 3.53 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   23




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương