Hồi Ký Hà Nội 2008


Qua Thanh Hoá. Vài nhận xét về mỹ học Xứ Thanh



tải về 3.53 Mb.
trang4/23
Chuyển đổi dữ liệu01.12.2017
Kích3.53 Mb.
#34905
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   23

4. Qua Thanh Hoá. Vài nhận xét về mỹ học Xứ Thanh.

Trong thời gian công tác ở Đại học sư phạm Vinh, đi ra đi vào Hà Nội –

Nghệ An, tất nhiên tôi phải qua Thanh Hoá. ( sau này trường Đại học sư phạm

Vinh lại sơ tán mấy năm ở đất Thanh).

Vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, đường xe lửa từ Hà Nội vào

Nam chỉ chạy đến thị xã Thanh Hoá. Đi tiếp vào Vinh, phải đáp ôtô. Thời bao

cấp, ôtô không nhiều. Xuống tầu ở ga Thanh Hoá, tôi phải đợi vài ba tiếng đồng

hồ mới có ôtô vào Nghệ An. Thành ra mỗi lần từ Hà Nội vào Đại học sư phạm

Vinh, tôi cứ phải lang thang ở thị xã Thanh Hoá vài ba tiếng đồng hồ. Làm gì

cho tiêu hết thì giờ? Rất may là tôi có một cái thú riêng mỗi khi đến một vùng

đất mới là quan sát cảnh và người rồi rút ra những nhận xét khái quát về đặc

điểm của địa phương ấy. Chẳng để làm gì cả. Chỉ là một cách giải trí riêng, một

trò chơi trí tuệ thế thôi.

Lang thang ở thị xã Thanh Hoá, tôi thấy nhà nào cũng quét vôi xanh xanh

đỏ đỏ và kẻ chỉ màu, nhà nào cũng căng riđô màu xanh nhạt ở cửa sổ, trong nhà

thì cắt những tranh ảnh ở hoạ báo dán lên tường…vv… Một thứ trang trí bay

bướm tựa như lối trang trí thường thấy ở những tiệm thợ cạo quê mùa- tôi gọi là

“ mỹ thuật phó cạo”.

Tôi đặc biệt để ý đến những bức tranh áp phích treo ở các cột điện minh

hoạ luật giao thông. Hình như thị xã đặt một tay hoạ sĩ vườn nào đó chuyên vẽ

những bức tranh này. Nói về luật giao thông, nhưng chủ đề tuyên truyền luật

giao thông lại bị chìm đi trong một khung cảnh được vẽ rất tỉ mỉ. Chẳng hạn, vẽ

hai xe đạp do đi cùng chiều nên đâm vào nhau, ý nói như thế là trái luật. Nhưng

hình ảnh hai cái xe đạp tông vào nhau kia lại được vẽ rất nhỏ. Nhà hoạ sĩ gia

công nhiều hơn vào việc tô vẽ quang cảnh xung quanh: vườn hoa, cây cối, nền

trời xanh với những đám mây trắng, đàn chim bay…vv…

Tôi kết luận, khuynh hướng thẩm mỹ của dân Thanh Hoá đúng là chỉ

thích vẽ vời hoa lá cành, chứ không chú trọng thể hiện một nội dung gì nghiêm

chỉnh, sâu sắc. Và tôi liên hệ đến mấy cây bút Thanh Hoá, như Hà Minh Đức (

ông Hoài Thanh rất khó chịu về câu văn của Hà Minh Đức), Văn Tâm( Nguyễn

Huy Thiệp rất tinh. Anh nói, văn của Văn Tâm là “ làm dáng trí thức”), Nguyễn

Thanh Hùng ( diễn đạt rắc rối, làm ra vẻ uyên bác, thực chất chả có nội dung gì),

Nguyễn Văn Lưu thì chỉ gia công vào cái giọng mạt sát chua ngoa hàng tôm

hàng cá. Còn Lê Xuân Đức thì huyênh hoang một cách ngu xuẩn… Cách viết và

lối giảng bài của anh Nguyễn Trác cũng thiên về bóng bẩy, hùng hồn, nội dung

thì rất đơn giản.

Tôi có lần trình bầy nhận xét này với Chu Văn Sơn. Anh phản đối:

“Những cây bút ấy đâu phải tiêu biểu cho Thanh Hoá. Thanh Hoá còn có Hữu

Loan, Trần Mai Ninh, Nguyễn Duy nữa chứ! ( Chắc anh không tiện nói có cả

Chu Văn Sơn nữa). Tôi không nghĩ nhận xét của mình đúng với mọi cây bút

Thanh Hoá, nhưng chắc có nói được một điều gì đó có thể gọi là đặc điểm của

người đất Thanh, của mỹ học đất Thanh. Vả lại trên đời này cái gì chẳng có

ngoại lệ. Mọi qui luật, mọi khái quát đều nghèo nàn hơn sự thật. Nhưng cứ để ý

mà xem, có phải chính Chu Văn Sơn cũng có một cái gì rất Thanh Hoá: thích

dùng chữ nghĩa tân kỳ, thích diễn đạt bay bướm hoa lá cành, tuy anh không phải

không muốn phát biểu những suy nghĩ riêng có chiều sâu?

Từ năm 1965, giặc Mỹ đưa không quân ra đánh phá miền Bắc nước ta,

trường Đại học sư phạm Vinh phải sơ tán ra Thanh Hoá, khi ở Hà Trung, khi ở

Vĩnh Lộc, khi lên tận vùng núi Thạch Thành. Sống nhiều với dân Thanh Hoá,

tôi thấy, nói chung họ cởi mở và thoải mái hơn dân Nghệ, tuy cũng hay nói trạng

như dân Nghệ, nhưng để tán cho vui hơn là để khoe tài, khoe giỏi. Thanh Hoá

đúng là đất đẻ ra lắm truyện cười như Trạng Quỳnh, Xiển Ngộ… Chính dân

Thanh Hoá đã tự giễu mình bằng bài vè gọi là “ Quốc ca Thanh Hoá” rất tếu, thể

hiện rất đúng tính cách dễ vui, dễ cười, thích tán, thích đùa của dân Thanh Hoá.



5. Trở lại Đại học sư phạm Hà Nội. Những ngày gian khổ sau chiến tranh

(1975)


Năm 1970, vợ chồng tôi được đoàn tụ ở Hà Nội. Tôi ở Vinh ra. Vợ tôi ở

Thái Nguyên về.

Thực ra tôi được chuyển ra Đại học sư phạm Hà Nội từ năm 1969 giữa

lúc trường còn ở nơi sơ tán ( Yên Mỹ, Hưng Yên). Năm 1970 trường tuy đã trở

về địa diểm cũ, nhưng vì nhà cửa, phòng ốc chưa được sửa sang, xây dựng đầy

đủ, nên nhiều lớp học phải đặt tạm thời ở Đình Thọ ( Bưởi) hoặc nhà kho của

một hợp tác xã ở Cổ Nhuế.

Năm 1971, vợ chồng tôi mới được phân cho một gian nhà lá, nền đất,

vách đất trong một dãy nhà gọi là K2. Bốn người, hai vợ chồng, hai đứa con (có

khi lại thêm bà nhạc đến chơi với cháu nữa) ở chen chúc trên mười mấy mét

vuông. Mùa hè nóng quá, có khi phải kê giường ngủ ngoài hè. Sách vở đặt trên

những xích đông làm bằng tre nứa.

Cuối năm 1972, máy bay Mỹ lại trở lại oanh tạc miền Bắc, dội B52 xuống

Khâm Thiên, Hà Nội. Vợ chồng tôi lại phải sơ tán một lần nữa, khi ra Tây Tựu,

khi đến Quốc Oai (Sơn Tây), khi về Xuân Cầu ( Hưng Yên). Trường thì lúc đầu

chạy lên Đan Phượng, sau lại chuyển về nơi sơ tán cũ ở Yên Mỹ, Hưng Yên.

Hồi ấy anh Lê Trí Viễn làm chủ nhiệm khoa. Nguyễn Văn Hạnh, Trần

Thanh Đạm làm phó. Có thời gian anh Viễn giao mọi việc cho Hạnh gọi là

quyền chủ nhiệm khoa. Hạnh chỉ định tôi làm trợ lý giảng dạy: theo dõi giảng

dạy, dự lớp giáo viên, tổ chức ra đề và chấm thi tốt nghiệp…vv…

Nhớ lại hồi ấy, tôi tỏ ra rất hăng hái. Viết cũng nhiều, dạy cũng đầy nhiệt

tình. Vì dù sao cũng được về Hà Nội và được đoàn tụ với gia đình.

Ngày 30-4-1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đây là những ngày rất vui. Tuy nhiên, về đời sống vật chất thì vẫn khổ, có

khi còn khổ hơn cả thời chiến tranh. Vẫn cơm độn mì hay bo bo. Vẫn xếp hàng

chầu chực từ rất sớm để mua gạo mậu dịch. Mì để lâu bị mọt, sinh ra dòi bọ. Tôi

đã thấy một lần như thế trong bát cơm của mình. Sợ quá! Ngày tết thì đem bột

mì đi thuê làm bánh bích quy và xếp hàng mua hàng Tết. Làm gì cũng phải xếp

hàng, phải chầu chực. Quyền thế nhất lúc bấy giờ là bà chủ kho gạo, là cô hàng

mậu dịch… Hồi ấy hay nói đùa: “ Đẹp nhất là hình ảnh một người ngồi giữa hai

bao gạo đầy”. Đây là lúc Hoàng Ngọc Hiến từng phát biểu một câu rất tội: “ Đi

đường thấy một xu ai đánh rơi cũng phải nhặt. Kiếm đâu ra một xu bây giờ!”

Giới nhà văn cũng không hơn gì. Nguyễn Tuân cũng phải xếp hàng mua bia hơi

( ông gọi là bia bơm). Đi đường, ông mang theo một bi đông rượu cuốc lủi,

thỉnh thoảng lại rót ra cái nắp uống. Thương cho cụ Nguyễn quá, bây giờ cụ còn

sống thì tha hồ Wisky, Cognac… Cán bộ miền Nam tập kết, trở lại quê hương

cũng chẳng sướng hơn. Người thì bán cà phê, thuốc lá, người thì bán đá cục,

người thì đêm đêm hì hục làm sữa chua để sáng sớm hôm sau chạy đi bỏ ở các

hàng quán…

Vào khoảng 1997, 1998 gì đó, Nguyễn Hưng Quốc về nước có đến thăm

tôi. Anh vốn là học sinh ở Sài Gòn dưới thời Nguyễn Văn Thiệu. Sau 30-4-

1975, anh ở lại thành phố và học văn ở Đại học sư phạm Sài Gòn. Tốt nghiệp,

anh được giữ lại làm cán bộ giảng dạy. ít lâu sau, anh vượt biên sang Pháp rồi

sang úc và hiện đang làm việc ở đấy.

Anh nói, sở dĩ anh vượt biên không phải vì sợ khổ mà cảm thấy tương lai

mù mịt. Anh kể tôi nghe một chuyện thật tội nghiệp.

Hồi ấy còn chế độ bao cấp, mọi thứ thực phẩm đều được phân phối theo

tem phiếu, mà tiêu chuẩn thì rất hạn chế. Tuy nhiên do sự tháo vát của công

đoàn, thỉnh thoảng anh em cũng được mua thêm ít thịt, ít cá ngoài tiêu chuẩn.

Anh nhớ hôm ấy công đoàn kiếm đâu được một mớ thịt đem về chia đều

cho mỗi người một suất. Tất nhiên dù chia cẩn thận đến thế nào vẫn không thể

đều nhau tuyệt đối được. Trong khi chia thịt, mọi người đứng vây xung quanh.

Không ai bảo ai nhưng người nào cũng chăm chăm quan sát các suất thịt xem

miếng nào ngon hơn, miếng nào nhỉnh hơn.

Chia xong, bắt đầu nhận phần. ưu tiên nhận trước phải dành cho bậc cao

niên nhất trong khoa, ấy là thầy Viễn – Lê Trí Viễn. Do đã nhằm sẵn, nhằm kỹ

trước rồi nên được lệnh, thầy chộp ngay lấy một miếng ngon nhất và có phần

nhỉnh hơn các miếng khác một chút.

“ Ôi! – Nguyễn Hưng Quốc nói tiếp – em phấn đấu đến bao giờ mới thành

giáo sư Viễn để được chộp lấy miếng thịt kia! Phải vượt biên thôi! Vượt biên

thôi!”

Tình cảnh cán bộ, trí thức hồi ấy, giờ nghĩ lại, muốn rớt nước mắt.



Hoàng Ngọc Hiến, sau 1975, có vào Sài Gòn, đến thăm một người họ

hàng. Anh nói, khi trở về Bắc, chỉ mong người ta tặng cho mấy thứ đồ điện như

tivi, tủ lạnh hay quạt máy. Nhưng do kính trọng ông giáo sư Bắc Hà quá, người

ta lại chỉ gửi ra toàn đồ mỹ phẩm đắt tiền để tặng bà giáo.

Anh Lê Quang Long vào Huế cũng gặp phải một trường hợp được kính

trọng một cách tai hại như thế. Năm 1977, tôi và anh được mời vào dạy cho Đại

học sư phạm Huế – gọi là thỉnh giảng. Trường cao đẳng sư phạm ở gần kề

trường đại học mời anh sang nói chuyện. Họ đón tiếp rất long trọng: tặng hoa,

và giới thiệu giáo sư bằng những lời lẽ rất to tát, sang trọng. Nhưng chẳng thấy

đưa phong bì gì cả. Đợi mãi mấy hôm cũng không thấy gì. Té ra ở trường này có

một anh bạn cũ của Lê Quang Long dạy học ở đấy từ trước 1975. Người bạn này

một hôm đến gặp anh Long và nói: “ Bọn giám hiệu Cao đẳng nó ngu quá! Nó

định đưa tiền cho anh đấy. Tôi vội gạt đi: “ Đừng làm thế, bất lịch sự! Ông ấy là

giáo sư đấy!”

Lê Quang Long nói với tôi: “ Mình chỉ mong nó khinh mình, chứ kính

trọng thế thì tai hại quá!”



6. Sài gòn, Nam bộ. Vài suy nghĩ về đất và người phương Nam.

Tôi có một bà chị ở Sài Gòn nên xin được vào thành phố này ngay cuối

năm 1975. Hồi ấy muốn vào Sài Gòn phải có giấy phép với lý do có người nhà

trong ấy. Có giấy phép thì mới được đổi tiền Bắc lấy tiền Nam và được đưa vào

theo một đường dây có tổ chức. Từ Hà Nội đi xe lửa đến một chặng nào đấy thì

được chuyển sang ô tô. Chỗ ăn chỗ ngủ đều có người bố trí chu đáo. Lâu rồi, tôi

không còn nhớ nơi ăn ngủ dọc đường, chỉ biết là người ta xếp vào những nhà

dân đã được chuẩn bị sẵn.

Bây giờ nghĩ lại thấy không hiểu sao hồi ấy tôi không có nổi một chiếc áo

veston hay blouson chẳng hạn. Tôi phải mượn ông anh bộ đội chiếc áo kaki bốn

túi của sĩ quan để phủ ra ngoài chiếc sơ mi nhếch nhác ( sau này vào thỉnh

giảng ở Sài Gòn, bà chị tôi may cho một chiếc áo sơ mi cộc tay bằng vải ni lông

trắng. Mỗi khi lên lớp, chỉ có cái áo ấy là trông được. Vì thế ban đêm tôi phải

giặt áo phơi trong phòng ngủ rồi mở quạt hong cho khô, sáng hôm sau mặc lại.)

Lần đầu tiên vào Nam, tôi rất xúc động. Thực ra khi dạy ở Đại học sư

phạm Vinh tôi đã có dịp được tham quan Cửa Tùng, Vĩnh Linh. Tôi còn nhớ

nhìn sang bờ Nam sông Bến Hải, thấy một khẩu hiệu rất lớn quay sang bờ Bắc –

cốt cho người Bắc đọc: “ ở đâu con tố cha, vợ tố chồng?”

Bây giờ xe tôi vượt qua sông Bến Hải. Tôi dán mắt vào bên đường cố ghi

lại mọi cảnh vật. Đây là vùng nguỵ, có gì khác với miền Bắc? Bao nhiêu địa

danh nổi tiếng thường nghe qua đài phát thanh hay đọc trên báo, nay hiện ra

trước mắt mình đây: Gio Linh, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đông Hà, Quảng Trị, Huế,

Đà Nẵng, Hải Vân, Chu Lai…vv…

ấn tượng nổi bật nhất là một màu cát trắng trải dài suốt dọc đường Quảng

Trị với những mái nhà tôn hoang phế, những xác xe cơ giới và giây thép gai

chưa dọn hết, dấu vết cuộc chiến ác liệt còn nguyên vẹn. Càng vào phía Nam

càng lắm dừa. Dừa miền Nam là cây tre của miền Bắc. Rất ấn tượng là những

cây dừa đơn độc đứng trụ hiên ngang trước gió biển mặc cho những tàu lá tung

bay tơi tả - biểu tượng của miền Nam kiên cường bất khuất đó chăng? Tôi bỗng

thấy mình có cái say sưa hào hứng như là đại diện cho một dân tộc chiến thắng

đang tiến quân vào Sài Gòn…

Lần đầu tiên vào Sài Gòn, tôi mới thấm thía được thế nào là sự kì diệu của

tiếng nói dân tộc. Ta vẫn nói, Nam Bắc là một nhà, Việt Nam là thống nhất. Tôi

vào Nam, thấy nhiều điều xa lạ khác hẳn miền Bắc. Nhưng khi nghe người dân

nói, thì đúng là vẫn ngôn ngữ ấy, vẫn tiếng nói ấy của người Việt. Vậy là vẫn

người một nước, vẫn anh em một nhà. Tôi thật sự xúc động.

Chỉ có điều chính sách, thái độ chính trị của ta đã khiến họ trở thành xa lạ,

thậm chí đối địch. Hồi giải phóng Thủ đô, ta đã đốt sách đốt vở rất nhiều. Sách

vở dưới chính quyền nguỵ đều bị coi là văn hóa nô dịch, phải phát động thanh

niên, học sinh tập trung lại, đốt hết. Tưởng việc làm quá khích và dại dột ấy

không lặp lại một lần nữa, khi giải phóng Sài Gòn. Té ra vẫn thế. Vẫn tập trung

và đốt. Tôi đã được chứng kiến những kho sách tịch thu được gom lại ở sở Văn

hoá Sài Gòn. Nhiều sách báo rất quý lẽ ra đưa vào thư viện để nghiên cứu đã bị

quăng hàng đống dưới đất, chắc rồi sẽ bị huỷ hoại hết. Nghe nói nhiều người

dân Sài Gòn sợ liên luỵ, ban đêm đã phải lén lút đem sách vở của thư viện gia

đình vất đi. Một hiện tượng thật vô văn hoá, phản tri thức.

Sau 1975, có lần tôi được cử vào Sài Gòn để nói chuyện với các giáo viên

văn học dưới chính quyền cũ về quan điểm của miền Bắc đối với các tác phẩm,

các xu hướng văn học tiền chiến. Học viên đều là những thầy giáo cô giáo đã

đứng tuổi, trong số đó, nhiều người đã viết sách giáo khoa, thậm chí đã là những

cây bút thành danh. Thế mà sau mỗi tiết học, anh đại diện lớp lại lễ phép nói với

tôi: “ Xin phép thầy cho anh chị em hát một bài”. Và họ sắp hàng đồng ca những

bài hát cách mạng mới học được. Thái độ rất nhiệt tình.

Có ai bắt họ làm như thế đâu. Họ tự nguyện hưởng ứng cách mạng đấy

thôi.Vậy mà nghe nói, chỉ vài năm sau, nhiều người đã vượt biên.

Vì sao như thế? Vì ai mà họ cảm thấy không có tương lai, tiền đồ gì, nếu

ở lại với chúng ta?

* *


*

Nhưng hãy trở lại với chuyến đi Sài Gòn của tôi cuối năm 1975.

Về đời sống vật chất, trong tương quan với Hà Nội lúc bấy giờ, Sài Gòn

thật là giầu có, phồn vinh. Hàng hoá đầy ắp các cửa hiệu, tràn cả ra hè phố, cả

lòng đường. Toàn những thứ miền Bắc rất khan hiếm, đặc biệt là quần áo, vải

vóc và đồ dân dụng. Xe máy rất nhiều, trong khi miền Bắc xe đạp cũng không

dễ có.

Vào Sài Gòn ngay sau 1975, người miền Bắc quả đã bị choáng ngợp. Nếu



có chê thì chê theo một định kiến cũ kỹ về mặt đạo đức. Thí dụ, đàn bà con gái

mặc áo dài không có áo lót, hở ra bên hông (Ông Vũ Thuần Nho gọi là triangle

sexuel.) Nhiều cô mặc áo như cái maillot, có cô mặc quần soóc đi ngoài

đường…vv… Giờ thì những cách ăn mặc như thế rất phổ biến ở ngoài Bắc.

Tôi ở Sài Gòn với bà chị ít lâu rồi trở lại Hà Nội, xin được bà chị cái tivi

nhỏ xíu 9 inch, và mua được một ít quần áo và đồ gia dụng lặt vặt.

Dọc đường trở ra Hà Nội, thấy một hình ảnh rất phổ biến và cũng rất tiêu

biểu của những cán bộ, bộ đội được nghỉ phép trở về Bắc: người nào cũng khuân

theo một khung xe đạp và một con búp bê nhựa. Lính thì đi bộ, gánh một đầu cái

khung xe, một đầu con búp bê. Khung xe cho bố mẹ, búp bê là quà cho con. Sĩ

quan thì đi xe ô tô. Đến các bến phà thì lính cũng như quan dừng cả lại để chờ

phà sang sông. Lính nhòm vào xe quan, thấy không phải khung xe đạp, mà ti vi,

tủ lạnh, quạt điện…

Hồi ấy có câu: “ Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”. Một cách

chơi chữ thật thần tình.

Sau chuyến đi này, tôi còn có nhiều dịp vào Sài Gòn và các tỉnh đồng

bằng Sông Cửu Long. Nhìn chung người nông dân miền Nam ăn ở rất luộm

thuộm, tuỳ tiện. Nhà nếu không lợp tôn thì lợp lá. Mái rất mỏng, vách cũng ghép

bằng lá. Nền đất lụp sụp, tối tăm, ẩm thấp. Chung quanh cỏ mọc um tùm. Nhà

vệ sinh làm ngay cạnh đường đi quay lưng ra những kênh rạch. Không kín đáo

gì cả. Người ngồi hở mặt nhìn ra đường. Ngay ở Sài Gòn cũng vậy. ở những

xóm nghèo, thấy nhiều nhà chỉ ghép bằng những mảnh gỗ thùng, đóng đinh.

Chỗ đi tiểu có khi đặt ngay giữa nhà. Đồ đạc bên trong thì đủ cả ti vi, tủ lạnh, xe

máy, nhưng nhà cửa thì cứ tạm bợ vậy. Những con kênh chảy qua thành phố thì

hôi thối. Bờ kênh chen chúc những túp lều dựng ngay trên những đống rác,

chuột bọ chạy lung tung. Cầu tiêu bắc ngay ra giữa kênh, đàn bà đi tiêu giữa ban

ngày, chỉ lấy cái nón che…

Quan sát cảnh vật và sinh hoạt của con người từ Bắc vào Nam, tôi nảy ra

ý khái quát này: từ Bắc vào Nam là đi từ miền đất nghèo đến nơi giầu có, từ chỗ

hàng năm hễ gặp hạn hán hay lụt lội là đói khát, đến nơi dường như sờ đâu cũng

có cái ăn, cây trái, tôm cá ê hề, muốn chết đói cũng khó.

Nhưng mặt khác, đi từ Bắc vào Nam là đi từ nơi văn hoá cao đến nơi văn

hoá thấp.

Quan sát sinh hoạt, còn thấy người Nam chịu ảnh hưởng Tầu rất rõ,

nhưng là Tầu bình dân, như thích màu sắc thật tươi: xanh, vàng, đỏ. Nhiều món

ăn gốc Tầu. Ngôn ngữ của người bình dân Nam bộ một mặt hết sức nôm na, chất

phác ( ruột, vỏ xe, hộp quẹt…vv…) một mặt lại hay pha chữ Hán (nóc gia, con

lộ, quá giang, khổ qua, đau bao tử, làm đại đi,..vv…) Chùa chiền đặt ngay bên

đường cái, quét vôi xanh xanh đỏ đỏ. Tượng Phật Bà đứng, nằm lồ lộ không kín

đáo gì cả. Tiểu thuyết Tầu ( Tam quốc, Thuỷ hử, Chinh Đông chinh Tây…) và

các loại truyện võ hiệp Tầu ảnh hưởng rất sâu vào văn chương Nam Bộ. Nhiều

cây bút đầu thế kỷ XX phỏng theo truyện Tầu, viết về những Phàn Lê Huê, Tiết

Nhân Quý, Tiết Đinh San…vv… Tiểu thuyết của Bửu Đình, Phú Đức thì bao

giờ cũng xen vào những pha võ hiệp ly kỳ, giật gân… Các nhân vật tiểu thuyết

Tầu còn nhập hẳn vào văn chuơng bình dân Nam Bộ thành nhân vật trong vè, ca

dao, dân ca…

Miền Bắc cũng ảnh hưởng Tầu rất sâu, nhưng chủ yếu không phải văn

chương bình dân, tiểu thuyết bình dân, mà khai thác văn chương bác học, đặc

biệt là thơ Đường, thơ Tống…

Như thế là, về sự tiếp nhận văn hoá Trung Hoa, từ Bắc vào Nam, vẫn là đi

từ nơi văn hoá cao đến miền văn hoá thấp.

Cho nên thời nào cũng vậy những tác gia văn học lớn, những sự kiện văn

học lớn thường xuất hiện chủ yếu ở ngoài Bắc: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ

Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương,

Tản Đà, Thơ mới lãng mạn( 1932-1945), Tự lực văn đoàn, Nguyễn Tuân, Vũ

Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu,

Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài… vv… Những cây bút xuất sắc của Sài Gòn

trước 1975 phần lớn cũng là người miền Bắc, miền Trung di cư vào.

Cho nên chủ nghĩa thực dân xâm nhập vào miền Nam rất sớm, ngay từ

cuối thế kỷ XX. Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trọng Quản đã là những trí thức Tây

học và đã viết văn quốc ngữ theo bút pháp phương Tây hiện đại. Như vậy là cái

tôi cá nhân đã có điều kiện thức tỉnh rất sớm. Vậy mà tiếng nói văn chương của

nó phải đợi đến những năm 30 của thế kỷ XX mới thực sự ra đời với văn thơ

miền Bắc. ở Nam bộ, theo Xuân Diệu, cái tôi cá nhân chỉ có thể cất lên thành ca

cải lương trên cơ sở nhạc tài tử ở miền Lục tỉnh.

Nhà văn đích thực của Nam bộ cao nhất chỉ đến Nguyễn Đình Chiểu, Hồ

Biểu Chánh, Phi Vân, Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng. Văn Anh Đức thì nhiều

chỗ như văn cải lương, đồng thời lại bị Bắc hoá. Nguyễn Thi tuy là người Bắc

nhưng lại xứng đáng được coi là tiếng nói văn chương đích thực của nông dân

Nam bộ thời chống Mỹ.

Gần đây xuất hiện Nguyễn Ngọc Tư ( Cánh đồng bất tận) và Mạc Can (

Tấm ván phóng dao). Văn Nam bộ hay nhất không ở tư tưởng mới lạ mà ở thứ

ngôn ngữ địa phương bộc trực, chắc khoẻ, góc cạnh, đầy sức sống. Nhưng các

tác giả thường lạm dụng thứ ngôn ngữ ấy khiến văn của họ trở nên thiếu trong

sáng, khó đạt tới trình độ chuẩn mực cổ điển.

7. Cố dô Huế và quý tộc Huế

Sau 1975, tôi cũng có nhiều dịp vào Huế, hoặc để dạy cho Đại học sư

phạm Huế, hoặc để dự những lớp tập huấn giáo viên phổ thông trung học về

chương trình và sách giáo khoa cải cách giáo dục.

Huế có những đặc điểm rất dễ thấy. Huế là đất cố đô, nên người Huế rất

tự hào về quê hương mình như một trung tâm chính trị, văn hoá. Nhưng Huế lại

lọt vào giữa hai cái đèo cao: Đèo Ngang và Hải Vân, nên tâm lý người Huế có

một cái gì hẹp hòi, co lại, địa phương chủ nghĩa, nghĩa là vẫn một thứ tâm lý

tỉnh nhỏ, không có tầm văn hoá toàn quốc.

Đất kinh đô, nhưng hẹp và nghèo. Thiên nhiên cũng không có gì to tát,

hùng vĩ: “ Sơn bất cao, thuỷ bất thâm”. Từ cách ăn mặc, nói năng, đi đứng, ăn

uống, người Huế tỏ ra rất quý tộc, nghĩa là cầu kỳ, đài các. Nhưng là quý tộc

nghèo. Nguyễn Tuân đã liệt kê ra mười hai thứ muối của người Huế. Cầu kỳ,

tinh vi, đài các đấy, nhưng mà tinh vi ăn muối. Huế là đất có rất nhiều thứ bánh

cũng rất tinh vi cầu kỳ, nhưng tất cả đều làm bằng bột sắn, trong Nam gọi là

khoai mỳ, một loại bột rất rẻ tiền. Có thứ bánh gọi là bánh bèo, nhỏ chỉ bằng

móng tay, đặt trong những chiếc đĩa cũng nhỏ tý xíu. Ăn thứ bánh này, phải làm

cả một mâm may ra mới no được. Cũng là một thứ đài các của quý tộc nghèo.

Huế từng là kinh đô. Người Huế là người kinh đô, nhưng không có tư

cách người kinh đô thật sự, nghĩa là tiêu biểu cho cả nước. Người Huế không

được các địa phương khác quý mến. “ Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co,

Bình Định hay lo, Thừa Thiên ních hết”. Người Quảng Bình, Quảng Trị, Đà

Nẵng, Quảng Nam đều rất ghét dân Huế. Tôi cũng không ưa người Huế, đúng ra

là không ưa đàn ông Huế:

Sơn bất cao,

Thuỷ bât thâm;

Nam đa trá,

Nữ đa dâm.

Nguyễn Văn Hạnh nói, tôi làm hiệu trưởng Đại học Huế mấy năm mà

không hiểu được bụng dạ người Huế thế nào. Hôm trước vừa phong một anh là

chiến sĩ thi đua, vì rất tiến bộ, rất tích cực công tác. Hôm sau được tin anh ta đã

vượt biên rồi!

Viết về Huế, tôi cho có hai cây bút xuất sắc nhất. Một là Phan Du viết rất

hay về tầng lớp quý tộc Huế thất thế, rơi vào tình trạng bần cùng, tuy thực chất

thì rất bệ rạc nhếch nhác, nhưng vẫn làm ra vẻ quý tộc- một thói sĩ diện hão, đài

các rởm nên trở thành hài hước. Hai là Hoàng Phủ Ngọc Tường, tuy không phải

người Huế, nhưng viết rất hay về vẻ đẹp của cảnh và người xứ Huế.

Cảnh Huế thì đẹp thật. Đẹp một cách dịu dàng, thơ mộng. Dòng sông

Hương quả là độc đáo, một dòng sông êm đềm trôi giữa thành phố, soi bóng

những đền chùa, lăng tẩm, những đồi thông, ruộng lúa, nương ngô…

Tôi đã được đi thuyền nhiều lần trên sông Hương, ghé vào thăm lăng tẩm

các vua chúa, nghe ca Huế. Tôi cũng đã nhiều lần được vào Đại Nội và xem

biểu diễn vũ đạo cung đình.

Có lẽ Hoàng Phủ Ngọc Tường là người hiểu Huế và yêu Huế hơn ai hết.

Anh cố gắng gắn Huế với lịch sử lâu đời của dân tộc – không phải từ thời Chúa

Nguyễn vào đất Phú Xuân – mà từ thuở Bà Trưng, Bà Triệu, đời Lý, đời Trần.

Anh lại gắn Huế với Nguyễn Du và Truyện Kiều, và lắng nghe như thấy vọng

về, qua giọng ca Huế, tiếng đàn thánh thót của Thuý Kiều: “ Trong như tiếng

hạc bay qua, Đục như nước suối mới sa nửa vời…”

Bài “ Ai đã đặt tên cho dòng sông” của anh có thể xem là một áng văn

tuyệt đẹp. Anh không những nói về Huế – văn hoá, Huế – thơ mộng, mà còn

phát hiện Huế – anh hùng từ thời viễn cổ từng bảo vệ biên thuỳ phía Nam của

nước Đại Việt. Anh đã làm sang nhiều cho Huế.

Nhưng tôi thì thích Huế vừa vừa thôi.

Huế tham quan ít ngày thì thích, ở lâu thì buồn, ở mãi thì chán. Hồi

Nguyễn Văn Hạnh làm hiệu trưởng Đại học Huế có thuyết phục tôi vào với anh.

Anh nói, qui luật phát triển của dân tộc ta là vô Nam, là Nam tiến. Vào Huế với

anh là đúng qui luật.

Nhưng tôi đã từ chối. Và đó là một quyết định đúng.

* *


*

Viết xong phần I tập hồi ký này, tôi đưa cho một anh bạn thân của tôi là

Phạm Luận, cán bộ giảng dạy trường Đại học Sư phạm Việt Bắc xem thử.

Luận đọc xong, nhận xét: “Những chuyện tình của cậu cũng chỉ đơn giản

thế thôi à?”

Tôi nghĩ bụng, hồi trẻ, đúng là những cuộc tình của tôi chỉ đơn giản có thế

thôi. Thậm chí có khi chỉ là thứ tình đơn phương – “Có gửi tình đi, chẳng có về”

(Xuân Diệu). Hồi ấy tôi thường vận dụng cái gọi là phép thắng lợi tinh thần của

AQ để tự an ủi: Những cô gái nào kia không có đôi mắt xanh để “Anh hùng

đoán giữa trần ai mới già”. Họ chỉ nhận ra được người anh hùng khi anh hùng

đã là anh hùng.

Nhưng có điều này rất lạ là khi về già thì tôi lại được nhiều cô gái mến,

thường là sinh viên cao học hay nghiên cứu sinh.

Có một sinh viên cao học (DT), khoảng ngoài ba mươi tuổi, vốn là giáo

viên ở một tỉnh miền trung, tha thiết nhờ tôi hướng dẫn làm luận văn. Trong suốt

quá trình làm luận văn, tôi hoàn toàn không nhận biết gì về tình cảm của cô đối

với tôi (chắc đã có những biểu hiện nào đấy, nhưng tôi không để ý). Cho mãi

đến khi cô bảo vệ xong luận văn, một buổi tối đến từ biệt tôi để ra về, tôi cũng

không biết gì. Cô tặng tôi một cái cặp da và một cái dây lưng. Tôi tiễn cô ra

cổng. Chúng tôi đứng với nhau trên một khoảnh sân nhỏ, cạnh cái cổng sắt. Đột

nhiên cô nói: “Thầy cho em hôn thầy một cái”, nói rồi ôm hôn tôi luôn. Chuyện

này không may vợ tôi biết được. Những ảnh cô này chụp với tôi đều bị xé tan

hết.

Từ thực tế này, tôi rút ra kết luận về sự khác nhau giữa tư duy của nam và



nữ: Nữ rất mạnh về tư duy trực cảm. Một thằng con trai yêu một cô gái, đến với

cô ta, dù chưa dám có biểu hiện gì rõ rệt, cô ta đã biết ngay anh chàng này đến

để tán mình đây. Ngược lại, thằng đàn ông chỉ mạnh về tư duy luân lý. Con gái

yêu mình, nếu không nói rõ ra thì hắn vẫn chẳng biết gì cả. Nghĩa là tư duy trực

cảm rất tồi. Nhưng tư duy trực cảm có nhược điểm: không sâu sắc. Cho nên ca

dao có câu:

Đàn ông nông nổi giếng khơi,

Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu.

Ngoài ra, có hai cô gái, một người Việt (NT), một người Mỹ (NMP), cùng

thổ lộ tâm sự với mấy người bạn của tôi: “Thầy Mạnh mà còn trẻ thì em yêu

thầy ấy đấy”. Cô người Mỹ thì khi về nước có gửi thư điện tử cho Dương Thu

Hương và Nguyễn Thị Bình: “Ông Mạnh mà còn trẻ thì là một người nguy hiểm

đấy, em phải lòng ông ấy mất – cô viết tiếng Pháp (tomber amoureuse)

Không biết tôi có nên tự hào về cái duyên muộn mằn ấy không?

Có điều này thì tôi thật sự tự hào: những người đọc văn tôi và những học

trò nghe tôi giảng bài, đều nhận xét, đó là văn và lời giảng của một người chưa

già. Có lẽ con người tự nhiên của tôi nó thế: tôi không thích trò chuyện với

người già, dù những người gọi là già này có khi còn kém tôi đến dăm, bảy tuổi.

Họ cũng hay nói đùa đấy, nhưng vẫn là kiểu đùa của người già. Tôi chỉ thích

chơi với đám trẻ, ngồi tán chuyện với nhau, tưởng tượng ra những chuyện rất

tếu, nhiều khi vô nghĩa lý để cười với nhau một cách thoải mái.

Quan Hoa ngày 10 – 5 – 2006



Chương IV: Từ dạy học đến nghiên cứu,


tải về 3.53 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   23




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương