Chuyện phiếM ĐẠO ĐỜi tập VI nhà xuất bản hội nhà VĂn cùng một tác giả


“Sàigòn bây giờ trời mưa hay nắng?”



tải về 2.12 Mb.
trang17/25
Chuyển đổi dữ liệu23.08.2016
Kích2.12 Mb.
#26243
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   25

34. “Sàigòn bây giờ trời mưa hay nắng?”

Sàigòn bây giờ ai khóc thương ai?”

(Lê Uyên Phương – Khi Xa Sài Gòn)

(Ga 12: 7-8)

Mưa hay nắng, có là giọt nhớ/khóc thương ai? Nhớ và khóc, có là khóc tình mình bây giờ. Là, thương vay khóc mướn. Tình đời ai oán. Như, lời lẽ rất nức nở người nhạc sĩ vẫn kể lể, ở bên dưới:

“Sàigòn giới nghiêm, che kín đêm dài,

Sàigòn khói bay, Sàigòn nắng đổ,

Sàigòn đã buồn như trời sớm mai…”

(Lê Uyên Phương – bđd)

Sàigòn ấy. Tiếng khóc này. Vẫn là tâm tình khóc thương tựa hồ truyện kể, như ở dưới:

“Truyện rằng:

Đấng bậc tâm linh nọ, một hôm mon men đến trước lâu đài vua quan kia, mà chiêm ngắm.Vốn dĩ là bậc thày nổi tiếng khôn ngoan/nhân hậu, đi đâu cũng được mọi người kính nể, nên quan viên canh giữ đền/đài vẫn để mặc thày tiến thẳng đến trước mặt vua quan đang ngự triều ở chốn cao, để đưa ra vài câu mà lĩnh ý. Vua quan thoạt nhìn thấy, bèn quắc mắt, giựt giọng hỏi:

-Khanh kia, chừng như khanh muốn tâu lên trẫm điều gì đấy chăng?

-Thưa bệ hạ, thần đây chẳng có gì để thưa gửi, chỉ xin bệ hạ một chỗ trú chân nơi quán trọ này thôi.

-Ngươi bảo sao? Đây, mà là quán trọ ư? Ngươi có biết: đây là lâu đài quyền quý của ta không?

-Thưa bệ hạ, nơi này trước giờ vẫn là nơi nghỉ chân của mọi người dù giàu sang, cợ cực hay sung túc, vẫn đến đây để dừng chân dưỡng sức. Nhưng, ngài thấy đẹp nên mới sai ba quân chiếm nó rồi biến thành của riêng. Nay, nhân danh những con người tuy thấp cổ bé họng nhưng là chủ nhân ông khi trước, thần đây yêu cầu bệ hạ hãy trao trả tài sản này lại, để không chỉ một mình thần mà mọi người dân đen nghèo hèn đều được hưởng…

Truyện kể tưởng chừng như hư cấu, nhưng vẫn là sự thật, còn lập lại ở nhiều nơi. Truyện đưa ra những mẩu đối đáp/đấu đá rất khó lòng. Và cuối cùng, phần thắng vẫn về tay kẻ mạnh. Tài sản ấy, lâu đài nọ vẫn thuộc về kẻ có của lại đủ quyền để duy trì. Mọi dân đen nghèo hèn có kiện thưa, cũng chỉ như “con kiến mà kiện củ khoai”, làm sao thốt nên lời.

Nhưng, hôm nay, vẫn có chuyện thưa cùng thốt của người nhà Đạo, rất đáng trọng. Thưa, là thưa gửi với cha. Thốt, là thốt lên lời thỉnh nguyện xuất từ một giáo dân hạng thứ, như sau:

“Thưa cha,

Con có một người bạn khá thân, chị vẫn hằng tâm sự với con khá đủ điều, từ dân gian chuyện Đạo cho chí chuyện đời, không thiếu điều gì. Vừa qua, chị bảo với con, là: chị thấy xấu hổ và bực tức khi thấy nhiều cao ốc và di sản có giá trị rải rác khắp thế giới vẫn tập trung tại Bảo tảng viện và nhà thờ của Công giáo. Chị còn nói: Nếu Giáo hội mình đích thực là Hội thánh nghèo và là Giáo hội của người nghèo, thì hãy lập tức bán ngay các thứ ấy đi lấy tiền mà giúp đỡ những ai còn đang túng bấn, rất cần tiền. Cha nghĩ sao về lập trường này?” (Một người hỏi không buồn ký tên).

Đụng vào đề tài “Giáo hội nghèo”, hay còn gọi là Hội thánh của người nghèo cũng tựa như đụng phải bức tường thành kiên cố khá vững chắc. Khó lòng mà hy vọng có đổi thay. Trong lúc này. Chẳng thế mà, đức ngài thuộc “trường phái” Opus Dei, là vị “anh lờ em mờ” (Lm) John Flader ở Sydney đã có ngay một “lời đáp” khá quen quen, để giải trừ mọi thắc mắc cũng như cật vấn như sau:

“Như chị biết đó, chuyện mà người bạn của chị đề cập ở trên, tôi nghĩ đó là chuyện dài lịch sử, vẫn nổi lên các ý kiến phản chứng như thế. Ngay khi Maria, người chị của Mác-Ta và La-da-rô lấy dầu thơm đắt giá rưới vào chân Chúa, lập tức Giu-Đa Is-ca-riốt thấy ngứa mắt, đã buông ngay câu nói đi vào lịch sử, rằng: ” Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?"?” (Ga 12: 5).

Ở đây, ta nên nhớ: một đề-na-ri lúc ấy tương đương với một ngày lương của dân lao động bình thường. Xem thế thì, lọ dầu thơm mà Maria rưới vào chân Chúa tương đương cả một năm lao động, tức món đồ rất đắt giá, dưới cái nhìn của một nhà kinh doanh, hạch toán như Giu-đa.

Ghi lại Tin Mừng cho người về sau đọc, thánh Gioan đã có lời bình để nói thêm, rằng: thật ra, Giu-đa Is-ca-riốt cũng chẳng quan tâm đến cảnh tình của người nghèo gì hết. Và, thánh nhân viết: “Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung.” (Ga 12: 6)

Và theo hình thái nào đó, chính Đức Giêsu đã trả lời cho vấn nạn của bạn chị, ngay ở Tin Mừng: “Đức Giêsu phán: ‘Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu." (Ga 12: 7-8)

Trên đời này, nếu có người biết quan tâm đến người nghèo hơn ai hết, thì người ấy ắt là Đức Giêsu. Theo nghĩa rất đúng, Ngài là người nghèo đích thực lại xuất thân từ một gia đình nghèo, và chính Ngài cũng hạ sinh trong chuồng bò. Rồi còn, chịu đói chịu khát, rất nhiều năm. Thậm chí, không có chốn để tựa đầu, nữa.

Quả thật, với hơn 300 tiền đê-na-ri, người thời bấy giờ có thể làm được nhiều việc hơn để giúp đỡ người nghèo. Hoặc, cả việc giúp đỡ môn đồ của Ngài độ nhật vào lúc ấy. Nhưng, Chúa vẫn không phản đối Maria đã phung phí của Trời, mà rửa lau chân Ngài bằng thứ dầu thơm thượng hảo hạng như thế. Ngài còn nói:” Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu."." (Ga 12: 8)

Thành thử, trước nhất, những gì gắn liền với việc phụng thờ Chúa, ta vẫn nên rộng lượng như Maria. Quả thật thế, Hội thánh lâu nay vẫn làm như vậy, suốt mọi thời. Thế nên, khi thấy các ngôi thánh đường và đền đài của Hội thánh trên thế giới, tựa như Đền thánh Phêrô chẳng hạn, ta đều thấy là Hội thánh không hề hà tiện khi phải rút hầu bao chi tiêu xây cất công thự này khác để biến chúng thành “Nhà của Chúa”.

Tinh thần này luôn gắn liền với thánh sử ở Cựu Ước khi vua Đavít chỉ thị cho con trai mình là Salômôn hãy bỏ công xây cất Đền Giêrusalem để Chúa ngự. Dĩ nhiên, Đền thánh vua Salômôn xây, cũng gồm vật liệu tinh tế, khá đắt tiền. (x. 1Ký sự 22: 6-16; 1V 6: 8). Giả như Đền Thờ Chúa ngự được dùng vào việc phụng thờ Đức Chúa lại gồm các vật dụng đắt tiền, thì cũng nên xây những nơi những chốn trang trọng đắt giá để Chúa ngự cho xứng đáng.

Từ nhận định ấy, ta có thể nhìn vào các vật dụng gồm những lụa là/châu báu hầu trang hoàng Nhà Tạm hoặc để cử hành Tiệc Thánh Thể cho uy nghi xứng hợp, thì cũng nên biết rằng: Hội thánh lâu nay luôn rộng lượng. Theo quan niệm này, thì từ Nhà Tạm, cho chí Chén thánh, Hào Quang, đều được làm bằng những thứ đắt tiền như vàng, bạc mà không tiếc. Nói cho cùng, chẳng vật dụng nào hoặc tài nghệ khéo tay nào khả dĩ giúp ta vinh danh Đấng Chúa Tể càn khôn cho đủ. Cho xứng đáng.

Thánh Gioan Vianney, chánh xứ thành Ars, là đấng bậc chẳng bao giờ chịu tốn tiền để tu bổ thân xác phàm trần của mình, nhưng thánh nhân lại sử dụng những nào lụa là/nhung gấm hoặc những thứ đắt tiền để việc cử hành Thánh lễ cho xứng đáng.

Thật ra, thì tất cả chỉ là vấn đề mình chuyện có thương yêu thực sự hay không mà thôi. Tựa hồ như các người trẻ chẳng hạn, một khi họ bị đánh động bởi tình yêu rồi, họ sẽ chẳng kể gì đến chuyện bỏ tiền bạc/của cải và công sức ra cho người mình yêu, như mua sắm vàng bạc/đá quý cho hôn thê hoặc người tình mình. Hội thánh cũng thế, Hội thánh không ngại tỏ ra rộng lượng đối với “Người Tình của Mọi Tình Yêu” ở trần thế, là như thế.

Hơn nữa, cũng nên nhìn mọi châu báu quý giá của Toà Thánh và/hoặc coi các Thánh đường trên thế giới như di sản kế thừa của chung hết mọi người. Cho toàn thể con cái Chúa, kể cả những người nghèo đói túng thiếu nữa. Di sản kế thừa của Toà thánh không là tài sản tư riêng của một Giáo Hoàng hoặc phẩm trật Giáo hội nào như Hồng Y, Giám mục, dù các đấng là chủ quản Giáo phận ở trên cao, như Giáo phận La Mã, đi nữa.

Thật tình mà nói, mọi tài sản của Hội thánh, phần lớn là tặng vật do dân chúng dâng cúng lên Hội thánh, trong đó cũng có phần của người nghèo nữa. Đây là chuyện bình thường. Rất thường xảy đến cả vào thời hôm nay, mỗi khi giáo xứ hoặc giáo phận cần trùng tu/xây cất thánh đường này khác, mọi giáo dân giàu/nghèo đều cộng tác đóng góp như thế hế. Và khi công việc trùng tu/xây cất hoàn tất, thì không chỉ mỗi đấng chủ quản là Giám mục hay linh mục mới là người có công hoặc tự hào về thành quả ấy, mà là tất cả mọi người. Bởi, mọi người đều đã đóng góp tiền bạc, công sức hoặc tham gia bằng lời cầu. Tất cả đã gom góp những gì mình có, ngõ hầu làm sáng danh Chúa, để phụng thờ Chúa, mà thôi.

Hơn nữa, đây chính là nguồn vui cho dân con Chúa, kể cả những người nghèo, mỗi khi họ đặt chân đến viếng thăm toà thánh La Mã. Cả bảo tàng viện Vatican, cũng như các thánh đường, nguyện đường hoặc đền đài lớn nhỏ trên khắp thế giới. Đến, để thấy tận mắt những gì chính mình và con cháu mình đã đóng góp vào việc làm sáng danh/phụng thờ Chúa.

Đàng khác, phần lớn các tài sản và di tích lịch sử của Hội thánh vẫn nằm trong “kho báu” ấy, dù các đấng chủ quản quyết định bán đi cho tổ chức hoặc người nào khác, các di sản ấy vẫn không mất đi phần quan trọng của mọi người chúng ta, là những người thân của Giáo hội. Là chính Giáo hội.” (x. Lm John Flader, The Catholic Weekly 28/11/2010 tr. 12)

Thế đấy, là giải đáp của đấng bậc vị vọng, rất bài bản. Thế nhưng, bảo rằng: “Hội thánh đã và đang là thánh hội nghèo, của người nghèo”, ta nên hiểu đó là khẳng định chắc nịch, không cần bàn cãi gì cho nhiêu khê. Lễ mễ. Rất mất giờ. Chuyện nên bàn và cần nhắc ở đây, là chuyện: phải quan niệm Hội thánh, không chỉ và không như thánh hội của các đấng bậc cầm cân nảy mực, một thể chế rất giáo triều. Nhưng, chính là tôi/là bạn, là các thành viên Nước Trời, ở trần gian.

Thành thử, câu hỏi ở trên có thể và nên là câu hỏi mình/hỏi người, rằng: với tư cách là thành viên, là Hội thánh bằng xương bằng thịt, tôi và bạn, ta có sống nghèo hoặc sống giống như người nghèo, theo lời Chúa khuyên không?

Vậy thì, hỡ bạn và hỡi tôi, ta cứ tự hỏi xem mình có sống rủng rỉnh đến độ vẫn giàu và có, đủ mọi thứ? Đủ, từ vật dụng, tài sản cho đến tiền bạc, chỉ trừ mỗi một thứ cần có hơn cả, là: “tình thương” không? Và, của cải này, tiền bạc kia, có là “của“ tôi, mà thôi không? Nếu không thế, thì: của cải ấy là “của” ai? Của chùa hay của Chúa?

Để đầu óc bạn và tôi không quá bận về những thắc mắc nêu trên, cũng nên kể ở đây đôi ba giòng truyện kể để tôi và bạn được thư giãn, như câu truyện nhè nhẹ ở bên dưới:

“Truyện rằng:

“Vị Phật tử nọ, sau một tai nạn xe cộ khá nặng khiến thân thể anh bị dập nát, cũng mất mát nhiều. Duy có đôi chân của anh là được ghép bằng cái chân mới, của người khác. Tức, lấy từ di hài một người chết đã hiến tặng cho người còn sống, vẫn rất cần.

Không bị tàn tật, anh cũng mừng. Nhưng đêm đêm nhìn cái chân của người khác ghép vào người mình, anh không khỏi rùng mình và luôn nghĩ đến người đã tặng hiện giờ đang nằm dưới mộ phần xa vắng.

Một hôm, chịu không nổi nỗi day dứt ấy, anh bèn chạy lên chùa thăm sư phụ mình là một thiền sư để vấn kế và cũng để kể lại những ưu tư trăn trở của mình, cho bớt sầu. Vị hoà thượng nghe kể xong, bèn nhìn anh một hồi lâu, rồi mỉm cười và nói:

-Con sợ cái chân đó vì cho rằng nó không phải là của con ư? Nhưng con hãy tự hỏi, cái-chân-xưa-giờ-theo-con-từ-bé có đúng là của con không?

Từ lúc nghe sư phụ mình hỏi, người phật tử đã ngủ ngon hơn, không còn vương vấn nỗi sợ về những “của nợ” vẫn cứ dính theo mình, từ hồi bé.

Và, từ lúc biết được như thế, anh đem câu chuyện này kể hết cho bạn bè mình nghe, ngõ hầu mọi người cảm thông và hiểu được những gì là “của cải”, dù là của ai, nhà Đạo hay nhà Phật, vẫn thấy vui..

Và, người kể lại thêm một lời kết, rằng: kể từ đó, mình hiểu rõ chữ CỦA trong cụm từ “của cải”, với bạc tiền của mình. Và, của người. Dù, “mình” đó/người đó, có là Giáo Hội Phật giáo hay Hội thánh Công giáo, Chính thống, với Tin Lành. Và, cũng từ đó, mỗi người nghiệm ra điều này: ở đời này, dù chỉ một chữ thôi cũng đã là một trời, để ta suy tư. Huống chi là “của cải” châu báu “của” Nước Trời, là Hội rất thánh “của” Đức Chúa.

Lời cuối “của” tôi và “của” bạn, những người đang ngồi phiếm hôm nay, lại sẽ là thắc mắc/hỏi han “của” người nghệ sĩ trích dẫn ở trên, như sau:

“Sàigòn bây giờ trời mưa hay nắng

Sàigòn bây giờ cúi mặt xa nhau

Sàigòn bước ai gõ xuống đêm sầu

Sàigòn bóng nghiêng, Sài-gòn đứng đợi

Sàigòn bây giờ cúi mặt xa nhau.”

(Lê Uyên Phương – bđd)

Hỏi rằng “Sàigòn bây giờ, trời mưa hay nắng”, hoặc cũng hỏi: “Hội thánh ngày nay, vẫn nghèo như trước” có hay không? đó vẫn là những câu để hỏi, chỉ cho có. Có, người hỏi. Có, người trả lời, là vui rồi.

Bởi thế nên, nếu có bạn và tôi, ta hỏi ít nhiều gì, thì cũng chỉ nên hỏi, rằng: Sàigòn/Hội thánh, có còn tình người nữa chăng? Có còn nhiều người vẫn yêu nhau da diết nữa hay không? mà thôi. Và hôm nay, hỏi tức đã trả lời phần nào rồi. Trả (những) lời “của” bạn và “của” tôi, rất ý nghĩa. Rất phấn khởi. Dù lời trả ấy, chẳng là “của” tôi, hay “của” bạn, một chút nào.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn sống mà không hỏi

dù chỉ hỏi: Sàigòn/Hội thánh có giàu/nghèo-mưa/nắng,

như trước chăng?

___________________________________________________________________



35. “Hà Nội ơi, những ngày vui đã ra đi,”

Biết người có nhớ nhung chi,



Hết rồi giây phút phân ly…”

(Hoàng Dương – Hướng Về Hà Nội)

(1Pe 2: 17)

Nói về Hà Nội, như thành phố của cách xa, lưu luyến để hướng mắt, là nói như thế. Nhưng nếu lại nói về một Hà Nội nay đã đổi thay từ ngày trước, giờ đây chỉ còn lại trong ký ức của người đã ra đi, thì cũng nên nói như người trẻ vào buổi “Hát Cho Nhau Nghe” ở Sydney hôm ấy 5/3/2011, như sau:

“Theo em, nếu muốn tìm hiểu thêm về quá trình đổi thay, hay biến dạng; thậm chí là tiến trình qua đó có sự việc một thành phố bị xoá tên trên bản đồ thế giới đến thế nào, thì không gì bằng lắng nghe bản nhạc Việt viết về Sàigòn, Hà Nội. Một trong các bài nhạc tiêu biểu cho cung cách ấy là bài “Hướng Về Hà Nội” do nhạc sĩ Hoàng Dương sáng tác từ những năm trước 1954. Lúc ấy, Hà Nội của ông đã bắt đầu có dấu hiểu đổi thay, và ông kịp ghi lại hình ảnh đổi thay qua âm thanh và ca từ, trước khi nó chỉ là một hoài niệm.

Giống nhiều thành phố lớn trên thế giới, Hà Nội là thành phố cổ xưa có cả nghìn năm tên tuổi. Thế nhưng, khi nghe lại bài này, ta thấy nó không xưa cổ chút nào mà còn hiện đại nữa là đằng khác. Bởi, mỗi lần nghe các ca sĩ cất lên ca từ của bài này, ta càng nhận ra sự kết hợp hài hoà giữa hai khung cảnh cũ/mới vô cùng quyến rũ của Hà Nội thời tiền chiến. Nơi đây, cổ kính và hiện đại, tượng trưng cho quá khứ với tương lai, luôn bổ sung cho nhau. Bàng bạc trong ca từ của bài hát, là hình ảnh của một thời vàng son đã qua, xen kẽ với nét tân kỳ của người dân thành phố, lớp người luôn theo kịp nếp sống văn minh thế giới. Đó là những tà áo màu tung bay khắp phố, rồi lại đến ‘ánh đèn giăng mắc muôn nơi’, toả ánh văn minh đến khắp mọi miền.

Thì ra, linh hồn của một thành phố cổ xưa không toát ra từ những mái tường rêu phong đổ nát, hay từ các ‘quán cóc liêu xiêu’ nghèo nàn, như một số ca khúc sau này viết về Hà Nội. Mà nó được hun đúc từ vô số âm thanh được thể hiện qua cung cách sinh hoạt hiện đại của người dân thị thành. Chính điều này đã tạo nên sinh khí cho thành phố. Thiếu nó, thành phố cổ chỉ là bảo tàng viện không sức sống, cứ thoi thóp chờ ngày bị đào thải khỏi cuộc chơi. Với ý nghĩ ấy, tác giả thầm tiếc cho một giá trị tinh thần sắp sửa biến mất, một giai cấp tiểu tư sản, đại diện cho thế hệ con dân ưu tú nhất của đất nước, đã lũ lượt bỏ đi không hẹn ngày trở lại. Bài hát của ông đã phác hoạ tuyệt vời cảnh Hà Nội bị giằng xé giữa những dằn vặt nội tâm của hai lớp người đi và ở, giữa cũ và mới. Hà Nội trong tâm tưởng của ông tuy thật gần mà cũng thật xa cách, tách rời. Nó luôn ẩn chứa cái ngọt ngào của bản tình ca, lẫn cái não nùng của sự chia lìa đến vĩnh viễn. Người ở lại phải giấu nó xuống tận đáy lòng, người ra đi cứ phải hát mãi những lời réo gọi tháng ngày đã lùi dần vào dĩ vãng.

Cuối cùng, ông chọn ở lại, bám lấy mảnh đất thân yêu cho đến hơi thở cuối cùng. Từ đó đến nay, suốt hơn 60 năm dài đằng đẵng, ông đã ẩn mình dạy hồ cầm trong nhạc viện Hà Nội, chưa từng rời xa Hà Nội. Và, người yêu nhạc, vì thế, sẽ mãi mãi được thưởng lãm bài “Hướng về Hà Nội”, để người mình tự hào về một Hà Nội với bề dày cả ngàn năm văn hiến. Đồng thời, sẽ khiêm tốn đón nhận và dung hoà với các luồng văn hoá khác trên thế giới, để Hà Nội có thể đứng vững hơn, trước ngưỡng cửa của thiên niên kỷ mới. Đáng tiếc thay, Hà Nội nay đã thay hình đổi dạng, không còn chút gì giống với Hà Nội trong bài nhạc của Hoàng Dương nữa. Vậy thì, có gì bền vững với thời gian không? Chỉ tiếng guốc khua thôi cũng chắng bao hàm một nghĩa lý gì? Vậy thì tại sao người người vẫn lấy làm buồn mỗi khi nghe lại ca khúc ấy?” (trích lời giới thiệu bài “Hướng Về Hà Nội” của Anthony Việt Quốc đêm nhạc “Hát Cho Nhau” với chủ đề “Muôn thuở còn yêu”)

Nếu bạn và tôi, ta những nói về Hà Nội hay nơi nào, như khung trời thời buổi trước, chắc hẳn người người sẽ còn nói và hát nhiều hơn nữa, để coi đó như một phấn chấn, bổn phận, cần gìn giữ. Thế thì, mời bạn và mời tôi, ta cứ nghe và cứ nói thoải mái, vô tư. Hiền từ. Như thường lệ. Nói và hát, một đôi câu còn vương vấn ở đâu đó:

“Hà Nội ơi, nước hồ là ánh gương soi,

Nắng hè tô thắm lên môi, thanh bình theo guốc reo vui.

Hà Nội ơi, kiếp đời muôn hướng buông trôi,

Nhớ về người những đêm rơi,

Nhắn theo ngàn cánh chim trời…”

(Hoàng Dương – bđd)

“Kiếp đời muôn hướng”, “Nhớ về người những đêm rơi”, “theo cánh chim trời”, vẫn là tình tự thân thương của mọi người, ở đời thường. Những người, vẫn chú trọng vào cái hay/đẹp của mọi thời, rất muôn thuở. Với nhà Đạo, “Nắng hè tô thắm lên môi”, “nước hồ là ánh gương soi”, là tâm tư lập trường, về cuộc sống. Sống gắn bó, với thời buổi như chưa một lần rời bỏ. Rời, thành phố. Xa, thánh Hội vì lãng quên. Bất đồng. Phẫn uất?

Vì gì đi nữa, vẫn là những tình tự mà người nghệ sĩ trên từng nhớ đến, nên đã hát:

“Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xưa,

mắt buồn lồng những đêm mưa,

Não nùng mây gió đong đưa.

Hà Nội ơi, nỗi lòng gởi gấm cho nhau,

nhớ hoài chỉ biết thương đau,

đắng cay chờ những kiếp sau.”

(Hoàng Dương – bđd)

Nơi Hội thánh, có người vẫn nhớ và cứ thương, nên đã “hướng về thành phố xa xưa”, có “mắt buồn lồng những đêm mưa.” Mưa trong mắt, vì vẫn còn đó tâm tình của “mây gió đong đưa”, “Não nùng mây gió” ở đâu đó. Nơi, từng quan niệm về một Thánh hội có động thái không hài lòng. Đến độ thốt lên:

“’Luật lệ ở Anh nay không còn dành chỗ cho niềm tin Kitô-giáo nữa, dù Đạo này từng có mặt nhiều thế kỷ, ở đây’, đó là khẳng định của hai thẩm phán khi đưa ra phán quyết không cho phép vợ chồng Eunice và Owen Johns được quyền bảo dưỡng trẻ có tuổi từ 5 đến 10 nữa, chỉ vì lý do hai người “không đề cao lối sống đồng tính luyến ái” cho con trẻ.

Trước phán quyết này, hai vợ chồng chỉ nói: ‘Thật ra, điều chúng tôi muốn làm là tình nguyện giúp trẻ em cần bảo dưỡng, có được cơ ngơi tình người, nhiều xót thương. Hồ sơ của chúng tôi đầy đủ các đặc trưng kinh nghiệm làm cha mẹ bảo dưỡng đúng qui cách. Thế nhưng, lý do dẫn đến việc này, là bởi sự việc chúng tôi là Kitô hữu vốn có cái nhìn chính đáng của Đạo về chức năng tình dục, thế nên rõ ràng là bọn tôi không còn thích hợp với vai trò làm cha làm mẹ bảo dưỡng như thế nữa. Các vị chánh án đây lại cứ nghĩ rằng lập trường sống của chúng tôi có thể gây hại cho con trẻ. Thêm vào đó, Ủy Ban Bảo Vệ Nhân Quyền và Cơ Hội Đồng Đều bảo cho chúng tôi biết là: lập trường đạo đức của chúng tôi có thể gây ‘độc hại’ cho con trẻ. Chúng tôi không tin như thế. Chúng tôi lâu rày được chuẩn bị để yêu thương và đón nhận bất cứ mọi bé. Điều mà chúng tôi không muốn làm là cứ buộc phải nói cho trẻ biết chuyện sống đồng tính luyến ái là điều tốt, không sao hết. Chúng tôi không đồng ý chuyện ấy.”

Hai vị thẩm phán ở Toà Thượng Thẩm nước Anh có nói: nước Anh là một xã hội đa-văn hoá và ‘trần tục’, trong đó luật lệ của vương quốc này không bao hàm một sinh hoạt Kitô giáo nào hết. Hai vị nhấn mạnh rằng: nhiều người ‘không hiểu’ là xã hội Anh thực sự không còn dành chỗ cho Kitô-giáo’ nữa. Dù rằng lịch sử từng chứng mình rằng nước này thuộc thành phần Kitô giáo phương Tây, và dù họ từng có giáo hội là Kitô giáo được thiết lập từ lâu, nay có nhiều đổi thay trong đời sống tôn giáo và xã hội, ở thế kỷ vừa qua.” (x. Michael Kirke, Christianity is so yesterday, says UK high court, MercatorNet 02/3/2011)

Thật chẳng rõ, nhạc sĩ Hoàng Dương có là Kitô hữu, hay không. Và, cũng chẳng hiểu: ông có lòng mộ Đạo nhiều hay ít. Nhưng, nếu ông còn sống đến hôm nay, lại nghe được lời nhận định rặt như thế, hẳn ông sẽ thêm vào câu hát trên, chỉ một chữ Kitô giáo thay vì Hà Nội, rồi mới hát:

“Một ngày, mùa chinh chiến ấy,

Chim đã xa bầy mịt mờ bên trời bay

Một ngày tả tơi hoa lá, ngóng trông về xa,

luyến thương hình bóng qua.”

(Hoàng Dương – bđd)

“Luyến thương hình bóng qua”, chỉ là những luyến và thương những tháng ngày Hội thánh từng sống ở đời nhưng chưa là và vẫn không là “hình bóng”, để người nhạc sĩ đây, vị chánh án ấy, phải kêu lên như thế. Tuy không hề “ngóng trông về xa”, mà “luyến thương hình bóng qua”, nhưng không là sự thật rất thực, mà chỉ là:

“Một ngày, tàn cơn chinh chiến,

lửa khói lăn chìm, tìm về nơi bờ bến

một ngày hồng tươi hoa lá,

hát câu tình ca nói lên lời thiết tha.”

(Hoàng Dương – bđd)

“Nói lời thiết tha”/tha thiết, tức: phải nói đúng, nói thật, những sự thật từng phơi bày trước mắt. Nói thật, là nói: Hội thánh lâu nay vẫn cứ là cái bung xung để mọi người nhắm vào đó mà tranh chấp, úy kỵ. Kỳ thực, Hội thánh Chúa vẫn là thánh hội đứng vững sau bao thăng trầm của sự sống.

Thế giới, có nhìn Hội thánh bằng ánh nhìn khác biệt, thì ánh mắt và tầm nhìn của thế giới, nay vẫn mang tính úy kỵ Uý và kỵ, là bởi Hội thánh trước sau vẫn cứ nhìn thế giới bằng ánh nhìn thiếu thiện cảm. Mất cảm thông. Thế nên, luôn có sự căng thẳng, giằng co, tranh đấu từ hai phía. Căng thẳng, vì Hội thánh không yêu thế giới như Thiên Chúa thương yêu loài, từ muôn đời. Chẳng thế mà, thành viên nọ của thánh hội Đức Kitô nay nhận định về sự căng thẳng ở trên, nên mới bảo:

“Nhờ Công Đồng Vatican II, Hội thánh không còn công khai lên án thế giới nữa. Hội thánh đã tự mở lòng mình, ít ra là trên nguyên tắc, để đi vào cuộc đối thoại với thế giới nhân trần. Tuy là thế, Hội thánh hôm nay có nhiều khuynh hướng cho thấy còn đó khía cạnh tiêu cực đối với nhân trần. Khuynh hướng nhìn thế giới hiện tại như một thảm bại không thể hàn gắn. Khuynh hướng này, muốn tái tạo một Đạo giáo mới của Đức Kitô, trong đó Hội thánh mới sẽ sống các khía cạnh của đời người nhưng lại không muốn dính dự vào thế giới quanh mình. Trong khi đó, có những người -trong số này có cả tôi- vẫn tin vào lời mời gọi Hội thánh sống như men trong bột, là thế giới. Có như thế, Hội thánh mới hoạt động hữu hiệu trong lòng thế giới ngõ hầu tạo dựng không phải Hội thánh mới mà là xã hội mới. Xã hội của thiên niên kỷ thứ ba, đã diễn ra.” (Armand Vielleux, đan sĩ Xitô Scourmont, Bỉ)

Vị nào tìm cách sống “ngoài thế giới” lại nghĩ là mình đang ở trong ‘thế giới đặc biệt của Chúa’ sẽ thấy rằng mình đang tìm kiếm Chúa. Điều đó có nghĩa: tìm Chúa ở đâu đó, nên chưa gặp. Họ vẫn tìm Chúa ở nơi xa, nên khó lòng. Điều lạ kỳ hôm nay, là: người người chấp nhận rằng: không nên kiếm tìm Chúa làm gì, bởi có tìm cũng chẳng gặp. Bởi Chúa đã tìm ra mình rồi. Đã gặp mình, ngay trong cuộc sống thường nhật, mà người đời gọi đó là “thế giới” nhân trần.

Quả thế. Chúa vẫn tìm ta và Ngài đã gặp. Ngài gặp ta, trong công việc hằng ngày, ở huyện. Có gặp ta, Chúa mới tỏ cho ta biết nhiều sự việc ở đời thường, trong đó có chuyện về Chúa. Nói về Chúa. Cả những chuyện thời đại, ta đang sống nữa. Những chuyện và những sự, mà chẳng ai hỏi hoặc lên kế hoạch để gặp Chúa. Dù không lên kế hoạch, nhưng người người chắc vẫn nhận và vẫn biết rằng: Chúa vẫn tìm, và vẫn gặp.

Người người đều biết Thiên Chúa là Chúa của niềm vui tươi, kỳ diệu. Điều lạ này, khác với những gì ta nghe biết, từ thuở trước. Nghe rằng: Chúa chỉ yêu nếu ta chứng tỏ mình là người tốt. Nghe và biết, rằng: Thiên Chúa cao xa vời vợi thật khó đạt. Ta chỉ đạt đến Ngài sau khi chết, mà thôi.

Mặc dù thế, điều mới lạ ở đây, hôm nay, là: Chúa đến với ta trong khuôn khổ hạn hẹp cuộc đời, là thế giới. Thế giới, có đủ niềm vui/nỗi buồn, thật không thiếu. Vẫn không ngờ. Không thiếu và cũng chẳng ngờ rằng: những chuyện khiến ta thay đổi lối nhìn về Hội thánh và thế giới, là ngày nay nếu muốn gặp Chúa, vẫn nên đi vào cuộc đời, mà tìm kiếm. Thay và đổi, còn ở chỗ: Chúa tìm gặp người đời không chỉ trong Hội thánh thôi, mà cả ở ngoài đời. Nơi thế giới. Thay và đổi, để rồi sẽ nghe lời thánh nhân, vẫn thường nói:

“Hãy tôn trọng mọi người;

Hãy yêu mến anh em;

Hãy kính sợ Thiên Chúa,

hãy tôn trọng vua.”

(1Pe 2: 17)

Nếu thánh Phêrô còn sống đến hôm nay, hẳn ngài sẽ không còn khuyên bảo mọi người trong Hội thánh hôm nay: hãy tôn trọng không chỉ mình vua thôi, mà là tôn và trọng cả thế giới. Từ trên xuống dưới. Tôn trọng mọi người trong thế giới và coi họ như có Chúa ở bên trong, rồi cứ thế mà vui sống. Vui mà sống, như truyện kể nhè nhẹ ở bên dưới để minh hoạ một sự thật rất thực, như sau:

“Ngày nọ, có một đan viện phụ Dòng Khổ tu tìm đến một vị tu sĩ Ấn Giáo tại chân núi Himalaya. Với tất cả ưu tư phiền muộn, vị đan viện phụ trình bày về tình trạng bi đát của tu viện do ông chủ trì. Khi trước, tu viện này là một trong những trung tâm thu hút không biết bao nhiêu khách hành hương. Nhà nguyện lúc nào cũng vang tiếng hát của các tu sĩ và giáo dân đến từ khắp nơi. Các căn phòng lúc nào cũng có người ở... Nay tu viện trở thành một ngôi chùa trống vắng. Làn sóng những người trẻ tìm đến tu viện hầu như tắt lịm. Nhà nguyện vắng kẻ ra người vào. Một số tu sĩ còn lại sống uể oải buông thả... Vị viện phụ muốn hỏi tu sĩ Ấn Giáo: đâu là nguyên nhân đã đưa đến tình trạng này? Phải chăng vì tội lỗi tày đình nào đó mà bàn tay Chúa đè nặng lên cộng đoàn?

Sau khi nghe đức viện phụ kể, vị tu sĩ Ấn Giáo ôn tồn nói: "Cái điểm yếu của cộng đoàn: đó là sự vô tình". Vị tu sĩ Ấn Giáo giải thích như sau: "Ðấng Cứu Thế đã cải trang thành một người phàm ở giữa chư vị, nhưng chư vị vô tình không nhận ra Ngài".

Nghe tu sĩ Ấn Giáo giải thích, đức viện phụ bèn hối hả trở về tu viện, lòng ông miên man tự hỏi: "Ai là người được Ðấng Cứu Thế đang mượn hình dáng để trở lại với loài người?" Cả tu viện có không đầy mười người. Ðấng Cứu Thế không thể là chính ông, vì ông tự biết mình là con người tội lỗi yếu hèn. Nhưng ông cũng biết rõ các tu sĩ khác trong tu viện: có người nào toàn vẹn để Ðấng Cứu Thế mượn hình dáng? Nhưng, ông vẫn tin lời của vị tu sĩ Ấn Giáo xác quyết rằng Ðấng Cứu Thế đang cải trang thành người nào đó sống trong cộng đoàn...

Với niềm xác tín ấy, ông quy tu tất cả các tu sĩ lại và loan báo cho mọi người biết rằng Ðấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà mình. Ðôi mắt của mỗi người mở to và ai cũng bắt đầu dò xét từng người trong nhà. Có điều chắc chắn là: vì Ðấng Cứu Thế đã cải trang, nên không ai nhận ra Ngài được. Thành ra mỗi người trong nhà đều có thể là Ðấng Cứu Thế... Từ đó, ai ai cũng đối xử với nhau như với chính Ðấng Cứu Thế. Chẳng mấy chốc, bầu khí yêu thương, huynh đệ đã trở lại với tu viện. Sự thánh thiện ấy chẳng mấy chốc lan đi khắp nơi. Các tín hữu từ khắp nơi trở lại tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều người trẻ cũng đến gõ cửa Nhà Dòng...

Nếu mọi người, ai cũng nhìn nhau và đối xử với nhau như với chính Chúa Giêsu, thì chiến tranh hận thù sẽ không có lý do tồn tại trên mặt đất này. Sự vắng bóng của Thiên Chúa trong xã hội, hay đúng hơn sự vô tình của con người không nhận ra Thiên Chúa trong cuộc sống: đó là đầu mối của mọi thứ bất hòa, chiến tranh, xáo trộn trong xã hội.

Chối bỏ Chúa cũng có nghĩa là chối bỏ con người. Sự băng hoại của xã hội xây dựng trên chủ thuyết vô thần là một bằng chứng hùng hồn về hậu quả của sự chối bỏ Thiên Chúa. Khi con người chối bỏ Thiên Chúa, con người cũng chà đạp con người.”

Người kể truyện hôm nay lại rút ra bài học cho cuộc sống, ở thế giới nhân trần. Bài học ấy, người nghệ sĩ trên từng viết thành giòng chảy âm nhạc, rất nghe quen, rằng:

“Hà Nội ơi, biết người còn có trông mong,

Hướng về ai nữa hay không

những ngày xa vắng bên sông.

Hà Nội ơi, những chiều sương gió dâng khơi

Có người lặng ngắm mây trôi,

Biết bao là nhớ tơi bời.”

(Hoàng Dương – bđd)

Nhớ Hà Nội, là nhớ Hội thánh và nhớ thế giới của một thời. Thời, có những giòng chảy yêu thương, đầm ấm rất tình người. Ở muôn nơi.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn nhớ Hà Nội quê mình

như Hội thánh, rất yêu đời.

Yêu thế giới cũng rất người.

___________________________________________________________________



tải về 2.12 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   25




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương