BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 10 tháng 9 năm 2012)


XÂY DỰNG Hỗ trợ hộ nghèo xây dựng trên 18.000 căn nhà



tải về 267.6 Kb.
trang10/10
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích267.6 Kb.
#29349
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

XÂY DỰNG

Hỗ trợ hộ nghèo xây dựng trên 18.000 căn nhà


Ngày 7/9, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167 của Thủ tướng về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ xây dựng 18.014 nhà, đạt tỷ lệ 123,95% so với Đề án ban đầu (14.533 nhà), kinh phí 516,192 tỷ đồng.
Các ngôi nhà được xây dựng đều có kết cấu đảm bảo chắc chắn, đủ tiêu chuẩn nhà cấp 4, diện tích tối thiểu 24m2, có công trình phụ, tuổi thọ trên 10 năm.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu Sở LĐ-TB-XH tiếp tục thực hiện nhiệm vụ là cơ quan thường trực chỉ đạo thực hiện Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở giai đoạn 2012-2015 trên địa bàn tỉnh. (Chinhphu.vn 7/9)Về đầu trang

NÔNG NGHIỆP

Tây Trà: Heo dự án chết hàng loạt


1 năm qua, nếu nuôi heo thường cũng được 3 lứa, tính trung bình mỗi lứa 5 con, thì lợi nhuận ít nhất cũng trên 10 triệu đồng. Trong khi đó nuôi heo ky của dự án đã tốn tiền nuôi mà chẳng thấy lợi nhuận đâu.
Từ nguồn vốn 30a, tháng 8/2011, UBND huyện Tây Trà giao cho Trạm Khuyến nông huyện triển khai mô hình nuôi heo ky (heo rừng lai) ở 2 xã Trà Lãnh (50 con/5 dãy chuồng) và Trà Thọ (50 con/5 dãy chuồng), với tổng số vốn đầu tư trên 1,3 tỷ đồng. Trong đó tiền xây dựng chuồng trại 690 triệu đồng, tiền mua 100 con heo ky giống là 540 triệu đồng, còn lại là kinh phí tập huấn, mua thức ăn hỗ trợ...
Đến cuối năm 2011, khi hoàn tất nơi nhốt và thả con giống, Trạm Khuyến nông huyện bàn giao lại cho UBND xã theo dõi, quản lý. Ban đầu mỗi dãy chuồng (5 ô/dãy) nhốt 10 con (2 con/ô) và giao cho 10 hộ nuôi chung. “Thế nhưng sau đó 90 hộ bỏ cuộc nên mỗi dãy chỉ còn 1 hộ nuôi”, ông Bùi Dương Khôi - Trưởng trạm Khuyến nông Tây Trà cho biết.
Ông Hồ Văn Giới (thôn Trà Dinh, xã Trà Lãnh) cũng cho biết, 1 năm trước ông được cấp nuôi 10 con heo ky giống, ông than thở: “Dù đã chăm sóc rất kỹ và tốn gần 13 triệu đồng để mua cám cho ăn, thế nhưng heo cứ chết dần. Đến nay chỉ còn lại 4 con, nặng 50-60kg/con và 2 con heo nhỏ vừa đẻ được hơn 1 tháng. Tôi sợ số còn lại sẽ tiếp tục chết nên muốn bán để lấy lại chút ít tiền thức ăn đã bỏ ra, nhưng ngại cán bộ không cho. Giờ không biết phải làm sao với số heo này”.
Theo ông Giới, 1 năm qua, nếu nuôi heo thường cũng được 3 lứa. Tính trung bình mỗi lứa 5 con, thì lợi nhuận ít nhất cũng trên 10 triệu đồng. Trong khi đó nuôi heo ky của dự án đã tốn tiền nuôi mà chẳng thấy lợi nhuận đâu. Nhiều hộ còn heo ky đã bỏ mặc không chăm sóc để gầy trơ xương. Các ông Hồ Văn Chuẩn, Hồ Văn Thanh sau hơn 4 tháng tham gia dự án, toàn bộ 20 con heo của họ chết sạch, 2 dãy chuồng trại bỏ cỏ dại phủ kín.
Theo UBND 2 xã trên, hiện tại số heo dự án còn lại chưa đầy 30 con. Nguyên nhân heo chết do người dân không quen nuôi theo kiểu nhốt chuồng như thế. Một số khác dù đã được cán bộ trạm tập huấn, hướng dẫn nhưng chăm sóc kém, vệ sinh chuồng trại không đảm bảo dẫn đến heo chết nhiều.
“Hiện với số heo còn sống, Trạm Khuyến nông cũng không biết phải đề xuất với huyện xử lý ra sao”, ông Khôi bày tỏ. Sự lúng túng này hoàn toàn dễ hiểu. Bởi lẽ nếu đem bán thì số chuồng trại đã xây trị giá gần 700 triệu đồng không biết sẽ sử dụng để làm gì. Nhưng nếu tiếp tục duy trì thì với cách nuôi trên, số heo còn lại khó mà tồn tại. (Nông Thôn Ngày Nay 7/9, tr10)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG

Hội An – Thành phố “Ngày không khói xe” đầu tiên ở Việt Nam


Sáng 9/9, tại thành phố Hội An, diễn ra sự kiện “Ngày không khói xe” lần thứ nhất và “Ngày không túi ni lông”.
Sự kiện bao gồm các hoạt động như diễu hành xe đạp của khoảng 300 người; triển lãm, trưng bày ngoài trời các hình ảnh, thông tin về “Ngày không khói xe và giao thông bền vững; Đổi túi ni lông, lấy túi sinh thái” tại 5 điểm chợ; hội thi vẽ tranh thiếu nhi với chủ đề “Đường đi học an toàn” với sự tham gia của hơn 40 học sinh...
Hội An là thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia phong trào Ngày không khói xe - Car Free Day (CFD). Ngày không khói xe được phát động lần đầu tại TP La Rosshelle (Pháp) vào năm 1997 và đến nay, đã lan rộng ra cả thế giới với sự tham gia của 2.268 thành phố tại 40 quốc gia. (Người Lao Động 10/9; Thanh Niên 10/9, tr2; Website Đảng Cộng Sản 9/9; An Ninh Thủ Đô 10/9, tr2; Pháp Luật Việt Nam 10/9, tr2; Thể Thao & Văn Hóa 10/9, tr17; Kinh Tế & Đô Thị 10/9, tr7; Tin Tức 10/9, tr6; Quân Đội Nhân Dân 10/9, tr8) Về đầu trang

PHÁP LUẬT

Tam Kỳ: "Phù phép" nông dân thành giáo viên


Lợi dụng sơ hở trong quản lý của nhà trường, một giáo viên đã “phù phép” 27 nông dân, nội trợ, tiểu thương thành giáo viên.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh, từ năm 2005-2006, khi đang làm giáo viên kiêm thủ quỹ tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám (phường An Sơn), bà Lê Thị Hồng (SN 1965, trú phường An Mỹ) đã lợi dụng sơ hở trong quản lý của Hiệu trưởng Nguyễn Công Minh để thực hiện hành vi lừa đảo vay tiền từ các ngân hàng bằng hình thức tín chấp rồi chiếm đoạt chi dùng cá nhân.
Cụ thể, lợi dụng thời điểm các ngân hàng thương mại cho vay tín chấp hưởng lương, bà Hồng đã đứng ra làm thủ tục vay tín chấp cho giáo viên của Trường Tiểu học Lê Văn Tám.
Trong quá trình vay, bà Hồng “phù phép” cho 27 người dân (làm đủ mọi nghề, từ buôn bán tự do, nội trợ cho tới nông nghiệp) thành giáo viên thuộc biên chế của nhà trường để vay tín chấp ngân hàng. Để thực hiện được quy trình này, bà Hồng đưa cho hiệu trưởng trường ký khống các giấy tờ đề nghị vay vốn rồi sau đó điền tên 27 người vào.
Ngày 6/9, Công an tỉnh khởi tố Lê Thị Hồng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Hiệu trưởng Nguyễn Công Minh bị khởi tố về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Qua điều tra, trong 27 hợp đồng vay, đến thời điểm hiện nay có 15 hợp đồng hoàn trả xong cả gốc và lãi cho các ngân hàng với số tiền trên 362 triệu đồng, 12 hợp đồng chưa thanh toán với tổng số tiền gốc gần 273 triệu đồng, tiền lãi trên 85 triệu đồng.
Còn tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản - một trường chuẩn của tỉnh, theo kết quả kiểm tra của Tổ kiểm tra liên ngành thành phố, trong thời gian làm Hiệu trưởng, ông Lương Văn Sơn đã làm cho trường này nợ đọng lên đến 200 triệu đồng, trong đó có gần 100 triệu đồng là các khoản chi sai quy định (như chi trả lương, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn, văn nghệ, phụ cấp ưu đãi…).
Trong số tiền chi sai này, riêng khoản chi phụ cấp ưu đãi đã là 86.747.886 đồng, trong đó ông Sơn bị đề nghị thu hồi 47.352.831 đồng.
Từ tháng 9/2010, UBND thành phố Tam Kỳ đã có văn bản số 1232 chỉ đạo thu hồi vào ngân sách số tiền trên đồng thời đề nghị Phòng Nội vụ thành phố tham mưu để làm rõ trách nhiệm của cá nhân ông Sơn cùng một số cán bộ tại trường.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay mới chỉ thu hồi được 1.310.000 đồng (tiền chi trùng bảo hiểm tai nạn và văn nghệ), các khoản khác vẫn chưa thu được. Đặc biệt các cá nhân chưa bị một hình thức kỷ luật nào.
Với sai phạm của các trường như trên, vào tháng 10/2010, ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Tam Kỳ được điều động về công tác tại nơi khác. Tuy nhiên ngày 10/8/2012 vừa qua, ông Sơn lại được điều động quay trở lại làm Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Tam Kỳ.
Việc ông Sơn được điều động quay trở lại Tam Kỳ đã gây bức xúc trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng nếu như vậy thì dường như ông Sơn không phải chịu trách nhiệm gì trong việc lãnh đạo các trường làm sai, dù ông là người quản lý họ. (Gia Đình & Xã Hội 7/9, tr13)Về đầu trang

VĂN HÓA

Mì Quảng lọt danh sách 12 món ăn Việt được xác lập Kỷ lục châu Á


Ngày 30/8, tại Ấn Độ, Tổ chức Kỷ lục châu Á chính thức công nhận và xác lập thêm hai món ăn ngon nổi tiếng nữa của Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á là món Mì Quảng và Bún bò Huế.
Ngoài ra, Tổ chức Kỷ Lục Việt Nam - Vietkings cũng đã tiếp tục đề cử bổ sung với Tổ chức Kỷ lục châu Á thêm hai món ăn đặc sản của các tỉnh phía Bắc là Bún cá rô đồng (tỉnh Hải Dương) và Chả mực Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). (Vietnamplus.vn 7/9; TTXVN 7/9; Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh 8/9, tr2; Tuổi Trẻ 8/9, tr13; Tin Tức 8/9, tr12; Bảo Vệ Pháp Luật 10/9, tr9)Về đầu trang

GIÁO DỤC

Duy Xuyên: Ngôi trường cưu mang học sinh lầm lỡ


Mấy năm trở lại đây, Trường THPT Lê Hồng Phong ở huyện Duy Xuyên đã cảm hóa được nhiều học sinh quậy phá, lầm lỡ trở lại con đường học vấn để tiếp tục vươn lên
Thầy giáo ưu tú Trần Cang, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong cho biết, đầu năm học 2009-2010, trường nhận được đơn xin nhập học của em Trần Thị Lệ P., đang học ở một trường khác. Trong khi đó, nhiều người ở địa phương biết P. là cô học trò ăn chơi, nhiều lần gây gổ đánh nhau với các học sinh khác. Không những thế, P. đã sinh con khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Thầy Cang cho biết do không thể nhận nên thầy đã khuyên em P. xin vào học ở một trung tâm giáo dục thường xuyên. Sau đó, nhiều lần em P. đến cầu xin và tâm sự với thầy hiệu trưởng rằng: “Em còn con nhỏ, nếu đi học xa sẽ không chăm sóc con được”. Hiểu được nỗi lòng của P., thầy Cang đã thuyết phục ban giám hiệu trường nhận P. vào học.
Tuy nhiên, khi nhận P. vào trường lại gặp khó khăn khác, không thầy cô nào dám nhận P. vào lớp mình vì sợ ảnh hưởng đến thành tích của lớp. Cuối cùng, thầy Cang cũng thuyết phục được cô Lê Vũ Nữ Thuyền Quyên nhận P. Không phụ lòng thầy cô, P. đã cố gắng vừa nuôi con vừa học và hiện đang là sinh viên năm cuối của Trường CĐ Y tế Đà Nẵng.
Kể từ khi nhận P. vào học, số lượng học sinh cá biệt của các trường khác đến xin vào trường tăng lên. Năm học 2010-2011, Trường THPT Lê Hồng Phong tiếp nhận hơn 10 học sinh “đặc biệt”. Trong đó, em Trần T. vừa đi cai nghiện về, em Nguyễn Minh L. bị tòa án xử 5 tháng tù cho hưởng án treo về tội trộm cắp... Vì sợ con em của mình bị nhiễm cái xấu, nhiều phụ huynh kéo đến trường phản đối. Thế là một lần nữa, ban giám hiệu phải tổ chức buổi họp với phụ huynh để giải thích, động viên.
Thầy Cang cho biết để giáo dục được những học sinh cá biệt này cần phải có phương pháp mềm dẻo, giao cho giáo viên có nhiều kinh nghiệm. Nhờ vậy, trường đã cảm hóa hàng chục em lầm lỡ, quậy phá, giúp các em trở lại học hành, tiến bộ. (Người Lao Động 9/9) Về đầu trang

XÃ HỘI

Palm Garden Hội An xin lỗi vì… “quên” Hoàng Sa, Trường Sa


Đại diện Ban lãnh đạo Khu du lịch Palm Garden Hội An vừa có văn bản phản hồi về bài viết “Khu du lịch 5 sao “quên” Hoàng Sa, Trường Sa?” đăng trên Báo điện tử Infonet ngày 3/9.
Ông Trương Minh Toàn - Giám đốc kinh doanh Khu du lịch thừa nhận sai sót được tác giả nêu trong bài viết là do lỗi ngay ở khâu thiết kế brochure (có in hình bản đồ Việt Nam) để quảng bá cho khu du lịch, nhân dịp Lễ tổng kết 15 năm ngành du lịch tỉnh Quảng Nam.
Theo ông Toàn, khi duyệt một số mẫu brochure được in ra, Ban giám đốc Khu du lịch đã nhanh chóng phát hiện việc thiếu vắng của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam nên sau đó đã yêu cầu tiêu hủy ngay số brochure bị lỗi, đồng thời cho thiết kế, chỉnh sửa lại hoàn chỉnh mẫu brochure mới. (Infonet.vn 7/9)Về đầu trang

Núi Thành: Nữ công an thôn nặng lòng với nghề


Gần đây, một số công an thôn, xã đánh người gây tử vong đã làm dư luận có cái nhìn thiếu thiện cảm về đội ngũ này. Với chị Trần Thị Minh - công an thôn Đông Hải, xã Tam Anh Bắc lại khác, chị là niềm tự hào của nhiều người dân ở Quảng Nam.
Đầu năm 2003, khi xã Tam Anh được tách thành xã Tam Anh Bắc và Tam Anh Nam, thôn 1 được chia thành 6 thôn, chị Minh được phân công phụ trách thôn Đông Hải, địa bàn trọng điểm tập trung cơ quan hành chính, trường học cấp 2, cấp 3 và khu dân cư mới với cả trăm hộ dân từ nơi khác đến.
Chị tâm sự: “Suốt 37 năm theo nghề, đã quen với tiếng gọi của bà con, quen đến độ mọi công việc của địa phương, của người dân cũng thành việc của chính mình”.
Trong căn nhà đơn sơ của chị được người cháu họ xây cho, ngoài chiếc giường cũng được người chị gái mua, chẳng có gì nhiều hơn là những tấm bằng khen, những phần thưởng tinh thần ghi lại những đóng góp của chị.
Chị bảo, mấy năm trước chị ở trong một căn nhà tranh ọp ẹp, lãnh đạo huyện Núi Thành đến đề nghị xây cho chị một căn nhà tình nghĩa, chị gạt phăng đi vì còn nhiều người khó khăn hơn chị gấp bội, họ cần hơn chị. Chị một thân một mình thì cần gì đâu.
Trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc xe máy cũ kỹ, chiếc tivi đen trắng cổ lỗ. Chúng tôi cũng không thể hiểu nổi, bởi đồng lương của chị chỉ vẻn vẹn có 500 ngàn đồng một tháng, với một núi công việc theo kiểu làm dâu trăm họ, vậy làm sao chị có thể xoay xở được, trong khi chỉ cần mừng 3 cái đám cưới là… hết. (Nông Thôn Ngày Nay 7/9, tr9)Về đầu trang

Duyệt dự án Bảo trợ trẻ em mồ côi sống trong cộng đồng


UBND tỉnh vừa phê duyệt dự án “Bảo trợ trẻ em mồ côi sống trong cộng đồng” do Hội Huynh đệ Âu-Á (FEA) tài trợ, cơ quan tiếp nhận là Hội Từ thiện tỉnh Quảng Nam.
Tổng giá trị dự án là 2,2 tỷ đồng nhằm thực hiện các nội dung: Phát triển cộng đồng và cải thiện đời sống kinh tế của nhân dân trong vùng dự án, thông qua các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho trẻ, hỗ trợ học tập hằng tháng, liên hệ dạy nghề và giúp đỡ gia đình nuôi trẻ. Thời gian thực hiện từ năm 2013-2017. (Văn Hóa 7/9, tr13)Về đầu trang

Nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho 100 cán bộ Đoàn


Lớp tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng về nghề nghiệp, việc làm cho cán bộ Đoàn cơ sở vừa diễn ra tại huyện Tây Giang. 100 Bí thư, Phó Bí thư Đoàn xã và đoàn viên tiêu biểu người dân tộc Cơtu tham dự.
Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động của dự án Nâng cao nhận thức của thanh niên về học nghề và việc làm thuộc Đề án 103 được triển khai tại các huyện nghèo tỉnh Hà Giang, Nghệ An, Quảng Nam, Kon Tum. (Tiền Phong 10/9, tr7) Về đầu trang

Từng bước kiện toàn đội ngũ Trợ giúp pháp lý


Trong 15 năm qua, công tác Trợ giúp pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã từng bước kiện toàn tổ chức, biên chế, nguồn nhân lực để Trợ giúp pháp lý cho các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số: Cadong, Xêđăng, Mơ nông, Giẻ-Triêng, Cơ-tu ở các huyện miền núi trong tỉnh.
Đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Quảng Nam đã đạt được nhiều thành quả tích cực trên các lĩnh vực, đã thành lập 7 Chi nhánh Trợ giúp pháp lý ở các huyện trọng điểm như: Hội An, Điện Bàn, Thăng Bình, Núi Thành, Đông Giang, Đại Lộc và Bắc Trà My; lập hòm thư Trợ giúp pháp lý, điểm, tổ và Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý ở xã, phường và thị trấn của 18 huyện, thành phố.
Tổ chức 25 cuộc hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho hơn 2.000 chuyên viên, cộng tác viên và thành viên các Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý; in sang 500 băng cassette về các lĩnh vực Trợ giúp pháp lý theo quy định hiện hành của Nhà nước bằng tiếng Cơtu và tiếng phổ thông để nhân dân tiếp cận và tìm hiểu.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động 230 đợt tại 269 xã, đã trợ giúp 4.386 vụ việc cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã nghèo thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Việc mở rộng mạng lưới cộng tác viên TGPL luôn được chú trọng, đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 267 cộng tác viên. (Pháp Luật Việt Nam 8/9, tr5)Về đầu trang

Núi Thành: Cô giáo vận động được hàng trăm suất học bổng


Đó là cô giáo Nguyễn Thị Hường ở thôn Vân Thạch, xã Tam Hiệp. Là người đứng ra thành lập Chi hội Khuyến học tại địa phương, năm học này, cô Hường đã vận động được 192 phần thưởng, học bổng cho các học sinh từ bậc mầm non đến đại học và trên đại học trong thôn.
Trước đó, năm học 2010 - 2011, cô Hường cũng vận động được 100 phần thưởng cho học sinh thôn Vân Thạch. (Nông Thôn Ngày Nay 10/9, tr2) Về đầu trang

THỂ THAO

Quảng Nam tổ chức Giải vô địch Karatedo toàn quốc


Tối 7/9, tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh, Giải vô địch Karatedo toàn quốc năm 2012 đã chính thức khai mạc.
Năm nay, tỉnh đăng cai tổ chức giải với hơn 200 vận động viên đến từ 31 đơn vị tỉnh, thành tham gia thi đấu. Các vận động viên thi đấu với hai nội dung Kata đồng đội nam, nữ; Kumite cá nhân với nhiều hạng cân và đồng đội nam, nữ.
Theo Ban tổ chức, giải vô địch Karatedo toàn quốc năm nay được tổ chức nhằm tiếp tục thúc đẩy việc tập luyện Karatedo trong thanh thiếu niên; phát hiện và tuyển chọn các vận động viên trẻ xuất sắc ở các tỉnh, thành trong cả nước để chuẩn bị lực lượng kế cận cho các SEA Games và ASIAD tới; tăng cường mối giao lưu học tập kinh nghiệm và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các tỉnh, thành phố, đơn vị tham dự giải.
Đây cũng là dịp kiểm tra đánh giá năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ huấn luyện viên, trọng tài, cán bộ quản lý trong công tác huấn luyện và tổ chức thi đấu.
Theo lịch thi đấu, các trận so tài sẽ được diễn ra liên tục từ nay đến ngày 11/9 tới. (Nhân Dân 9/9, tr5; Vietnamplus.vn 7/9; Quân Đội Nhân Dân 8/9, tr8; Tin Tức 8/9, tr11)Về đầu trang

Tam Kỳ: Tổ chức Giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam


Ngày 7/9, Giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam lần thứ XVI Cúp Agribank 2012 mở rộng diễn ra tại thành phố Tam Kỳ.
Giải việt dã lần này thu hút 1.800 vận động viên của 125 đoàn đến từ 13 tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên tham gia.
Ngân hàng Agribank Chi nhánh Quảng Nam vẫn tiếp tục là đơn vị tài trợ chính, và đây là lần thứ 8, ngân hàng này làm nhà tài trợ chính cho giải. (Đại Đoàn Kết 8/9, tr14)Về đầu trang

TIN VẮN

Hội thảo phát triển và bảo vệ không gian công cộng do UBND thành phố Hội An, Trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị (ACCD) và Health Bridge vừa phối hợp tổ chức đã đề xuất nhiều chính sách cụ thể để xây dựng Hội An thành TP sinh thái đầu tiên ở Việt Nam. (Thanh Niên 10/9, tr2) Về đầu trang./.


BTV Dương Chiều







tải về 267.6 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương