BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 10 tháng 9 năm 2012)


Thêm 4 trận động đất mạnh: Ban quản lý vẫn đẩy mạnh tích nước



tải về 267.6 Kb.
trang4/10
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích267.6 Kb.
#29349
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

Thêm 4 trận động đất mạnh: Ban quản lý vẫn đẩy mạnh tích nước


Sáng 6/9, liên tiếp bốn trận động đất, cường độ mạnh nhất tới 3,4 độ Richter xảy ra tại khu vực thuỷ điện Sông Tranh 2 khiến người dân thêm một phen hoảng hốt. Như vậy trong bốn ngày qua, khu vực thuỷ điện này đã xảy ra 12 trận động đất.
Nhiều trận động đất với mật độ dày liên tiếp xảy ra kèm theo tiếng nổ, giữa lúc mưa lũ tràn về gây lo ngại cho các nhà khoa học và hàng chục ngàn hộ dân vùng hạ lưu công trình thuỷ điện với sức chứa 730 triệu m3 vừa được chữa lành “vết thương” này.
Trong lúc chính quyền huyện Bắc Trà My đang tổ chức lễ giao quân, tiễn bộ đội lên đường nhập ngũ vào sáng ngày 6.9 thì lòng đất bỗng dưng phát nổ, rung chuyển khiến hàng trăm người hoảng sợ, chạy tán loạn. Những trận động đất này tạo dư chấn trong bán kính hơn 60km ở các huyện: Hiệp Đức, Tiên Phước, Phước Sơn, Nam Trà My và Bắc Trà My.
Có mặt tại khu vực xảy ra động đất, ông Trần Kim Hùng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã thốt lên: “Lâu nay tôi chỉ biết động đất ở vùng Trà My thông qua báo cáo của địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng, lần này trực tiếp chứng kiến mới thấy hết mức độ của nó. Người dân hoang mang là hoàn toàn có cơ sở”.
Ông Hùng lập tức đề nghị huyện Bắc Trà My làm báo cáo nhanh gửi HĐND và UBND tỉnh để báo cáo Chính phủ nhờ can thiệp, tìm giải pháp giúp dân.
Theo ông Hùng, tình hình động đất vẫn tái diễn liên tục và có cường độ mạnh như những ngày gần đây thì trong thời gian tới sẽ rất khó lường và nguy hiểm. Động đất có thể là do làm thuỷ điện gây ra chứ trước đây không có hiện tượng này.
“Nếu động đất gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản của dân thì tỉnh sẽ kiến nghị, kiên quyết buộc chủ đầu tư phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả thiệt hại”, ông Hùng cho biết.
Trong khi đó, ông Hồ Văn Đức (ở xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My) than thở: “Mấy ngày qua cả nhà tui mất ăn mất ngủ vì phập phồng lo sợ động đất. Sáng 6/9 mới ngủ dậy chuẩn bị ăn sáng, đi làm thì bỗng nghe lòng đất nổ vang rền như tiếng sấm sét, nhà cửa lắc lư mạnh. Con nhỏ tôi sợ quá khóc ré lên, luýnh quýnh chạy té ngã trên sàn nhà. Nếu kéo dài tình trạng động đất liên miên thế này làm sao dân tình chúng tôi sống nổi”.
Nhiều người dân cho biết, động đất càng ngày càng lớn khiến nhà nứt thêm, và có lẽ phải bỏ xứ đi nơi khác bởi “sống kiểu ni không chết vì thuỷ điện thì cũng chết vì đau tim”.
Cùng ngày, viện Vật lý địa cầu xác nhận có đến bốn trận động đất gần khu vực thuỷ điện Sông Tranh 2, trong đó trận động đất với cường độ mạnh nhất ghi nhận được vào lúc 7 giờ 17 phút sáng 6/9 là 3,4 độ Richter; độ chấn tiêu sâu 12,5km, tâm chấn xảy ra ở xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn – ranh giới sát với thuỷ điện này.
Khảo sát tình hình địa chất khu vực thuỷ điện Sông Tranh 2 thời gian qua, các nhà khoa học cho rằng công trình này xây trên điểm xung yếu của vỏ trái đất, động đất mạnh nhất có thể đạt 6,1 độ Richter. Hệ thống đứt gãy tại khu vực lòng hồ thuỷ điện Sông Tranh 2 có biểu hiện phức tạp, do đó khi dung tích nước ở hồ chứa dâng lên hoặc hạ xuống đột ngột thì gây nên hiện tượng động đất kích thích.
Hiện tại bờ đập chính thuỷ điện Sông Tranh 2, nhiều nhóm công nhân vẫn tiếp tục công việc sửa chữa. Tuy nhiên, sau những đợt dư chấn do động đất kích thích, dọc theo tuyến đường liên huyện qua khu bờ trái đập chính thuỷ điện này – cả phía thượng lưu lẫn hạ lưu đều xảy ra tình trạng sụt lún, trượt và sạt lở đất nghiêm trọng. Có hàng chục điểm trượt đất, sạt lở với lượng đất đá lớn đổ xuống đường. Những điểm sụt lún còn tạo ra nhiều hố sâu.
Theo thiết kế, đập thuỷ điện Sông Tranh 2 chịu đựng được động đất mạnh 5,5 độ Richter. Trong khi đó, Giáo sư Cao Đình Triều - chuyên gia viện Vật lý địa cầu nhận định, động đất mạnh nhất có thể xuất hiện tại khu vực hồ Sông Tranh 2 đạt xấp xỉ 5,5 – 6,1 độ Richter.
Nếu động đất mạnh xảy ra trong lòng hồ thì nguy cơ tạo nên cột sóng lớn (sóng thần) tác động trực tiếp vào thân đập có nguy cơ gây vỡ đập. Ngoài ra, do hoạt động động đất thường xuyên, độ sâu chấn tiêu nông có thể gây nên biến đổi môi trường của đới đứt gãy đã có từ trước, làm tăng nguy cơ hoạt động của các tai biến địa chất khác như: trượt – lở đất; nứt – sụt đất; lũ quét.
Đến thời điểm này, chủ đầu tư vẫn khẳng định “đập an toàn”. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học tỏ ra lo ngại, nhất là mưa lũ bất thường kèm theo những trận động đất liên tiếp có thể gây mất an toàn cho đập thuỷ điện Sông Tranh 2.
Giáo sư, Tiến sĩ Đào Trọng Tứ - cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, nguyên phó tổng thư ký hiệp hội Sông Mekong, lo lắng: “Sau khi xử lý sự cố thấm, hồ chứa vẫn chưa tích nước trở lại mà phía chủ đầu tư đã khẳng định đập đã an toàn là quá vội vàng. Lo nhất là lũ lớn ập về bất thường khiến dung tích hồ chứa thay đổi đột ngột, càng làm gia tăng động đất kích thích dễ gây mất an toàn cho con đập vừa khắc phục xong sự cố”.
Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – chủ đầu tư thuỷ điện Sông Tranh 2, chiều tối 6/9 vẫn khẳng định: “các đợt rung chấn vừa qua không ảnh hưởng đến công trình”.
Nhận định đó được EVN đưa ra sau khi EVN cho hay họ đã kiểm tra các hạng mục công trình ngay sau khi xảy ra các đợt rung chấn do động đất.
“Các dữ liệu quan trắc do các thiết bị lắp đặt trong thuỷ điện Sông Tranh 2 đo được rung chấn có cường độ lớn nhất 4,2 độ Richter. Trong khi đập thuỷ điện Sông Tranh 2 đã được thiết kế cường độ kháng nén lớn bảo đảm an toàn khi có động đất tới 5,5 độ Richter”, thông báo của EVN nhấn mạnh.
Giáo sư Vũ Trọng Hồng - chủ tịch hội Thuỷ lợi Việt Nam, quan ngại: “Việc khắc phục sự cố thấm ở đập thuỷ điện mới hoàn tất phần trên khô và dừng lại ở việc dán 10 khe nhiệt dưới nước ở phía thượng lưu. Các nhà thầu, chuyên gia vẫn chưa khoan kiểm tra thân đập xem lượng nước thấm suốt thời gian dài qua có tạo phần trống rỗng bên trong không. Do vậy chưa thể nói là xử lý sự cố thấm đã hoàn tất và đảm bảo an toàn”.
Nhiều chuyên gia thuỷ lợi, thuỷ điện đề xuất, việc cần làm trước mắt là tính toán ngay tích nước hồ chứa, dâng nước trở lại với dung tích bao nhiêu cho hợp lý. Sau thời gian dài xảy ra sự cố thấm, đập thuỷ điện Sông Tranh 2 khó thể đảm bảo hoàn chỉnh như thiết kế ban đầu.
Bên cạnh đó, cần khảo sát, đánh giá những trận động đất vừa qua tác động đến thân đập và bờ hồ chứa thế nào, có nguy cơ gây sạt lở hay không để chủ động ứng phó. Trong trường hợp lũ về trong ngày bất thường, có khi dâng lên 3 – 4m thì rất nguy hiểm.
Mặc cho lo ngại của các hàng chục ngàn hộ dân vùng hạ lưu công trình và các nhà khoa học, hiện tại ban quản lý dự án thuỷ điện 3 (đơn vị quản lý thuỷ điện Sông Tranh 2) đã bắt đầu tích nước hồ chứa trở lại.
Ngày 6/9, ông Trần Văn Hải -Trưởng Ban quản lý dự án thuỷ điện 3 nói: “Nhà máy đang tích cực tích nước ở hồ chứa thuỷ điện trở lại sau thời gian dài xử lý sự cố thấm ở đập. Phương án của nhà máy là lũ về đến đâu là tích nước đến đó. Hiện lượng nước trong lòng hồ vẫn chưa đủ cung ứng cho hai tổ máy hoạt động thường xuyên để phát điện”. (Sài Gòn Tiếp Thị 8/9, tr1+8)Về đầu trang


tải về 267.6 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương