BÀn về TƯ TƯỞng phật học trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung ht. Chơn Thiện Chùa Tường Vân Huế 2004


Hồi 48 : Kẻ Thù Lại Chính Là Cha - Đứa Con Oan Nghiệt Bây Giờ Là Vua



tải về 1.02 Mb.
trang38/40
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích1.02 Mb.
#25038
1   ...   32   33   34   35   36   37   38   39   40

Hồi 48 : Kẻ Thù Lại Chính Là Cha - Đứa Con Oan Nghiệt Bây Giờ Là Vua


48.1. Lược truyện

- Đoàn Diên Khánh đến. Phong Ba Ác, Công Dã Càn, Đặng Bách Xuyên, Bao Bất Đồng và Mộ Dung Phục hợp đánh mà vẫn ở thế hạ phong. Chế ngự được Phong Ba Ác , Đoàn Diên Khánh tha chết. Mộ Dung Phục bèn ra hiệu dừng kiếm để trao đổi. Mộ Dung Phục nói rõ đã bắt được Đoàn Dự, mong hai bên hợp tác để sắp đặt Đoàn Diên Khánh lên ngôi vua, còn Mộ Dung Phục về sau sẽ xin viện trợ quân sự để phục hưng nước Đại Yên. 

- Đoàn Diên Khánh, thuận tình, bảo Nam Hải Ngạc Thần dẫn nhóm người Đoàn Chính Thuần, đã bị điểm huyệt, vào nhà của Vương phu nhân để tiếp tục thương nghị. Nhóm người bị điểm huyệt bao gồm: Đao Bạch Phượng, Cam Bảo Bảo, Nguyễn Tinh Trúc, Tần Hồng Miên, Phạm Hoa, Thôi Bách Tuyền, Quá Ngạn Chi và Đoàn Chính Thuần. 

- Đoàn Chính Thuần ngạc nhiên thấy mặt Vương phu nhân đang bảo đem Đoàn Dự ra để Đoàn Diên Khánh nhận diện. 

- Mộ Dung Phục dối trá, vu khống Đoàn Dự đã làm ô uế Vương Ngữ Yên khiến Vương phu nhân nổi khùng đấm đá Đoàn Dự... 

- Nam Hải Ngạc Thần đến cứu Đoàn Dự, sư phụ của ông, bị Đoàn Diên Khánh đánh chết. Đoàn Diên Khánh đưa gậy lên định giết luôn Đoàn Dự, thì vừa nghe có tiếng nói của Đao Bạch Phượng khéo nhắc lại "hoạt cảnh" giao hợp giữa ông ta và bà (mà ông đinh ninh là Bồ tát áo trắng) hai mươi năm về trước, ông liền ngưng tay nhìn lại gương mặt Đoàn Dự biết là con đẻ của mình, ông sững sốt... 

- Mộ Dung Phục, ác hiểm hơn, ném Bi Tô Thanh Phong để làm tê liệt Đoàn Diên Khánh và mọi người, và ra điều kiện; Đoàn Chính Thuần phải đăng quang trong vòng hai tháng tới; Đoàn Diên Khánh nhận anh ta làm con nuôi... 

- Phong Ba Ác phản đối tính toán ấy của Mộ Dung Phục liền bị chàng giết. Ba huynh đệ còn lại ôm xác bạn khóc rồi lặng lẽ ra đi, đi xa... 

- Đoàn Chính Thuần không chịu nghe theo, Mộ Dung Phục lần lượt giết bà Nguyễn Tinh Trúc, Cam Bảo Bảo, Vương phu nhân. Đến lượt Đao Bạch Phượng, Đoàn Dự thức tỉnh ra khỏi tình cảm tuyệt vọng, nội lực cuồn cuồn tuôn trào, bức được dây trói, phóng Lục Mạch Thần kiếm cứu mẹ. Chàng đánh gãy vụn kiếm của Mộ Dung Phục và đả thương chàng ở bả vai, khá nặng; Mộ Dung Phục khiếp vía chạy trốn... 

- Hiểu rõ sự tình, Đoàn Chính Thuần vận công lấy kiếm tự vẫn, nằm cạnh các tình nhân, cho trọn tình chung thủy. 

- Đoàn Dự định phóng chỉ kiếm giết Đoàn Diên Khánh thì bà Đao Bạch Phượng kịp can ngăn, bảo Đoàn Dự đến gần, bà nói rõ câu chuyện, bảo chàng giữ kín, về Đại Lý làm một vị vua tốt, rồi bất giác bà cũng rút kiếm tự vẫn, nằm cạnh phu quân Đoàn Chính Thuần... 

Đoàn Dự ôm xác bố, mẹ khóc nức nở... 

Đoàn Diên Khánh lòng cảm thấy phấn khởi, được an ủi và ra đi, đi xa mãi... 

- Mai kiếm và Lan kiếm đến báo tin Hư Trúc đã chính thức làm phò mã Tây Hạ... 

- Đoàn Dự và các đại thần Đại lý lo an táng, khâm liệm, và rước linh cửu về hoàng cung... 

- Giữa đường về, nhóm Ba Thiên Thạch và Vương Ngữ Yên mới hồi tỉnh khỏi ảnh hưởng của Túy Nhân Phong... 

- Đến nội cung, Đoàn Chính Minh và Đoàn Dự khóc rất đau đớn. 

Đoàn Dự tâu nhà vua về sự thật chàng là con đẻ của Đoàn Diên Khánh và xin lệnh vua cho chàng rời khỏi hoàng thành. Nhà vua bảo giữ kín chuyện. Vua đã xuất gia, nay truyền ngôi báu cho Đoàn Dự, dặn dò bảo toàn danh dự cho song thân, thương dân và biết nghe các lời can gián... không nên vọng động binh đao... 

---o0o---

48.2. Ý kiến

- Về một vị vua: 

Theo truyền thống của giáo lý nhà Phật, qua các kinh liên hệ Chuyển Luân Thánh Vương, nhà vua phải có khả năng, rất đạo đức, trị dân theo chánh đạo, hy sinh vì dân, trọng nhân tài... nếu Đoàn Diên Khánh hiểu biết đạo lý này thì đã không rơi vào từ sai lầm này đến sai lầm khác, và đã không tạo ra nhiều bi kịch cho Hoàng gia. Thái độ của Đoàn Chính Minh và Đoàn Dự là một thái độ nhận thức mới phù hợp với đạo lý nhà Phật, không chấp thủ về huyết thống, tộc hệ, mà chỉ vì an lạc hạnh phúc của toàn dân. Đây là một cái nhìn mới về yêu cầu ở một nhà lãnh đạo mà Thiên Long Bát Bộ giới thiệu. 

- Về nhân vật Hoàng gia Đoàn Chính Thuần, ông là người đa tài, đa năng và đa tình, là một nhà ngoại giao có tầm nhìn rộng, có nhiều năng lực. Gác lại các nhận định về cuộc đời tình cảm của ông, mà chỉ nhìn về khía cạnh "nhân duyên" ràng buộc các hiện hữu, bạn đọc sẽ thấy rằng: 

- Nếu không vì an ninh của Đại lý và của Đoàn Hoàng gia, thì Đoàn Chính Thuần sẽ không cưới Đao Bạch Phượng. 

- Nếu không cưới Đao Bạch Phượng, thì Đoàn Chính Thuần sẽ không bị ràng buộc vào phong tục một vợ một chồng. 

- Nếu không bị ràng buộc vào tập quán khắt khe ấy, Đoàn Hoàng gia sẽ không gặp rắc rối về các vụ tình duyên, do có thể dễ dàng sắp đặt thuận thảo giữa các bà phu nhân Đại lý hay dị tộc... Đấy là ý nghĩa: 

"Cái này sanh thì cái kia sanh 

Cái này diệt thì cái kia diệt" 

của giáo lý Duyên Khởi của Phật Giáo. 

- Mộ Dung Phục là một điển hình của "đại tà". Anh ta vận dụng mọi thủ đoạn, và xem tất cả xã hội là công cụ của anh ta để thỏa mãn các tham vọng cá nhân. Đấy là một suy nghĩ rất sai lầm, đi ngược với đạo lý, tình người... Kết quả là, dù rất thông minh tài ba, dù dốc cạn hết năng lực và ý chí để thực hiện ý đồ cá nhân, anh ta vẫn phải chịu khổ thê thảm hơn cái chết: điên loạn. 

Thiên Long Bát Bộ cho thấy đó là con đường hại mình, hại người, hại xã hội, cần được khóa chặt lại. Qua đó, Thiên Long Bát Bộ còn cho thấy văn hóa Phật giáo không phải chỉ là văn hóa của giải thoát cá nhân, mà còn là văn hóa xây dựng và phát triển một xã hội tốt đẹp, ổn định lâu dài, trong mối tương quan rộng rãi khu vực và quốc tế.

---o0o---

Hồi 49 : Sống Chết Chẳng Qua Là Giấc Mộng - Sá Gì Phú Quý Với Vinh Hoa


49.1. Lược truyện

- Ở Đại Lý, Đoàn Chính Minh chính thức truyền ngôi báu cho Đoàn Dự. Cùng lúc, ở Đại Tống cách xa mấy nghìn dặm về phía Bắc, Thái hoàng thái hậu Cao Thị băng hà, Triệu Hú, mới lên 18 tuổi, trực tiếp chấp chính thi hành "biến pháp" của Vương An Thạch, bạc đãi hai vị trọng thần là Tô Thức (Tô Đông Pha) và Tô Triệt (tể tướng), giáng xuống làm quan nhỏ ở Châu, Huyện. 

- Gia Luật Hồng Cơ, vua Khất Đan, nhân cơ hội cử Nam Viện Đại Vương Tiêu Phong hưng binh Chinh Nam phạt Tống. Tiêu Phong sợ trăm họ hai nước điêu linh, can gián nhà vua không được, xin treo ấn từ quan (lặng lẽ trốn đi). Hay tin, Gia Luật Hồng Cơ và Mục quý phi đánh độc dược bắt giam ngục Tiêu Phong, tiếp tục điều binh đánh Tống. 

- Tiêu Phong giục A Tử trốn về Trung Nguyên. Lúc giải Tiêu Phong và A Tử đi qua cầu, A Tử phóng mình xuống dòng sông, lặn mất... rồi về Trung Nguyên cấp báo cho Ngô trưởng lão, Hư Trúc, Đoàn Dự... 

---o0o---

49.2. Ý kiến

- Gia Luật Hồng Cơ luôn luyện tập quân sĩ, sẵn sàng cho cuộc Nam Chinh, nhòm ngó đến giang sơn trù phú của Đại Tống. 

Tiêu Phong thì chỉ lo nghĩ bảo vệ biên cương vững chắc, lo cho muôn dân thái bình, hạnh phúc. Liêu, Tống không xâm phạm lẫn nhau. 

Ở chùa Thiếu Lâm, một lần Tiêu Phong cũng đã phát biểu như thế, và được nhà sư áo lam ca ngợi là Tiêu Phong có tấm lòng của Bồ tát. Đó là cách hành xử đúng đắn và phù hợp với văn hóa Phật giáo. Đoàn Dự và Hư Trúc có cùng cách hành xử như thế. 

Nếu phóng tầm nhìn ra thế giới, lùi về vài nghìn năm lịch sử trong quá khứ, thì bạn đọc sẽ phát hiện ra một sự thật rằng: các triều đại chủ trương xâm lược đều là các triều đại gắn liền với tôn giáo khác Phật giáo. Đây là điều đáng được thời đại suy ngẫm!

 ---o0o---




tải về 1.02 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   32   33   34   35   36   37   38   39   40




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương